PHẬT GIÁO TRUNG HOA


http://dotchuoinon.files.wordpress.com/2009/08/tumieu1.jpg

Phật giáo du nhập vào Trung quốc từ thế kỷ thứ I theo con đường tơ lụa, và sau một thời kỳ thích ứng khá khó khăn đã bành trướng rất nhanh chóng và hòa nhập với nền văn hóa sẵn có trên phần đất này. Tuy nhiên sự hội nhập đó cũng đã biến đổi Phật giáo Ấn độ thành ra Phật giáo Trung hoa.

Phật giáo du nhập vào Trung quốc

"Biên niên sử" nhà Hậu Hán ghi chép các biến cố xảy ra trong triều đình cũng như trong dân gian từ năm 25 đến năm 220 (theo Tây lịch) có ghi một đoạn như sau : vào năm 65 Minh đế nhà Hán ban bố lệnh ân xá cho tất cả những người bị kết án tử hình, nhưng họ phải nộp một số thuế bằng lụa gọi là để chuộc tội. Người em khác mẹ của Minh đế là Ying de Yang trước đây bị kết án tử hình vì bất tuân luật pháp của triều đình, liền mượn dịp này dâng lên hoàng triều ba mươi cây lụa để bày tỏ sự ăn năn của mình và hứa sẽ chay tịnh và tuân theo những lời chỉ dạy của Lão Tử, Hoàng đế (tức vị vua thứ nhất trong Ngũ đế, Vị Hoàng thứ ba cuả Tam-Hoàng, sáng lập ra đế quốc Trung hoa, - 2697 - 2597 trước Tây lịch)...và của Đức Phật. Trên đây là bằng chứng lịch sử cho thấy Phật giáo đã bành trướng trong xã hội Trung quốc vào thời nhà Hán, và có thể việc ân xá cho tử tội cũng là một hành vi ảnh hưởng từ giáo lý từ bi của Đức Phật. Dầu sao thì sự kiện trên đây cũng cho thấy là Phật giáo đã được truyền vào Trung quốc ít nhất là trước năm 65. Theo bộ Lược sử nhà Ngụy do sử gia Ngư Hoạn (Yu Huan 魚豢) ghi chép vào thế kỷ thứ III thì Phật giáo đã du nhập vào Trung quốc từ năm thứ 2 trước Tây lịch.

Ngoài những câu chuyện có tính cách lịch sử như trên đây thì còn có rất nhiều huyền thoại liên quan đến sự kiện Phật giáo được truyền bá vào Trung quốc. Có một huyền thoại kể rằng Phật giáo đã du nhập vào Trung quốc từ thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, khi Khổng Tử còn tại thế và Khổng tử lúc sinh tiền cũng được biết về Đức Phật. Ngoài ra còn có những huyền thoại khác cho rằng chính hoàng đế A-dục của Ấn độ (thế kỷ thứ III trước Tây lịch) đã giao cho một nhà sư mang kinh sách sang Trung quốc...

Vào thế kỷ thứ VII, dưới thời nhà Đường có một học giả tên là Zhisheng (669 - 740) Huyền–Giác Thiền-Sư viết một quyển sách với tựa đề là Fofa dong liu zhuan (Truyền bá Phật Pháp sang phương đông) gom góp rất nhiều truyền thuyết liên quan đến việc phổ biến Phật giáo vào lãnh thổ Trung quốc. Trong quyển sách này có một truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ thứ XI trước Tây lịch Diệu đế của nhà Chu nằm mơ thấy có một vị Đại hiền nhân ra đời thuyết giảng một giáo lý mới và giáo lý ấy sẽ được truyền bá khắp Trung quốc sau này. Sau khi thống nhất lãnh thổ một thế kỷ sau đó thì Võ đế  lại có một điềm mộng báo cho biết là Đức Phật vừa tịch diệt ! Vào năm 60 sau Tây lịch, Minh đế nhà Hậu Hán nằm mộng trông thấy một người toàn thân tỏa sáng như vàng... Quần thần giải đoán điềm chiêm bao này và quả quyết cho rằng đấy chính là Đức Phật đã hiện ra với Minh đế. Vị hoàng đế này liền viết một bức thư sai sứ thần mang đi Ấn độ để thỉnh kinh.

Sứ thần và đoàn tùy tùng thỉnh được rất nhiều kinh sách từ Ấn độ và chuyên chở trên lưng một con ngựa trắng để mang về trình lên Minh đế. Vua Minh đế liền ra lệnh xây một ngôi chùa đặt tên là Bạch Mã tại phía Tây kinh đô Lạc Dương. Sau đó vào năm 68, vua Minh đế tổ chức một buổi lễ thật long trọng và tuyên bố chay tịnh để đánh dấu một sự kiện trọng đại là hai nhà sư người Ấn sau khi đối chiếu niên biểu Trung hoa với niên biểu Ấn độ đã chính thức đưa lịch sử cuộc đời Đức Phật vào niên biểu của Trung quốc. Dầu sao thì bảng niên biểu này cũng đã được Minh đế duyệt xét và ấn định cho phù với sự luân chuyển mùa màng và sự hài hòa của trời đất. Sự kiện trên đây cho thấy Đạo Phật ngay khi mới bắt đầu được truyền bá vào Trung quốc cũng đã phải thích nghi với sự tuần hoàn của thiên nhiên và vũ trụ theo những khái niệm sẵn có từ trước của nền tư tưởng và văn hóa Trung hoa.

Lịch sử phát triển của Phật giáo tại Trung quốc

Sự phát triển Phật giáo tại Trung quốc thông thường được chia ra thành bốn thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất gọi là "thời kỳ sơ khai" bắt đầu từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III, đó cũng là thời kỳ mà việc truyền bá gặp nhiều khó khăn nhất vì vấp phải những truyền thống sẳn có của Trung quốc là Khổng giáo và Lão giáo. Trong thời kỳ này giới nho gia một mặt bị thu hút bởi khía cạnh "thần bí" (như luân hồi, kiếp sau...) và một mặt thì lại quan tâm vào những khái niệm trừu tượng rất mới lạ đối với họ chẳng hạn như là Tánh không, vô thường... Quảng đại quần chúng thì tin vào Phật giáo như một tín ngưỡng hầu mong được trở thành bất tử giống như cách tu tiên của Lão giáo.

Thời kỳ thư hai là "thời kỳ dịch thuật" kéo dài từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI. Một số lớn kinh sách đã được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán trong thời kỳ này, đồng thời cũng phát sinh một phong trào đổ xô theo Phật giáo trong tầng lớp trí thức. Họ rất tích cực tìm cách loại bỏ các kinh sách mang tính cách pha trộn với Lão giáo và đồng thời lùng tìm các văn bản và kinh sách chính thống của Ấn độ để học hỏi và nghiên cứu. Đó cũng là lý do thúc đẩy nhiều nhà sư cũng như cư sĩ Trung quốc đi hành hương các thánh địa ở Ấn độ và tìm tòi kinh sách của các học phái đang thịnh hành lúc bấy giờ để mang về Trung quốc.

