Phật giáo và Sinh đạo đức học. Công việc của Ni sư gồm cả nghiên cứu, ấn bản nhiều tác phẩm về các lãnh vực - phụ nữ và Phật giáo, sự chết và quan niệm tái sanh, đời sống trong tự viện Phật giáo, đối thoại liên tôn Thiên Chúa và Phật giáo, và sự thích nghi của Phật giáo tại các nước Tây phương. Là một Ni sư người Mỹ tu học theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Giáo sư Tsomo đã đóng góp và giữ vai trò Chủ tịch Hội Phụ Nữ Phật Giáo Quốc Tế Sakyadhita. Ni sư đã hợp tác và giúp nhiều cuộc hội thảo trong nước cũng như quốc tế về vấn đề nữ giới Phật giáo. Ni sư còn là Giám đốc của Tổ chức Jamyang, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để hướng dẫn cho phụ nữ ở các nước đang phát triển, cùng với 12 trường phái Ni giới ở Himalaya - Ấn Độ và ba trường phái ở Bangladesh.
Xin cho biết sự khởi đầu của Hội Sakyadhita? Thành viên sáng lập gồm những ai?
Năm 1986, tôi cùng một nhóm bạn nhận thấy rằng phụ nữ Phật giáo thật sự rất cần ngồi lại với nhau để thảo luận về việc thiếu sự ủng hộ dành cho phụ nữ Phật giáo. Một số nữ Phật tử người Tây phương khi đó quyết định tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên về phụ nữ Phật giáo ở Bodhgaya. Hoàn cảnh bấy giờ rất thú vị. Một buổi tối tôi đang ngồi trong ngôi lều dựng bằng đất ở trong rừng Dharamsala thì nghe có tiếng người kêu cứu. Tôi bước ra để xem người đó là ai. Hóa ra đó là một phụ nữ người Mỹ, một nhà làm phim, bị lạc trong rừng. Tôi đứa cô ta về khách sạn nơi cô ở. Hôm sau, tôi gặp lại cô ta trong làng, và cô cho biết cô đến Dharamsala để làm một cuốn phim về Phật giáo. Tên cô là EldaHartley, một đạo diễn và nhà sản xuất phim của Hãng Hartley Film Foundation.
Khi nói chuyện, tôi đề cập đến hội nghị mà chúng tôi đang dự định tổ chức. Cô hỏi chúng tôi đã có bao nhiêu tiền cho hội nghị. Khi tôi nói chúng tôi chưa có gì hết, cô ta bảo: “Vậy thì tôi sẽ cho mượn 5.000 USD.” Tôi hỏi: “Nhưng nếu hội nghị không thành công và chúng tôi không có khả năng hoàn trả thì sao?” Cô ta trả lời: “Trong trường hợp đó, cứ coi như là tôi cúng dường.” Nhân tiện xin nói thêm, lúc đó cô ta hoàn toàn chưa biết gì về tôi!
Tại lễ khai mạc có khoảng 1500 người tham dự bởi vì Đức Dalai Lama đọc bài diễn văn chính. Suốt cả tuần, mỗi ngày chúng tôi ngồi vòng tròn trên đất dưới lều để bàn bạc những vấn đề về phụ nữ. Đây là một cuộc hội ngộ kỳ diệu của chư Ni và phụ nữ đến từ nhiều nước và nhiều truyền thống trên thế giới. Chủ đề chính của hội thảo là Ni giới Phật giáo và tầm quan trọng của giáo dục đối với phụ nữ. Kết thúc hội thảo, toàn bộ chi phí chỉ trong phạm vi ngân khoảng và chúng tôi đã hoàn trả 5000 USD cho Elda Hartley.
Trong hội thảo lần đầu tiên, chúng tôi quyết định thành lập tổ chức phụ nữ Phật giáo quốc tế. Chúng tôi đã chọn tên gọi là Sakyadhita “Những Người Con Gái của Đức Phật.” Sự kiện này xảy ra vào tháng 2 năm 1987.
