Ngôi Chùa Trong Cộng Đồng Cư Dân Khơme

khometravinhchualabang1.jpgTrên mọi miền đất nước, hình ảnh ngôi chùa đã trở nên thân quen với tất cả mọi người, nó là sự kết tinh muôn đời của người Việt Nam nói chung và người Khơme nói riêng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã thực sự là biểu hiện sinh động các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Mặc dù bước đường du nhập của Phật giáo trải qua nhiều khúc quanh trong lịch sử nhưng ngôi chùa vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân Khơme Nam Bộ.

Người Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long thường sống tập trung trong những phum, sóc chủ yếu ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Trải qua quá trình phát triển của lịch sử, hệ thống tổ chức xã hội của người Khơme đã có nhiều biến đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số yếu tố chính vẫn được bảo tồn và phát huy. Cũng giống như các cư dân Đông Nam Á khác, người Khơme trồng lúa nước là chủ yếu. Về đời sống tâm linh, họ theo Phật giáo Tiểu thừa và là tôn giáo phổ biến của người dân. Chính vì thế, ngôi chùa có vị trí vô cùng quan trọng đối với cộng đồng cư dân Khơme đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôi chùa không chỉ đẹp giữa chốn đồng quê hoặc nơi thâm sơn cùng cốc, tiếng kệ lời kinh, tiếng chuông nhịp mõ hay hương khói nghi ngút. Ngôi chùa còn đi vào lòng người bởi nó chứa cả một “kho tàng báu vật” của người xưa. Nó thể hiện tài năng và trí tuệ của những người thợ tài hoa nhiều thế hệ thông qua kiến trúc chùa, tháp, tượng thờ, phù điêu trang trí… đó là những biểu trưng của tôn giáo, của văn hóa.

 

Ngôi Chùa Trong Cộng Đồng Cư Dân Khơme

Bùi Thị Hồng Loan

Trên mọi miền đất nước, hình ảnh ngôi chùa đã trở nên thân quen với tất cả mọi người, nó là sự kết tinh muôn đời của người Việt Nam nói chung và người Khơme nói riêng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã thực sự là biểu hiện sinh động các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Mặc dù bước đường du nhập của Phật giáo trải qua nhiều khúc quanh trong lịch sử nhưng ngôi chùa vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân Khơme Nam Bộ.

Người Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long thường sống tập trung trong những phum, sóc chủ yếu ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Trải qua quá trình phát triển của lịch sử, hệ thống tổ chức xã hội của người Khơme đã có nhiều biến đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số yếu tố chính vẫn được bảo tồn và phát huy. Cũng giống như các cư dân Đông Nam Á khác, người Khơme trồng lúa nước là chủ yếu. Về đời sống tâm linh, họ theo Phật giáo Tiểu thừa và là tôn giáo phổ biến của người dân. Chính vì thế, ngôi chùa có vị trí vô cùng quan trọng đối với cộng đồng cư dân Khơme đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôi chùa không chỉ đẹp giữa chốn đồng quê hoặc nơi thâm sơn cùng cốc, tiếng kệ lời kinh, tiếng chuông nhịp mõ hay hương khói nghi ngút. Ngôi chùa còn đi vào lòng người bởi nó chứa cả một “kho tàng báu vật” của người xưa. Nó thể hiện tài năng và trí tuệ của những người thợ tài hoa nhiều thế hệ thông qua kiến trúc chùa, tháp, tượng thờ, phù điêu trang trí… đó là những biểu trưng của tôn giáo, của văn hóa.

Người Khơme quan niệm việc đi tu là một trong những hành vi biểu hiện sự tôn kính Phật pháp, đặc biệt, người đàn ông dù giàu sang hay nghèo khó ít nhất trong cuộc đời của mình cũng phải có một lần vào chùa tu. Tu ở đây là được học chữ, học kinh kệ để trở thành một người trí thức, có đức hạnh. Ngoài ra, đi tu còn là nghĩa vụ, vinh dự của một đời người, nó còn thể hiện sự đền đáp công ơn cha mẹ. Người Khơme cho rằng, tu ở bậc Tỳ kheo đền ơn cha, tu bậc Sa di là đền ơn mẹ. Như vậy, đi tu chính là cơ hội để tích đức, tuy nhiên, người phụ nữ không được tham gia tu hành tại chùa (Phật giáo Tiểu thừa không chấp nhận sự có mặt ni cô tại chùa), họ cũng có quyền đi tu nhưng tu tại gia. Đối với những người đàn ông Khơme (đã trải qua tu hành) khi hoàn tục trở lại cuộc sống đời thường, luôn nhận được sự kính trọng của cộng đồng. Vì thế, vai trò các nhà sư trong xã hội có một vị thế đặc biệt, họ không những là người có uy tín mà còn nhận được sự kính nể.

