Chùa Bửu Linh nằm ở ấp Dương Kiểng, xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX trên một vùng đất rộng 3500m2 và bao bọc bởi một vườn cây um tùm. Mặt chùa quay về hướng Nam, với bố cục hình chữ đinh có diện tích 216m2, được xây dựng bằng bê tông cốt thép.
Theo lời kể của người dân và một số tài liệu mà chùa còn lưu giữ được, thì vào cuối thế kỷ XIX, cư dân ở các nơi đã đến vùng đất hoang vu này để khai phá, sinh cơ lập nghiệp. Nhờ cần cù lao động, lại được đất đai màu mỡ, họ trở nên giàu có. Trong số này có ông Nguyễn Tấn Phát (người dân thường gọi là ông huyện Phát), đã hiến 50 công đất để tạ ơn trời Phật vào năm 1881 và cho xây dựng ngôi chùa có tên gọi “Bửu Linh Tự”, theo hệ phái Bắc tông để làm nơi thờ phụng, cúng tế...
Trong 33 tượng gỗ hiện còn, tượng Thích Ca sơ sinh có chiều cao 63cm (bệ 25cm), tượng Hộ Pháp cao 148cm (bệ 18cm). Có tất cả 18 tượng đứng (trên bệ gỗ), 15 tượng ngồi. Trong đó có những tượng như: Quan Công; Tiêu Diện; Hộ Pháp; Địa Tạng cưỡi Đề Thính; Thập điện Diêm Vương (nay còn 9 tượng); Bồ đề Đạt Ma; Nam Tào, Bắc Đẩu;… Về hình dáng, một số tượng vẫn còn ảnh hưởng phong cách tạc của người Trung Hoa, với nét mặt thon, đôi mắt xếch, nhỏ, mày cong, mũi nhỏ, môi mỏng (tượng Thích Ca sơ sinh, Quan Âm với Thiện Tài Đồng tử). Còn hầu hết các tượng khác, đều được thể hiện với khuôn mặt mang yếu tố văn hóa của người Việt Nam bộ với cái nhìn an nhiên tự tại, phóng khoáng, cởi mở, không bị ràng buộc vào quy ước của cách tạc. Chính điều này đã làm cho các tượng có nét dí dỏm, gần gũi hơn, hiện thực hơn. Về cơ thể học, mặc dù các tượng chưa được cân xứng, với người mập, cổ ngắn nhưng lại thể hiện rõ quý tướng của Phật và các vị Bồ Tát bằng những đường nét tạo hình rất sống động, công phu, mang thần thái, khí sắc của bậc chân tu ngộ đạo.
Chùa Bửu Linh Ở Sóc Trăng
Nguyễn Thái Hòa
Chùa Bửu Linh nằm ở ấp Dương Kiểng, xã Hòa Tú II, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX trên một vùng đất rộng 3500m2 và bao bọc bởi một vườn cây um tùm. Mặt chùa quay về hướng Nam, với bố cục hình chữ đinh có diện tích 216m2, được xây dựng bằng bê tông cốt thép.
Theo lời kể của người dân và một số tài liệu mà chùa còn lưu giữ được, thì vào cuối thế kỷ XIX, cư dân ở các nơi đã đến vùng đất hoang vu này để khai phá, sinh cơ lập nghiệp. Nhờ cần cù lao động, lại được đất đai màu mỡ, họ trở nên giàu có. Trong số này có ông Nguyễn Tấn Phát (người dân thường gọi là ông huyện Phát), đã hiến 50 công đất để tạ ơn trời Phật vào năm 1881 và cho xây dựng ngôi chùa có tên gọi “Bửu Linh Tự”, theo hệ phái Bắc tông để làm nơi thờ phụng, cúng tế.
Đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa lúc này là: “Cửu lâu chín nóc”, cột đúc, vách trát vôi, mái lợp ngói, mặt quay về hướng Nam, chiều dài 18m, chiều ngang 12m và cao 7m theo hình chữ đinh. Trong thời gian dựng chùa, ông đã mời 4 người thợ ở Huế đến để tạc tượng, khắc Kinh,… Sau khi việc dựng chùa đã hoàn tất, năm 1885, ông đích thân đến Cần Thơ mời Hòa thượng Thích Quảng Đạt về làm trụ trì.
