Về các bản Thiên Nam Ngữ Lục hiện còn

Thiên Nam ngữ lục (TNNL) thực ra có tên gọi là "Thiên Nam ngữ lục ngoại kỷ" gồm 2 quyển. Nhưng xét thấy chỉ có quyển đầu chép phần lịch sử ngoại kỉ mà phần lớn bắt nguồn từ các dã sử, truyền thuyết, còn quyển sau chép lịch sử bản kỷ nước nhà mà gọi là "Ngoại kỷ" thì không ổn nên người ta đã lược bớt hai chữ "ngoại kỷ" đi mà gọi là TNNL. Như vậy vừa gọn vừa đúng với sự thực hơn. TNNL là một tác phẩm đồ sộ nhất trong số những tác phẩm được viết bằng chữ Nôm mà ta còn bảo lưu được. Nội dung sách diễn ca lịch sử Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến Lê Trung hưng.

VỀ CÁC VĂN BẢN THIÊN NAM NGỮ LỤC HIỆN CÒN

NGUYỄN THỊ LÂM.

Thiên Nam ngữ lục (TNNL) thực ra có tên gọi là "Thiên Nam ngữ lục ngoại kỷ" gồm 2 quyển. Nhưng xét thấy chỉ có quyển đầu chép phần lịch sử ngoại kỉ mà phần lớn bắt nguồn từ các dã sử, truyền thuyết, còn quyển sau chép lịch sử bản kỷ nước nhà mà gọi là "Ngoại kỷ" thì không ổn nên người ta đã lược bớt hai chữ "ngoại kỷ" đi mà gọi là TNNL. Như vậy vừa gọn vừa đúng với sự thực hơn. TNNL là một tác phẩm đồ sộ nhất trong số những tác phẩm được viết bằng chữ Nôm mà ta còn bảo lưu được. Nội dung sách diễn ca lịch sử Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến Lê Trung hưng. Từ lâu, tác phẩm này đã được giới nghiên cứu quan tâm, khai thác về các giá trị lịch sử, văn học nghệ thuật... Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin nêu lên một số vấn đề về các văn bản hiện có, một khía cạnh không thể không lưu ý tới trong quá trình nghiên cứu tác phẩm.

Cách đây ngót 40 năm, trong công trình "TNNL" bằng quốc ngữ(1), hai học giả Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh đã giới thiệu 3 dị bản chữ Nôm mang các ký hiệu AB.478, AB.192 và AB.315. Hiện nay, 3 văn bản đó đang được lưu giữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã phát hiện thêm 3 dị bản nữa có ký hiệu AB.573, AB.308, AB.337. Hiện trạng các văn bản ấy như sau:

1. Thiên Nam ngữ lục ngoại kỷ, AB.478, gồm 2 quyển đóng rời. Quyển đầu 58 tờ, quyển sau từ tờ 59 đến tờ 134, chữ viết tương đối đều đặn và sắc nét trên khổ giấy 30 x 17 cm, mỗi tờ viết hai mặt, mỗi mặt 8 dòng, chất giấy đã sờn cũ. Toàn bộ số tờ được tu bổ bằng cách lồng vào giữa mỗi tờ là một tờ giấy bản, ép cứng. Sách có mục lục, tựa. Nội dung diễn ca lịch sử Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến đời Lê Trung hưng như đã nêu.

2. Thiên Nam ngữ ngoại kỷ, AB.192 gồm 2 quyển Thượng và Hạ đóng chung. Sách không có mục lục, tựa. Quyển thượng 79 tờ, quyển Hạ 112 tờ, mỗi tờ chép hai mặt, mỗi mặt 9 dòng. Chữ viết thô trên giấy bản dày và còn mới, khổ 30 x 21cm. Nội dung về cơ bản giống như bản trên, nhưng xét về chi tiết thì cũng có ít nhiều dị biệt. Chẳng hạn, ngay sau câu 3.506, trước câu 3.507 của bản AB.478, bản này có thêm một đoạn dài đến 22 câu(2)..., nhưng lại thiếu đi một số bài thơ đề vịnh. Chúng tôi nghĩ bản này có thể được sao chép từ một bản cũ khác với bản AB.478 mà hiện nay không còn, hoặc cũng có thể được chép ra từ chính bản ấy, nhưng có thêm bớt sửa chữa. Cuối sách có phụ chép một số câu sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan.

