Giảng giải kinh Kính Diện Vương (phần cuối)

Bài kệ 6
Tất vô nguyện ư lưỡng diện                      悉無願於兩面
Thai diệc thai xả viễn ly                            胎亦胎捨遠離
Diệc lưỡng xứ vô sở trú                            亦兩處無所住
Tất quán pháp đắc chánh chỉ                    悉觀法得正止

Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Tất vô nguyện ư lưỡng diện                     悉無願於兩面
Thai diệc thai hợp viễn ly                         胎亦胎合遠離
Diệc lưỡng xứ vô sở trú                           亦兩處無所住
Tất quán pháp đắc chánh chỉ                   悉觀法得正止

Không kẹt vào cái nhìn lưỡng nguyên, không kẹt vào ý niệm đời này và đời sau, bậc trí giả đi vào con đường trung đạo, quán chiếu các pháp để đạt tới thiền định chân chính.

Tất vô nguyện ư lưỡng diện: Lưỡng diện là hai mặt như ý niệm có-không (being-non being). Kẹt vào một trong hai ý niệm thì mình không thấy được sự thật. Nói sự vật “có“ thì kẹt vào một bên , nói sư vật “không“ thì kẹt vào bên khác. Cái nhìn của mình phải vượt lên khỏi hai thái cực “có và không“. Nó phải nằm ở chỗ trung đạo, không có, không không, không tới, không đi, không còn, không mất, không sinh, không diệt, không một, không nhiều. Cái nhìn của mình thường là cái nhìn lưỡng nguyên, mình phải thực tập quán chiếu để đừng bị kẹt vào trong cái nhìn nhị nguyên đó.

Thai diệc thai xả viễn ly: Không kẹt vào ý niệm đời này hay đời sau. Thai là đầu thai, đầu thai lại đời này, đời kia (có sự phân biệt giữa đời này và đời sau). Thay vì chữ xả, trong bản Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội có chữ hợp  合. Hợp có nghĩa là cùng lúc. Nghiên cứu ý niệm này rất quan trọng đứng về mặt lịch sử tư tưởng Phật giáo. Trong Kinh Kim Cang nói, có bốn ý niệm mình phải lấy ra khỏi đầu của mình. Đó là ý niệm con người (nhân), ý niệm ta (ngã), ý niệm chúng sanh và ý niệm thọ mạng. Ý niệm thọ mạng là nghĩ rằng đời của mình có lúc bắt đầu và có lúc chấm dứt. Trên dòng thời gian có một chấm gọi là điểm sinh và một chấm gọi là điểm diệt. Mình ra đời ở điểm sinh và mình chết đi ở điểm diệt, trước đó mình không có và sau đó mình cũng không có. Đó gọi là thọ mạng, quan niệm này mình phải lấy ra khỏi đầu mình; không phải vì sinh mà mình có, không phải vì diệt mà mình không có. Ý niệm về đời này và đời khác liên hệ tới chuyện lưỡng biên. Vượt qua sinh, vượt qua diệt, không bị kẹt vào ý niệm sinh diệt thì ý niệm về đời này và đời khác không còn nữa.

Sau này, trong Kinh Pháp Hoa có nói, thọ mạng của chư Bụt là vô lượng. Nếu thọ mạng của chư Bụt là vô lượng thì thọ mạng của mình cũng là vô lượng, thọ mạng của chiếc lá, của đám mây cũng vô lượng. Vượt được ý niệm thọ mạng thì vượt được ý niệm về có và không, sinh và diệt. Đứng về phương diện tư tưởng thì ý này sẽ phát sinh thành tư tưởng trung đạo của Đại Thừa. Đương thời, người ta có khuynh hướng cho rằng cuộc đời này có nhiều hệ lụy, khổ đau, vì vậy mình phải cầu sinh lên một cõi khác sung sướng hơn. Theo tư tuởng Bà La môn giáo, người ta mong sau khi chết mình được sanh lên cõi Phạm Thiên, ở chung với Đức Phạm Thiên tức Thượng Đế. Còn Cơ Đốc giáo nói, sau khi chết đi mình sẽ được sanh lên nước Chúa tức Thiên quốc và được ngồi dưới chân của Chúa. Tịnh Độ Tông nói, cuộc đời ta bà có nhiều đau khổ, mình phải phát tâm chán ghét cõi ta bà này để sau này được sanh sang cõi Cực Lạc, làm đệ tử của Đức A Di Đà và ở đó luôn cho tới khi thành Bụt. Đó là ý niệm đời này đời kia, người ta có khuynh hướng chọn một cái và bỏ một cái.

