Lời nguyền ở chùa không... Sư

Chuyện rằng, khi Thiền sư Không Lộ dựng nên chùa, dân chúng nơi đây không mấy mặn mà với đạo Phật và khói nhang, tượng Phật. Thuở đó, Đức Thánh tổ nổi giận trừng phạt dân gian. Trong một đêm mưa gió bão bùng, Đức Thánh đan không biết bao nhiêu rọ tre, cho tất cả tượng Phật vào đó. 

Rồi ngài ngả nón làm thuyền vượt sông Hồng sang đất Thái Bình. Và tất cả tượng Phật, cái gì liên quan đến nhà Phật cũng xuôi theo dòng nước, theo ngài về nơi đất mới. Đến giữa sông, ngài ngoảnh cổ lại và nói một lời nguyền rằng sẽ không có vị sư nào đến ở ngôi chùa trên...

image

Cho đến tận bây giờ, chẳng sư nào trụ lại được ở ngôi chùa này, làm cho tích chuyện thêm phần kỳ bí... Ngôi chùa bề thế đó, có độ tuổi đến vài trăm năm, rêu phong và cổ kính nhất nhì miền Bắc, thế nhưng lại không có bóng dáng của áo thâm, nón tu-lờ - chùa không có sư ở, có vẻ lạ ở trên đời ấy là chùa Keo Hành Thiện, thuộc huyện Xuân Trường, Nam Định.

Người giữ... “lời nguyền”

Chúng tôi đến thăm chùa không sư vào tờ mờ sáng, khi chưa có khách hành hương về đất Phật. Nhìn ngắm ngôi chùa trong sương sớm, lại ngược thời gian nghe huyền thoại, chợt xao lòng, thấy ngôi chùa thêm bao phần kỳ bí mà chưa ai rõ thực hư của vấn đề.

Ông Thủ từ Nguyễn Trường Lý từ trong xóm nhỏ đi ra, từ tốn mở cánh cửa lim nặng nề. Một không gian chùa qua 400 năm đang được “cách ly” với bên ngoài bỗng vỡ òa trong chốc lát, tượng Phật, màu ngói rệu rã rêu phong như làm sửng sốt cho những người lạ chúng tôi.

Như đoán được suy nghĩ của khách, ông kể rằng: Kể từ khi ngôi chùa này có mặt trên doi đất hình con cá chép này thì tổ tiên nhà ông là những Thủ từ truyền từ đời này qua đời khác, những khi có việc làng, trùng tu hay lễ hội thì ông lại bàn giao cho làng sử dụng. Lúc hội làng sắp mở, làng bắt đầu cắt cử đội bảo vệ chùa, chọn ông chủ lễ phải là người “đức cao vọng trọng”. Thường người được chọn là bậc cao niên, hai ông bà còn song toàn, phải thượng thọ, được ăn yến lão.

Khi hội làng vừa xong, lại bàn giao ngôi chùa này cho ông Thủ từ. Nên, mọi lịch sử, biến đổi đều do Thủ từ ghi chép lại trong cuốn “Hành thiện xã chí”, Ông vừa làm nhiệm vụ khói nhang cho đức Phật.

Ông Thủ từ cho biết: “Bố tôi kế nghiệp của ông tôi, ông tôi kế nghiệp của cố... đã qua 20 đời nhà tôi làm nghề Thủ từ. Và đến đời tôi, cũng phải ghi chép đầy đủ mọi cái diễn ra, từ cái nhỏ, đến cả tên tuổi, ngày tháng năm sinh của các Thủ từ. Nên cũng từ đó, ngôi chùa có bao nhiêu bí mật đều nằm trong cuốn “Hành thiện xã chí” cả, nhưng số người được tiếp cận tính đến nay thì rất hiếm”.

Cuốn “Hành thiện xã chí” còn ghi, cách đây mấy trăm năm, chùa đã từng có rất nhiều vị sư hành khất đến, ở được một thời gian, thấy trong người khó ở, lại khăn gói ra đi bởi nhiều điều không ngộ ra giáo lý của ngôi chùa, cũng bởi trong người có một cái gì đó rối rắm như tơ vò mà ra đi không giải thích lý do gì. Ông Thủ từ cho biết: “Cách đây vài năm, có một vị sư khăn gói từ Thái Bình lên, quyết tâm xin ở lại tu đạo và cũng là nghiên cứu, hóa giải lời nguyền nhưng rồi cũng phải ra đi.

Lúc đó, Thầy bảo tôi là bị nhức đầu, suy nhược thần kinh, không đủ khả năng để tịnh cái tâm, phải đi mới yên ổn”.

Từ đó, câu chuyện về chùa không sư lại tăng thêm phần kỳ bí, nhưng đến giờ chưa một nhà làm khoa học, học thuật hoặc nhà sư nào hóa giải nổi tính khí huyền thoại của ngôi chùa. Còn ông Thủ từ kín đáo ấy, có bao nhiều bí mật về ngôi chùa lạ, ông mãi giấu những điều bí mật thuộc về giới đạo chăng?

Lịch sử chùa không sư

Trong cuốn “Trùng san Thần Quang Tự Phật tổ bản hành thiền uyển ngữ lục yếu tập” có ghi, chùa Hành Thiện do thánh Không Lộ Thiền sư (1016- 1094) xây cất. Thiền sư Không Lộ xuất thân trong một gia đình họ Dương, làm nghề ngư phủ, lớn lên ông xuất gia theo thiền sư Lôi Hà Trạch. Truyền thuyết còn kể lại rằng, khi viên tịch, ông hóa thành khúc gỗ trầm hương, lấy áo đắp lên khúc gỗ trầm hương biến thành tượng.

