PHẬT TỬ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI HỘI NHẬP

 

PHẬT TỬ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI HỘI NHẬP

VÀ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN ĐỂ THU HÚT

THANH THIẾU NIÊN THAM GIA SINH HOẠT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

I. Lời dẫn:

Từ thưở vua Hùng dựng nước cho đến nay, lịch sử của dân tộc Việt Nam đã trải qua bao nỗi thăng trầm của thời cuộc. Bên cạnh đó Phật giáo Việt Nam cũng trải qua các thời kỳ hưng pháp và mạt pháp. Cụ thể là: thời Lý-Trần đất nước Việt Nam và Phật giáo Việt Nam đã điểm tô trong trang sử nước nhà và Phật sử Việt Nam một thời kỳ hưng thịnh đầy tính nhân văn và tỏa sáng trên toàn thế giới.

Mặt khác thời Lê (Lê Ngọa Triều) và nhất là thời Ngô Đình Diệm (ở miền Nam) Phật giáo Việt Nam đã phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát, cho đến hôm nay dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam luôn được các nước bạn bè trên thế giới đề cao và ca ngợi đã khẳng định được vai trò của Phật giáo đối với dân tộc, là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, thiết lập nền dân chủ công bằng văn minh, đời sống người dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, với nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập thế giới.

Để có thể tìm ra những giải pháp tích cực nhằm phát huy quang đạo Phật giáo Việt Nam trên cơ sở của chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Chúng ta hãy nhìn lại một chặng đường tuy ngắn ngủi nhưng đã và đang tồn tại những bất cập, là trở lực không nhỏ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng đó là:

- Tệ quan liêu, bao cấp, tham nhũng trong bộ phận cán bộ nhà nước đã làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

- Nền giáo dục nước nhà còn nhiều bất cập và yếu kém so với các nước trong khu vực. Trong lĩnh vực này ngoài sự yếu kém về kiến thức còn thể hiện nếp sống đạo đức bị suy đồi.

- Tác động của các yếu tố ngoại lai thông qua con đường truyền bá văn hóa đồi trụy, những quan niệm sống, nếp sống không phù hợp với nền văn hóa và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, dẫn đến sự sa sút về nhân cách và đạo đức.

- Cách sống thực dụng của người phương Tây làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách… và nhất là tinh thần dân tộc, tinh thần tôn giáo (Phật giáo) ngày một xa dần.

- Việc hủy hoại môi trường sống như: nạn phá rừng và khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, thả chất thải chưa được xử lý vào môi trường sống, sử dụng hóa chất độc hại… đã tạo nên nhiều dịch bệnh và căn bệnh hiểm nghèo mang tính thời đại như ung thư, đái tháo đường, cao huyết áp… làm cho người dân hoang mang và lo sợ.

- Tình trạng giết người cướp của, trộm cắp, mại dâm, nghiện hút, cờ bạc (kể cả các hình thức cá cược trong thể thao) đã làm gia tăng mức độ phạm pháp do thiếu đạo đức.

- Tình trạng thất nghiệp từ các cuộc khủng hoảng kinh tế đưa các doanh nghiệp đến phá sản, cán cân thanh toán của doanh nghiệp không có khả năng chi trả cho người lao động, việc gian lận thương mại, lừa đảo trong lĩnh vực kinh tế ngày càng gia tăng ở trong nước đã làm cho đời sống của một số người dân bị chao đảo, dễ dẫn đến các hành động tiêu cực.

Những nhận xét nêu trên được rút ra từ báo cáo của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội về tình hình văn hóa xã hội ở những năm gần đây và đặc biệt là năm 2009 (chúng ta có thể tham khảo trên các kênh thông tin đại chúng) làm cho xã hội và các bậc phụ huynh đã mất nhiều thời gian suy nghĩ và lo lắng cho nền tảng đạo đức của thế hệ trẻ trên đà xuống dốc.

