Từ những năm 1970, Thầy đã bắt đầu dùng từ Bụt để thay thế cho danh từ Phật trong nhiều trường hợp. Trong các danh từ Hán Việt, từ Phật vẫn còn được Thầy sử dụng, như Phật giáo, Phật học, Phật tính, Phật tử, v.v.. nhưng từ Bụt như một từ Nôm đã được Thầy sử dụng trong tất cả mọi trường hợp khác. Ví dụ: ‘Bụt gọi thầy A Nan ‘ hoặc ‘ Thầy Xá Lợi Phất lên gặp Bụt’.
Dân tộc ta đã từng gọi Buddha là Bụt ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất của Tây lịch và vẫn còn sử dụng từ ấy cho đến ngày nay trong văn chương truyền khẩu. Phát âm ‘Phật’ là do ảnh hưởng Trung Quốc, và ta chỉ bắt đầu phát âm như thế từ lúc quân nhà Minh sang xâm chiếm nước ta.
Chính thầy Khuy Cơ, cao đệ của thầy Huyền Trang cũng đã từng nói rằng Buddha phiên âm là Bột mới đúng, phiên âm thành Phật là sai. Nhận thức ấy đến hơi trễ, thành ra người Trung Quốc không sửa sai lại kịp (*).
Không có lý do gì mà một dân tộc phải đi theo sự sai lầm của một dân tộc khác. Các dân tộc khác trong vùng đều phát âm Buddha là Bụt như Thái Lan, Nhật Bản, Miến Ðiện, Tây Tạng, v.v..
Thầy nói sử dụng cách phát âm Bụt không có nghĩa là mình không còn sử dụng những danh từ Hán Việt có chữ Phật, và như vậy ta chỉ là làm giàu thêm cho tiếng Việt. Ví dụ ta có thể sử dụng cả hai danh từ tâm Bụt (tâm Bụt không đâu không từ bi) và Phật tâm (Phật tâm vô xứ bất từ bi). Mãi đến thế kỷ thứ mười bốn, dân ta vẫn còn sử dụng danh từ Bụt trong văn chương bác học, như vua Trần Nhân Tông đã sử dụng trong các bài phú Ðắc Thú Lâm Truyền Thành Ðạo Ca. Chúng ta chỉ mới bắt chước người Trung Quốc phát âm chữ Phật từ sau đó, nghĩa là chỉ mới sáu trăm năm. Chỉ mới trôi qua hai chục năm từ ngày ta sử dụng âm Bụt trở lại mà danh từ này đã trở thành sống động, mọi người nghe đã quen tai và cảm thấy rất gần gũi với Bụt khi nghe và sử dụng lại cách phát âm này.
Sư Cô Chơn Không
Chú Thích:
(*) Ðại Sư khuy Cơ, cao đệ của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, đời Ðường, trong sách Ðại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, quyển thứ sáu, có nói ‘Bột Ðà (Buddha) là tiếng Phạn, gọi tắt một cách sai lầm là “Phật” (Phạn văn Bột Ðà, ngọa lược vân Phật)’
(Trích Lá Thư Làng Mai 25 ngày 12-02-2002)