Lời người viết :
Trong bài “Từ đồng cảm đến từ bi” trên VHPG số 28, dịch giả Châu Văn Thuận có lược dịch cuộc nói chuyện giữa Sharon Salsberg và Daniel Coleman, tác giả cuốn Emotional Intelligence về lĩnh vực khoa học thần kinh mang tính xã hội cùng những tương quan giữa khoa này với các nguyên lý và phương pháp tu tập trong Phật giáo. Ở một góc độ khác, chúng ta nhận thức rằng emotional intelligence (trí thông minh xúc cảm – chữ dùng của dịch giả Châu Văn Thuận) là một khả năng vô cùng cần thiết cho người tu đạo giải thoát bởi vì đa số những vấn đề rắc rối mà ta gặp phải trên đường đạo thì 90% đều thuộc phạm vi tình cảm. Bài viết này muốn đem lại một cái nhìn về vai trò của E.I như một năng lực không thể thiếu, có thể được rèn luyện để trở thành một thói quen, tùy ý vận dụng.
NHỮNG PHẠM TRÙ HUẤN LUYỆN
Emotional intelligence (E.I), được tạm gọi là trí huệ thắng tình cảm theo cách dịch của Thượng tọa Thích Hằng Trường trong tác phẩm “Bước đầu vào đạo: Tu Hoa Nghiêm Thập tín”. Cũng theo Thượng tọa, thì đối diện với một xã hội mới hậu hiện đại (post-convention, post-modernity) và vũ trụ quan mới đa nguyên, hội nhập, duy lý, với nếp sinh hoạt hoàn toàn khác với thời đại lúc khoa Duy Thức thành lập, thì ta cũng cần phải canh tân cái nhìn của tâm lý học nhà Phật. Thế nên, đối với một hành giả nhập thế, thì E.I là một năng lực thiết yếu.
Còn theo Daniel Goleman, trong Working with Emotional Intelligence, thì phạm trù huấn luyện tình cảm nằm trong hai lĩnh vực chính: cá nhân và tập thể.
Hiệu năng cá nhân (personal competence) hay năng lực quyết định cách ta quản lý đời mình gồm 3 yếu tố:
Tự giác (self-awareness) cũng gồm 3 yếu tố:
- Tri giác về cảm xúc (emotional awareness): biết được cảm xúc và hậu quả của cảm xúc ấy.
- Tự đánh giá chính xác (accurate self-assessment): biết ưu nhược điểm của mình.
- Tự tin (self-confidence): tin vào giá trị và khả năng của mình.
Tự chế (self-regulation) gồm 5 yếu tố:
- Tự chủ (self-control): khống chế tình cảm tác hại, dục vọng.
- Giữ tín nhiệm (trustworthiness): giữ lời hứa và hành xử đúng đắn.
- Tận tâm (conscientiousness): chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
- Biết thích ứng (adaptability): mềm dẻo, linh hoạt.
- Sáng tạo (innovation): chấp nhận những canh tân, ý tưởng mới.
Tự động viên
(self motivation) gồm 4 yếu tố:
- Động lực thôi thúc thành tựu (achievement drive): luôn muốn cải thiện bản thân đạt tới mức hoàn hảo.
- Khẳng định cam kết (commitment): biết hợp nhất phương hướng của đời mình và của tập thể, toàn tâm toàn ý.
- Biết khai sáng (initiative): biết ứng biến, thay đổi cho phù hợp với cơ hội.
- Giữ tâm hồn lạc quan (optimism): bền bỉ theo đuổi mục tiêu, bất chấp khó khăn.
Đây là những đức tính mà nếu rèn luyện, bạn sẽ trưởng thành trong nhận thức và xây dựng năng lực nội tại cho mình, vững bước đến thành công trong sự nghiệp.
Hiệu năng xã hội
(social competence)
Phần trên là những kỹ năng hướng nội, còn về kỹ năng hướng ngoại thì theo Goleman là khả năng ứng xử, phản ứng với xã hội và tha nhân trong mối quan hệ giữa mình với người gồm 2 yếu tố:
1. Đồng cảm (empathy)
- Hiểu biết tha nhân: cảm nhận tâm tình, quan điểm người khác và biến mối quan tâm của họ thành của mình.
- Phát triển tha nhân: trợ giúp người khác phát triển tài năng.
- Đặt trọng tâm vào việc phục vụ: dự cảm, nhận định và thỏa mãn nhu cầu người khác.
- Tận dụng mối quan hệ đa dạng: biết tận dụng cơ hội do tiếp xúc với nhiều hạng người khác nhau.
- Cảm quan chính trị: nắm bắt tình cảm tập thể, hiểu mối quan hệ quyền lực trong tập thể.
2. Kỹ năng xã hội
(social skills) gồm 8 yếu tố:
- Tạo ảnh hưởng: dùng phương thức hữu hiệu nhất.
- Biết giao tiếp: lắng nghe cởi mở và biết truyền đạt.
- Xử lý mâu thuẫn: khả năng giải quyết bất đồng, bất hòa.
- Lãnh đạo: Biết khai thác tiềm năng và hướng dẫn chính mình và tha nhân.
- Khích lệ cải cách: gợi mở, quản lý những đổi mới.
- Xây dựng quan hệ chặt chẽ: biết nuôi dưỡng và xây dựng quan hệ với người khác.
