PHẨM 14: BÀ-LA-MÔN (II)
TỤNG NGÀY THỨ TƯ
Phân biệt tụng
鸚鵡鬚閑提
婆羅婆遊堂
須達梵波羅
黃蘆園頭那
阿伽羅訶那
阿園那梵摩
Kệ tóm tắt:
Anh vũ, Man-nhàn-đề,
Bà-la-bà du đường,
Tu-đạt, Phạm-ba-na,
Hoàng lô viên, Đầu-na,
A-già-la-ha-na,
A-lan-na, Phạm-ma.
152. KINH ANH VŨ (1)
Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật trú thành Vương xá, ở trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ, Ma-nạp Anh Vũ, con trai ông Đô-đề [1], có một ít việc phải làm nên đến trọ tại nhà một người cư sĩ trong [667a] thành Vương xá. Tại đây, Ma-nạp Anh Vũ con trai ông Đô-đề nói với người cư sĩ mà mình ngủ trọ:
“Có Sa-môn, Bà-la-môn nào, bậc Tông chủ, bậc Thầy của mọi người, thống lãnh một số đông đồ chúng, rất được mọi người tôn kính, để tôi tùy thời đến thăm viếng, kính phụng, hoặc có thể do khi kính phụng đó mà được hoan hỷ chăng?”
Cư sĩ đáp:
“Có. Này Thiên ái [2], có Sa-môn Cù-đàm, con dòng họ Thích, lìa bỏ Thích tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình mà học đạo, chứng quả Vô thượng Chánh giác [3]. Này Thiên ái, ông có thể tùy thời đến thăm viếng, kính phụng, hoặc có thể do khi kính phụng đó mà được hoan hỷ.”
Ma-nạp Anh Vũ lại hỏi:
“Sa-môn Cù-đàm hiện nay ở chỗ nào? Tôi muốn đến gặp.”
Cư sĩ đáp:
“Sa-môn Cù-đàm hiện ở tại rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa, trong thành Vương xá. Ông có thể đến đó để gặp.”
Khi ấy, Ma-nạp Anh Vũ liền rời khỏi chỗ trọ, nhà cư sĩ, thẳng đến rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa. Ma-nạp Anh Vũ từ xa trông thấy Đức Thế Tôn ở giữa rừng cây, tướng mạo đoan chánh, đẹp đẽ khác thường, như ánh trăng giữa rừng sao sáng chói, lóng lánh như khối núi vàng, đầy đủ tướng tốt, vòi vọi oai nghi, các căn vắng lặng, an định, không một mảy may ngăn ngại, hoàn toàn tự chế ngự, lắng tâm tĩnh mặc.
Sau khi thấy như thế, Ma-nạp liền đến trước Phật và bạch:
“Bạch Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho con mới dám trình bày.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, muốn hỏi, cứ tùy ý.”
Ma-nạp Anh Vũ hỏi:
“Bạch Cù-đàm, như con được nghe [4], ‘Nếu sống tại gia thì được hiểu biết tốt, biết đúng như pháp [5]. Người xuất gia học đạo thì không như vậy.’ Con xin hỏi Cù-đàm, việc đó như thế nào?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này Ma-nạp, sự kiện đó không nhất định [6].”
Ma-nạp Anh Vũ thưa:
“Bạch Cù-đàm, mong Ngài phân biệt sự kiện này cho con được rõ.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, hãy lắng nghe khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi rõ.”
Ma-nạp Anh Vũ vâng lời lắng nghe.
Đức Phật nói:
“Này Ma-nạp, nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo nào làm điều tà hạnh; Ta không khen ngợi người đó. Vì sao vậy? Nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo làm điều tà hạnh, kẻ ấy không được hiểu biết tốt, không biết đúng như pháp. Do đó, này Ma-nạp, nếu những kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo làm điều tà hạnh, Ta không khen ngợi kẻ ấy.
“Này Ma-nạp, nếu có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo nào thực hành chánh hạnh, Ta khen ngợi người đó. Vì sao vậy? Nếu [667b] có kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo thực hành chánh hạnh, kẻ ấy chắc chắn được hiểu biết tốt, biết đúng như pháp. Do đó, này Ma-nạp, nếu kẻ tại gia hoặc xuất gia học đạo thực hành chánh hạnh, Ta khen ngợi kẻ ấy.
