Nàng Lại-đề thay đổi số phận

Dẫn nhập:

“Chuyến xe luân lạc chở người truân chuyên chỉ dừng lại khi người bạc mệnh bằng lòng nhận phận”. Nhận phận là chấp nhận định mệnh, một thứ định mệnh phi lý, một thứ định mệnh không do bàn tay vô hình nào sắp đặt mà chính chúng ta tạo ra. Chính chúng ta tạo ra thì chính chúng ta cũng có thể thay đổi được nó.

“Nàng Lại-đề thay đổi số phận” là nội dung chuyện mà chúng tôi giới thiệu kỳ này. Nguyên văn chuyện “Nàng Lại-đề xấu xí, con gái vua Ba-tư-nặc (Ba-tư-nặc vương xú nữ Lại-đề duyên - 波斯匿王醜女賴提緣)”, trong kinh Tạp bảo tạng quyển 2, trang 457b26, tạng Đại Chánh 4, số hiệu 203.

Toát yếu nội dung:

Ngày xưa, vua Ba-tư-nặc có một người con gái tên Lại-đề. Nàng Lại-đề có mười tám tướng xấu, hoàn toàn không giống người, nhìn thấy rất sợ. Con gái mình đã lớn khôn nên vua Ba-tư-nặc mới sai sứ chiêu mộ trong nước, tìm người mang dòng tộc Trưởng giả mà bần hàn cô độc thì dẫn về triều.

Bấy giờ, bên chợ có một người con Trưởng giả sống cô độc, thường khất thực mưu sinh qua ngày. Người chiêu mộ thấy vậy mời dẫn về cho vua. Vua Ba-tư-nặc đưa anh ta ra sau hoa viên, ra lệnh và căn dặn rằng:

- Ta sinh một người con gái hình dáng xấu xí, chưa cho ai thấy bao giờ; nay ta muốn gả nó cho khanh, khanh thấy thế nào?

Con Trưởng giả thưa:

- Bệ hạ đã ra lệnh và mong ước như thế, dù là con chó thần cũng lấy, huống chi đây là con gái của vua thì thần sao dám chối từ!

Vua Ba-tư-nặc gả con gái cho anh ta, xây dựng cung thất cho hai người ở, lại căn dặn:

- Con gái ta xấu xí, cẩn thận đừng để người khác thấy. Khi ra vào luôn luôn khoá cửa lại.

Chàng rể làm theo lời vua Ba-tư-nặc dặn, nhưng anh ta có một số bạn bè thân thiện thường hội họp uống rượu vui chơi. Mỗi lần hội hợp những người bạn thường dẫn vợ theo, chỉ có con gái vua Ba-tư-nặc là không đến dự. Mọi người đều hỏi và yêu cầu chàng rể phải dẫn vợ đến, nếu không thì họ sẽ trách phạt. Nhưng lần nào cũng vậy anh cứ đi một mình và đành chịu sự trêu chọc, trách phạt của bạn bè. Cuối cùng anh về nhà tâm sự với vợ: “Anh đã mấy lần vì em mà bị trách phạt”. Vợ hỏi tại sao, anh kể:

- Mọi người yêu cầu trong ngày hội ăn uống, tất cả mọi người phải dẫn vợ đến hội, nhưng phụ vương đã ra lệnh cho anh không được để người khác trông thấy em. Vì vậy mà anh bị phạt mấy lần rồi.

Lại-đề nghe chồng nói rất xấu hổ, và thương cho thân phận mình, nên ngày đêm niệm Phật. Hôm sau, bạn bè lại mở yến tiệc, người chồng cũng đi một mình. Lại-đề ở nhà khẩn thiết cầu nguyện:

- Thế Tôn ơi! Thế Tôn xuất hiện ở đời làm nhiều lợi ích cho chúng sanh, nhưng riêng con đã gây tội lỗi gì mới không thấm nhuần được sự lợi ích của Thế Tôn!?

Đức Phật cảm động trước tấm lòng của nàng, Ngài từ dưới đất hiện lên. Ban đầu thấy tóc của đức Phật, nàng cung kính vui mừng, tóc nàng liền biến đổi thành mái tóc đẹp. Tiếp đến nàng chiêm ngưỡng trán, lông mày, mắt, tai, thân, miệng… của đức Phật, nàng cũng vui mừng, cứ thế hình dáng của nàng biến đổi dần theo, bây giờ trông nàng như những người ở cõi thiên giới.

Lúc này mấy người bạn kia bí mật bàn với nhau: Con gái của nhà vua có thể đoan chánh dị thường hay xấu xí lắm mới không đến hội này. Vậy chúng ta dụ anh ta uống cho thật say không còn biết gì nữa, lấy chìa khóa đến nhà mở cửa vào xem sao?! Họ liền phục rượu cho người chồng uống say bí tỉ, lấy chìa khóa cùng nhau mở cửa vào xem. Họ thấy nàng Lại-đề vô cùng xinh đẹp liền đóng cửa trở về, bỏ lại chìa khóa vào người anh ta. Khi người chồng tỉnh rượu trở về nhà, thấy vợ đẹp lạ thường, lấy làm lạ hỏi:

- Nàng là thiên thần ở đâu đến nhà tôi vậy?

Nàng Lại-đề đáp:

- Thiếp là Lại-đề, vợ của chàng đây mà!

