Trong lịch sử mỹ thuật dân tộc, nếu “mỹ thuật Đông Sơn là đỉnh cao thứ nhất”, thuộc về người Việt cổ ở trước công nguyên, thì sau cả chục thế kỷ bị chìm sâu, ẩn mình bởi sự đồng hóa của ngàn năm đô hộ phương Bắc, mỹ thuật Lý-Trần với lối kiến trúc, điêu khắc đồ sộ mang tính cổ điển chân chính là sự “phục hưng văn hóa dân tộc, xác lập đỉnh cao thứ hai, thuộc về người Việt”(2), mang đậm chất Phật giáo, ảnh hưởng của một xã hội quân chủ Phật giáo, với nhiều công trình hợp thể kiến trúc - điêu khắc có qui mô lớn, mang yếu tố hoành tráng.
Điêu khắc truyền thống phát triển rất đa dạng trải qua các thời kỳ phong kiến Việt Nam, với nhiều công trình quy mô lớn, đặc biệt là lĩnh vực Phật giáo. Đó là những công trình kết hợp hài hòa giữa hình dáng kiến trúc đồ sộ và sự điểm xuyến, nhấn nhá của các môtíp điêu khắc tao nhã, huyền ảo, hay những tượng Phật uy nghiêm ở chính điện, những đài tháp cao vút ở sân chùa… Tất cả quyện lại tạo thành một tổng thể hoành tráng có tính tâm linh, huyền bí, mang đậm phong cách Việt Nam - Á Đông.
Điêu Khắc Hoành Tráng Trong Bối Cảnh Kiến Trúc Điêu Khắc Truyến Thống
Nguyễn Xuân Tiên
Mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa của mình, chứa đựng toàn bộ lịch sử quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, lịch sử tinh thần và bản sắc dân tộc đó. Việt Nam nằm ở khu vực nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa hai nền văn hóa vào loại cổ nhất của loài người. Vì vậy Việt Nam là một trong những vùng tập trung nhiều thành phần dân tộc khác nhau, với những đặc điểm riêng nhưng đều gắn bó trong vận mệnh chung, lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời. Dân tộc Việt Nam “Có một nền văn hóa lâu đời giàu giá trị nhân bản và đậm đà bản sắc dân tộc”(1) với nhiều loại hình nghệ thuật phát triển phong phú và đa dạng.
Trong lịch sử mỹ thuật dân tộc, nếu “mỹ thuật Đông Sơn là đỉnh cao thứ nhất”, thuộc về người Việt cổ ở trước công nguyên, thì sau cả chục thế kỷ bị chìm sâu, ẩn mình bởi sự đồng hóa của ngàn năm đô hộ phương Bắc, mỹ thuật Lý-Trần với lối kiến trúc, điêu khắc đồ sộ mang tính cổ điển chân chính là sự “phục hưng văn hóa dân tộc, xác lập đỉnh cao thứ hai, thuộc về người Việt”(2), mang đậm chất Phật giáo, ảnh hưởng của một xã hội quân chủ Phật giáo, với nhiều công trình hợp thể kiến trúc - điêu khắc có qui mô lớn, mang yếu tố hoành tráng.
Điêu khắc truyền thống phát triển rất đa dạng trải qua các thời kỳ phong kiến Việt Nam, với nhiều công trình quy mô lớn, đặc biệt là lĩnh vực Phật giáo. Đó là những công trình kết hợp hài hòa giữa hình dáng kiến trúc đồ sộ và sự điểm xuyến, nhấn nhá của các môtíp điêu khắc tao nhã, huyền ảo, hay những tượng Phật uy nghiêm ở chính điện, những đài tháp cao vút ở sân chùa… Tất cả quyện lại tạo thành một tổng thể hoành tráng có tính tâm linh, huyền bí, mang đậm phong cách Việt Nam - Á Đông.
Công trình kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu công nguyên, bằng hai con đường giao lưu văn hóa với Ấn Độ, Trung Hoa, phát triển mạnh mẽ có mầm mống một quốc giáo từ thế kỷ X, luôn gắn bó và là tinh thần xã hội cho chế độ phong kiến tập quyền non trẻ. Từ thời Lý, Phật giáo thực sự là quốc giáo để rồi mất dần vị trí chính thống vào cuối thời Trần sang thời Hồ và nhường vai trò đó cho Khổng giáo vào thế kỷ XV.
