BÚT TÍCH THIỀN SƯ VŨ KHẮC TRƯỜNG TRÊN TẤM BIA CHÙA ĐẬU
NGUYỄN THỊ DƯƠNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trong những năm 80 của thế kỷ này, các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện hai pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Hai pho tượng của hai thiền sư ngồi thiền rồi tự hoá và việc ướp xác tô tượng đã được thực chứng khoa học và được đánh giá là những pho tượng táng bằng phương thức đặc biệt chưa từng gặp trên thế giới khiến dư luận hết sức quan tâm.
Gần đây, do tác động của thời gian, môi trường, hình thể hai pho tượng bị hư hỏng một phần. Do đó, Bộ văn hoá đã chỉ đạo cho Sở Văn hoá Hà Tây tổ chức các cuộc hội thảo nhằm đưa ra biện pháp tối ưu trong việc bảo vệ hai pho tượng táng – di sản thiêng liêng vô giá của dân tộc.
Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là hai nhà sư từng trụ trì chùa Đậu vào thế kỷ 17. Thiền sư Vũ Khắc Minh tự là Đạo Chân, người xã Gia Phúc, huyện Phúc Khê. Thiền sư Vũ Khắc Trường tự là Đạo Tâm, là học trò, đồng thời ở ngoài đời là cháu gọi thiền sư Đạo Chân bằng chú. Thiền sư Đạo Tâm có vị trí cao trong giới Phật giáo lúc bấy giờ. Tấm bia Pháp Vũ tự tạo lệ bi cho biết nhà sư từng giữ chức Tăng lục ty Tăng thống. Trước khi sắp tịch, cả hai thiền sư đều ngồi thiền trong tịnh thất cho đến lúc hoá. Thân xác hai vị không hề thối rửa nên tín đồ để nguyên thờ phụng. Sau này, vì gặp trận lụt, thân xác nhà sư có bị hư hại nên dân chúng đã gia công tô đắp lại một phần.
Tìm khắp di tích trong chùa, thật đáng mừng là còn thấy bút tích thiền sư Vũ Khắc Trường trên tấm bia Tu tạo Pháp Vũ tự bi. Đây là tấm bia quan trọng trong 6 tấm bia hiện còn lưu giữ tại chùa (dựng năm 1639). Nội dung văn bia cho biết lịch sử chùa Pháp Vũ (tên chữ của chùa Đậu, được sáng lập từ triều Lý) và quá trình tu tạo lại chùa. Bia để ở đầu dải vũ bên trái, gồm hai mặt, khổ 120 x 80cm, trang trí khá cầu kỳ. Trán bia có hình lưỡng long chầu nguyệt. Giữa các chữ trên trán bia cũng trang trí hoa văn. Nét chữ trên bia rất đẹp, phóng khoáng. Ở mặt sau bia, trước phần ghi tác giả có vài dòng chữ bị đục. Trong văn bia còn có bài minh độc vận dài 56 câu. Tác giả văn bia là Thám hoa Nguyễn Thọ Xuân, người xã Lạc Sơn, huyện Chí Linh, phù Nam Sách, nay là thôn Lạc Sơn, xã Thái Học, huyện Chí Linh, Hải Dương. Ông vốn tên là Minh Triết, thi đỗ khoa Tân Mùi (1631) đời Lê Thần Tông. Khi vào đình đối được vua yêu mến, cho đổi tên thành Thọ Xuân. Đặc biệt dòng cuối cùng của bia ghi rõ ràng: “Tăng Vũ Khắc Trường tự Đạo Tâm, trù trì bản tự ở xã Gia Phúc viết chữ”. (Gia Phúc xã trụ trì bản tự tăng Vũ Khắc Trường tự Đạo Tâm thư).
Vậy là thiền sư Đạo Tâm không chỉ để lại tượng cốt cho người đời sau ngưỡng vọng mà còn lưu lại bút tích trên tấm bia nơi chùa thiền sư trụ trì.
Để giúp các nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm đến chùa Đậu và thiền sư Vũ Khắc Trường có thêm tư liệu tham khảo, chúng tôi xin giới thiệu văn bản tấm bia nhân dịp Thông báo Hán Nôm lần này.
