Bước đầu khảo sát và giới thiệu tư liệu Hán Nôm chùa Tảo Sách

Tảo Sách (Tào Sách) là ngôi chùa cổ thuộc xã Nhật Tân, tổng Thượng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (cũ), nay thuộc phường Nhật Tân, tỉnh Hà Nội, từ lâu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Theo như nội dung văn bia và câu đối của chùa thì chùa có từ thời tiền Lê. Chùa nằm ngay sát hồ Tây thơ mộng, có quy mô rộng lớn, cổ kính trang nghiêm, non xanh nước biếc, cảnh sắc tươi đẹp. Đặc biệt chùa còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị. Theo thống kê của chúng tôi thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941).Về nội dung văn bia: chủ yếu là bia hậu ghi tên những người công đức tiền của giúp chùa xây dựng Phật đường và sửa sang phạn vũ, ngoài ra còn có những văn bia có giá trị khác như

BƯỚC ĐẦU KHẢO SÁT VÀ GIỚI THIỆU TƯ LIỆU HÁN NÔM CHÙA TẢO SÁCH

PHẠM MINH ĐỨC

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tảo Sách (Tào Sách) là ngôi chùa cổ thuộc xã Nhật Tân, tổng Thượng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (cũ), nay thuộc phường Nhật Tân, tỉnh Hà Nội, từ lâu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Theo như nội dung văn bia và câu đối của chùa thì chùa có từ thời tiền Lê. Chùa nằm ngay sát hồ Tây thơ mộng, có quy mô rộng lớn, cổ kính trang nghiêm, non xanh nước biếc, cảnh sắc tươi đẹp. Đặc biệt chùa còn lưu giữ được rất nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị. Theo thống kê của chúng tôi thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941).Về nội dung văn bia: chủ yếu là bia hậu ghi tên những người công đức tiền của giúp chùa xây dựng Phật đường và sửa sang phạn vũ, ngoài ra còn có những văn bia có giá trị khác như: Linh Sơn tự kỉ niệm bi kí (Bia ghi về kỉ niệm của chùa Linh Sơn) của Hòa thượng Phan Trung Thứ lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941); Cựu Tào Sách Hoa Nghiêm hội bi kí (bia ghi về hội Hoa Nghiêm của chùa Tào Sách cũ) và Linh Sơn tự Hoa Nghiêm hội bi kí (bia ghi về hội Hoa Nghiêm chùa Linh Sơn) của Cúc Hương Hoàng Thúc Hội. Cả 2 tấm bia do Cúc Hương Hoàng Thúc Hội soạn đều được lập vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933). Tấm bia thứ nhất nói về hoạt động của hội Hoa Nghiêm, lấy kinh Hoa Nghiêm làm tông chỉ, mục đích là siêu độ cho thân nhân của những người trong hội, cùng những quy ước của bản hội. Tấm bia thứ 2 ghi về việc Cúc Hương Hoàng Thúc Hội mang phả điệp của những người trong hội khắc lên đá cho tiếng thơm mãi lưu truyền(1). Để các độc giả quan tâm hiểu chi tiết hơn nữa về lịch sử, văn hóa, … của chùa sau đây chúng tôi xin giới thiệu tấm bia Linh Sơn tự kỉ niệm bi kí và một số câu đối tiêu biểu.

Bia Linh Sơn tự kỉ niệm bi kí được bảo quản khá tốt trong nhà bia, các nét chữ đều rất rõ ràng, bia có 1 mặt, kích thước: 0,82x1,45m, trán bia có hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh diềm bia có hoa văn hoa lá, bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Nội dung văn bia như sau:

Phiên âm:

