...Lịch sử của loài người là lịch sử của sự tìm kiếm và thực nghiệm sự thật. Hãy để cho sự thật tự hiển lộ trước mắt mọi người. Người con Phật đứng giữa sự chỉ trích và tán thán hãy học theo cách của bậc Đạo sư, không giận dữ hay vui mừng mà hãy giữ tâm ý thật khách quan để tự thăng tiến tuệ giác...
Chấp nhận ý kiến của người khác một cách mù quáng và không thắc mắc sẽ là một sự ngu xuẩn, nhưng làm ngơ ý kiến của họ cũng là một sự ngốc nghếch. Trí tuệ và Kinh nghiệm của những người khác, đặc biệt là bậc trí, có thể giúp chúng ta làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng ta và đưa chúng ta đến một vị trí tốt hơn để chọn lựa một giải pháp đúng hơn...
Anh ta đọc nhiều sách và hiểu sâu sắc về Kinh điển Phật giáo, phiên dịch Kinh điển sang Pháp ngữ, và thậm chí viết tiểu sử của đức Phật. Nhưng căn nguyên sâu xa khiến cho anh ta quan tâm thích thú đạo Phật là sự kiện mà anh ta cảm thấy Phật giáo đã mang lại cho anh ta sự củng cố trực tiếp về tư tưởng triết học để giải tỏa những sự thất vọng trong cuộc sống của anh ta…Jack tuân giữ giới thứ nhất trong đạo Phật hơn tất cả những thứ khác và phát biểu rằng: "Tất cả đời là khổ đau.”
Giới Trí Thức Bình Luận Về Đức Phật & Giáo Lý Của Ngài
Thích Quảng Bảo Sưu tầm & chuyển dịch
Lời Giới Thiệu
Đức Phật ra đời và thuyết pháp “vì hạnh phúc và an lạc cho số đông.” Những lời dạy của Ngài cho con người chỉ nhắm vào hai mục tiêu chính: khổ và diệt khổ. Ngài không tranh luận với đời. Ngài chỉ thuyết pháp, nêu bật sự kiện khổ đau ở đời và chỉ bày cho con người cách thức đoạn trừ khổ đau.
Đức Phật không khuyến khích mọi người theo Ngài chỉ vì niềm tin suông. Đọc lại lời khuyên của Ngài cho Sìha, vị tướng quân người Licchavì, Upàli, vị gia chủ nổi tiếng của xứ sở Nalanda và những lời dạy dành cho các vị Kàlàma xứ Kesaputta, chúng ta thấy rõ nhân cách lớn của bậc đạo sư và tinh thần tự do tư tưởng hết sức cao cả của Giáo lý Ngài. Chân lý không là đặc quyền của người nào. Chân lý không có ngã và ngã sở. Người ta không nên khẳng quyết rằng chỉ có điều mình theo là đúng ngoài ra là hư vọng. Đức Phật không bao giờ nói hãy tin ta, nhưng Ngài bảo “hãy đến để mà thấy” (Ehibhikkhu). "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi" là khẩu hiệu tự do thẩm sát chân lý trong đạo Phật. Sự thật thách thức khả năng tìm tòi, khám phá của mỗi cá nhân chứ không yêu cầu lòng tin của mọi người.
Đức Phật là thế và giáo lý của Ngài là thế. Lịch sử của loài người là lịch sử của sự tìm kiếm và thực nghiệm sự thật. Hãy để cho sự thật tự hiển lộ trước mắt mọi người. Người con Phật đứng giữa sự chỉ trích và tán thán hãy học theo cách của bậc Đạo sư, không giận dữ hay vui mừng mà hãy giữ tâm ý thật khách quan để tự thăng tiến tuệ giác. Tập sách “Giới trí thức bình luận về đức Phật và giáo lý của Ngài” do Tăng sinh Quảng Bảo sưu tầm và chuyển dịch có thể giúp cho người con Phật thực tập thái độ khách quan khi đứng trước sự chỉ trích hay tán thán của người khác. Việc làm này của Tăng sinh là một nỗ lực xứng đáng được tán thán và khuyến khích.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
Hòa thượng Thích Minh Châu.
Lời Nói Đầu
Những ai xem việc thay đổi Tôn giáo hay chấp nhận một Tôn giáo mới lần đầu tiên thì sẽ làm một điều gì đó có thể có một ảnh hưởng sâu sắc về cuộc đời của họ. Đó không phải là một điều gì phải được từ bỏ một cách hấp tấp, vội vã, hoặc là nó được từ bỏ dưới sự ảnh hưởng của những cảm xúc tình cảm khi đạt đến tột đỉnh. Nếu chân lý phải được khám phá, thì thời gian phải được diễn ra, tất cả những sự kiện phải được xem xét, và vấn đề phải được chất vấn và những ý kiến khác nhau phải được xem xét, thảo luận. Chúng ta cố gắng làm tất cả những điều này, trước khi đưa ra những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta. Do vậy, tại sao chúng ta không nên thực thi chúng trước khi đưa ra những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta liên quan đến tín ngưỡng Tôn giáo của chính mình?
Chấp nhận ý kiến của người khác một cách mù quáng và không thắc mắc sẽ là một sự ngu xuẩn, nhưng làm ngơ ý kiến của họ cũng là một sự ngốc nghếch. Trí tuệ và Kinh nghiệm của những người khác, đặc biệt là bậc trí, có thể giúp chúng ta làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng ta và đưa chúng ta đến một vị trí tốt hơn để chọn lựa một giải pháp đúng hơn. Với sự truyền bá Phật giáo ở các nước Âu Mỹ trong khoảng hơn trăm năm qua, một số đông giới trí thức phương Tây, kể cả nhiều vị lãnh giải Nobel hòa bình, đã bày tỏ một sự quan tâm sâu sắc và ngưỡng mộ Tôn giáo cổ đại này. Chỉ có một số ít thực sự trở thành Phật tử. Họ trở thành Phật tử do bị ấn tượng về phương pháp tư duy trong sáng và hợp lý của đạo Phật, số khác nhờ vào sự khoan dung độ lượng nhã nhặn của Tôn giáo này. Một số khác trở nên ngạc nhiên trong kính phục do triết lý của Tôn giáo này rất thích ứng (nếu không nói là rất giống) với những phát minh của khoa học hiện đại. Trong khi đó, số khác thích Phật giáo khi tiếp cận với những ý tưởng về đời sống luân lý đạo đức mà không cần tin vào một đấng Thượng đế đầy quyền năng. Những lời trích dẫn được thu thập trong cuốn sách nhỏ này thật sự đáng để quan tâm vì một số lý do sau:
Trước hết, những lời trích dẫn này cho thấy sự hấp dẫn phổ quát của Phật giáo, mà đây lại là lời phát biểu của những nhà tâm lý, nhà thơ, triết gia và nhà toán học trên khắp thế giới với nhiều bối cảnh văn hoá và Tôn giáo khác nhau. Có phải chăng lời dạy của một con người đã sống từ lâu vẫn có thể thích hợp và có ý nghĩa đối với một nhà khoa học lỗi lạc như Einstein, một nhà thơ như Eliot hoặc một triết gia như Rusell? Lại nữa, những lời trích dẫn này nói nhiều về những người đã viết ra chúng như họ đã làm gì cho chính đạo Phật.
Chúng ta đọc những gì mà một số tư tưởng gia có đầu óc vĩ đại trong thời đại của chúng ta phải nói về quan điểm của Phật giáo về ly tham, không chấp thủ và tình thương, về yếu tố duy lý trong đạo Phật và về vai trò và địa vị của đức Phật trong lịch sử nhân loại. Họ so sánh Phật giáo với những Tôn giáo khác, làm nổi bật sự đề cao về yếu tố lý trí của Tôn giáo này và cho chúng ta biết được những ảnh hưởng lớn lao của nó đối với nền tâm lý học hiện đại. Hy vọng rằng những gì được nói trong cuốn sách nhỏ này sẽ làm cho độc giả có động cơ nhìn sâu hơn nữa về những lời dạy của đức Phật, và nếu thoả mãn về mặt tâm linh hãy ứng dụng những nguyên tắc này vào đời sống thực tiễn. Thiết nghĩ đây là một công trình có giá trị nghiên cứu và rất hữu dụng đối với những ai khi nghiên cứu đạo Phật. Hơn nữa, những lời trích dẫn trong tập sách này là những nguồn dẫn chứng quý giá đối với những ai muốn nghiên cứu và viết lách về những đề tài liên quan đến Phật giáo và những lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, do đây là một tập sách sưu tầm những nguồn tư liệu nằm rải rác trong các sách báo Anh ngữ, cũng như một số tư liệu đã được dịch sang Việt ngữ, người dịch xin cáo lỗi cùng với quý độc giả trong vấn đề sắp xếp những lời phát biểu theo thứ tự từng tác giả hay theo từng chủ đề khác nhau liên quan đến giáo lý và cuộc đời của đức Phật. Ở cuối phần tập sách nhỏ này, người dịch xin trích dẫn NGUYÊN bản tác phẩm "Buddhism in the Eyes of Intellectuals" của Đại lão Hoà thượng K. Sri Dhammananda, một vị Hoà thượng người Tích Lan có công rất lớn trong công việc hằng truyền Phật pháp tại Malaysia và cũng là một nhà Phật học có rất nhiều ảnh hưởng đến giới nghiên cứu Phật học tân thời. Nhân đây, Người dịch xin bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với Hòa thượng Viện trưởng Thích Minh Châu, người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì sự nghiệp giáo dục đàn hậu học chúng con. Thành kính dâng lên Thượng tọa Bổn sư, người đã có công giáo dưỡng con nên người, thành quả học tập này với tất cả tấm lòng quý kính của người đệ tử. Cuối cùng, xin chân thành tri ân sự chỉ giáo của các bậc cao minh để tập sách nhỏ này ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Quảng Đức, Xuân Canh Thìn
Dịch giả Thích Quảng Bảo
Nội dung
Do đó, trong thời đại ngày nay, hầu hết những Tôn giáo khác thì mới và trẻ khi được so sánh với Tôn giáo đáng kính này [Phật giáo], một Tôn giáo chứa đựng trong nó sự vô tận của niềm hy vọng toàn cầu, sự bất tử của tình thương không bờ bến, một yếu tố bất hoại của niềm tin về sự tuyệt mỹ, và sự quả quyết tự hào nhất về quyền tự do giải thoát nhân loại.
Đây hoa nở rộ trên cây nhân loại
Đã bừng nở qua vô số năm
Làm thế giới chan hòa hương thơm trí tuệ
Và mật ngọt tình thương.
(Sir Edwin Arnold (1832-1904), Nhà thơ, nhà báo người Anh, và tác giả cuốn "Ánh Sáng Á Châu")
Những lời dạy của Thái tử người Ấn Độ thực sự không có gì lay chuyển trước những phát minh hiện đại của khoa học… Ngôn từ sẽ không làm cho tôi hiểu nếu tôi cố gắng bày tỏ sự cần thiết mà tôi nghĩ tri thức của niềm tin và triết lý cao siêu của Tôn giáo này làm cho sinh động thêm chủ nghĩa vật chất của Tây phương… Đó là, trong bất kỳ tình huống nào, một chân lý đã làm ảnh hưởng không chỉ đối với những tư tưởng gia vĩ đại và hùng vĩ nhất của Hy Lạp và La Mã mà còn làm những cơ sở khởi đầu cho nền tảng của tư tưởng Cơ đốc giáo, mà Phật giáo đã ra đời trước Tôn giáo này khoảng 500 đến 600 năm. Tôn giáo này có thể tuyên bố kết bạn tốt đẹp cùng nguồn gốc với những Tôn giáo lớn, mà không có sự hành quyết và ép buộc những người thuộc Tôn giáo khác Phật giáo, và những lý do này có thể chứng kiến dễ dàng trong chính giáo lý của Tôn giáo này.
(L. Adam Beck, một nhà lữ hành và một học giả người Hoa Kỳ.)