Trong số các vị này có ngài Pháp Hiển (khoảng 337 - 422) lên đường vào năm 399 theo các đoàn du mục xuyên ngang sa mạc Gobi và sau đó thì quay về Trung quốc vào năm 414 bằng đường biển ; ngài Huyền Trang (602 - 664) lên đường năm 629 và trở về năm 645 ; ngài Nghĩa Tịnh (635 -713) thì đi nhờ một con thuyền thương mại của người I-ran và đã ở lại Ấn độ tu học tại đại học Na-lan-đà trong suốt mười năm. Người Trung quốc ngày càng mến mộ kinh sách và các tập luận giải Phật giáo và đặc biệt quan tâm đến hai học phái lớn đang bành trướng thời bấy giờ là Trung Đạo (Madhyamaka) và Duy thức (Vijnanavada). Họ mê say đến độ tự viết ra những tập luận giải và bảo đấy là các trước tác của các đại sư Ấn độ, tuy nhiên tính cách ngụy tác không thể dấu diếm được vì có nhiều pha trộn giữa triết học Phật giáo với các khái niệm có sẵn của nền văn minh Trung quốc, Cũng vào thời kỳ này các hang động được biến thanh các nơi thờ phụng, chẳng hạn hạn như các hang Đại đồng (Datong), Đôn hoàng (Dunhoang), Long môn (Longmen),Vân cương (Yungang).

Thời kỳ thứ ba là «thời kỳ hưng thịnh» khởi sự từ hậu bán thế kỷ thứ VI cho đến hết thế kỷ thứ X bắt đầu từ triều đại khá ngắn ngủi của nhà Tùy (581 - 618) đến hết triều đại nhà Đường (618 - 907). Trong suốt bốn thế kỷ trong thời kỳ hưng thịnh, Phật giáo đã ăn sâu vào mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội, ảnh hưởng từ cách cư xử và sự sinh hoạt hằng ngày cho đến tư tưởng của người dân. Vào khoảng cuối thời kỳ hưng thịnh, người ta thấy xuất hiện ba trào lưu chính, và mỗi trào lưu cũng rất đa dạng và gồm nhiều chi phái khác nhau.

Trào lưu thứ nhất rất gần với Phật giáo Ấn độ gồm có bốn học phái là :
- Thành thật tông (Cheng shi) còn gọi là " Nhận thức được hiện thực" 
- Thập trí luận (?) (Yushe) còn gọi là "Kho tàng siêu hình", xuất phát trực tiếp từ Kinh lượng bộ (Sautrantrika) và Nhất thiết hữu bộ  (Sarvastivada) của Phật giáo Ấn độ.
- Tam luận tông (Sanlun).
- Pháp tướng tông (Faxiang) hay Duy thức tông (Weishi), còn gọi là "Thực tướng của tất cả các pháp (dharma)" hay là "Tâm thức duy nhất" ("Không có gì ngoài tâm thức"). Học phái này đại diện cho Trung quán tông (Madhyamamaka) và Duy thức tông (Vijnanavada) tại Trung quốc.

Trào lưu thứ hai bao gồm bốn học phái Phật giáo đặc thù của Trung quốc :
- Thiên thai tông (Tiantai).
- Hoa Nghiêm tông (Huayan).
- Thiền tông (Chan).
- Tịnh độ tông (Jintu), còn gọi là "Cõi tinh khiết" hay "Cõi thanh tịnh".

Trào lưu thứ ba gồm hai học phái « phát sinh muộn », và cả hai đều chịu ít nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Ấn độ, đó là :
- Luật tông (Luzong), chủ trương tuân thủ giới luật của Đại thừa Phật giáo quy định cho người xuất gia, đồng thời ghép thêm các nghi thức lễ lạc mang tính cách đạo đức của Khổng giáo. 
- Chân ngôn tông (Zhenyan), trực tiếp xuất phát từ Tan-tra thừa.

Phật giáo ăn sâu vào sự sinh hoạt của toàn thể xã hội Trung quốc, từ văn chương đến thi phú, hội họa, điêu khắc, kịch nghệ, khoa học... Các nhà sư và những người có phương tiện thì tìm cách đi tu học và đi hành hương ở Ấn độ. Trong nước thì chùa chiền được dựng lên như nấm và thật đồ sộ, các học phái thi nhau thành lập, như vừa kể ra trên đây.

Thời kỳ thứ tư có thể gọi là "thời kỳ suy tàn" của Phật giáo Trung hoa, kéo dài từ thế kỷ XI-XII cho đến ngày nay. Gần như toàn thể kinh sách tiếng Hán đều được dịch trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI, vì sau đó thì các cao trào nghiên cứu và học hỏi trong giới trí thức hầu như đã biến mất. Tuy rằng ngày nay Phật giáo vẫn còn lưu lại một vài ảnh hưởng nào đó trong nền tư tưởng Trung hoa, nhưng phải thừa nhận là Phật giáo đã hoàn toàn tàn tạ, những gì còn sót lại ngày nay chỉ là những rơi rớt mà thôi. Suốt trong lịch sử nhân loại có nhiều nền văn minh đã hoàn toàn biến mất chỉ còn để lại những di tích khảo cổ, chẳng hạn như các nền văn minh "Lưỡng Hà" (I-ran, I-rắc, Syrie), Ai cập, Maya, v.v..., nhưng cũng có những nền văn minh còn để lại ít nhiều ảnh hưởng chẳng hạn như nền văn minh Hy lạp hoặc chỉ còn rơi rớt lại một số hình thức văn hóa màu mè, chẳng hạn như nền văn minh Trung quốc.

Phật giáo bắt đầu gặp khó khăn vào khoảng gần cuối thời nhà Đường dưới triều đại của vua Hiến tông (806 - 820). Theo các học giả Tây phương thì nguyên nhân là do một nhà nho bảo thủ và cực đoan là Hàn Dũ (768 - 820) chủ xướng chống lại Phật giáo và cả Lão giáo cũng như các tôn giáo khác như Cảnh giáo (một tông phái của Thiên chúa giáo) và Hồi giáo. Nói chung mỗi  khi triều đình Trung quốc gặp khó khăn thì thường hay quay về với Khổng giáo để củng cố vương quyền. Vua Vũ tông (810 - 846, trị vì từ năm 840 đến năm 846) ra lệnh diệt trừ Phật giáo vào năm 843 và chỉ trong vòng ba năm có đến 50 000 chùa và các kiến trúc thiêng liêng bị san bằng thành bình địa, 260 000 nhà sư phải hoàn tục và bị đưa đi lao dịch. Biến cố trên đây tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng tại hại, Phật giáo tuy có hồi sinh sau đó nhưng đã mất hết tầm ảnh hưởng từ trước. Nguyên nhân xảy ra biến cố trên đây sẽ được bàn thêm trong phân đoạn sau.

Để có thể tiếp tục tồn tại Phật giáo phải thích ứng với bối cảnh dằng co giữa tam giáo là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Sau biến cố năm 843 trên đây, chẳng những không còn giữ được phong độ như trước nữa mà Phật giáo lại còn bị "Trung hoa hóa" rất nhiều. Tất cả các tông phái, học phái đều suy tàn và biến mất, chỉ còn Thiền tông và Tịnh độ là tồn tại. Ngược lại thì Khổng giáo cũng đã bị "Phật giáo hóa" thật nặng nề và trở thành Tân Khổng giáo (Néo-confucianisme) kể từ thế kỷ thứ XI - XII. Một triết gia đời nhà Tống là Chu Hi (1130 - 1200) đã khoác lên cho nền luân lý của Khổng tử một chiếc áo mới rộng hơn trước và được viền thêm  một vài đường nét triết học mà trước kia Khổng giáo không có.

