Những điểm tĩnh cần trong dòng thác

Sự mất cân bằng

Trời bắt đầu trở lạnh. Những cơn gió từ phương Bắc mang cái rét đến trấn ngự quanh đây. Tuy nhiên, bầu trời vẫn còn trong xanh và bình minh vẫn rực rỡ nắng. Sáng nay, tôi pha ấm trà long tĩnh, đến và ngồi bên cửa sổ có thể nhìn thấy một khoảng trời xanh ngắt. Tôi là chúa sợ lạnh, nhưng vì bình minh quá quyến rũ tôi không cưỡng lại được đành mở toang cửa sổ để có thể tận mắt thưởng thức mấy sợi nắng đầu ngày vàng óng đang tinh nghịch trên những phiến lá bạch dương. Gió thổi nhẹ làm lay động hàng bạch dương, những chiếc lá cứ rì rào như gọi nhau cùng hát. Hai tay tôi nâng tách trà nóng thoang thoảng mùi hương, chắc có lẽ đây là mùi hương cao nguyên nơi có những đồi chè bạt ngàn. Tôi thưởng thức trà từng ngụm hết sức trân quý. Thỉnh thoảng tôi nhìn lên bầu trời và bắt gặp từng đàn chim đang di cư về phương Nam ấm áp để tránh đông. Có lẽ với vốn kinh nghiệm sống của mình, các loài chim cho rằng, khó có thể sinh tồn trong cái lạnh khắc nghiệt được, phải mau mau tìm cho được một nơi cư trú ấm áp cho mùa đông. Có phải những loài chim này đã phát hiện được sự mất cân bằng trong cơ thể của chính mình, và đã tìm về phương Nam ấm áp với mục đích thiết lập lại sự cân bằng để đảm bảo cho sự sống còn. Và dường như điều này cũng đúng với những gì đang hiện hữu trong thế giới tương đối này. Bất kỳ một sự vật hiện tượng nào muốn phát triển bền vững và lâu dài đều phải dựa trên thế đứng cân bằng. Nếu có một hiện tượng nào đó phát triển thiên về bên này hay bên kia chắc chắn sẽ dẫn đến một kết quả thái quá. Rõ ràng, đây là quy luật hiển nhiên của tiến trình phát triển.

 

alt


Tuy nhiên, trong thế giới chúng ta đang sống, đời sống vật chất đang phát triển với tốc độ như vũ bão với danh nghĩa là thuận theo quy luật phát triển và đào thải. Rõ ràng, thực chất điều này chỉ là cái cớ để thỏa mãn những nhu cầu hưởng thụ ngày càng quá mức của con người mà thôi. Để thỏa mãn những tham vọng, những ham muốn vật chất mà người đã giàu lại muốn giàu thêm, người nghèo thì cố ngoi lên. Họ đang bất kể dẫm đạp lên nhau để chạy theo cơn lốc vật chất. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận toàn bộ vai trò của đời sống vật chất, bởi vì bản chất của nó không hoàn toàn tiêu cực. Chính dục vọng của con người can thiệp vào đã khiến giá trị của đời sống vật chất bị bóp méo. Do vậy mà đời sống vật chất phát triển hiện nay đã không thực sự tạo điều kiện khích lệ cho con người hướng đến một đời sống tâm linh tốt đẹp. Và đáng báo động hơn là chính từ đời sống ấy đã hình thành nên những con người cho rằng, họ là sản phẩm tiến hóa của các điều kiện ngoại tại: kinh tế, chính trị, xã hội,… Sự quan tâm đến đời sống tâm linh đối với họ là cái gì đó rất xa xỉ, và khiến họ dần quên lãng nó đi.

Vậy thì sự cân bằng, sự ổn định và điều hòa giữa đời sống vật chất và tâm linh có ý nghĩa gì đối với tất những con người “hiện đại” –những con người đang bơi lặn trong vòng xoáy của vật chất?