Sau Cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm nước ta, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Hòa thượng Thích Quảng Đạt đã cho dỡ bỏ chùa (chỉ giữ lại một ngôi nhà nhỏ ở hậu liêu) và thỉnh dấu các tượng, kinh sách… vào rừng. Năm 1946, nhận thấy tình hình khá yên ổn, Hòa thượng đã đứng ra kêu gọi bà con dựng tạm một ngôi chùa nhỏ vách ván, mái lợp lá để thỉnh các tượng về thờ, nhưng không theo hướng của ngôi chùa cũ mà quay về phía Đông. Vào năm 1994, Đại đức Thích Giác Thời đã vận động bà con dựng lại chùa mới trên nền móng của ngôi chùa cũ, với chiều dài 18m, chiều ngang 12m và cao 8,1m.
Ngày nay, bước vào ngôi chùa, chúng ta như trút bỏ được cái ồn ào, bon chen nơi thị tứ để đón nhận cái không gian tĩnh lặng, yên bình hằng có của nhà Phật. Bởi trước chùa là con sông Cái hiền hòa nghiêng mình chảy qua, đằng sau là vườn cây um tùm xanh mát. Bên trong, khói hương trầm nghi ngút với tiếng kinh, tiếng mõ, tiếng chuông chùa ngân vang mỗi sớm chiều.
Qua cổng chùa, tượng Quan Âm Nam Hải đứng trên đài sen hình bát giác, tay trái cầm bình Tịnh thủy, tay phải bắt ấn. Từ đây đi vào khoảng 15m, trên lối nhỏ được trải bêtông với những ven đường hàng cây, ta sẽ đến chánh điện. Mặt trước chánh điện có ba cửa ra vào, mỗi cửa rộng 3,7m, bộ mái được lợp bằng tôn ximăng, các đầu đao ôm lấy bánh xe Luân hồi. Nền của chánh điện được lót bằng gạch hoa, chiều dài đo được 18m, rộng 12m và cao 6,1m, gồm 1 gian 2 chái với 4 hàng cột tròn đỡ lấy hai tầng mái. Trong đó, hàng cột thứ hai có đắp nổi hình hai con rồng đầu hướng vào nhau và cuộn dài theo chiều cao của cột.
Bên phải chánh diện là bàn thờ Tiêu Diện, bên trái là bàn thờ Hộ Pháp. Ở vị trí cao nhất trên điện thờ là tượng Thích Ca ngồi thiền định, tóc nổi bụt ốc, tai to chảy dài, hai mắt hiền từ nhìn xuống. Phối trí ở đằng sau là hình vẽ cây bồ đề, nơi đức Phật đã chứng ngộ. Ở tầng thứ hai thấp hơn là tượng Cửu Long bằng đồng, có hai Sám bài “Bồ tát thượng kỳ thú” bằng gỗ chạm trợ thủ. Tầng thứ ba là bộ tượng Di đà tam tôn, tầng thứ tư, thấp nhất là nơi để bát hương, chuông mõ và kinh sách nhật tụng.
Ở hậu liêu, đối xứng với gian giữa chánh điện là bàn thờ Tổ Đạt Ma, cũng như di ảnh và bài vị của các vị sư đã từng trụ trì. Nhà Tổ có chiều dài 18m, rộng 8m, cao 7m, gồm 5 gian 2 chái mái lợp tôn ximăng, rui mè, cột kèo tất cả đều được đúc bằng bê tông cốt thép. Ở gian giữa, là tượng Chuẩn Để tay cầm bát bửu ngồi trên đài sen. Đằng sau là bàn thờ các Phật tử ký tự. Các gian còn lại là nhà nghỉ, nhà khách và phòng hội họp.
Nhìn chung, Bửu Linh là ngôi chùa Việt có niên đại ra đời khá sớm ở vùng đất Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nên kiến trúc không còn giữ được những yếu tố ban đầu. Nhưng lối bố trí kiến trúc như hiện nay là hoàn toàn trùng khớp với tổng thể kiến trúc của ngôi chùa trước kia. Hơn nữa, chùa vẫn còn lưu giữ được rất nhiều di sản quý giá ở vùng đất này.