Một số thành viên tham dự hội thảo đầu tiên đó là: Ayya Khema, một thiền sư người Đức nổi tiếng, Ni sư Karuna Dharma, hiện nay là vị Tỳ-kheo-ni người Mỹ thâm niên nhất, Sư cô Kusuma, vị Ni đầu tiên được thọ giới Tỳ-kheo-ni tại Tích Lan sau hơn 1000 năm và Ranjani De Silva, người sáng lập hội Sakyadhita của Tích lan. Sau hội thảo lần đầu tiên này, Ni sư Karuna trở lại Los Angeles và xin gia nhập hội Sakyadhita, một tổ chức vô vụ lợi.
Kết quả của các cuộc hội thảo Sakyadhita như thế nào?
Kết quả quan trọng nhất đó là sự phát triển không ngừng trong ý thức cố gắng vươn lên của Ni giới và tiềm năng đóng góp cho cộng đồng thật tuyệt vời của họ. Trong các cuộc hội thảo, nữ cư sĩ và chư ni luôn được khuyến khích nâng cao khả năng học hỏi, tu tập và giảng dạy Phật pháp. Sau mỗi lần hội thảo, họ được khơi dậy khá nhiều dự án: trường học, các trung tâm tu học, các hội hỗ trợ phụ nữ, nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản, v.v…
Tuy vậy, tôi cho rằng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế. Chúng ta cần ngồi lại để nghiên cứu các tài liệu về những thành tựu của Ni giới Việt Nam cũng như ở các nước khác. Thường thì họ đứng phía sau trong các hoạt động tôn giáo. Ở các tự viện, phụ nữ lo việc ẩm thực, sắp xếp, quét dọn, họ không có mặt trong hình ảnh và tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta hãy quan tâm họ.
Phải chăng những người phụ nữ này nghĩ không cần thiết hiện diện trên tranh ảnh – quý vị có biết bản tính hy sinh của phụ nữ?
Dĩ nhiên, đức tính khiêm tốn là một nguyên tắc đạo đức căn bản của Phật giáo – hy sinh những sở thích riêng của mình cho lợi ích của mọi người, làm việc vì lợi ích của người khác không mong đợi sự đền đáp, đó là hạnh Bồ-tát. Đồng thời điều quan trọng là những đóng góp của Ni giới Phật giáo cẩn phải được công nhận. Thường thì những gì người nữ làm đều bị lãng quên. Trong nhiều xã hội, công việc của nữ giới nặng nề hơn nam giới. Theo thống kê của Tổ chức Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng phụ nữ trên thế giới làm hết 60 % công việc nhưng họ chỉ sở hữu 20 % nguồn thu nhập bao gồm cả 1% đất đai.
Theo quan sát và kinh nghiệm của cá nhân tôi, phụ nữ thường do dự đảm trách vai trò lãnh đạo. Một phần do bởi những trách nhiệm tiên quyết của họ trong đời sống, ví dụ, họ phải lo cho con cái trước. Trong một số trường hợp khác thì do vì phụ nữ thiếu sự tự tin về khả năng của mình. Không phải lúc nào họ cũng thiếu cơ hội để trở thành bậc lãnh đạo.
Thật tuyệt vời, người phụ nữ đã hy sinh cho gia đình con cái. Nhưng nhiều người cũng có năng lực trong vai trò lãnh đạo và họ cần sự khuyến khích để làm việc đó. Nhiều phụ nữ dường như bằng lòng trong vai trò phụ giúp, hỗ trợ nhưng các hội thảo của Sakyadhita đã giúp cho nhiều nữ cư sĩ nhận chân ra được họ có khả năng rất tốt để làm nhiều công việc hơn nữa. Một khi người nữ có sự tự tin và kinh nghiệm, họ có thể trở thành những vị lãnh đạo giỏi trong các tổ chức Phật giáo để giúp khắc phục nhanh chóng những vấn đề khó khăn của xã hội. Dần dần họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc thăng bằng các công tác Phật sự và gia đình.