Thông điệp của hiểu biết và thương yêu

Mặt trời lên nhanh quá. Bởi chớm đông rồi mà. Tôi muốn ngồi nán lại bên cửa sổ vì hôm nay là ngày “làm biếng” trong tu viện –một ngày quý giá cho sự tự thực tập. Tôi pha thêm tuần trà nữa, và châm trà. Trà ở nước thứ hai nhưng vẫn còn thơm và ngon. Tôi đứng dậy với tay khép hờ cửa, bởi căn phòng đã tràn ngập cái lành lạnh của buổi sáng. Lúc này có thể nói, trong căn phòng xinh xắn này chỉ còn lại vài điểm có hơi ấm đó là con người tôi, ấm trà vừa pha và tách trà đang bốc khói trong tay tôi. Ngay lúc này đây, tôi rất có hứng thú muốn được tiếp tục trò chuyện với bạn về chủ đề còn đang dở dang. Không biết bạn như thế nào, riêng rôi rất có hứng thú với vốn kinh nghiệm dân gian của cha ông. Bạn có nhớ, ông bà ta thường nói: “An cư mới lạc nghiệp”. An cư –theo nghĩa dân gian –có nghĩa là có một nơi cư trú ổn định, và đây là điều kiện rất cần thiết để công việc làm ăn sinh sống về sau phát đạt. Có thể kinh nghiệm này dưới góc nhìn của một số người chỉ thuần túy nhắm đến nơi ăn chốn ở và nghề nghiệp mà thôi. Nhưng ta đều biết, ông cha rất tinh tế phải không? Bất kỳ một kinh nghiệm nào của người xưa được đút kết qua hàng ngàn năm đều tồn tại một ý nghĩa triết lý sâu xa đằng sau. Chỉ có sự chiêm nghiệm mới có thể giúp chúng ta phát hiện được cái kho tàng quý giá ấy. Đó có thể mới là chủ ý cuối cùng của cha ông. Vậy thì “an cư lạc nghiệp” muốn gởi gấm thông điệp tinh thần gì?

Nhân đây tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện. Đây không là câu chuyện từ vốn kinh nghiệm dân gian của ông cha mà có liên quan đến câu chuyện an cư trong đạo Bụt. Như bạn đã biết, đạo Bụt có truyền thống an cư dành cho chư tăng, và thời gian an cư mỗi năm ít nhất là ba tháng. Nghĩa “an cư” theo truyền thống đạo Bụt là: “Thân tâm đều tĩnh lặng gọi là an, đến thời gian quy định phải ở yên một nơi gọi là cư”. Nhân duyên Bụt thiết định pháp an cư cũng rất thú vị. Vào một mùa mưa, Bụt đang cư trú tại tu viện Trúc Lâm, thành Vương Xá. Có một số các thầy tỳ kheo du hành trong mùa mưa, và đã khiến dân chúng phàn nàn: “Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hàng năm vẫn có ba tháng ở cố định trong mùa mưa, còn các sa môn Thích Tử thì lại du hành trong mùa mưa. Các vị ấy giẫm đạp lên cỏ xanh, hãm hại mạng sống của các loài côn trùng”. Các tỳ kheo đem trình sự việc này lên Bụt, và pháp an cư được Bụt thiết định. Nghe đơn giản vậy đó, nhưng ý nghĩa của nó vô cùng sâu sắc và quan trọng không chỉ đối với hàng xuất gia mà cả tại gia nữa. An cư là dừng nghỉ để suy nghiệm nhiều hơn về bản thân, để chuyển hóa nội tâm và khám phá đời sống một cách mới mẻ, an lạc, từ đó thiết lập một môi trường an ổn, hòa hợp với ý nghĩa cùng sống chung. Đối với người xuất gia an cư không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà là con đường để thăng hoa tâm linh, vun bồi trí tuệ, thực hiện lý tưởng cao đẹp. An cư đích thực phải là niềm vui, niềm hạnh phúc. An cư đích thực chính là thể hiện tình thương và hiểu biết đối với bản thân và môi trường sống xung quanh ta. Đó chính là thông điệp quý giá gởi đến tất cả những người con của Bụt.