Người ta nói, kiếp này mình phải tạo phước đức để kiếp sau được sinh ra trong hàng chư thiên (hi vọng là kiếp sau sẽ khá hơn). Đó gọi là thai diệc thai, là ý niệm kiếp này và kiếp khác. Đây là những cái kẹt. Một người giải thoát, một bậc mâu ni phải vượt thoát những cái kẹt đó. Không chán ghét đời này, cũng không mơ tưởng đến đời sau, không chán ghét cõi này, không cầu mong cõi khác. Khi có giải thoát rồi thì cõi này và cõi khác chỉ là một. Thai diệc thai hợp viễn ly là buông bỏ hết ý niệm đời này và đời khác. Chữ hợp đúng hơn chữ xả.

Diệc lưỡng xứ vô sở trú: Bậc trí giả đi vào con đường trung đạo. Lưỡng xứ cũng như lưỡng diện là những cặp đối nghịch nhau như có - không, tới - đi, còn - mất, sinh - diệt, một - khác, do cái nhìn lưỡng nguyên mà có. Thoát khỏi cái nhìn lưỡng nguyên thì mình đi vào trung đạo. Vô sở trú là không bị kẹt vào một trong những ý niệm.
Tất quán pháp đắc chánh chỉ: Chánh chỉ là samatha, nhìn sâu vào trong các pháp để đạt tới thiền định chân chính.

Bài kệ 7
Ý thọ hành sở kiến văn                          意受行所見聞
Sở tà niệm tiểu bất tưởng                      所邪念小不想
Tuệ quan pháp cảnh kiến ý                    慧觀法竟見意
Tùng thị đắc xả thế không                     從是得捨世空

Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Ý thọ hành sở kiến văn                            意受行所見聞
Sở tà niệm tiểu bất tưởng                        所邪念小不想
Tuệ quan pháp ý kiến ý                           慧觀法意見意
Tùng thị đắc xả thế không                       從是得捨世空

Phải quán chiếu về những gì thấy, nghe và cảm nhận, đừng để khởi lên tà niệm và bị kẹt vào tri giác sai lầm. Dùng trí tuệ để quán chiếu tâm ý và đối tượng tâm ý để buông bỏ được tất cả, không còn bị vướng vào một pháp nào trong thế gian.

Ý thọ hành sở kiến văn: Những đối tượng của tâm ý như một tư tưởng, một cảm thọ, một cái thấy, một cái nghe.
Sở tà niệm tiểu bất tưởng: Làm thế nào để vượt qua tà niệm càng nhiều càng tốt. Tà niệm là những ý niệm và tư tưởng sai lầm. Phải quán chiếu về những gì thấy, nghe và cảm nhận, đừng để khởi lên tà niệm và bị kẹt vào tri giác sai lầm.
Tuệ quán pháp cảnh kiến ý: Trong bản của thầy Tăng Hội viết là: Tuệ quán pháp ý kiến ý. Thay vì chữ cảnh là chữ ý. Ý kiến ý  là tâm ý và đối tượng của tâm ý. Phải dùng trí tuệ để quán chiếu các pháp tức tâm ý và đối tượng của tâm ý (năng và sở).
Tùng thị đắc xả thế không: Nhờ đó mà buông bỏ được tất cả những sai lầm trong cuộc đời, không bị vướng vào một pháp nào nữa trong thế gian.

