- Tỉnh giác là gì? - Ngoài không mê là tỉnh, trong nhận biết là giác. - Đó có phải là tâm yếu trong việc tu hành không? - Đúng, đó là tâm yếu trong việc tu hành và trong cả mọi công việc của đời sống, bất kể tu hành hay không tu hành. - Nếu nói như vậy thì mọi người đâu cần phải vào trong chùa, hay ở tại nhà tu hành, vì hầu hết mọi người đều tỉnh giác trong tất cả công việc hàng ngày. - Theo ông thì thế nào là tỉnh giác? - Thì như ông đã nói, tỉnh là không mê, giác là nhận biết. Tôi làm bất cứ một công việc gì, tôi phải tỉnh thì mới làm được chứ; tôi phải nhận biết mọi rủi ro, nguy hiểm để tránh, để ngừng và mọi tốt đẹp để tiến bước chứ. - Cái mà ông gọi tỉnh giác đó chỉ là cái tỉnh giác của tri giác thế gian, cần cho mọi công việc phải làm trong đời sống xã hội. Tuy nhiên đó không phải là cái tỉnh giác của Tri Kiến Phật, của trí vô sai biệt, của chân tâm vẫn lặng lẽ chiếu soi. - Nếu cho rằng cái tỉnh giác mà chúng tôi dùng hằng ngày thuộc “phân biệt trí” thế gian thì người tu hành nếu không dùng cái trí này thì làm sao phân biệt được đâu là tà, đâu là chính, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là rốt ráo, đâu là không rốt ráo để biết mà tu hành. - Người tu hành cũng dùng trí phân biệt để xem xét, để phán đoán đâu là đúng đâu là sai. Đúng để theo, sai để tránh, sau đó phải chuyển sang tâm nhận biết mà tu, chứ không phải suốt đời dùng trí phân biệt mà đối phó, mà tính toán cho cuộc sống như phàm phu chúng ta. - Xin ông giải thích. - Ông nên biết chân tâm vốn chẳng có hai bên, chẳng phải, chẳng trái, lìa đối đãi, nó thanh tịnh và sáng suốt. Chỉ vì vô minh mà có tâm phân biệt. Vì phân biệt mà có ngã nhân, rồi lại sinh ra yêu ghét, để từ đó dẫn ta đi trong vòng luân hồi sinh tử. Phân biệt chỉ là bước đầu để ta biết phương hướng mà quay về, sau đó phải buông nó hầu thể nhập với chân tâm. - Ông dùng chữ “buông” ở đây có nghĩa gì. Buông có phải là một “quyết định” không? - Tôi dùng chữ “buông” trong này với một nghĩa khác hẳn, nó không mang nghĩa “quyết định” nào cả. Như tôi đã nói, dùng “ý thức”, phân biệt phương hướng mà biết đường về. Khi đã biết rõ phương hướng rồi thì cứ thế mà đi, cần gì phải suy nghĩ, phân biệt gì nữa, đó chính là buông vậy. - Lý trí hay ý thức đã phân biệt đâu là đúng để theo, nhưng còn Mạt Na thức, cái tôi, một thể tình cảm thì thế nào? - Khi lý trí đã phân biệt lợi hại rõ ràng, không còn gì phải thắc mắc nữa, thì Mạt Na, thể tình cảm cũng bị thuyết phục mà thay đổi theo, và do đó không rơi vào lầm lỗi. Trong trường hợp này Mạt Na thuận theo Lý Trí, buông bỏ cái sai một cách tự nhiên, không bị một áp lực nào cả. - Ông cũng biết đâu phải tình cảm luôn luôn bị lý trí thuyết phục. Cô gái biết rõ là người mình yêu vô học và lại có quá nhiều tính xấu, nhưng vẫn cãi lại bố mẹ và bỏ đi theo tiếng gọi của con tim. - Nếu tình cảm lấn lướt lý trí thì ta phải miệt mài dùng “ý thức” để quán chiếu về nhân quả, về vô thường, vô ngã … để nhận biết rõ ràng như thật mọi sự, mọi vật khiến tình cảm lần lần cũng thuận theo lý trí một cách tự nhiên, cùng lý trí là một, để ta có thể làm chủ được mọi sự vật, không