Thật là lạ, Bụt nói về an cư và cha ông của ta cũng nói về an cư. Ông cha ta nói chuyện an cư dựa trên kinh nghiệm sống thực tế. Và nhìn lại lịch sử đạo Bụt, không thấy có bất cứ pháp nào được thiết đặt  mà không có nhân duyên của nó. Tất cả đều được đút kết từ nguồn tuệ giác của sự chiêm nghiệm, của thiền quán. Các bậc tiền nhân đã thấy và có thể phán đoán được thực trạng của xã hội cho một trăm năm, hai trăm năm hay ngàn năm về sau. Vậy thì  thông điệp này cần được hàng con cháu chúng ta hiểu và phát huy như thế nào để có thể vận dụng nó một cách linh động và sáng tạo cho đời sống hiện tại đang mang quá nhiều vết thương rỉ máu?

Linh động dưới góc độ phổ cập

Chúng ta dừng câu chuyện một chút. Mời bạn ngồi yên cùng tôi ngắm khóm hoa đang nở trong tiết đầu đông bên cửa sổ. Loài hoa này rất lạ chỉ cho hoa vào mùa đông và bình thản nở suốt mùa đông. Những chiếc hoa màu hồng nhỏ xíu trông rất khéo. Hương của nó ngọt ngào như mùi mật. Bạn nghĩ như thế nào về việc dành thời gian ngồi ngắm hoa bên cửa sổ hay những việc tương tự như vậy? Đối với bạn có phải là quá xa sỉ? Nhưng với tôi, nó quan trọng. Quan trọng như làm một việc trọng đại. Bởi vì nó nuôi dưỡng và trị liệu tâm hồn tôi. Bạn có muốn thử không? Hãy gác lại những dự án đang hiện diện trong tâm trí. Hãy đóng vai trò là một người tự do nhất lúc này. Chỉ có ta và hoa thôi. Bạn sẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm. Tuy nhiên, tôi biết có nhiều bạn sẽ bất đồng với điều này. Nhưng cứ thử nhìn vào một ngày mà xem, sự bận rồn vì cơm áo gạo tiền, vì chạy theo những hưởng thụ vật chất, vì rong ruỗi tìm cầu hạnh phúc nơi xa vời đã dễ dàng cho bất kỳ một người sáng suốt nào thấy được một sự mất thăng bằng quá lớn. Sự phóng thể đã khiến con người không biết thõa mãn, không biết dừng lại để khám phá những giá trị của những gì đang hiện diện. Đối với họ, cuộc sống dường như chỉ là một chuỗi dài liên tục của sự dao động, sự chạy đua không biết mệt mỏi của bề nổi, và nội dung thì thiếu điểm tựa vững chắc. Đó chính là những lỗ hổng được tạo nên bởi sự thiếu vắng của những yếu tố tĩnh cần thiết cho đời sống. Nhưng điều đáng nói, sự mất cân bằng ấy có tác động phản tỉnh rất ít hoặc thậm chí không có tác động gì nhiều đến đời sống để họ có ý thức và hành động có ý nghĩa hơn. Với thực trạng như vậy, an cư cần được hiểu như thể nào để có thể được phổ cập và dễ dàng được vận dụng có ý nghĩa cho mọi tầng lớp? Do vậy, thiết nghĩ, an cư cần được hiểu là an cư ở mọi nơi, mọi giây phút với chiếc chìa khóa quyết định là sự thực tập “chỉ” –sự dừng lại. Dừng lại những hành động của ba nghiệp –thân khẩu ý –có khả năng lôi mình vào con đường vật chất bận rộn, để chữa lành những vết thương do tham đắm, giận hờn, ganh đua,… Nghe có vẻ còn quan trọng hơn cả kỳ an cư của những người xuất gia, nhưng thật ra với sự thực tập chánh niệm có thể giúp chúng ta từng bước tiếp cận và thâm nhập được với thông điệp quý giá mà Bụt đã gởi gấm đến con cháu của Ngài  hơn 25 thế kỷ qua. Và nếu được hiểu như vậy thì tất cả chúng ta đều có cơ hội được an cư theo tinh thần Bụt dạy mà không phải chỉ gói gọn trong ba hay bốn tháng tập trung.