Bài kệ 8

Tự vô hữu hà pháp hành                     自無有何法行
Bổn hành pháp cầu nghĩa đế                本行法求義諦
Đản thủ giới cầu vi đế                         但守戒求為諦
Độ vô cực chúng bất hoàn                   度無極眾不還

Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:
Tự vô hữu hà sở đắc                           自無有何所得
Bồn hành pháp cầu nghĩa đế                本行法求義諦
Đản thủ giới cầu vi tuệ                        但守戒求為慧
Độ vô cực chung bất hoàn                   度無極終不還

Nếu các pháp không thật sự hiện hữu, thì còn pháp nào nữa để cho ta bị kẹt vào? Phải tìm trong pháp hành trì của mình cái đệ nhất nghĩa đế, cái sự thật đích thực. Không bị kẹt vào nghi lễ và giới cấm, không cho đó là chân lý, nhờ đó mà vượt qua được bờ bên kia, không bao giờ còn trở lại chốn tử sinh.

Tự vô hữu hà pháp hành: Trong bản của thầy Tăng Hội là Tự vô hữu hà sở đắc. Các pháp tự nó là không. Nếu nói các pháp đều hư giả, trống rỗng thì còn có pháp nào để mình hành trì? Chấp vào một pháp hành trì, cho đó là tuyệt đối thì mình bị kẹt. Đọc đoạn này chúng ta nhớ một câu trong Tứ Thập Nhị Chương: Ngã pháp hành vô hành hành. Pháp của tôi là hành cái không hành, hành nhưng không thấy hành. Cũng như mình ăn chay nhưng mình không thấy mình ăn chay, mình không tự hào tự phụ. Mình ăn chay rất tự nhiên, mình không nói: “Tôi ăn chay còn họ ăn mặn.” Khi đi thiền hành thì mình chỉ đi thiền hành thôi mà không mong đợi người khác khen ngợi, không cố ý cho người khác thấy là mình đang đi thiền hành: “Tôi đang đi thiền hành đây, mọi người có thấy không”

Mình hành mà không bị kẹt vào hình thức gọi là hành vô hành hành hay hành vô tướng. Ngã pháp hành vô hành hành, tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng, đó là một câu trong Tứ Thập Nhị Chương. Vì vậy câu “Tự vô hữu hà pháp hành” cũng đúng. Nhưng trong bản của thầy Tăng Hội là “Tự vô hữu hà sở đắc”. Chúng ta tin bản dịch của thầy Tăng Hội đúng hơn vì nó có nghĩa và nó gần với nguyên văn hơn.
Tự vô hữu hà sở đắc: Nếu các pháp tự nó không thật sự có, thì có pháp nào để mình có thể nắm bắt được đâu? Đó là vô sở đắc.