- Cộng tác và phối hợp: biết làm việc hướng tới mục tiêu chung.
- Phát triển năng lực tập thể: xây dựng sức mạnh tập thể (group synergy). (Synergy là quan niệm 1+1=5 hay 10 hay 100 nghĩa là khi 2 người đồng lòng hợp tác, hiệu suất sẽ lên gấp bội.)
Xuất phát từ quan điểm này, hiện nay các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới đang được đánh giá theo chỉ số EQ (Emotional Quotient) thay vì IQ theo quan điểm trước đây. Cũng chính D.Goleman trong một tác phẩm khác của mình, đã đưa ra sáu phong cách lãnh đạo: gia trưởng; ủy thác; bằng hữu; dân chủ; nhạc trưởng; đàn anh. Trong đó, ông cho rằng tùy nơi tùy lúc mà vận dụng các phong cách khác nhau nhưng ông không đánh giá cao phong cách gia trưởng do tạo nên bầu không khí nặng nề và thụ động trong tổ chức cũng như phong cách nhạc trưởng do những yêu cầu đề ra quá cao. Ông nhấn mạnh đến phong cách dân chủ và ủy thác nơi mà sự khích lệ cấp dưới, tạo môi trường năng động cho mọi người phát huy năng lực được đề cao, tăng cường thông tin và giao tiếp, tạo thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu chung. Điều này cũng đang được thực tiễn chứng minh là đúng. Bill Flanagan, chủ tịch tập đoàn Amdahl, khi được đề nghị nói về những thành tích tốt đẹp nhất của mình. Sau một lúc suy tư, đã trả lời rằng ông không thể làm được những điều đó. Mọi người ngạc nhiên thì ông đã trả lời: “Đó là thành tích của các cá nhân trong tập thể chúng tôi. Đó không phải là tôi. Đó là chúng tôi.” Người ta cho rằng trong một thế giới ngày càng phức tạp và ràng buộc lẫn nhau, các chiến lược để chiến thắng sẽ luôn dựa trên cơ sở triết lý về “chúng ta”, chứ không phải triết lý về “tôi”. (Management in the 21st century - Subir Chowdhury). Cũng trong tác phẩm trên, Chowdhury đã viết: “Chúng ta cũng đã hành động với huyền thoại cho rằng người lãnh đạo nên là người lạnh lùng, xa cách quần chúng và hay phân tích; họ nên tách bạch tình cảm và công việc. Người ta bảo chúng ta rằng người lãnh đạo thực thụ không cần đến tình yêu, sự ảnh hưởng và tình bạn.” Và tác giả nhận định: “Thật là vô lý. Vấn đề cốt lõi để lãnh đạo có hiệu quả là phải quan tâm đến mọi người một cách chân tình.” Điều này được minh họa bằng quan điểm của Codianni, giám đốc phụ trách đào tạo và phát triển đại lý cho các Hệ thống thông tin tại Mỹ của công ty Toshiba khi trả lời phỏng vấn:
“Khích lệ tâm hồn là biện pháp thực hành lãnh đạo quan trọng nhất bởi vì đó là kỹ năng mang tính con người nhất.” (Khích lệ tâm hồn – Chowdhury). Trung tâm nghiên cứu về khả năng lãnh đạo sáng tạo (CCL: Center for Creative Leadership) đã tiến hành nhiều nghiên cứu, xem xét một số yếu tố tác động đến thành công của các giám đốc và phát hiện yếu tố đơn giản phân biệt các giám đốc thành công nhất với những người kém thành đạt nằm ở khả năng gây ảnh hưởng của họ. Các giám đốc thành công thường thể hiện sự quan tâm và bộc lộ tình cảm với người khác chứ không phải những ông “Sếp” có trái tim lạnh và ít quan tâm đến nhân viên. Bản báo cáo kết luận: “Khi làm việc với những người lãnh đạo biết quan tâm và khích lệ trái tim của nhân viên thì họ sẽ cảm thấy hài lòng hơn về chính bản thân họ. Lòng tự trọng của họ tăng lên. Những người lãnh đạo này để cho tinh thần của mọi người tự do, thường khuyến khích họ phấn đấu thành người có khả năng hơn họ vẫn tưởng. Điều đó có thể là sứ mệnh cao nhất của người lãnh đạo. (Management in the 21st century).
Chúng ta thấy là với những người lãnh đạo kinh doanh thì EQ quan trọng như thế nào. Còn với những người ở cương vị làm thầy, lãnh đạo tinh thần thì sao? Theo Thượng tọa Hằng Trường thì nếu thiếu huấn luyện về EI (trí huệ thắng tình cảm) thì “không những sẽ gặp khó khăn hiểu biết cảnh giới của chính mình mà còn gặp trắc trở trùng trùng trên đường khai mở tâm linh cho mình và tín đồ, vô phương giúp người ‘gỡ rối tơ lòng’, chẳng thể đem an lạc và bình yên đến chúng sinh.”
Thế nên hãy trau dồi những khả năng thuộc cả hai phạm trù cá nhân và xã hội vì đó là những đức tính giúp ta thành công trên đường đời và là một hành giả, dù nhập thế hay xuất thế, cũng cần trang bị để vững vàng hơn trên mặt phát triển phương tiện và đại lực Ba-la-mật.®
Nguyên Cẩn