Vào những thời kỳ cận đại, tuy vẫn giữ được nguyên vẹn căn bản của giáo lý, nhưng suốt một ngàn năm thăng trầm và thoái hóa Phật giáo đã mất mát rất nhiều khi nhà Thanh sụp đổ và Tôn Dật Tiên thành lập nước Cộng hoà Dân quốc vào năm 1912.  Trong thời cách mạng của Quốc dân đảng thì Khổng giáo bị hạ bệ, Phật giáo bị ngược đãi, việc tế lễ Trời Đất cũng bị hủy bỏ. Chủ trương của cao trào cách mạng thời bấy giờ là cải tiến xứ sở bằng cách Âu hóa triệt để, thúc đẩy tối đa việc sản xuất kỹ nghệ, bất chấp cái gương trước mắt là Nhật bản và các nước Tây phương đang lâm vào tình thế khó khăn sau những thất bại nặng nề trong các cuộc viễn chinh đánh chiếm thuộc địa để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. 

Theo sử gia và triết gia nổi tiếng người Mỹ là Will Durant (1885 - 1981) trong bộ sách khổng lồ "Lịch sử Văn Minh" (The Story of Civilisation) mà học giả Nguyễn Hiến Lê có dịch tập thứ 3 nói về Văn minh Trung quốc, thì Tôn dật Tiên là một người Thiên chúa giáo rất cực đoan và Tưởng Giới Thạch thì theo Tin lành Anh quốc. Trong số các thủ lãnh của Quốc dân đảng thì một nửa được đào tạo từ các trường Ki-tô giáo và họ là thành phần lãnh đạo trong chính phủ thời bấy giờ. Dưới chế độ Cộng hòa Dân quốc của Tôn Dật Tiên, Phật giáo không có chỗ đứng và không còn dự phần vào các sinh hoạt quốc gia và xã hội nữa. Tín ngưỡng Phật giáo bị thu hẹp trong việc thờ cúng ông bà, đức Quan Công, ông Táo và công tác đó thì được giao phó cho phụ nữ trong gia đình. Chùa chiền dần dần trở nên hoang phế. Khi Cộng hòa Dân quốc trở thành Cộng hòa Nhân dân Trung quốc và nhất là sau cuộc Đại Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng vào thập niên 1960 thì có thể nói là Phật giáo đã cáo chung trên phần đất này.

Vào những thập niên gần đây, nhờ Liên Hiệp Quốc xếp một số di tích và kiến trúc Phật giáo mang tính cách thiêng liêng và lịch sử vào gia tài văn hóa nhân loại thì nhờ đó mà các di tích và kiến trúc ấy đã được trùng tu. Tuy nhiên cũng phải công nhận là một phần cũng nhờ vào chủ trương bảo tồn văn hóa của nhà nước, tuy rằng việc bảo tồn đó không phải vì Phật giáo mà đúng hơn là với mục đích chính trị và tuyên truyền thì nhiều hơn. Ngoài ra việc trùng tu còn nhắm vào việc kinh doanh, thu hút khách du lịch và "người hành hương", nhưng thực chất thì tín ngưỡng chỉ là hình thức mà thôi.

Sự hội nhập khó khăn của Phật giáo
trong bối cảnh xã hội  Trung quốc.

Thông thường người ta chỉ nhìn thấy khía cạnh thích ứng tốt đẹp của Phật giáo trước các nền văn hóa địa phương, nhưng không thấy hết những khó khăn trên phương diện truyền bá một giáo lý mới, khắc hẳn với nền tư tưởng sẵn có. Người ta cũng không đánh giá đúng mức những phản ứng chống đối và bài bác khi một trào lưu tín ngưỡng mới tạo ra những đổi thay trong xã hội, nhất là khi quyền lợi cá nhân của một số người bị va chạm nặng nề. Ngay trong thời kỳ hưng thịnh nhất, khi Phật giáo được hoàng triều ủng hộ gián tiếp hay trực tiếp thì Phật giáo vẫn thường xuyên bị những người theo Lão giáo và nhất là hàng nho gia theo Khổng giáo chống đối và nghi kỵ. Phần trình bày dưới đây sẽ nêu lên một vài khó khăn điển hình mà Phật giáo đã phải đương đầu khi được truyền bá vào lãnh thổ Trung quốc, đồng thời cũng sẽ nêu lên một vài khía cạnh giao thoa và ảnh hưởng hai chiều giữa Phật giáo và các nền tư tưởng Trung hoa sẵn có.

Khó khăn trên phương diện giáo lý

Các khái niệm của Phật giáo như nhân quả, vô minh, sự tái sinh, giải thoát, thực chất của mọi hiện tượng, tính cách toàn cầu của khổ đau, quy luật vô thường, sự tịch diệt, giác ngộ, niết bàn, Phật tính, v.v... là những gì vừa xa lạ lại vừa kỳ quặc đối với người Trung hoa thời bấy giờ. Tất cả những khái niệm đó không hề có trong Lão giáo cũng như trong Không giáo. Các khái niệm hoàn toàn trừu tượng và siêu hình của Phật giáo quá khó để thấu triệt và có vẻ như xa vời với thực tại. Người Trung hoa thời bấy giờ chỉ biết trung với vua, hiếu thảo với cha mẹ, thực thi bổn phận gia đình..., đó là những giá trị tuyệt đối trong xã hội, trong khi đó thì Phật giáo lại xem những giá trị ấy là thứ yếu. Đó là một trong những nguyên nhân giải thích phần nào những khó khăn mà Phật giáo đã gặp phải trong suốt gần bốn thế kỷ khi bắt đầu du nhập vào Trung quốc. Trong "thời kỳ dò dẫm" này thật sự Phật giáo chỉ thu hút được phần lớn những người trong hoàng tộc và các thành phần sĩ phu và nho gia. Phật giáo chưa thấm nhuần vào sự sinh hoạt của quảng đại quần chúng.

Tuy nhiên nhờ chinh phục được thành phần trí thức nên Phật giáo đã nhanh chóng chuyển sang "thời kỳ dịch thuật" và khơi động các phong trào hành hương sang Ấn độ và cả các quốc gia Phật giáo khác thuộc các vùng Cận đông, Tích Lan, Sumatra... để học hỏi và tìm kiếm kinh sách. Các công trình phiên dịch đồng thời cũng giúp cho tiếng Hán trở nên phong phú và sâu sắc hơn. Mẫu tự tượng thanh được phát minh để chuyển âm các câu tụng niệm man-tra và các từ tiếng Phạn quá đặc thù không dịch sang tiếng Hán được. Thống kê thời bấy giờ cho biết việc phiên dịch đã tạo ra thêm 35 000 từ mới cho Hán ngữ. Việc phiên dịch cũng giúp bảo tồn được một số kinh sách gốc tiếng Phạn bị đốt hoặc bị thất lạc khi các đạo quân Hung nô và Hồi giáo xâm lược Ấn độ vào các thế kỷ sau này. Dầu sao thì trong suốt hai thời kỳ dò dẫm và phiên dịch, Phật giáo cũng chỉ bành trướng trong các vùng đô thị, nhiều nhất là trong các giới thượng lưu và nho gia.

