Tôi muốn nói cùng toàn thể chư Ni đang trong mùa An Cư Kiết Hạ tại tỉnh nhà, và gần nhất là chư Ni đang An cư tại trường Hạ Huê Lâm. Trước nhất, tôi rất hoan hỷ được tiếp tục duy trì trường Hạ tại trú xứ, vì đây là một trong những công tác Phật sự được tôn sư khai sáng dựng lập, chúng tôi có bổn phận phải tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống ấy bằng mọi cách. Thứ hai nữa là cho tôi gởi lời cầu chúc tốt lành và tán thán đến chư tôn đức Ni trụ trì và Ni chúng các tự, viện. Cuộc sống đang có nhiều biến động, đất nước đang có nhiều thay đổi chuyển biến, từ vật chất tinh thần, đến kinh tế, văn hóa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta cũng đang trên đà hội nhập nền văn minh, văn hóa ấy. Phải thế, vì Phật giáo nằm trong lòng dân tộc, là cái nôi văn hóa của dân tộc, nếp sống thanh quy và sự tu hành phạm hạnh của giáo đoàn cũng chính là biểu tượng cho nền đạo đức, hòa bình an lạc chung cho đất nước, cho con người. Mùa An cư Kiết Hạ năm Kỷ Sửu (2009) này thật nhiều ý nghĩa đáng trân trọng. Qua sự tu tập tiến bộ, sự đoàn kết hòa hợp chặt chẽ của Đại chúng, Ni giới hôm nay có những bước tiến bộ khá nhanh, có thể theo kịp và hòa nhập vào sự tiến bộ, văn minh của đất nước. Ni giới sẽ có thêm nhiều điều kiện hơn nữa để phát huy tiềm năng và thực hành mạnh mẽ hơn nữa nguồn sống của giáo lý cao đẹp, vững bước đi vào một giai đoạn phát triển mới, hòa nhập vào phong trào chung của đất nước. Điều đáng mừng hơn nữa, tôi nhận thấy chư tôn đức Ni đang lãnh đạo Ni giới bây giờ thật sự rất sáng suốt và năng động, nhiệt tình với Đạo pháp. Việc thành lập Phân Ban Đặc Trách Ni ra đời thật là đúng thời điểm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tăng đoàn nói chung, và nhất là đối với Ni giới nói riêng. Việc làm này rất đáng trân trọng, không những làm phong phú thêm trang sử mới cho Ni giới thời đại hội nhập, mà còn góp phần không nhỏ trong cuộc cách mạng làm thay đổi nhận thức của mọi người về nữ giới nói chung và Ni giới nói riêng. Cũng có thể xem đây là một thắng duyên với nhiều lợi ích lớn lao về giáo dục đạo đức của Phật giáo. Chúng tôi thật sự rất vui mừng ủng hộ, xem đây như một con đường chuẩn mực và sáng lạng đợi chờ phía trước cho giới Ni trẻ. Ni giới từ nay sẽ có những chương trình hoạt động mạnh mẽ và rộng rãi hơn, tích cực hơn, nhưng không ra ngoài phạm vi Giới Luật và tinh thần Bát Kỉnh Pháp. Điều tôi muốn nói ở đây chính là sự giáo dục, Ban Đặc trách Ni ra đời, không phải là để thổi luồng sinh khí mới vào sự sinh hoạt, nếp truyền thống của Tăng đoàn, mà là để củng cố lại phẩm hạnh, đạo đức của giới Ni đã bị thả lỏng gần nửa thế kỷ trôi qua. Việc làm này sẽ hết sức khó khăn gian khổ, không chỉ một ngày, một tháng hay một năm, mà nó còn tùy thuộc và đòi hỏi vào tinh thần “tự giác giác tha” của từng người một trong hàng Ni giới. Tuy rằng “một con én không làm nên mùa Xuân”, nhưng người ta biết được Xuân đã về qua tiếng hót líu lo của một bầy chim én. Một người Ni thì chắc chắn không đủ sức đưa vai gánh đỡ ngôi nhà Phật Pháp, nhưng nếu sức mạnh và lòng kiên quyết hòa hợp phụng sự Đạo pháp Dân tộc của đoàn thể Ni giới, thì chúng ta có thể tin rằng vấn đề “Ni giới gia nhập Tăng đoàn Chánh pháp sẽ hoại sớm 500 năm” sẽ được hóa giải, và chúng ta cũng sẽ không còn phải lo âu sợ hãi vì chuyện “nghiệp chướng nặng nề” ấy nữa. Ni giới sẽ mạnh mẽ hơn nữa trong vai trò “thừa đương Phật sự”. Bằng vào Năng lực, Trí lực, Pháp lực và cả tâm nguyện gắn bó cũng như sự kiên trì nội tại, chúng ta có thể xông pha vào đời sống để cứu nguy, để thực hành thiện nguyện và làm sáng tỏ hơn truyền thống Đạo đức, tinh thần Từ bi của Phật giáo. Tôi tin rằng những hoạt động Phật sự mà chư tôn đức đã và đang phấn đấu sẽ có kết quả hiệu nghiệm và như ý, tất nhiên là công tác giáo dục và đào tạo “đống lương Phật pháp” không phải giản đơn. Nó phải được bắt đầu từ nếp sống, nếp nghĩ, rồi đến nếp tu hành của thế hệ trẻ, các bậc làm Thầy đều phải hết sức quan tâm tạo điều kiện cho họ thích nghi với môi trường “Hòa Hợp Chúng”, giúp cho họ nhận hiểu và xác định rõ hướng đi cũng như vai trò của người Tu sĩ. Bởi vì, cơ sở của một nền giáo lý được thể hiện đúng tinh thần chánh pháp, mới có thể xây dựng một nếp đạo đức tu hành thực sự hướng thượng và giải thoát, thực sự vì hạnh phúc cho mọi người. Đó chính là đạo lý, nếu muốn có rừng thì phải trồng cây, chăm sóc cây và giữ gìn cây. Một cây không thể gọi là rừng, nhưng có cây tất sẽ có rừng. Chuyện “tre tàn măng mọc” tất nhiên rồi! Hãy bắt tay vào vấn đề giáo dục đạo đức, chăm sóc cho những chồi non thật kỹ lưỡng trước khi tre chưa tàn. Đó là vấn đề thực tiễn và cấp thiết của Giáo hội, của các vị lãnh đạo Ni giới, của các bậc làm Thầy, trong thời đại xã hội phát triển và hội nhập hôm nay. |
Ni Trưởng Như Ấn) |
Giáo Dục Đạo Đức Vấn Đề Cần Thiết
Permalink
HTML code to copy to your site or email message:
Click below to select, Ctrl + C to copy.
<a href="https://daitangkinhvietnam.net/node/2809" title="daitangkinhvietnam.net">Giáo Dục Đạo Đức Vấn Đề Cần Thiết</a>