Sự suy sụp kinh tế toàn cầu hiện nay là một sự phá sản tất yếu của chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism) hay hưởng thụ quá mức (over-consumerism), những biểu hiện của lòng tham đầy vị kỷ. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn hoặc đang bị mê hoặc hay choáng ngợp trước sự giàu sang một cách vô tình, sẵn sàng “vong thân”, tự đánh mất mình hay đánh mất truyền thống văn hoá của dân tộc.
Một sự cứu nguy hay giải pháp khả thi cấp tốc cho toàn xã hội đó là Thiền và sự ứng dụng của nó, đặc biệt là ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ hội nhập thế giới.Thiền
Thiền xuất phát từ Ấn Độ cổ đại, được xem là một phương pháp giáo dục con người toàn diện, hướng con người đến chân – thiện – mỹ, rèn luyện con người phát triển thể lực và trí lực một cách hài hoà và tốt đẹp. Theo dòng lịch sử Thiền đã du nhập vào nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới và ở mỗi địa phương ấy Thiền đã bám rễ và có phong cách văn hoá riêng của mình.
Thiền ở Ấn Độ có nét siêu nhiên. Một vị hành thiền thuần thục có thể thể nghiệm những thần thông như “một thân biến thành nhiều thân; tàng hình đi xuyên qua tường, độn thổ xuống đất; đi trên mặt nước; ngồi kiết già bay trên hư không giống như chim; có thể sờ mó mặt trăng, mặt trời…”[1]
Người Trung Quốc thường được xem có tính thực tế, không thích đắm mình vào những vấn đề thần bí của tôn giáo như thế nào là bản chất của vũ trụ, sự tái sinh, v.v…Lần đầu tiên khi đối mặt với sự xâm nhập của Phật giáo Ấn Độ người Trung Quốc bị quyến rũ nhưng rồi dần dần họ đã tự khẳng định mình. Họ bắt đầu tìm kiếm một số đặc điểm nào đó trong đạo Phật mà họ có thể hiểu và thực hành, và không lâu sau họ đã tìm thấy Thiền như là một tinh hoa của Phật giáo. Kết quả, Thiền tông ra đời và phát triển, đặc biệt là dưới sự hướng dẫn của Huệ Năng, một tổ sư Thiền ít chữ nhưng nổi tiếng vào thời kỳ vàng son của triều đại nhà Đường, Trung Hoa (A.D. 625-755). Trong suốt hơn một trăm ba mươi năm này Thiền cùng với các lĩnh vực khác ở Trung Hoa như văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật, và văn chương đã tự do khởi sắc và phát triển. Thiền tông Trung Hoa này không thiên về lý luận như các tông phái Phật giáo khác ở đây như là Thiên Thai, Hoa Nghiêm và Duy Thức; do vậy, nó đã đáp ứng được khuynh hướng thực tiễn của người Trung Hoa. Và, Huệ Năng chủ trương Phật quốc chính là ở tại thế gian này:
“Phật quốc là thế gian này mà trong đó sự giác ngộ được tìm cầu. Tìm cầu giác ngộ mà bằng sự tách rời ra khỏi thế gian này thì hão huyền giống như tìm sừng thỏ”.[2]
Ở Nhật Bản, Thiền hay Zen đã trở thành một phần của kho từ vựng thế tục như là “Zen của X” hay “Zen và nghệ thuật của X” hay nói một cách khác, ý niệm Thiền đã thâm nhập vào văn hoá dân gian. Trong bối cảnh này, Thiền luôn ám chỉ một ý nghĩa tự do, thanh thoát, và hợp nhất với thế giới và điều đó có thể được cảm nhận không chỉ trong những hình thức kỹ thuật cao của hành thiền mà còn trong bắn cung, làm vườn, nghi thức uống trà, và ngay trong cả những việc thế gian như là bảo trì xe máy… Ở