Trong tổ chức nhà chùa, đứng đầu là Đại đức trưởng tăng, tiếp đến là Pahussôt và Acha chuyên dạy giáo lý. Đối với các tín đồ, theo truyền thống xưa người ta chia mỗi phum thành một tổ gọi là Wên. Những Wên này đều chịu sự giám sát của Nhôm Wát (chủ chùa). Khác với một số tôn giáo khác, Phật giáo Tiểu thừa Khơme không mang tính thoát tục lánh xa cuộc đời, mà hòa cùng tất cả các thành viên trong cộng đồng, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Các nhà sư gắn bó với gia đình, cùng các hoạt động văn hóa xã hội… Như vậy, các nhà sư không những có vai trò đặc biệt trong xã hội mà còn có trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ như những thành viên khác trong cộng đồng.

Một chức năng đặc biệt quan trọng của ngôi chùa Khơme là giáo dục cộng đồng. Hình thức giáo dục này gắn liền với Phật giáo, thông qua hệ thống giáo lý, kinh sách của nhà Phật. Người Khơme vốn có tiếng nói và chữ viết riêng, kể từ khi đạo Phật thâm nhập vào cộng đồng, nó đã không ngừng phát triển và gắn bó mật thiết với ngôi chùa. Người Khơme có câu mất chữ, mất gốc, mất dân tộc, tôn giáo tiêu tan, con người phải chết, phần nào phản ánh tinh thần, ý thức gìn giữ vốn chữ viết Khơme. Chính vì thế, khi con em người Khơme tại các địa phương bên cạnh học tiếng phổ thông, các em phải vào chùa để học văn hóa, chữ viết dân tộc. Tại đây, các nhà sư không chỉ truyền dạy giáo lý nhà Phật mà còn dạy cả toán học, ngôn ngữ học… (chủ yếu bằng tiếng Pali). Chương trình giảng dạy góp phần bảo vệ, gìn giữ những di sản văn hóa quý giá như chữ viết, văn học nghệ thuật Khơme giúp người dân nâng cao nhận thức. Bên cạnh việc giáo dục tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết đối với cộng đồng, ngôi chùa còn thể hiện vai trò tích cực trong việc giáo dục đạo đức, lối ứng xử cho mỗi con người.

Các lễ hội cổ truyền, phong tục, tập quán của người Khơme đều gắn kết với lễ nghi Phật giáo, từ những việc cưới xin, tang ma hoặc cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho cuộc sống yên bình ấm no cho phum, sóc… Khi tổ chức người Khơme đều mời các nhà sư tới cầu kinh chúc phúc, siêu độ. Cho nên, ngôi chùa mà đại diện là các nhà sư giữ vai trò quan trọng trong mọi lễ hội, nghi lễ, phong tục của người Khơme. Nói cách khác, ngôi chùa chính là nơi linh thiêng để tiến hành các lễ hội.

Vào lúc mùa màng đã gặt hái xong (khoảng tháng 4 âm lịch) cũng là lúc cộng đồng người Khơme tổ chức lễ Chol Chnam Thmay. Lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi người dân Khơme. Tại đây, những trò chơi dân gian như ném còng, đi cà kheo… cũng được đem ra sân chùa biểu diễn. Bên cạnh đó còn có lễ Đolta (cúng ông bà) được kéo dài từ 29-8 đến 2-9 âm lịch, nhằm tụng kinh cầu siêu, cầu phúc cho linh hồn của người thân sớm được lên cõi Phật và lễ này cũng được tổ chức tại chùa. Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội khác nữa như: lễ dâng y, lễ cúng trăng… đều được tổ chức tại chùa.

Có thể nói nền văn hóa nghệ thuật Phật giáo Khơme được thể hiện qua các ngôi chùa đã có vai trò xuyên suốt trong quá trình lịch sử của cộng đồng. Ngoài những giá trị nghệ thuật cùng với những chức năng vốn có như: nơi tu hành của nhà sư, nơi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ Phật tử, ngôi chùa còn là trung tâm, là điểm tựa vững chắc bảo lưu, gìn giữ những giá trị văn hóa của người Khơme.