28. Kinh Bố-tra-bà-lâu

28. KINH BỐ-TRA-BÀ-LÂU

[109c23] Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Xá-vệ, trong vườn Kỳ-thọ Cấp cô độc, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Thế Tôn khoác y cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khi ấy, Thế Tôn nghĩ rằng:

“Ngày hôm nay khất thực, thời gian còn sớm, Ta hãy đến thăm khu rừng của Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu[1]; đợi đến giờ rồi hãy đi khất thực”. Rồi Ngài đi đến rừng của Phạm-chí. Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu từ xa trông thấy Phật đi đến, liền đứng dậy nghinh đón rằng:

“Hoan nghinh, Sa-môn Cù-đàm! Lâu nay không đến [110a] đây. Nay vì duyên cớ gì lại khuất mình chiếu cố? Xin mời ngồi phía trước đây.”

Thế Tôn ngồi xuống chỗ ấy, nói với Bố-tra-bà-lâu rằng:

“Các ông tập họp tại đây, để làm gì? Để bàn chuyện gì?”

Phạm-chí bạch Phật:

“Thế Tôn, mấy ngày qua[2] có nhiều Sa-môn, Bà-la-môn tập họp tại giảng đường, bàn luận sự việc như vậy[3]. Những vấn đề chống trái nhau.

“Cù-đàm, hoặc có Phạm-chí nói như vầy: ‘Con người phát sanh tưởng không do nhân gì duyên gì. Tưởng diệt, không do nhân duyên gì. Tưởng có đến, có đi. Khi tưởng đến thì tưởng sanh. K thì tưởng diệt[4]’.

“Cù-đàm, hoặc có Phạm-chí nói như vầy: ‘Do mạng, có tưởng sanh; do mạng, có tưởng diệt. Tưởng kia đi, đến. Đến thì tưởng sanh. Đi thì tưởng diệt.[5]

“Cù-đàm, hoặc có Phạm-chí nói như vầy: ‘Các thuyết nói trước đó không đúng sự thật. Có vị đại quỷ thần, có uy lực lớn, mang tưởng đi; mang tưởng đến. Khi vị ấy mang tuởng đi thì tưởng diệt. Khi vị ấy mang tưởng đến thì tưởng sanh[6]’.

“Tôi nhân đó có suy nghĩ, nghĩ rằng Sa-môn Cù-đàm tất biết rõ ý nghĩa này, tất có thể biết rõ tưởng tri diệt định[7].”

Bấy giờ Thế Tôn nói với Phạm-chí rằng:

“Các luận thuyết ấy đều có chỗ sai lầm. Tức là nói không do nhân, không do duyên mà có tưởng sanh; không do nhân, không do duyên mà có tưởng diệt; tưởng có đến, đi; đến thì tưởng sanh, đi thì tưởng diệt. Hoặc nói nhân bởi mạng mà tưởng sanh, nhân bởi mạng mà tưởng diệt; tưởng có đến, đi; đến thì tưởng sanh, đi thì tưởng diệt. Hoặc nói, không hề có chuyện đó, mà là có một vị đại quỷ thần mang tưởng đến và mang tưởng đi; khi vị ấy mang đến thì tưởng sanh; khi mang đi thì tưởng diệt. Những lời như vậy thảy đều sai lầm. Vì sao? Này Phạm-chí, có nhân, có duyên để tưởng sanh. Có nhân, có duyên để tưởng diệt.

“Nếu Như Lai xuất hiện ở đời; là bậc Chí chơn, Đẳng Chánh Giác, mười hiệu đầy đủ. Có người ở trong Phật pháp mà xuất gia tu đạo, cho đến, diệt năm triền cái che lấp tâm, trừ khử dục, ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, hỷ lạc do định sanh, nhập sơ thiền. Trước diệt tưởng về dục, rồi phát sanh tưởng về hỷ và lạc. Phạm-chí, vì vậy biết có nhân duyên cho tưởng sanh, có nhân duyên cho tưởng diệt.

“Diệt tầm, tứ, nội tâm tịch tĩnh, nhất tâm, không tầm, không tứ, có hỷ và lạc do định sanh, nhập đệ nhị thiền. Phạm-chí, kia tưởng của sơ thiền diệt, tưởng của nhị thiền sanh, vì vậy nên biết có nhân duyên để tưởng diệt; có nhân duyên để tưởng sanh.

“Dứt hỷ, an trú xả, chánh niệm, [110b] chánh tri, tự biết thân lạc, điều mà Hiền Thánh nói là xả, an trú lạc có niệm, nhập đệ tam thiền. Phạm-chí, kia tưởng của nhị thiền diệt, tưởng của tam thiền sanh. Vì vậy nên biết có nhân duyên để tưởng diệt, có nhân duyên để tưởng sanh.

“Dứt khổ, dứt lạc, ưu và hỷ từ trước đã diệt, xả, niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền. Phạm-chí, kia tưởng tam thiền diệt, tưởng tứ thiền sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng diệt; có nhân duyên để tưởng sanh.