Tóm lại, đứng trước thực trạng với nhiều thách thức và nguy cơ làm kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, thì nhà nước ta đã có những giải pháp thích nghi thông qua các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước để điều chỉnh cùng toàn dân đưa đất nước đi lên, bảo đảm từng bước thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.” Còn phật tử chúng ta thì phải làm gì đây để có thể phát huy phật pháp, góp phần đào tạo và giáo dục con người luôn luôn và trở thành người công dân tốt, người phật tử gương mẫu và trong sáng trong lối sống trên tinh thần BI-TRÍ-DŨNG, giúp cho thế hệ thanh thiếu niên nói chung và thanh thiếu niên phật tử nói riêng có được cuộc sống CHÂN – THIÊN – MỸ, để cùng góp phần hoằng dương phật pháp, đồng hành cùng dân tộc tiến lên.

Xuất phát từ mục đích và ý nghĩa nêu trên, người Phật tử trong thời kỳ hội nhập cần phải đầu tư suy nghĩ, phát huy trí tuệ của mình để có thể đề ra những giải pháp thích hợp có tính khả thi cao nhằm góp phần đạt mục tiêu chung của từng gia đình Phật tử nói riêng và gia đình Phật tử cả nước nói chung.

II. CÁC GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Người xưa có câu: “Có thực mới vực được đạo.” Thiết nghĩ! Mọi người ai cũng hiểu được ý nghĩa và mục đích của nó; thực vậy!trong cuộc sống hàng ngày của đời thường và tu đạo, con người không thể thiếu ăn, uống để sống, mặc để giữ ấm cho cơ thể được khỏe mạnh … nhằm bảo đảm cho con người có được một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện và ngược lại trí tuệ không thể phát triển trong một cơ thể bệnh hoạn. Phải chăng chính điều này mà Đức Phật không khuyến khích chúng ta tu theo đường lối khổ hạnh.

Đối với đất nước Việt Nam ta hiện nay, tuy trên đà phát triển nhưng; có thể nhìn quanh ta còn biết bao những mãnh đời cơ cực, thiếu ăn, thiếu mặc, không được học hành, mang trong người nhiều căn bệnh trầm kha; một số đông đang còn phải vật lộn với bao công việc nhọc nhằn để lo toan cho cuộc sống gia đình có cái ăn, cái mặc và con cái được đến trường. Phật tử chúng ta ở từng lúc, từng nơi đều cũng có những hoàn cảnh như họ thì có được bao nhiêu người đứng ra giúp đỡ và cứu độ chúng sanh? Đây cũng là vấn đề cốt lõi và đáng được đem ra bàn luận hầu tìm ra con đường thích hợp nhất trong từng hoàn cảnh của mỗi con người, mỗi gia đình đối với việc tiếp cận và giác ngộ Phật pháp; bởi lẽ hầu hết họ không đủ thời gian để đến với Phật pháp. Có như vậy chúng ta mới có thể tự hào về tinh thần phát huy Phật pháp, giúp mọi người có một tinh thần trí, dũng để hoàn thiện cuộc sống của chính mình, gia đình mình và hoàn thiện xã hội làm được nhiều điều hữu ích cho đời! Có thể nói; đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Tuy nhiên! Dù muốn hay không thì “Thực” vẫn là điều kiện tiên quyết. Do vậy! các giải pháp được đặt ra ở đây đều dựa trên căn bản câu nói của người xưa và lúc nào cũng nhận thấy phù hợp.

Đó là:

1. Công tác tổ chức GĐPT

Trên tinh thần Hiến chương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, nội quy của GĐPT; chúng ta cần xem xét một cách tỉ mĩ và thận trọng để có thể đưa ra những đề xuất thỏa đáng phù hợp với luật pháp quốc gia, lợi ích của dân tộc và lợi ích của người Phật tử , chẳng hạn như:

- Trong lĩnh vực kinh tế, GĐPT có cần phải tham gia sản xuất và kinh doanh dưới hình thức tập thể được nhà nước cho phép không? Để phục vụ cho mục đích chung là sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, góp phần xây dựng đất nước; nhằm chủ động nguồn nhân lực và vật lực để phát huy phật pháp. (Vấn đề này cần được GHPGVN và toàn thể Phật tử cùng tham gia đóng góp và đề xuất với nhà nước) Bởi vì gia đình Phật tử luôn là những công dân tốt, có quan điểm, mục đích sống hướng thiện, không phải là tổ chức chính trị, được học tập giáo lý Đức Phật trên cơ sở của NGŨ GIỚI để rèn luyện và trau dồi đạo đức, nâng cao phẩm chất con người, có lòng từ bi, bác ái, vị tha để tự mình hoàn thiện và giúp mọi người cùng hoàn thiện trong cuộc sống. có thể nói; đây là mấu chốt của vấn đề nhằm chủ động phát huy nội lực của từng tổ chức gia đình phật tử trong lĩnh vực làm kinh tế để có nguồn tài chính phục vụ cho mục đích phúc lợi xã hội, nâng cao tinh thần và vật chất cho đời sống cộng đồng (Tránh sự bị động đối với việc vận động đóng góp của Phật tử và các nhà hảo tâm; vì nguồn này không tính được).

- Một tự viện nếu hội đủ điều kiện pháp lý để mở trường dạy học cho con em Phật tử và trẻ em nghèo hiếu học, có được công nhận đủ tư cách pháp nhân như các trường tư thục hay không? Vì sao? Tại sao không? (Trước đây Phật giáo chúng ta đã có mô hình trường học Bồ đề) bởi vì chính những điều còn bất cập của hệ thống giáo dục nước ta cho nên nhà nước đã có chủ trương, chính sách về xã hội hóa giáo dục ( Cá nhân vẫn cho phép đăng ký hành nghề) Phật giáo chúng ta có nhiều tự viện tịnh xá tịnh thất có quy mô không nhỏ, tập trung nhiều hàng ngũ trí thức yêu nước có tâm huyết phục vụ cho cộng đồng con người trên tinh thần tự nguyện và đầy trách nhiệm, không chạy theo lợi nhuận, có nhân cách sống mẫu mực và trái tim hướng thiện. Vì vậy! Phật giáo chúng ta có nên mở trường dạy học hay không? Có được nhà nước cho phép không? Bằng cách nào ?

Thiết nghĩ rằng công tác tổ chức là đầu mối then chốt đễ giải quyết mọi vấn đề mang tính logic, nhưng với phật giáo chúng ta trong thực tiển vẫn còn những giới hạn chưa đáp ứng đầy đủ như tinh thần của Hiến chương Phật giáo Việt Nam: “Phật giáo là một trong khối đại đoàn kết dân tộc” những hạn chế này do đâu? Do nhà nước hay chính chúng ta chưa phát huy được tinh thần BI-TRÍ-DŨNG của Phật tử nhằm mục đích phục vụ dân sinh, xã hội.

Ngoài những suy nghĩ chủ yếu nêu trên còn có một số vấn đề khác có liên quan đến tầm quản lý vĩ mô, nhưng trong khuôn khổ của đề tài tôi không đi sâu vào chi tiết. Mong rằng quý vị đại biểu sẽ có ý kiến đóng góp nhiều hơn trong hội thảo.

Bên cạnh những thay đổi cần thiết ở tầm vĩ mô thì bản thân GĐPT các cấp cũng phải xem xét lại chính mình để có những đề xuất thích hợp trong việc điều chỉnh và bổ sung nội quy, quy định của GĐPT cũng như hiến chương của Phật giáo Việt Nam sao cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững.

Mặt khác; chúng ta cũng không nên chờ đợi những thuận lợi từ phía nhà nước và Phật giáo Trung ương tạo cho mà phải tự thân vận dụng các hình thức sinh hoạt, học tập, làm kinh tế và làm phúc lợi từ thiện của từng GĐPT sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương trong khuôn khổ luật pháp cho phép, mới có thể “Tiếp cận, thu hút, duy trì và phát triển đội ngũ thanh thiêu niên ở địa phương tham gia GĐPT ngày càng đông đảo” và đây cũng là điểm then chốt tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp “HOẰNG DƯƠNG PHẬT PHÁP” mà hầu hết phật tử chúng ta đều kỳ vọng.