Trong Kinh A Nậu La Độ viết:
“Có một số các vị du sĩ ngoại đạo tới thăm đại đức A Nậu La Độ và đặt câu hỏi với thầy như sau:
“Này hiền hữu, đức Như Lai, người được tôn xưng là bậc đã chứng ngộ quả vị cao tột, thế nào cũng đã giảng cho hiền hữu nghe về bốn mệnh đề sau đây: một là sau khi chết đức Như Lai vẫn còn; hai là sau khi chết đức Như Lai không còn; ba là sau khi chết đức Như Lai  vừa còn vừa không còn; bốn là sau khi chết đức Như Lai vừa không còn vừa không không còn. Hiền hữu nói cho chúng tôi nghe đi.
Đại đức A Lậu La Độ trả lời: “Thưa các hiền hữu, đức Như Lai, người đã chứng ngộ quả vị cao nhất chưa bao giờ từng nói và giảng về bốn mệnh đề đó.” Nghe vậy, những vị du sĩ nói với nhau: có lẽ ông thầy tu này mới xuất gia, hoặc nếu đã xuất gia lâu rồi thì sự thực tập của ông ta vẫn chưa sâu sắc. Không đồng ý với đại đức họ bỏ đi.
Sau khi các vị du sĩ đi rồi, đại đức A Nậu La Độ suy nghĩ: “Nếu các vị du sĩ ngoại đạo kia cứ tiếp tục hỏi như thế thì ta phải trả lời như thế nào cho đúng với sự thật và không sai với ý của Bụt? Ta phải trả lời như thế nào cho đúng với chánh pháp và để đừng bị người đồng đạo chê trách?”
Rồi đại đức đi tới nơi Bụt ở trình bày lại những điều đã xảy ra
Bụt nói:
- Này thầy A Nậu La Độ, thầy nhìn tôi đi. Tôi bây giờ đang ngồi   trước mặt thầy. Thầy nghĩ sao? Hình hài này có phải là tôi không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Thầy có thể tìm tôi ngoài cái hình hài này không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Thầy có thể tìm tôi trong cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Có thể tìm tôi ngoài cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Thầy có nghĩa là Như Lai là một cái gì vượt ra khỏi cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.
- Này thầy A Nậu La Độ, đi tìm tôi ngay khi tôi còn sống đây mà còn không tìm ra được thì thử hỏi đi tìm tôi sau khi tôi đã ẩn diệt trong khuôn khổ bốn mệnh đề: còn, không còn, vừa còn vừa không còn, vừa không còn vừa  không không còn, đó có phải là chuyện có thể làm được hay không?
- Bạch đức Thế Tôn, không.”
Tất cả các pháp, dù là Đức thế Tôn hay là một đám mây, mình đều không thể nắm bắt được, đó gọi là bất khả đắc.

Hồi tôi còn được điều trị tại Massachusetts General Hospital hội đồng bác sĩ nói, có thể tôi bị một trong hai con vi khuẩn xâm nhập vào phổi. Con thứ nhất là một con Pseudomonas và con thứ hai là một con Microbacteria. Các bác sĩ đến họp với tôi trong phòng và nói:
- Trong trường hợp này, thủ phạm gây ra bệnh sưng phổi của thầy, một là con vi khuẩn Pseudomonas, hai là con vi khuẩn Microbacteria, ba là cả hai con vi khuẩn này cùng hợp tác lại để tấn công phổi của thầy.
Tôi nói:
- Không được! Ít nhất là phải có bốn phạm trù. Phạm trù thư tư là có một loại vi khuẩn khác mà các vị chưa tìm ra. Tôi lý luận như thế có đúng không?
Bác sĩ nói:
- Có thể đúng!
Đó gọi là tứ cú. Ly tứ cú là vượt khỏi bốn phạm trù, ly là bỏ được.
Nếu các pháp trong tự thân, không có pháp nào thật sự có, thì làm thế nào để nắm bắt được một pháp? Tư tưởng vô đắc đã có sẵn trong các Kinh nguyên thỉ
Bổn hành pháp cầu nghĩa đế: Phải biết tìm cái đệ nhất nghĩa đế trong pháp hành trì của mình và đừng nên kẹt vào phương pháp hành trì đó. Phải biết tìm cái sự thật tuyệt đối, mà đừng tìm cái sự thật tương đối. Trong sự thật tương đối thì có trên, có dưới, có trong, có ngoài, có chủ thể, có đối tượng. Ví dụ như mình tin có cái tâm chủ quan của nhà đạo sĩ hay nhà khoa học và có thế giới khách quan bên ngoài. Tâm của mình từ trong đi ra để nắm bắt thế giới bên ngoài. Đó là cái thấy lưỡng nguyên. Theo cái thấy lưỡng nguyên thì có một chủ thể và một đối tượng, đối tượng nằm ngoài chủ thể và chủ thể nằm ngoài đối tượng. Kẹt vào đó thì mình thấy có một cặp: ý thức là cái ở trong và thế giới là cái ở ngoài. Bụt dậy, mình phải vượt thoát cái nhìn lưỡng nguyên ấy. Nhà đạo học và nhà khoa học phải vượt thoát khỏi cái thấy lưỡng nguyên thì mới tiến xa được trên con đường tu học, cũng như trên con đường nghiên cứu. Hiện khoa học bây giờ bây giờ đang vùng vẫy hết sức để thoát ra khỏi cái đó.

