Mấy chục năm hô hào bảo tồn phố cổ, BQL phố cổ đã được lập ra. Tuy vậy, cho đến nay BQL không có trong tay tư liệu: đó là mấy trăm tờ bản đồ TL1/200, khổ A0 vẽ những khu phố từ đầu thế kỷ, cập nhật đến năm 1965, mô tả từng bậc thang, bể nước, trụ cổng. BQL cũng có vài bức vẽ ghi nhưng không mấy giá trị. Việc bảo tồn kiến trúc dường như chỉ bằng các bài thơ ngợi ca phố cổ?
Từ công ty Cảng Trung Lữ tại “Thiếu Lâm Tự”[1]
Thiếu Lâm Tự (Trung Quốc) đã trở thành mầu mỡ trong xu hướng thương mại hóa: cho thuê địa điểm làm phim trường, cho võ sư trong chùa đi đóng phim, bán vé vào tham quan khu vực chùa... Đặc biệt, chùa Thiếu Lâm càng nổi tiếng hơn và thu hút nhiều du khách hơn khi bộ phim Thiếu Lâm Tự có Lý Liên Kiệt tham gia được công chiếu. Những hoạt động này cho thấy chùa không còn giữ được bản sắc và tinh thần võ thuật thuần túy như trước kia.
Trong số tiền 100 tệ /vé vào cửa, chùa Thiếu Lâm có 40 tệ, còn lại thuộc về Cảng Trung Lữ - Công ty TNHH du lịch văn hóa, liên doanh giữa chính quyền thành phố Đăng Phong (49% cổ phần) với Tập đoàn du lịch Hồng Kông, Cảng Trung Lữ (51% cổ phần). Hai bên sẽ đầu tư 100 triệu tệ (khoảng 270,4 tỉ đồng), cùng kinh doanh và chia lợi nhuận về số tài sản thuộc khu vực chùa Thiếu Lâm. Hợp đồng kéo dài 40 năm, bắt đầu chính thức từ 2011.
Có nguồn tin cho hay chính Phương trượng Thích Vĩnh Tín đã ấp ủ ý tưởng này. Ông từng đảm nhận chức Phương trượng, quản lý chùa trẻ nhất khi mới 26 tuổi. Với học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh, phương trượng dự đoán sẽ trở thành CEO của chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, ông đã phủ nhận lại toàn bộ thông tin trên.
Chỉ riêng tiền vé vào cửa, ước tính khoảng 150 triệu tệ/năm. Mọi người lại xôn xao thêm khi có tin chùa Thiếu Lâm sắp lên sàn chứng khoán.
Lý Phổ Lôi - quan chức Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc - từng khẳng định: “Việc thương mại hóa thể thao giờ đây là một xu hướng không thể tránh khỏi. Chúng ta phải nhìn thấy rằng thương mại hóa chùa Thiếu Lâm và kung-fu Thiếu Lâm sau này sẽ có tác dụng thúc đẩy kung-fu Thiếu Lâm, chẳng hạn như tổ chức trường Đại học Võ thuật”.
Từ một di tích gắn liền với lịch sử có thật của nền văn minh vĩ đại, đang trở thành một dự án kinh doanh có kích thước và những dự án kinh doanh mở rộng không ngừng lấy di tích làm điểm xuất phát. Hay dở thì là là chuyện của Trung Quốc, còn Việt Nam ta thì sao?
Đến công ty Tùng Lâm ở Yên Tử [1]
Non thiêng Yên Tử có nhiều cơ quan quản lý và khai thác. Trên mặt đất, cây, rừng thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng quản lý, dưới lòng đất thuộc Công ty than quản lý, địa bàn hành chính thuộc xã quản lý.