Việt Nam ta có nghe nói về trà đạo, kiếm đạo, cung đạo, nhu đạo … Đạo ở đây có nghĩa là Thiền và cũng có nghĩa là nghệ thuật. Những sử gia thường cho rằng sự hiểu biết đặc biệt về Thiền phát xuất từ một phong trào cải cách của Phật giáo xảy ra ở nước Nhật vào thời kỳ Minh Trị (1868-1912) và hậu Minh Trị. Trong giai đoạn này Phật giáo bị xem là ngoại lai, đồi bại và mê tín. Nhưng tín đồ của Thiền đã phản ứng lại bằng một chủ trương tân Phật giáo hoàn toàn hiện đại, không giáo phái và dấn thân vào xã hội. Một thiền sư tiêu biểu của giai đoạn này là D. T. Suzuki (1870-1966) – người có công truyền bá Zen đến các nước phương Tây – cho rằng, trải nghiệm Zen là sự siêu việt nhị nguyên và tri thức, và do vậy ưu việt đối với tất cả những trải nghiệm của tôn giáo.[3]
Khi đến Việt Nam thì Thiền đã có những sắc thái riêng - một sự đồng hành và góp phần tạo nên sức mạnh văn hoá của dân tộc:
a) Sức mạnh văn hoá của dân tộc Việt Nam:
Nhiều lần trong lịch sử của nhân loại, những sự việc đã xảy ra chỉ có thể đặt trong phạm trù những hiện tượng kỳ diệu. Những hiện tượng như vậy đã làm ngạc nhiên cả những nhà sử học lẫn khoa học. Lịch sử đấu tranh và giải phóng của người Việt Nam khỏi những đế quốc hùng mạnh như Trung Quốc, Mông Cổ, Pháp, Mỹ thuộc loại phạm trù những hiện tượng kỳ diệu như vậy. Điều này có thể chỉ ra rằng, đứng về phương diện vật chất thì Việt Nam khó là đối thủ của những đế quốc đó. Do vậy, người ta phải tìm một lối giải thích khác; đó là, sức mạnh văn hoá của dân tộc Việt Nam.
b) Thiền Phật giáo Việt Nam là một thực thể văn hoá bao gồm chính trị – xã hội – triết học – tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam hay sự nhập thế của đạo Phật ở Việt Nam:
Đạo Phật đã đến Việt Nam vào khoảng một, hai thế kỷ trước Công nguyên trong bối cảnh dân tộc này đang không ngừng đấu tranh nhằm giải phóng ách đô hộ Phương Bắc (111 trước CN – 938 CN). Ban đầu, đạo Phật được người Việt chấp nhận như là vị cứu tinh, họ mong ước một vị Phật quyền năng để cứu vớt những linh hồn và dân tộc của họ. Nhưng tất cả đã trở thành vô ích. Dần dần, người Việt nhận ra rằng chỉ có sức mạnh của chính mình mới có thể cứu mình. Đây là lý do tại sao Thiền đã trở thành vai trò mang tính quyết định sau đó. Không nghi ngờ gì nữa khi ngôi chùa Phật giáo đầu tiên “Khai Quốc” đã được xây dựng vào thời gian của cuộc kháng chiến thành công ngắn ngủi (545 – 603) do Lý Bân lãnh đạo.
Và đã có sự chuyển hướng từ bí ẩn sang chính trị ở đạo Phật Việt Nam, từ Tì Ni Đa Lưu Chi đến Trúc Lâm (một thiền phái Việt Nam được thành lập bởi vua Trần Nhân Tông (1258 – 1380), và cho đến thời hiện đại. Trong thập niên 1960, trước sự đàn áp và phân biệt của chính quyền Công giáo Nam Việt Nam, nhiều phong trào Phật giáo đã nổi lên và đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các tôn giáo. Vào ngày 11/06/1963, nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu đã làm xúc động lòng người trong nước và khắp thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vào năm 1963, và sau đó cũng đã góp phần vào sự thống nhất đất nước vào năm 1975.