Thánh tượng này còn được lưu giữ trong hậu cung, quanh năm khóa kín cửa, không cho ai được thấy dung nhan của ngài. Cứ phải qua 12 năm, một chủ lễ và 4 viên chấp sự được cử để làm lễ trang hoàng tượng thánh. Nên rất nhiều du khách đến chùa muốn xem “mặt ngài” cũng phải đợi 12 năm mới có dịp.

Nói thêm về phần chọn người tắm rửa, trang hoàng cho ngài cũng phải thuộc những người có nhân phẩm, ăn chay, mặc quần áo mới. Sau khi rước thánh ra từ cấm cung mới dùng nước dừa pha tinh bưởi để tắm gội và tô son lại cho ngài. Nhưng họ buộc phải giữ bí mật cho đến khi chết mang đi về những điều đã thấy khi trang hoàng cho ngài. Điều đó càng tạo nên lớp sương mù bí hiểm bao bọc lấy ngôi chùa nhiều huyền thoại này...

Nghiên cứu thêm về lịch sử của chùa

Chùa Hành Thiện mang dấu tích của chùa Keo ở làng Dũng Nhân, Giao Thủy, Nam Định. Vì năm 1061, Không Lộ Thiền sư dựng chùa Nghiêm Quang bên hữu ngạn sông Hồng, theo thời gian, chùa bị nước làm cho xói mòn. Đến 1611, một trận lũ lớn đã cuốn trôi tất cả các dấu tích của ngôi chùa. Dân làng Keo phải rời bỏ quê cha đất tổ, một nửa vượt sông đến định cư ở phía đông bắc tả ngạn sông Hồng (Về sau, dựng nên chùa Keo Thái Bình). Còn một phần xuống Xuân Trường, Nam Định, dựng chùa Hành Thiện và tồn tại cho đến tận bây giờ.

Bao giờ giải được “lời nguyền”? Chúng tôi đã cố gắng vén một chút về bức màn bí ẩn này, thế nhưng đến nay cũng chỉ biết được về lịch sử ngôi chùa: Chùa là một trong hai ngôi chùa gắn với tên tuổi của nhà sư Không Lộ. Ông có công truyền bá rộng rãi đạo Phật trong dân gian. Khởi nguồn về mô hình của Chùa Hành Thiện được tính từ hồi 1062, thời Tiền Lý, người ta di dân đến xây mô hình chùa ở làng Dũng Nhuệ- Giao Thủy.

Sau đó về đất Hành Thiện vào năm 1588, sang Thái Bình năm 1611, về mặt quy mô chùa Keo Thái Bình lớn hơn chùa Keo Hành Thiện, bề thế hơn nhưng cấu trúc lại sao chép như nguyên vẹn; Cả hai chùa đều dựng bằng gỗ Lim, kết với nhau bằng mộng tre, mộng vược.... và mang cấu trúc thời Tiền Lê, thời kỳ Phật giáo phát triển thịnh vượng nhất ở nước ta.

Trải qua ngàn năm Bắc thuộc, rồi đến thời kỳ kháng chiến chống pháp, chống Mỹ, chùa Hành Thiện vẫn uy nghi, nhiều phen bọn thực dân Pháp có ý đồ phá, mà do sự tích kỳ bí về chùa quá lớn đến nỗi họng súng của bọn giặc cũng không dám nhóm ngó tới. Ngày xưa, Thái Bình, Nam Định là những nơi nằm trong các dự án di dân dưới các triều đại phong kiến.

Dân hai bên sông Hồng chạy lũ, kéo theo đủ nét văn hóa, phong tục, từ văn minh lúa nước đến tín ngưỡng đạo Phật mà cụ thể là đem theo cấu trúc cũng như mô hình chùa chiền đến vùng đất mới. Đói kém, mất mùa, thiên nhiên bạc đãi, thú dữ… là những thế lực mà con người sợ. Thế nên người ta tôn sùng ngài Không Lộ Thiền sư, người đi đâu, đem ngài theo đó để thờ cúng, như một biểu tượng của sự che chở tinh thần.

Nên khi chùa Hành Thiện được dựng lên, những cái gì thuộc về nguyên sơ mà người ta đem đến đều được tôn sùng, giấu kín để thờ phụng, thì đến nay, nhiều thứ còn lại thuộc về di sản đó đang là điều bí mật, không được công bố cho dư luận cũng là điều thường thấy ở các chùa chiền. Nhưng đó cũng là yếu tố để tạo nên những huyền thoại về thánh thần nơi cửa Phật...

Còn về vấn đề sao các sư không sống được ở chùa, trong một số sách, trong đó có cuốn “Hành Thiện xã chí” của gia tộc Thủ từ cũng có đề cập đến: “Có thể, do không quen với thổ nhưỡng, chướng khí... Mà cụ thể là cơ địa con người, nhà sư đạo cao cũng là người, thì không hợp chất đất, nguồn nước... là phải.

Thì sinh ra ốm đau, bệnh tật, ở lâu có sư bị “viên tịch” ngoài ý muốn là phải”.

Như vậy, mới có chuyện sinh ra các sư đến lưu trú, hành đạo, tu đạo trong chùa sẽ bị ốm, bệnh, chết... rồi bỏ đi chăng? Về cơ sở lý thuyết này, đến nay vẫn chưa có nhà khoa học, tổ chức nào nghiên cứu cụ thể, sát với thực tế, vấn đề “lời nguyền” trong truyền thuyết làm cho câu chuyện về “chùa không sư” thêm phần huyền bí.

Dẫu chùa không sư, không vãi, không tiếng mõ vang âm nhưng ngôi chùa vẫn tồn tại với thời gian. Du khách đến đây ngoài tìm lại bản chất con người nơi cửa chùa ra, còn tìm về huyền thoại, tín ngưỡng của cha ông ta- những điều chưa biết chăng?

Công Luận