Đối với tín đồ Cơ đốc giáo, thì tình yêu là đức tính tối thượng; nhưng đối với tín đồ Phật giáo, thì lại là trí tuệ bởi vì họ cho rằng vô minh là nguồn gốc của tất cả những tội lỗi. Đồng thời, tình yêu cũng được xếp lên hàng cao….Khoan dung và lòng từ, cả hai được căn cứ trên cơ sở trí tuệ Phật giáo, có lẽ là nguyên nhân chính giải thích tại sao con đường Trung đạo của đức Phật Cồ Đàm đã truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác hơn 2.500 năm qua.
(Sir Charles Bell KCIE, CMG (1870-1945), nhà ngoại giao và nhà biên soạn từ điển người Anh.)
Thông điệp của đức Phật về chân lý, hòa bình, từ bi và khoan dung rất là thích hợp đối với xã hội ngày nay cũng như nhiều thế kỷ trước đây. Thời gian trôi qua đã làm cho những ánh sáng càng tỏa sáng hơn. Sự lan tràn của chủ nghĩa vật chất và sự theo đuổi những thành đạt của cá nhân bất chấp mọi giá đã làm xói mòn những sợi dây thắt chặt tình huynh đệ và tính cộng đồng. Trong những tình huống này, điều cần thiết và quan trọng đối với chúng ta là nhớ lại và truyền bá thông điệp về từ bi và trí tuệ của đức Phật để hận thù có thể được thay thế bằng tình thương, xung đột bằng hòa bình an lạc, và sự cạnh tranh bằng hợp tác lẫn nhau.
(Tiến sĩ Amadou-Mahta M”Bow-Chủ tịch tổ chức UNESCO.)
Chỉ có Tôn giáo duy nhất trong tất cả các Tôn giáo trên thế giới hấp dẫn tôi nhất là Phật giáo. Đạo Phật, như sự hiểu biết của tôi về Tôn giáo này, đúng ra là một hệ thống triết học của thế giới, và một triết lý sống đối với những người ưu tú được hình thành ở nơi Tôn giáo này chứ không phải là một Tôn giáo xét theo ý nghĩa thông thường của ngôn từ.
(CD Broad (1887-1971), triết gia người Anh.)
Cuộc cách mạng gần đây của con người có lẽ bắt đầu với sự tiến bộ cao của chân tay, và sự lựa chọn một bộ não, đặc biệt thông thạo thao tác của đôi bàn tay. Chúng ta cảm thấy vui mừng về điều đó trong những hành động của mình, với kết quả là đối với giới nghệ thuật, bàn tay là một biểu tượng chính yếu; chẳng hạn bàn tay của đức Phật ban tặng cho con người món quà của lòng nhân đạo trong một tư thế tịch lặng, món quà của sự vô uý.
(J. Bronowski (1908-1974), một tác giả và triết gia, khoa học gia người Hoa Kỳ.)
Cho dù người phương Tây lần đầu đến với giáo lý đạo Phật mà họ vốn dĩ quen với khoa học hiện đại, hay những thuật ngữ chuyên môn của đạo Cơ đốc giáo, họ nên luôn luôn ghi nhớ rằng đức Phật không quan tâm sự hiện hữu hay không hiện hữu của một đấng quyền năng tối cao, hoặc là những mệnh đề triết học trừu tượng khác. Điều Ngài quan tâm duy nhất là “con đường”, con đường thực tế, qua đó con người có thể chấm dứt những khổ đau của mình trong kiếp này và mai sau.
(Marie b. Byles (1900-1979), một tác giả và nhà leo núi người Úc.)
Thông điệp của đức Phật về từ bi và sự tận tâm, nhiệt tình trong sự nghiệp phục vụ cho nhân loại càng thích hợp hơn trong xã hội ngày nay hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại. Hòa bình, sự hiểu biết và một cách nhìn vượt khỏi những hạn chế thuần tuý trong phạm vi quốc gia đã trở thành các vấn đề cấp bách hơn trong thời đại bất an, thiên về vũ khí hạt nhân hôm nay.
(Javier Perez De Cuellar, nhà ngoại giao của Peru, và Tổng Thư ký của Liên Hợp Quốc.)
Người ta không thể từ chối rằng vẻ đẹp thực sự của Đông phương trong nhiều thành ngữ mà giới Phật tử sử dụng; và rằng có cơ sở thực sự cho sự nhiệt tình khiến họ phát sinh. Chưa bao giờ trong lịch sử của thế giới một kế hoạch như thế lại được vạch ra, quá tự do thoát khỏi những tác nhân của một đấng siêu nhiên, quá độc lập, thậm chí rất đối kháng với niềm tin về một linh hồn, niềm tin vào một Thượng đế, và hy vọng một kiếp sống tương lai.
Cho dù những điều này là đúng hay sai, đó là một điểm chuyển đổi trong lịch sử Tôn giáo của con người khi mà một nhà cải cách, hoàn toàn đầy đủ nhiệt tâm nhất vì những mục tiêu luân lý đạo đức và được đào tạo trong tất cả nền văn hóa tri thức trong thời đại của vị ấy, đã đưa ra một cách thận trọng, cân nhắc, và với một tri thức có những quan điểm chống lại học thuyết của sự cứu rỗi được tìm thấy ở đây, ngay trong kiếp sống này, trong một trái tim tâm hồn thay đổi bên trong.
Dù là Phật tử hay không phải, tôi đã xem xét các hệ thống của tất cả các Tôn giáo lớn trên thế giới, và tôi không tìm thấy Tôn giáo nào có thể vượt qua cái đẹp và tính toàn diện của giáo lý Bát Thánh đạo và Tứ Thánh đế của đức Phật. Tôi rất hài lòng xây dựng cuộc đời mình trên con đường đó.
(Giáo sư T.W. Rhys Davids (1843-1922), thành lập hội Thánh Điển Pali, nhà biên tập từ điển Pali-Anh, dịch giả Trường Bộ Kinh và là nhà biên tập của nhiều Kinh sách Phật học.)
Cũng như những bậc Thầy khác cùng thời đại Ngài, đức Phật giảng dạy thông qua những cuộc hội thoại, bài diễn thuyết, và những hình ảnh ẩn dụ. Nếu so với đấng Christ và Socrates, Đức Phật chẳng bao giờ có ý định đem học thuyết của Ngài viết thành văn bản. Ngài đã tóm tắt những lời thuyết giảng ấy thành những bài Kinh nhằm mục đích nhắc nhở cho chúng ta ghi nhớ những gì Ngài dạy, như đã được chư vị đệ tử Ngài bảo tồn cho chúng ta ngày nay. Những bài Kinh này phác thảo cho chúng ta một nhân vật đặc trưng nhất trong lịch sử Ấn Độ: một con người với ý chí và nghị lực mãnh liệt, quyền uy và tự trọng, danh tiếng, nhưng có một nhân cách nhã nhặn tế nhị và ngôn từ hiền hòa từ ái, và một lòng từ tâm vô biên. Ngài tuyên bố sự giác ngộ giải thoát nhưng không có một sự khêu gợi; Ngài không bao giờ giả vờ rằng một vị thiên thần khi đang nói chuyện với Ngài. Trong tranh luận, Ngài kiên nhẫn và trung dung hơn bất kỳ những vị đạo sư khác của nhân loại.
Giống như Đức Khổng Phu Tử và Christ, Ngài mong muốn chuyển hóa ác thành thiện, tình thương thay hận thù; và Ngài hoàn toàn im lặng trước những sự hiểu lầm và nhục mạ của kẻ khác… Không giống như hầu hết các bậc Thánh khác, đức Phật có một óc hài hước, và biết rằng hiện tượng siêu hình học mà không có hành động là sự kiêu căng.
(Will Durant (1885-1981), một sử gia người Mỹ và người đoạt giải thưởng Pulitzer.)
Nhưng sự cuốn hút của Eliot đến với Phật giáo không chỉ đơn giản là do của hệ thống triết lý của Tôn giáo này. Niết-bàn là sự dập tắt hoàn toàn của tham, sân, si; sự đoạn diệt hoàn toàn tham ái, tự do giải thoát khỏi sự chấp thủ…. Sự chuyên chế của đạo Phật thì rất nghiêm khắc như những gì mà Eliot tìm thấy trong Maurras, và mặc dù có lẽ nhà thơ này thích thú Phật giáo với nhiều lý do tương tự, Tôn giáo phương Đông có những sự gắn bó lãng mạn cho những ai muốn tách khỏi những sự ràng buộc của gia đình.
(Peter Ackrayd bình về nhà thơ người Anh-T.S.Eliot (1888-1965).)
Trong những Tôn giáo vĩ đại nhất trong lịch sử, tôi thích Phật giáo hơn, đặc biệt là Phật giáo nguyên thuỷ, bởi vì Tôn giáo này không có những yếu tố ngược đãi, khủng bố. Phật giáo là một sự kết hợp giữa nền triết lý tuyệt vời và khoa học. Phật giáo tán thành những phương pháp khoa học và tiếp tục theo đuổi mục đích đó và có thể được gọi là một Tôn giáo lý trí. Trong Tôn giáo này chúng ta tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi như: "Danh và sắc là gì? Cái nào quan trọng hơn cái nào? Thế giới và vũ trụ có chuyển động đến một mục tiêu nào đó hay không? Địa vị của con người là gì? Liệu có một đời sống Thánh thiện hay không?" Phật giáo dìu dắt con người đến những nơi mà khoa học không thể đưa đến, bởi vì những giới hạn trong việc sử dụng những công cụ của khoa học. Những đòi hỏi đó chính là yếu tố tâm.
Bản thân tôi cảm thấy rằng dù là trong vấn đề trí tuệ hay đức hạnh, Chúa cũng như một số người được biết trong lịch sử không thể là những người đại diện cao nhất về 2 lĩnh vực này. Tôi nghĩ rằng tôi nên đặt đức Phật và Socrates lên trên Chúa đối với những sự tôn kính này.
(Bertrand Rusell (1872- 1970), triết gia toán học và logic lỗi lạc nhất trong thế kỷ 20.)
Con người đã từ bỏ sự vô minh vọng tưởng về một đấng Thượng đế như là một người cha giúp đỡ, nhưng con người cũng từ bỏ những mục đích chân thật của tất cả những Tôn giáo lớn mang tính nhân bản: vượt qua những sự giới hạn của một cái tự ngã ích kỷ, đạt được tình thương, mục đích và sự khiêm nhường và tôn trọng sự sống để mà mục đích của cuộc đời được sống, và con người trở lại với những tiềm năng ẩn chứa bên trong anh ta.
Đây là những mục đích của các Tôn giáo lớn ở phương Tây, cũng như đây là những mục tiêu của các Tôn giáo lớn ở phương Đông. Tuy nhiên, phương Đông thì không bị đè nặng bởi ý niệm về một đấng Thượng đế siêu nhân, một đấng cứu thế mà các Tôn giáo nhất thần thường cho là tài sản của riêng họ.
Đạo giáo và Phật giáo xét về mặt lý trí và thực tiễn thì siêu việt hơn những Tôn giáo phương Tây. Hai Tôn giáo này quan sát về con người một cách thiết thực và có mục đích, không một ai ngoại trừ bậc giác ngộ có thể dẫn dắt con người và có thể được dẫn dắt chỉ đường bởi vì mỗi người đều có trong mình khả năng giác ngộ và được giác ngộ.
Đây là lý do quý hiếm giải thích tại sao tư tưởng Đông phương, Đạo giáo, Phật giáo và Thiền Phật giáo đảm nhiệm một vai trò quan trọng như thế trong xã hội phương Tây hiện nay. Thiền Phật giáo giúp cho con người tìm ra những giải đáp cho vấn đề hiện hữu của con người….
Nghịch lý thay, tư tưởng Tôn giáo Đông phương hóa ra thích hợp hơn đối với tư tưởng duy lý phương Tây hơn là chính bản thân tư tưởng Tôn giáo Tây Phương.
(Erich Fromm (1900-1980), một triết gia xã hội và nhà phân tâm học người Mỹ.)