Làm thế nào để quốc gia được bền vững ? Câu hỏi trọng đại này đã được vua Lê Đại Hành (980 – 1005) nêu lên không lâu sau khi Việt Nam khôi phục lại chủ quyền sau một nghìn năm dưới ách đô hộ của Phương Bắc, và đã được Thiền sư Pháp Thuận trả lời như sau:
“Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh”
(Tạm dịch)
“Ngôi nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Đạo đức ở cung điện
Chốn chốn hết đao binh.”[4]
Theo Pháp Thuận, chính lối sống đạo đức của chính quyền là nguyên nhân chính yếu cho sự thống nhất các tầng lớp quần chúng và sự vững bền của dân tộc.
Trên phương diện chính trị, quần chúng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Những vị vua Phật giáo đời nhà Lý và Trần đã coi trọng ý dân, lòng dân, bạn của dân, thương sức lao động của dân trong khi thực hiện những hoạt động chính trị như dời đô, lên ngôi, thay đổi triều đại, tuyên chiến. Tuy nhiên, để thu phục nhân tâm, vua phải sống có đạo đức. Để làm tỏ đạo đức của vua, Quốc sư Viên Thông (1080 – 1151) đã giải thích như sau :
“Dân ví như một đồ vật, nó sẽ yên khi được đặt ở chỗ yên và nó sẽ nguy hại khi được đặt ở nơi nguy hiểm. Điều quan trọng là tính cách của vua. Nếu đạo đức của vua phù hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu vua như cha mẹ, sẽ ngưỡng nhìn và xem vua như mặt trăng mặt trời. Điều đó có nghĩa là đặt dân vào nơi chỗ yên vậy.”[5]
Vì sống có đạo đức nên các vua Lý và Trần đã tập hợp được quần chúng và chiến thắng quân xâm lược.
Khuynh hướng chính trị biểu hiện sự gắn bó rất gần gũi giữa Phật giáo và dân tộc Việt nam. Nhưng không phải chỉ trên phương diện chính trị.
Phật giáo Việt Nam cũng đã mang lại sự thịnh vượng và hòa bình cho đất nước. Một học giả Việt Nam cận đại đã nhận xét rằng : “Triều Lý có thể được gọi là triều đại từ bi nhất trong lịch sử của dân tộc ta. Chính do ảnh hưởng của đạo Phật”. Một học gỉa khác bình luận về kinh tế ở triều đại nhà Trần (1225 – 1400) như sau :
“Không có một giai đoạn nào trong lịch sử trung đại Việt Nam mà kinh tế công thương nghiệp và thành thị lại phát triển như vậy, lại được nhà nước phong kiến tạo điều kiện mở mang như vậy. Thương nhân được tự do kinh doanh, tầng lớp đại thương trở thành tầng lớp tiến bộ nhất trong xã hội ở các thế kỷ XIII – XIV.”[6]
Đối với tôn giáo, Phật giáo Việt Nam tôn trọng sự bình đẳng giữa các tôn giáo. Vua Trần Thái Tông (1218 – 1277), một thiền sư Phật giáo, đánh giá cao ba tôn giáo – Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo.[7] Thiền sư nói:
“Mặc dầu cuộc đời là qúi, nhưng nó không qúi như Đạo. Do vậy, Khổng Tử nói: ‘Thật thỏa mãn cho ta khi được nghe Đạo vào buổi sáng cho dầu phải chết vào buổi chiều.’ Lão Tử nói: ‘Ta đã có một nỗi lo lớn. Chính vì ta đã có cái thân này.’Đức Phật cầu Đạo đã tự hy sinh để cứu độ chúng sinh đang đau khổ. Ba vị thánh này đã xem thường thân mạng mình để coi trọng đạo, phải vậy không ?”[8]
Trần Nhân Tông, nhà vua và cũng là Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm, với chủ trương Cư trần lạc đạo, đưa tinh thần lạc quan của đạo Phật vào trong đời sống thế tục. Chính ông là người lãnh đạo hai cuộc kháng chiến thành công chống giặc Nguyên Mông (1385 và 1387), đánh dấu một giai đoạn lịch sử hoàng kim của dân tộc.
Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu, một Phật tử và cũng là người đã hoàn tất cuộc Nam tiến, mở rộng đất nước đến mũi Cà Mau, chủ trương Cư Nho mộ Thích, kết hợp Nho và Phật, sử dụng cách điều hành kiểu Nho giáo nhưng với cái tâm Phật giáo. Sáu Thiền phái của giai đoạn này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, đó là: Tào Động, Trúc Lâm, Quốc Ân, Thập Tháp, Chúc Thánh và Liễu Quán.
Dẫu Thiền ở các nước có những đặc điểm khác nhau nhưng chúng vẫn có những điểm chung căn bản.
Cơ sở lý luận của Thiền là: Sự tập trung tư tưởng. Bộ óc con người khi tập trung vào một đối tượng thì tạo ra một sức mạnh nội tâm như một ngọn đèn pha chiếu sáng, khiến thấy rõ mọi sự vật; trong khi đó nó làm ức chế và khiến những phần còn lại của vỏ não được nghỉ ngơi, thanh thản. Tâm trí, nếu không được huấn luyện đúng cách, thường tán loạn, vọng tưởng, chạy theo những dục vọng gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức, luật pháp… Phương pháp thực hành Thiền có nhiều cách, nhưng có một cách đơn giản mà hiệu nghiệm, đó là: Quán tưởng hơi thở. Vị ấy ngồi yên lặng, lưng thẳng, mắt khép lại và để ý hơi thở vô ra. Hơi thở này đang đi vào, vị ấy biết rõ như vậy; hơi thở này đang đi ra, vị ấy biết rõ như vậy. Trong khi đang theo dõi hơi thở như vậy, nếu có những hình ảnh, kỷ niệm, suy nghĩ, lo lắng dù chúng có đẹp hay xấu, vui hay buồn thì vị ấy đừng để ý hay bận tâm, phê phán. Sau một thời gian lâu hay mau tuỳ theo sự nỗ lực của từng người mà sẽ có hiệu quả sớm hay muộn. Thước đo kết quả của sự luyện tâm là vị ấy cảm thấy sức khoẻ thân tâm của mình ngày càng được tốt hơn: ngủ ngon giấc không chiêm bao mộng mị, bớt lo lắng phiền não, vui vẻ, tập trung vào công việc đang làm một cách tự nhiên. Một sự luyện tâm như vậy sẽ dần tạo ra một phản xạ có điều kiện mới thay thế cho những thói quen xấu cũ. Thiền không chỉ có ngồi mà còn được ứng dụng trong mọi hành vi cử chỉ như đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, quét rác, bửa củi… Một thiền giả luôn chánh niệm tỉnh giác với mọi biểu hiện của ý, lời nói và hành động của mình.
Người chứng nghiệm thiền định có khả năng trực giác, siêu việt lý luận. Lý luận là loại tư duy còn mang tính đối đãi hay mâu thuẩn nội tại với những cặp phạm trù đúng – sai, thiện – ác, đẹp – xấu… Nhưng trực giác siêu việt những cặp phạm trù này, giúp hành gỉa có tính tự chủ, sáng tạo và tiếp thu cái mới một cách có chọn lọc.