Đã từng có BQL di tích Yên tử thuộc UNBN tỉnh, rồi UBND thị xã Uông Bí, hiện nay bên cạnh BQL lại có Công ty Tùng Lâm - đơn vị trực tiếp khai thác. Công ty đã đầu tư nhiều hạng mục để phục vụ hàng vạn lượt khách mỗi ngày khi chính hội, sau mỗi năm các công trình lại được làm thêm để đón nhiều khách hơn. Việc này có hai mặt: mặt tốt là thập phương hành hương thuận tiện đồng nghĩa với đem lại nhiều tỷ đồng tiền vé mỗi ngày. Nhiều hạng mục mục đích thu lợi thực hiện rất chủ động với tốc độ nhanh. Trong khi các cơ quan quản lý từ tỉnh / huyện/ xã và Bộ chủ quản thì phản ứng chậm chạp, bị động, né tránh - vòng vo cuối cùng là thỏa hiệp theo kiểu chỉ đạo lập hồ sơ xin phép các cơ quan chức năng những công trình… đã xây xong.
Cùng trong vùng non thiêng, những nơi chợ búa, cửa hàng, dịch vụ hứng tiền du khách được dồn dập xây dựng thì những vấn đề như xử lý chất thải, giữ gìn nguồn nước sạch, bảo vệ cây cối, động vật tự nhiên hay lập hồ sơ quy hoạch tổng thể khai thác, công khai nguồn lợi thu về để phục vụ bảo tồn di tích… rất mờ nhạt và bị lờ đi khá kỳ quặc. Lối đi đang được gia cố, bãi đỗ xe đang mở rộng, trên đỉnh núi ngôi chùa mới đúc tượng bằng đồng lớn hơn xưa nhiều và sẽ có bức tượng lớn đặt tại nơi cao để nhiều người nhìn thấy. Du khách đến ngày một nhiều hơn đồng nghĩa công ty tăng lợi nhuận. Mỗi năm hành hương về đây, tiếng loa nhắc nhở “quý khách chú ý, đề phòng kẻ gian trộm cắp móc túi…” phát lên to hơn, tần suất cao hơn. Non thiêng liệu còn thiêng bao lâu nữa?
Phố cổ và di sản Kiến trúc Hà Nội: Liệu có thể bảo tồn chỉ bằng “nước dãi”?
Mấy chục năm hô hào bảo tồn phố cổ, BQL phố cổ đã được lập ra. Tuy vậy, cho đến nay BQL không có trong tay tư liệu: đó là mấy trăm tờ bản đồ TL1/200, khổ A0 vẽ những khu phố từ đầu thế kỷ, cập nhật đến năm 1965, mô tả từng bậc thang, bể nước, trụ cổng. BQL cũng có vài bức vẽ ghi nhưng không mấy giá trị. Việc bảo tồn kiến trúc dường như chỉ bằng các bài thơ ngợi ca phố cổ?
Bộ máy BQL chuyển từ TP về quận Hoàn Kiếm quản lý. Riêng các cơ quan, nhà trẻ, trường học, UBND các phường thuộc Quận nằm trong khuôn viên các ngôi chùa, đình, hội quán, nhà cổ (nhắm mắt đếm được vài chục điểm). Mỗi năm, các công trình này được Quận đầu tư nâng cấp sửa chữa xây mới “cho phù hợp với mục đích hoạt động” cũng đồng nghĩa các ngôi nhà ngày càng ít cổ hơn.
Ngôi chùa cổ nhất Hà Nội là chùa Trấn Quốc có nhiều hạng mục kiến trúc hiện đang bị phá đi làm mới hoàn toàn, đại diện cục Di sản văn hoá - Bộ VHTT&DL cho biết: “Cả nhà chùa và địa phương đều đã đi tìm tư liệu về cổng chùa gốc, nhưng đã không tìm được”. Cổng mới to hơn, lối vào mở rộng đổ bê tông chắc chắn. Hai dãy hành lang thành nhà khách khang trang, những lời khuyên khéo léo vào chùa đừng thắp hương mà nên gửi tiền công đức đóng góp làm mới chùa. Sổ sách ghi chép đàng hoàng nhưng chưa bao giờ thấy ai nói sẽ dành để ai xem… Cõi thiền thanh cao xa lánh giờ đây đang đổi hướng: mọi sự kiến thiết cốt để nơi này xích lại, thân mật với chốn trần ai cát bụi hơn. Ngay cả khi báo chí đã công bố bản vẽ ghi Chùa từ đầu Thế kỷ 20 của Viện Viễn Đông Bác Cổ, ảnh chụp năm 1940, 1958, cái cổng chùa xinh xắn gắn với quy mô ngôi chùa tỷ lệ hoàn chỉnh với không gian cảnh quan… Những người tham gia xây mới chùa vẫn coi là không gốc mà dựa vào những lý lẽ vu vơ mẫu vẽ copy nhặt nhạnh đâu đâu. Hầu hết các đình chùa Hà Nội đang có cùng mẫu thiết kế từ cổng ngõ, tường rào đến các chi tiết đầu đao, hổ phù, hoa lá.
