Tiểu sử Hoà thượng Trí Hải (1906 - 1979) đã có các sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam([1]) và Tiểu sử Danh tăng Việt Nam([2]) cũng như ở nhiều tham luận trong cuộc Hội thảo khoa học này đề cập khá kỹ, chúng tôi xin không lặp lại. Ở đây, chúng tôi chỉ xin bổ sung vài chi tiết, đúng hơn là vài kỷ niệm khó quên về Cụ, trong thời gian ngắn từ năm 1971 mà chúng tôi có dịp được tiếp xúc.
Hồi đó, chúng tôi công tác ở Ban Lịch sử Tư tưởng Việt Nam của Viện Triết học, đang sưu tầm tài liệu nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam, may mắn được biết tin nhà sư Trí Hải đang có mặt tại chùa Bồ Đề, huyện Gia Lâm sau khi Cụ trùng tu, tôn tạo xong ngôi chùa lịch sử này và lưu lại đây mấy tháng rồi mới về Hải Phòng.
Không bình thường như tiếp một khách vãng cảnh chùa, trái lại Cụ nói là “có cái duyên gặp gỡ”. Cụ đã tiếp đãi chúng tôi thật hồn nhiên, cởi mở và thân tình. Qua buổi đầu trò chuyện, tôi thấy ở Cụ có một sức thu hút của một vị chân tu với đạo hạnh hết sức cao đẹp. Và rồi mỗi lần đến thăm, được cụ giữ lại ăn cơm chay, tôi có cảm tưởng như được sống trong không khí cổ tích “cha con, ông cháu”. Được Cụ giảng giải tư tưởng Phật học, được trực tiếp học tập, noi gương từ bi, hỉ xả ở nơi Cụ..., tôi như đã lớn hơn lên chút ít về “đạo sống” ở đời và cả về “tri thức khoa học”.
Cụ trở về Hải Phòng, trụ trì ở chùa Dư Hàng (ngôi chùa mà Cụ cất công tu tạo lại khang trang đẹp đẽ sau năm 1954, để tiếp tục Phật sự và để ổn định tinh thần Phật tử). Thỉnh thoảng Cụ có về Hà Nội thăm viếng các chùa, đến chùa Phúc Khánh thăm sư Hoàng Văn Phụng vốn là đệ tử của Cụ. Chùa này gần nơi tôi cư trú, nên Cụ cũng ghé thăm gia đình tôi. Có đôi lần, Cụ ở lại trò chuyện cả buổi hoặc suốt đêm, thật vui và cũng thật quyến luyến đối với các thành viên trong gia đình tôi. Cụ thường mang tặng tôi nhiều sách vở, tài liệu về Phật giáo do Cụ biên soạn, sáng tác. (Tiếc rằng, ở thời điểm đó, việc quan hệ với giới tu hành không mấy thông thoáng, khách quan thường gây cho cả Cụ và tôi một sự đối xử không thật thoải mái, như việc “mượn lại” và “không trả lại cho tôi một số sách và tư liệu Cụ đã tặng!”).
Cũng nhân có mối quan hệ thân tình ấy, Cụ Trí Hải đã không quản tuổi cao, sức yếu, bận nhiều việc, mà tự nguyện vui vẻ nhận phiên dịch cho Viện Triết học một số tác phẩm quan trọng về Phật giáo và đây cũng lại là một kỷ niệm về cái “duyên văn chương học thuật” như Cụ nói. Trong hai năm 1971 - 1972, Cụ đã dịch cho Viện Triết ba cuốn sách quý:
Thứ nhất: Bản dịch Khoá Hư Lục.
Đây là tác phẩm của Thái Tông Hoàng Đế gồm quyển Thượng 84 trang và quyển Hạ 34 trang đánh máy chữ nhỏ khổ 19x27cm và hoàn thành ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý (1972).