Bắt đầu từ thế kỷ thứ V, trước hết là nhờ vào sự ủng hộ của hoàng triều và sau đó là sự tích cực phiên dịch và trước tác của giới trí thức và tăng lữ, cũng như sự hăng say sáng tác của giới văn nhân nghệ sĩ, tất cả đã giúp cho Phật giáo lan tràn trong quảng đại quần chúng. Phải mất gần năm thế kỷ để Phật giáo tỏa rộng trong mọi sinh hoạt xã hội và đánh dấu thời kỳ cực thịnh của Phật giáo tại Trung quốc.

Ảnh hưởng trong sinh hoạt dân gian
và những va chạm trên phương diện quyền lợi

Sử gia Will Durant cho biết vào năm 1907 nhà khảo cổ Aurel Stein tìm thấy trong hang "Thiên Phật" (một ngàn vị Phật) thuộc động Đôn Hoàng một quyển kinh Kim  cương do một người mang tên là Wang Chich ấn tống để báo hiếu cha mẹ, sách có ghi ngày phát hành là 11 tháng 5 năm 868, có thể đấy là quyển sách in xưa nhất tìm thấy ở Trung quốc. Điều đó cho thấy trong thời kỳ toàn thịnh của Phật giáo dưới triều đại nhà Đường, kinh sách ấn tống đã bắt đầu được phổ biến trong dân gian.

Việc phiên dịch cũng được cải thiện hơn trước, các kinh sách thuộc "thời kỳ dịch thuật" còn phạm quá nhiều sai lầm đã được mang ra dịch lại. Ngài Huyền Trang sang Ấn độ tu học và thỉnh kinh, vừa đi vừa về mất 16 năm. Sau đó ông đã dành hết những ngày tháng còn lại trong cuộc đời ông để phiên dịch. Vào năm 663 tức là một năm trước khi qua đời ông đã dịch được 600 bộ. Khi ông mất, một triệu dân Trường An và các nơi khác trong nước đổ về kinh đô để tham dự đám táng của ông. Cũng xin ghi chú thêm là kinh đô Trường An lúc bấy giờ có khoảng hai triệu người và dân số trên toàn lãnh thổ là khoảng hơn 53 triệu người (cũng có giả thuyết khác cho là 130 triệu người).

Huyền Trang mất được sáu năm thì có ngài Nghĩa Tịnh (631 - 713) dùng đường biển sang Ấn độ và sau 24 năm học hỏi và du ngoạn khắp nơi đã trở về Trường An với 400 bộ kinh. Nữ hoàng Võ Tắc Thiên cùng quần thần ra nghênh đón ông và sau đó đã chu cấp mọi phương tiện cần thiết để ông phiên dịch, từ đó ông mải mê với công việc dịch thuật cho đến cuối đời. Dầu sao thì trên đây cũng chỉ là những trường hợp ngoại lệ vì đã từng có không biết bao nhiêu các vị sư khác cũng đã lên đường tu học và thỉnh kinh nhưng không có cái may mắn được trở vể quê hương vì họ bị tai nạn, bịnh tật, cướp bóc..., hoặc giả có khi cũng lưu lại suốt đời ở một nơi nào đó để tu tập. Ngài Nghĩa Tịnh trên đường biển sang Ấn độ có ghé vào đảo Sumatra của Indonêxia vào năm 673 và đã hết sức ngạc nhiên khi trông thấy tại nơi này có hàng ngàn người Trung hoa học tiếng Phạn, nghiên cứu kinh sách và tu học trong các chùa trên hòn đảo này. 

Nói chung thì tư tưởng Phật giáo bàng bạc và thấm đượm trong mọi sinh hoạt xã hội thời bấy giờ, tuy nhiên sự bành trướng quá mạnh đó của Phật giáo không tránh khỏi sự va chạm vào quyền lợi của các tập thể khác trong xã hội. Chùa mọc lên khắp nơi, người xuất gia đông đảo, theo một số tư liệu Trung hoa thì có đến hai triệu tăng ni (?). Xuất gia thì được miễn lao dịch và khỏi nhập ngũ nên cũng có người lợi dụng. Một phần ba đất đai trồng trọt trong nước thuộc vào tài sản của chùa, số đất đai ấy là do người giàu có cúng dường hoặc là do chùa tậu mãi và thuê người canh tác để lấy huê lợi chu cấp cho các sinh hoạt Phật sự, từ thiện, sửa sang và trùng tu số chùa chiền quá nhiều và nuôi dưỡng số tăng ni quá đông. Người nông dân thì thích canh tác cho nhà chùa vì được đối đãi sòng phẳng và nhân đạo hơn so với giới địa chủ, quan lại hay hoàng triều. Người giàu có thì cúng chùa để được miễn thuế, gởi của cải vào chùa để nhờ cất giữ. Một tình trạng mất thăng bằng nào đó đã xảy ra trong xã hội, trong đó các thành phần quan lại, nho gia và những người theo Lão giáo đều cảm thấy thiệt thòi và không dấu được sự ganh tị. Triều đình ủng hộ Phật giáo đã trực tiếp mang lại cho người dân trong xã hội một cuộc sống hài hòa, an vui, một nền kinh tế thật sung túc, nhưng mặt khác thì triều đình lại thất thu về thuế khóa, không bắt đủ số người cần thiết cho việc lao dịch và để bổ sung cho quân đội.

Người khởi xướng ra mặt chống lại Phật giáo là nhà nho Hàn Dũ hiệu là Thoái Chi, như đã nêu lên trong phần trên. Ông là một vị quan thế lực trong triều và cũng là một nhà thơ, nhà văn và triết gia. Ông đả kích Phật giáo lấy cớ là Phật giáo không quan tâm đến đạo lý giữa vua tôi, cha con, chồng vợ. Trên phương diện triết học thì ông chủ trương duy trì xúc cảm (hỷ, nộ, ái, ố, âu, lạc, dục) vì theo ông thì xúc cảm là cơ sở của bản tính, và ông phân chia con người ra làm ba hạng : hạng trên hết khi sinh ra thì tự nhiên đã mang tính thiện, hạng trung khi sinh ra thì vừa thiện vừa ác, hạng thấp sinh ra là ác, chỉ có hạng trên hết là biết giữ "tình" ở mức vừa phải (trung dung) để bản tính "thiện" theo đó mà hiện ra, hai hạng trung bình và thấp thì cứ để mặc cho "tình" tác động một cách thái quá. Trong khi đó thì Phật giáo lại xem mọi thứ xúc cảm đều là nguồn gốc của khổ đau.