Có thể có một ý nghĩa lớn lao trong sự kiện rằng triết gia Pythagoras tại Hy Lạp và đức Phật tại phương Đông xuất hiện cùng lúc vào thế kỷ thứ 6 B.C. Cả hai Ngài đều là những nhà tư tưởng và nhà hoạt động tầm vóc và sâu sắc…
(R.Buckminster Fuller (1895-1984), một nhà phát minh, triết gia và kỹ sư người Mỹ.)
Là một người nghiên cứu về Tôn giáo tỷ giảo, tôi tin rằng đạo Phật là đạo hoàn hảo nhất trên thế giới từ trước tới giờ. Học thuyết tiến hóa và luân hồi cao đẹp hơn bất cứ niềm tin nào khác. Không phải lịch sử Tôn giáo cũng không phải là sự nghiên cứu triết học mà chính nghề nghiệp chuyên môn của tôi như là một bác sĩ đã đưa tôi lần đầu tiên đến thế giới tư tưởng Phật giáo. Công việc của tôi là chữa trị những khổ đau về mặt tâm thần và chính điều này đã đưa đẩy tôi làm quen với quan điểm và phương pháp của Bậc Thầy vĩ đại của nhân loại, mà đề tài chính yếu là sự khổ đau triền miên, già, bệnh và chết.
(Bác sĩ Carl C. Jung (1875-1961), nhà phân tâm học người Thụy Sĩ, học trò lỗi lạc nhất của Freud và là người sáng lập viện nghiên cứu về phân tâm học.)
Lời giảng dạy căn bản của Ngài Cồ Đàm, nghiên cứu từ cội gốc ngày nay đã trở nên rõ ràng và dễ hiểu và hoàn toàn phù hợp với những tư tưởng tân tiến. Nó vượt khỏi tất cả những sự tranh chấp, và là sự thành tựu của một trong những nguồn trí tuệ thể nhập tuyệt vời mà thế giới đã từng biết đến.
Hơn hết mọi ảnh hưởng trong biên niên sử nhân loại, đạo Phật đã đóng góp nhiều hơn cho những sự tiến bộ của nền văn minh thế giới và nền văn hóa của nhân loại…
(H.G. Wells (1866-1946).
Ta nhập thế bằng tình yêu bát ngát, dù cuộc đời vẫn quằn quại thương đau. Bất cứ ai nếu chăm chú đọc một vài bài thuyết pháp của đức Phật cũng sẽ nhận thấy sự nhịp nhàng, sự yên tĩnh của tâm hồn, sự cao đẹp vui tươi, sự quyết tâm không mảy may lay chuyển, lòng yêu thương dạt dào và sự kiên trì không bờ bến.
Nội dung trí tuệ những lời dạy của Ngài chỉ là một phần sự nghiệp của Ngài, và nửa còn lại là cuộc đời của Ngài, đời sống thực mà Ngài đã sống, một sự tu tập, sự tự tu tập tâm linh cao nhất mà Ngài đã hoàn tất và đem ra giảng dạy ở nơi đây. Đức Phật đã hoàn tất sự tu tập tâm linh cho chính mình và chư đệ tử của Ngài. Ngài đã đề xuất một mục đích và đã đạt được những kết quả mà các nhà hành động chân chính nổi danh của phương Tây đã phải ngã mũ kính phục.
(Herman Hesse (1877-1962), người đoạt giải thưởng Nobel văn chương.)
Chẳng hạn nếu chúng ta thắc mắc liệu vị trí của âm điện tử đứng yên, chúng ta phải trả lời là không; nếu chúng ta hỏi liệu vị trí của âm điện tử có thay đổi cùng với thời gian hay không, chúng ta phải trả lời là không; nếu chúng ta hỏi rằng liệu âm điện tử có yên nghỉ hay không, chúng ta phải trả lời là không; nếu hỏi âm điện tử có di động hay không, chúng ta phải trả lời là không. Đức Phật cũng trả lời như vậy khi được hỏi về những điều kiện về tự ngã của con người sau khi chết, nhưng chúng không phải là những câu trả lời tương tự đối với truyền thống của nền khoa học thế kỷ 17 và 18.
(Robert Oppenheimer, nhà vật lý học, cha đẻ của trái bom nguyên tử đầu tiên của Hoa Kỳ.)
Chủ nghĩa bi quan yếm thế bày tỏ thái độ tuyệt vọng đối với đời sống, một ý niệm tổng quát và mơ hồ rằng đời sống đầy dẫy khổ đau và tội lỗi. Trong thực tế, giáo lý nguyên thủy của đức Phật cũng lạc quan như bất cứ chủ nghĩa lạc quan nào khác ở phương Tây. Chủ trương rằng Phật giáo là "bi quan" là chỉ áp dụng suông vào Phật giáo nguyên tắc đặc cách của người phương Tây, theo đó không thể có hạnh phúc nếu không có tự ngã. Người Phật tử chân chánh nhìn tương lai với tinh thần nhiệt thành hướng về hạnh phúc trường cửu.
(Encyclopaedia of Britannica.)
Tính chất ôn hòa của dân tộc Ấn biểu hiện trọn vẹn giáo lý của đức Phật. Phật giáo truyền bá tinh thần bất bạo động, tức là lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Đối với người cư sĩ Phật tử, chế tạo và buôn bán súng đạn, chất độc, chất say, giết hại cầm thú đều là những nguyên tắc đạo đức không nên phạm.
(Aldous Huxley.)
Chắc chắn có những lý do để chủ trương rằng cái "Tôi" ngày hôm nay và cái "Tôi" ngày hôm qua là một, và để lấy một thí dụ hiển nhiên hơn nữa, nếu cùng một lúc, tôi thấy một người và nghe người ấy nói thì rõ ràng là cái "Tôi" nghe và cái "Tôi" thấy là một.
(Bertrand Russell-Religion and Science.)
Thật không phải quá đáng khi quả quyết rằng nhờ sự trung gian của người Ba Tư mà những người Hy Lạp hiếu kỳ đồng thời với đức Phật đã thâu nhập những kiến thức ít nhiều chính xác về thời kỳ văn hóa cực thịnh của phương Đông.
(Greek Thinkers- sử gia Garbe.)
Những ai được ở trong một gia tộc hoặc trong một làng nằm theo lưu vực sông Hằng (Ganges) thật là hữu phước, vì nơi đây dân chúng sống trong tinh thần bác ái, an lành, trong tinh thần công lý cao thượng, nơi đây dân chúng được hít thở một thứ không khí nhẹ nhàng, do những lời giản dị chất phác tạo nên… Ta cũng có thể nói rằng những ai sống trong một gia đình hoặc một làng nằm trong lưu vực sông Thames ngày nay cũng không kém phần hữu phước, vì nơi đây giáo lý từ bi giữa người và người của đức Phật đã thấm nhuần đời sống gia đình và xã hội và đã làm cho nền luân lý vững chắc. Giáo lý đó vẫn còn rõ ràng, đầy đủ và thích hợp với người Anh hiện nay, cũng như từ bao giờ, đã thích hợp với người Ấn.
(Giáo sư Rhys Davids.)
Đức Phật là sự hiện thân của tất cả những đức hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong suốt cuộc hành trình 45 năm đầy thành công và đáng ghi nhớ của Ngài, Ngài đã chuyển dịch tất cả những ngôn từ của mình thành hành động; và không có chỗ nào mà Ngài không nói hết những khiếm khuyết của con người hoặc là những sự đam mê hạ liệt thấp hèn. Nền tảng luân lý đạo đức chủ yếu của đức Phật là hoàn hảo nhất mà thế giới đã từng biết đến.
(Giáo sư Max Muller, nhà Ấn Độ học người Đức.)
Paul kết hợp tình yêu với lòng tin và hy vọng, và quan điểm của ông về tình yêu liên quan đến niềm tin và hy vọng: "Tình yêu, theo ông, là tin tưởng tất cả mọi thứ và hy vọng mọi thứ."Theo tôi, tình yêu không có nghĩa là tin tưởng vào tất cả và hy vọng tất cả. Tình yêu sống sót khi sự vỡ mộng, thất vọng bắt đầu và tiếp tục ở sự thất vọng, buồn rầu. Tình yêu không phải là thứ tình thương ngưng hoạt động khi không có niềm tin và hy vọng. Miễn là khi nào còn niềm tin và hy vọng hỗ trợ tình yêu thì đó chỉ là một thứ tình yêu trẻ con. Rằng tình yêu là hạnh phúc dễ chịu là một chuyện hoang đường mang tính chất thời trang. Đức Phật biết rằng tình yêu mang lại "sự tổn thương và khổ đau, buồn rầu, thất vọng, áo não"; và Ngài khuyên thái độ ly tham, không chấp thủ. Tình yêu mà tôi xem như là một đức hạnh thì không phải là một thứ tình yêu mù quáng về người mình yêu hoặc là người mình tin cậy, một tình yêu đầy hy vọng của Paul, nhưng tình yêu mà biết những gì đức Phật đã biết và vẫn yêu, với đôi mắt mở rộng.
(Giáo sư Walter Kaufmann, triết gia người Mỹ.)
Anh ta đọc nhiều sách và hiểu sâu sắc về Kinh điển Phật giáo, phiên dịch Kinh điển sang Pháp ngữ, và thậm chí viết tiểu sử của đức Phật. Nhưng căn nguyên sâu xa khiến cho anh ta quan tâm thích thú đạo Phật là sự kiện mà anh ta cảm thấy Phật giáo đã mang lại cho anh ta sự củng cố trực tiếp về tư tưởng triết học để giải tỏa những sự thất vọng trong cuộc sống của anh ta…Jack tuân giữ giới thứ nhất trong đạo Phật hơn tất cả những thứ khác và phát biểu rằng: "Tất cả đời là khổ đau.”
(Ann Charters.)
Nếu tôi biết rằng đức Phật sẽ thuyết giảng ở đây vào ngày mai, thì trên thế gian này không có một thứ gì có thể ngăn cản việc tôi đi đến nghe Ngài thuyết giảng. Và tôi sẽ theo Ngài cho đến cùng.
(J.Krishnamurti, triết gia người Ấn (1895-1986).)
Người Ấn, người Aztec, và người Mê-hi-cô xưa! Tất cả đều làm cho tôi thích thú và đã làm cho tôi thích thú trong nhiều năm qua, có một sức quyến rũ, và một phép thần diệu đối với tôi. Đó chính là đức Phật. Đức Phật là một con người quá hoàn hảo và sung mãn đối với tôi.
(D. H. Lawrence (1885-1930), tiểu thuyết gia người Anh.)
Ngày nay khoa học đang thử thách sự hạn chế của bộ não con người, một bộ não bao gồm khoảng 10.000 triệu tế bào được kích thích xung điện đã được trù tính với những bản năng của lịch sử lâu dài của chúng ta và dễ tiếp thu những ý kiến mới dù đúng hay sai. Tổng số những tế bào này cung cấp cho chúng ta biết được cá tính luôn thay đổi của chúng ta và sự loại bỏ từng phần bằng cách giải phẩu hay thay đổi nhịp bằng sự điều trị bất ngờ thay đổi nhân cách của chúng ta…
Bạn thấy rõ ràng đức Phật là một con người giản đơn, tận tuỵ, đơn chiếc, phấn đấu để đạt được ánh sáng trí tuệ, một cá nhân mang bản chất con người sinh động, chứ không phải là một huyền thoại. Trong số các truyền thuyết thần kỳ tôi cũng cảm thấy có một con người, đó là đức Phật. Ngài đã gởi bức thông điệp tiêu biểu cho tính cách của Tôn giáo mình cho toàn thể nhân loại trên khắp toàn cầu. Nhiều tư tưởng hiện đại tuyệt vời nhất của chúng ta ngày nay rất hài hòa với giáo lý của Ngài. Ngài dạy tất cả những khổ đau và sự bất mãn trong cuộc sống là do ích kỷ. Ích kỷ có 3 hình thức. Một là sự tham muốn nhằm thoả mãn những cảm giác của cá nhân; hai là sự khát ái, hay muốn bất tử; ba là tham vọng được thành công về của cải vật chất và thế gian trần tục. Trước khi một con người muốn trở nên thanh tịnh, anh ta phải từ bỏ lối sống cho những nhu cầu dục vọng của chính mình. Sau đó, anh ta mới có thể trở thành một bậc vĩ nhân. Đức Phật, ra đời trước Đấng Christ, đã dùng nhiều hình thức ngôn ngữ khác nhau để kêu gọi con người hãy sống với đức tính vị tha. Xét về một số phương diện, Ngài rất gần gũi với chúng ta và những nhu cầu của chúng ta. Ngài rất minh bạch hơn Chúa đối với tinh thần phục vụ con người, và không mơ hồ về vấn đề bất tử của cá nhân.
