Tượng Trần Nhân Tông Niết Bàn và hào khí Đông A

Những người bất nghĩa lưu vong

Nghìn xưa chỉ có anh hùng lưu danh

(Trương Hán Siêu)

Hai câu thơ của Trương Thăng Phủ - tác giả Bạch Đằng Giang Phú nổi tiếng, nói về những người anh hùng thiều đại nhà Trần, một vương triều kéo dài 175 năm (1225-1400) và bản thân tác giả đã sống qua bốn đời vua Trần, đã từng chứng kiến những giờ phút hào hùng của dân tộc. Con người thế kỷ XIII, cộng với khì thiêng sông núi, hun đúc lên hào khí Đông A, mà âm vang của nó còn vọng tới bây giờ.

Chữ “Đông” và chữ “A” gộp lại thành chữ Trần. Hào khí Đông A là thể ý chí tự lập, tự cường của cộng đồng Đại Việt, thế kỷ XIII. Một trong những người góp phần to lớn vào việc tạo dựng nên hào khí thời đó là vua Trần Nhân Tông – ông vua thứ ba của Vương triều Trần, người đã tổ chức và lãnh đạo thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông 1285 và 1288.

Xưa nay, hào khí Đông A mới chỉ được xem như một biểu tượng của ý chí quật khởi chống xâm lăng. Hào khí đó tưởng như lúc nào cũng rộn tiếng trống đồng, tiếng gươm khua, ngựa hí, tiếng hô “sát Thát” vang trời! Nhưng, xét tới tận cùng căn nguyên, thì hào khí Đông A còn chứa đựng một sức mạnh nội sinh, một tinh thần dân chủ, nhân văn của cả dân tộc – mà tiêu biểu là đức quân vương Trần Nhân Tông.

Trần Nhân Tông là miếu hiệu. Tên cha mẹ đặt là Trần Khâm. Ông là con trưởng của Trần Thánh Tông và Thiên Cảm Hoàng hậu, sinh năm 1258, năm quân dân Trần vừa thắng lợi ở Đông Bộ Đầu, đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của đế quốc Mông Cổ. Trần Khâm được vua cha truyền ngôi khi 24 tuổi. Đây là thời gian đế quốc Mông Cổ chiếm toàn cõi Trung Hoa, lập ra triều Nguyên và âm mưu bành trướng xuống các nước phía Nam. Nước Đại Việt ta lúc đó đang đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Nguyên triều nhiều lần cho sứ giả sang sách nhiễu, “mượn đường” để đánh Chiêm Thành…

Là người đứng đầu nhà nước, Nhân Tông kiên quyết không khuất phục. Năm 1282, Nhân Tông mở hội nghị quân sự Bình Than; đầu năm 1285, quân xâm lược sắp sửa tràn qua biên giới, vua Trần mở hội nghị Diên Hồng lịch sử… cả đất nước sục sôi chuẩn bị, quân sĩ tỏ thái độ quyết không đội trời chung với quân thù, cánh tay điều thích hai chữ “Sát Thát”, có người còn xâm vào bụng dòng chữ “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” (vì việc nghĩa mà quên mình, liều thân để báo đền ơn nước).

Trong hai cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tông không những đã góp phần quyết định những phương lược quan trong mà còn nhiều lần tự cầm quân đánh giặc, xong pha tới các mặt trận xung yếu, động viên khích lệ tướng sĩ.

Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông chú trọng ngay đến việc khuyến khích nông tang, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thủy lợi, chia ruộng đất cho dân… Do đó, dưới triều Trần Nhân Tông, nhiều năm liền được mùa “Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng muốn ăn!”.

Song, để có những võ công hiển hách đó, chúng ta còn thấy một yếu tố nội sinh cực kỳ quan trọng mà vương triều Trần sớm nhận thức được, để xây dựng vương triều thực sự mạnh về quyền uy và thống nhất về ý thức hệ. Trước hết, về việc xây dựng thế hệ kế nghiệp. Nhà Trần đã nhận thấy sức mạnh của nội bộ dòng họ, song việc kén chọn những ông vua kế nghiệp cũng được suy tính kỹ càng. Những ông vua Trần khi nắm quyền điều hành đất nước đều ở tuổi tráng niên, hùng hậu. Hãy xem:

1. Vua Trần Thái Tôn, 8 tuổi làm vua, 33 năm cầm quyền, 41 nhường ngôi, làm Thượng hoàng.

2. Trần Thánh Tôn, 17 tuổi làm vua, 21 năm cầm quyền, 38 tuổi nhường ngôi, làm Thượng hoàng.

3. Trần Nhân Tôn, 24 tuổi làm vua, 14 năm cầm quyền, 38 tuổi nhường ngôi, làm Thượng hoàng.

4. Trần Anh Tôn, 18 tuổi làm vua, 21 năm cầm quyền, 39 tuổi nhường ngôi, làm Thượng hoàng.

Quan niệm sống đến 40 tuổi đã là quý, do đó những ông vua Trần thường mở lễ “tứ tuần đại khánh” là vì thế, mà cái tuổi sung sức đóng góp cho non sông đất nước điều ở khoảng từ 20-40 tuổi. Khi nghiên cứu thời kỳ này, một giáo sư sử học Nhật Bản đã nói: “Thời Phong Kiến ở Việt Nam người già truyền ngôi cho người trẻ…”.