“Vượt qua[8] thảy tưởng về sắc, diệt tưởng hữu đối[9], không niệm các tưởng sai biệt[10], nhập không vô biên xứ. Này Phạm-chí, tưởng về hết thảy sắc diệt, tưởng về không vô biên xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Vượt qua hết thảy không vô biên xứ, nhập thức vô biên xứ. Này Phạm-chí, tưởng về không vô biên xứ diệt, tưởng về thức vô biên xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Vượt qua hết thảy thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu xứ. Này Phạm-chí, tưởng về thức vô biên xứ diệt, tưởng về vô sở hữu sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Vượt qua vô sở hữu xứ, nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ.[11] Này Phạm-chí, tưởng về vô sở hữu xứ diệt, tưởng về phi tưởng phi phi tưởng xứ sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Kia vượt qua phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập tưởng thọ diệt định. Này Phạm-chí, tưởng về phi tưởng phi phi tưởng xứ diệt; tưởng thọ diệt định sanh. Vì vậy biết rằng có nhân duyên để tưởng sanh, có nhân duyên để tưởng diệt.

“Vị ấy khi đạt đến tưởng này rồi[12], suy nghĩ như vầy: ‘Có tư niệm[13] là xấu, không tư niệm là tốt. Nếu khi ta tư duy như vậy, thì tưởng vi diệu kia (không) diệt, mà tưởng thô lại sanh[14].’ Vị ấy lại suy nghĩ: ‘Nay ta không nên niệm hành, không khởi tư duy[15].’ Vị ấy khi không niệm hành, không khởi tư duy, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh. Khi vị ấy không niệm hành, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh, liền nhập định tưởng thọ diệt[16].

“Thế nào, Phạm-chí, từ trước đến nay ông đã bao giờ nghe nhân duyên của thứ tự diệt tưởng[17] này chưa?”

Phạm-chí bạch Phật:

“Tôi tin là từ trước đến nay chưa bao giờ nghe đến nhân duyên của thứ tự diệt tưởng này.”

Phạm-chí lại bạch Phật:

“Nay tôi có ý nghĩ như vầy, tức là: đây là có tưởng; (tiếp theo) đây là không có tưởng. rồi lại có tưởng.[18] Sau khi có tưởng[19] như vậy rồi, vị ấy suy nghĩ như vầy: có tư niệm là xấu, không niệm là tốt. Vị ấy khi suy nghĩ như vậy, tưởng vi diệu của vị ấy không diệt, mà tưởng thô lại sanh. Vị ấy lại suy nghĩ: Nay ta không nên niệm hành, không khởi tư duy. Vị ấy khi [110c] không niệm hành, không khởi tư duy, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh. Khi vị ấy không niệm hành, tưởng vi diệu diệt, tưởng thô không sanh, liền nhập định tưởng thọ diệt[20].”

Phật nói với Phạm-chí:

“Lành thay, lành thay, đó là theo thứ tự đạt diệt tưởng định trong pháp của Hiền Thánh.”

Phạm-chí lại bạch Phật:

“Trong các tưởng này, tưởng nào là tối thượng bậc nhất?”

Phật nói với Phạm-chí:

“Những gì được nói là có tưởng, và những gì được nói là không có tưởng, ở khoảng trung gian đó mà có thể thứ tự đạt được tưởng thọ diệt định, đó là tưởng tối thượng bậc nhất.”[21]

Phạm-chí lại hỏi:

“Là một tưởng, hay nhiều tưởng[22]?”

Phật nói:

“Có một tưởng. Không có nhiều tưởng[23].”

Phạm-chí lại hỏi:

“Trước có tưởng sanh sau đó mới trí? Hay trước có trí sanh sau đó mới tưởng? Hay tưởng và trí cùng sanh một lượt?”

Phật nói:

“Trước có tưởng sanh, sau đó mới trí. Do tưởng mà có trí.” [24]

Phạm-chí lại hỏi:

“Tưởng tức là ngã chăng?”[25]

Phật hỏi:

“Ngươi nói ngã của con người như thế nào?”

Phạm-chí nói:

“Tôi không nói con người là ngã. Tôi tự nói, sắc thân với bốn đại, sáu xứ, do cha mẹ sanh, được nuôi nấng mà lớn, trang sức bằng y phục, nhưng là pháp vô thường, biến hoại. Tôi nói, con người đó là ngã.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Ngươi nói, sắc thân với bốn đại, sáu xứ, do cha mẹ sanh, được nuôi nấng mà lớn, trang sức bằng y phục, nhưng là pháp vô thường, biến hoại. Nói con người đó là ngã. Này Phạm-chí, hãy gác qua tự ngã đó[26]. Nhưng, tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt[27].”

Phạm-chí nói:

“Tôi không nói con người là ngã. Tôi nói, Dục giới thiên là ngã[28].”

Phật nói:

“Này Phạm-chí, hãy gác qua Dục giới thiên là tự ngã đó. Nhưng, tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt[29].”

Phạm-chí nói:

“Tôi không nói con người là ngã. Tôi tự nói, Sắc giới thiên là ngã.[30]

Phật nói:

“Này Phạm-chí, hãy gác qua Sắc giới thiên là tự ngã đó. Nhưng, tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt.”

Phạm-chí nói:

“Tôi không nói con người là ngã. Tôi tự nói không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, Vô sắc thiên, là ngã.”

Phật nói:

“Hãy gác qua không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ[31], phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô sắc thiên, là ngã. Nhưng, tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt.”

Phạm-chí bạch Phật:

“Thế nào, thưa Cù-đàm, tôi có thể biết được tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt không[32]? ”

Phật nói:

“Ngươi muốn biết tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt, thật quá khó! Thật quá khó! Vì sao vậy? Vì do ngươi, y pháp khác mà có kiến giải khác, tập hành khác [111a], nhẫn khác, thọ khác[33].”

