|
Cũng giống như nhiều người dân Việt, đầu năm, tôi chọn du lịch tâm linh với ước vọng một năm mới an lành, tốt đẹp cho mình và người thân.
Điểm dừng chân đầu tiên là ngôi chùa Bút Tháp (thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), một ngôi chùa còn giữ nguyên vẹn nét đẹp cổ xưa, mà vẻ đẹp ấy chỉ khi đến tận nơi bạn mới cảm nhận hết được.
Trên triền đê uốn lượn bên dòng sông Đuống hiền hòa, phóng tầm mắt nhìn về phía đồng ruộng bạt ngàn, chúng tôi đã thấy ngôi chùa cổ Bút Tháp nằm ẩn núp trong lùm cây cổ thụ. Gần hơn, khi bước chân qua cánh cổng chùa, chúng tôi cứ ngỡ như vừa bước qua cánh cửa thời gian. Cả không gian được bao phủ bởi nét cổ kính, hoang sơ với hai cây đa cổ thụ vững chãi trầm ngâm mặc bao sương gió đã đi qua. Những đám cỏ mọc rất hiền hòa dưới lối đi, thoang thoảng đâu đây là hương hoa cau “ngan ngát quanh vườn trầu”.
Chùa Bút Tháp có tên chữ là Ninh Phúc thiền tự. Theo sách Địa Chí Hà Bắc thì chùa có từ đời vua Trần Thánh Tông. Thiền sư Huyền Quang đã trụ trì ở đây. Ông cho dựng ngọn tháp đá cao 9 tầng có trang trí hình hoa sen (ngọn tháp này đến nay không còn nữa). Thế kỉ 17, chùa trở nên nổi tiếng với sư trụ trì là hoà thượng Chuyết Chuyết (người Phúc Kiến, Trung Quốc). Năm 1644, hoà thượng viên tịch và được vua Lê phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”. Tiếp đó, người kế nghiệp chùa là thiền sư Minh Hạnh, học trò xuất sắc của hoà thượng Chuyết Chuyết. Vào thời gian này, Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Diện Viên) đã rời bỏ cung thất, về chùa tu hành. Bà cùng con gái là công chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ) đứng ra trùng tu lại ngôi chùa. Đến năm 1647, chùa mới được làm xong. Đời vua Tự Đức năm 1876, khi vua qua đây thấy có một cây tháp hình dáng khổng lồ liền gọi tên là Bút Tháp, nhưng trên đỉnh vẫn ghi là tháp Bảo Nghiêm.
Toàn bộ kiến trúc của chùa quay theo hướng Nam, một hướng truyền thống của người Việt. Kiến trúc của chùa được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất tự nhiên ở khu vực xung quanh. Chùa Bút Tháp có cấu trúc thành nhiều tòa, ngăn cách nhau bởi những khoảng trống lộ thiên, chứ không phải kiểu nội công ngoại quốc liền tòa thông thường. Từ ngoài cổng là tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, am Tích Thiện, hậu điện, bao quanh là các hành lang, giải vũ.
Như mọi ngôi chùa thông thường khác, tòa tiền đường có bày tượng Cửu Long, Già Lam ở giữa, tượng Hộ pháp hai bên. Hai pho Hộ pháp khá lớn nhưng tòa Cửu Long thì nhỏ, không đặc sắc. Tâm điểm của chùa Bút Tháp là pho tượng cổ Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đẹp nhất Việt Nam được tạc từ 350 năm trước. Bức tượng chứa đựng trong đó nhân sinh, thế giới quan Phật giáo đầy đủ. Từ dưới lên, có thể thấy cả cảnh âm phủ thông qua 4 quỷ sứ, mặt biển nam hải với con rồng đội đài sen, ánh mặt trăng từ giữa lòng phật bà, những cánh tay nuột nà, 11 đầu Phật với A Di Đà trên cùng, và gần một nghìn cánh tay nhỏ tỏa ra như hào quang rực rỡ.
Bên cạnh tuyệt tác tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay, những pho tượng khác trong chùa cũng là những tác phẩm rất giá trị. Đối xứng với pho Phật Bà, là một pho tượng cũng rất đặc biệt: Tây Thiên Đông Độ lịch đại Tổ sư. Pho tượng tạc một vị sư Thiên Trúc với đặc trưng là mái tóc xoắn tròn, dáng vẻ khắc khổ nhưng an định. Xét về tạo hình pho tượng này cũng giá trị không kém pho Phật bà, dù có thể công sức tạo dựng không bằng. Có thể thấy xa xa là pho tượng bà quận chúa - hoàng hậu - thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, con gái của Thanh đô vương Trịnh Tráng, hoàng hậu của vua Lê Thần Tông. Bà và con gái Ngọc Duyên là những người có công lớn trong việc trùng tu chùa và cũng về tu ở đây. Dựa vào pho tượng này chúng tôi có thể hình dung khá rõ về trang phục hoàng tộc thời Hậu Lê ra sao.
Tượng ở chùa Bút Tháp còn một điều đặc biệt là hai bộ Tam Thế và Tam Thân. Ở tất cả chùa tôi từng đến và xem, chưa ở đâu có đủ cả hai bộ này. Thường chỉ có một bộ Tam thế Phật, rồi đến bộ Tam tôn, Tam thánh, Tam tổ chứ không có Tam thân Phật. Tam thế Phật là quá khứ, hiện tại, vị lai.
Ngoài những bức tượng Phật giá trị trên, toà "Cửu phẩm Liên Hoa" cũng cuốn hút chúng tôi không kém. Toà bằng gỗ, gồm 9 tầng có khắc tượng phật xung quanh. Ðiều đặc biệt là nó có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ. Chiều dần buông, sau khi chụp ảnh sư cô chuẩn bị 7 bát cháo trắng cúng chiều, chúng tôi ra nằm kềnh trên đống rơm bên cổng chùa. Chiều như chậm rơi, chậm rơi… Gió bồng bềnh, bồng bềnh… Nghe tiếng chuông ngân thấy lòng dịu lại...
Hải Đường