Theo lời kể của ông Trần Minh Mẫn (nguyên Trưởng Ban đại diện chùa) thì chùa có 108 tượng gỗ; 01 cây đèn Dược Sư với 49 tượng gỗ nhỏ gắn trên đó; 01 tượng Cửu Long bằng đồng nặng 40 kg; 04 bộ Kinh gỗ với hàng trăm bản làm khuôn in, bao gồm: Kinh Vu Lan, Phổ Môn, Hồng Danh, Di Đà; nhiều phù điêu và sám bài Bồ Tát thượng kỳ thú, cùng rất nhiều đồ thờ khác bằng đồng. Từ năm 1947 đến 1950, khi chính phủ phát động Tuần lễ vàng, thay mặt chùa Bửu Linh Hòa thượng Thích Quảng Đạt đã hiến rất nhiều hiện vật như: 01 bộ lư bằng đồng; 12 chân đèn đồng; 01 cái chuông vàng cao 8cm; 02 cái mâm đồng lớn (1)
Còn những di vật khác, do chiến tranh, mưa nắng, mối mọt nên phần nhiều đã bị hư hại, mất mát. Hiện nay, nhà chùa chỉ còn lưu giữ: 01 tượng Cửu Long bằng đồng; 01 cây đèn Dược Sư; 02 cặp liễn gỗ chạm nổi Long ẩn vân; 05 sám bài Bồ Tát thượng kỳ thú; 33 tượng gỗ; 67 bản kinh gỗ làm khuôn in.
Trong số những di vật này, đáng chú ý có tượng Cửu Long, các sám bài, tượng và bản kinh khắc gỗ. Tượng Cửu Long, được đúc bằng đồng pha với hợp kim, sau đó nung đen, nay sơn nhũ màu vàng.
Về các sám bài, theo Trần Hồng Liên trong cuốn Chùa Giác Lâm: di tích lịch sử - văn hóa, là hiện vật dùng trong việc thờ cúng tại các ngôi chùa cổ. “Sám là bái sám và Bài là bài vị. Bài vị dùng bái sám này thể hiện rõ đặc trưng của cư dân vùng đất mới”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, có thể thấy rằng thuở mới khai hoang mở đất, dù con người đã cố kết với nhau nhưng vẫn không trấn an được nỗi lo sợ của họ nơi vùng đất mới, thế là họ dựng miếu, đình để thờ thần, dựng chùa để thờ Phật, cầu mong sự ấm no, yên ổn. Và sự ra đời của các Sám bài cũng chính từ nhu cầu này, do nhỏ, gọn nên dễ dàng mang đến nhà của phật tử khi cầu cúng (cầu an, cầu siêu...). Bộ sám bài ở chùa Bửu Linh được chạm khắc trên gỗ hình ảnh của Phật Thích Ca và bốn vị Bồ Tát: Văn Thù, Phổ Hiền, Quan âm, Đại Thế Chí ngồi trên mình thú, với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, đặc sắc, đồng thời, nó còn là dấu ấn đầu tiên minh chứng cho hình thức tín ngưỡng Phật giáo vùng đất mới.
Trong 33 tượng gỗ hiện còn, tượng Thích Ca sơ sinh có chiều cao 63cm (bệ 25cm), tượng Hộ Pháp cao 148cm (bệ 18cm). Có tất cả 18 tượng đứng (trên bệ gỗ), 15 tượng ngồi. Trong đó có những tượng như: Quan Công; Tiêu Diện; Hộ Pháp; Địa Tạng cưỡi Đề Thính; Thập điện Diêm Vương (nay còn 9 tượng); Bồ đề Đạt Ma; Nam Tào, Bắc Đẩu;… Về hình dáng, một số tượng vẫn còn ảnh hưởng phong cách tạc của người Trung Hoa, với nét mặt thon, đôi mắt xếch, nhỏ, mày cong, mũi nhỏ, môi mỏng (tượng Thích Ca sơ sinh, Quan Âm với Thiện Tài Đồng tử). Còn hầu hết các tượng khác, đều được thể hiện với khuôn mặt mang yếu tố văn hóa của người Việt Nam bộ với cái nhìn an nhiên tự tại, phóng khoáng, cởi mở, không bị ràng buộc vào quy ước của cách tạc. Chính điều này đã làm cho các tượng có nét dí dỏm, gần gũi hơn, hiện thực hơn. Về cơ thể học, mặc dù các tượng chưa được cân xứng, với người mập, cổ ngắn nhưng lại thể hiện rõ quý tướng của Phật và các vị Bồ Tát bằng những đường nét tạo hình rất sống động, công phu, mang thần thái, khí sắc của bậc chân tu ngộ đạo.