Giáo dục Việt Nam thời hội nhập
1. Các mẫu giáo dục Đại học hiện đại:
Immanuel Kant (1724-1804), cha đẻ thực thụ của trường Đại học hiện đại, đã kết hợp triết học duy lý (rationalism) của Descartes với triết học duy nghiệm (empiricism) của Bacon và mở đầu cho thời kỳ Khai Sáng. Vị này chủ trương Đại học hiện đại phải có một tư tưởng chủ đạo, tạo thành nền tảng cho mọi hoạt động của nó, bao gồm mục đích, triết lý, phương pháp, cũng như quan hệ giữa các khoa và quan hệ của trường với nhà nước. Tư tưởng chủ đạo ấy là lý tính. Đối với Kant, cũng như đối với các nhà tư tưởng của thời đại Khai sáng, lý tính hay lý trí là một năng lực phổ quát có khả năng giúp con người khám phá thế giới và hành động đúng đắn, hợp với quy luật tự nhiên.
Nhưng với Wilhelm von Humboldt (1767-1835) thì chủ trương Đại học văn hoá. Với Humboldt, cũng như nhiều nhà tư tưởng đương thời như Schiller, Schleiermacher, hay Fichte, văn hoá là sự kết hợp hai mặt: những kiến thức khác nhau được nghiên cứu và đồng thời là sự phát triển nhân cách thông qua quá trình nghiên cứu đó. Các kiến thức được nghiên cứu dựa trên lý trí và được lý trí liên kết thành một hệ thống thống nhất, nhưng quan trọng hơn là nó kết tinh trong truyền thống. Đồng thời, sự phát triển của nhân cách chính là sự trưởng thành của cá nhân thông qua việc hấp thụ những gì thuộc lý trí trong truyền thống đó. Ta có thể thấy rằng văn hoá gắn liền với truyền thống, nhưng đồng thời cũng có vai trò dẫn dắt con người tới tương lai. Có thể nói rằng văn hoá là cái liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai của một cộng đồng. Như thế, văn hoá chính là nền tảng tạo nên bản sắc: con người văn hoá ở đây gắn liền với truyền thống của cộng đồng, cụ thể là truyền thống dân tộc. Nói cách khác, ĐH chính là nơi tạo nên chủ thể văn hoá của một quốc gia. Humboldt tin rằng nếu được giáo dục con người sẽ trở thành những chủ thể tự do, có khả năng suy nghĩ độc lập để hành động vì lợi ích dân tộc - điều cực kỳ quan trọng đối với các nhà nước - dân tộc đang hình thành và lớn mạnh ở châu Âu thời bấy giờ.
Văn học nổi lên thay cho Triết học trong trường ĐH duy lý của Kant. Lý do dễ nhận thấy là triết học có xu hướng hướng tới tính phổ quát, trong khi văn học gắn liền với ngôn ngữ và ký ức của một cộng đồng cụ thể. Một lý do khác là triết học chỉ dành riêng cho một tầng lớp tinh hoa, trong khi ấy văn học có thể được chia sẻ bởi đa số thành viên của cộng đồng. Do vậy, giảng dạy văn học dân tộc trở thành bộ môn quan trọng bậc nhất trong trường Đại học hiện đại.
Và ở phương Tây, hiện nay các trường Đại học Văn hóa theo hình mẫu của Humboldt đang biến mất để nhường chỗ cho các trường Đại học Doanh nghiệp mà tư tưởng chủ đạo là doanh thu chứ không phải là lý trí hay văn hoá. Nét chủ đạo trong sự thay đổi này là sự lên ngôi của xã hội tiêu thụ. Trong nền kinh tế hiện đại, nhất là với nền kinh tế các quốc phát triển nhất hiện nay như Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, đầu tàu phát triển là sức tiêu thụ, nói cho cùng là ham muốn tiêu thụ hay hưởng thụ quá mức (over-consumerism) – nguyên nhân dẫn đến lừa đảo, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá hoại môi trường, hố cách giàu nghèo – chứ không phải là năng lực sản xuất. Có thể nói rằng nhu cầu là tất cả. Có nhu cầu, sẽ có sản xuất để cung cấp và sẽ có lưu thông phân phối. Chính vì thế, những nhu cầu tiêu thụ mới cần phải không ngừng được tạo ra thông qua quảng cáo, ý thức hệ, văn hoá đại chúng và vô số con đường khác. Cùng với việc chú trọng đến thương hiệu, rất nhiều hoạt động của trường đại học hiện đại ngày càng mang tính thương mại. Có thể thấy điều đó qua việc kinh doanh các sản phẩm hàng hoá có gắn nhãn hiệu logo của trường. Các hoạt động gây quỹ và đặc biệt được chú trọng, nhất là thông qua các tổ chức cựu sinh viên.
