Trong Ngày Về Nguồn, Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại vân tập nơi đạo tràng này bằng tâm thanh tịnh hòa hợp, cảm thông và sách tấn nhau thể hiện tinh thần của Bảy Pháp Bất Thối mà đức Từ phụ giáo huấn. Giờ đây, từ dưới chân Đức Phật và trước giác linh chư lịch đại Tổ sư, Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại với ý thức xây dựng đạo nghiệp tự thân và trách nhiệm với cơ đồ của Phật giáo Việt Nam nơi hải ngoại, xin đem hết tâm thành phát nguyện:
TÂM NGUYỆN
CỦA TĂNG NI VIỆT NAM HẢI NGOẠI
TRONG NGÀY VỀ NGUỒN
Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại hình thành với ý nguyện khai mở một tụ điểm nhân duyên cho sự trở về và đoàn tụ để tiếp nhận nguồn năng lực thanh tịnh hòa hợp của Tăng-đoàn. Nguồn năng lực ấy, do thanh tịnh mà có thể trải ra vô hạn, do hòa hợp mà có thể mở rộng vô biên. Sức mạnh của Tăng-đoàn là từ nơi ấy. Tăng-đoàn là biển lớn thanh tịnh trang nghiêm trùm khắp mọi sinh hoạt của các giáo hội, hệ phái, tông môn. Về mặt bản thể, biển lớn thanh tịnh ấy (thanh tịnh đại hải) bao gồm tất cả những người xuất gia, trưởng tử Như Lai, không giới hạn quốc gia, chủng tộc, hệ phái, giáo hội; về mặt hình thức, Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại là nơi qui tụ của Tăng Ni Việt Nam hành đạo ngoài nước, lấy tăng-đoàn làm cội gốc, đặt sự nghiệp giải thoát giác ngộ lên hàng đầu, và lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm gia vụ.
Cá nhân tăng sĩ cho đến các tổ chức giáo hội khi đến với Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại không cần phải rời bỏ tổ chức giáo hội hay hệ phái của mình, vì Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại không phải là một tổ chức hành chánh tập trung: không có tính cách giới hạn, bó buộc hay loại trừ. Mỗi tổ chức giáo hội, hệ phái vẫn tiếp tục duy trì sắc thái riêng của mình trong cơ cấu tổ chức và đường hướng sinh hoạt, mà không bị trở ngại gì với sinh hoạt chung của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại. Hơn thế, từ nơi giao hội và đoàn tụ của Ngày Về Nguồn do Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại khởi xướng, các giáo hội, hệ phái có cơ hội để học hỏi, trao đổi, hỗ trợ nhau trong tất cả những sinh hoạt phật-sự tại địa phương, hay cho tổ chức của mình.
Ngày hiệp kỵ chư lịch đại Tổ sư và liệt vị thánh tử đạo: Đây là dịp để Tăng Ni mọi giáo hội và hệ phái có thể vân tập đầy đủ, tổ chức lễ tưởng niệm chung nhằm khắc ghi và tán thán ân đức truyền bá, bảo vệ đạo pháp của tiền nhân. Tưởng niệm công hạnh của chư lịch đại Tổ sư là để nhắc nhở chính mình noi gương theo dấu trong sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp;
Giờ đây, từ dưới chân Đức Phật và trước giác linh chư lịch đại Tổ sư, Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại chúng con với ý thức xây dựng đạo nghiệp tự thân và trách nhiệm với cơ đồ của Phật giáo Việt Nam nơi hải ngoại, xin đem hết tâm thành phát nguyện:
Nguyện đặt Tăng đoàn lên trên cá thể để như biển lớn thanh tịnh, đem tinh thần tương ái, tương kính, tương sám và tương thuận mà sống chung với nhau, cùng nhau tụ họp trong hòa hợp ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào;