Ảnh Hưởng Phật Giáo Đối Với Lịch Sử Văn Hóa Trung Quốc

...Nói cụ thể, về phương diện tư tưởng lý luận, Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc đã hiển hiện khuynh hướng Nho học hóa, nhưng Phật giáo đối với tinh thần xuất thế lại nhấn mạnh lòng hiếu, đối với sự nghiệp giải thoát giác ngộ thì đề cao tinh thần tuyệt dục thanh tịnh, đối với nhận thức luận và nhân tánh luận thì chủ trương trí là tâm thể và phương pháp tu hành tương ứng. Trên một trình độ và ý nghĩa nhất định thì Phật giáo rõ ràng đã bổ sung cho học thuyết đạo đức của Nho gia, làm giàu tư tưởng luân lý Trung Quốc...

Phật giáo ở Ấn Ðộ vốn không chấp nhận việc đệ tử Phật tiếp xúc âm nhạc, đờn ca xướng hát, nhưng sau khi truyền vào Trung Quốc, nhận ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Trung Quốc, Phật giáo dần dần hấp thu hình thức nghệ thuật âm nhạc, đã trở thành một trong những phương tiện quan trọng trong việc truyền bá chánh pháp. Trải qua thời gian tìm tòi và áp dụng thực tiễn, các nhà âm nhạc cổ đại Trung Quốc dần dần kết hợp với nghĩa lý Phật giáo với âm nhạc cung đình vốn có truyền thống lịch sử lâu đời, âm nhạc tôn giáo, âm nhạc dân gian thành một tổng thể hài hòa, hình thành âm nhạc Phật giáo với đặc trưng “Viễn, hư, đạm, tĩnh”, trở thành một bộ phận quan trọng trong nền âm nhạc dân gian.


Ảnh Hưởng Phật Giáo Đối Với Lịch Sử Văn Hóa Trung Quốc

Từ Thiệu Cường

Việt dịch: Tuệ Liên

Ngay từ những năm đầu công nguyên, Phật giáo đã bắt đầu truyền vào nội địa Trung Quốc, lưu truyền và phát triển cho đến nay đã được hơn 2000 năm. Là một tôn giáo phát xuất tại Ấn Ðộ được thỉnh mời đến đất nước Trung Quốc, Phật giáo đã trải qua các thời kỳ sơ truyền, cách nghĩa tỷ phụ , xung đột, thay đổi, thích ứng, dung hợp, dần dần đã thẩm thấu sâu sắc vào trong văn hóa Trung Quốc, đối với sự phát triển văn hóa lịch sử Trung Quốc phát sanh nhiều mặt ảnh hưởng.

Ðầu tiên, nhìn từ mặt phát triển của lịch sử xã hội Trung Quốc. Bắt đầu từ thời Ðông Tấn, là một tôn giáo có nội hàm phong phú và vị thế quan trọng trong xã hội, Phật giáo và những triều đại vua chúa phong kiến Trung Quốc có rất nhiều mối quan hệ mật thiết với nhau. Là một lực lượng hiện thực xã hội quan trọng lớn lao, một mặt, ngoài khu vực Tây Tạng và dân tộc Thái (một dân tộc thiểu số của Trung Quốc, chủ yếu phân bố tại tỉnh Vân Nam) Phật giáo cùng với chánh quyền trực tiếp hợp nhất, đối với các khu vực Hán tộc rộng lớn khác, Phật giáo rất ít khi chủ động trực tiếp phục vụ cho chính trị phong kiến, mà chủ yếu là thông qua mối quan hệ mật thiết giữa các bậc cao tăng và các triều đại vua chúa, dùng phương thức đặc biệt vốn có của tôn giáo gián tiếp tác dụng đến chính trị hiện thực; mặt khác, thông qua kinh tế tự viện, tăng tục đệ tử, chế độ tăng quan, trên mặt khách quan không lúc nào không phát sanh ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xã hội phong kiến. Là một loại hình thái ý thức, một mặt, Phật giáo thông qua tư tưởng siêu nhiên xuất thế của mình, cùng với chủ trương tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của Nho gia và cùng với học thuyết dưỡng sanh, thành tiên của Ðạo giáo cùng nhau bổ sung, do đó đối với việc bảo hộ, củng cố chế độ thống trị phong kiến đã khởi lên tác dụng tích cực, trở thành bộ phận quan trọng của kiến trúc thượng tầng xã hội phong kiến; mặt khác, Phật giáo với tinh thần từ bi cứu thế, phổ độ chúng sanh, cũng không ngừng khích lệ tăng tục hai chúng đệ tử tích cực đóng góp vào sự nghiệp tiến bộ và từ thiện của xã hội. Trong thời kỳ cận đại, dân tộc lâm vào tình thế vô cùng nguy hiểm, một số tư tưởng gia và các nhà cách mạng giai cấp tư sản, đã từng thực thi áp dụng tư tưởng Phật giáo vào việc bồi dưỡng đạo đức, khích lệ ý chí chiến đấu vô úy của người cách mạng, hầu cứu dân tộc Trung Hoa ra khỏi cảnh nguy cấp khổ đau.

Thứ đến là nhìn từ mặt phát triển của nền văn hóa truyền thống Trung Quốc. Phật giáo tại Trung Quốc lưu truyền và thâm nhập phát triển, một mặt làm giàu nội hàm nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, một mặt trong thời gian dài cùng với tư tưởng Nho gia và Ðạo giáo so sánh, xung đột tranh luận và dung hợp, Phật giáo đã trở thành một trong ba bộ phận không thể thiếu được kết hợp nên nền văn hóa Trung Hoa. Nói cụ thể, về phương diện tư tưởng lý luận, Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc đã hiển hiện khuynh hướng Nho học hóa, nhưng Phật giáo đối với tinh thần xuất thế lại nhấn mạnh lòng hiếu, đối với sự nghiệp giải thoát giác ngộ thì đề cao tinh thần tuyệt dục thanh tịnh, đối với nhận thức luận và nhân tánh luận thì chủ trương trí là tâm thể và phương pháp tu hành tương ứng. Trên một trình độ và ý nghĩa nhất định thì Phật giáo rõ ràng đã bổ sung cho học thuyết đạo đức của Nho gia, làm giàu tư tưởng luân lý Trung Quốc.

Về mặt triết học, truyền thống triết học Trung Quốc chú trọng luân lý thực tiễn, thường thường đối với việc trị quốc an bang nghiên cứu thảo luận mối quan hệ giữa người và thiên nhiên, xã hội, thiếu đi phần sâu sắc truy tìm căn nguyên bổn thể vũ trụ, nguồn gốc sanh mệnh, chỗ quay về sau khi chết v.v... Phật giáo truyền vào Trung Quốc, một mặt làm giàu phương thức tư duy và kho tàng triết học Trung Quốc; mặt khác thông qua các tư tưởng như thể dụng tương tức, thời gian không gian vô hạn, tâm tánh nhiễm tịnh, kiến tánh thành Phật... đã làm rộng lĩnh vực nghiên cứu của nền triết học Trung Quốc, làm lớn chiều sâu tư duy của triết học Trung Quốc, và đẩy mạnh sự phát triển lớn lao của triết học Trung Quốc.

Về phương diện văn học, các bản Hán dịch truyện ký về cuộc đời Ðức Phật Thích Ca, truyện bổn sanh, ngụ ngôn và các kinh điển đại thừa như “Duy Ma”, “Pháp Hoa”, “Hoa Nghiêm”, “Lăng Nghiêm” với tình tiết phong phú, hình tượng sinh động có giá trị văn học rất cao; các thể tài ngụ ngôn, tiểu thuyết, truyện của kinh Phật đã có tác dụng quan trọng trong việc đẩy mạnh sự phát triển của các loại hình tiểu thuyết, bình thoại, hý kịch, khúc điệu đời sau; các hoạt động hoằng pháp dùng thông tục ngôn ngữ tuyên giảng Phật pháp, cũng trực tiếp ảnh hưởng đến sự ra đời của văn học thuyết xướng như biến văn, bảo quyển, đàn từ, cổ từ; điển tịch phong phú và tư tưởng sâu sắc của Phật giáo lại cung cấp số lượng lớn nội dung tư tưởng và tình tiết cốt truyện cho việc sáng tác tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Các tác phẩm trường thiên cổ đại nổi tiếng như “Tây Du Ký”, “Hồng Lâu Mộng”, “Phong Thần Diễn Nghĩa”, “Kim Bình Mai”, “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Thủy Hử”, “Nho Lâm Ngoại Sử”... là những tác phẩm tiêu biểu ảnh hưởng nhiều phương diện của Phật giáo.

Thanh minh học Ấn Ðộ theo Phật giáo truyền vào Trung Quốc, ảnh hưởng đến sự sáng tạo 4 thanh của âm vận học và luật thơ, từ đó đẩy mạnh sự khai sáng thể tài thơ mới từ đời Ðường trở về sau; đồng thời tư tưởng Phật giáo phong phú, nhất là tư tưởng Bát Nhã, Duyên Khởi, Tánh Không và tư tưởng Thiền tông không trệ vào một vật nào, cũng tăng thêm những nội dung mới, ý cảnh mới cho thi ca Trung Quốc.