Phạm-chí bạch Phật:

“Thật vậy, thưa Cù-đàm, tôi y theo pháp khác mà có kiến giải khác, tập hành khác, nhẫn khác, thọ khác, cho nên, muốn biết tưởng của con người sanh, tưởng của con người diệt, thật quá khó! Thật quá khó! Vì sao vậy? Ngã, thế gian là thường hằng: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian là không thường hằng: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian vừa thường vừa vô thường: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian không phải thường không phải không thường: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian là hữu biên: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian là vô biên: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian vừa hữu biên vừa vô biên: đây là thật, ngoài ra là dối. Ngã, thế gian không phải hữu biên không phải vô biên: đây là thật, ngoài ra là dối. Thân tức là mạng: đây là thật, ngoài ra là dối. Mạng khác thân khác: đây là thật, ngoài ra là dối. Thân, mạng không phải khác không phải không khác: đây là thật, ngoài ra là dối. Không mạng, không thân: đây là thật, ngoài ra là dối. Như Lai tồn tại sau khi chết: đây là thật, ngoài ra là dối. Như Lai không tồn tại sau khi chết: đây là thật, ngoài ra là dối. Như Lai không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết: đây là thật, ngoài ra là dối.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai hông phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết: là những câu hỏi Ta không trả lời.[34]

Phạm-chí bạch Phật:

“Cù Đàm, vì sao không trả lời, Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai hông phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết?”

Phật nói:  

“Vì chúng không phù hợp ý nghĩa[35], không phù hợp pháp, không phải phạm hạnh, không phải vô dục, không phải vô vi, không phải tịch diệt, không phải chỉ tức, không phải chánh giác, không phải Sa-môn, không phải Niết-bàn. Vì vậy Ta không trả lời.”

Phạm-chí lại hỏi:

“Thế nào là phù hợp nghĩa, phù hợp pháp? Thế nào là phạm hạnh sơ bản[36]? Thế nào là vô vi[37]? Thế nào là vô dục[38]? Thế nào là tịch diệt[39]? Thế nào là chỉ tức[40]? Thế nào là chánh giác[41]? Thế nào là Sa-môn[42]? Thế nào là nê-hoàn[43]? Thế nào là vô ký[44]? ”

Phật nói:

“Điều mà Ta trả lời là về Khổ đế, Về khổ tập, Khổ diệt, Khổ xuất yếu đế. Vì sao vậy? Vì phù hợp nghĩa, phù hợp pháp, là phạm hạnh sơ thủ, là vô dục, vô vi, tịch diệt, chỉ tức, chánh giác, Sa-môn, Niết-bàn. Vì vậy Ta trả lời.”

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho Phạm-chí nghe xong, chỉ bày, khuyến khích, làm cho ích lợi, hoan hỷ, Ngài đứng dậy mà đi.

Phật đi chưa bao lâu, sau đó các Phạm-chí khác nói với Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu rằng:

“Tại sao ông nghe theo những lời của Sa-môn Cù-đàm? Chấp nhận những lời của Cù-đàm rằng: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không hông phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết, là những vấn đề không phù hợp nghĩa nên Ta không trả lời.’ Tại sao ngươi ấn khả những lời như vậy? Chúng ta không chấp nhận[111b] sở thuyết như vậy của Sa-môn Cù-đàm[45].”

Bố-tra-bà-lâu trả lời các Phạm-chí:  

“Sa-môn Cù-đàm nói rằng: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết, là những vấn đề không phù hợp nghĩa nên Ta không trả lời.’ Tôi cũng không ấn khả lời ấy. Nhưng Sa-môn Cù-đàm kia y trên Pháp, trụ trên Pháp[46], đúng Pháp mà nói, đúng theo Pháp mà xuất ly; làm sao tôi có thể chống lại lời nói có trí tuệ ấy? Pháp ngôn vi diệu như thế của Sa-môn Cù-đàm, không thể chống trái được.”

Rồi, một lúc khác[47], Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu cùng với Tượng Thủ Xá-lợi-phất[48] đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên. Tuợng Thủ lễ Phật xong rồi ngồi xuống. Phạm-chí bạch Phật:

“Trước đây Phật tại chỗ tôi. Khi Ngài đi chưa lâu, sau đó các Phạm-chí khác nói với tôi rằng: ‘Tại sao ông nghe theo những lời của Sa-môn Cù-đàm? Chấp nhận những lời của Cù-đàm rằng: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết, là những vấn đề không phù hợp nghĩa nên Ta không trả lời.’ Tại sao ngươi ấn khả những lời như vậy? Chúng ta không chấp nhận sở thuyết như vậy của Sa-môn Cù Đàm.’Tôi trả lời các Phạm-chí: ‘Sa-môn Cù-đàm nói rằng: ‘Ngã và thế gian là thường hằng, cho đến, Như Lai không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết, là những vấn đề không phù hợp nghĩa nên Ta không trả lời.’ Tôi cũng không ấn khả lời ấy. Nhưng Sa-môn Cù-đàm kia y trên Pháp, trụ trên Pháp, đúng Pháp mà nói, đúng theo Pháp mà xuất ly; làm sao chúng ta có thể chống lại lời nói có trí tuệ ấy? Pháp ngôn vi diệu như thế của Sa-môn Cù-đàm, không thể chống trái được’.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Các Phạm-chí nói: ‘Ông tại sao nghe những điều Sa-môn Cù-đàm nói mà ấn khả?’ Lời ấy sai lầm. Vì sao vậy? Pháp mà Ta nói, có trường hợp được ghi nhận xác quyết, có trường hợp không được ghi nhận xác quyết[49]. Thế nào gọi là không ghi nhận xác quyết? Ngã, thế gian thường hằng, cho đến, không phải tồn tại không phải không tồn tại sau khi chết. Ta cũng nói lời ấy, nhưng không ghi nhận xác ký. Sở dĩ như vậy, vì những lời ấy không phù hợp nghĩa, không phù hợp pháp, không phải là phạm hạnh sơ bản, không phải vô dục, không phải vô vi, không phải tịch diệt, không phải chỉ tức, không phải chánh giác, không phải Sa-môn, không phải Nết-bàn. Vì vậy, này Phạm-chí, Ta tuy nói những lời ấy nhưng không ghi nhận xác quyết. Thế nào gọi là ghi nhận xác quyết? Ta ghi nhận Khổ đế, Khổ tập, Khổ diệt, Khổ xuát yếu đế. Vì sao vậy? Điều đó phù hợp nghĩa, phù hợp pháp, là phạm hạnh sơ thủ, vô dục, vô vi, tịch diệt, chỉ tức, chánh giác, Sa-môn, [111c] Niết-bàn. Vì vậy, Ta nói được ghi nhận xác quyết.