(H.G. Wells)
Nếu chúng ta ao ước muốn nhìn thấy con người Thánh thiện nhất của nhân loại, hãy nhìn vị hoàng đế trong y phục của một người hành khất; chính là Người với sự Thánh thiện của Ngài được xem là vĩ đại nhất trong nhân loại.
(Abdul Atahiya thi nhân Hồi giáo.)
Nếu bất kỳ vấn đề nào phải được xem xét, thì vấn đề ấy phải được xem xét một cách hài hòa an lạc và dân chủ như phương pháp mà đức Phật đã dạy.
(J. Nehru, cựu thủ tướng Ấn Độ)
Sự khác biệt giữa đức Phật và một chúng sanh tầm thường cũng giống như sự khác biệt giữa một người bình thường và người điên khùng mất trí.
(Một nhà văn.)
Đức Phật thật xứng đáng được bầu chọn là một nhân vật được đại đa số nhân loại tôn kính nhất.
(Giáo sư Saunders, Tổng thư ký hiệp hội thiên chúa giáo Y.M.C.A, Ấn Độ, Miến điện và Tích Lan.)
Đức Phật vĩ đại hơn tất cả các học thuyết và tín điều khác, và thông điệp vĩnh cửu của Ngài đã làm cho nhân loại rung động qua nhiều thời đại. Có lẽ không thời điểm nào trong lịch sử quá khứ nhân loại mà thông điệp về hòa bình của Ngài lại cần thiết hơn cho nhân loại đang khổ đau và điên cuồng như thế giới hiện nay.
(Nehru)
Khi chúng ta đọc những bài pháp của đức Phật, chúng ta bị cảm kích bởi tinh thần lý trí khoa học của Ngài. Con đường đạo đức luân lý của Ngài, ngay trong những bước đầu tiên là những quan điểm đúng đắn, một cái nhìn lý trí. Ngài nỗ lực nhằm xua tan tất cả những màng nhện giăng mắc làm ảnh hưởng đến cái nhìn và định mệnh của nhân loại.
(Tiến sĩ S. Radhakrishnan, Đức Phật Cồ Đàm)
Đặc điểm nổi bật đáng chú ý nhất của đức Phật là sự kết hợp độc nhất vô nhị giữa một tinh thần khoa học trầm tĩnh và sự thông cảm thâm uyên đầm ấm và từ tâm. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về đức Phật nhiều hơn vì chỉ có Ngài là người đại diện cho lương tâm của nhân loại.
(Moni Bagghee, "đức Phật Của Chúng Ta.”)
Đức Phật là người tiên phong của thương yêu nhân loại và là một triết gia siêu phàm kết hợp trong mình một cá tính dũng cảm và sáng chói. Ngài có những điều để nói mà không một ai khó lòng mà quên được là sau hơn 2500 năm hăng say, vội vã và thuyết giảng về nền tảng của tri thức. Vĩ đại hơn là trí tuệ của Ngài là một tấm gương mà Ngài đã đưa ra làm chứng.
(Moni Bagghee, Đức Phật của Chúng Ta.)
Đức Phật như là một bậc lương y. Cũng như bác sĩ phải biết chẩn đoán nhiều căn bệnh khác nhau, nguyên nhân của bệnh, thuốc giải độc và phương pháp chữa trị, và có thể áp dụng thuốc thích hợp. Cũng vậy, đức Phật dạy cho chúng ta Bốn chân lý Thánh thiện (Tứ Thánh Đế) chỉ ra sự hiện hữu của khổ đau, nguyên nhân của khổ, sự đoạn diệt và con đường đưa đến sự diệt tận của khổ đau.
(Tiến sĩ Edward Conze, "Phật giáo")
Đức Phật không phải là tài sản của riêng cho giới Phật tử. Ngài là tài sản của toàn thể nhân loại. Giáo pháp của Ngài dành cho tất cả mọi người. Mọi Tôn giáo, được ra đời sau đức Phật, đã mượn nhiều ý tưởng hay đẹp từ đức Phật.
(Một học giả Hồi Giáo.)
Đức Phật là một người cha nhìn thấy đàn con của mình đang nô đùa, vui chơi trong ngọn lửa thế gian đầy nguy hiểm và Ngài dùng mọi phương tiện thiện xảo để cứu các con mình ra khỏi nhà lửa đang cháy này và đưa chúng đến nơi an lạc của Niết-bàn.
(Giáo sư Lakshimi Narasu, "Tinh Hoa Của Phật giáo")
Càng ngày tôi càng cảm thấy rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni gần gũi nhất về các đức tính và thực nghiệm của Ngài. Ngài là con đường, là chân lý, và là lẽ sống.
(Giám mục Milman.)
Đó chính là lúc tôi đang sinh sống tại Oxford vào những năm đầu năm 1970 tôi bắt đầu quan tâm thích thú Phật giáo. Cuộc đời của tôi thì đầy dẫy những bối rối và căng thẳng, và tôi tìm thấy triết lý đạo Phật một phương pháp tư duy mà có thể làm say đắm tôi bởi sự thanh tịnh vắng lặng và lối phân tích triệt để những tham dục, sự từ bỏ tất cả những sức mạnh của một thế giới cảm xúc hư ảo mà tôi đang sống, và một sự hứa hẹn của một sự thành thật mạnh mẽ không mang bản chất tình cảm.
(Andrew Harvey tác giả người Anh và nhà thơ của trường đại học Fellow of all Souls Oxford.)
Tôi rời Ấn Độ và trở về Colombo, nơi tôi làm một người khách của một gia đình sinh viên Tích Lan mà tôi gặp anh ta tại Perth, Tây Úc. Họ đều là Phật tử, nhà của họ xung quanh một ngôi Chùa, và không khí ngôi nhà rất là yên tĩnh và ôn hòa. Tôi đàm luận rất nhiều về Phật pháp với họ và họ đưa tôi đi đến một ngôi Chùa nằm trên những ngọn đồi tại Kandy, nơi mà tôi gặp những tu sĩ và tôi đối thoại rất nhiều về vị trụ trì già của ngôi Chùa, vị trụ trì này đã giải thích cho tôi rất nhiều về đạo Phật. Tôi cảm thấy vô cùng thích thú về Tôn giáo này.
(Một nhà lữ hành người Âu châu)
Phật giáo là một hệ thống không biết đến theo ý niệm của Tây phương; từ chối một sự hiện hữu của một linh hồn ở nơi con người; coi đức tin vào sự bất tử là một sự sai lầm; từ chối bất cứ kết quả nào của sự cầu nguyện và hy sinh dâng hiến thần linh. Đạo Phật còn là một hệ thống khuyên con người không nên trông cậy vào đâu nhưng chỉ bằng nỗ lực của chính bản thân để đạt được sự giải thoát, cứu rỗi cho chính mình; một hệ thống mà sự thanh tịnh bản lai của nó không biết gì về những hạnh nguyện của sự phục tùng và chưa bao giờ tìm sự cứu giúp của một cánh tay thế tục nào, nhưng đã truyền bá khắp nhân loại.
Trong thế giới đầy bão tố và xung đột, hận thù và bạo động, thông điệp của đức Phật tỏa sáng như một vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không một thời điểm nào trong lịch sử nhân loại mà thông điệp của Ngài lại cần hơn cho thế giới của những quả bom nguyên tử và khinh khí. Hơn hai nghìn năm qua đã làm tăng thêm sức sống và sự thật của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt đó và cố gắng uốn nắng tư duy và hành động của chúng ta dựa trên ánh sáng của chân lý đó. Chúng ta có thể bình thản đối diện với những sự kinh hoàng của thời đại bom nguyên tử và giúp một phần nhỏ trong việc thúc đẩy con người tư duy và hành động đúng đắn.
(Nehru)
Đây là một hệ thống giáo lý mà chúng ta có thể thực hành theo một cách tự tin. Liệu nơi nào trong thế giới các Tôn giáo, hệ thống thờ cúng Tôn giáo và các tín ngưỡng, chúng ta có thể tìm thấy một bậc đạo sư thông thái như thế? Trong chuỗi những vì sao sáng tỏ, Ngài là vì tinh tú khổng lồ của những vì sao sáng nhất, vĩ đại nhất. Không có gì là ngạc nhiên mấy khi mà các nhà khoa học, triết gia, và những con người có học thức cao đã khẳng quyết rằng: "Ngài là con Người vĩ đại nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại.” Vầng hào quang toả sáng của bậc Thầy vĩ đại này rọi sáng khắp thế gian đau khổ và tối tăm, giống như ngọn hải đăng dẫn đường và toả sáng cho nhân loại.
Một nhà văn Âu châu.
Những giáo lý như: Lịch thiệp, thanh tịnh, từ bi và sự giải thoát khỏi những tham ái ích kỷ là những lời dạy căn bản của đạo Phật- một Tôn giáo vĩ đại của Phương Đông.
E.A. Burtt, "đức Phật Từ Bi"
Phật pháp giống như một cái cầu được khéo xây bằng những mảnh thép uyển chuyển, linh động, gió và nước khó làm cho nó huỷ hoại được. Nó tự thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi, nhưng đồng thời nó cũng đã củng cố một cách chắc chắn những nền tảng và mở ra một con đường an toàn đưa đến sự Bất Tử, Niết-bàn.
(Tỳ-kheo Khantipalo, "Khoan Dung")
Phương Đông huyền bí, quê hương màu mỡ của các Tôn giáo, chắc chắn đã cung cấp cho chúng ta một sự phát hiện chân thật ở nơi đạo Phật, bởi vì đạo Phật giúp cho chúng ta biết được vẻ đẹp của luân lý đạo đức và sự thanh tịnh vốn tiềm ẩn sâu xa trong bản chất của con người mà không cần một đấng thần linh nào khác hơn là một đấng thần linh trú ẩn trong tâm của con người để thức tỉnh họ sống một cuộc sống huy hoàng.
(Charles T. Gorham)
Phật giáo là một Tôn giáo rất thiết thực bởi vì Phật giáo quan niệm về cuộc đời và thế giới một cách thực tế. Phật giáo không lôi kéo chúng ta đến thiên đàng của những người vô trí một cách sai lầm. Phật giáo cũng không đe doạ và làm cho chúng ta khổ sở bằng tất cả những nỗi ám ảnh sợ hãi tưởng tượng và cảm giác tội lỗi. Tôn giáo này kêu gọi chúng ta một cách chính xác và khách quan những gì chúng ta đang là và những gì thế giới xung quanh chúng ta, và chỉ cho chúng ta con đường đưa đến tự do giải thoát hoàn toàn, sự an lạc, hạnh phúc.
(Hoà thượng Tiến sĩ W.Rahula.)
Sứ mệnh của đức Phật vô cùng độc đáo tiêu biểu cho tính cách của Phật giáo. Và vì thế, sứ mệnh này đứng biệt lập hẳn với các Tôn giáo khác trên thế giới. Sứ mệnh của Ngài là mang lại những loài chim lý tưởng bay trên không gian nhưng gần mặt đất hơn, bởi vì thức ăn của chúng thuộc về trái đất.
(Hazzat Inayat Khan, "Thông điệp của Sufi")
Phật giáo đã cung ứng cho bước tiến của nền văn minh thế giới và văn hóa thật sự, nhiều hơn bất luận ảnh hưởng nào khác trong ký sự của nhân loại.