Một trong những tác động lớn nhất của sự thương mại hóa giáo dục đại học là sự thay đổi vai trò của đội ngũ người thầy. Nếu như trong trường đại học Duy lý của Kant và đại học Văn hóa của Humboldt, người thầy đóng vai trò trung tâm thì trong trường đại học Doanh nghiệp hiện nay, vai trò ấy thuộc về những người quản lý. Trên thực tế, người thầy chỉ còn là người làm thuê, một thứ công nhân trí thức, những người thực hiện các bài giảng theo đơn đặt hàng của các công ty. Cùng với sự suy giảm vai trò của người thầy, là sự tăng cường quyền lực của sinh viên. Một tác động khác của sự thương mại hóa giáo dục đại học là sự suy giảm vị thế của các môn khoa học xã hội.
Ngoài ra, nếu trước kia mục tiêu của giáo dục Đại học là tập trung trang bị kiến thức hàn lâm cho sinh viên thì ngày nay, bên cạnh mục tiêu về kiến thức và đạo đức nghề nghiệp, những trường danh tiếng còn đề ra nhiều mục tiêu thiết thực không kém phần quan trọng khác về các mặt: kỹ năng thực hành, khả năng tự học suốt đời, óc phê phán và sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, ý thức lập nghiệp, kỹ năng giao tiếp, làm việc tập thể, phát triển bền vững và ý thức về môi trường, kiến thức xã hội, đạo đức thẩm mỹ và tất nhiên cả ngoại ngữ.
2. Thách thức của Giáo dục Đại học Việt Nam thời hội nhập
Trong thời kỳ hội nhập thế giới hiện nay, nền kinh tế và xã hội Việt Nam đang đứng trước những thử thách đầy cam go. Nguyên nhân cơ bản là do trình độ quản lý yếu kém và sự thiếu thốn nghiêm trọng nguồn nhân lực có trình độ ở nhiều lĩnh vực của đất nước. So sánh với các nước trong khu vực, một điều rõ ràng là chúng ta đã không có sự chuẩn bị tốt về vốn người cho sự phát triển. Trách nhiệm đó, một phần rất lớn là thuộc về giáo dục đại học, mũi nhọn xung kích. Đặc biệt là sự xuống cấp về chuẩn mực đào tạo và nhân cách sống. Xu thế “xã hội hóa” giáo dục, mở rộng số lượng đầu vào để tăng lợi nhuận, đang là xu thế chủ đạo.
Trong thực tiễn, nền giáo dục của chúng ta không nhằm đào tạo ra những con người được phát triển toàn diện với đầy đủ phẩm giá: có nhân cách, và có khả năng tư duy phê phán độc lập, sáng tạo. Nền giáo dục này đang thực hành kiểu nhồi nhét kiến thức như "chất vào kho"; và khuyến khích sự thụ động, khuôn sáo và nặng về thi cử. Điều này trái hẳn với triết lý Giáo dục nhân văn và sáng tạo của nền văn minh hiện đại.
Vì thế, giáo dục Đại học Việt Nam ta hiện nay phải khẩn thiết đặt lại câu hỏi: Mục tiêu tối hậu của giáo dục là gì? Và để đạt mục tiêu ấy cần phải hành động theo phương châm nào? Và bằng phương pháp nào?