Nói tóm lại, với suy nghĩ và tầm nhìn còn hạn hẹp của chúng tôi thì những nội dung được đặt ra ở phần trên, nếu chúng ta tập trung ý chí và nghị lực đều có thể đạt được những kết quả tốt đẹp hơn như lời dạy của Đức Phật và theo gương Bồ Tát Phổ Hiền: “Đem hiếu, kính, từ bi, trí tuệ ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.” Trên tinh thần ĐẠI BÁT NHÃ được biểu hiện ở vầng sáng thứ tư trong mười đạo hào quang của Đức Phật là: “ Bát Nhã Vô Tri, Vô Sở Bất Vi” (Không có điều gì mà ta không biết, không có điều gì mà ta không làm được) thật đúng lắm vậy!

Trên tinh thần tinh tấn trong học đạo; ngoài việc truyền bá giáo lý Phật pháp thông qua các hành động và lời nói giúp mọi người chung quanh có cuộc sống an vui, hạnh phúc, tuân thủ pháp luật, dựa trên nền tảng của giáo lý đạo Phật theo phương hướng nhiệm vụ của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương năm 2009. Tự thân mỗi Ban Hướng dẫn Phật tử ở mỗi tỉnh, thành, tùy theo trình độ phát triển của địa phương để xây dựng cho đơn vị mình những phương pháp truyền bá giáo lý phật pháp nói chung và phương pháp tiếp cận, thu hút thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt GĐPT nói riêng trong thời kỳ hội nhập là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm từng bước lập lại mối quan hệ “ Tốt đạo đẹp đời” góp phần đưa đất nước ngày càng hưng thịnh.

Với nhận thức đó, Ban hướng dẫn Phật tử tỉnh Bình Phước xin được nêu lên mấy phương pháp cụ thể như sau:

-Tổ chức sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội:

Với cơ cấu kinh tế công, nông, nghiệp của một tỉnh Miền trung du thuộc miền Đông Nam bộ, hiện nay sản xuất nông nghiệp vẫn còn chiếm tỉ trọng lớn. Điều này có thể cho phép các tự viện tận dụng các quỹ đất của từng địa phương (thông qua hình thức thuê đất hoặc mượn đất)

Để cùng Phật tử tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như: dược thảo, thực phẩm tươi sống, củ lang, củ mì, … nhằm cung cấp cho tự viện hoặc tại gia Phật tử, đồng thời tiêu thụ ở thị trường nội địa hoặc xuất khẩu (nếu có điều kiện) bảo đảm ổn định cuộc sống hàng ngày và phục vụ cho những việc công ích khác.

- Đăng ký với chình quyền địa phương để mở các lớp học Bồ đề (tình thương) không thu học phí :

Nhằm bồi dưỡng kiến thức phổ thông từ lớp 5 đến lớp 9 hoặc cấp 3, nếu có đủ đội ngũ giáo viên có trình độ sư phạm tương ứng. Gắn với trương trình giáo dục phổ thông, chúng ta đưa vào môn học Phật pháp để trau dồi và rèn luyện về phẩm chất, đạo đức cho thanh thiếu niên Phật tử và trẻ em nghèo hiếu học đang sinh sống ở khu vực lân cận nhằm mục đích thu hút thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử ngày càng đông đúc; cùng hướng tới mục tiêu chánh đạo

- Hợp tác với các hoạt động xã hội với Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp và các Đoàn thể thanh niên

Nhằm góp phần xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế.

- Phối hợp với ngành giáo dục địa phương: phổ cập tin học căn bản cho toàn thể

Phật tử ở địa phương nhằm tiếp cận dễ dàng các kiến thức bổ ích khác.

III. Lời kết

Đứng trước những khó khăn và thuận lợi của phật giáo Việt Nam trên con đường “Hoằng dương Phật pháp”, dưới sự hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cùng với sự ủng hộ nhiệt tỉnh của chính quyền và đoàn thể các cấp. Phật tử mỗi tỉnh, thành chúng ta nguyện nỗ lực phấn đấu không ngại gian lao, không từ khó nhọc, siêng năng học tập… góp phần xây dựng đất nước và phát triển Phật giáo trên tinh thần nhập thế, tinh tấn phục vụ xã hội theo tinh thần vô ngã và vị tha. Sẽ cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng cuộc sống “Tốt đời đẹp đạo”./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)

Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Tỉnh Bình Phước

http://www.giaohoiphatgiaovietnam.vn

alt