(Sử gia H.G.Wells)
Văn minh Phật giáo vươn mình lên vững vàng trước khi tất cả mọi người đến nằm trong ảnh hưởng của nó, một kiểu mẫu của con người xứng đáng được kính trọng phải như vậy, một nhân vật lý tưởng đáng nêu gương lành cho hàng vua chúa cũng như hạng cùng đinh…sản xuất tài sản để sử dụng trong công tác xã hội thay vì lợi ích cá nhân, đo lường cá nhân bằng giá trị đạo đức và trí tuệ, không phải bằng quyền lực kinh tế, và sự lớn mạnh của quốc gia bằng tình trạng thanh bình thạnh vượng của dân trong nước chứ không phải thăng bằng chỉ số chi thâu thương mãi. Đó là vài giá trị được cụ thể hóa trong lý tưởng của người Phật tử.
(Tiến sĩ Richard A. Gard)
Duy nhất trong tất cả các Tôn giáo lớn thế giới, Phật giáo tiến hành trên con đường của mình mà không gây sát hại, hành hạ, cấm đoán, kiểm duyệt hoặc tìm tòi soi bói.
(Aldous Huxley)
Tôn giáo của những tâm hồn cao cả và toàn vẹn nhất có thể tồn tại chung mà hoàn toàn không có niềm tin khải thị nào, trong ý nghĩa chân thật nhất của danh từ không có niềm tin nơi tinh chất cốt yếu của đạo giáo thần khải, nơi có một thần linh vô ngã. Trong danh từ thần linh vô ngã, tôi bao gồm tất cả những ý niệm về cái gọi là thần linh siêu nhân, cùng một bản chất tinh thần và đạo đức như một người nhưng ở tầng lớp cao hơn, hoặc một năng lực đạo đức siêu phàm.
(Julian Huxley, Relegion without Revelation)
Bằng đức hy sinh rộng lớn mênh mông của Ngài, bằng hạnh từ khước vĩ đại của Ngài, và bằng phẩm hạnh thanh tịnh vô nhiễm của đời Ngài, Ngài đã ghi tạc lên trên Ấn độ giáo những dấu vết không bao giờ phai mờ, và đối với bậc Thầy vĩ đại ấy, Ấn độ giáo còn mang một mối nợ phải được tri ân muôn đời.
(Mahatma Gandhi)
Tôi không biết cái chi trên thế gian này vĩ đại hơn hình ảnh của đức Phật. Đó là sự hiện thân tuyệt hảo của tâm linh trong lĩnh vực hữu hình.
(Bá tước Kayserling "The Travel Diary of a philosopher.”)
Đức Phật lúc nào cũng là nguồn gợi cảm dồi dào cho tôi… chính phẩm cách cá nhân của Ngài đã lôi cuốn tôi.
(Nehru)
Phật giáo truyền dạy một lối sống, không phải bằng cách thống trị mà bằng nguyên tắc, một lối sống tốt đẹp, và đó là một Tôn giáo khoan dung độ lượng. Đây là hệ thống từ thiện nhất dưới mặt trời. Không bao giờ và không nơi nào có máu đổ trong sự nghiệp truyền bá. Không bao giờ có sự hành hạ ngược đãi những ai không cùng theo một tín ngưỡng- một bài học mà người Cơ đốc giáo vẫn còn phải học. Đức Phật dạy cho con người làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn và Thánh thiện ngay trong đời sống hiện tại.
(Joseph Wain)
Ta có thể nhận thấy trong giáo huấn của đức Phật những điểm giống với học thuyết dân chủ hiện đại. Ngài khuyên dạy lòng khoan dung đại lượng, ý niệm khơi dậy những cuộc thảo luận, quyền tự do lựa chọn rộng rãi, bình đẳng bất bạo động, vô thường, mỗi ý niệm ấy đều đi ngược dòng những tập tục thông thường vào thời của Ngài. Đó là những khái niệm cách mạng mà đức Phật giới thiệu từ hơn 2.500 năm trước đây. Đó là những cải tiến tri thức trọng đại. Nhưng tất cả đều có tính cách dân chủ, trong nội dung cũng như tác ý.
(Giáo sư Ralps Buultjens "Buddhism and Democracy")
Con đường của Phật giáo là con đường trung đạo giữa hai cực đoan. Đây không phải là một sự thoả hiệp yếu đuối, nhưng là một sự vừa phải hợp lý tránh sự cuồng tín và sự lười biếng giãi đãi, và tiến lên một cách đều đều và có quyết tâm mà không có sự chần chừ đem lại sự phản ứng riêng, mà luôn tiến không ngừng bước. Đức Phật gọi nó là Con Đường Thánh Tám Ngành (Bát Thánh đạo) đưa đến Niết-bàn, và con đường này có thể được xem như là một cuộc hành trình tu tập tâm linh Thánh thiện cao quý nhất, song được biểu hiện ở một hình thức giản đơn.
Phật giáo cũng không bi quan hay yếm thế. Phật giáo là một hệ thống tư duy, một Tôn giáo, một khoa học tâm linh, và một triết lý sống hợp lý, thiết thực và bao hàm tất cả. Hơn 2.500 năm, Phật giáo đã làm thoả mãn những nhu cầu tâm linh của hơn 1/3 nhân loại. Đạo Phật mời gọi những ai đi tìm chân lý bởi vì Phật giáo là một Tôn giáo không có giáo điều, làm thoả mãn nhu cầu của lý trí cũng như con tim, nhấn mạnh tinh thần tự tin, tự lập đi kèm với sự khoan dung đối với quan điểm của những người khác, bao hàm cả khoa học, Tôn giáo, triết học, tâm lý học, huyền thoại, đạo đức luân lý và nghệ thuật. Đạo Phật còn chỉ ra duy con người là đấng sáng tạo của kiếp sống hiện tại của mình và là người thiết kế độc nhất toàn bộ sinh mệnh của anh ta.
(Christmas Humphreys (1901-1983), thẩm phán nổi tiếng người Anh.)
Tôi càng tu tập Thiền chỉ, tôi càng trở nên có ấn tượng với phương pháp này như là một hệ thống huấn luyện tâm. Nó phù hợp với thái độ của tâm của người phương Tây chúng ta khi nghiên cứu khoa học: không thành kiến, không thiên vị, khách quan và phân tích. Nó dựa trên kinh nghiệm cá nhân và trực tiếp chứ không dựa vào ý kiến hay quan điểm của một ai khác. Nó vô cùng đơn giản và tận dụng vừa phải sự chú ý một cách cơ bản đơn giản như một cái nhìn được duy trì nhưng trong một sự chọn lựa cẩn thận và hệ thống giới luật nghiêm khắc. Do đó, nó khám phá ra tất cả những sự phán quyết hấp tấp, thiếu chính xác, tất cả những điều nói về nó, tất cả những tranh luận, thảo luận, và một sự lãng phí thời gian như chúng ta thường đam mê trong thế giới Tây Phương của chúng ta. Trên thực tế, nó giải thoát chúng ta ra khỏi cuộc sống theo đường mòn và sự trói buộc của chính mình, những thành kiến của chúng ta, những lời sáo, sự vô minh và sự bảo thủ cố chấp của chúng ta, nhằm mục đích tạo cho chúng ta sự tự do nhìn thế giới và chứng minh thế giới chân thật.
(Tiến sĩ Graham Howe MB.BS. DPM, nhà vật lý học nổi tiếng người Anh.)
Quả thật chỉ có ánh sáng từ phương Đông, từ những triết lý sống động, hài hòa và nhất là những huấn thị sâu sắc và giáo lý độc nhất vô nhị của đức Phật sẽ là sự dàn trải và khoả lấp những lỗ hỏng, cũng như sự giải trừ các khủng hoảng cho đời sống hiện đại của Tây phương, một đời sống mang danh là tiến hóa nhưng thực chất đang rơi vào tha hóa.
(Matthieu Ricard, nhà khoa học về sinh học phân tử người Pháp.)
Thực thể hay chân ngã là sự khẳng định bao la, không có tính phủ định, sự cân bằng hóa giải hết mọi thứ quan hệ dính mắc ràng buộc, chân tâm không bị ràng buộc bởi tất cả mọi giới hạn. Trong con người nó luôn luôn được xác định như sự lạc quan, tích cực ngược lại với sự bi quan tiêu cực. Phật giáo là một triết thuyết siêu nghiệm, mọi hành vi tạo tác dù thiện hay ác đều tạo ra quả và không vượt khỏi luật nhân quả.
Người tốt lành hay thiện tri thức, ngoài việc thấy biết về thiên quốc còn thấy được những điều tốt lành trên mặt đất, thấy được những công cụ cao quý của những tâm hồn cao quý. Khi chúng ta thấy các đường xe hoả, các nhà máy và các ngân hàng, chúng ta thương hại cho sự nghèo khổ của những người Phật tử mơ mộng. Thực sự, tinh thần Phật giáo cũng tạo ra một lực lượng sáng tạo tương tự, nhưng nó đem lại sự bình yên và hạnh phúc thực sự cho toàn thể vũ trụ thay vì sự thụ hưởng trần tục qua việc ăn ngon mặc đẹp và những ly rượu đắt tiền, nhưng phải trả giá bằng những khổ đau, bằng chiến tranh bóc lột, bất công và bằng sa đoạ.
(Ralph Waldo Emerson, nhà văn người Mỹ.)
Những lời Phật nói là chân lý tối thượng mà người nghe có thể đạt đến chỗ đoạn diệt hoàn toàn mọi khổ đau; có thể đi đến con đường tốt nhất để đạt được chân tính (Phật tính) và có thể thành Phật. Con đường tốt nhất để đạt được Phật tính là con đường Thiền định.
Tôi biết một số người nghĩ xấu về tôi khi họ nghe tôi nói về đức Phật, vì họ kính yêu Chúa hơn Phật của tôi; nhưng tôi cam đoan rằng tôi vẫn vui lòng vì lòng kính yêu là NGUYỆN tắc chính của lòng mộ đạo.
(Henry David Thoreau, nhà văn người Mỹ)
Tôn giáo của tương lai sẽ là một Tôn giáo của toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo là Tôn giáo duy nhất đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó.
Nếu có một Tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ những quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khỏi khoa học.
(Albert Einstein, nhà vật lý học vĩ đại nhất của thế kỷ 20.)
Phật giáo là một Tôn giáo cao cả nhất, và là một trong những tia sáng vĩ đại nhất không chỉ riêng cho Châu á mà cho khắp toàn cầu.
(Schopenhauer, triết gia người Đức)
Trong đạo Phật, không có thần Thánh nào có khả năng giải thoát con người. Chỉ có chính con người có khả năng đó, hiện tại và ngay ở đây.
(Sử gia Jean Marc.)
Khoa học và đạo Phật có một nền tảng chung về tương quan, tương duyên, và khái niệm vô thường. Mọi hiện tượng đều được coi như một mấu trong mạng lưới của quan hệ nhân quả; vì thế nên nó không có bản chất riêng biệt. Cách nhìn ấy ngược lại với những cách nhìn của những Tôn giáo lớn, tin nơi đấng Thần linh. Các Tôn giáo này khẳng định sự tồn tại của những thực thể bất di, bất dịch, vượt ngoài quy luật nhân quả, như có Thượng đế, có Chúa, có linh hồn.
(Francisco Varela, nhà sinh học thần Kinh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học toàn quốc, Pháp.)
Đức Phật với trí tuệ vĩ đại đã chống lại các tập tục mê tín, các lễ nghi phiền toái, các Thầy tu Bà La Môn thủ đoạn và những đặc quyền đặc lợi dành cho giai cấp này. Ngài đã lên án những quan niệm thần học và siêu hình học, các bùa phép, sự thiên khải và sự siêu nhiên phản khoa học. Ngài chú trọng đến logic, lý trí và thực nghiệm. Ngài nhấn mạnh đến các phương diện đạo đức và phương pháp của Ngài là sự phân tích mang tính tâm lý học,…
(Jawaharlal Nehru.)