Trong chuyện Winnie the Pooh có đoạn kể: “Một buổi sáng Pooh đi chơi trên tuyết. Nó đi được một vòng thì hốt hoảng thấy có dấu chân của một con vật lạ trên tuyết. Nó sợ hãi: Trời ơi! Có một con vật nào đó có thể rất nguy hiểm đã tới đây! Nó nói với Piglet: “Nguy hiểm lắm!” Đi một vòng nữa nó thấy không phải là một dấu chân mà là hai dấu chân. Nỗi lo sợ của nó càng tăng lên: “Nguy quá, có có tới hai con vật lạ xuất hiện ở đây.” Sau đó, Christopher Robin nói với nó: “Đây chính là dấu chân của bạn chứ không có con vật nào khác!” Nhà khoa học cũng vậy, cứ tưởng cái thế giới bên ngoài đó không phải là tâm của mình, kỳ thực cái thế giới bên ngoài đó cũng là tâm của mình. Arthur Eddington, một nhà thiên văn học bên Anh đã nói: Trên một bến bờ xa lạ, mình đã khám phá ra dấu chân của một người lạ. Mình ngạc nhiên quá! Ai đến đây trước mình? Tìm cách đến gần dấu chân đó để quan sát thì mình khám phá ra  một điều rất ngạc nhiên, đó là dấu chân của chính mình!” Cái mình gọi là ngoài kia, là đối tượng, nó cũng là một với chủ thể. Cái thấy lưỡng nguyên là một trở ngại không cho mình thấy được sự thật.

Mình không để mình kẹt vào trong sự hành trì của mình và mình sử dụng phép hành trì đó  để đi tìm sự thật đích thực, hay chân đế, đệ nhất nghĩa đế. Sự thật đích thực vượt thoát ý niệm chủ thể và ý niệm đối tượng, trong và ngoài. Kinh này tiếng Pali gọi là Paramattha sutta (Kinh Đệ Nhất Nghĩa Đế).

Nếu các pháp, không có pháp nào thật sự có, thì làm sao mình có thể nắm bắt được? Trong khi sử dụng một pháp môn để hành trì, mình phải khéo léo, đừng để bị kẹt vào nó. Mình phải sử dụng nó cho thông minh để tìm cho được sự thật tuyệt đối, sự thật vượt khỏi cái nhìn nhị nguyên, lúc đó mình mới thật sự có giải thoát. Nếu triết học và khoa học vẫn loanh hoanh trong cái nhìn nhị nguyên thì vẫn không đi tới đâu.

Đản thủ giới cầu vi đế: Chữ cầu 求 ở đây có thể là chữ vị  未  viết sai tại vì hai chữ hơi giống nhau. Mình bị kẹt vào giới cấm và nghi lễ mà mình đang hành trì, mình nghĩ nhờ nó mà mình có giải thoát để lên với Phạm Thiên. Khi đọc câu kinh này chúng ta phải hiểu câu này phản ánh bối cảnh tôn giáo thời đức Thế Tôn. Thời ấy những vị tu sĩ Bà La Môn có những giới cấm và nghi lễ khá phức tạp, họ tin nếu làm theo đó thì họ có thể được thanh tịnh hóa và sinh lên cõi Phạm Thiên để cộng trú với Đức Phạm Thiên. Họ bị kẹt vào giới cấm và nghi lễ, bị kẹt vào đó thì chưa phải là đế (sự thật). Vị 未 là chưa phải, chữ vị đúng hơn chữ cầu.
Độ vô cực chúng bất hoàn: Trong bản của thầy Tăng Hội thay vì chữ chúng 眾 là chữ chung 終, hai chữ đọc hơi giống nhau. Không bị kẹt vào nghi lễ và giới cấm, không cho đó là chân lý, nhờ đó mà vượt sang được bờ bên kia. Vô cực là đáo bỉ ngạn (paramita). Thời đó, người ta chưa dùng chữ đáo bỉ ngạn. Đây là buổi đầu của công trình phiên dịch nên còn thiếu chữ nghĩa, thầy Tăng Hội và cư sĩ Chi Khiêm đã dùng chữ vô cực. Bất hoàn là không trở lại (vượt được qua bờ bên kia và không còn trở lại chồn tử sinh).

