Giác ngộ từ những trang sách

Đọc những bài thơ viết về Phật pháp của Nguyễn Đức Thắng, 13 tuổi, hiện đang học lớp 7, Trường THCS Nghi Đức (TP.Vinh, Nghệ An) gửi về tham dự cuộc thi thơ văn do Báo Giác Ngộ tổ chức, chúng tôi cảm thấy bất ngờ trước những ý thơ đẹp của tác giả. "Một hòn đá rơi vào biển lớn/ Thì chắc rằng hòn đá sẽ chìm/ Chúng con như hòn đá u mê/ Chứa trong mình nặng điều tội lỗi…". "Hồn thơ" thấm đẫm chất liệu Phật pháp của Thắng bắt đầu từ những trang sách, quyển báo về giáo lý Như Lai được người dì đều đặn gửi ra từ TP.HCM!

 

Toi-va-me.jpg

Nguyễn Đức Thắng và mẹ

Sách nuôi lớn tâm hồn…Cuộc đối thoại ngắn giữa người viết và dì của Đức Thắng là những chia sẻ chân thành về ý niệm: "Tôi muốn gieo vào tâm thức những đứa cháu của mình bài học sống đẹp, sống có tâm, có tình giữa cuộc đời". Chính vì ý nghĩ ấy mà dì của Thắng - chị Nguyễn Thị Như Hiền (Gò Vấp, TP.HCM) đã dành dụm cho các cháu, trong đó có Đức Thắng món quà ý nghĩa: sách về Phật, lời dạy của những vị Tổ sư, hành trạng tu hành của người con Phật và cả những cuốn báo Giác Ngộ… "Cháu Thắng đã bắt đầu nhen nhúm lòng kính ngưỡng Tam bảo từ những trang sách ấy", chị Hiền cho biết.

Nghe cậu học trò lớp 7 nói về ước mơ và ý niệm của mình về Phật pháp mới thấy những suy nghĩ ấy là "già" so với tuổi: "Con ước mơ được một lần đến đất Phật để chiêm bái những Thánh tích, con đọc sách, xem băng đĩa và rất thích đến nơi thiêng liêng ấy. Con cũng muốn đến chùa Hoằng Pháp nữa…". Đấy là ước mơ, còn về những suy nghĩ về Phật pháp thì có lẽ tôi phải mượn thơ của Đức Thắng: "Lời Phật dạy là giáo lý thâm sâu/ Chúng con nguyện từ nay tu tập/ Theo những lời mà Người đã giảng…". Đó chính là "lời phát nguyện" của một cậu bé chưa từng được quy y Tam bảo bởi nơi Đức Thắng đang ở không có chùa chiền nhiều, điều kiện đến chùa cũng khó khăn. Vì hoàn cảnh ấy mà dì Hiền và mẹ Thắng là chị Nguyễn Thị Như Phượng đã luôn tạo cho Thắng một môi trường tốt, tiếp cận được với những giáo nghĩa mà Phật đã dạy về lòng từ bi, về luân hồi sanh tử. "Có lẽ vì thế mà Thắng có được những suy nghĩ khiến chúng ta ngạc nhiên, thể hiện qua những bài thơ cháu làm", mẹ Thắng chia sẻ.

Bố Thắng, anh Nguyễn Đức Tân (40 tuổi) cũng là người có tâm, dù chưa tiếp xúc với Phật pháp nhiều nhưng khi thấy con mình có những hành động mới lạ thể hiện lòng tôn kính Tam bảo, anh cũng ủng hộ hết lòng. Riêng mẹ của Thắng, chị Phượng thì luôn mong con mình không chỉ là người giỏi về học tập mà còn là người có tâm. Có lẽ hiểu được những niềm mong ấy của bố mẹ, dì… nên Đức Thắng đã ý thức được việc học, nuôi dưỡng ước mơ, hành trì những công phu mà nhiều khi người lớn cũng khó làm: "Mỗi đêm con đều niệm Phật và đọc chú Đại bi trước khi đi ngủ".

Vẽ Phật bằng thơ, họa

Ngạc nhiên khác của chúng tôi là khi cầm bức họa chân phương của Thắng, vẽ hình tượng Đức Phật A Di Đà, tay cầm hoa sen, tay kia duỗi thẳng. Mộc mạc thôi nhưng chứa trong đó là ý niệm về hình tượng Phật, Thánh chúng, Tăng thân nơi tâm thức của cậu học trò. Hỏi về những bức họa ấy và biết em tưởng tượng khi xem qua những đĩa giảng, những hình Phật từ sách, báo Phật giáo. Cảm thụ rồi viết và vẽ, để rồi định hướng: "Con học được nhiều điều từ lời Phật dạy, từ những bài thơ mình làm. Con đang tiếp tục sáng tác". Lần đầu tiên khi đọc những bài thơ Thắng làm, ngay cả mẹ và dì em cũng không tin được là do chính cậu bé 12 tuổi viết ra.

Những nghi vấn ấy được Thắng giải thích: "Con không có sao chép của ai hết. Con viết ra từ… não mà". Thế là cả nhà yên tâm, và cũng thật sự yên tâm bởi lời Thắng nói là có cơ sở, năm lớp 3 em cũng từng có thơ đăng trên báo Nhi Đồng, bài thơ "Bàn tay của em". Vậy là kể từ khi tiếp xúc với Phật pháp, cậu bé 13 tuổi ở Nghệ An ấy đã bắt đầu có những suy nghĩ rất người lớn bên cạnh những ước mơ trẻ thơ: chế tạo ra những con robot giúp cho con người, hoặc làm một chiếc thuyền gom rác trên sông… Ước mơ ấy song hành và được nuôi dưỡng bởi những bậc thiện tri thức, mến Phật pháp như bố mẹ, dì Hiền sẽ là động lực để Nguyễn Đức Thắng tiếp tục lớn lên, tiếp tục hành trình đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà em đặt ra trong bài thơ "Con hỏi": "Cho con hỏi nương tựa nơi đâu?/ Cho con hỏi nơi nào thật vững?/ Ngôi nhà này, gốc cây kia/ Rồi chúng sẽ sụp đổ nay mai/ Chỉ còn đạo pháp trong tâm sáng…".

adida.jpg

Tranh vẽ Đức Phật A Di Đà của Nguyễn Đức Thắng

Vâng lời Phật dạy

Chúng con quyết chí tu hành

Quyết theo chân Ngài, đạo giải thoát

Ngài là bậc trí tuệ sáng ngời

Đưa đường dẫn lối khắp muôn nơi

Đưa chúng con ra vòng sanh tử

Đưa con người thoát bể trầm luân

Ngài là thầy của muôn thần vạn chúng

Trí tuệ Ngài vượt biển rộng núi cao

Hào quang soi sáng cõi u mê

Hôm nay con quỳ dưới chân Ngài

Chỉ mong Ngài soi đường chỉ lối

Cho muôn loài thoát vòng sanh diệt

Nguyện từ nay việc thiện chuyên làm

Nguyện từ bỏ địa ngục khổ đau

Nguyện từ bỏ ngạ quỷ đói rét

Nguyện từ bỏ súc sanh đọa đày

Con nguyện làm theo bậc đại giác

Con lạy Ngài, Đức Phật Thích Ca.

Nguyễn Đức Thắng


LƯU ĐÌNH LONG