Như chúng ta đều biết, Khoá Hư Lục do Trần Thái Tông viết khoảng từ năm 1258 đến năm 1277. Hiện thấy còn có hai bản in. Một bản đề là Khoá Hư Tập, ký hiệu sách Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm là A.1591, có bài tựa của Nguyễn Thận Hiên in năm Canh Tý đời Minh Mệnh (1840). Một bản nữa đề là Khoá Hư Lục do Bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội in năm 1943, là bản in lại bản của chùa An Ninh, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương năm Quý Mùi, Tự Đức thứ 16 (1863). Trong bản này có in thêm cả mấy bài Luận và Tự của Trần Thái Tông cùng các Niệm, Tụng, tức là phần “Ngữ lục vấn đáp môn hạ” mà bản của Bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội đã in theo đó. Bản này chia làm hai quyển Thượng và quyển Hạ, nội dung giống như ở ba quyển Thượng, Trung và Hạ của bản in năm 1840, nhưng sau quyển Thượng (bao gồm cả quyển Trung) và quyển Hạ, có in thêm năm mục Giới: “Giới Sát sinh”, “Giới Du đạo”, “Giới Sắc”, “Giới Vọng ngữ”, “Giới Tửu”; năm mục Luận: “Giới Định Tuệ luận”, “Thụ giới luận”, “Niệm Phật luận”, “Toạ thiền luận”, “Tuệ giáo giám luận”; bốn bài Tựa: “Thiền tông chỉ nam tự”, “Kim cương tam muội kinh tự”, “Lục thời sám hối khoá nghi tự”, “Bình đẳng lễ sám văn tự”, bài “Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ”. Ngoài ra còn có mục Khoá hư âm nghĩa gồm 33 mẩu chuyện có ý nghĩa như là “Phật giáo giai thoại” (không rõ dịch giả Trí Hải trích từ sách nào?) từ trang 22-31 của phần sau quyển Hạ (ở bản dịch).
Về giá trị học thuật của Khoá Hư Lục, từng được giáo sư Đào Duy Anh nhận định: “Sách Khoá Hư Lục không những là một bộ sách quan trọng và xưa nhất chúng ta còn giữ được mà Trần Thái Tông không phải chỉ là một nhà tu hành đắc đạo, lại là một nhà triết học sâu sắc và một nhà thi sĩ trữ tình dào dạt, chủ trương thanh tĩnh một cách rất sôi nổi xúc động. Tất cả những bài kệ, bài thơ, thơ thất ngôn, ngũ ngôn hoặc tứ ngôn; tất cả những bài khác đều là văn biền ngẫu chặt chẽ và đầy hình tượng. Khoá Hư Lục chữ Hán về hình thức cũng như về nội dung là một tập thơ nghĩa rộng”([3]).
Sa môn Trí Hải trong Lời dịch giả cũng đã nói lời tâm đắc về tác phẩm này và cũng vì thế mà Cụ đã dịch với tất cả lòng nhiệt thành đầy tâm huyết:
“Vua Thái Tông 1225-1258) hàng ngày phải lo muôn công nghìn việc, vì dân vì nước… mà còn tranh thủ được thời gian để nghiên cứu kinh điển của Phật giáo, nhất là về “Thiền Tông” là môn tu khó nhất, nếu không thực nghiệm tu hành, không thể nào chứng tới và hiểu biết suốt hết được. Ngoài ra lại còn tham khảo không biết bao nhiêu sách khác, như Khổng, Lão... mới diễn tả được đầy đủ tất cả về: mọi sự vật, lý thể, tâm tư, tình cảnh trạng thái muôn mầu, muôn vẻ trong vũ trụ, cũng như giáo lý rất uyên thâm mầu nhiệm, cao siêu vô cùng của Phật pháp.
Mình đã tự hiểu rồi, lại muốn cho tất cả mọi người cùng biết, nên đã viết ra chữ nào, như hoa như gấm; đọc lên ai nghe thấy cũng như đàn như sáo, như sênh như phách, có đầy đủ âm điệu du dương hoà nhà, khi trầm khi bổng, nghe như tiếng chuông chiều, như nhịp mõ sớm, khua tan tất cả những ai đã đi lầm đường lạc lối, đã quên mất quê hương xứ sở và cả chính bản thân mình. Như người có viên ngọc quý giá vô cùng, bỏ quên ngay trong túi áo mình, rồi lại cứ tưởng mình là người nghèo cùng khốn khổ, cam chịu lang thang lam lũ, tha phương cầu thực cho qua ngày đoạn tháng. Nay có người chỉ cho biết đem ngọc đó ra dùng, bỗng chốc trở nên giàu có sung sướng không biết chừng nào, nói không thể siết. Đó là nhận rõ lại được “chân tâm” “giác tính” của mình vốn đã có sẵn từ ngàn xưa, tức là “Phật tính” vậy”. (Bản thảo dịch, tr.1)
Cụ Trí Hải đã căn cứ theo bản văn do Bắc Kỳ Phật giáo Tổng hội đã dịch ra tiếng Việt tương đối hiện đại toàn văn Khoá Hư Lục, đối với chúng tôi - những người nghiên cứu triết học, cũng như đối với đông đảo độc giả là một cống hiến quan trọng. Đây là một bản dịch Khoá Hư Lục đạt chất lượng cao, chứng tỏ dịch giả hiểu sâu sắc nguyên tác, lại có một lối diễn đạt bình dị, dễ hiểu. Gặp phải những khái niệm, thuật ngữ chuyên môn triết học Phật giáo, cũng như những điển cố khó hiểu đều được người dịch chú giải đầy đủ. Đặc biệt, đối với những bài Kệ, câu Niệm, lời Tụng đều được chép lại nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa tiếng Việt và dịch thơ rất trôi chảy, dễ nhớ, dễ thuộc. Cuối mỗi bài thơ, đoạn văn nhất là ở các bài Luận, lời Tựa, người dịch lại có thêm mục “ý nói” trình bày ý nghĩ, kiến giải về tư tưởng rất có giá trị học thuật, chí ít là một sự gợi mở, một sự chỉ dẫn cho người đọc hiểu được nội dung uyên áo của nguyên văn và tư tưởng của tác giả Trần Thái Tông. Những ghi chú gọi là “ý nói” của dịch giả chiếm khối lượng trang viết khá quan trọng trong bản thảo do samôn Trí Hải thực hiện, thực sự là một đóng góp rất đáng ghi nhận. Xin được cảm ơn Cụ Trí Hải đã để lại cho đời một dịch phẩm giá trị. Hy vọng các cơ quan hữu trách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sớm chỉnh lý và xuất bản để phát huy truyền bá rộng rãi bản dịch Khoá Hư Lục này.