Tình trạng phát triển mạnh của Phật giáo tạo ra sự ganh tị và chống đối của thành phần nho giáo đại diện bởi Hàn Dũ.  Đấy là lý do thường được các học giả Tây phương và cả một số sử gia Trung quốc đưa ra để giải thích biến cố ngược đãi Phật giáo của hoàng đế Vũ tông. Tuy nhiên người ta cũng có thể nhìn vào một khía cạnh khác "trực tiếp" hơn và "thấp" hơn để tìm hiểu về sự kiện này. Vào cuối thời nhà Đường, chính trị bất ổn, loạn lạc nổi lên khắp nơi, trong triều thì hoạn quan lộng quyền. Vũ tông là một vị vua "thời cuộc" do hoạn quan đưa lên, và ông rất sợ người chú ruột là Lý thẩm (sau này là vua Đường Tuyên tông) cướp ngôi. Lý thẩm lẩn trốn trong chốn chùa chiền, được phe quan lại và giới quyền thế ủng hộ Phật giáo che chở. Đó lại thêm một lý do khác nữa giải thích tại sao Vũ tông lại thù ghét Phật giáo. Vũ tông thọ 36 tuổi, cai trị sáu năm, lên ngôi năm 840 (lúc vừa 30 tuổi) và sau khi lên ngôi được ba năm thì ra lịnh triệt hạ Phật giáo. Một vị vua trẻ bất tài do thời cuộc đưa đẩy có thể đã nghe theo những lời xúi bậy triệt hạ Phật giáo của nhóm hoạn quan đã đưa mình lên ngôi. Sỡ dĩ mạn phép dài dòng như trên đây vì đó là lý do đưa đến sự ngược đãi Phật giáo kéo theo sự suy sụp của cả nền văn minh Trung quốc sau thời Đường. Vua Vũ tông ra lệnh ép buộc phần lớn tăng ni phải hoàn tục, xung công hết tài sản và đất đai của nhà chùa, san bằng chùa chiền và các di tích thiêng liêng, tịch thu tượng đồng và chuông đồng để đúc tiền và làm trục bánh xe. Tuy nhiên hoàng đế Vũ tông cũng chẳng thừa hưởng được gì, vì ông băng hà ba năm sau đó, họa chăng chỉ có bọn hoạn quan đưa ông lên ngôi thì vẫn còn đó để chia chác của cải và đất đai của nhà chùa. Dầu sao thì sau biến cố trên đây di tích văn hóa và nghệ thuật Phật giáo Trung quốc đã bị mất mát gần hết. Thật ra thì trên dòng lịch sử của Trung quốc Phật giáo đã phải gánh chịu bốn lần bị ngược đãi : lần thứ nhất dưới triều đại Võ đế thuộc Bắc Ngụy (năm 466), lần thứ hai dưới triều đại Võ đế thuộc Bắc Chu (năm 560), lần thứ ba dưới triều đại Vũ tông (biến cố năm 843, như đã được trình bày trên đây) và lần thứ tư dưới triều đại Thế tôn Anh mại (năm 955).

Sự hội nhập đa phương giữa Phật giáo,
Lão giáo và Khổng giáo

Dầu sao thì biến cố bị ngược đãi trên đây cũng đã thúc dục Phật giáo phải thích ứng nhanh chóng hơn, phải tự "Trung hoa hóa" để tồn tại. Vì thế mà Phật giáo đã phải chọn lọc những khía cạnh tốt nhất của Lão giáo và Khổng giáo trong nền văn hóa Trung quốc để hội nhập vào Phật giáo.

Sự tương quan giữa Phật giáo và Lão giáo

Đối với Lão giáo thì Phật giáo tương đối ít gặp sự chống đối hơn và sự hòa nhập cũng dễ dàng hơn. Lão giáo có một vài điểm hơi tương tự với Phật giáo, chẳng hạn như khái niệm vô vi và sự giải thoát mang tính cách cá nhân trong Lão giáo. Hơn nữa trong hai thời kỳ "dò dẫm" và "dịch thuật" thì công việc phiên dịch cũng phải vay mượn một số thuật ngữ của Lão giáo, vì thế mà Phật giáo cũng không đến nổi quá "xa lạ" đối với những người theo Lão giáo. Thiền học là một thí dụ điển hình tượng trưng cho sự giao thoa giữa hai tín ngưỡng và nhất là phản ảnh bản tính của người Trung hoa. Thiền học loại bỏ các thuật ngữ siêu hình và trừu tượng của Phật giáo Ấn độ và đưa ra những phương pháp tu tập thật đơn giản để giúp tiếp cận với hiện thực. Thiền tông không còn chú trọng đến các khái niêm căn bản có tính cách lý thuyết và trừu tượng trong giáo lý nhà Phật chẳng hạn như Tánh không, lý duyên khởi, nguyên tắc nhị nguyên (chủ thể - đối tượng), tính cách quy ước của ngôn từ, v.v.... Ngôn ngữ của Thiền trở nên đơn sơ, bình dân,"cộc lốc" hoặc "vô nghĩa", tiêu biểu nhất là các công án của học phái Lâm tế. Kinh sách đặc thù cũng không có, Thiền tông dùng lại các kinh sách của Đại thừa. Việc tu tập cũng đơn giản, gồm có việc ngồi thiền, tụng kinh, tìm hiểu các công án lắm khi có vẻ ngớ ngẩn, hoặc cách chú tâm vào hiện thực dựa vào các sinh hoạt hằng ngày, chẳng hạn như rửa bát, quét nhà, trồng trọt, uống trà, ngắm trăng... Thiền tông có hai học phái tiêu biểu và quan trọng hơn hết là Lâm tế và Tào động.

Phái Lâm tế chú trọng vào việc tìm hiểu ý nghĩa các công án nhiều hơn là ngồi thiền. Xin đơn cử một công án tiêu biểu của phái Lâm tế như sau : "Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát tồ" ("Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ"). Thay vì sử dụng các khái niệm như Tánh không, vô thường, tính cách quy ước của ngôn từ, sự trói buộc của nhị nguyên v.v... để giúp cho người tu tập cởi bỏ mọi bám víu hầu tìm lấy sự giải thoát thì người tu tập theo phái Lâm tế nếu thấy Phật thì giết Phật, thấy Tổ thì giết Tổ. Đấy là một cách diễn đạt bất ngờ và cực mạnh của ngài Lâm tế Nghĩa Huyền dùng để đánh thức sự mê muội, ỷ lại và bám víu vào Tổ và vào Phật của người tu tập, cũng giống như trường hợp ông đã chặt ngón tay của một chú tiểu khi chú này bắt chước ông chỉ đưa một ngón tay lên và giữ yên lặng không trả lời bất cứ một câu hỏi nào của bất cứ ai.

Phái Tào động ngược lại thì chăm chú vào tư thế ngồi thiền nhiều hơn, khi ngồi thiền phải canh chừng thế ngồi thật đúng và giữ sự tập trung trong tâm thức. Nếu tâm thức xao lãng hay giao động thì tư thế sẽ sai lệch. Nếu suy nghĩ miên man thì phải chú ý ngay vào hơi thở để đưa tâm thức trở về với thực tại. Tại sao lại chú ý vào hơi thở ? Chỉ vì hơi thở lúc nào cũng thường trực, sẵn sàng khi cần đến nó. Thường xuyên chú tâm vào tư thế ngồi thiền cũng là một cách buộc chặt tâm thức không cho nó bay nhảy tùy thích, khi tâm thức thăng bằng thì tự nhiên sự sáng suốt sẽ dần dần hiện ra.