“Hoặc có Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc[50]. Ta nói với vị ấy rằng: ‘Các ông có thật chủ trương ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc chăng?’ Những vị ấy trả lời Ta rằng: ‘Thật vậy.’ Ta lại nói với họ rằng: ‘Các ông có thấy, biết một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc không?’ Họ trả lời: ‘Không thấy, không biết.’ Ta lại nói với họ: ‘Chư thiên ở một nơi thế gian chỉ có hoàn toàn lạc[51]; các ông đã từng thấy chưa?’ Kia đáp: ‘Không biết, không thấy.’ Ta lại hỏi: ‘Chư thiên ở một nơi thế gian kia, có bao giờ các ông từng cùng đứng ngồi trò chuyện, tinh tấn tu định chưa?’ Đáp rằng: ‘Chưa.’ Ta lại hỏi: ‘Chư thiên ở một nơi thế gian hoàn toàn sung sướng kia, có bao giờ đến nói với các ông chưa, rằng: ‘Việc làm của ngươi chất trực, ngươi sẽ sanh lên cõi trời hoàn toàn sung sướng kia. Ta do việc làm chất trực, nên được sanh lên kia cùng hưởng thọ dục lạc?’ Kia đáp rằng:’Chưa.’ Ta lại hỏi: ‘Các ông có thể ở nơi thân của mình, khởi tâm biến hóa thành thân tứ đại khác, thân thể đầy đủ, các căn không khuyết, hay không?’ Kia đáp: ‘Không thể.’ Thế nào, Phạm-chí, những điều mà Sa-môn, Bà-la-môn kia nói có thành thật chăng? Có thích ứng với pháp chăng?”

Phạm-chí bạch Phật:

“Đấy không phải là thành thật; không phải là lời nói đúng pháp.”

Phật bảo Phạm-chí:

“Như có người nói: ‘Tôi đã giao thông với người nữ xinh đẹp kia, khen ngợi dâm nữ kia.’ Người khác hỏi: ‘Ngươi có biết người nữ ấy không? Ở tại địa phương nào: Đông, Tây, Nam, Bắc?’ Đáp: ‘Không biết.’ Lại hỏi: ‘Ngươi có biết đất đai, thành ấp, chòm xóm mà người nữ ấy cư ngụ không?’Đáp: ‘Không biết.’ Lại hỏi: ‘Ngươi có biết người kia là Sát-lị, hay Bà-la-môn, hay Cư sĩ, hay Thủ-đà-la không?’ Đáp: ‘Không.’ Lại hỏi: ‘Ngươi có biết người kia cao hay thấp, thô kệch hay thanh lịch. Đen hay trắng, xấu hay đẹp không?’ Đáp: ‘Không.’ Thế nào, Phạm-chí, những điều mà người này nói có thành thật chăng?’

Đáp: ‘Không.’

“Phạm-chí, Sa-môn, Bà-la-môn kia cũng vậy, không có sự chân thật. Phạm-chí, cũng như có người dựng thang nơi khoảng đất trống. Những người khác hỏi: ‘Dựng thang để làm gì?’ Đáp: ‘Tôi muốn leo lên nhà trên.’ Thế nào, Phạm-chí, người dựng thang kia há không phải là dối sao?”

Đáp: “Kia thật sự hư dối”.

Phật nói:

“Các [112a] Sa-môn, Bà-la-môn kia cũng vậy, hư dối, không thật.”

Phật bảo Bố-tra-bà-lâu:

“Thân ta[52], sắc gồm bốn đại, sáu xứ, do cha mẹ sanh, được nuôi lớn bằng bú mớm, trang sức bằng y phục, vô thường hoại diệt; thân đó được cho là ngã. Ta nói đó là ô nhiễm, là thanh tịnh, là được giải thoát[53]. Ý của ngươi hoặc giả cho rằng pháp nhiễm ô không thể diệt, pháp thanh tịnh không thể sanh, luôn luôn tồn tại trong đau khổ[54]. Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Vì, pháp nhiễm ô có thể bị diệt tận, pháp thanh tịnh có thể xuất sanh, an trú nơi lạc địa, hoan hỷ, ái lạc, chuyên niệm, nhất tâm, trí tuệ rộng lớn[55]. Phạm-chí, Ta đối với Dục giới thiên, Sắc giới thiên, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng thiên, nói là ô nhiễm, và cũng nói là thanh tịnh, cũng nói là được giải thoát. Ý ngươi có thể cho rằng pháp nhiễm ô không thể diệt, pháp thanh tịnh không thể sanh, luôn luôn tồn tại trong đau khổ. Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Vì, pháp nhiễm ô có thể bị diệt tận, pháp thanh tịnh có thể xuất sanh, an trú nơi lạc địa, hoan hỷ, ái lạc, chuyên niệm, nhất tâm, trí tuệ rộng lớn[56]. ”

Bấy giờ Tượng Thủ Xá-lợi-phất bạch Phật rằng:

“Thế Tôn, khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới, với bốn đại và các căn, khi ấy thân thuộc Dục giới thiên, thân thuộc Sắc giới thiên, thân thuộc Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, lúc ấy có đồng thời cùng hiện hữu không[57]?