Thứ hai: Bản dịch Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh.
Đây là tác phẩm của Ngô Thì Nhậm (1746-1803) viết vào khoảng cuối đời của mình. “Với tác phẩm này, Ngô Thì Nhậm xuất hiện như một nhà tư tưởng. Tuy căn bản là Nho học, nhưng những quan niệm của Thiền học cũng đã len vào người ông, nhất là vào lúc này (khoảng 1798) là lúc chính sự nhà Tây Sơn đang xuống dốc. Ông quay về mở Trúc Lâm thiền viện tại phường Bích Câu (gần Văn Miếu, Hà Nội hiện nay). Ông thuật lại lời nói và việc làm của ba vị tổ Trúc Lâm (Giác Hoàng Điều Ngự, Pháp Loa và Huyền Quang). Biên soạn Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh chính là có ý muốn kế tục ý hướng của phái Trúc Lâm đời Trần, xây dựng thành một thứ kinh để thuyết pháp. Kinh chia làm 24 chương gọi là Đại chân viên giác thanh cũng gọi là Nhị thập tứ chương kinh hoặc gọi là Nhị thập tứ thanh. Kinh này đặc biệt ở chỗ kết hợp tư tưởng Nho với Phật. Trong thời kỳ mà thực tiễn cuộc sống xã hội đã làm cho những tín điều Nho giáo bị lung lay đến tận gốc, thì quan niệm hoà đồng tôn giáo (Nho, Phật, Đạo) vốn có từ xưa, lại được nhắc lại ở đây. Kiến giải của Ngô Thì Nhậm về Lý và Dục, Tính và Tâm, Thể và Dụng, Sinh và Diệt không phải không có những nét độc đáo và mới mẻ. Như Phan Huy ích đã cho biết trong lời Tựa, Ngô Thì Nhậm là “một người kinh nghiệm rất giàu, sở đắc rất tinh, tam giáo cửu lưu, bách gia chư tử, không gì là không nghiền ngẫm đến nơi đến chốn”. Nghiên cứu cái giá trị tinh thần “phá chấp” của ông trong Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh sẽ giúp ta tìm hiểu phần nào tư tưởng của một thời kỳ sôi động cuối thế kỷ XVIII”([4]).