Một số người cho rằng việc đặt để các giá trị của phụ nữ phương Tây cho nữ cư sĩ ở các nước khác là điều không thích hợp. Ví dụ, một số cư sĩ nữ ở Thái Lan dường như bằng lòng khi giữ những vai trò thứ yếu và không thấy nhu cầu để làm hồi sinh việc thọ giới Tỳ-kheo-ni. Ni sư có suy nghĩ gì về điều này?
Thái Lan là một trường hợp đặc biệt. Khi nói về quan điểm nữ tu Thái Lan, chúng ta thấy rằng có rất nhiều quan điểm khác nhau. Một số thích được thọ giới trở thành Tỳ-kheo-ni nhưng một số thì không. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến việc thọ giới Tỳ-kheo-ni làm cho họ do dự.
Thứ nhất, trong nhiều trường hợp, các nữ bạch y Thái Lan cảm thấy không xứng đáng để được thọ nhận giới pháp cao hơn. Họ cảm thấy giữ 8 hoặc 9 giới là đủ rồi. Trong một số trường hợp khác, các nữ tu có tư tưởng truyền thống thọ giới Tỳ-kheo-ni đã không còn nữa. Mặc dù có hơn 30.000 Tỳ-kheo-ni hiện nay trên thế giới như ở Hàn quốc, Đài Loan, Việt Nam và nhiều nơi khác, trong một xã hội, chư Tăng được tôn kính, quan điểm của họ được xem có uy quyền ngay cả khi họ phạm lỗi. Đây là sự thực ở nhiều nước.
Một nguyên nhân khác là phụ nữ tiếp tục trở thành nữ tu theo truyền thống đã có từ xưa. Phải chăng đã nhiều thế kỷ qua chư Tăng được đắp y vàng và thọ giới cụ túc trong khi nữ tu chỉ khoác y trắng và thọ 8 hay 10 giới là một quy cũ phải chấp nhận. Xa hơn nữa, nếu các vị cao ni trong một tự viện là nữ tu, những vị ni trẻ có thể ngại trở thành Tỳ-kheo-ni bởi vì họ không thể có vị trí cao hơn những vị thầy của mình và điều này sẽ tạo ra một số thay đổi trong tự viện. Truyền thống không chịu thay đổi, cộng với định kiến về giới tính đã đi ngược lại sự bình đẳng của phụ nữ trong tôn giáo
Một vấn đề khác ở Thái Lan là liệu chư Tỳ-kheo-ni Thái Lan có được đầy đủ sự hỗ trợ về vật chất hay không. Một số người tin rằng việc cúng dường cho chư Tăng có nhiều công đức hơn cúng dường chư Ni, nhưng quan niệm này đang được thay đổi. Trong những ngày này, vị trí của chư Ni ở mọi nơi đang được nâng lên. Ngày nay, ni giới được mời tham dự trong các cuộc lễ và được Phật tử ủng hộ hết lòng. Cơ hội giáo dục cho cư sĩ nữ cũng đang được mở mang và hy vọng việc thọ giới Tỳ-kheo-ni sẽ được phục hồi ở các nước chưa có Tỳ-kheo-ni.
Nếu việc thọ giới Tỳ-kheo-ni được phục hồi ở Thái Lan và trong truyền thống Kim Cang Thừa, phải chăng phong trào phụ nữ Phật giáo trong việc đòi bình đẳng giới đã đến hồi chấm dứt? Sẽ có một quốc gia thực hiện được bình đẳng giới hoàn toàn không?
Vấn đề bình đẳng giới hoàn toàn trên thế giới dường như vẫn còn xa lắm. Ở một số nước, quần chúng chỉ kính trọng khi vị Tăng vào nhà và thờ ơ, không quan tâm khi vị Ni bước vào. Sự ứng xử khác biệt giữa Tăng Ni thật đáng ngạc nhiên.
Tôi cảm thấy khác hơn. Tôi cảm thấy rất dễ chịu với chư Ni bởi vì những vị tôi gặp vô tư, thoải mái, thân thiện, hiền hậu, và từ ái. Có thể họ không quan tâm đến việc được cung kính hay không?