“Bạch Thế Tôn, khi đang hiện hữu thân thuộc Dục giới thiên, khi ấy thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thân thuộc Sắc giới thiên, thân thuộc Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, lúc ấy có đồng thời cùng hiện hữu không?

“Bạch Thế Tôn, khi đang hiện hữu thân thuộc Sắc giới thiên, khi ấy thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thân thuộc Dục giới thiên, thân thuộc Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ có đồng thời cùng hiện hữu không?

“Cũng vậy, cho đến, khi đang hiện hữu thân thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ, khi ấy thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thân thuộc Dục giới thiên, thân thuộc Sắc giới thiên, thân thuộc Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ thiên có đồng thời cùng hiện hữu không?”

Phật nói với Tượng Thủ Xá-lợi-phất :

“Khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, thân Sắc giới thiên, thân Không vô biên xứ thiên, thân Thức vô biên xứ thiên, thân Vô sở hữu xứ thiên, thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Cũng vậy, cho đến, nếu khi đang hiện hữu thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thì ngay khi ấy là thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, không phải là thân Dục giới thiên, thân Sắc giới thiên, thân Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, [112b] Vô sở hữu xứ thiên.

“Này Tưởng Thủ, ví như sữa bò. Sữa biến thành tô. Tô biến thành lạc. Lạc biến thành sanh tô. Sanh tô biến thành thục tô. Thục tô biến thành đề hồ. Đề hồ là bậc nhất. Khi là sữa, thì chỉ được gọi là sữa mà không gọi là lạc, tô, đề hồ. Cũng vậy, lần lượt cho đến khi là đề hồ, thì khi ấy chỉ được gọi là đề hồ mà không gọi là lạc, tô.

“Tượng Thủ, ở đây cũng vậy, khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, cho đến, không phải là thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Cũng vậy, lần lượt cho đến, khi đang hiện hữu thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thì ngay khi ấy chỉ có thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, cho đến, thân Vô sở hữu xứ thiên.

“Tượng Thủ, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có người hỏi ngươi: ‘Khi đang hiện hữu thân quá khứ; khi ấy thân vị lai và thân hiện tại có cùng nhất thời hiện hữu không? Khi đang hiện hữu thân vị lai, khi ấy thân quá khứ và thân hiện tại có đồng thời hiện hữu không? Khi đang hiện hữu thân hiện tại, khi ấy thân quá khứ và thân vị lai có đồng thời hiện hữu không?’ Giả sử được hỏi như vậy, ngươi sẽ trả lời như thế nào?”

Tượng Thủ đáp:

“Giả sử có người hỏi như vậy, con sẽ trả lời người ấy rằng: ‘Khi đang hiện hữu thân quá khứ, khi ấy duy chỉ là thân quá khứ, mà không phải là thân hiện tại và vị lai. Khi đang hiện hữu thân vị lai, khi ấy duy chỉ là thân vị lai. Chứ không phải là thân quá khứ và hiện tại. Khi đang hiện hữu thân hiện tại, khi ấy chỉ là thân hiện tại, chứ không phải là thân quá khứ và thân vị lai’.”

Phật nói:

“Tượng Thủ, ở đây cũng vậy, khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, cho đến, không phải là thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên. Cũng vậy, lần lượt cho đến, khi đang hiện hữu thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thì ngay khi ấy chỉ có thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, cho đến, thân Vô sở hữu xứ thiên.

“Lại nữa, Tượng Thủ, giả sử có người hỏi ngươi: ‘Có phải ngươi trong quá khứ đã từng hiện hữu và đã diệt; vị lai sẽ sanh, và hiện tại đang tồn tại chăng?’ Nếu được hỏi như vậy, ngươi sẽ trả lời như thế nào?”

Tượng Thủ bạch phật:

“Giả sử có người hỏi như vậy, con sẽ trả lời người ấy rằng: ‘Trong quá khứ tôi đã từng hiện hữu; không phải không hiện hữu. Trong vị lai, tôi sẽ sanh, chứ không phải không có; trong hiện tại, tôi đang tồn tại. Chứ không phải không có.”

Phật nói:

“Tượng Thủ, ở đây cũng vậy, khi đang hiện hữu thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, thì ngay khi ấy là thân người thuộc Dục giới với bốn đại và các căn, chứ không phải là thân thuộc Dục giới thiên, cho đến, không phải là thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên. [112c] Cũng vậy, lần lượt cho đến, khi đang hiện hữu thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, thì ngay khi ấy chỉ có thân Phi tưởng phi phi tưởng thiên, chứ không phải là thân người Dục giới với bốn đại và các căn, cho đến, thân Vô sở hữu xứ thiên.”