Các công trình kiến trúc chùa Lý rất hoành tráng “tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cung điện của vua”(3). Có rất nhiều công trình lớn, nhưng ở đây ta chỉ nghiên cứu hai công trình tiêu biểu.
Chùa Dạm - Đại lãm Thần Quang Tự (Bắc Ninh): Theo Đại Việt sử ký toàn thư (4), chùa được xây dựng vào năm 1086, Tháp năm 1088, hoàn thành năm 1094 đời vua Lý Nhân Tôn (1073-1127). Theo phế tích còn lại thì chùa có bốn cấp độ cao dần, kéo một trục dài 120m, rộng mặt nền gần 70m với tổng diện tích khoảng 8.000m2 vuông, người ta ghép 25 bậc lên xuống cho mỗi cấp nền, chiều đứng của từng cấp bó đá cao 8m. Trên nền cấp thứ hai; một bên đặt một tấm bia có rùa đội cao 1,5m, rộng 1m; một bên là trụ biểu bằng đá khối cao chừng 5m, có đường kính khoảng 1,3m đặt trên một khối hộp cũng bằng đá cao 1m. Nền thứ ba và bốn có di tích chùa, đền…
Đó là một kiến trúc Phật giáo nhiều điện đường, lang vũ, bảo tháp quy mô đồ sộ, là ngôi chùa hoành tráng, rực rỡ trong ánh sáng thần thánh, trong các tượng trưng trời đất vuông - tròn, trong biểu tượng sinh thực khí vĩnh cửu với trụ biểu: linga (dương vật) và yoni (âm vật) môtíp Champa rất quen thuộc đã được Đại Việt hóa.
Chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh): Là một ngôi chùa lớn thời Lý, xây dựng vào thế kỷ XI-XII. Di tích chùa còn lại tấm bia đá lớn cao 2,5m khắc lại vào thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) ghi nhận trước chùa có pho tượng Phật bằng đồng cao 6 trượng (khoảng 20m) một trong An Nam tứ đại khí. Điện thờ Phật có không gian lớn hơn, cao 7 trượng (khoảng 23m), cùng với các kiến trúc, điêu khắc quy mô và tỷ lệ tương xứng. Tấm bia khắc năm Đức Long thứ nhất (1629) cho biết: “Trước mặt chùa phía Nam là đường cái xe ngựa đi thông. Phía Bắc kề bến sông lớn, tiếp phía Tây có sông Tô bao bọc. Phía Đông có chùa Tiên Sơn làm bối cảnh”(5). Như vậy các kiến trúc tôn giáo thời Lý rất chú trọng đến cảnh quan bao quanh và rất chú ý gây ấn tượng tầm nhìn từ xa. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong không gian kiến trúc, điêu khắc hoành tráng đã được các nền văn minh nhân loại áp dụng từ cổ đại tới đương đại. Công trình kiến trúc, tượng ở chùa Quỳnh Lâm nếu so sánh về mặt to lớn, hoành tráng với các tượng Phật của chùa Ấn Độ và Trung Hoa thì ta thấy nó cũng không thua kém là bao.
Nghệ thuật Lý không chỉ để lại cho thời Trần những công trình đồ sộ, mà còn để lại cả cơ sở kỹ thuật mang tính truyền thống, tạo ra hai diện khác nhau của dòng chảy Lý-Trần. Tiêu biểu là chùa Phổ Minh (Tức Mặc - Nam Định). Đây là chùa mở đầu cho kiến trúc Phật giáo nhà Trần. Năm Nhâm Tuất, thứ 8 (1262), vua Trần Thái Tôn cho xây dựng “Chùa thờ Phật ở phía Tây cung Trùng Quang, gọi là chùa Phổ Minh”(6) khá to lớn, trong chùa có nhà thủy tạ để lễ hội, trước chùa có vạc đồng rất lớn là một trong “tứ đại khí” nước ta xưa. Sự bề thế hoành tráng đã được tấm bia dựng đời Hậu Lê (1608) trước chùa ghi “cung điện nguy nga, đỉnh đồng nghìn quân chấn giữ, quy mô lộng lẫy, tháp Phật trăm thước dựng lên…”(7).