Lấy kinh nghiệm ở thời đại của Dewey (1859 – 1952), cứu cánh của giáo dục là hoàn thiện con người và phục vụ xã hội. Nhưng màu sắc thực dụng vị kỷ (pragmatism) đã bắt đầu lan dần vào giáo dục. Đến nỗi Einstein, người cùng thời với Dewey, đã phải cảnh báo:
“Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có được một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có được một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng”.[9]
Lời cảnh báo trên quả thật là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người làm công tác giáo dục. Vấn đề trước tiên của giáo dục đại học Việt Nam là phải thay đổi triết lý đào tạo sao cho không những phù hợp với yêu cầu của thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà còn phải phù hợp với mục đích tối hậu của cuộc sống là hạnh phúc không còn những nỗi thống khổ từ những ảo tưởng và dục vọng. Vai trò của người thầy lúc này không phải chỉ là “tháp ngà” trí thức, mà quan trọng hơn, người thầy phải là người truyền cảm hứng, người đem lại cho sinh viên một sự hứng khởi trong học tập, và ngược lại, sinh viên phải có động cơ đúng đắn của học tập là không phải chỉ vì kinh tế, tri thức khoa học mà còn phải vì một nhân cách toàn diện, không vong thân, vong bản, đánh mất truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Văn minh Phương Tây có những điều hay để chúng ta học tập nhưng không phải là tất cả. Sự suy sụp kinh tế toàn cầu hiện nay là một điển hình. Chúng ta phải thấy có nhiều điều Phương Tây đã và đang hướng về Phương Đông để học tập và Thiền là một trong những số ấy. Do vậy, giáo dục Việt Nam ta trong thời kỳ hội nhập này phải có một phương châm hoà mà không tan, nhập mà không mất. Với những con người toàn diện, có tinh thần tự do, chủ động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao – dám nghĩ và dám làm – tất yếu sẽ có những đổi thay về phương pháp, chương trình dạy và học một cách thích hợp.
Giáo dục Đại học còn gặp nhiều thử thách cam go huống gì là nhiều lĩnh vực đời sống khác như kinh tế, xã hội, đạo đức… chắc chắn là đang gặp khó khăn. Và tất cả vấn nạn trên đều liên hệ đến con người, đến thái độ tư duy, nhận thức. Nhưng cũng chính từ tư duy, nhận thức đúng đắn, chắc chắn sẽ có những giải pháp.
Trước những thách thức của giáo dục Đại học Việt Nam thời hội nhập hiện tại, Thiền – đã được lịch sử Việt Nam chứng thực – chắc chắn sẽ tiếp tục là một tấm khiên vững chắc trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc với một cảnh giác cao, mất văn hoá là mất nước.
Thích Tâm Đức - Phó Viện trưởng, VNCPHVN
[1] Pali Text Society, Majjhima Nikaya, London, 1979, tr. 97-98. [2] Nanjio, the Sutra of Hui-neng, dịch gỉa: A F. Price và Wong. M. Lam, Boston, 1969, tr. 34. [3] Encyclopedia of Buddhism, Robert E. Buswell et al., Vol. 2, Macmillan Reference USA, 2004, tr. 924. [4] UBKHXHVN - Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, I, Hà Nội, 1977, tr. 204. [5] Thiền Uyển Tập Anh, Ngô Đứ c Thọ và Nguyễn Thuý Nga dịch, Hà Nội, 1993, tr. 241. [6] UBKHXHVN - Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Hà Nội, 1981, tr. 296. [7] Như lịch sử cho thấy, ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, Phật giáo đã tồn tại ở Việt Nam cùng với Khổng giáo và Lão giáo dưới ách đô hộ phương Bắc (11B.C. – A.D. 938). [8] UBKHXHVN - Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, I, Hà Nội, 1977, tr. 9. [9] A. Einstein, Thế giới như tôi thấy, NXB Tri thức 2007, trang 48