LINH SƠN TỰ KỈ NIỆM BI KÍ

Cái văn: thốn công bất khả yểm một, bạc thiện diệc khả trứ văn. Huống ngã thử ấp tự trùng tu công đức khải bất biểu chương ư nhĩ mục chi gian dĩ truyền kỳ bất hủ giả tai. Tư Hà Đông tỉnh, Hoàn Long huyện, Thượng tổng, Nhật Tân xã, Tào Sách tự, tự tiền Lê chi sở kiến lập. Vi toạ Cấn hướng Khôn giả dã thị tự dã. Kỳ cảnh mê kỳ sắc cổ, tả tiếp Nhị giang hữu bàng Long Đỗ. Sơn thanh thuỷ tú nhất thiên chi cảnh sắc thường tân; nhân kiệt địa linh vạn phúc chi trang nghiêm tất mĩ thành vi thắng cảnh hĩ. Đệ dĩ lịch thời ký cửu dữ cảnh cụ thiên. Khái cụ mẫu chi dương uy chí hương đài chi giảm sắc; chung hưởng Bái Công, đạc truyền Lý Bạch. Ư yên đồng ấp hưng tư dục cầu quy mô tác cổ. Đắc hữu hiền nhân đáo xử tất nhiên cảnh giới sinh huy. Ư Canh Ngọ niên hướng cung ư Quảng Bá tự Tổ trường Tổ sư nãi quang lâm chứng cảnh cải tự hiệu viết Linh Sơn, chuyển hướng vi tọa Tân hướng Ất hựu cử đệ tử Trương Quang Anh đại mệnh trụ trì. Hễ phong cảnh chi tiêu sơ giao hoài vãng độ phủ giang sơn chi hoài cựu vô thế tiền quan. Giáp Tuất tuế trang hoàng Phật tượng tịnh trú đồng chung nhị quả viên hoàn. Bính Tí niên hưng duyên tác phúc tân tạo tổ đường nhất toà tráng lệ. Chí Tân Tị niên kháp Nhâm Ngọ đại tác hưng công nãi hiệp dữ đồng dân ư Lệ Thủy xuất tàng trân bất cận nhất phí, hữu Hoa Nghiêm hội dữ đàn na hiệp lực đồng tâm nhi Trần Đức Thường, Nguyễn Tiến Mỹ ư Kinh Sơn đồng bão phác trợ chư duyên toại dịch. Cố nhi tân nãi tức hoa khử lậu kĩ trình kỳ năng công đạn, kỳ sảo cửu long hoàn hảo. Tam bảo nguy nga dĩ liên vân chi cổ sái quy danh thắng chi sơn môn; phúc quả đồng viên hoằng mô tăng hoán tương kiến. Huy hoàng bảo sái từ vân biến phúc tam thiên, yểm ánh kim dung, tuệ nhật quang hoa bát vạn. Dụng thị lập thạch vi bi dĩ thọ kỳ truyền vân nhĩ. Cập kỳ công đức chư duyên dữ nhu phí trợ ngân can phụng đăng vu tả. Kê:

Cửu Long đồng tượng nhất tòa ngân thất thiên nguyên, Thiện ác hữu cập Quan Âm nhị tượng tịnh thập điện ngân tam thiên nguyên; đại tự đối liên ngân bát thiên nguyên; các sắc mộc ngân bát thiên ngũ bách thất thập ngũ nguyên tứ mao nhị tiên; thổ chuyên ngân nhất thiên tam bách nhị thập nguyên; thổ ngoã ngân ngũ bách nguyên; thạch ngân lục bách nguyên; xuy mang ngân nhị bách nguyên; lão sa nhị bách ngũ thập ngũ nguyên; trúc thanh ngân nhị bách nguyên; thạch trụ bi ngân lục bách nguyên; thiết đinh ngân cửu thập ngũ nguyên; cứ tượng tứ bách bát thập thất nguyên; mộc tượng ngân nhất thiên nguyên thưởng ngũ thập nguyên; ngõa tượng ngân thất bách ngũ thập nguyên; chi công nhật ngân tứ bách bát thập nguyên; bồi cơ nhất bách nhị thập ngũ nguyên; bồng diệp ngân thất thập nguyên; mãi mễ bát bách cửu thập thất nguyên; nhật dụng ngân ngũ bách ngũ thập nguyên. Hướng thượng tổng cộng chi tiêu các khoản ngân tam vạn tứ thiên thất bách ngũ thập tứ nguyên tứ mao.

Nhất trợ ngân dĩ hạ: Quảng Bá sơn môn trợ ngân nhị thiên nguyên; Nhật Tân công xã trợ ngân nhất bách nguyên; Nhật Tân tam giáp trợ ngân nhị bách ngũ thập nguyên chính; Hoa Nghiêm công hội trợ ngân ngũ bách đại nguyên; Hoa Nghiêm hội chư nhân trợ ngân nhị thiên ngũ bách đại nguyên; Nhật Tân tín lão trợ ngân nhị bách tam thập đại nguyên; Nhật Tân chư nhân tư trợ lục bách bát thập ngũ nguyên ngũ mao; thập phương trợ ngân nhất thiên tứ bách nhị thập thất nguyên tam mao; ký hậu Phật ngân tam thiên cửu bách nguyên. Hướng thượng tổng cộng trợ ngân đắc nhất vạn nhất thiên ngũ bách cửu thập nhị nguyên bát mao. Hưng Yên kim động dưỡng phúc xã cư Hà Nội Yên Thành phố chủ nhân Hoàng Cao Hướng thê Nguyễn Kim Nhung trợ ngân nhị thiên nguyên trang hoàng phạm vũ.