Chìa khóa vàng

Bạn còn nhớ chứ, chúng ta vừa nói với nhau về tinh thần an cư mang tính phổ quát đến đại quần chúng. Và chúng ta cũng đã thống nhất với nhau, chỉ có phi tôn giáo hóa được pháp an cư này thì mới chuyển tải được thông điệp quý giá của nó đến mọi tầng lớp trong xã hội. Như đã nói ở trên, an cư có thể được hiểu là dừng lại và chiêm nghiệm những vấn đề nội tại của bản thân, cũng như ngoại tại của môi trường sống xung quanh chúng ta để từ đó có giải pháp giải quyết các vấn đề trong sự dung hòa. Tôi sẽ chia sẻ với bạn hai phương pháp rất đơn giản nhưng rất hữu hiệu làm chìa khóa cho sự thực tập “chỉ” là thở chánh niệm và đi chánh niệm.

Chắc bạn sẽ hỏi tôi, chìa khóa thứ nhất –thở chánh niệm –có nghĩa gì và sẽ làm gì với nó. Nhưng tôi mời bạn ngồi xuống cùng tôi trong thư thế thoải mái nhất, buông thư toàn thân. Chỉ chú ý đến hơi thở của chính mình và nó là đối tượng duy nhất lúc này. Thở vào, đưa sự chú ý đến hơi thở đang đi vào; thở ra, đưa sự chú ý đến hơi thở đang đi ra. Sự thực tập này không phải là một bài tập điều chỉnh hơi thở mà đơn thuần chỉ là nhận diện hơi thở. Bạn cần nhớ điều này. Chính sự đơn thuần nhận diện hơi thở mà hơi thở sẽ được điều hòa và tâm hồn cũng sẽ được điều hòa. Sau vài hơi thở có ý thức như vậy, bạn cảm thấy như thế nào? Nhẹ nhàng và bình an hơn phải không, bởi vì những lao xao trong tâm đã tạm lắng. Hoặc nếu mỗi khi có lo lắng sợ hãi, buồn giận, hay cô đơn, bạn nên nhớ, hơi thở chánh niệm chính là chỗ dựa vững chắc nhất cho ta lúc này. Đừng cố xua đuổi nó, chạy trốn nó, hay sợ hãi nó, chẳng có ích gì cả. Bởi vì kinh nghiệm đã cho chúng ta biết, nếu làm như vậy chỉ càng làm cho tình trạng trầm trọng hơn mà thôi. Bí quyết để giải quyết vấn đề trong tình trạng này là sự nhận diện đơn thuần. Sự nhận diện đơn thuần các tâm hành tiêu cực dựa trên nền tảng của hơi thở chánh niệm. Thở vào, tôi biết sự lo lắng đang có mặt trong tôi. Thở ra, tôi ôm lấy chúng bằng tất cả tình thương của tôi. Nên nhớ, đơn thuần chỉ là nhận biết sự hiện diện của cơn giận đang phát khởi. Ngoài ra không nên làm gì thêm trong lúc đang “dầu sôi lửa bỏng” này. Tuy đơn giản vậy đó nhưng có hiệu lực rất lớn. Nếu thực tập thường xuyên, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy mức công phá của những tâm hành tiêu cực yếu dần đi. Bạn cũng có thể làm sinh động những thực tập này bằng cách thi vị hóa. Bạn có thể thêm vào những hình ảnh cho các bài tập. Thở vào, tôi thấy mình là hoa; thở ra, tôi thấy tươi mát. Lúc này có hai đối tượng của chánh niệm: hơi thở và hình ảnh đóa hoa. Tuy nhiên, hình này không phải là sự suy tưởng mà đơn thuần cũng chỉ là sự nhận diện không hơn. Như vậy, bây giờ chúng ta phần nào hình dung được nội dung và ý nghĩa của chiếc khóa thứ nhất rồi phải không?