Hình ảnh lộn xộn của phố cổ hà Nội hiện nay
Kinh nghiệm bảo vệ di sản kiến trúc Hà Nội cách đây một thế kỷ [2]
Chiếm Hà Nội bằng quân sự, người Pháp đã tiến hành xây dựng thành phố hành chính trên nền đất của kinh đô phong kiến: làng xóm, ao hồ chi chít. Chỉ khu vực Hồ Gươm và phụ cận, họ đã phá huỷ không ít những công trình tôn giáo danh tiếng: Nhà thờ Lớn xây trên nền chùa Lý triều Quốc sư đã đổ nát (1884). Nhà Bưu Điện xây dựng phải phá bỏ chùa Liên Trì (1889). Chùa Táo (thế kỷ X-XV) bị san phẳng để xây Toà Thị Chính(1886) và đền Huyền Trân (thế kỷ VI) nhường chỗ cho Thư viện (1889)…
Không biết có bị ân hận về sự huỷ diệt văn hoá hay không, nhưng một số người Pháp đã có nỗ lực thành lập Viện Viễn Đông Bác Cổ - LECOLE FRANCAISE DEXTRÊME-ORIENT - EFEO (1898) với tôn chỉ “Tìm hiểu sâu về sứ sở qua nghiên cứu lịch sử và văn hoá nhằm dẫn dắt và phát triển mạnh hơn kho tri thức của Pháp”... Bỏ qua những mục tiêu khoác áo thực dân như xoa dịu các thái độ phản kháng của người dân mất nước hay khẳng định ảnh hưởng chính trị… Công tác bảo tồn di sản kiến trúc tại Hà Nội được tiến hành có phương pháp, kiên định và hiệu quả.
Từ những ngày đầu, EFEO có vai trò giám sát các công trình lịch sử trong khi chính quyền địa phương chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng của chúng. Trong bối cảnh các di tích Hà Nội không hề được bảo vệ, bị những người xâm chiếm phá hoại tràn lan để xây dựng đô thị thì nhiệm vụ này không dễ dàng. Tư liệu EFEO soạn thảo làm cơ sở để tranh luận và thuyết phục các đại diện giới quân sự tôn giáo và hành chính của Pháp để giảm thiểu sự tàn phá di sản ngay từ những ngày đầu Hà Nội bị chiếm đóng.
Cơ quan EFEO có nhiều chuyên gia: Gustave Dumoutier - nhà khảo cổ học, nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học phương Đông; KTS Henri Parmentier, Henri Vildieu, Luis Bezacier và đặc biệt là KTS Ernest Hébrard. Ngoài những nhà khoa học uyên bác người Pháp, có rất nhiều người Việt có trình độ uyên thâm như cụ Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Thiệu Lâu… Tham gia công tác bảo tồn di sản còn nhiều người Việt tâm huyết nữa với danh hiệu “Cộng tác viên của EFEO” từ năm1902. Ngoài những nghiên cứu về Khơme, Chăm, Lào... Tại Hà Nội, EFEO nhanh chóng lập ra danh sách 40 công trình di sản được bảo vệ như: chùa Trấn Quốc, Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, đền Trấn Vũ, chùa Một Cột, đền Bạch Mã, Hồng Quang, Hồng Phúc, Chiêu Thiền, Liên Phái…
Không chỉ bảo tồn các công trình, các hoạt động nghiên cứu làm rõ hơn những giá trị của di sản như dịch văn bia, nghiên cứu các biến đổi qua các giai đoạn trùng tu và từ đó xác định các nguyên tắc bảo tồn, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thực tiễn.