Bấy giờ, Tượng Thủ[58] bạch Phật:

“Con nay quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Xin nhận con là Ưu-bà-tắc trong Chánh pháp. Từ nay đến trọn đời, nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không dối, không uống rượu.”

Khi ấy Phạm-chí Bố-tra-bà-lâu bạch Phật:

“Con có thể ở trong Phật pháp xuất gia, thọ giới cụ túc được không?”

Phật nói với Phạm-chí:

“Nếu có người dị học muốn được xuất gia thọ giới trong Pháp của Ta, trước hết phải cần bốn tháng quán sát, làm hài lòng đại chúng, sau đó mới được xuất gia thọ giới. Tuy có quy định như vậy, nhưng cũng còn nhận xét tùy người.”

Phạm-chí bạch Phật:

“Nếu có các người dị học muốn được xuất gia thọ giới trong Phật Pháp, trước hết phải cần bốn tháng quán sát, làm hài lòng đại chúng, sau đó mới được xuất gia thọ giới. Như con nay, có thể ở trong Phật pháp qua bốn tháng quan sát, khi đại chúng hài lòng, con mới xin xuất gia thọ giới cụ túc.”

Phật nói với Phạm-chí:

“Ta đã có nói với ngươi trước rồi. Tuy có quy định như vậy, nhưng cũng còn nhận xét tùy người.”

Bấy giờ Phạm-chí liền được xuất gia thọ giới cụ túc ở trong Chánh pháp. Như vậy không bao lâu, do tín tâm kiên cố, tịnh tu phạm hạnh, ở ngay trong đời này mà tự thân tác chứng, sanh tử đã dứt, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa; tức thành A-la-hán.

Bấy giờ, Bố-tra-bà-lâu sau khi nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

 


[1] Bố-tra-bà-lâu Phạm-chí 布吒婆樓梵志. D. 9: Ngoại đạo xuất gia  Poṭṭhapāda ngụ cư trong khu vườn của hoàng hậu Mallika, trong đại giảng đường luận nghị được bao quanh bởi cây tinduka, cùng với giáo đoàn ngoại đạo gồm ba trăm người.

[2] Hán: tạc nhật 昨 日. D. 9 § 6: purimāni divasāni purimatarāni: vài ngày trước đây.

[3] Hán: thuyết như thị sự 說如是事, không nói rõ nội dung. Pl. ibid.: abhisaññānirodha, sự diệt tận của tăng thượng tưởng. Đoạn tiếp theo nói rõ ý nghĩa này.

[4] D 9 (178): ahetuapaccayā purisassa saññā upajjanti pi nirujjanti pi. Yasmiṃ samaye uppajjanti saññī tasmiṃ samaye hoti, yasmiṃ samaye nirujjanti, asaññī tasmiṃ samaye hotīti: các tưởng của con người sanh khởi hay hủy diệt không do bởi nhân gì duyên gì. Khi chúng sanh khởi, lúc đó con người là có tưởng. Khi chúng diệt, lúc đó con người là không có tưởng.

[5] Pl.ibid.: saññā hi bho purussa attā, sā ca kho upeti pi apeti pi. yasmiṃ samaye  upeti (...), tưởng là tự ngã của con người. Tự ngã có đến, có đi. Khi nó đến, tưởng sanh (...). Trong bản Hán: mạng (Pl.: jīva); trong bản Pl.: attā (tự ngã). Phổ thông, jīva hay attā đều có nội hàm là ṭự ngã.

[6] Pl.ibid.: santi hi bho devatā mahaddhikā mahānubhāvā. tā purissa saññāṃ upakaḍḍhanti pi apakaḍḍhanti pi. yasmiṃ samaye upakaḍḍhanti saññī (...), có những thiên thần có đại thần thông, có đại uy lực đưa vào và đưa ra tưởng của con người. Khi đưa vào thì có tưởng (...).

[7] Hán: tưởng tri diệt định想知滅定; Cf. D. 9 ibid. : bhagavā pakataññū abhisaññānirodhassa: Thế Tôn là người thấu rõ sự diệt tận của tăng thượng tưởng. Có thể có sự nhầm lẫn trong bản Hán.

[8] Hán: xả 捨.

[9] Diệt nhuế 滅恚.

[10] Bất niệm dị tưởng 不念異想.

[11] Bản Pl. chỉ nói đến nhập vô sở hữu xứ. Trên đó, không có nữa, vì ở đó không còn tưởng. Xem thêm cht. 12 tiếp theo.

[12] Pl., D. 9: tassa saññagge ṭhitassa evaṃ hoti: khi đã đạt đến đỉnh cao của tưởng. Đỉnh cao của tưởng là vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatanaṃ).

[13] Hán: niệm 念. Pl. ibid.: cetayamānassa me pāpiyo, có tư duy là xấu cho ta.

[14] Hán: bỉ tác thị niệm thời 彼作是念時 (…): có thể có sự nhầm lẫn trong bản Hán; đề nghi bỏ bơt chữ bỉ để đọan văn phù hợp với nội dung đang đề cập. D. 9 ibid.: ahañ ceva kho pana ceteyyaṃ abhisaṃkhareyyaṃ, imā ca me saññā nirujjheyyaṃ, aññā ca oḷārukā saññā uppajjeyyaṃ: “Nếu ta tư lự, tác ý, các tưởng này của ta diệt, các tưởng thô khác sanh.” Sớ giải: các tưởng này của ta, là các tưởng vô sở hữu xứ. Các tưởng thô khác, là các ưởng của hữu phần (aññā ca oḷārikā bhavaṅgasaññā). Trong bản Hán, vi diệu tưởng, đối lại với thô tưởng.