Chàng kinh ngạc hơn hỏi:

- Sao nàng thay đổi nhanh như thế?

Nàng kể:

- Thiếp nghe chàng mấy lần vì thiếp mà bị phạt, thiếp rất xấu hổ mới khẩn thiết niệm Phật, liền thấy Như Lai dưới đất hiện lên. Thiếp vui mừng chiêm ngưỡng rồi bỗng nhiên hình dáng của thiếp biến đổi đẹp thế này.

Người chồng quá vui mừng vào tâu với nhà vua. Vua Ba-tư-nặc cũng vui mừng liền ngự giá đến xem, nhưng trong lòng còn hồ nghi có điều gì kỳ lạ, bèn đến chỗ Phật thưa hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Con gái của con do nhân duyên gì được sống nơi thâm cung, hình dáng lại xấu xí, ai thấy cũng kinh sợ? Và do nhân duyên gì lại hóa ra xinh đẹp?

Đức Phật bảo:

- Thời quá khứ, có vị Phật Bích-chi, hằng ngày đi khất thực. Một hôm, đến trước cửa ngõ nhà của một Trưởng giả, khi ấy con vị Trưởng giả đem cơm ra cúng cho vị Phật Bích-chi. Cô ta thấy hình tướng Phật Bích-chi xấu xí mở miệng nói: “Người này xấu xí quá, thân thể như da cá, tóc như lông ngựa.” Người con gái lúc ấy chính là con của bệ hạ bây giờ và nhờ phước đức cúng dường nên được sanh vào thâm cung. Còn do chê bai Phật Bích-chi xấu xí phải chịu hình dạng xấu xí. Sau sanh tâm xấu hổ, tủi phận khẩn thiết cầu nguyện, thấy được Ta mà vui mừng nên hóa ra xinh đẹp.

Trong chúng hội nghe Phật thuyết giảng như vậy đều cung kính đảnh lễ, hoan hỷ ghi nhớ phụng hành.


Lời kết:

Đức Phật gỡ mối hồ nghi cho vua Ba-tư-nặc về cuộc đời nàng Lại-đề, chính là đem thuyết Nghiệp quả mà giải thích hiện tượng bí ẩn về thân phận của một con người. Đức Phật dạy, chỉ có bốn đối tượng: Tâm chư Phật, tâm của pháp giới, cảnh giới định của các thiền giả và quả dị thục của nghiệp mới thấy được sự vận hành của nghiệp. Còn nếu tư duy thường nghiệm mà nỗ lực tìm hiểu thì có thể bị vỡ tim, hay xuất huyết não.

Nghiệp quả là do hành động của thân, khẩu, ý trong quá khứ mang lại và tiếp tục ảnh hưởng đến tương lai qua đời sống của hiện tại. Công trình số phận ấy chỉ một mình ta là kiến trúc sư xây đắp nó, vững chãi dài lâu hay sụp đổ một sớm một chiều cũng đều do ta. Tuy nhiên, giáo lý Nghiệp quả của Phật giáo không chấp nhận một đời sống, số phận của con người trở thành máy móc: Kẻ sát nhân, tên trộm cướp, người hư hèn, v.v… cứ mãi mãi như vậy không thay đổi được. Thuyết Nghiệp quả không phải thuyết Định mệnh, hay Tiền định. Chúng ta có đủ tự do ý chí để cải thiện đời sống của mình, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Chính đức Phật dạy: “Nếu có ai cho rằng con người phải gặt hết quả của tất cả những hành động trong quá khứ thì không thể có đời sống đạo đức, và con người cũng không có cơ hội để tận diệt phiền não…” Do vậy mà hình ảnh nàng Lại-đề chiến thắng số phận là hình ảnh một con người chiến thắng nghiệp lực. Nhưng một tâm hồn đang đau khổ và tuyệt vọng thì chỉ biết gởi đức tin nơi tha lực mới lấy lại niềm tin ở chính mình, cho nên nàng Lại-đề hướng đến đức Phật khẩn thiết cầu nguyện. Cầu nguyện với tất cả lòng tinh thành vô hạn của một người biết sám hối tội lỗi quá khứ, biết giá trị chân thực và sự bức thiết của đạo. Người đến với đạo là đã có Phật trong lòng, Phật hiện ra cũng từ tâm mà hiện. Phật vốn vô tướng chỉ tuỳ tâm chúng sanh mà hiện tướng. Lúc mê thấy Phật Bích-chi hình tướng xấu, khi ngộ rồi thì nơi đâu cũng có Phật, hình dáng nào cũng là Phật.

Mặc dầu nội dung văn truyện trong kinh mang đậm nét văn học dân gian Ấn Độ nhưng với thời gian và qua thời gian, các vị đệ tử Phật đã tô điểm thêm vào bức chân dung tác phẩm một vài nét huyền hoặc, vừa diễn tả chuyện có thật trong xã hội đời thường, vừa giáo hóa con người quay về với đạo, và dạy con người phải tin nơi giáo lý Nghiệp quả.

Giáo lý Nghiệp quả đem lại cho người Phật tử sự an ủi, niềm hy vọng, chỗ nương tựa, đồng thời cũng là sự khích lệ tinh thần cho mọi người can đảm vững bước trên con đường tiến bộ.

Thích Tâm Nhãn