Hai ví dụ về bảo tồn, phục chế di sản kiến trúc [2]
Văn Miếu tôn tạo từ 1917 đến 1920., được tổ chức lại từ khung nhà đổ nát, có thể sụp đổ hoàn toàn. Ngay từ lúc đó đã phải di dời những người dân sống trong sân Văn Miếu và dọn cả những ruộng rau.
Đối mặt với nguy cơ “khôi phục không nguyên vẹn”, những bộ phận hư hỏng được nghiên cứu phục hồi nguyên mẫu để thay thế. Nguyên tắc này áp dụng làm lan can và lối đi lát gạch. Tuy vậy, hai cái ao được tạo mới thành hồ nước, lối đi bộ bên thảm cỏ dưới những tán cây mới trồng thêm. Việc bổ sung khéo léo làm cho du khách đến nay ngỡ là có mấy trăm năm nhưng ít ai nhận ra đó là phong cách sân vườn châu Âu.
Tôn tạo Chùa Một Cột năm 1920-1922. Khu đất bao quanh chùa đã thay đổi khi quy hoạch mạng lưới giao thông. Nghiên cứu văn bia lại phát hiện chùa đã trùng tu nhiều lần nên việc xác định nguyên mẫu trở nên phức tạp hơn. Tuy vậy ngay cả việc chuyển từ bảo tồn đơn thuần sang phục chế toàn bộ thì công viêc cũng đã được hoàn thành cẩn trọng. Việc khôi phục lại các hoa văn ở các góc cạnh hay xây mới một bờ tường hình vuông quanh hồ nước (vốn bị xoá hết dấu vết) với tỷ lệ chọn lọc đã làm cho ta không nhận ra đâu là hiện vật cũ ,mới. Năm 1954, quân đội Pháp phá chùa trước khi rút khỏi Hà Nội. Bằng tư liệu lưu trữ, ta đã dựng lại như ta thấy nó hiện nay.
Rất nhiều đình chùa Hà Nội đã được phục chế trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ 20. Một phần do kết cấu gỗ, gạch không giữ được lâu một phần chiến sự 1947 tại Hà Nội khiến nhiều đình chùa thiệt hại nặng nề. Nhờ những kinh nghiệm phục chế có phương pháp đã hình thành bởi EFEO, các công trình này được thực hiện rất thành công.
Ngày 20/1/2010, Viện bảo tồn di tích - Bộ Văn hóa TT&DL tổ chức hội thảo chủ đề “Tính liên ngành trong bảo tồn di tích”. Có đề xuất công tác bảo tồn cần dựa vào cộng đồng. Vấn đề này có thực thi hay không phụ thuộc vào các cơ quan được giao nhiệm vụ bảo tồn của Bộ VH, TT&DL. Việc đầu tiên là các đơn vị này công bố toàn bộ hồ sơ hiện trạng di sản cần bảo tồn. Có hay không, thiếu hay đủ, cộng đồng sẽ bổ sung đóng góp. Có hồ sơ, cộng đồng mới so sánh, đánh giá và tham gia tích cực vào công việc giám sát hoạt động bảo tồn.
Làm được như vậy, chúng ta sẽ đảo ngược tình thế hiện trạng: khi các di tích, di sản được khẩn trương thái ra thành các món lợi có thật thì bảo tồn mới dừng ở các khẩu hiệu hô hào suông vì tư liệu di sản chỉ là “nước dãi”.
Tài liệu tham khảo:
[1] Tư liệu về Thiếu Lâm Tự và Yên Tử trích dẫn bản tham luận “Vai trò, mối quan hệ của xây dựng chính sách trong việc bảo tồn di tích” của nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh Hương - Viện Xã Hội học.
[2]Tư liệu của France Mangin “Di tích lịch sử Hà Nội 1900-1930” và TC “Xưa và Nay” 6/2009.Phạm Quỳnh Hương, Trần Minh Ngọc
Theo Kiến trúc Việt Nam số 1+2/2010