Lúc này, mặt trời đã lên khá cao. Sương đã tan. Và bên ngoài đã ấm hơn. Xin bạn đợi một tí để tôi lấy thêm chiếc áo ấm, khoác vào, và chúng ta sẽ cùng thiền hành lên đồi táo. Đồi táo thoai thoải vẫn còn đang mặc chiếc áo màu cỏ non. Bạn nhớ mang giầy nhé vì sương vẫn còn đọng trên cỏ rất dày. Nếu không vì cái lạnh của đầu đông tôi sẽ khuyên bạn nên đi chân trần  để bàn chân có thể tiếp xúc với cái mềm mại của cỏ non. Thú vị lắm. Bạn biết không, thiền hành là phương pháp thực tập rất hứng thú đối với tôi. Thiền hành cũng là cách  giúp chúng ta “dừng lại” trong “khi đi” –dừng lại sự đua chạy trong tâm. Thông thường ta không thực sự đi đúng nghĩa bằng chính đôi chân của mình mà đi bằng cái đầu và như vậy đã đánh mất rất nhiều điều mầu nhiệm cần được tiếp xúc và khám phá. Trong thiền đi có hai đối tượng chính của sự ý thức là hơi thở và bước chân. Nhưng tùy theo các cấp độ thực tập mà chúng ta sử dụng các đối tượng này cho thích hợp. Nếu mới làm quen với thiền đi, chúng ta có thể chọn bắt đầu với đối tượng là bước chân. Trên mỗi bước chân, ta đưa hết sự chú tâm của mình đến sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất. Nếu đã nhuần nhuyễn với cách trên, chúng ta có thể kết hợp cả hai đối tượng: hơi thở và bước chân trong sự thực tập. Thở vào, có thể bước ba bước. Thở ra, có thể bước ba bước. Đây chỉ là một ví dụ. Chúng ta có thể tự kiểm tra độ dài hơi thở tự nhiên vào và ra của chính mình tương ứng với bao nhiêu bước chân để điều chỉnh cho thích hợp. Lưu ý, sự điều chỉnh này phải lấy sự thoải mái và dễ chịu của hơi thở làm mốc, sự gượng ép sẽ không có hiệu quả. Chúng ta cũng có thể thêm vào sự thực tập này những thiền ngữ cho sinh động. Thở vào, bước hai bước, đọc thầm: “sen hồng/nở rộ” (“sen hồng” ứng với bước chân thứ nhất, “nở rộ” ứng với bước chân thứ hai). Thở ra, bước hai bước, đọc thầm: “an trú/nơi này”.
Rõ ràng, trong một vài phút trước chúng ta vẫn còn đang bị chi phối bởi buồn giận, trách móc, chán chường, vẫn còn đang lang thang, mất phương hướng ở đâu đó nhưng bây giờ thì được tắm mình trong không gian của sự bình yên và sự bảo hộ. Có phải đây là sự an cư đúng nghĩa? Giây phút hiện tại chính là trú xứ cho an cư an toàn.

Sự đầu tư không lỗ vốn

Muốn dừng lại phải buông thư

Bạn đã biết rồi đó, tôi  rất sợ rét. Tôi rất ngại phải đi ra ngoài dưới tiết trời lạnh lẽo như thế. Khi cảm thấy không thỏa mái với cái gì đó, mình thường tìm cách phản ứng để kháng cự lại điều đó. Tôi không biết bạn xử lý như thế nào trước cái rét, còn tôi phải gắng gồng mình mỗi khi đi dưới trời rét. Và chính điều này đã cho tôi nhiều bài học. Nếu bạn gồng mình lên, bạn có thể chỉ chịu đựng được trong một khoảng thời gian rất ngắn. Và sau đó, cái lạnh sẽ đánh gục bạn nhanh chóng. Bởi nguồn năng lượng mình phải cho ra quá nhiều. Và chính lúc ấy chúng ta đang tự đưa mình vào trạng thái mất cân bằng. Nếu bây giờ bạn thử cùng tôi thực hiện mẹo nhỏ sau: buông thư khi đi dưới trời rét. Ban đầu có thể bạn cảm thấy hơi khó chịu, hơi lạnh một chút. Nhưng chính ở trạng thái buông thư mới giúp cho cơ thể tiết kiệm được năng lượng và còn tạo cơ hội cho khí trong cơ thể được lưu thông. Đây chính là bí quyết giúp cơ thể ấm dần lên và chịu đựng được dẻo dai trước cái lạnh.

Bạn thấy đó, chỉ có ở trạng thái buông thư, thân và tâm mới được trị liệu. Và muốn buông thư được, chắc chắc cần phải dừng lại. Theo cái nhìn của đạo Bụt thì thân và tâm có mối tương quan mật thiết không tách rời. Nếu thân được trị liệu, tâm sẽ được ảnh hưởng tốt và ngược lại. Tuy nhiên, thử nhìn lại một ngày xem, bạn đã tạo cơ hội cho chính mình dừng lại chưa? Ít nhất là vài lần? Bạn có thấy và nhớ tầm quan trọng của điều này? Có thể bạn cho rằng, vì hoàn cảnh hoặc vì thời gian. Nhưng thực chất đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ bạn có thực sự muốn làm điều này hay không? Nếu muốn bạn sẽ làm được.