Tu tâp theo thiền tông rất thực tế và trực tiếp, không chú tâm vào lý thuyết rườm ra và các khái niệm triết học trừu tượng, nên rất thích hợp với tính khí của người Trung hoa. Tuy nhiên thấy Phật thì giết Phật, thấy Tổ thì giết Tổ mà không hiểu hết ý nghĩa thì chẳng những không thấy giác ngộ ở đâu mà sự giải thoát ngày càng xa thêm. Điểm thứ hai cần nêu lên là trong việc tu thiền phải thấu triệt giáo lý trong Đạo Pháp, nếu không thì ngồi thiền chẳng mang lại lợi ích gì nhiều mà còn có thể gặp nguy cơ lâm vào tình trạng hoang mang hay bấn loạn. Tuy rằng rất thích hợp với tính khí của người Trung quốc, nhưng Thiền học sở dĩ còn tồn tại đến nay là nhờ đã được truyền bá ra ngoài Trung quốc, sang Triều tiên và Nhật bản.

Sự tương quan giữa Phật giáo và Khổng giáo

Nếu Phật giáo đã phải hội nhập một số tư tưởng Trung hoa để tồn tại thì ngược lại Khổng giáo từ thế kỷ XI cũng đã vay mượn nhiều khái niệm triết học của Phật giáo để sống còn. Các khái niệm mang tính cách triết học của Phật giáo sâu xa hơn những nguyên tắc đạo đức của Khổng giáo. Thật sự ra thì Khổng tử không hề đưa ra một hệ thống triết lý mạch lạc nào cả mà ông chỉ nêu lên một hệ thống nguyên tắc đạo đức với hậu ý kiến tạo một xã hội trật tự hơn trong bối cảnh bất an, tranh dành và chiến tranh triền miên giữa các vương quốc trong thời đại của ông.

Khổng giáo không phải là một tôn giáo, ít nhất là theo định nghĩa ngày nay. Khổng tử không hề đề cập đến khía cạnh tâm linh cũng như về cái chết, các "nghi lễ" trong Khổng giáo chỉ nhắm mục đích biểu lộ sự "ngay thẳng" và "trung thành", tự tạo ra cho mỉnh hình ảnh của một "con người lý tưởng". Hình ảnh đó được dựng lên để cho dân gian nhìn vào để bắt chước mà vươn lên bằng học vấn và đạo đức. Tuy nhiên người ta cũng nhận thấy một khía cạnh "dân chủ" nào đó trong tư tưởng của Khổng tử, ấy là tất cả mọi người đều có thể trở thành một "con người lý tưởng" không bắt buộc phải trực thuộc vào các thành phần quý tộc, nho gia hay quan lại. Người ta vẫn thường nghe những câu chuyện "ngụ ngôn" thuật lại trường hợp những người nghèo khó, nông dân hay cùng đinh nhưng chăm học và biết phụng dưỡng cha mẹ, về sau thi đỗ làm quan và được vua gả công chúa.

Khổng tử chủ trương phải tuyệt đối phục tùng người cha trong gia đình và trung thành với vua quan trong xã hội trong mục đích mang lại trật tự trong gia tộc và kiến tạo sự an bài cho xứ sở. Tuy nhiên Khổng tử vẫn dành một chút quyền hạn nào đó cho "con người lý tưởng" của ông để "phản kháng" lại hay đúng hơn là "can gián" vua quan nếu các vị này nghe theo "bọn xu nịnh" để làm hỏng việc nước, hay nghe theo đám tu sĩ Lão giáo say mê tu tiên và luyện thuốc trường sinh, hoặc say mê tửu sắc mà không nghĩ đến việc trị dân. "Người hùng đầy can trường" của Khổng tử có bổn phận phải đứng ra can gián vua quan mặc dù có thể bị mất chức, lưu đày hay đôi khi phải lảnh án tử hình

Cái hệ thống giá trị đạo đức căn bản đó của Khổng giáo đã giúp cho xã hội Trung hoa tồn tại qua hàng ngàn năm, nhưng không thể tạo ra một bầu không khí mạch lạc về tư tưởng triết học và tâm linh cần thiết cho một xã hội con người. Tư tưởng triết học của Lão giáo và Phật giáo phản ảnh rõ rệt hơn trong các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật Trung hoa so với nền đạo đức khô khan và cứng nhắc của Khổng giáo. Khổng giáo không hàm chứa bất cứ một khái niệm nào có thể so sánh với các khái niệm như từ bi, luân hồi, những nguyên lý như vô thường, duyên khởi, nhân quả... của Phật giáo, và chính vì thế mà các môn đệ của Khổng giáo rơi vào một vị thế nan giải : một mặt thì hướng vào Phật giáo để tìm những tư tưởng triết học sâu sắc và cao siêu, một mặt lại chống đối Phật giáo để bảo vệ địa vị, quyền lợi và sự tồn vong của những giá trị đạo đức thực dụng mà mình tôn thờ.

Khổng giáo vay mượn những gì của Phật giáo

Như vừa trình bày trên đây, Khổng giáo thiếu hẳn một chiều sâu cần thiết cho sự tồn vong của chính mình. Vì thế mà dưới thời nhà Tống (thế kỷ thứ X đền XIII) các "tân đồ đệ" của Khổng tử đã vay mượn một số tư tưởng của triết gia Chu Hi (1130 - 1200) để đem vào Khổng giáo. Theo các học giả Tây phương thì việc cải tổ Khổng giáo đã manh nha từ trước dưới thời nhà Đường khi Hàn Dũ chủ trương chấn hưng Khổng giáo và chống lại Phật giáo. Theo Chu Hi thì vũ trụ được hình thành từ hai sức mạnh tương tác với nhau : sức mạnh thứ nhất là (Li), hay "lý tính" tức là một đặc tính tuyệt đối và nội tại nơi mọi vật thể, và sức mạnh thứ hai là Khí (Qi), tượng trưng cho năng lượng và vật chất. Sự tương tác giữa hai sức mạnh đó làm phát sinh ra tất cả sinh vật trong vũ trụ này. Thành quả cao nhất mà sự tương tác đó đạt được là sự tạo tác ra con người, vì con người có lý trí tức là mang bản chất lý tính (biết suy nghĩ và lý luận). Vì thế mà con người có khả năng đạt được giác ngộ nếu biết biết sử dụng lý trí một cách kiên trì và thường xuyên. Chu Hi định nghĩa sự giác ngộ đó như là một sự quán thấy trong sáng bản chất của mọi vật thể trong vũ trụ này, và sở dĩ con người thực hiện được giác ngộ là nhờ có tình thương và lòng nhân ái. Chu Hi nhắc lại tình thương và lòng nhân ái vì đó là hai phẩm tính căn bản trong Đạo Khổng và đấy cũng là một cách khéo léo không đưa Khổng giáo phiêu lưu quá xa với Phật giáo.