Tất cả mọi người sống ở Á châu đều có thể hãnh diện về một Tôn giáo không những có trước Tôn giáo Tây phương cả hơn 500 năm mà còn có thể bành trướng và duy trì mà không cần dùng đến bạo lực, và không hề bị hoen ố bởi những cuộc chiến tranh Tôn giáo và Thánh chiến.
(Tiến sĩ Edward Conze-Buddhism.)
Tất cả các Tôn giáo Á Đông đều phải biết ơn Phật giáo về giáo lý đạo đức nhất mà giá trị của Tôn giáo này còn hữu hiệu cho đến ngay bây giờ mà tột đỉnh của giáo lý này là lòng từ bi đối với mọi chúng sanh, giáo lý của đấng Toàn Giác.
(William Hunter- A Brief History of The Indian People.)
Phật giáo thực sự là làn gió xuân thổi từ đầu này tới đầu kia của căn vườn Á châu và làm nở ra, không những chỉ có những bông sen ở Ấn Độ, mà còn làm nở những bông hoa hồng ở Ba Tư, hoa đền đài ở Tích Lan, hoa cúc ở Trung Hoa, hoa Anh đào ở Nhật Bản v.v…Toàn bộ văn hóa Á châu là văn hóa Phật giáo. Không có nơi nào ngoài Đông phương mà tư tưởng Phật giáo lại có thể thống nhất. Mỗi quốc gia đều có cách riêng để chấp nhận tư tưởng Phật giáo theo nhu cầu địa phương, nhưng khi khối Đông phương phải đối đầu với khối Tây phương thì tư tưởng Phật giáo là lực nối kết những quốc gia này lại với nhau.
Ở đây chúng ta nhấn mạnh sự kiện là, nếu lịch sử Phật giáo có cho thế giới bài học nào, thì đó là trong sự truyền bá đạo Phật từ thung lũng sông Hằng đến Tích Lan ở miền Nam, cho tới Cao nguyện Trung Á ở phía Bắc, rồi tới các hải đảo Nhật Bản ở phía Đông, Phật giáo, văn hóa, văn minh và giáo dục là những bạn đồng hành không thể tách rời nhau được.
(Giáo sư Bapat- 2500 Years of Buddhism.)
Toàn thể vũ trụ là một bãi chiến trường bao la hùng vĩ. Nơi nơi đều diễn ra sự tranh đấu. Sự hiện hữu chỉ là một sự tranh đấu vô hiệu chống lại những mầm mống của các loại bệnh khủng khiếp, giữa các phân tử với các phân tử, các nguyên tử với các nguyên tử, các điện tử với các điện tử. Tâm vẫn là một cảnh chiến trận. Sắc, thinh, hương, vị, v.v…là những hậu quả của sự phản công và sự tham gia của các năng lực bên ngoài. Chính sự hiện hữu của chiến tranh chứng minh rằng trên thế giới không có một quốc gia hoàn toàn hòa bình và có một trạng thái hoàn toàn an lạc, hòa bình. Đó là những gì chúng ta gọi là Thế giới Niết-bàn.
(Hoà thượng Narada Thera- The Bodhisatva Ideal.)
Đức Phật không hận thù giận dữ với thế gian. Ngài xem thế gian là vô thường và khổ đau hơn là đồi bại, tội lỗi, thế gian là vô minh hơn là phiến loạn. Ngài không hề bày tỏ thái độ buồn phiền về những người không nghe theo Ngài và cũng không bày tỏ sự khó chịu.
(Giáo sư Elliot- Buddhism and Hinduism.)
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đức Phật đã khuyên nhủ, tha thiết yêu cầu, và kêu gọi nhân loại không nên làm sát hại sanh mạng, không nên dâng hiến sự cầu nguyện hoặc là ca tụng hay hy sinh sanh mạng dâng hiến cúng tế chư thần linh. Với tất cả tài hùng biện trong những lời yêu cầu của Ngài, bậc giác ngộ đã quyết liệt tuyên bố rằng các vị thần linh cũng là những vị hết sức cần sự cứu rỗi cho chính các vị.
(Giáo sư Rhys Davids.)
Ý niệm về tội lỗi của Phật giáo có phần hơi khác về ý niệm của Thiên chúa giáo. Theo người Phật tử, tội lỗi chỉ là do vô minh hay không hiểu mà gây ra. Con người tội lỗi tồi bại là một con người vô minh. Anh ta không cần sự trừng phạt và sự lên án mà cần được sự chỉ giáo hướng dẫn. Anh ta không được xem như là một kẻ vi phạm những mệnh lệnh của Thượng đế hoặc là như là một kẻ phải cầu xin lòng bi mẫn và sự tha thứ của Thượng đế. Điều cần thiết hơn đối với những người bạn phạm tội như anh ta hãy cho anh ta biết được lẽ phải của con người. Người Phật tử không tin người phạm tội có thể thoát được những hậu quả đã gây ra bằng những nỗ lực cầu nguyện để thương lượng với Thượng đế.
(John Walters- Mind Unshaken.)
Phật giáo và Kỳ na giáo chắc chắn không phải là Ấn giáo hoặc là ngay cả giáo lý Vệ đà. Nhưng cả hai Tôn giáo này đều phát sinh tại Ấn độ và là những bộ phận không thể thiếu được trong đời sống của người dân Ấn, nền văn hóa và triết học Ấn. Tín đồ Phật giáo hay tín đồ Kỳ na giáo tại Ấn hoàn toàn là sản phẩm của tư duy và văn hóa Ấn, song đó không phải là tín ngưỡng của Ấn giáo. Đó là một sự nhầm lẫn khi đồng hóa nền văn hóa Ấn Độ với nền văn hóa Ấn giáo.
(Nehru -Dicovery Of India.)
Với ý kiến cân nhắc thận trọng, tôi cho rằng phần căn bản thiết yếu nhất của nền giáo lý đức Phật hình thành nên một phần không thể thiếu được của Ấn giáo. Hiện nay người Ấn độ giáo tại Ấn Độ không thể hồi tưởng lại những dấu vết của họ và đi đằng sau bước chân của những sự cải cách vĩ đại mà đức Phật Cồ Đàm đã làm ảnh hưởng đến Ấn giáo. Bằng sự hy sinh lớn lao, bằng sự xuất thế vĩ đại của Ngài, và sự thanh tịnh hoàn toàn của cuộc đời Ngài, Ngài đã để lại một ấn tượng không thể nào tẩy xóa được cho Ấn giáo, và Ấn giáo suốt đời nhớ ơn công lao vĩ đại của bậc Thầy vĩ đại đó.
(Thánh Mahatma Gandhi, Maha Bodhi.)
Không có một Tôn giáo nào tại Ấn Độ thời tiền Phật giáo có thể được cho là Tôn giáo thiết lập nên một hệ thống luân lý đạo đức và Tôn giáo mang giá trị phổ quát và bắt buộc cho toàn thể nhân loại.
(Tiến sĩ S.N Dasgupta.)
Đức Phật không chỉ nhận ra sự thực tối hậu mà Ngài còn trình bày một cách rõ ràng tri thức thâm uyên của Ngài vượt khỏi những phạm trù của lĩnh vực tri thức của nhân loại và các thần linh thoát khỏi những sự nguỵ trang huyền thoại và lớp vỏ hoang đường. Ở đây, tuy nhiên, tri thức của Ngài được trình bày theo một hình thức thuyết phục và vững chắc để cho con người có thể theo Ngài mà hành trì những lời dạy ấy một cách tích cực và tự tin. Vì chính lý do này, đức Phật không yêu cầu bất kỳ một niềm tin nào, nhưng hứa hẹn một tri thức.
(George Grimm, The Doctrine of The Buddha.)
Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đức Phật tuyên bố một sự cứu rỗi mà mỗi người có thể tự mình đạt được và bằng chính bản thân mình ngay trong kiếp sống hiện tại mà không cần đến sự giúp đỡ tối thiểu của một Đấng Thiêng Liêng nào hay các vị thần linh. Ngài hoàn toàn nhấn mạnh về giáo lý tự tin, tự thanh tịnh, thanh nhã, giác ngộ, an lạc, và tình thương phổ quát. Ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của tri thức, bởi vì không có trí tuệ thì trí tuệ siêu việt không thể đạt được ngay trên cuộc đời này.
(Giáo sư Elliot, Buddhism and Hinduism.)
Không phải chính đức Phật đã giải thoát con người, nhưng Ngài dạy họ tự giải thoát cho chính mình. Họ chấp nhận về giáo lý chân thật của Ngài không phải chỉ vì giáo lý đó là của Ngài, nhưng vì sự thuyết phục cá nhân Ngài, được thức tỉnh bởi những lời dạy của Ngài, phát sinh từ ánh sáng trí tuệ của chính họ.
(Tiến sĩ Oldenburg, một học giả người Đức.)
Khoa học không thể đưa ra lòng tự tin trong trường hợp này. Nhưng Phật giáo có thể đương đầu với những thách thức của nguyên tử bởi vì tri thức siêu thế của Phật giáo xuất phát từ điểm mà khoa học kết thúc. Và điều này rõ ràng đối với những ai nghiên cứu đạo Phật. Bởi vì, thông qua Thiền định Phật giáo, những yếu tố cấu thành bổ khuyết cho vấn đề đã được chứng minh và cảm nhận được, và sự khổ đau, buồn rầu hoặc "Dukkha" của sự hiện hữu và diệt tận (Lý duyên khởi) đã tạo ra chính nó với những gì chúng ta gọi là một "tự ngã" hay "linh hồn"- sự vô minh về Sakkhayaditthi như đã được đề cập trong giáo lý của đức Phật.
(Egerton C. Baptist, -Supreme Science of the Buddha.)
Phật giáo giúp cho con người tự đứng vững trên đôi bàn chân của chính mình và đánh thức sự tự tin và tự nỗ lực trong mỗi người.
(Hòa thượng Narada Thera-Buddhism in a Nutshell.)
Con người vĩ đại hơn những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên bởi vì ngay cả anh ta bị che phủ bởi chúng anh ta vẫn duy trì được sự vượt trội hơn về đức hạnh của sự hiểu biết của anh ta về những hiện tượng ấy. Lại nữa, Phật giáo còn chuyển tải chân lý đi xa hơn nữa: Phật giáo chỉ ra rằng bằng những phương tiện của sự hiểu biết, con người cũng có thể điều khiển những hoàn cảnh, kiểm soát những vấn đề. Con người có thể thoát ra khỏi sự che mờ của những hiện tượng sức mạnh ấy, và vận dụng nghững quy luật của tự nhiên để tự mình vươn lên.
(Pascal)
Luật theo ý nghĩa khoa học là một sản phẩm thiết yếu của tâm trí con người và không có một ý nghĩa gì khi tách ra con người. Lại càng có ý nghĩa hơn khi tuyên bố rằng con người tạo ra những quy luật của tự nhiên hơn là lập luận ngược lại rằng tự nhiên tạo ra cho con người những quy luật.
(Giáo sư Karl Pearson.)
Con người ngày nay là kết quả của sự lặp lại hàng triệu lần những tư duy và hành động của anh ta trong vô lượng kiếp. Con người không phải là một thứ sản phẩm được làm sẵn; anh ta trở thành và đang trở thành. Nhân cách anh ta do sự lựa chọn của chính anh ta định đoạt, những tư duy và hành động mà anh ta chọn lấy cho riêng mình bằng thói quen hình thành nên con người thực tại của anh ta.
(Hoà thượng Piyadassi.)
Phật giáo là một Tôn giáo hoạt động vì tinh thần dân chủ, đề cao tính dân chủ trong Tôn giáo, tính dân chủ trong xã hội, và tính dân chủ trong lĩnh vực chính trị.
(Tiến sĩ Ambedkar, bộ trưởng Luật Pháp đầu tiên của Ấn Độ sau khi độc lập khỏi Anh.)