Về mặt ngôn ngữ học, trong điển tích Phật giáo xuất hiện điển cố ưu mỹ và các từ ngữ mới có tính nghệ thuật thẩm mỹ, làm giàu kho tàng ngôn ngữ văn học của Trung Quốc, nhiều từ ngữ thậm chí đã trở thành ngôn ngữ sử dụng hàng ngày của người dân, như thế giới, thực tế, giác ngộ, tịnh độ, bỉ ngạn, công án, phiền não, giải thoát, nhân duyên, chân đế, phương tiện, hiện hành, tác dụng, bình đẳng, trang nghiêm, tương đối, tuyệt đối, tri thức, bất nhị pháp môn, tam sanh hữu hạnh, ngũ thể đầu địa, lục căn thanh tịnh, thiên long bát bộ, đại thiên thế giới, thiên nữ tán hoa v.v...

Về phương diện phong tục, theo sự lưu truyền của Phật giáo tại Trung Quốc, một vài ngày lễ truyền thống của Phật giáo dần dần trở thành ngày lễ của dân gian, như mồng 8 tháng chạp âm lịch, vốn là ngày kỷ niệm Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, sau thời kỳ Nam Bắc triều, kết hợp với ngày lễ tháng chạp vốn có mặt lâu đời tại Trung Quốc, đó là nguồn gốc của ngày lễ mồng tám tháng chạp ăn cháo; lại như, để kỷ niệm Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn, ngày 15 tháng 4 dương lịch, dân tộc Tây Tạng đều cử hành “lễ Tát cách đạt ngõa”; lại như, Phật giáo Nam tông cho rằng, ngày 15 tháng 04 là ngày Phật đản, cũng là ngày Ðức Phật Thành đạo và Niết bàn, dân tộc Thái tin theo Phật giáo Nam truyền, vì thế vào ngày này đều bỏ ra 3 đến 5 ngày làm ngày đầu năm mới, đi khắp xóm làng rảy nước để chúc mừng.

Về phương diện nghệ thuật, từ thời Hán Ngụy, do tiếp thu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo, các lãnh vực nghệ thuật của Trung Quốc như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc... đều tăng thêm hình thức và nội dung mới, trong kho tàng nghệ thuật dân tộc tăng thêm rất nhiều trân bảo quý hiếm vô giá. Chùa Bạch Mã là ngôi Chùa Phật khởi nguyên tại Trung Quốc, trải qua lịch sử diễn biến, Chùa Phật Trung Quốc cách kiến trúc chủ yếu đã hình thành 2 loại là Tháp và Chùa thạch quật. Ðặc điểm của Tháp là tự viện và Tháp kết hợp hài hòa với nhau, hoặc là xây Tháp trong Chùa, hoặc là xây Tháp ngoài Chùa, phần đông các tự viện phân bố khắp các miền Trung Quốc đều thuộc về loại này. Chùa lấy Ðại Hùng Bảo Điện làm chủ thể, phần đông xây bằng gỗ, gỗ và nghệ thuật kiến trúc vốn có liên kết với nhau, hình thành nên phong cách mới, từ đó ngành kiến trúc phô bày sắc thái đặc thù mới lạ; Tháp kết hợp nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc thành một thể, hình thức đa dạng, cách tạo hình mỹ quan. Thạch quật tự được đào dựa theo thế núi, bên trong điêu khắc hình tượng Phật, vẽ bích họa, nổi tiếng là các thạch quật Ðôn Hoàng, thạch quật Vân Phong, thạch quật Long Môn...

Sự truyền nhập của hội họa Phật giáo, một mặt khiến cho nghệ thuật hội họa Trung Quốc xuất hiện thêm nhiều nội dung và đề tài phong phú giá trị, như tượng Phật, tượng Bồ tát, tượng A la hán, tượng cao tăng, tượng quỷ thần, tranh truyện lịch sử Ðức Phật, tiền thân Ðức Phật...; mặt khác làm giàu sức tưởng tượng nghệ thuật của các nhà hội họa cổ đại, đẩy mạnh sự phát triển hình thức và kỹ năng khéo léo của nghệ thuật hội họa Trung Quốc.

Phật giáo ở Ấn Ðộ vốn không chấp nhận việc đệ tử Phật tiếp xúc âm nhạc, đờn ca xướng hát, nhưng sau khi truyền vào Trung Quốc, nhận ảnh hưởng của truyền thống văn hóa Trung Quốc, Phật giáo dần dần hấp thu hình thức nghệ thuật âm nhạc, đã trở thành một trong những phương tiện quan trọng trong việc truyền bá chánh pháp. Trải qua thời gian tìm tòi và áp dụng thực tiễn, các nhà âm nhạc cổ đại Trung Quốc dần dần kết hợp với nghĩa lý Phật giáo với âm nhạc cung đình vốn có truyền thống lịch sử lâu đời, âm nhạc tôn giáo, âm nhạc dân gian thành một tổng thể hài hòa, hình thành âm nhạc Phật giáo với đặc trưng “Viễn, hư, đạm, tĩnh”, trở thành một bộ phận quan trọng trong nền âm nhạc dân gian.