Chùa Hà - ‘miếu thờ Nguyệt Lão’ của sinh viên Hà thành

Trong truyền thống người Việt, chùa chiền là nơi thường xuyên lui tới của người già. Nhưng ở Hà Nội lại có một ngôi chùa mà bóng dáng của giới trẻ xuất hiện trong chùa luôn áp đảo người già là chùa Hà (phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội)

Dù không phải là nơi thờ Nguyệt lão (ông tiên coi quản việc nhân duyên) nhưng từ lâu chùa Hà đã được giới sinh viên truyền tụng là một nơi rất linh nghiệm trong việc cầu duyên.

Mặc dù không ai biết truyền thống ấy bắt đầu từ khi nào, chỉ biết rằng hầu như ngày nào cũng có những thiện nam, tín nữ đến đây cầu khấn thần phật mong cho duyên vừa đẹp ý, sớm gặp người trong mộng. Đó là lý do để chùa Hà trở thành một ngôi chùa đặc biệt, khác với những ngôi chùa trên đất Hà thành.

 

Dù không phải là nơi thờ Nguyệt lão (ông tiên coi việc nhân duyên) nhưng từ lâu chùa Hà đã được giới sinh viên truyền tụng là một nơi rất linh nghiệm trong việc cầu duyên.

Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức Tự. Liên quan đến lịch sử hình thành ngôi chùa này có hai truyền thuyết. Một nói chùa có từ thời vua Lý Nhân Tông. Khi ấy nhà vua đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con nên đi đến một ngôi chùa trên vùng Dịch Vọng ngày nay để cầu tự. Ngôi chùa nhà vua đến sau đổi tên thành chùa Thánh Chúa. Trên đường về nhà vua lại ghé thăm một ngôi chùa khác và ban tiền để sửa chùa. Ngôi chùa này chính là chùa Hà, Và do vậy mà chùa mang tên chữ là Thánh Đức tự.

Thuyết khác lại nói rằng ngôi chùa này dựng lên từ thời vua Lê Thánh Tông để nhà vua tỏ lòng biết ơn đối với các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt vì đã phế bỏ Nghi Dân và giúp mình lên ngôi vua. Tuy vậy đây cũng chỉ là những truyền thuyết dân quanh vùng truyền lại, chưa có các nguồn tư liệu minh chứng cụ thể.

Chùa Hà ngày nay là một già lam theo đúng nghĩa vì đi qua tòa tam quan uy nghi là thấy ngay một vùng cây cối râm mát. Bố trí kiến trúc của chùa Hà cũng theo lối tiền phật hậu thần. Phía trước là điện thờ phật, sau là phủ thờ Mẫu. Đa phần kiến trúc chùa là mới được xây dựng. Đáng kể nhất về mặt niên đại lịch sử trong chùa có lẽ là chiếc chuông đúc thời Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn treo trên nóc tòa tam quan uy nghi.

 

Bóng dáng của những nam thanh, nữ tú đứng ngồi trầm tư.

Qua khỏi vườn cây sẽ nhìn thấy chùa với cây đa râm mát soi mình bên giếng nước sâu trước cửa tòa tam bảo. Dưới bóng cây đa này thường thấy bóng dáng của những nam thanh nữ tú đứng ngồi trầm tư.

Những thanh niên đến chùa này nhìn chung có thể xếp làm hai nhóm. Một là những người chưa có mảnh tình nào vắt vai đến để cầu duyên. Và tốp kia là những kẻ đang bị người yêu rời bỏ hoặc tình cảm rạn nứt nên đến đây lễ để gọi tình. Đã có nhiều người ở nhóm thứ 2 khóc nức nở ngay giữa tam bảo trong lúc khấn vái. Không phải vì thần thánh linh thiêng nhập vào mà vì họ quá xúc động không kiềm chế được.

Và điểm chung là cả hai tốp họ thường ra ngoài cửa chùa, nơi có cây đa to xòe bóng mát để nghỉ ngơi sau một hồi đứng chịu khói hương đến cay mắt. Và biết đâu trong tâm tư họ đang chờ những điều kỳ diệu mà thần linh giúp đỡ….

Ngoài sự nổi tiếng về những linh ứng trong việc se duyên như giới trẻ vẫn đồn thì chùa Hà còn là một di tích lịch sử cách mạng. Ở nơi đây vào tối ngày 15/8/1945, thành ủy Hà Nội đã triệu tập một cuộc họp để kiểm điểm lực lượng của ta trong thành phố và bàn những công việc cấp bách cần làm nhằm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Với lòng tin của giới sinh viên Thủ đô, chùa Hà từ lúc nào không hay đã trở thành một “miếu thờ Nguyệt lão” trên đất Hà thành văn vật.

Vũ Tiến Đức
Theo vietbao