Hoàng Nguyễn Bảo Đại Tân Tị niên ứng chung nguyệt cốc nhật lập bi ký.

Phật học trường chính đốc giáo Bắc khâu Hòa thượng Phan Trung Thứ cung soạn.

Dịch nghĩa:

BIA GHI VỀ KỈ NIỆM CỦA CHÙA LINH SƠN

Từng nghe một tấc công lao cũng không thể bị che lấp, một chút điều thiện cũng có thể tỏ rõ, huống hồ chùa ấp ta công đức trùng tu há chẳng sáng rõ ở trong thiên hạ để truyền đời bất hủ sao?. Chùa Tào Sách xã Nhật Tân, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông được xây dựng từ xa xưa vào thời tiền Lê; quay lưng hướng Cấn, quay mặt hướng Khôn là chùa vậy. Chùa có cảnh đẹp mê hồn, bên trái tiếp với sông Nhị, bên phải nối liền Long Đỗ, non xanh nước biếc một trời cảnh sắc luôn mới; Nhân kiệt địa linh, vạn phúc trang nghiêm đầy đủ mọi điều tốt đẹp, thực là thắng cảnh vậy. Nhưng trải qua thời gian phong cảnh biến đổi đi, cảm khái trước cảnh mưa sa bão táp dập vùi, hương đài kém sắc (cho nên) chuông vang tiếng Bái Công mõ truyền lời Lý Bạch!. Thế là đồng ấp cùng suy nghĩ để mong khôi phục lại chùa như xưa. Được người hiền đến nơi tất nhiên cảnh lại huy hoàng. Vào năm Canh Ngọ (đồng ấp) mời tổ trường tổ sư ở chùa Quảng Bá là Quang Lâm đến, thấy cảnh chùa như vậy (tổ sư) đổi tên chùa là : Linh Sơn, chuyển hướng quay lưng về Tân quay mặt về Ất, lại cử đệ tử là Trương Quang Anh thay mệnh trụ trì. Trước phong cảnh hoang vắng (tổ sư) xa nhớ cảnh xưa ngắm thấy non sông vẫn như cũ, (cho nên) không muốn thay đổi nề nếp trước. Năm Giáp Tuất trang hoàng tượng Phật và đúc 2 quả chuông, năm Bính Tí hưng duyên tác phúc tân tạo một tòa tổ đường tráng lệ, đến năm Tân Tị và vừa đúng năm Nhâm Ngọ tiến hành đại tác hưng công cùng dân ở Lệ Thủy bỏ ra rất nhiều tiền của không tiếc, có hội Hoa Nghiêm cùng các thiện tín hợp sức đồng tâm và Trần Đức Thường, Nguyễn Thế Mỹ ở Kinh Sơn cũng mang của đến giúp; Nhân thay đổi mà cảnh cũ lại mới, đến gần cái tinh hoa bỏ đi cái xấu xí mang hết tài năng kỹ xảo tuyệt vời chạm khắc 9 rồng hoàn hảo, tam bảo nguy nga, chùa cao chọc trời, sơn môn của thắng cảnh phúc quả tràn đầy lại thêm phần rực rỡ sẽ thấy. Chùa báu huy hoàng, mây lành che chở khắp tam thiên lấp lánh vẻ mặt của Phật; bóng tuệ sáng soi bát vạn, do đó lập bia để truyền mãi mãi. Các khoản nhu phí và tên những nơi trợ giúp tiền bạc được ghi ở bên trái.

Một tòa tượng đồng Cửu Long: 700 đồng; tượng thiện ác, Quan Âm cùng thập điện: 3000 đồng; đại tự, câu đối: 8000 đồng; các câu sắc: 8570 đồng 4 hào 2 xu; gạch: 2320 đồng; ngói: 500 đồng; đá: 600 đồng; liếp: 200 đồng; tre: 200 đồng; cát già: 225 đồng; bia đá: 600 đồng; đinh sắt: 95 đồng; thợ cưa: 487 đồng; thợ gỗ: 2000 đồng; thợ lợp ngói: 750 đồng; chi công nhật: 480 đồng; bồi nền: 225 đồng; lá lợp: 70 đồng; mua gạo: 897 đồng; nhật dụng: 550 đồng. Ở trên tổng cộng chi các khoản hết 34754 đồng 4 hào.