Trên thế giới này, đức Phật đã trình bày những chân lý về những giá trị vĩnh cửu và sự tiến bộ về mặt luân lý đạo đức không chỉ cho riêng một lãnh thổ Ấn Độ mà là cho toàn thể nhân loại. Đức Phật là một trong những nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng được chứng kiến trên thế gian này.
(Albert Schweitzer, triết gia phương Tây.)
Phật giáo đã đóng góp nhiều cho sự tiến bộ của những nền văn minh thế giới và nền văn hóa chính đáng hơn là những sự ảnh hưởng khác trong những biên niên sử của nhân loại.
(H.G. Wells.)
Không một trang sử Phật giáo nào đã từng bị nhạt màu đi bởi ánh sáng của những ngọn lửa của toà án dị giáo, hoặc là bị làm đen tối bởi làn khói của những người ủng hộ dị giáo hoặc là các thành thị của những người dân theo tà đạo nóng bỏng, hay bị nhuộm đỏ bởi máu của những tội nhân vô tội vì sự hận thù Tôn giáo. Đạo Phật chỉ nắm và sử dụng một thanh gươm duy nhất - thanh gươm của trí tuệ, và chỉ nhận ra một kẻ thù duy nhất - đó là vô minh. Đó là một bằng chứng trong lịch sử, và người ta không thể chối cãi được.
(Giáo sư V.P. Bapat, 2500 years of Buddhism.)
Đó là một sự huy hoàng của Phật giáo mà nó đã tạo ra sự giác ngộ về mặt tâm linh như là một điều kiện cần thiết cho sự cứu rỗi, giải thoát. Trong Phật giáo, sự giác ngộ về mặt luân lý đạo đức và tâm linh là hai nhân tố không thể chia cách nhau được. Trong khi luân lý đạo đức hình thành nên cơ sở cho một đời sống cao thượng hơn, tri thức và trí tuệ làm hoàn hảo đời sống đó. Không có một sự hiểu biết hoàn toàn về quy luật duyên khởi và chuyển hóa, thì không một ai có thể được cho là sống có đạo đức thực sự nếu anh ta không có một trí tuệ nội quán và tri thức cần thiết. Xét về phương diện này, Phật giáo khác so với tất cả những Tôn giáo khác. Tất cả các Tôn giáo thuộc nhất Thần giáo khởi đầu với một vài giả định nào đó, và khi những giả định này tương phản với sự phát triển của tri thức, thì sự buồn rầu, khổ đau càng tăng trưởng. Nhưng Phật giáo không bắt đầu bằng những giả định. Phật giáo đứng trên tảng đá vững chắc của những sự kiện, và cho nên không bao giờ lánh xa ánh sáng của tri thức.
(Giáo sư Lakhsmi Narasu, The Essence of Buddhism.)
Đức Phật Cồ Đàm bác bỏ ngay cả cái bóng dáng của sự hiện hữu thường hằng bằng một sức mạnh siêu hình hữu ích lớn lao cho những người nghiên cứu triết học, vì xét thấy điều đó chỉ cung cấp một nửa nhu cầu cho các lời tranh luận nổi tiếng thuộc chủ nghĩa lý tưởng của Giám Mục Berkeley. Thật là một dấu hiệu đáng kể về sự suy đoán tế nhị của Người Ấn rằng đức Phật phải được nhìn nhận sâu sắc hơn các nhà theo chủ nghĩa lý tưởng hiện đại. Ngày nay trên khắp thế giới tất cả nhân loại đều có khuynh hướng tư duy giác ngộ không thiên về tư duy thần học, mà thiên về tư duy triết học và tâm lý học. Học thuyết nhị nguyên thần học đang bị trôi dạt vào sự hiểm nguy. Những nguyên lý cơ bản của tiến hóa và nhất nguyên luận đang được các nhà tư tưởng thế giới chấp nhận.
(Giáo sư Huxley, Evolution and Ethics.)
Tại Ấn Độ 25 thế kỷ trước đây, người ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng về tâm linh và Tôn giáo cuối cùng đã lật đổ được chủ nghĩa độc thần và giới tu sĩ ích kỷ, và thiết lập nên một Tôn giáo tổng hợp, một hệ thống trí tuệ và tư tưởng có thể được gọi là Dhamma (Giáo Pháp)- một Triết Học Tôn giáo.
(Anagarika Dharmapala, nhà chấn hưng Phật giáo Ấn Độ cận đại, The World”s Debt to Buddha.)
Phật giáo là một sự chuẩn bị cho cuộc sống theo một cách mà có thể mang lại những lợi ích cao nhất cho cuộc đời. Phật giáo là một Tôn giáo của trí tuệ mà ở đó tri thức và khả năng lý trí hoàn toàn chiếm ưu thế. Đức Phật không thuyết giảng để mà giáo hóa nhân loại về Tôn giáo của mình mà để làm cho hàng thính giả nghe và giác ngộ giáo lý của Ngài.
(Một nhà văn Tây phương.)
Phật giáo luôn luôn là một vấn đề của thấy và biết, chứ không phải là vấn đề của tin tưởng và cầu nguyện. Giáo Pháp của đức Phật được đánh giá như là một hệ thống giáo lý mời bạn đến để mà thấy, chứ không phải đến để mà tin.
(Hoà thượng tiến sĩ W.Rahula, What the Buddha Taught.)
Phật giáo sẽ trường tồn cho đến khi nào mặt trời và mặt trăng không còn hiện hữu nữa, và cho đến khi nào nhân loại không còn tồn tại trên thế gian này nữa, bởi vì Phật giáo là một Tôn giáo của con người cũng như của chung cho tất cả nhân loại.
(Bandaranaike, cựu Thủ tướng Tích Lan.)
Người Phật tử không phải là một kẻ nô lệ cho Kinh sách hoặc cho bất cứ người nào. Anh ta cũng không dâng hiến sự tự do tư tưởng của mình bằng cách trở thành đệ tử của đức Phật. Anh ta có thể hành động theo ý chí tự do của mình và phát triển tri thức của anh ta đến mức độ có thể tự mình chứng thành quả vị Phật bởi vì tất cả mọi người đều có thể thành Phật.
(Hòa thượng Narada Maha Thera, What is Buddhism.)
Đạo Phật dạy một cách sống không phải là theo luật lệ mà là theo nguyên lý, một lối sống cao đẹp; và kết quả là, Phật giáo là một Tôn giáo của từ bi khoan dung. Phật giáo là một hệ thống nhân từ nhất trên thế gian này.
(Giáo sĩ Joseph Wain.)
Đọc một ít kiến thức về Phật giáo giúp chúng ta nhận thức rằng hơn 2500 năm trước đây, đạo Phật biết nhiều hơn về vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta hơn là nhân loại đã biết đến. Những tín đồ đạo Phật đã nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và cũng đã tìm ra những giải Pháp cho vấn đề.
(Tiến sĩ Graham Howe.)
Hiện nay, chúng ta nghe thấy nhiều về sức mạnh của tư duy, song Phật giáo là một hệ thống huấn luyện tâm hoàn hảo nhất và hiệu quả nhất đã được trình bày trước thế giới.
(Dudley Wright.)
Đức Phật đã tạo ra một tân thế hệ nhân loại, một thế hệ của những anh hùng luân lý đạo đức, một thế hệ giải phóng những người công nhân lao động, một thế hệ của các vị Phật.
(Manmatha Nath Sastri.)
Phật giáo là một Tôn giáo sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử nhân loại với một thông điệp toàn cầu về sự cứu rỗi, giải thoát cho tất cả nhân loại. Sau khi giác ngộ vô thượng Chánh Giác, đức Phật đã phái 62 vị đệ tử đầu tiên đi vào đời truyền bá giáo pháp của Ngài theo nhiều hướng khác nhau, yêu cầu các vị này hãy truyền bá chánh Pháp vì lợi ích và hạnh phúc cho quần sanh.
Ở đây, điều cần thiết là lưu ý đến một đặc trưng độc nhất của Tôn giáo của đức Phật, chính là đó là một Tôn giáo của bất kỳ một vị đạo sư nào, mà kết quả là một nền triết học nhất quán cho chúng ta biết về những chân lý tối hậu của sự hiện hữu và thực tại. Tôn giáo của đức Phật là một triết lý sống do sự chấp nhận một quan điểm sống được cho là thực tại. Triết lý của đức Phật không phải là không đề cập đến bản chất của tri thức.
(Tiến sĩ K.N. Jayatilleke, Buddhism and Peace.)
Chỉ nói về Phật giáo thôi, người ta có thể khẳng định đó là một Tôn giáo không có sự cuồng tín. Mục đích của Phật giáo là nhằm tạo ra một sự chuyển hóa từ bên trong của mỗi cá nhân bằng cách tự chinh phục và chiến thắng mình, cho dù những sức mạnh của tiền bạc vật chất hay sự thuyết phục để ảnh hưởng đến sự chuyển hóa đi nữa. Đức Phật chỉ chỉ ra con đường duy nhất đưa đến sự giải thoát, và con đường đó được để lại cho mỗi cá nhân để tự mình quyết định nếu mình muốn đi theo con đường đó.
(Giáo sư Lakshmi Narasu, Essence of Buddhism.)
Đạo Phật giống như một lòng bàn tay và các Tôn giáo khác giống như những ngón tay trong lòng bàn tay.
(The Great Khan Mongka.)
Một số người nghĩ rằng Phật giáo là một Tôn giáo đen tối và buồn chán. Đó là một sự nhận xét sai lầm; Phật giáo sẽ làm cho tín đồ của mình sáng lạng và vui tươi. Khi chúng ta đọc những mẫu chuyện tiền sinh của các vị Bồ tát, các vị Phật tương lai, chúng ta biết được hạnh nguyện tu tập về sự hoàn hảo của các đức tính kiên nhẫn và khoan dung độ lượng như thế nào. Phật giáo sẽ giúp cho chúng ta được vui tươi ngay cả trong những tình huống khó khăn lớn và lấy làm vui mừng trong những lợi ích khác.
(Thượng tọa Gnanatiloka, một học giả Phật học người Đức.)
Hãy trở về với Phật giáo và bạn sẽ đọc được những gì mà vị Hoàng đế A Dục không chỉ tuyên thuyết một nền luân lý đạo đức cao thượng mà còn sử dụng quyền uy của một bậc đế vương theo một phương cách khiến cho các vị đế vương hiện đại của các niềm tin khác phải hổ thẹn.
(Geoffrey Mortiner, một nhà văn Tây Phương.)
Thậm chí cho đến ngày nay không thể xem rằng Phật giáo đã bị mai một, suy yếu bởi vì Phật giáo được bám chặt trên những nguyên lý cố định không bao giờ được sửa đổi.
(Gertrude Garatt.)
Tất cả những lời dạy của đức Phật có thể được tóm gọn lại trong một thuật ngữ: " Dhamma" (Pháp - Chân Lý). Pháp này chân thật, hiện hữu không chỉ ở nơi tâm trí của con người mà còn hiện hữu ở khắp nơi trên vũ trụ này. Tất cả vũ trụ là một sự hiện thân tiết lộ của Pháp. Quy luật của tự nhiên mà giới khoa học ngày nay đã khám phá là sự biểu hiện của Pháp - Chân lý.
Nếu mặt trăng lên và lặn xuống, thì đó là bởi vì Pháp, bởi vì Pháp là quy luật trú ngụ trong vũ trụ khiến phát sinh ra những hoạt động theo những phương cách được nghiên cứu trong vật lý học, hóa học, động vật học, thực vật học và thiên văn học. Pháp hiện hữu trong vũ trụ chỉ vì Pháp hiện hữu trong tâm trí của con người. Nếu con người sống theo đúng với chánh Pháp, thì anh ta sẽ thoát khỏi khổ đau và chứng đắc Niết-bàn, an lạc.
(Thượng tọa A. Mahinda.)
Mặc dù ngay từ đầu người ta có thể bị thu hút bởi sự khoáng đạt của Tôn giáo này, người ta có thể tán dương chân giá trị của Phật giáo chỉ khi người ta phán xét Phật giáo thông qua kết quả mà nó đã phát sinh trong chính cuộc sống hằng ngày của chính mình.