Sự có mặt

Có người nói: “ Người đánh mất liên lạc với chính mình là người nghèo nhất thế giới”. Bạn suy nghĩ gì về điều này? Nhiều người trong chúng ta lầm tưởng, cần phải tiết kiệm thời gian, bởi vì mình không có nhiều thời gian đầu tư cho những sự nghiệp, cho những dự án trong tương lai. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc mình đang xử ép với chính bản thân mình. Bởi vì sự đầu tư quan trọng và cần thiết cho tương lai chính là sự đầu tư cho thân tâm của chính mình. Đó là lý do tại sao nói, sự có mặt trước hết phải là sự có mặt cho chính mình. Tuy nhiên, mấy mươi năm qua trong cuộc đời mình đã đi hoang. Mình đã bỏ phế ngôi nhà của chính mình –thân và tâm. Nhiều người vẫn chưa biết thực sự mình cần gì, hiện trạng thân và tâm mình như thế nào? Đây là một hiện thực rất đau lòng. Mình phải quay về để chăm sóc, để khám phá lại những gì bị lãng quên. Mình cần tổ chức sắp xếp đời sống như thế nào để có nhiều hơn những khoảng thời gian cho những đầu tư bổ ích như vậy. Cụ thể, sau những giờ làm việc, cần thực tập buông thư để phục hồi lại trạng thái cân bằng trong thân và tâm. Mình có thể tìm một nơi yên tĩnh, ngồi xuống thật thoải mái, rồi thực tập với chiếc chìa khóa thứ nhất. Chúng ta cũng có thể thực tập với chiếc chìa khóa thứ nhất trong tư thế nằm. Nằm xuống, theo dõi hơi thở, ý thức từng bộ phận trên cơ thể đồng thời buông thư bộ phận ấy. Hoặc tìm nơi có không gian hơn như công viên hay vườn nhà để thực tập với chiếc chìa khóa thứ hai. Bạn đừng nghĩ, nó sẽ làm mất thời gian hay ảnh hưởng xấu đến công việc. Nếu thực tập đàng hoàng, dường như ảnh của nó ngược lại với những gì mình suy nghĩ ban đầu. Còn đối với những lo lắng, sợ hãi, cô đơn, trống vắng trong tâm hồn thì mình xử lý như thế nào?
Cho tôi hỏi thật, bạn đã từng rơi vào tình trạng cô đơn trống vắng chưa? Nếu đã ít nhất một lần, bạn sẽ đồng cảm và hiểu những gì tôi nói. Thông thường, khi có sự cô đơn trống vắng bủa vây, mình cảm thấy rất khủng khiếp. Mình cảm thấy mất phương hướng, không biết chỗ nào để vịn. Bạn sẽ làm gì lúc đó? Tìm sách đọc. Nghe nhạc. Tìm người trò chuyện. Không ổn. Cô đơn dường như thêm cô đơn. Bởi mình không hiểu mình mà người trò chuyện cũng chẳng hiểu mình. Nhưng mình vẫn không thấy điều này là sự thật. Và mình có thể sẵn sàng cãi lại, nếu có ai đó nói rằng: “Bạn đang thiếu bình an”. Mình tiếp tục hành xử như vậy, đi “vay” nơi nhạc, nơi sách, nơi phim ảnh, nơi những những cuộc trò chuyện hay những thú tiêu khiển đại loại như vậy. Mình biết, đây là cách để khỏa lấp, để chạy trốn những cô đơn trống vắng. Nhưng tại sao mình vẫn tiếp làm như vậy? Bởi vì mình sợ hãi, mình không có dũng khí để đối diện. Nỗi sợ hãi ấy chỉ là sự tưởng tượng của chính mình mà thôi. Nếu bạn chịu thử đối diện với nó dù chỉ một lần, chắc chắn bạn sẽ thấy câu chuyện khác đi. Mình không cần phải lo lắng vì sợ không biết phải làm gì khi đoàn quân của sự cô đơn trống vắng kéo đến bởi vì mình đã có trong tay hai chìa khóa vàng vô cùng sắc bén và lợi hại. Cứ đường đường chính chính đối diện mà với chúng, đón tiếp chúng như một người bạn, đừng xua đuổi chúng, có như vậy, chúng ta mới có cơ hộ chấp nhận chúng và có cơ hội hiểu chúng, chuyển hóa chúng.