Các học giả Tây phương gọi nền Khổng giáo cải tiến mang thêm những tư tưởng triết học của Chu Hi trên đây là Tân Khổng giáo (Néo-confucianisme). Thật hết sức rõ ràng Chu Hi đã vay mượn nền triết học siêu hình của Phật giáo để ghép thêm vào nền luân ký thực dụng của Khổng tử. Hệ thống tư tưởng của Tân Khổng giáo đã tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng trong giới nho gia của Trung quốc kéo dài suốt một ngàn năm cho đến đầu thế kỷ XX. Có thể nói là sự "hồi sinh" của Khổng giáo đã giành lại một phần lớn ảnh hưởng gần như độc chiếm của Phật giáo dưới các triều đại nhà Đường.

Phật giáo và Tịnh độ tông của Trung quốc

Tịnh độ là một tông phái thuộc Đại thừa Phật giáo chủ trương thờ phụng Đức Phật A-di-đà để được tái sinh về cõi cực lạc hay cõi Tịnh độ (tiếng Phạn là Sukhavati, nguyên nghĩa là địa giới thanh tịnh hay an lạc). Tịnh độ tông phát xuất trực tiếp từ bộ kinh Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm kinh (Sukhavativyuhasutra). Kinh này có hai bản : một bản dài trọn bộ và một bản tóm lược ngắn hơn mang tên là A-di-đà kinh. Một vị cao tăng Trung quốc là ngài Huệ Vìễn (Huiyuan, 334 - 416) khởi xướng việc thờ phụng Đức Phật A-di-đà vào thế kỷ thứ IV căn cứ vào bộ kinh Bát-chu tam-muội kinh (Pratyutpannasamadhi-sutra) dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào năm 179 dưới thời nhà Hậu Hán. Một thế kỷ sau thì có một vị đại sư khác là ngài Đàm Loan (Tanluan, 476 - 542) là người đầu tiên quảng bá một "con đường tu tập dễ dãi", chỉ cần thành tâm niệm danh hiệu của Đức Phật A-di-đà là có thể tái sinh vào cõi cực lạc. Sự tu tập đơn giản đó đã mang lại một giải pháp dứt khoát để đối phó lại hình thức Phật giáo quá sức khó khăn chỉ dành riêng cho giới trí thức có vốn liếng học thức cao. Nhờ cách tu tập dễ dãi đó mà Tịnh độ bành trướng và trải rộng ra thật mau lẹ trong quảng đại quần chúng.

Bản kinh trọn bộ Đại thừa vô lượng thọ mô tả rất chi tiết cảnh giới Tây phương cực lạc, nhưng đồng thời cũng nêu lên các hành động mà người tu tập phải thực hiện để xứng đáng được tái sinh vào cõi cực lạc. Trái lại bản kinh ngắn chỉ nêu lên sự thành tâm và việc tụng niệm hướng vào một sức mạnh bên ngoài gọi là "tha lực" (zili) . Hơn nữa kinh sách Tịnh độ mô tả cõi Tây phương đầy an vui và tuyệt đẹp, cõi địa ngục đầy lửa đỏ và quỷ sứ rất giống với cách mô tả Thiên đường và địa ngục của Thiên chúa giáo, cách mô tả đó đã làm cho Tịnh độ trở nên quá cách biệt với Phật giáo nguyên thủy phát xuất từ Ấn độ. Các học giả Tây phương thường gọi Tịnh độ là Đạo A-di-đà (Amidisme) thay vì là một tông phái của Đạo Phật. Tịnh độ đề cao đạo đức, luân thường, bổn phận trong gia đình và ngoài xã hội, vì thế rất gần với những giá trị truyền thống của Khổng giáo và của Trung quốc nói chung. Dầu sao thì cũng phải công nhận là Tịnh độ đã trước tác được những lời tụng niệm thật tuyệt vời, trực tiếp mang lại cho người tu tập một sự an bình nào đó trong tâm thức và mở rộng lòng mình.

Nếu tìm hiểu Tình độ sâu xa hơn nữa thì người ta sẽ hiểu rằng giáo lý của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni và của Đức Phật A-di-đà cũng chỉ là một thứ Đạo Pháp duy nhất, sự khác biệt chỉ thuộc vào lãnh vực phương pháp mà thôi. Kinh sách gọi chung phương pháp là các "Phương tiện thiện xảo" (Upaya) và cho biết có 84 000 phương tiện thiện xảo khác nhau để thích nghi với khả năng của từng chúng sinh. Trên một khía cạnh khác thì Đức Phật A-di-đà có thể xem là Pháp thân (Dharmakaya) của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, tức là "một thể dạng lý tưởng tuyệt đối" của Đức Phật Lịch sử. Ngoài ra Tịnh độ cũng chủ trương phát lộ lòng Từ bi theo đúng với Đại thừa Phật giáo. Hơn nữa phía sau Đức Phật A-di-đà còn có vô số các vị Bồ tát sẳn sàng giúp đỡ và trao tặng tất cả những phẩm hạnh và những điều xứng đáng mà họ đã gặt hái được cho tất cả chúng sinh khác, vị Bồ tát tiêu biểu nhất và lớn nhất trong số họ là Quán thế Âm còn gọi là "Phật Quan Âm" (Quanyin), thường được tượng trưng bằng một vị Phật nữ giới. Tuy nhiên thay vì người tu tập phải mở rộng lòng Từ bi, nhìn vào tấm gương hy sinh của những người Bồ tát để bắt chước và làm hiển lộ ra cõi Tịnh độ bên trong tâm thức mình, thì phần đông lại dừng lại ở những lời tụng niệm để cầu xin được vãng sinh nơi miền cực lạc đúng theo những gì đã được ghi chép trong bản kinh rút ngắn là A-di-đà kinh.

Dầu sao thì Tịnh độ cũng chỉ là một tông phái của Phật giáo Trung hoa có khả năng thích nghi dễ dàng với quảng đại quần chúng. Tịnh độ cũng giống như trường hợp của Thiền học sở dĩ còn tồn tại đến nay là nhờ được truyền bá sang Triều tiên, Nhật bản và Việt Nam. Tại lục địa Trung quốc, Thiền học cũng như Tịnh độ chỉ còn là những "vang bóng" mà thôi.

Phật giáo trong thời kỳ suy tàn

Thời kỳ suy tàn của Phật giáo Trung hoa bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ X khi triều đại nhà Đường sụp đổ và kéo dài suốt trong mười thế kỷ cho đến ngày nay. Trong thời gian này không có một tập luận giải quan trọng nào được trước tác, không có một phong trào phiên dịch nào được thực hiện, không có một học phái mới nào được thành lập. Tuy thế Phật giáo vẫn tồn tại, nhưng tồn tại dưới những hình thức như thế nào ? Sự tương quan giữa Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo ra sao ?

Dù là người theo Khổng giáo hay Lão giáo, hay không theo đạo nào cả thì hầu như tất cả mọi người trong xã hội Trung quốc đều phải nhờ các nhà sự Phật giáo đứng ra tổ chức tang lễ, cầu siêu, mãn tang... cho thân nhân quá cố của họ, và đó cũng là vai trò gần như là duy nhất mà Phật giáo còn đảm trách trong xã hội Trung quốc suốt trong thời kỳ suy tàn. Vai trò đó hết sức phù hợp và thích nghi để biểu hiện lòng hiếu thảo, sự thờ phụng và tôn vinh tổ tiên do Khổng giáo chủ trương. Những nghi lễ đó cả Khổng giáo cũng như Lão giáo không thể đảm trách được .