Thời Lê Trung Hưng có chùa Bút Tháp - Ninh Phúc Tự (Thuận Thành - Bắc Ninh). Chùa được xây dựng từ đời Trần Thánh Tông (1258-1278), năm 1646-1647 được chúa Trịnh Tráng cho trùng tu, xây dựng như quy mô hiện tồn. Kiến trúc ngôi chùa theo kiểu “nội công ngoại quốc”, quần thể kiến trúc hòa quyện với thiên nhiên, hoành tráng bao gồm tam quan, gác chuông, tiền đường, tòa thiêu hương, cầu đá, thượng điện, tòa cửu phẩm, nhà trung, phủ thờ, hậu đường và tháp Báo Nghiêm (Tháp Bút) cao13,05m được làm bằng đá, năm tầng, tám cạnh, một búp mái, 13 bức chạm nổi, lòng bệ có đường kính 1,29m đặt tượng sư tổ Chuyết Công. Tại chùa Tháp Bút còn tồn tại đến ngày nay nhiều pho tượng đẹp và mang yếu tố hoành tráng như tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, tượng Tuyết Sơn… là những di sản điêu khắc cổ quí giá. Xung quanh tòa đại điện có hàng lan can đá gồm 36 phiến được chạm khắc tinh vi, miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên và một số điển tích khác như cá hóa rồng, Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Tây Trúc, tứ linh… bố cục mảng khối thoải mái sinh động và chân thực.
Khối kiến trúc - điêu khắc tháp cao tầng:
Là một hình thức quan trọng mang đậm tính hoành tráng của kiến trúc Phật giáo ban đầu, với chức năng nơi tưởng niệm và hành lễ tôn giáo, chứa đựng xá lị sư tăng, mang tính chất chế ngự không gian, thu hút điểm nhìn từ xa “mô hình một tháp sư là hình ảnh vừa của đại vũ trụ, vừa của tiểu vũ trụ”. Tháp không chỉ dành riêng cho Phật giáo mà còn gắn với quốc gia và vương triều. Các khối đài tháp mang chất hoành tráng tiêu biểu.
Tháp Chương Sơn (ý Yên, Nam Định) là một phế tích thời Lý, xây dựng trong 9 năm từ 1108 đến 1117, mặt bằng vuông mỗi cạnh dài 19m, theo tính toán như Bezacier với tỷ lệ 1/5 thì tháp phải cao khoảng 95m hay ít nhất theo tỷ lệ 1/3 thì tháp cũng phải cao tới 57m. Năm 1966-1967 Viện khảo cổ khi khai quật còn phát hiện nhiều tượng, chân bia, chạm khắc trang trí, thành bậc, cửa cuốn… chứng tỏ đây là một công trình kết hợp kiến trúc - điêu khắc - trang trí có qui mô đồ sộ.
Tháp Báo Thiên - Thăng Long (Hà Nội), còn có tên gọi là tháp Đại Thắng Tư Thiên, khởi công xây dựng năm 1057. Theo sử sách “Tháp Đại Thắng Tư Thiên cao vài chục trượng, 12 tầng”(8), ngọn tháp bằng đồng hình núi. Tháp được coi là “Đệ nhất danh thắng” của kinh đô Thăng Long qua bao thời đại và cũng là một trong “tứ đại khí” của đất Việt xưa, đến năm 1414 bị phá hủy bởi tướng giặc Minh là Vương Thông .
Tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ, Huế) được xây dựng năm 1907 có hình bát giác, cao 21,30m chia làm 7 tầng ngăn cách bằng những mái hẹp, lan can giả xây bằng gạch có trang trí hoa văn rất đẹp, mặt chính Nam mỗi tầng bổ cửa cuốn đặt tượng Phật, ba tầng trên cùng tượng Phật bằng vàng. Tháp xây cao chót vót trên một ngọn đồi có 49 bậc cấp dẫn xuống bờ sông Hương, chế ngự cả một vùng sông núi, non xanh nước biếc. Tháp được coi là biểu tượng của cố đô Huế và là một danh lam thắng cảnh của Việt Nam.
