"Ai cho tôi tình yêu để làm đẹp cuộc đời"
Tôi ngồi đây, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, tại Đức để viết những dòng này gửi về Thảo, cùng những người bạn, người chị, người em khác...
Thảo thương, mình vẫn luôn mang theo hình ảnh một cô gái miền Tây Nam Bộ có nụ cười tươi và chất phác trong chiếc áo bà ba trắng đơn sơ và mái tóc dài thùy mị. Đó là những ngày chúng ta gặp nhau ở ký túc xá, cùng đạp xe đến giảng đường mỗi sáng, mỗi chiều... Rồi một ngày nọ, mình gặp Thảo bên một tòa nhà cao tầng với mái tóc nửa màu hung cháy và trang phục đời mới ôm lấy thân hình thon thả của Thảo. Mình đã dụi mắt để không cho hạt bụt che mắt mình. Sự đổi thay dáng hình của Thảo không ngăn được lời tâm sự năm xưa vọng về: “Thảo sợ một ngày nào đó, Thảo phải đổi thay, Thảo không còn là Thảo nữa...” Giọt nước mắt lấp ló chực trào qua mi, Thảo khẽ chớp mắt để giữ nó lại. Rồi giọng Thảo nghẹn ngào: “Chắc má Thảo sẽ buồn lắm!” (Má Thảo là một giáo viên miền quê hiền hậu mà Thảo đã từng kể cho mình nghe qua lời tâm sự đầy tin yêu và cách sống giản dị của Thảo trong những ngày Thảo mới rời quê lên thành phố).
Lúng túng, tôi buột miệng hỏi: “Thế còn Tùng?” (bạn trai của Thảo đang ở thành phố). Thảo oà khóc. Tôi bối rối vì mình điểm trúng huyệt của bạn. Tôi ngồi yên, đặt nhẹ bàn tay lên vai Thảo và cảm nhận nỗi nợ hãi trước quyết định mình phải thay đổi chính mình của Thảo. Một cảm giác hoang mang cơ hồ chặn ngang lối về của chúng tôi. Đưa cho Thảo mẩu khăn giấy, tôi thấy lòng mình chùng xuống khi nhìn thấy sức mạnh quyến rũ của nhu cầu muốn sống sót ở thành phố trong cái tuổi mới lớn nhiều ham muốn của chúng tôi. Tôi chạnh nhớ lời ba tôi cùng cái nhíu mày, nhăn trán khi tôi xin Ba cho phép tôi sống xa gia đình. Ba tôi lạnh lùng buông tiếng: “đi đâu cũng được, làm gì cũng được, nhưng đừng đem cái không hay về nhà này...” Lời cảnh báo của ba tôi càng làm cho tôi muốn rời gia đình để học nhiều điều khác, để mở mang kiến thức và sự hiểu biết của một đứa trẻ có óc tò mò như tôi. Nhưng đồng thời tôi cũng muốn tìm học cách phòng thủ, ngăn chặn những thói hư tật xấu. Để khi xa nhà tôi không bị kéo theo phong cách của thời đại mới mà ba tôi thường nhắc: “Nó không thích hợp với cái nhà này”. Đầu óc trẻ con khôn ngoan của tôi lúc đó vừa muốn khám phá, học hỏi cái thế giới quyến rũ trước mắt cùng các bạn nhưng vẫn là một đứa trẻ cần tổ ấm gia đình trong tình thương của ba mẹ. Vẫn luôn muốn là một đứa con ngoan, trò giỏi và biết nghe lời...
Giờ đây những ngày đi học xa, tôi mới biết thương sự bảo bọc trong lời răn nghiêm khắc và cái nhìn nghiêm nghị của ba tôi. Bây giờ ngồi đây tôi thấy thương cho vầng trán của Ba. Tự nhiên tình thương của tôi ứa ra vị ngọt của hiểu, nó có mặt và xóa dần những nếp nhăn đầy lo lắng của ba tôi, và làm lắng dịu dòng cảm xúc mỗi lần tôi bắt gặp hình ảnh Thảo đi xe đời mới với Tùng, mái tóc Thảo tung bay cùng với nụ cười vang trên phố. Những lúc đó tôi không biết Thảo có hạnh phúc không? Nhưng tôi thấy Thảo không còn thời gian để đến lớp, đến thư viện hay quanh quẩn bên hiên chùa học bài, không còn thời gian hát những bài dân ca cho chúng tôi nghe nữa... Giọng ca mượt mà đồng quê của Thảo đã kéo Thảo đến với vũ trường, nhạc hội, khách sạn cho đến khuya mới trả Thảo về như một cái xác không hồn. Rồi Thảo ra nhà trọ ở, và tôi không còn gặp Thảo nữa. Nhưng có rất nhiều Thảo chị, Thảo em cũng đã rơi vào hoàn cảnh như Thảo. Để rồi mỗi khi đi ngang qua cầu thang ký túc xá, tôi bắt gặp hình ảnh từng đôi bạn quấn chặt lấy nhau là tôi lại nhớ về Thảo, những bước chân của tôi trở nên nặng chịch như đang mang một cái gông. Tôi leo lên mấy tầng lầu xong là hết sức...
Hôm nay, sống trong lòng Học viện, những nấc thang bỗng nhiên đưa tôi về gặp Thảo, một chút gì chợt len lỏi trong lòng tôi. Tôi mỉm cười xác nhận sự hiện diện của Thảo trong bước chân và hơi thở của mình. Trước mặt tôi, sau lưng tôi vang vọng từng nhịp bước vững vàng cùng tà áo nâu thân thương. Tôi đã nhìn thấy Thảo trong bước chân, tà áo của sư chị, sư em mình. Thảo sống lại, lành lặn, hồn nhiên, đầy nhiệt huyết... Tôi cười vì được gặp lại Thảo nguyên vẹn như chưa hề thay đổi. Những bước chân lên cầu thang của tôi thật nhẹ và vui mà không còn đeo gông như lúc trước nữa. Thảo hiển hiện trong tôi và các sư chị sư em tôi như những ngày chúng tôi mới gặp nhau. Thảo ơi, tôi muốn nói với Thảo một điều: “Thảo có thể sống tốt mà không cần phải đánh mất mình, Thảo có thể làm mới lại cuộc đời mình khi Thảo còn hơi thở và bước chân.”
langmai.org