3. Nam sử diễn ca, AB.573. Sách không có quyển Thượng, gồm 67 tờ, chữ viết khá đều đặn trên giấy khổ 31 x 21cm, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 9 dòng. Nội dung: diễn ca lịch sử Việt Nam từ nhà Đinh đến Lê Trung hưng, nhưng so với quyển Hạ ở hai bản trên, bản này chép thiếu 31 câu cuối.

4. Việt sử quốc âm, AB.308. Sách không có quyển Thượng, gồm 67 tờ, chữ viết thô trên giấy khổ 31 x 21cm. Nội dung: diễn ca lịch sử Việt Nam từ nhà Đinh đến Lê Trung hưng một cách đầy đủ như trong quyển Hạ của các bản AB.478, AB.192. Trên văn bản vẫn còn nhiều dấu vết chấm câu hoặc chữa chữ nọ bằng chữ kia ở ngay bên cạnh.

5. Thiên Nam quốc ngữ lục ký, AB.315. Sách không có quyển Thượng, gồm 61 tờ, chữ viết tương đối đều trên giấy khổ 31 x 12 cm mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 9 dòng. Nội dung: diễn ca lịch sử Việt Nam từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thần Tông. Mở đầu mỗi triều đại có một đoạn tóm tắt bằng chữ Hán viết thu nhỏ lại. Cuối sách chép ngọc phả Thiền sư Nguyễn Minh Không và các bài phú Hồng nhan bạc mệnh, Hàn vương tôn...

6. Nam Thiên quốc ngữ thực lục, AB.337. Sách không có quyển Thượng, gồm 58 tờ, chữ xấu trên giấy khổ 26 x 18 cm. Hình thức và nội dung giống như bản AB.315 vừa kể trên. Nhưng phải nói rằng bản này và bản AB.315 chép sót rất nhiều, ngay từ Lý Thái Tổ đến Lý Thần Tông đã bỏ đi một đoạn dài 294 câu(3). Chúng tôi nghĩ các bản này có thể là do trường Viễn đông Bác cổ thuê chép về sau.

Như vậy cho đến nay, chúng ta có cả thảy 6 dị bản TNNL. Hầu hết các văn bản này đều không ghi niên đại, tác giả, tên người sao chép hoặc nơi tàng trữ... Điều này đã gây không ít khó khăn, phức tạp trong quá trình nghiên cứu tác phẩm. Tuy nhiên, trong điều kiện chúng ta chưa tìm thấy một văn bản nào có niên đại gần với thời điểm ra đời của tác phẩm thì đó vẫn là nguồn tài liệu quý giá để nghiên cứu, tìm hiểu TNNL. Nếu căn cứ vào hình thức văn bản và các đặc điểm về ngôn ngữ văn tự, chúng tôi cho rằng bản có ký hiệu AB.478 là cổ nhất và cũng là bản có nội dung đầy đủ hơn cả. Còn các bản khác tuy được sao chép về sau nhưng cũng là những tài liệu tham khảo đáng quý. Nhưng xét trong văn bản vừa nêu cũng còn một số vấn đề cần phải làm sáng tỏ. Dưới đây chúng tôi xin đi vào chi tiết.

Trước hết xin nói về cơ cấu của sách. Phần đầu là bản Mục lục dài 15 trang có tựa đề: Việt Nam sử ký niên mục lục chia làm 2 phần. Phần "Ngoại kỷ" gồm các thời: Kinh Dương Vương; Hùng Vương; Kỷ thuộc Tây Hán; Kỷ họ Hồng Bàng, Lạc Long Quân, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương; Kỷ Tiền Lý, Triệu Việt Vương, Kỷ thuộc Tuỳ Đường; Kỷ thuộc Nam Bắc phân tranh; Kỷ họ Ngô; Kỷ nhà Đinh. Phần Bản kỷ gồm các thời: Kỷ nhà Lê (Tiền Lê), Kỷ nhà Lý, Kỷ nhà Trần, Phụ chép về Hồ Quý Ly, Kỷ Hậu Trần, Kỷ thuộc Minh, Kỷ nhà Lê. Đối với từng triều đại đều ghi rõ tên, niên hiệu, thời gian trị vì của mỗi ông vua.