“Này Ma-nạp, Ta nói như vậy, nói về hai pháp ấy, phân biệt như vậy, hiển thị như vậy. Nhưng nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có năng lực, thâm nhập kiên cố, chấp chặt theo một chiều, vị ấy sẽ nói rằng, ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ ”
Ma-nạp Anh Vũ thưa:
“Bạch Cù-đàm, như con được nghe, ‘Nếu ai sống tại gia thì có lợi ích lớn, có công đức lớn; người xuất gia học đạo thì không như vậy [7].’ Con xin hỏi Cù-đàm, sự kiện ấy như thế nào?”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, sự kiện ấy không nhất định [8].”
Ma-nạp Anh Vũ thưa:
“Bạch Cù-đàm, mong Ngài phân biệt sự kiện đó cho con được rõ.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, hãy lắng nghe khéo suy nghĩ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho ngươi rõ.”
Ma-nạp Anh Vũ vâng lời lắng nghe.
Đức Phật nói:
“Này Ma-nạp, nếu sống tại gia có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán thù lớn, nhưng lại làm điều sai quấy, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn [9]. Ví như người làm ruộng, có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, lại làm điều sai quấy [10], thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người sống tại gia cũng lại như thế.
“Này Ma-nạp, người xuất gia học đạo ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán thù, nhưng lại làm điều sai quấy, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Ví như người buôn bán, ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng lại làm điều sai quấy, thì sẽ không được quả báo lớn, không được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người xuất gia học đạo cũng lại như thế.
“Này Ma-nạp, người sống tại gia có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng làm điều chân chánh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Ví như người làm ruộng có tai hoạn lớn, có đấu tranh lớn, có oán ghét lớn, nhưng làm điều chân chánh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người sống tại gia cũng lại như thế.
“Này Ma-nạp, người xuất gia học đạo ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng làm điều chân chánh, thì được quả báo lớn, được công đức lớn. Ví như người buôn bán, ít có tai hoạn, ít có đấu tranh, ít có oán ghét, nhưng làm điều chân chánh, thì sẽ được quả báo lớn, được công đức lớn. Như vậy, này Ma-nạp, người xuất gia học đạo lại cũng [667c] như thế.
“Này Ma-nạp, Ta nói như vậy, nói về hai pháp ấy, phân biệt như vậy, hiển thị như vậy. Nhưng nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào có năng lực, thâm nhập kiên cố, chấp chặt theo một chiều, vị ấy sẽ nói rằng, ‘Đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng.’ ”
Ma-nạp Anh Vũ thưa:
“Bạch Cù-đàm, các Bà-la-môn kia chủ trương có năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện.”
Đức Thế Tôn nói:
“Nếu các Bà-la-môn chủ trương có năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước được thiện; vậy nay ngươi có thể ở giữa đại chúng mà trình bày lại chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ thưa:
“Bạch Cù-đàm, đối với con không có sự kiện không thể. Vì sao vậy? Vì Cù-đàm hiện đang ngồi ở giữa đại chúng này.”
Đức Thế Tôn nói:
“Vậy ngươi hãy trình bày.”
Ma-nạp Anh Vũ thưa:
“Bạch Cù-đàm, mong Ngài khéo nghe cho. Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương thứ nhất là pháp chân đế, có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước được thiện; pháp thứ hai là tụng tập; pháp thứ ba là Nhiệt hành; pháp thứ tư là Khổ hạnh. Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn chủ trương pháp thứ năm là Phạm hạnh [11] có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện.”
Đức Thế Tôn nói:
“Nếu các Bà-la-môn chủ trương năm pháp này có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; vậy trong số những Bà-la-môn ấy, có Bà-la-môn nào nói như thế này: ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng’?”
Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:
“Bạch Cù-đàm, không có.”
Thế Tôn nói:
“Có vị Tôn sư hay Tổ sư nào, cho đến bảy đời cha mẹ nói như thế này, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng’?”
Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:
“Bạch Cù-đàm, không có.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Ma-nạp, xưa kia có những Bà-la-môn tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập kinh điển: một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa [12]. Nay các Bà-la-môn đối với các kinh điển ấy tụng tập, thọ trì, học hỏi. Nhưng họ có nói như thế này: ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng’?”
Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:
“Không có. Nhưng các Bà-la-môn ấy do [668a] tin mà thọ trì.”
Đức Thế Tôn nói:
“Trong các Bà-la-môn, không có một Bà-la-môn nào nói như vầy, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.” Và cũng không có vị Tôn sư hay Tổ sư nào, cho đến bảy đời cha mẹ nói như thế này, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’
“Xưa kia có những Bà-la-môn tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh: một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa. Nay các Bà-la-môn đối với các kinh điển ấy, tụng tập, thọ trì, học hỏi, nhưng họ không nói như vầy, ‘Tôi đối với năm pháp này, ngay trong đời hiện tại, sau khi đã tự tri, tự giác, tự tác chứng, tôi nói lên kết quả của chúng.’ Thế thì, này Ma-nạp, các Bà-la-môn ấy há không vì sự kiện này mà trong sự tin tưởng có thiếu căn bản chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ bạch:
“Bạch Cù-đàm, thật sự không căn bản. Nhưng các Bà-la-môn nghe rồi thọ trì.”
Đức Thế Tôn nói:
“Ví như một đám người mù dắt nhau, người trước không thấy người ở sau, cũng không thấy người ở giữa; người giữa không thấy người ở trước, cũng không thấy người ở sau; người ở sau không thấy người ở giữa, cũng không thấy người ở trước. Này Ma-nạp, Ta nói các Bà-la-môn cũng như vậy. Này Ma-nạp, trước ngươi nói là do tin, sau đó ngươi nói là do nghe.”
Ma-nạp Anh Vũ liền tức giận Đức Thế Tôn, hằn học, không vui, phỉ báng Thế Tôn, chỉ trích Thế Tôn, mạ lỵ Thế Tôn, và nghĩ rằng, ‘Cần phải phỉ báng Cù-đàm, cần phải chỉ trích Cù-đàm, cần phải hạ nhục Cù-đàm.’ Liền nói với Đức Thế Tôn:
“Này Cù-đàm, có một Bà-la-môn tên là Phất-ca-sa-sa-la [13], thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn [14], nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân [15]; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lý.”
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nghĩ như thế này: “Ma-nạp Anh Vũ, con ông Đô-đề, có phẫn nộ đối với Ta, hằn học, không vui, phỉ báng Ta, chỉ trích Ta, mạ lỵ Ta, nghĩ rằng: ‘Cần phải phỉ báng Cù-đàm, cần phải chỉ trích Cù-đàm, cần phải hạ nhục [668b] Cù-đàm.’ Liền nói với Đức Thế Tôn: ‘Này Cù-đàm, có một Bà-la-môn tên là Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lý.’ ”
Đức Thế Tôn biết thế nên nói:
“Này Ma-nạp, có phải Bà-la-môn tên là Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, ông ấy biết điều mong nghĩ trong tâm của hết thảy Sa-môn, Bà-la-môn rồi mới nói như thế này: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào cho rằng mình đã thấy, đã biết, đã chứng đắc pháp Thượng nhân; sau khi nghe như vậy, Ta bèn cả cười, không thể chấp nhận được. Đó là sự láo khoét, không chân thật, không đúng như pháp. Làm sao con người sanh trong loài người mà tự nói là được pháp Thượng nhân? Nếu ai nói rằng: Tôi biết, tôi thấy pháp Thượng nhân, thì sự kiện ấy là không hợp lýchăng?’”
Ma-nạp Anh Vũ đáp:
“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, có một nữ tỳ tên là Bất-ni [16]. Nhưng đối với tâm niệm của nữ tỳ này, ông ấy còn không thể biết, huống nữa là biết tâm tư của tất cả Sa-môn, Bà-la-môn! Nếu cho rằng ông ấy biết, thì sự kiện này không thể có.”