Pháp Vũ là ngôi chùa cổ được xây dựng từ đời Lý. Trải hơn mấy trăm năm, chùa vẫn đứng ở đất Phúc làng Thượng, làng Gia, làng Hoằng; sánh ngang cùng thắng cảnh Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện. Người người cầu xin đều rất linh ứng. Nhưng bởi năm dài dấu cũ, mưa dập gió vùi, khiến cảnh chùa mấy độ tang thương. Để có thể chấn hưng, khôi phục được cảnh ấy, ắt phải nhờ bậc đại từ bi xuất thế. Nay cung tân Vương phủ Ngô Thị Ngọc Nguyên vốn là lệnh tộc đất Hoan châu, lại là thế gia nơi Thạch ấp, dòng dõi trâm anh, vị ngôi quý hiển, mến mộ đức tốt của Ỷ Lan nguyên phi, ngưỡng vọng tông phái còn truyền lại của Quan Âm bồ tát, nên đã mở lòng Bồ đề, ra tay đàn việt. Thế là vào tháng 10 năm Bính Tý (1636) liền dùng của nhà, tìm thợ giỏi, vung rìu gió, múa búa trăng, dựng lên hai toà thiêu hương, tiền đường. Cột rường chạm trổ, ngói lợp long lân. Những chỗ hỏng dột khác thì tu bổ thên. Đến tháng 2 năm đó, công việc hoàn tất. Đến lúc này, ngọc biếc tụ thành một lâu đài, bạc vàng ánh khắp ba ngàn thế giới. Cột chạm kèo tô lung linh nét vẻ; tuệ nhật từ vân rực rỡ huy hoàng. Hình thế chùa vươn cao, quy mô chùa rộng lớn, đẹp hơn cảnh xưa rất nhiều. Thế rồi chọn ngày lành, mời hòa thượng Đạo Long tới làm lễ khánh tán. Đại pháp hội viên tròn, đại công đức theo đủ. Công đức của Phật đã giác ngộ lòng người, khiến cho bậc quyền quý hâm mộ sẽ nhân đó mà ngưỡng vọng ân đức, còn dân thường kính tín sẽ nhân đó mà đốt hương cầu khấn, cùng tán tụng phúc đức của hội chủ mênh mông như hà hải, cùng ca vịnh công lao hội chủ dồi dào như mưa móc. Công ơn ấy sẽ được thập phương biết đến, sẽ được chư Phật chứng minh. Tuổi thọ dài lâu, năm năm được hưởng phúc dày; lá ngọc cành vàng đời đời cháu con đông đúc. Không chỉ ban cho bản thân người đó, cho gia đình, con cháu mà là cho cả làng xoám gần xa đều được sống trong cảnh bình yên. Thật tốt đẹp thay! Bèn khắc vào đá để lưu truyền mãi mãi.
Bài minh viết:
Đất có thuần phong,
Chùa tên Pháp Vũ.
Đời Lý dựng lên,
Quê Phúc thường trụ.
Cảnh sánh Tây thiên,
Danh lừng
Cùng Điện, Vân, Lôi,
Trấn châu huyện phủ.
Chạm trổ đống lương,
Quanh co dải vũ.
Lầu ngọc gác vàng,
Sớm chuông chiều mõ.
Nước khấn dân cầu,
Âm phù dương trợ.
Nay cảnh hư hao,
Khiến người lo nghĩ.
Khôi phục cảnh xưa,
Cần người tầm cỡ.
Vương phủ cung tần,
Họ Ngô hội chủ.
Bồ đề mở lòng,
Phương tiện khai lộ.
Tiền của xuất ra,
Vật liệu lo đủ.
Tuyển thợ xem ngày,
Vung rìu khua búa.
Thiêu hương dựng lên,
Tiền đường chính ngự.
Đổ dựng nát xây,
Xấu tu hỏng bổ.
Chấn chỉnh uy nghi,
Đổi thay quy củ.
Tuệ nhật rõ ràng,
Mây lành bao phủ.
Quả thiện viên thành,
Tốt lành ắt tụ.
Thành thọ diên trường,
Hoàng đồ củng cố.
Vận nước dài lâu,
Phúc nhà gồm đủ.
Thẻ hạc thêm dài,
Lộc trời hưởng thụ.
Ơn khắp họ hàng,
Cửa nhà rạng rỡ.
Lá ngọc tốt tươi,
Cành vàng nảy nụ.
Chi phái thiên hoàng,
Ơn trời mưa đổ.
Sông lắm tốt lành,
Núi dài phúc tộ.
Ân đức mở mang,
Dân khang vật phụ.
Hội tụ thiện duyên,
Hằng hà sa số.
Bia đá vừng bền,
Lưu truyền vạn cổ.
Năm Bính Tý (1636) hưng công làm mới lại hai toà thiêu hương, tiền đường.
Đến năm Kỷ Mão (1639) lại làm lại tòa hậu đường, vật liệt được dùng toàn bằng gỗ tốt.
Hội hủ hưng công:
Tín Hoạn người xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, xứ Nghệ An.
Cung tần trong Vương phủ Ngô Thị Ngọc Nguyên, nay đổi thành Lê Thị Ngọc Nguyên, hiệu Như Ý bồ tát.
Công tôn Trịnh Thụ, Trịnh Căn, Trịnh Quế.
Ngày lành tháng 2 năm niên hiệu Dương Hòa 5 (1639) dựng bia.
Tài liệu tham khảo:
1. Thiền sư Việt
2. Từ điển Phật học Hán Việt. Tập 2. Hà Nội 1994.
3. Từ Pháp - Hệ thống Tứ pháp, thực trạng và suy nghĩ. Tạp chí Khảo cổ học 4/1992.
4. Hai xác ướp cổ ở chùa Đậu. Tuổi trẻ chủ nhật số 28/2000.
5. Các nhà khoa bảng Việt
Thông báo Hán Nôm học 2000, tr.105-111