Sang phần nội dung có dòng chữ "TNNL ngoại kỷ quyển". Sau đó sách không chia làm hai phần như bản Mục lục vừa kể trên mà diễn ca lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Lý ông Trọng, An Dương Vương, Triệu Đà, Hai Bà Trưng, phụ chép truyện các Thái thú nhà Hán, truyện Sĩ Vương, Kỷ Tiền Lý Nam Đế, Cao Biền, Mai Hắc Đế, Kỷ họ Phùng, Kỷ họ Khúc, Kỷ họ Ngô, Kỷ nhà Đinh, Kỷ nhà Lê (Tiền Lê), Kỷ nhà Lý, Kỷ nhà Trần, Hồ Quý Ly, nhà Hậu Trần, Kỷ nhà Lê. Tất cả gồm 8.136 câu thơ lục bát, không kể trên 30 bài thơ vừa Hán vừa Nôm.

Chỉ cần so sánh hai phần thống kê trên đây, ta cũng đã thấy có ít nhiều dị đồng. Nhất là trong kỷ nhà Lê, Mục lục chép rất kỹ từ Lê Thái Tổ đến Lê Chiêu Thống gồm 26 đời vua, trong khi phần nội dung sách chỉ diễn ca lịch sử nước nhà từ Kinh Dương Vương đến hết đời Hậu Trần đúng như tác phẩm đã ghi:

Tự Kinh Dương mở càn khôn,
Trải xem đến nhẫn cháu con nhà Trần.

Còn đoạn về nhà Lê chỉ kể lướt qua từ Lê Lợi đến mấy năm đầu đời Lê Trung hưng, không đi sâu vào một chi tiết cụ thể nào và chủ yếu là để tán tụng công đức họ Trịnh, có thể xem như phần kết luận. Những điều vừa nêu trên cho phép chúng ta nghĩ rằng Mục lục này là của một cuốn sách sử như tựa đề đã nêu, không phải của TNNL. Cuối sách có bài tựa Đại Việt sử ký tiệp lục tổng tự cũng không nằm trong TNNL mà là bài tựa của sách Đại Việt sử ký tiệp lục làm vào đời Nguyễn(3). Như vậy, ở đây chỉ có phần nội dung viết bằng chữ Nôm là thực sự của TNNL mà thôi. Việc chép chung những tác phẩm khác nhau vào cùng một cuốn sách chép tay không phải là một điều hiếm thấy trong kho sách Hán Nôm cũ. Bởi đã sát nhập Mục lục này vào TNNL nên ông Nguyễn Văn Tố trong bài Một bài thơ cổ về Bà Trưng (Báo Tri Tân số 38) có viết: "Sách viết bằng chữ Nôm, thuật truyện từ đời Kinh Dương Vương đến năm Chiêu Thống Đinh Mùi (1.787)..." Ông cũng chỉ rõ đó là bản chép tay mang ký hiệu AB.478 mà ta đang bàn tới. Gần đây, trong bộ Di sản Hán Nôm - thư mục đề yếu (Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993) trong khi giới thiệu sách TNNL cũng ghi rằng: "Diễn ca, thể 6-8 lịch sử Việt Nam từ Kinh Dương Vương đến Lê Chiêu Thống" (quyển 3, tr.230). Nếu quả như vậy thì TNNL tất phải làm ít ra là vào cuối thế kỉ XVIII ? Ai cũng biết thế kỷ XVIII trong lịch sử Việt Nam đã diễn ra rất nhiều sự kiện trọng đại: phong trào nông dân nổ ra rầm rộ với các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Hữu Cầu... Rồi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vĩ đại, cuộc đại thắng 20 vạn quân Thanh do vua Quang Trung lãnh đạo... Tất cả những sự kiện ấy đều không thấy nhắc đến trong TNNL. Một người yêu lịch sử và văn học dân tộc đến mức bỏ công phu diễn ca thành một tác phẩm dài đến hơn 8000 câu thì không thể không ghi chép, phản ánh các sự kiện mà nó đã xảy ra trong lịch sử. Do đó TNNL phải là một tác phẩm viết ra vào cuối thế kỉ XVII là thời kỳ mà chế độ Lê Trịnh sau những năm loạn lạc, chiến tranh đã đi vào một thời kì tạm ổn định. Một cách cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh đã cho rằng TNNL được viết vào thời kỳ Trịnh Căn ở ngôi chúa (1682 - 1709). Chứng cứ là khi nói về Trịnh Căn tác giả không gọi bằng miếu hiệu như Trịnh Tạc mà gọi bằng chức vị khi còn sống: "Nay đức Thống đại khí cương..." "Thống đại" là chữ viết tắt của chức" Đại nguyên súy thống quốc chính" mà Trịnh Căn được gia phong vào năm 1685. Như vậy TNNL chắc chắn phải xuất hiện từ năm 1685 trở về sau và muộn nhất thì cũng chỉ vào khoảng mấy năm đầu của thế kỷ XVIII. Nhận định như vậy theo chúng tôi là xác đáng.

