Theo thống kê, hiện nay có bao nhiêu thanh thiếu nhi Phật tử trong số những Phật tử Việt Nam? Từ thực tế khảo sát tình hình tu học, thính pháp, sinh hoạt tại các tự viện, chúng ta cũng có thể thấy thanh thiếu nhi Phật tử hiện nay tuy số lượng có tăng trong những năm gần đây; thế nhưng, so với tín đồ trẻ của các tôn giáo bạn thì con số đó chưa tương xứng với quá trình phát triển của một tôn giáo đã có mặt gần 2.000 năm trên đất nước Việt Nam. Thực trạng đó là một nỗi ưu tư sâu đậm cho những ai quan tâm đến lứa tuổi thanh thiếu nhi, và đây cũng là một niềm trăn trở của những người làm Phật sự trong thời kỳ hội nhập. Phải chăng vì Phật giáo quá già cỗi, cứng nhắc đến nỗi giới trẻ không thể đến gần?
Thực chất, đạo Phật là đạo trí tuệ, giáo lý Phật giáo rất uyển chuyển linh động, có khả năng làm cho con người có sự năng động sáng tạo rất phù hợp với giới trẻ. Nhưng làm thế nào để tưổi trẻ tìm về với Phật giáo?
Nguyên nhân thực tế
Đức Phật đề cập đến 4 điều không nên xem thường: Đóm lửa nhỏ, con rắn nhỏ, Tỳ kheo trẻ, vị hoàng tử trẻ. Điều này đã khẳng định Đức Phật rất quan tâm đến giới trẻ dù xuất gia hay tại gia. Lời dạy của Ngài cũng cho chúng ta một bài học về sự chú trọng đến các vấn đề tuy rất nhỏ nhưng cần phải được nuôi dưỡng, chăm sóc và cảnh giác… Đó là một quy luật phát triển tất yếu của cả nhân loại trong tương lai.
Đức Phật khuyên chúng ta hãy thực hành giáo pháp của Ngài để thực nghiệm trạng thái an lạc giải thoát . Đặc tính này rất phù hợp với tính hiếu kỳ, tính tự lập và tính thực tế của giới trẻ. Giới trẻ là những con người luôn muốn chứng minh mình có đủ khả năng để nghiên cứu tìm tòi, có đủ khả năng để tự tạo dựng cuộc sống của bản thân trong tương lai, và cũng có đủ khả năng để công hiến cùng vận mệnh đất nước.
Tuổi trẻ không muốn đi theo một lối mòn, không muốn bị đúc khuôn mà luôn khám phá bản thân và thế giới xung quanh, muốn kiến tạo một cuộc sống mới. Vì vậy, giới trẻ chỉ tin vào những gì mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại mà không tin những gì mơ hồ huyền ảo. Chính vì tính chất này mà đôi khi dẫn tuổi trẻ mải mê chạy theo cuộc sống vật chất mà quên đi yếu tố truyền thống đạo đức tâm linh. Vì vậy cần phải giáo dục giới trẻ có một trình độ hiểu biết, tư duy phân biệt rõ tốt xấu, hiểu rõ nhân quả để có khả năng kiểm soát các hành vi của chính mình. Lấy đạo đức làm nền tảng để xây dựng một con người hoàn thiện có đủ tố chất Chân-Thiện-Mỹ, có ích cho xã hội và nhân loại.
Tìm phương pháp sinh hoạt
Đề cập đến Gia đình Phật tử: một tổ chức có bề dày lịch sử hơn hai phần ba thế kỷ, dù trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Trong suốt quá trình sinh hoạt, Gia đình Phật tử cũng gặp không ít chướng duyên, nhưng vẫn tồn tại bền vững trong sự thương yêu đùm bọc của chư Tôn đức tăng ni trong Giáo hội.
Hiện nay, Có thể do hình thức sinh hoạt thiếu tính sáng tạo, không đủ sức hấp dẫn tầng lớp thanh, thiếu, đồng niên??. Mặc dù các anh chị huynh trưởng lãnh đạo tổ chức Gia đình Phật tử đã có nhiều cố gắng nhằm cải cách và nâng cao trình độ sinh hoạt nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời đại mới. Tự nhìn lại mình thấy có thể do chính chúng ta cũng đã già nua, bảo thủ và trì trệ không còn sự linh hoạt và nhiệt tâm của tuổi trẻ nữa. Do vậy, chúng ta cần đặc biệt phải quan tâm bồi dưỡng các đoàn sinh có năng lực, đức hạnh để kế tục thế hệ trẻ trong tương lai.
Tại các tỉnh thành phía Bắc, phải chăng hình thức Gia đình Phật tử chưa tiếp cận được với thanh niên Phật? Có thể do nhiều nguyên nhân bởi hoàn cảnh, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, tâm lý, nhận thức, sở thích?
Sự biến đổi của hoàn cảnh, sự phát triển của thời đại, luôn đưa tới phát sinh nhu cầu mới. Do vậy tư tưởng thanh niên Phật giáo cũng phát triển nhiều hình thức và mô hình sinh hoạt như Câu lạc bộ đoàn thanh niên Phật tử (điển hình tại Hà Nội). chúng ta phải suy nghĩ và lý giải hiện tượng này.
Khi đã phát hiện những yêu cầu mới nảy sinh, phải tìm cách bổ sung những hình thức sinh hoạt mới để thích hợp và thu hút giới trẻ. Hình thức sinh hoạt mang tính chất tổ chức Gia đình Phật tử truyền thống cần được duy trì như hình thức cốt lõi, cơ bản. Trên nền tảng đã có chúng ta xây dựng cải cách mô hình và hình thức sinh hoạt mới, phù hợp với những yêu cầu hoàn cảnh mới, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu thời đại, theo kịp được sự phát triển thực tế là điều cần thiết.
Những kiến nghị
-Ban Hướng dẫn Phật tử TW phải có giáo trình, tài liệu cho thanh thiếu nhi thống nhất trong toàn quốc để hướng dẫn các em theo tôn chỉ giáo luật và pháp luật của nhà nước, sống hướng thiện đạo đức, có khuôn phép kỷ luật, sống có mục đích có lý tưởng.
-Thường xuyên mở các khóa huấn luyện ngắn hạn để đào tạo thanh thiếu niên nòng cốt trong các tỉnh thành hội và Tự viện tại phía Bắc.
-Ngoài ra tổ chức cho các em tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, cũng là một cách thiết lập sợi dây gắn kết thanh thiếu niên với Phật giáo làm tốt Đạo đẹp Đời.
Điều quan trọng nhất đòi hỏi các quý thầy trụ trì tại các cơ sở có tổ chức thanh thiếu niên phật tử phải là người có tâm huyết, có lòng vị tha rộng mở, bao dung độ lượng và yêu quý trẻ, đồng thời phải trang bị đầy đủ kiến thức Phật học lẫn thế học, nhất là kiến thức về tâm lý của lứa tuổi thanh thiếu nhi, biết sử dụng thành thạo các phương tiện truyền thông hiện đại như vi tính, kết nối mạng .v.v… sẽ dễ dàng thu hút tạo ra cầu nối đưa giới trẻ đến chùa. Ngôi chùa thực sự là chỗ dựa tinh thần vững chắc là nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh đem lại lợi ích cho mọi người, cùng nhau đoàn kết góp phần xây dựng một thế giới an lành, hạnh phúc…
(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)
Cư sĩ Xuân Loan
Phó thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử TWGHPGVN
http://www.giaohoiphatgiaovietnam.vn/