Bạn biết không, nếu thực tập có mặt cho chính mình mà thành công thì sự có mặt cho người khác chỉ là một sự biểu hiện rất tự nhiên, không cần phải cố gắng. Sự có mặt của bố mẹ cho con cái, của con cái cho bố mẹ, của vợ chồng dành cho nhau, của lứa đôi dành cho nhau là vô cùng cần thiết và quý giá. Nó chính chất keo kết nối giữa những người thương. Nhưng nhiều khi mình hay quên điều này. Một ngày kia, mối liên kết gãy đỗ, chất keo dính không còn hiệu lực nữa thì trách nhiệm này thuộc về ai? Mình sẽ đau đớn, sẽ than khóc nhưng sự việc đã quá trầm trọng. Mình có thể biết trước điều này, nhưng mình vẫn chưa chịu làm, vẫn tiếp tục hẹn rày hẹn mai? Một chút ít thời gian dành cho việc làm đậm thêm chất keo dính với người thương đâu có nhiều nhưng nó quyết định sự thành công của cuộc đời chúng ta. Chúng ta có nên bắt đầu nhìn lại và hành động ngay từ giây phút này?


Ngồi yên

Thực ra, ngồi yên cũng là một sự có mặt. Ngồi yên cũng cần phải học đó bạn. Không phải cái kiểu ngồi bên cửa rồi để hồn cuốn theo mây theo gió, theo quá khứ tương lai đâu. Cũng không phải kiểu ngồi một mình mà lòng bồn chồn như ngồi trên lửa đốt. Ngồi như thế là ngồi mà “chạy”. “Chạy” để tính xem tí nữa sẽ làm gì. Ngồi theo kiểu như vậy rất mệt. Ngồi yên là kiểu ngồi trị liệu. Sau khi ngồi yên thì năng lượng được phục hồi chứ không phải tiêu hao năng lượng. Ngồi yên đơn thuần chỉ là lặng lẽ nhận diện những gì đang xảy ra trong thân tâm và xung quanh.

Gặp nhau và ngồi xuống bên nhau, đây cũng có thể là cách ngồi yên. Nhưng chúng ta cứ nghĩ, gặp nhau là nhất thiết phải nói. Bởi vì sao vậy? Vì họ sợ khoảng trống tồn tại giữa hai hay nhiều người. Khoảng trống ùa ra từ tâm hồn của cả hai. Hai khoảng trống nhân lại thành một khoảng trống thiệt bự. Họ phải thi nhau nói để đừng bỏ sót kẻ hở nào. Còn kẻ hở, họ còn nhận thấy sự dư thừa. Họ cố vắt óc để kiếm chuyện nói. “Trời ơi, sao chẳng còn chuyện gì để nói với nhau vậy cà”. Họ quên mất rằng, điều tối quan trọng của sự gặp gỡ là có mặt cho nhau.

Tôi thích cái cảnh, hai người bạn ngồi yên gần nhau, bên cạnh khung cửa sổ, có thể thấy được nắng và một mảng trời xanh. Ngồi thật tự nhiên. Trong đầu không tính đến chuyện phải nói gì cả. Trước mặt là hai tách trà còn nóng. Lâu lâu mỉm cười với nhau. Có trao đổi thì cũng chỉ nhẹ nhàng vừa đủ. Nếu một trong hai vẫn chưa thật sự bình an thì sự yên ổn của người còn lại khiến người kia ý thức rằng, cần phải giữ trọn vẹn giây phút này. Cách ảnh hưởng không lời nhưng đi vào lòng người rất nhẹ nhàng.