[15] Pl.ibid: na ceva ceteyyaṃ na ceva abhisaṃkharyeyyaṃ, “ta không tư duy, không tác ý.”.

[16] Pl.ibid..: so nirodhaṃ phusati: vị ấy đạt đến trạng thái diệt tận (của các tưởng). Sớ giải: khi hành như vậy, Tỳ-kheo nhập tượng thọ diệt tận định (saññāvedayitanirodhaṃ).

[17] Thứ đệ diệt tưởng 次第滅想. Pl.: anupubbābhisaññānirodhasampajānasamapatti: sự chứng nhập (đẳng chí) qua các giai đoạn lần lượt diệt tưởng.

[18] Một cách hiểu thứ tự diệt tưởng.

[19] Đây chỉ thứ tự diệt tưởng lên đến tưởng cao nhất là tưởng vô sở hữu xứ.

[20] Phạm chí lặp lại lời Phật. Nội dung đoạn này và đoạn trên giống nhau, nhưng văn cú hơi khác.

[21] Đoạn này trả lời một phần cho câu hỏi theo sau: tưởng đỉnh điểm là một hay là nhiều. Đại ý đoan này: đỉnh điểm của tưởng có nhiều.

[22] D. 9 (i. 185): ekaṃ yeva saññaggaṃ paññāpeti, udāhu puthu pi saññagge paññāpetīti: tưởng cực đảnh là một, hay là nhiều?

[23] D 9 ibid.: ekaṃ pi (…) phuthu pi saññagge paññāpemīti:  Ta nói cực đảnh của tưởng là một, cũng nói là nhiều. Trong bản Pali, tiếp theo là giải thích thế nào gọi là tưởng cực đảnh tức đỉnh cao của tưởng (saññagga), từ đó xác đinh có nhiểu đỉnh của tưởng khác nhau. Trong bản Hán, ý nghĩa có nhiều đỉnh cao của tưởng được đề cập trong câu trả lời “tưởng nào là tối thượng?”

[24] Pali còn có thêm giải thích cho trả lời: idappaccayā kira me ñāṇaṃ udapādī ti (…), “Do duyên cái này mà trí của tôi sanh. Do đó mà biết: tưởng sanh hởi trước rồi trí mới khởi sau.” Sớ giải: đối với Tỳ kheo nhập diệt định phải chẳng tưởng khởi lên trước (saññā nu kho paṭhamaṃ uppajjati)? Tưởng. Nếu tưởng là tĩnh lự (jhānasaññā), thì trí là quán (vipassanañāṇa); nếu tưởng là quán (vipassanasaññā) thì trí là đạo (maggañāṇa); nếu trí là đạo thì quán là quả (phalañāṇa).

[25] Pl. D.2. ibid.: saññā purissa attā udāhu ñña saññā añño attā, “ tưởng là tự ngã của con người? hay tường và tự ngã dị biệt?

[26] D. 9 ibid.: Theo lý thú đó, tưởng và tự ngã dị biệt (aññāva saññā bhavissati añño attā)

[27] D 9 ibid.: atha imassa purisassa aññā va saññā uppajjanti, aññā vā saññā nirujjhānti: thế thì, đối với con người này, những tưởng này sanh, những tưởng khác diệt.

[28] D 9 ibid.: manomayaṃ (...) attānaṃ paccemi sabbaṅgapaccaṅgiṃ ahīnindriyan ti: tôi hiểu rằng ngã là (thân) do ý sanh, có đầy đủ các chi và các căn. Thân do ý thành này bao gồm chư thiên của Sắc và Vô sắc, va một phần của Dục giới.

[29] Câu trả lời như trên, xem cht. 27.

[30] Xem cht. 28..

[31].     Vô sở hữu xứ 無 所 有 處, trong bản dịch Hán; cũng trong bản Hán này, những nơi khác và ngay trong câu trên, dịch là bất dụng xứ 不 用 處; xem đoạn trên, cht. 21.

[32]  D. 9 (i. 187): saññā purisassa attā’ ti vā, aññā saññā añño attā’ ti vā: tưởng của người là tự ngã, hay tưởng và tự ngã khác nhau?

[33] Dị kiến, dị tập, dị nhẫn, dị thọ, y dị pháp cố 異見異習異忍異受依異法故. Pl., thành cú: aññadiṭṭhena aññakhantikena aññarucikena aññatrāyogena aññatthācari              yakena: bởi vì ngươi y theo sở kiến khác, tín nhẫn khác, chấp nhận khác, học tập khác, hành trì khác.

[34] Sở bất ký 所不記. Pl.: avyākataṃ.

[35] Hán: bất dữ nghĩa hợp 不與義合. Pl., thành cú: na h’ ethaṃ atthasaṃhitaṃ: không phù hợp với mục đích (giải thoát). Đối chiếu từ ngữ, xem các chú thích tiếp dưới.

[36] Phạm hạnh sơ 梵 行 初, Pl.: ādibrahmacariyaka, căn bản phạm hạnh, thuộc về những nguyên tắc căn bản hay nền tảng của đời sống đạo đức.

[37] Vô vi 無為, thông thường dịch từ Skt, asaṃskṛta hay Pali: saṃkhata; nhưng trong đoạn Pl. tương đương (D. 9, i. 189): nibbidā (yểm ly, nhàm tởm thế gian).

[38] Vô dục 無欲, Pl.: virāga, ly tham, ly dục hay dứt trừ tham dục hat dục nhiễm.