Bởi vậy, để hiểu cho đúng, cho sâu về những tư tưởng của Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm này thật không mấy dễ đàng và để chuyển ngữ từ Hán văn sang Việt ngữ hiện đại cũng thật hiếm người có đủ trình độ kiến thức tư tưởng Nho - Phật để thực hiện. Do vậy, chúng tôi lại phải nhờ nhà sư Trí Hải. Cụ đã vui vẻ nhận lời biên dịch và chú giải như đã dịch chú tác phẩm Khoá Hư Lục. Sau mấy tháng cần cù lao động dịch thuật, dù gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu sách công cụ tra cứu, tham khảo (Cụ ít khi đến các Thư viện ở Hà Nội), nhưng cuối cùng, Cụ đã hoàn thành bản dịch Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh cho Viện Triết học làm “tài liệu tham khảo”. Liền sau đó, bản dịch này được chuyển đến nhờ giáo sư Cao Xuân Huy thẩm định và hiệu đính lại thật chu đáo. Sau đó được bạn Hà Thúc Minh (lúc này chuyển sang công tác tại Ban Hán Nôm) gia công khảo cứu văn bản, bổ sung ít nhiều ở phần chú thích, bạn Mai Hồng chép phần nguyên văn chữ Hán và bạn Lâm Giang viết tiểu sử Ngô Thì Nhậm. Đến năm 1978, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, phổ biến. Từ đó, chúng ta có bản in tiếng Việt TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH lưu hành hiện nay. Nhân đây, chúng tôi xin nói rõ “nguyên uỷ” của bản dịch này như trên để bạn đọc biết được công lao của cụ Trí Hải và để đính chính lại những dòng ghi sai ở trang 4 của cuốn sách Thơ văn Ngô Thì Nhậm, Tập I: TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1978 (dòng thứ nhất: Người dịch là Trí Hải và người hiệu đính là Cao Xuân Huy mới đúng. Dòng thứ 6-8: Cán bộ Ban Hán Nôm phụ trách biên dịch? Phải ghi đúng là biên dịch trên cơ sở bản dịch của cụ Trí Hải do Viện Triết học quản lý bản thảo đầu tiên).
Trước đây, bản thân tôi cũng có giữ một bản đánh máy tập bản thảo dịch này do cụ Trí Hải tặng riêng để làm tư liệu trong tủ sách gia đình. Nhưng ngày 31 - 12 - 1999, tôi đã tặng lại Ban Sưu tầm Tác phẩm do Hoà thượng Trí Hải soạn dịch. Bản thảo này cùng với mấy tác phẩm và tài liệu khác, gồm Phật giáo triết học, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Khoá Hư Lục, Hai bản Ngữ lục, và Lời di chúc để lại của cụ Trí Hải do hai thầy Thích Thanh Ninh và Thích Thanh Huân ở chùa Quán Sứ nhận, không biết là đến nay có còn lưu giữ và sẽ sử dụng ra sao tôi cũng không được báo lại để được yên tâm.
Thứ ba: Bản dịch Phật Giáo Triết Học.
Đây là tác phẩm của tác giả Nhật Bản Tiểu Dã Thanh Tú. Bản dịch này dày đến 180 trang đánh máy chữ nhỏ do cụ Trí Hải thực hiện. Nguyên văn chữ Hán do Thương vụ ấn thú vụ Thượng Hải xuất bản tháng 12-1925 và tái bản tháng 7-1928.
Tác phẩm này, samôn Trí Hải dịch xong trong năm 1971. Cụ đã tặng tôi một bản đánh máy và đã được nhân bản lưu ở Viện Triết học. Giá trị khoa học của tác phẩm đã được Cụ viết ở Lời dịch giả như sau, tưởng cũng nên ghi lại đây tấm lòng nhân hậu và thiện chí đóng góp của một nhà sư đối với nền học thuật nước nhà:
“Cuốn Triết học Phật giáo này, nguyên văn của tác giả Tiểu Dã Thanh Tú người Nhật Bản. Ông đã dày công nghiên cứu toàn bộ giáo lý của Phật giáo nói về Triết học, Luân lý học, Giáo dục học, Luận lý học, cho đến Chính trị, Pháp luật, Mỹ học, Thiên văn, Địa lý, Bác vật, Công nghệ, Y học… Lại còn bao gồm cả các học thuyết, các tôn giáo, ghi chép rải rác trong hơn 8000 cuốn kinh luận và nội cung của 10 tông phái khác nhau trong Phật giáo bàn về thế giới quan, nhân sinh quan bao la rộng lớn vô cùng tận.
Về thời gian đã trải qua hơn 2500 năm lịch sử, về không gian đã truyền bá lưu hành hầu khắp các nước ở Á Đông, gần đây cũng đã lan tràn ra cả hoàn cầu. Những diễn biến trong đó, cố nhiên sự thuận lợi cũng như khó khăn có rất nhiều sự phức tạp. Nay ai muốn tìm hiểu thấu rõ cả tinh thần và hình thức, thật không phải dễ dàng!
Không khác chi người muốn vượt đại dương mà chưa tìm ra phương hướng, nay được tác giả đã khéo tìm tòi nghiên cứu hiểu thấu được rồi, lại vận dụng phương pháp khoa học lần lượt biên thành hệ thống rất có thứ lớp, phân tích từng chi tiết mạch lạc rõ ràng. Ngoài ra ông còn đem tất cả những lời phê phán về tôn giáo của các triết gia lớn ở các nước Do Thái, Anh, Đức… và các học thuyết của cả Đông Tây bình luận về tôn giáo ra so sánh giải thích rất tinh tường.