Kiến trúc - điêu khắc Tháp Chăm: Là những đền miếu cổ, tôn giáo tín ngưỡng riêng của dân tộc Chăm. Tháp Chăm (Kalan) là một khối kiến trúc - điêu khắc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình búp hoa, phong cách nghệ thuật độc đáo riêng biệt, là sự kết hợp hài hòa giữa điêu khắc, kiến trúc. Vị trí các tháp được chọn lựa ở trên triền dốc của những quả đồi có tính chi phối, chế ngự môi trường, phong cảnh xung quanh “tuy quy mô kích thước không thật đồ sộ song vẫn hùng vĩ và có tính hoành tráng, gợi không khí trang nghiêm”(9).
Ngoài ra chúng ta còn có nhiều ngôi chùa tháp đẹp và cũng mang ấn tượng hoành tráng được xây dựng ở các triều đại như: Chùa tháp Phật Tích (Bắc Ninh, 1057), tháp chùa Long Đọi (Hà Nam, 1121), chùa Vĩnh Khánh (Vĩnh Phúc), chùa Tây Phương (Hà Tây, 1657-1682), chùa Keo (Thái Bình), chùa Báo Ân (Hà Nội, 1842)… Theo các nhà nghiên cứu, tính chất hoành tráng truyền thống còn ẩn, hiện ở nhiều công trình ở cung điện, đền, đình, miếu và lăng tẩm. “Có thể khẳng định rằng cha ông ta đã làm chủ hợp thể mỹ thuật môi trường, … thống nhất giữa các nghệ thuật tham gia vào từng hợp thể”(10).
Điêu khắc đình chùa mang yếu tố hoành tráng
Là thể hữu cơ của kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm hầu hết là nghệ thuật Phật giáo ảnh hưởng của ấn Độ giáo, Bà la môn giáo và đạo giáo Trung Hoa. Tuy nhiên trong quá trình sáng tạo các nghệ sĩ cũng đã để lại cho hậu thế một số tác phẩm điêu khắc tôn giáo đẹp mang đậm tính hoành tráng và sắc thái riêng của dân tộc.
Tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tượng, phù điêu
Ngoài pho tượng Phật cao 20m bằng đồng ở chùa Quỳnh Lâm một trong “tứ đại khí” của đất Việt xưa không còn nữa, thì tượng đá A Di Đà ở chùa Phật Tích thời Lý mở đầu cho nền điêu khắc Phật giáo thế kỷ XI, là một trong những tượng mang dấu ấn hoành tráng còn tương đối nguyên vẹn đến nay. Tượng được đục bằng đá xanh nguyên khối cao 1,87m, cả bệ cao 2,77m. Tượng ngồi theo tư thế thiền trên khối bệ bát giác theo cấp nhỏ dần có nhiều hoa văn trang trí, rồi nở ra ở bệ đài sen, mắt tượng hơi nhắm, miệng phảng phất một nụ cười huyền bí. Những nếp gờ áo nổi chạy dài đều quanh thân, kéo xuống tận riềm vạt áo và quay về phía nếp choàng sau lưng nổi trên thân mềm mại, thắt khối ở giữa tay và bụng. Cách diễn tả đó gợi cảm giác một vòng sóng từ tâm lan tỏa ra trên bề mặt mang đậm tính triết lý “tĩnh mà động” của Á Đông và cũng thể hiện xu hướng “hướng nội” đi tìm cái đại ngã trong cái tiểu ngã của một thực thể cá nhân theo triết lý của Phật giáo.
Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp là tượng đẹp nhất trong số tượng Quan Âm cổ ở Việt Nam, được thể hiện theo phương pháp cổ điển nhưng mang đậm tính biểu trưng, hoành tráng. Tượng thể hiện ở thế ngồi thiền định cao 2m, toàn bộ cao 3,7m bằng gỗ phủ sơn, được thực hiện vào năm 1656. Tượng có 42 tay lớn và 958 tay nhỏ, 42 tay lớn được sắp xếp một đôi đặt trên lòng, một đôi chắp trước ngực, 38 tay kia đưa ra lên xuống như lá sen nở. Đội trên đầu lắp ghép 11 mặt người chia thành bốn tầng, trên cùng là tượng A Di Đà nhỏ, tượng trưng cho sự suy nghĩ nhiều về thế sự của Quan Âm, đến nỗi vỡ tung thành nhiều mảnh, Đức A Di Đà dùng phép thuật vô biên chắp những mảnh đó lại. Phần bệ thể hiện con quỷ thần nhô lên từ bệ hộp vuông vát góc, đội tòa sen để đưa Quan Âm vượt biển Nam Hải. Ngoài 42 tay chính, 958 tay nhỏ tạo thành những vòng tay mở rộng dần như ánh hào quang, trong lòng mỗi bàn tay nhỏ là một con mắt, trên đỉnh có chim thần hai đầu đậu. Tượng thực sự mang tính nội dung tư tưởng cao của Phật giáo đồng thời với lối bố cục tượng trưng mang đậm chất hoành tráng “tượng A Di Đà chùa Phật Tích, tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp đặt vào đâu thì lấn áp toàn bộ không gian ở đó”(11). Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay là một tác phẩm cổ điển, hoành tráng, đặc sắc của điêu khắc Phật giáo Việt Nam.