Trong nhiều thế kỷ liên tiếp Phật giáo rơi vào một tình trạng trì trệ và tê liệt mà một phần lỗi cũng do nơi các tập thể tăng đoàn thiếu tích cực và sáng kiến, có thể thiếu cả khả năng (?) mà ra. Người thế tục lợi dụng tình trạng thiếu tích cực trong việc bảo vệ và quảng bá chánh Pháp của giới tăng sĩ, đã trước tác mọi loại tiểu thuyết lệch lạc hoặc sáng chế ra những câu chuyện nhạo báng để bêu xấu người tu hành. Suốt trong các thế kỷ XVII đến XIX không biết bao nhiêu loại truyện như thế đã được sáng tác, tiêu biểu nhất là tập Liêu trai chí dị của Bồ tùng Linh vào thời nhà Thanh (thế kỷ thứ XVII) và gần đây hơn thì có những chuyện "kiếm hiệp" tràng giang đại hải, vay mượn một cách vụng về các khái niệm Phật giáo để bịa đặt thành những chuyện hoang đường mang tính cách giải trí bình dân và rẻ tiền .

Tuy thế vào thế kỷ XX, người ta cũng thấy xuất hiện được một số người thế tục thật sự quan tâm đến sự tồn vong của Phật giáo, trong số họ có cư sĩ Dương văn Huệ (Yang Xenhui 1837 - 1911, cuối thời nhà Thanh), học giả Âu-dương Tinh-võ (Ouyang Jingwu, 1871 - 1943)... và một vài nhà sư uyên bác chẳng hạn như Thái Hư Đại sư (Taixu 太虛大師 (1890 - 1947). Họ đã kết hợp với nhau để cải tổ Phật giáo, tạo ra một phong trào chủ trương liên kết và thống nhất tất cả các tông phái Phật giáo lớn. Trên phương diện lý thuyết thì căn cứ vào giáo lý của Thiên thai tông, Tam luận tông và Hoa nghiêm tông, trên phương diện tu tập thì dựa vào phương pháp của Thiền tông, các nghi thức tụng niệm và lễ lạc thì dựa vào Tịnh độ tông. Tuy nhiên phong trào này cũng không vớt vát được gì nhiều trước cao trào Âu hóa của Tôn Dật Tiên và sau đó là chủ trương bài trừ tôn giáo của Mao Trạch Đông. Từ năm 1950 đến 1960 hầu hết cac tông phái và các tập thể tăng đoàn đều bị giải tán, chùa chiền hoàn toàn phải tự túc trong khi sự cúng dường của Phật tử lại hầu như không có. Sinh hoạt Phật sự bị đặt dưới sự canh chừng của nhà nước. Các đợt cách mạng văn hóa liên tiếp giữa hai thập niên 1960 và 1970, trong số đó tiêu biểu nhất là phong trào rất hung hăng của vệ binh đỏ, đã xóa mất một phần lớn gia tài văn hóa truyền thống của Trung quốc, kể cả những gì còn sót lại của Phật giáo. Tuy rằng ngày nay Phật giáo Trung hoa phải gánh chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước nhưng vẫn còn tạo được cho mình một vai trò nào đó, trước hết là cứu giúp những người nghèo khó bị bỏ rơi trong xã hội mà nhà nước cố tình làm ngơ không hề chú ý đến và sau đó là góp phần vào việc vớt vát và bảo tồn gia tài văn hóa của Trung quốc qua các công trình trùng tu chùa chiền. Đồng thời Phật giáo cũng tiếp tục duy trì được một số hình thức lễ lạc, làm sống lại các di tích thiêng liêng để làm nơi hành hương. Tuy rằng những sinh hoạt trên đây còn mang ít nhiều tính cách kinh doanh nhưng cũng làm loé lên một chút hy vọng nào đó.

Lời kết

Bài viết ngắn trên đây cố gắng tóm lược hai mươi thế kỷ lịch sử phát triển của Phật giáo tại Trung quốc bằng cách chọn lựa một vài biến cố và sự kiện tiêu biểu xuyên qua một góc nhìn cá biệt nào đó, vì thế cũng khó tránh khỏi một vài sai sót, chủ quan và phiến diện. Người đọc tự do phê phán và rút tỉa những gì mà mình cho là đúng hay là sai, vì vậy thiết nghĩ phần kết luận không còn cần thiết nữa, tuy nhiên cũng xin nêu lên hai ghi chú nhỏ như sau :

Ghi chú thứ nhất liên quan đến thuật ngữ Phật giáo bằng tiếng Hán. Thật vậy, Phạn ngữ và Hán ngữ là hai ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt nhau, các công trình phiên dịch khi Phật giáo được truyền bá vào Trung quốc đã gặp phải nhiều khó khăn và đã kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Nhiều bộ kinh đã phải mang ra dịch đi dịch lại nhiều lần, đấy là chưa kể những thêm thắt và những trước tác mạo danh là nguyên bản tiếng Phạn. Ngày nay khi nghiên cứu hay tu tập dựa vào kinh sách Hán ngữ phải thật thận trọng, không nên từ chương, câu nệ và bám víu vào ngôn từ.

Ghi chú thứ hai mang tính cách khái quát hơn đó là cách quan sát một hiện tượng theo quan điểm Phật giáo. Đối với nguyên lý tương liên (interdépendance) còn gọi là lý duyên khởi thì mọi hiện tượng phải lệ thuộc vào nhau để hiện hữu, không có một vật thể hay một biến cố nào độc lập. Nếu tách rời một hiện tượng để tìm hiểu và giải thích thì nhất định không tránh khỏi sai lầm. Nhìn vào nền Phật giáo Trung hoa cũng cần phải nhìn vào lòng nhiệt tâm của Minh đế, sự hận thù của Hàn Dũ, những ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian của Lão giáo và Khổng giáo, tánh khí của người Trung hoa... Sự suy tàn của nền văn minh Trung quốc sau khi đã đạt đến tột đỉnh vào thời nhà Đường cũng đã kéo theo sự suy tàn của Phật giáo trên phần đất này.

Vào thời đại nhà Đường chùa chiền mọc lên như nấm, ngày nay tại Trung quốc trong những khu đô thị lớn thì các tòa nhà chọc trời dựng lên như lông nhím. Ngày xưa người hành hương phải mất nhiều năm để đến được đất Phật, ngày nay chỉ cần vài giờ máy bay. Thật ra những tiện nghi vật chất đó đã làm mất đi rất nhiều những gì trong lòng người Phật tử và cả tính cách thiêng liêng của những nơi chiêm bái. Khi ngước nhìn những tòa nhà chọc trời có thể một số người trong chúng ta sẽ cảm thấy kính phục trước sự phát triển vật chất đó, nhưng dưới cái nhìn của người Phật giáo thì đấy chỉ là một bức tường thành che dấu vô số khổ đau, khó khăn và những mầm móng đổ vỡ đang manh nha mà thôi. Không có một đế quốc nào hay một nền văn minh nào tồn tại lâu dài, kể cả nền Phật giáo Trung hoa. 

Bures-Sur-Yvette, 27.04.10
Hoang Phong