Kinh này có thể soi sáng cho cả triết học và khoa học. Theo Kinh, sự giải thoát không do cái thấy nhị nguyên đem lại. Mình có một chủ trương, một học thuyết, một triết lý, nhưng nếu không vượt thoát được cái nhìn nhị nguyên thì dù chủ thuyết có hay cách mấy cũng không giải phóng cho mình được. Kẹt vào sự hành trì nghi lễ và cấm giới, nghĩ rằng nhờ nghi lễ và giới cấm mà mình đạt tới sự giải thoát là sai lầm.

Trong đạo Bụt có nhiều người bị kẹt vào nghi lễ và giới cấm, bên đạo Công giáo cũng vậy. Mình làm vài cử chỉ, đọc lên vài câu và tưởng như vậy là đủ rồi. Ví dụ như trước khi ăn mình đọc Năm Quán, nhưng đến khi ăn thì khác, mình cứ nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ. Mình không quán chiếu gì cả. Hay khi lạy thì mình lạy như cái chày giã gạo mà không hề có niệm, có đinh, có tuệ trong đó. Đó gọi là bị kẹt vào nghi lễ và giới cấm. Hoặc khi mình dâng hương, miệng mình nói: “Xin cho khói trầm thơm. Kết thành mây năm sắc” mà bụng mình thì nghĩ, sao hôm nay giọng mình chán quá, chắc mọi người sẽ chê mình. Thành ra trầm thơm không có mà mây năm sắc cũng không có.

Ở nhà thờ, khi làm lễ bí tích thánh thể, vị cha nâng bánh lên, đọc một câu trong Thánh Kinh: Bánh này là hình hài của Chúa. Rồi ông bẻ bánh ra và phân phát vào miệng mọi người. Nếu vị cha hay vị mục sư trong khi làm lễ mà có niệm, có định, thì nhìn vào miếng bánh ông thấy rất rõ đây là thân thể của vũ trụ, và lời nói của ông tạo ra chánh niệm và chánh định. Nếu trong nhà thờ, mọi người có niệm và định, tự nhiên miếng bánh trở thành hình hài của Chúa thật và khi bỏ bánh vào trong miệng, mình tiếp xúc được với sự sống. Nhưng nếu vị cha hay vị linh mục mà không có niệm, không có định, không có tuệ mà chỉ làm những cử chỉ bề ngoài thôi thì đó là kẹt vào nghi lễ và cấm giới. Mình nghĩ rằng, đọc được những câu thần chú, làm được những ấn quyết thì sẽ đưa tới một sự thay đổi, một sự tịnh hóa nào đó. Nhưng nếu không có niệm, định, tuệ thì mình bị kẹt vào giới cấm và nghi lễ. Điều đó rất kiêng trong đạo Bụt. Không bị kẹt vào giới cấm và nghi lễ cũng chưa có thể đạt tới trí tuệ về chân lý, phải có niệm và có định và phải quán chiếu mới có thể vượt qua bờ bên kia và không bao giờ trở lại luân hồi sinh tử nữa.


(đây là bài pháp thoại Sư Ông giảng vào ngày 04.02.2010 tại chùa Cam Lộ, xóm Hạ, đạo tràng Mai Thôn, trong khóa An Cư mùa Đông 2009-2010.)

phiên tả: Chân Giác Lưu

(Langmai.org)

hoa sen7.jpg