Cũng trong 33 tượng này, đáng chú ý có bộ tượng Thập điện Diêm Vương. Bởi ở đây tập trung tất cả sự tinh tế, khéo léo của nghệ nhân tạc tượng. Hoa văn trên áo, mão, cùng một kiểu tay, một thế ngồi, một kiểu áo nhưng mỗi tượng một vẻ. Tinh xảo nhất là những đường nét thể hiện trên khuôn mặt, không vui không buồn mà toát lên vẻ trang nghiêm, trịnh trọng của người đang phán xử. Rồi sự thêm bớt hoa văn trên áo, mão tuy tiểu tiết, nhưng chính nó đã làm cho bộ tượng sinh động hơn, mềm mại hơn.
Các bản kinh khắc gỗ, với nhiều kích cỡ khác nhau, trong đó, bản dài nhất là trên 100cm và ngắn nhất là 29cm, được khắc theo thể khải thư ở cả hai mặt. Trong kinh có nhiều hình ảnh minh họa rất sống động, nét chữ thanh thoát, rõ ràng, nắm bắt được cái “thần” trong từng câu chữ, trong từng lời kinh Phật dạy. Điều đó chứng tỏ những người khắc kinh xưa, phải là những người có tay nghề cực giỏi và cũng là những người rất am tường kinh điển Phật giáo.
Trên đây là những tác phẩm điêu khắc của những người thợ bậc thầy, là những di sản quý của nền văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng, nhưng đáng tiếc những di sản này đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Sự bào mòn của tự nhiên, của các loại nấm mốc côn trùng và đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh. Trong 33 pho tượng còn lại, chỉ có 05 tượng là khá nguyên vẹn, còn những tượng khác: pho thì mất tay, chân; tượng bị thủng do đạn bắn; bị nứt, bể do mối mọt; có tượng chỉ còn phần đầu; có tượng đầu đã lìa khỏi thân,… Và để cứu vãn những pho tượng này, người dân địa phương đã lấy vữa hồ để gắn lại các tượng hoặc dùng sơn, phẩm màu tô quét mới. Đây là một việc làm tự phát, trước mắt, thiếu cơ sở khoa học, nhưng vẫn cần thiết trong khi các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn chưa quan tâm đến. Theo như ý của người dân ở đây, nếu không làm vậy thì thật đau lòng khi nhìn thấy các “ngài” tay một nơi thân một nẻo, và quan trọng hơn là phần lớn những pho tượng này sẽ sụp đổ vì mối mọt.
Số phận các bản kinh cũng chẳng hơn gì, khi hơn một nữa trong số đó đã không còn nguyên vẹn. Đây là những tạng kinh quan trọng của Phật giáo đại thừa, thường được làm phần lớn ở miền Bắc lại có mặt (được khắc) ở miền Tây Nam Bộ, mà rõ hơn là Sóc Trăng, nơi mà Phật giáo của người Khơme đã phát triển huy hoàng là điều hiếm có. Tiếc rằng hiện nay, ở chùa chưa có người thông thạo chữ Hán, nên những bản kinh này vẫn còn ngổn ngang chưa thể phân loại được.
Việc những di sản này ra đời và tồn tại cho đến ngày nay có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm hiểu về lịch sử giao thoa giữa các luồng văn hóa được chuyển dịch từ Bắc vào Nam, theo các đoàn di dân trên hành trình đi tìm đất mới. Nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn chưa có một động thái cụ thể nào đối với những di sản này, như: tuyên truyền, hướng dẫn và phối hợp với các nhà sư trong chùa tiến hành bảo quản, gìn giữ. Nếu không được cứu vãn kịp thời, thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, e rằng những di sản này sẽ chỉ còn trong những tài liệu ghi chép và trong ký ức của người dân nơi đây. Vô tình hay cố ý lãng quên, chúng ta đều sẽ có tội với tiền nhân, những người đã dày công kiến tạo.
Chú thích:
1. Về sự việc này, hiện nay nhà chùa vẫn đang còn lưu giữ Giấy biên nhận của chính quyền xã Hòa Tú lúc đó.