Khi làm vua thì tận tâm với non sông đất nước. Song, giàu sang không lấy làm trọng. Đức quân vương Nhân Tông đang ở một địa vị cao sang, sẵn sàn bỏ mọi quyền uy, mọi vàng son gấm lụa, tự nguyện dấn thân vào một cuộc đời đơn bạc, gió sương, vui vẻ nhường ngôi cho con để khoác áo tu hành và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm. Gáio phái Trúc Lâm là một sáng tạo Việt Nam trên cơ sở Thiền tông. Thuyết lý của Trúc Lâm không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, ép xác khổ hạnh, mà mang tính chất điều hòa, đề cao nhân nghĩa, khuyến khích thật thà, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, đặc biệt nhấn mạnh người giàu phải thương kẻ khổ, khi hiển vinh phải nhớ lúc gian nan…

Nhằm tuyên truyền giáo lý, Nhân Tông đã đi khắp nơi thuyết pháp, tiến hành cuộc truyền bá tôn giáo và đấu tranh chống thờ cúng không chính đáng mà Phật tổ Thích Ca xưa đã làm.

Trong khi đức Phật mở những cuộc thuyết pháp có tính chất biện luận và tranh luận để thuyết phục người nghe theo mình bỏ đạo khác thì, Trần Nhân Tông đăng đàn giảng kinh cho mọi người nghe mà không cần khuyến dụ ai cả. Nghiên cứu tình hình đạo Phật dưới thời Trần đã soi sáng một vấn đề trọng yếu, đó là đạo Phật không còn xa xôi huyền bí, nó đã nhập thế và trở thành một đạo Phật độc lập, có sư tổ, đó là đệ nhất tổ Trúc Lâm tông phái: Trần Nhân Tông.

Tượng Trần Nhân Tông niết bàn trong thượng điện chùa Tháp Phổ Minh là hiện thân của một ông vua, một giáo chủ, bình thản, suy tư, tưởng như xa xôi, nhưng vô cùng gần gủi. Trong tầng một của Huệ Quang kim tháp (Yên Tử - Quảng Ninh) Trần Anh Tông cho tượng Trần Nhân Tông ngồi trên ngai, tuy đã được Phật hóa! Nhưng, tượng Trần Nhân Tông vẫn được thể hiện như một con người bình thường với tất cả những nét chân dung riêng biệt của một con người bằng xương, bằng thịt cụ thể, chứ không mang tính chất ước lệ, tượng trưng. Một pho tượng khỏe mạnh, rắn chắc, cân đối, đầy sức mạnh, nghị lực và suy tư. Còn ở chùa Phổ Minh, ngôi chùa nằm trong cung điện Trùng Hoa, Trùng Quang xưa, tượng Trần Nhân Tông niết bàn( tượng đồng như tượng Phật tổ Thích Ca niết bàn) đồng thời lại biểu hiện sự thanh thản của một con người với tư cách là Hoàng đế đã làm tròn nhiệm vụ với non sông, đất nước để lại cho muôn đời con cháu một giáo phái độc lập, một ý thức hệ tư tưởng tự lập, tự cường, đầy tính nhân văn dân chủ.

Tháp Phổ Minh, một công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV. Bằng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, có thể kết luận rằng: Đây là một trong những nơi cất giấu xá lỵ (tro xác) của Trần Nhân Tông. Ngôi tháp đã tồn tại 7 thế kỷ, được ghi nhận ở những tấm bản đồ cổ nhất đất nước, được xem như là một trong những triều đại danh lam của nước Đại Việt ta. Dưới chân tháp còn nhiều hoa văn trang trí các loại hoa cúc, hoa sen, hoa chanh, hoa mai, linh chi, tượng trưng cho sự thanh cao huyền ảo. Trong thượng điện, tượng Trần Nhân Tông nằm đó! Hai biểu tượng về một con người, đã để lại trong lòng nhân dân một hình ảnh tuyệt vời. Sử cũ có chép lại: Đức vua Nhân Tông thường đi chơi ngoài thành, gặp gia đồng các nhà vương tôn, triều quan, ông thường thân mật hỏi tên. Về cung ông bảo quan hầu cận: “ngày thường thị vệ hai bên, đến khi nước nhà có hoạn nạn thì chỉ thấy có bọn ấy đi theo thôi, rồi nhắc tới các vệ sĩ không được thét đuổi, nạt nộ gia đồng”.

Một lần, vua Trần Nhân Tông đang đi, có người dân đón đường kêu kiện. Nguyên người dân làng có việc kiện cáo với Đỗ Thiên Thư. Xét mọi mặt Thiên Thư đều sai, nhưng hình quan không dám quyết vì sợ anh Thiên Thư là Đỗ Khắc Trung đang làm quan to trong triều. Nhân Tông cho dừng xe ngay lại, sai quan xét xử tại chỗ và nói rằng: Việc án chậm là do Khắc Trung, rồi cho người dân kia được kiện…

14 năm làm vua, Trần Nhân Tông đã góp phần lãnh đạo dân tộc ta hai lần chiến thắng oanh liệt quân xâm lược Nguyên Mông, thi hành nhiều chính sách ích nước, lợi dân, củng cố nền độc lập dân tộc.

19 năm thoái vị đi tu, song ông vẫn không hề xa lánh việc đời mà nung nấu một tinh thần nhân văn, dân chủ cao cả. Tinh thần ấy thể hiện phần nào ở Cư trần lạc đạo phú:

Vung lửa giác ngộ, đốt hoại bỏ rừng ta ngay trước,

Cầm gươm trí tuệ, quét cho thông tinh thức thuở này.

Trước tượng Trần Nhân Tông niết bàn – nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Đệ nhất tổ Trúc Lâm tông phái, thấp nến hương tâm nguyện, chúng ta hiểu thêm phần nào hào khí Đông A, hào khí dân tộc một thời vang vọng mà đức Quân vương – Phật tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông đã gửi gắm tâm linh vào đó./.

 

(Trích tham luận Hội thảo khoa học Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp nhân 700 năm ngày nhập Niết Bàn 1308 - 2008)

TS. Nguyễn Xuân Năm

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nam Định