Thật không khác gì ông đã tìm được kim chỉ nam đưa cho người muốn vào trong biển “pháp nhiệm mầu” rộng lớn vô biên. Như người đưa chìa khoá cho ai muốn lên nhà kho cao sâu vô tận chứa đầy vàng bạc châu báu qúy giá vô cùng của Phật pháp.
Sách này đã được ông Trương Phất người Trung Quốc dịch thành Hoa văn tháng 12 năm 1925, nhà Thương vụ ấn thư cục ở Thượng Hải ấn hành. Tháng 7 năm 1928, lại tái bản. Nhận thấy, sách này tuy nhỏ nhưng có sức giúp ích rất lớn cho các học giả, nhất là đối với nước Việt Nam nhà, tuy Phật giáo truyền vào đã ngót 2000 năm lịch sử, đã góp phần xây dựng bồi bổ cho nên văn hoá nước nhà trở nên hùng mạnh vững chắc, song còn một điều đáng tiếc là kinh điển của Phật giáo hiện còn quá ít, mà phần lớn vẫn hãy còn nguyên Hán văn phần tiếng Việt lại càng hiếm hơn!
Vì các lẽ trên, nên dịch giả mạo hiểm cố gắng dịch thành tiếng Việt để cống hiến cùng độc giả. Với trình độ hiểu biết có hạn, với khả năng yếu kém vụng về, chỉ biết có nhiệt tâm làm việc quá sức, gánh nặng đường trường, thiếu người giúp đỡ, tất không thể tránh sao khỏi thiếu sót sai lầm.
Ước mong sẽ được chư quý độc giả, thấy rõ chỗ nào chưa ổn, cũng hoan hỉ chỉ dẫn, đính chính, bổ sung cho được hoàn mỹ, thì công đức thực là vô lượng vô biên”.
Chúng ta thực lòng kính ái nhà sư Trí Hải. Đến nay, cụ đã “đi xa” về cõi vĩnh hằng được 27 năm, nhưng vẫn đọng lại trong chúng ta hình ảnh một vị chân tu, đạo hạnh, giàu đức độ, từ bi, hỉ xả. Cụ đã đóng góp lớn cho trần thế trên nhiều lĩnh vực. Riêng về mặt trước thuật, biên dịch các tác phẩm theo thống kê của “Ban Sưu tầm Tác phẩm” đã có trên 40 đơn vị thuộc các loại văn vần, văn xuôi, kinh sách dịch và một số tài liệu khác. Còn nhớ, trước ngày “đi xa”, cụ đã có Di chúc gọi là Lời để lại trong đó Cụ có nói là: Cụ sẽ về nơi cõi Phật nhẹ nhàng thanh thản, vì đã sống một đời nỗ lực tu trì. Trước khi ra đi, Cụ đã góp với đời một số “thư tịch” khả dĩ có ích, tài sản của Cụ chỉ còn 3 thứ: một cái xe đạp, một cái máy chữ và một cái đài bán dẫn, xin được giữ lại ở chùa Dư Hàng tùy nghi sử dụng. Cụ lâm bệnh và tịch ngày 7-6 năm Kỷ Mùi (30-6-1979) tại Hải Phòng. Cụ trụ thế 76 tuổi, hoằng đạo 57 năm, được vinh danh: “Hoà thượng Thích Trí Hải là một trong những bậc cao tăng của Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài sống mãi trong lòng tăng ni Phật tử Việt Nam (cũng như trong lòng nhân dân Việt Nam) hôm nay và mãi mãi về sau”([5]).
-------
Chú Thích:
[1] Nguyễn Lang. ViệtNam Phật giáo sử luận. Tập III. Nxb Văn học. Hà Nội 1994.
[2] Thích Đồng Bổn (chủ biên). Tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX. Tập 1. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. 1995.
[3] Trần Thái Tông (Đào Duy Anh giới thiệu, phiên dịch và chú giải). Khoá Hư Lục. Phụ: Thơ Tuệ Trung thượng sĩ. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội 1974, tr. 11.
[4] Ban Hán Nôm. Thơ văn Ngô Thì Nhậm. Tập I: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. 1978. tr 10.
[5] Tiểu sử Danh tăng Việt Nam. Sđd, tr. 595
Pgs.Ts. Chương Thâu
Viện Sử Học
Vài ghi nhớ về nhà sư Trí Hải
Permalink
HTML code to copy to your site or email message:
Click below to select, Ctrl + C to copy.
<a href="https://daitangkinhvietnam.net/node/1976" title="daitangkinhvietnam.net">Vài ghi nhớ về nhà sư Trí Hải</a>