Nụ cười

Nụ cười là phương thức biểu đạt sự truyền thông rất hữu hiệu. Nụ cười có lợi cho chính mình về mặt vật lý lẫn tâm lý. Thế mà tại sao mình luôn mang khuôn mặt hình sự để đến gặp nhau, tiếp xúc với nhau nhỉ? Ông bà ta thường nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Bạn biết không, cười cũng phải tập nữa đó bạn. Bởi một nụ cười thật tươi không phải chỉ đến từ từ tâm hồn không đâu mà nó còn chịu ảnh hưởng của sự tập dợt nữa. Mỗi buổi sáng hãy tự tặng cho chính mình và cả những người xung quanh một nụ cười đi. Đó chính là thể hiện sự quan tâm đẹp không chỉ đối với chính mình mà còn với những người xung quanh. Hãy thử đi, bạn sẽ thấy sự truyền thông giữa bạn và những người xung được cải thiện.

Giải pháp

Giải pháp được xây dựng dựa trên khả năng dừng lại. Bởi vì có dừng lại, chúng ta mới cơ hội hiểu, chấp nhận, và khi chấp nhận được, chúng ta mới có giải pháp thích hợp cho những vấn đề của chính bản thân mình. Còn khi chưa chấp nhận thì vấn đề đó đâu phải là vấn đề của bản thân thì làm sao có được những giải pháp? Cụ thể, ngày xưa, mình lãng quên, mình chưa thấy được tầm quan trọng của việc chăm sóc thân và tâm, chưa thấy được tính cấp thiết của việc xây dựng và kiến tạo một nền tảng cho đời sống tâm linh vững chắc thì chưa có những kế hoạch cho những vấn đề này. Nhưng nếu bây giờ mình đã ý thức được, mình sẽ bắt đầu xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc chăm sóc thân và tâm của chính mình. Đối với thân, mình có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi như thế nào để không tiếp tục gây tổn hại? Đối với tâm, mình cần chọn lựa thức ăn tinh thần gì để mỗi ngày sự hiểu biết và lòng từ bi được phát triển? Chỉ có chính bạn mới hiểu được nhu yếu thật sự của chính mình, và cần phải làm gì để thân và tâm được nuôi dưỡng.

Thiết lập không gian cho “an cư”

Nếu đã quyết định thực tập “an cư” trong từng phút giây, chúng ta cần thiết lập một không gian với những điều kiện thích hợp nhất để có thể hỗ trợ tối đa cho sự thực tập ấy. Nếu bạn là người của công việc, tại nơi làm việc ở công sở hay ở nhà, bạn có thể có những dấu hiệu để nhắc nhở mình trở về thực tập. Ví dụ, có những câu thiền ngữ được treo gần nơi làm việc như: “An trú hiện tại”, “Thở đi, mỉm cười đi”, “Dừng lại”, …Nếu bạn làm việc thường xuyên với máy tính, bạn có thể tìm chương trình báo thời gian có tiếng chuông chánh niệm hay bất kỳ một âm thanh nào có thể giúp mình dừng nghỉ để trở về thực tập hơi thở chánh niệm. Tại gia đình, mình có thể sắp đặt một phòng thở, một nơi tĩnh tâm. Nơi này cần được bày trí hết sức đơn giản. Và nơi này phải mang lại được yếu tố thoải mái và dễ chịu cho những người thực tập. Bạn có thể đặt một chiếc bàn nhỏ có bày trí một bình hoa và chiếc chuông dùng để thỉnh mỗi khi thực tập thở. Bạn cũng có thể thiết kế vườn nhà để có không gian cho thiền hành. Bạn có thể thực tập một mình, nhưng nếu được thực tập chung trong một nhóm người thì rất lợi. Bởi vì những người thực tập chung có thể hỗ trợ cho nhau, nhắc nhở nhau. Bạn có thể đề nghị điều này với những đồng nghiệp của mình tại sở làm, hoặc đề nghị với những người thân trong gia đình. Không gian cho “an cư” là yếu tố quan trọng quyết định một phần thành công trong sự thực tập của bạn.

Bạn mến! Đây là kỷ nguyên của nền văn minh phát triển thiên về hướng vật chất. Bởi vậy, muốn được tự bảo vệ và có được sự thành công đích thực trong đời sống, nhất thiết đời sống tinh thần cần phải có những điểm tĩnh cần thiết. Chỉ có như vậy cuộc sống này mới thực sự có ý nghĩa.

 

Thanh Phong