(Tiến sĩ Edward Conze, học giả và dịch giả của các Kinh điển hệ Bát-nhã)
Nếu không có những thú vui nhục dục, thì liệu cuộc sống có thể nào chịu đựng được? Không có một niềm tin vào sự vĩnh hằng bất tử, thì liệu con người có thể sóng có luân lý đạo đức? Không có sự sùng bái, cầu nguyện một đấng Thần linh, Thượng đế thì liệu con người có thể tiến đến một cuộc sống Thánh thiện, chân chánh? Vâng, có thể, đức Phật trả lời. Những mục đích này có thể đạt được bằng trí tuệ, tri kiến; chính tri thức, trí tuệ là chìa khóa đưa đến đạo lộ cao thượng hơn, một đạo lộ đáng được theo đuổi trong cuộc sống; tri kiến, trí tuệ mang lại cho chúng ta sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống, giúp chúng ta không dao động trước những cơn bão tố của thế giới hiện tượng.
(Giáo sư Karl Pearson.)
Những vị đệ tử khiêm nhường của đức Phật thật là may mắn biết bao! Họ không có thừa hưởng lối nguỵ biện về tính không thể sai lầm của bất cứ những sách khải huyền ngay từ lúc khởi đầu.
(Thượng toạ tiến sĩ Ananda Kaushalyayana.)
Do vậy, Phật giáo là một Tôn giáo dành riêng cho cá nhân của mỗi người, và không có lý do để hình thành nên hình thức lễ nghi cúng bái trong Tôn giáo này. Một hành động được thực thi với một ý tưởng phục vụ cho điều kiện riêng của cá nhân thì không phải là một hình thức lễ nghi. Khi chúng ta nhìn bề ngoài của hầu hết những hình thức dường như là lễ nghi của đạo Phật ngày nay, thì không nên vội kết luận đạo Phật là đạo mang bản chất lễ nghi Tôn giáo, mà thực sự đó không phải là hình thức lễ nghi.
(Tiến sĩ W.F. Jayasuriya, the Psychology and Philosophy of Buddhism.)
Nếu đức Phật phải được gọi là một "Bậc cứu thế" thì đó chỉ là dựa trên ý nghĩa ngôn từ rằng Ngài đã khám phá và chỉ ra Con Đường đưa đến sự giải thoát, Niết-bàn. Song chính chúng ta phải thực hành con đường.
(Hoà thượng tiến sĩ W.Rahula, What the Buddha taught.)
Tạo áp lực cho chính mình tin vào và chấp nhận một điều gì mà không có sự hiểu biết đúng đắn thì đó là một thái độ chính trị chứ không phải là thái độ tâm linh hay tri thức.
(Hòa thượng tiến sĩ W.Rahula, What the Buddha taught.)
Chúng ta không nên chỉ tôn trọng Tôn giáo của mình và chê bai đã phá Tôn giáo của những người khác, nhưng chúng ta nên tôn trọng Tôn giáo của những người khác vì lý do này hay lý do khác. Làm như vậy, chúng ta giúp cho Tôn giáo của mình phát triển và cũng giúp ích cho các Tôn giáo khác cũng phát triển như Tôn giáo mình. Khi hành động khác đi với tinh thần trên, thì chúng ta tự mình đào mồ chôn Tôn giáo của chính mình và còn làm hại các Tôn giáo khác. Bất cứ ai kính trọng Tôn giáo của mình và chỉ trích chê bai Tôn giáo của người khác, tưởng rằng thực sự làm như vậy là tận tuỵ với Tôn giáo của mình và nghĩ rằng "Tôi sẽ làm rạng danh Tôn giáo của mình." Song trên thực tế lại ngược lại, khi làm như vậy là anh ta làm tổn thương Tôn giáo của mình ngày càng trầm trọng thêm. Do vậy, nên hài hòa là tốt hơn: Tất cả hãy cùng nhau lắng nghe và sẵn sàng lắng nghe giáo lý của những người khác Tôn giáo mình.
(Đại Đế A Dục Asoka)
Một Tôn giáo của triết lý sống được đánh giá không chỉ bằng chân lý mà Tôn giáo này đã tuyên thuyết mà còn bằng những sự chuyển hóa, đổi thay mà Tôn giáo này đã mang lại trong cuộc sống của những tín đồ của Tôn giáo đó. Từ trước đến nay, sự kiểm nghiệm này liên quan đến Phật giáo, đã đạt được một kỷ lục về những thành tựu mà chúng ta có thể lấy làm hãnh diện thực sự.
(D. Valisinha, Tổng Thư ký Hội Maha Bodhi, Buddhist Way of Life.)
Người ta cũng có thể nói rằng Ấn Độ đã khám phá ra vô thức sớm hơn các nhà tâm lý học Tây phương. Đối với họ, vô thức bao gồm tổng thể những cảm giác tiềm tàng trong cá nhân như là sự thừa hưởng từ kiếp sống trước. Kỹ thuật Thiền định của đạo Phật, đề cập đến những nguồn năng lực tiềm ẩn bên trong, là một người đi trước so với lối phân tích tâm lý hiện đại, cũng như sự huấn luyện tinh thần mang tính tự sinh v.v…
(Giáo sư Von Glasenapp, một học giả người Đức.)
Phật giáo là một Tôn giáo lớn duy nhất trên thế giới được hình thành trên cơ sở ý thức và chân thực, căn cứ trên một hệ thống phân tích hợp lý về những vấn đề trắc trở của cuộc sống và giải pháp để giải quyết những khó khăn ấy.
(Moni Baghee, Our Buddha.)
Không có những gì mà chúng ta có thể gọi là tín điều trong giáo lý của đức Phật. Với một quan điểm khoáng đạt hiếm có trong thời đại của Ngài và không mấy phổ biến trong thời đại của chúng ta, Ngài đã từ chối kiềm chế đàn áp sự phê bình chỉ trích. Đối với Ngài, thiếu khoan dung độ lượng dường như là kẻ thù vĩ đại nhất của Tôn giáo.
(Tiến sĩ K.Radhakrishnan, Gautama the Buddha.)
Hầu hết những người mới vào đạo của các Tôn giáo khác được điều khiển bởi những vị trưởng giáo của họ và bị ngăn cấm không cho đọc những Kinh sách, giáo lý, học thuyết, tạp chí, sách bỏ túi hay những cuốn tiểu luận của các Tôn giáo khác. Thái độ này dường như không thấy xảy ra trong đạo Phật.
(Tỳ kheo Khantipalo, Tolerance.)
Năm giới này chỉ ra năm hướng chính quan trọng mà một người Phật tử tự kiểm soát mình phải thực thi. Do vậy, giới thứ nhất khuyên răn người Phật tử kiềm chế lòng tham dục của sự giận dữ; giới thứ hai giúp họ kiềm chế những tham đắm về của cải vật chất; giới thứ ba kiềm chế về nhục dục; giới thứ tư giúp chế ngự sự khiếp nhược, hèn nhát và ác tâm muốn hại tha nhân (nguyên nhân của tính không trung thực); và giới thứ năm giúp chế ngự lòng tham ái đối với những thích thú tiêu cực, bất thiện.
(Edmond Holmes, The Creed of Buddha.)
Một trong những học giả đầu tiên bắt đầu công việc chuyển dịch hệ văn học Pàli sang Anh ngữ, là con trai của một Mục sư nổi tiếng. Mục đích của vị ấy khi thực thi công việc này là để chứng minh sự vượt trội của Cơ đốc giáo so với Phật giáo. Tuy ông ta thất bại trong nhiệm vụ lớn lao này, song đạt được một sự chiến thắng vĩ đại hơn ông ta mong đợi. Kết quả là ông ta trở thành một Phật tử. Chúng ta không bao giờ quên được cái cơ duyên may mắn hạnh phúc đã thúc đẩy ông ta thực hiện công việc này và do đó mang lại giáo Pháp quí giá này cho hàng nghìn người dân tại Tây phương. Danh xưng của vị học giả vĩ đại này là Tiến sĩ Rhys Davids.
(Thượng toạ A.Mahinda, Blue Print of Happiness.)
Có thể rằng khuynh hướng hướng đến một chính quyền tự trị được làm bằng chứng bởi những hình thức đa dạng của những hoạt động phối tác được nhận lấy từ hình thức phôi thai đầu tiên của Phật giáo, từ bỏ thế lực quyền hành của giai cấp, tầng lớp tu sĩ tăng lữ và đi xa hơn nữa là bằng học thuyết về sự bình đẳng công bằng như đã được chứng minh qua sự xóa tan hệ thống giai cấp đặc quyền. Quả nhiên, chính nhờ vào những Kinh sách đạo Phật mà chúng ta phải trở về để thừa nhận rằng sự kiện xã hội có tổ chức của những mô hình gương mẫu đầu tiên của những đại diện thể chế tự trị được thực thi. Nhiều người hơi ngạc nhiên khi biết rằng những cuộc kiết tập Kinh điển của chư vị đệ tử đức Phật tại Ấn Độ cách đây 2500 năm và về trước nữa lại được tìm thấy những nguyên lý mà chúng ta đang thực thi ngày nay tại nghị trường.
Cấp bậc của hội chúng được bảo vệ bởi sự chỉ định của viên chức đặc biệt, là phôi thai của "Mr Speaker" (ông Chủ tọa) trong Hạ Nghị viện của chúng ta ngày nay. Một viên chức thứ hai được bổ nhiệm để kiểm tra xem xét số đại biểu cần thiết theo quy định được đảm bảo, nguyên mẫu của một Trưởng quan chức có quyền duy trì kỷ luật trong các thành viên của Đảng chính trị đang cầm quyền trong Nghị viện trong hệ thống của chúng ta ngày nay.
(Hầu tước của Zetland, nguyên phó vương của Ấn Độ.)
Trong 25 thế kỷ qua, Phật giáo đã hội nhập với các niềm tin cổ truyền và các Tôn giáo của nhiều vùng đất, hài hòa chúng với bản chất thanh khiết của nền triết học Phật giáo. Cùng một lúc, Phật giáo đã nảy nở trên khắp Á Châu. Cho đến nay, Phật giáo vẫn là Tôn giáo chính của các dân tộc Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Tây Tạng, Lào, Campuchia, Đài Loan, Việt Nam, Đại Hàn, Trung Quốc, Mông Cổ và một số nước Trung Á như Bhutan, Siberia v.v… Cũng còn nhiều cộng đồng Phật tử lớn ở Mã Lai, Tân Gia Ba và Ấn Độ, cũng như ở các nước Tây phương như Anh Quốc, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Đức, Pháp, các nước Bắc Âu và Úc.
Ngày nay, ta thấy có sự chú ý nhiều đến Phật giáo hơn trước ở Tây phương. Nhiều học giả đã tiên đoán rằng trong thế kỷ tới, Phật giáo có thể trở thành một Tôn giáo chính ở Tây phương.
(Kalinga Senevirathne, A Brief History Of Buddhism.)
Phật giáo đã đạt được nền tảng to lớn ở Tây phương trong vòng hai mươi năm qua. Mới đây, Phật giáo đã được đón nhận như là Tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Anh quốc. Đã có trên 100 nghìn đoàn thể Phật giáo và các trung tâm được thiết lập ở nước này hiện nay, ở Hoa Kỳ còn nhiều hơn, và con số lại gia tăng ở âu Châu nữa. Đó là từng chỉ dấu cho thấy sự chú ý đến Phật giáo sẽ còn tiếp tục lớn mạnh, vì Phật giáo rõ ràng cung ứng được một số nhu cầu sâu xa về tinh thần cho con người của thế giới Tây phương mà các Tôn giáo truyền thống của họ đã thất bại hoàn toàn. Người ta có thể hỏi: "Phật giáo có gì đặc biệt giá trị và hữu ích vậy?
(John Snelling, The Buddhist Handbook.)
Hiện tại càng rõ ràng là Phật giáo đang đóng một vai trò sinh động trong việc quốc tế hóa thế giới của chúng ta.
(Rich Fields, How The Swans Came to The Lake.)