bị chúng dẫn dắt. Đây cũng là một lối tu dừng nghiệp, đem tới giải thoát, nhưng chưa phải rốt ráo. Việc này đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, không phải một sớm một chiều hay một kiếp mà được, trừ phi ông là bậc lợi căn, hoặc đã tu hành nhiều đời nhiều kiếp rồi. - Tỉnh giác theo thói thường trong xã hội thì Duy Thức Học giải thích ra sao? - Nhân ông cũng biết về Duy Thức, thì nay tôi có thể nói với ông một cách khác về “tỉnh giác” của mọi người thông thường trong xã hội. “Tỉnh” tức “ý thức” phân biệt được đâu phải làm, đâu nên tránh, và giác là “Mạt Na” tuân theo nhận xét của ý thức mà quyết định tiếp tục hay dừng lại v.v.... - Nếu áp dụng tu theo lối này thì sao? - Tu như vậy là bỏ tà theo chính, bỏ ác theo thiện, bỏ sai về đúng v.v…. Cứ như vậy mà tu thì ta sẽ bào mòn dần những nghiệp xấu, sau khi bỏ xác thân này ta có thể đi vào những nghiệp lành, lên những cung trời hưởng phước báo, rồi tu tiếp hay hết phước lại rơi xuống mà thôi. Tu như thế thì không biết bao giờ ta mới đi tới đích, trừ phi có cơ duyên gặp thiện tri thức khai mở cho lối vào chân tâm. - Xin ông giải thích rõ. - Ông nên biết dù có phân biệt đúng, có bỏ thói hư tật xấu, có bỏ vọng tưởng … thì đó cũng chỉ dùng đến hai thức thứ sáu và bảy, tức “ý thức” và “Mạt na thức” mà thôi, vẫn còn trong vòng đối đãi, chưa hề đụng tới chân tâm. Muốn đến thật gần chân tâm để sau này có cơ hội đi thẳng vào chân tâm thì ông chỉ nên quan sát một cách vô tư những gì đang hành động bên ngoài, những gì đang diễn ra bên trong nội tâm mà thôi. Quan sát là "tỉnh", vô tư là "giác". Ở đây "tỉnh giác" đồng nghĩa với "nhận biết", không phải là loại "tỉnh giác" qua tâm thức mà chúng ta đề cập ở trên. - Xin ông giải thích rõ phương pháp này. - Đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, nằm biết nằm, ăn uống biết ăn uống, nóng lạnh biết nóng lạnh … nghĩa là ta nhận biết những gì ta đang làm, những gì đang xúc chạm ... đừng thêm bớt bất cứ điều gì khác. Cũng vậy, khi ta buồn thì biết có nỗi buồn, nỗi buồn còn đó, biết nỗi buồn còn đó, khi nỗi buồn không còn, biết nỗi buồn không còn. Tương tự như thế đối với vui, giận, hờn, oán, bứt rứt, bất an v.v… Giản dị thế thôi, nhưng thật mầu nhiệm. - Tôi thấy đâu có gì mầu nhiệm, nó còn kém phương pháp phân biệt là xấu, là sai, là vọng tưởng … rồi mình quyết định không theo. Còn phương pháp ông đưa ra chỉ là thấy, là nhận biết mà chẳng buông được gì cả thì có ích lợi gì? - Ông há không nhận ra phương pháp phân biệt xấu ác, tà vọng v.v… để quyết định không theo vẫn còn nằm trong đối đãi và còn nằm trong vọng thức sao. Nó vẫn tốt đấy, nó giúp cho những người sơ cơ và những người không có một pháp môn tu rốt ráo, có thể từng bước trở nên người tốt hơn, bớt dính mắc với cuộc đời hơn, để tìm được an vui hơn. Tuy nhiên chỉ vô tư quan sát, chỉ nhận biết hành động của thân thể, chỉ nhận ra những gì đang hiện hữu nơi nội tâm mà không thêm, không bớt, không thúc, không ép lại là pháp môn vi diệu của Đức Thích Ca dạy cho môn đồ và chúng ta. Chúng ta có nỗi buồn, biết có nỗi buồn, nỗi buồn tự nhiên sẽ biến mất vì nó đã bị ta nhận diện. Tương tự, chúng ta có mối hận, biết có mối hận trong lòng, mối hận sẽ tiêu tan. Có niềm vui, biết có niềm vui, niềm vui sẽ biến mất. Nếu nỗi buồn còn, biết nỗi buồn còn; mối hận còn, biết mối hận còn; niềm vui còn, biết niềm vui còn; nỗi buồn giảm, biết nỗi buồn giảm, nỗi hận giảm, biết nỗi hận giảm; chúng biến mất, biết chúng biến mất. Rồi tâm lặng lẽ, cũng biết tâm lặng lẽ. Qua phương pháp này Phật chỉ chúng ta chỉ nên nhận biết. Nhận biết không phải là phân biệt, không phải là quyết định, không phải là thúc ép, không thêm , không bớt, nó không dính tới nghiệp thức và lại gần với chân tâm nên có khả năng đưa ta tới giải thoát. Nó chính là một pháp môn không buông mà buông đó. - Có cách gì tạm thầm nhận ra chân tâm của mình không? - Khi ông nhận ra có nỗi buồn trong lòng thì nỗi buồn là cái bị nhìn, hay khách thể. Thấy được nỗi buồn, hay nhận biết được là có nỗi buồn trong lòng thì cái thấy, cái nhận biết đó chính là chủ thể, là ông chủ, là bộ mặt thật xưa nay, là chân tâm của ông đó. - Ông nói nhận biết là ông chủ, là chân ngã của mình, thế sao trước đó ông lại nói nó chỉ gần với chân tâm mà thôi. - Khi còn vọng thức và nghiệp thức che đậy thì nhận biết rất gần với chân tâm, chứ chưa phải là chân tâm. Nó chỉ là ánh trăng, chứ chưa phải là mặt trăng, nó chỉ là ánh đèn, chứ chưa phải ngọn đèn. Nhờ ánh trăng mà ta tìm được mặt trăng, nhờ ánh đèn mà ta tìm được ngọn đèn. Khi nào hết vô minh, hết nghiệp thức thì cái nhận biết chính là chân tâm vậy. - Ông nói về nhận biết rồi lại nói về chân tâm. Có phải là vẫn còn nằm trong danh từ và khái niệm không. Nếu còn, thì nó vẫn thuộc về danh tướng. Ông nghĩ sao về điều này? - Chân tâm là cái ta không thể so sánh, không thể bàn luận, không thể nói năng gì được, nó ra ngoài mọi đối đãi. Nó vô tướng mà lại hiển tướng. Tuy nhiên nếu không nói, không bàn luận thì sao ta biết mà quay đường về. Chính vì lý do này mà Đức Phật sau khi thuyết pháp bốn mươi chín năm, Ngài lại tuyên bố “Chưa từng thuyết pháp”. Ý tại ngôn ngoại là vậy, chớ kẹt vào danh từ và khái niệm. Ông chắc nhớ bốn câu thơ của Thiền sư Hương Hải đã trả lời câu hỏi của vua Lê Dụ Tông, “ Thế nào là ý của Phật?”: Nhạn quá trường không Ảnh trầm hàn thủy Nhạn vô di tích chi ý Thủy vô lưu ảnh chi tâm. Nhạn bay trên không Bóng chìm đáy nước Nhạn không có ý để dấu Nước không có tâm lưu bóng. (HT Thích Thanh Từ dịch) Phật tánh có đó, muôn pháp có đó, nhưng vẫn không dính mắc mảy may của ý. Cũng như chim có đó , nước có đó, nhưng chim bay đâu có ý lưu bóng dưới nước, nước đâu có ý lưu hình của chim. Tất cả đều vô tâm và tự nhiên, như nhiên vậy. Từ Phong | HÒA THƯỢNG ÂN SƯ
HÒA THƯỢNG THƯỜNG CHIẾU THƯỢNG TỌA THIỀN VIỆN ĐẠI ĐĂNG Bài mới đưa khác:
Thượng Tọa Thích Tuệ AnThượng Tọa Thích Tuệ GiácThượng Tọa Thích Tâm ChánhThượng Tọa Thích Phước TịnhThượng Tọa Thích Thông KhôngBài đọc nhiều nhất Các bài đã đưa:
|
Tỉnh giác và nhận biết
Permalink
HTML code to copy to your site or email message:
Click below to select, Ctrl + C to copy.
<a href="https://daitangkinhvietnam.net/node/7443" title="daitangkinhvietnam.net">Tỉnh giác và nhận biết</a>