Các tác phẩm phù điêu mang chất hoành tráng ở các công trình Phật giáo Việt Nam cũng mang tính chất giống như ở các công trình Phật giáo Ấn Độ hay đền đài Ai Cập, Hy-La… đều gắn liền và là bộ phận không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống Phật giáo, góp phần làm đẹp, tôn lên những cấu kiện kiến trúc hay trang điểm cho các lan can, bậc cấp, đồng thời cũng góp phần diễn tả những sự tích, cảnh vật trong sinh hoạt tôn giáo, để người dân hiểu thêm về đạo và giáo lý của đạo.
Kiến trúc - điêu khắc trụ biểu
Đỉnh cao của điêu khắc phối hợp với kiến trúc là trụ biểu chùa Dạm ở Nam Sơn, Quế Võ, Hà Bắc, với một hình khối trụ đá cao 5m có đường kính khoảng 1,3m, phần dưới trụ chạm nổi cao đôi rồng đầu ngóc cao chầu nhau, hướng vào một viên ngọc đang toả sáng, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lý. Trụ tròn đặt trên một khối hộp bằng đá cao 1m, có cạnh gần vuông (1,4m x 1,6m), xung quanh chạm khắc lớp lớp sóng nước đang dâng cao. Đây chính là một biến thái gần gũi các bệ thờ linga-yoni Champa đã được Việt hóa. Trụ biểu chùa Dạm cũng mang dáng dấp của trụ biểu “Chiến thắng” bằng đá cẩm thạch xây dựng ở Trajan, thời kỳ La Mã cổ đại, mang đậm tính kỳ vỹ, “nhìn bất cứ từ phía nào cũng có ấn tượng vô cùng hoành tráng”(12).
Lược qua quá trình phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc, lịch sử nghệ thuật từ thời dựng nước đến nay, so sánh những tiêu chí và đặc thù của nghệ thuật hoành tráng đã phát triển ở các khu vực, các nền văn minh trên thế giới, chúng ta có thể khẳng định: Việt Nam đã có một truyền thống lâu đời của nghệ thuật “hợp thể” kiến trúc, điêu khắc hoành tráng với đầy đủ các đặc tính chung của thế giới, mang phong cách phương Đông nhưng rất Việt Nam.
Nghệ thuật hoành tráng Việt Nam có truyền thống nhưng các kích thước công trình còn quá khiêm tốn, không phát triển liên tục theo một mạch chảy mà luôn bị “gãy mạch” do sự chuyển hóa của xã hội và dòng tư tưởng của giới cầm quyền với nền kinh tế chậm phát triển, sản xuất tiểu nông, đất nước nghèo không tập trung. Không có nhà tư tưởng lớn, không có những triết gia tôn giáo “tử vì đạo”, mạnh thường quân…, nên “người Việt không có truyền thống chơi tranh”, tượng ở mức độ cao. Mặt khác do điều kiện địa lý, vật liệu cùng tư tưởng triết lý á Đông với khuynh hướng “hướng nội”, hài hòa với tự nhiên nên các công trình thường được dàn trải theo chiều ngang mà không phát triển theo chiều cao.
Chú thích:
1. Hà Minh Đức, Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc và nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.7.2. Chu Quang Trứ, Mỹ thuật Lý Trần, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2001, tr.15.
3. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.261.
4, 6, 8. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, (Người dịch: Cao Huy Giu, Hiệu đính: Đào Duy Anh), Tập I, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.335, 477, 318.
5, 7, 11, 12. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật người Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1986, tr.68, 65, 88.
9, 10. Vũ Tam Lang, Kiến trúc cổ Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1999, tr.151, 8.