* Những nơi trợ giúp tiền:

Sơn môn chùa Quảng Bá giúp 2000 đồng; Công xã Nhật Tân giúp 200 đồng; Tam Giáp ở Nhật Tân giúp 200 đồng; Công hội Hoa Nghiêm giúp 500 đồng; Những người ở hội Hoa Nghiêm giúp: 2500 đồng; Tín Lão phường Nhật Tân giúp 230 đồng; Những người phường Nhật Tân giúp 6805 đồng 5 hào;Thập phương trợ giúp: 2427 đồng 3 hào; Gửi hậu Phật: 3900 đồng. Tổng cộng trợ giúp được 12593 đồng 8 hào. Chủ nhân Hoàng Cao Hướng cùng vợ là Nguyễn Kim Nhung ở phố Yên Thành, Hà Nội giúp 2000 đồng để trang hoàng phạn vũ.

Ngày tốt, tháng 10 năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941) lập bia.

Phật học chính đường đốc giáo Bắc khâu Hòa thượng Phan Trung Thứ soạn.

* Câu đối:

1. Phiên âm:

Tào Sách thanh phong thiên cổ danh lam quang hữu vĩnh

Tây Hồ minh nguyệt tứ thời cảnh chí ánh vô biên.

Dịch nghĩa:

Gió mát Tào Sách danh lam nghìn xưa ánh sáng còn mãi

Trăng chiếu Hồ Tây bốn mùa cảnh sắc tươi sáng vô cùng.

2. Phiên âm:

Tào Sách danh lam trí thủy nhân sơn thiên cổ tại

Linh Sơn thắng cảnh hoàng hoa thuý trúc ức niên trường.

Dịch nghĩa:

Chùa Tào Sách là nơi danh lam, trí thủy nhân sơn nghìn năm còn mãi

Chùa Linh Sơn là nơi thắng cảnh, hoàng hoa thúy trúc vạn thủa trường tồn.

3. Phiên âm:

Tú thủy kì sơn Tào Sách trường lưu thiên cổ tích

Xuân đài thọ vực thiền lâm biệt chiếm nhất hồ thiên.

Dịch nghĩa:

Núi thiêng sông gấm chùa Tào Sách mãi là trang cổ tích

Đài xuân vực thọ rừng thiền riêng chiếm một hồ thiên.

4. Phiên âm:

Chúng thánh cộng suy tôn cực lạc tịnh bang chân cứu chủ

Chư Phật đồng tán ngưỡng liên hoa đài tạng đại từ tôn.

Dịch Nghĩa:

Chúng thánh cùng suy tôn thật là người chủ cứu muôn loài ở nơi cực lạc

Chư Phật đều ngưỡng mộ bậc đại từ tôn ở trên đài hoa sen.

5. Phiên âm:

Pháp vương kham nhẫn giới trung khánh thiện đa văn vô ngại biện

Giáo chủ Linh Sơn hội thượng ẩm quang vi tiếu nhất thừa cơ.

Dịch nghĩa:

Đấng pháp vương trong cõi Sa bà tin tưởng thấu hiểu đạo nên không trở ngại

Bậc giáo chủ trên hội Linh Sơn tỏa sáng thừa hưởng cơ Phật nở nụ cười tươi.

6. Hợp tính từ bi đầu đá gật; Dãi lòng thanh tịnh mặt trăng soi. (Nôm)

7. Cảnh có sơn hồ chùa cũng đẹp; Bia ghi công đức đá bao mòn. (Nôm)

Nội dung văn bia và câu đối cung cấp thêm thông tin về các mốc lịch sử, giới thiệu phong cảnh tươi sáng và vẻ đẹp vĩnh hằng của chùa Tào Sách cùng tên những địa danh xưa như: Long Đỗ, Lệ Thủy, Kinh Sơn... thiết nghĩ cũng nhận được sự chú ý của các độc giả quan tâm.

Qua việc bước đầu khảo sát tư liệu Hán Nôm chùa Tảo Sách, chúng tôi nhận thấy rằng đây là một ngôi chùa cổ rất có giá trị về lịch sử văn hóa, có nhiều tư liệu Hán Nôm, vì thế cần được bảo tồn và khai thác nhiều hơn nữa để sao cho vẻ đẹp của chùa mãi trường tồn như nước Hồ Tây không bao giờ cạn.

Chú thích:

(1) Chúng tôi sẽ giới thiệu hai tấm bia này trong những bài viết tiếp sau./.

Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.168-175)