[39] Tịch diệt 寂滅, Pl.: nirodha, diệt, huỷ diệt, diệt tận, tiêu diệt.

[40] Chỉ tức 止息, nghĩa đen: dừng nghỉ; Pl.: upasama: an tĩnh, tĩnh chỉ, bình an, trầm lặng.

[41] Chánh giác 正覺, Pl.: sambodha

[42] Không đề cập trong đoạn Pl. tương đương.

[43] Nê-hoàn 泥 洹, tức Niết-bàn; Pl.: nibbāna.

[44] Vô ký 無 記, Pl.: avyākata, không được trả lời, không được giải thích.

[45] Cf. D. 9, i, 189: na kho pana mayaṃ kiñci samanassa gotamassa ekaṅsikaṃ dhammaṃ desitaṃ (...): chúng ta nhận thấy rõ rằng đối Sa-môn Gotama pháp (những vấn đề thường và vô thường của ngã và thế giới, v.v...,  không được thuyết minh một cách xác quyết.

[46] Hán: y pháp, trụ pháp 依法住法, Pl.: dhammaṭṭhita: pháp trụ, dhammaniyāma: pháp quyết định (= pháp vị). Hai từ này thường dùng đồng nghĩa với từ duyên khởi (paṭiccasamuppāda); nhưng ở đây cóa nghĩa: lập cwosc trên pháp (tanh), tuân thủ pháp (tánh).

[47] D. 9, i. 190: atha kho dvīhatīhassa accayena, rồi hay, ba ngày sau.  

[48] Tượng Thủ Xá-lợi-phất 象首舍利弗, Pl.: Citta Hatthisāriputta, tên Tỳ-kheo. Xuất gia, rồi hoàn tục, rồi xuất gia lại; cuối cùng chứng A-la-hán. Trong kinh này, ông là cư sĩ.

[49] Hán: hữu quyết định ký, bất quyết định ký 有決定記不決定記. D. 9, ibid.: ekaṅsikā dhammā desitā (nhất hướng pháp thuyết), anekaṅsikā dhammā desitā (phi nhất hướng pháp thuyết), có những pháp được công bố một cách xác quyết (khẳng định), có những pháp được công bố một cách không xác quyế (không khẳng định).

[50] Hán: nhất hướng lạc 一向樂. D. 9 i. 193: ekantasukhī attā arogo paraṃ maraṇnā hoti: Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn sung sướng, không bịnh.

[51].     Pl., sđd. nt.: tā devatā ekanta-sukhaṃ lokaṃ upannā: Chư Thiên kia sanh vào thế giới hoàn toàn sung sướng.

[52] Đoạn này nói về 4 loại ngã chấp (Pl. phân biệt chỉ có 3, attapaṭilābha  - ngã đắc): 1. thân tứ đại là ngã, (Pl.: oḷārika attapaṭilābha: thô ngã đắc); 2. thân Dục giới thiên và 3. Sắc giới thiên là ngã (Pl.: manomaya attapaṭilābha: ý sở thành ngã đắc); 4. thân Vô sắc là ngã (Pl.: arūpo attapaṭilābha: vô sắc ngã đắc).

[53] D. 9, i. 195: oḷārikassa kho ahaṃ, poṭṭhapāda, attapaṭilābhassa pahānāya dhammaṃ desemi, yathā paṭipannānaṃ vo saṃkilesikā dhammā pahīyissanti, vodāniyā dhammā abhivaḍḍhissanti, paññāpāripūriṃ vepullatañ ca diṭṭhe va dhamma sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihararissathāti: Ta thuyết pháp để đoạn trừ tự ngã thô. Như thế mà thực hành, các pháp ô nhiễm sẽ bị đoạn trừ, các pháp thanh tịnh sẽ được tăng trưởng, và ngay trong đời này mà tự mình thắng tri và chứng ngộ trí tuệ viên mãn và quảng đại, thông đạt và an trú.

[54] D 9 ibid.: siyā kho pane te vam assa: ‘saṃkilesā dhammā pahīyissanti (...), dukkho ca khi vihāro ti: Các ngươi có thể nghĩ rằng: các pháp nhiễm ô được diệt trừ (...) nhưng vẫn sống trong đau khổ.

[55] Xem cht. 56.

[56] D 9 ibid: saṃkilesikā c’ eva dhammā pahīyissanti, vodāniyā dhammā abhivaḍḍhissanti (...) pāmujjaṃ c’ eva bhavissati pīti ca passaddhi ca sati ca sampajaññañ ca sukho ca vihāro: khi các pháp nhiễm ô bị diệt trừ, pháp thanh tịnh được tăng trưởng (...), khoái lạc sẽ sanh, cùng với hỷ, khinh an, chánh niệm, chánh tri, và sống an lạc.

[57] D. 9 i. 199: yasmiṃ bhante samaye oḷāriko attapṭilābho hoti, mogh’ assa tasmiṃ samaye manomayo attapṭilābho hoti, mogho arūpo attapaṭilābho hoti: trong khi sở đắc ngã thô tồn tại, thì có đồng thời tồn tại sở đắc ngã do ý sanh và sở đắc ngã vô sắc không ?

[58] Đoạn này, Bản hánvà Pali trái ngược nhau. Trong bản pali, Poṭṭhapāda (Bố-tra-bà-lâu) chỉ quy y làm Ưu-ba-tắc, còn Cittahatthíāriputta (Tượng Thủ Xa-lị-phất) thì xuất gia, thọ cụ túc và thành A-la-hán.