Thật là một nhận xét dễ thương. Nhưng chúng ta phải cẩn trọng với cái nhìn quá phổ quát. Chúng ta cũng thấy được có những vị Tăng tâm từ bi bao la, rất dễ dàng trao đổi và có những vị ni khó mà trình bày nói chuyện. Chúng ta phải biết hoàn cảnh của mình. Nếu chúng đứng về phía nam giới hơn nữ giới, chúng ta phải chú ý điều này. Chúng ta phải thận trọng trong hành xử của mình nhất là trong mọi tình huống, đối với thầy giáo hay cô giáo, Tăng hay Ni, xuất gia hay tại gia. Nếu chúng ta ủng hộ họ, có phải chúng ủng hộ thầy giáo nhiều hơn cô giáo không? Và nếu vậy thì tại sao? Có phải chúng ta công nhận một cách tự nhiên vị ấy tốt bụng và đáng được ủng hộ hơn chỉ vì vị ấy là nam?
Như vậy phải chăng tôi có thể nói rằng những vấn đề căn bản trong bình đẳng giới là việc nhận ra khả năng của phụ nữ và cơ hội giáo dục cho họ? Nếu những điều này được thực hiện, tôi đoán là những vấn đề còn lại sẽ được sắp xếp ổn thoả.
Tôi cho là vậy. Tôi hy vọng sẽ đến thời điểm mà chúng ta không còn bận tâm về vấn đề giới tính trong Phật giáo, khi thái độ của chúng ta thực sự bình đẳng. Chẳng hạn, khi hội thảo được tổ chức ở Mỹ, các nhà tổ chức rất cẩn thận trong việc chủ định mời số lượng khách cân đối giữa nam và nữ. Ở Việt Nam, tôi biết tại các học viện Phật giáo số lượng Tăng Ni sinh ngang nhau. Đây là những dấu hiệu đáng mừng.
Ni sư có dự kiến các hội thảo Sakyadhita trong tương lai sẽ có số diễn giả nam nữ ngang nhau không?
Điều này có thể sẽ xảy ra. Nguyên nhân chúng ta tổ chức Hội Sakyadhita là vì trong quá khứ, phụ nữ không được mời phát biểu trong các hội thảo Phật giáo. Do vậy chúng tôi thành lập Hội Sakyadhita như là một diễn đàn cho nữ giới nói lên những điều họ đang quan tâm nhất và cho họ cơ hội phát biểu.
Bên cạnh đó, các hội thảo Sakyadhita dành cho tất cả, nam, nữ, Phật tử và chư Tăng, Ni. Chúng tôi hoan nghênh quý vị đến tham dự, gởi thư đề nghị được tham luận. Hội thảo Sakya tại Việt Nam lần này sẽ có một vài diễn giả là nam, mặc dù chúng tôi chỉ nhận một vài trường hợp. Từ lúc hình thành, Sakyadhita đã là một sự liên minh giữa Phật tử và chư Ni.
Nam giới có suy nghĩ gì để góp phần làm cho xã hội bình đẳng thật sự?
Ở nhiều cộng đồng, người ta tin rằng từ khi mới sinh ra phụ nữ đã ở vị trí thấp kém hơn nam giới. Trong ngôn ngữ Tây Tạng, hai chữ “phụ nữ” có nghĩa là “địa vị thấp hơn” hay gyeme. Vì vậy khi một em gái nghe điều này, cô bé nghĩ rằng từ khi sinh ra đời cô đã ở vị trí thấp kém và cô lớn lên trong niềm tin ấy. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng trong vòng luân hồi này chúng ta được sinh ra nhiều lần trong thân nam cũng như thân nữ.
Đơn giản là nam giới cần nên tôn trọng phụ nữ và khả năng vốn có của họ. Xem phụ nữ như những người bạn đồng sẽ thấy dễ chịu hơn. Những tập tục áp đặt phụ nữ xưa kia nên xoá đi và nam nữ hãy là những thiện tri thức của nhau. Cả hai có thể cùng thực tập hạnh tuỳ hỷ (mudita), hoan hỷ với những tánh tốt và những việc làm thiện lành của bạn mình.
Thích nữ Liên Hòa dịch