Bây giờ, chúng ta thử xem xét tác phẩm dưới góc độ ngôn ngữ văn tự. Nếu đem so sánh trong mối tương quan giữa các văn bản đã nêu trên đây thì trong khá nhiều trường hợp, bản AB.478 có cách ghi cổ hơn các bản khác, xin nêu một số ví dụ:

Bảng trên cho ta thấy cách ghi trong văn bản AB.478 còn lưu lại khá nhiều dấu vết phản ánh các nhóm phụ âm bl, kl, khl... trong tiếng Việt cổ thường bắt gặp trong các tác phẩm Nôm đời Lê như Quốc âm thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập, Chỉ nam ngọc âm... trong khi các văn bản khác lại phản ánh cách phát âm thay đổi về sau. Nghiên cứu sự diễn biến của các hình thức văn tự như trên sẽ góp phần vào việc tìm hiểu lịch sử phát triển của chữ Nôm. Một đặc điểm nữa cũng dễ nhận thấy là bản AB.478 thường sử dụng nhiều từ cổ so với các bản khác như mựa - chớ, dái - sợ, la đá - đá... mà hiện nay không còn dùng nữa hoặc rất ít dùng. Các dạng từ này cũng phần nào phản ánh những đặc trưng về từ vựng, ngữ nghĩa của TNNL.

Tóm lại, có thể nghĩ rằng phần chữ Nôm trong văn bản AB.478 được sao chép từ một văn bản khá cổ và người sao chép đã tỏ ra trung thành với văn bản được sao chép. Vậy văn bản mang đậm dấu ấn đời Lê này được sao chép trong khoảng thời gian nào ? Căn cứ đoạn cuối sách có bản kê niên hiệu các vua đến cuối Bảo Hưng (Tây Sơn) nên cũng có khả năng là văn bản được sao chép vào lúc này. Hơn nữa, trong văn bản không tìm thấy những chữ viết kiêng húy mà theo chúng ta biết thì "Triều Tây Sơn không quy định viết kiêng húy, hầu hết các thư tịch, bi ký triều Tây Sơn không có chữ viết kiêng húy"(4). Hoặc chậm một chút thì có thể nó được sao chép vào những năm đầu niên hiệu Gia Long, khi mà "lệ kiêng húy mới được khôi phục và quy định chưa chặt chẽ, thì trên một số văn bản trong thời gian này có tình trạng không viết kiêng húy"(5).

Từ những kết quả khảo sát bước đầu về văn bản TNNL đã trình bày trên đây, chúng tôi mong rằng sẽ đem lại đôi điều bổ ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu một tác phẩm Nôm tiêu biểu ở giai đoạn thế kỷ XVI - XVII của nền văn học nước nhà(5).

N.T.L
5 - 1997

CHÚ THÍCH

(1) Nguyễn Lương Ngọc và Đinh Gia Khánh: Thiên Nam ngữ lục - Nxb. Văn hóa 1958.

(2) Để tránh cho bài viết đỡ rườm rà, chúng tôi xin miễn dẫn ra ở đây.

(3) Theo Nguyễn Lưong Ngọc và Đinh Gia Khánh, Sđd, tr.35.

(4) Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy trên các văn bản Hán Nôm - Tóm tắt luận án PTS. khoa học Ngữ văn, Hà Nội, 1995, tr.14.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993, tập I, tr.55.