Thế Tôn nói:
“Cũng như người sanh ra đã mù; người ấy nói như thế này, ‘Không có màu đen, màu trắng, cũng không có sự thấy màu đen, màu trắng; không có sắc tốt, sắc xấu, cũng không có sự thấy sắc tốt, sắc xấu; không có sắc ngắn, sắc dài, cũng không có sự thấy sắc ngắn, sắc dài; không có sắc gần, sắc xa, cũng không có sự thấy sắc gần, sắc xa; không có sắc thô, sắc tế, cũng không có sự thấy sắc thô, sắc tế; vì ta không bao giờ thấy, không bao giờ biết, cho nên nói không có màu sắc.’ Người mù bẩm sinh kia nói như vậy là đúng sự thật chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:
“Bạch Cù-đàm, không phải vậy. Vì sao? Vì có màu đen, màu trắng, cũng có người thấy màu đen, màu trắng; có sắc tốt, sắc xấu, cũng có người thấy sắc tốt, sắc xấu; có sắc ngắn, sắc dài, cũng có người thấy sắc ngắn, sắc dài; có sắc gần, sắc xa, cũng có người thấy sắc gần, sắc xa; có sắc thô, sắc tế, cũng có người thấy sắc thô, sắc tế. Nếu nói, ‘Tôi không hề thấy, không hề biết, cho nên nói không có màu sắc,’ thì người mù bẩm sinh nói như vậy là không đúng sự thật.”
“Này Ma-nạp, Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn; lời nói của ông ấy có khác gì hạng người mù bẩm sinh, không có mắt kia chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:
“Bạch Cù-đàm, [668c] như mù vậy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu xưa kia [17] có những Bà-la-môn, tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh; đó là các Bà-la-môn Thương-già, Bà-la-môn Sanh Văn, Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la và Đô-đề, thân phụ ngươi [18]; những điều mà họ nói, được chấp nhận hay không được chấp nhận? Chân thật hay không chân thật? Có cao, có thấp chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ bạch Đức Thế Tôn:
“Nếu xưa kia có những Bà-la-môn, tuổi thọ hết, mạng chung, đã tụng trì kinh thư, đã truyền bá kinh thư, đã tụng tập điển kinh, đó là các Bà-la-môn Thương gia, Bà-la-môn Sanh Văn, Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la và Đô-đề, thân phụ con; những điều được nói ấy; thì theo ý con, họ mong được chấp nhận, không mong không được chấp nhận; mong là chân thật, không mong không phải là chân thật; mong là sự cao thượng, không mong là sự thấp hèn.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Ma-nạp, Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn; điều mà ông ấy nói, há không phải là không được chấp nhận, không có sự được chấp nhận? Là không chân thật, không có sự chân thật? Há không phải là rất thấp hèn, không có cái gì cao?”
Ma-nạp Anh Vũ thưa Đức Thế Tôn:
“Thật vậy, bạch Cù-đàm.”
“Lại nữa, này Ma-nạp, có năm pháp gây chướng ngại, gây che lấp, làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn. Những gì là năm? Này Ma-nạp, pháp thứ nhất là dục, gây chướng ngại, gây che lấp, làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn. Này Ma-nạp, sân nhuế, thân kiến, giới thủ và thứ năm là nghi, gây chướng ngại, gây che lấp làm cho mù, không có mắt, có thể diệt mất trí tuệ, gây ra sự nhọc nhằn vô ích, không chứng đắc Niết-bàn [19].
“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ai bị năm pháp này làm chướng ngại, che lấp, quấn chặt, người ấy nếu muốn quan sát ý nghĩa lợi ích của mình, ý nghĩa lợi ích của người khác, ý nghĩa lợi ích của cả hai, và biết tất cả Sa-môn, Bà-la-môn nghĩ gì trong tâm; sự kiện ấy không thể có.
“Này Ma-nạp, Bà-la-môn Phất-ca-sa-sa-la, thuộc chủng tánh thuần khiết, không gián đoạn, bị nhiễm bởi dục, bị ô uế bởi dục, nhiễm dục, xúc dục, say đắm nơi dục, vào trong dục mà không thấy tai hoạn, không biết sự xuất yếu và sống theo dục; vị ấy bị năm pháp này chướng ngại, che lấp, quấn chặt; vị ấy nếu muốn quán sát ý nghĩa lợi ích của mình, ý nghĩa lợi ích của người khác, ý nghĩa lợi ích của cả hai, và biết tất cả Sa-môn, Bà-la-môn nghĩ gì trong tâm; sự kiện ấy không thể có.
“Lại nữa, này Ma-nạp, có năm công đức của dục, khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, có khát ái liên hệ sắc dục, rất đáng [669a] ham muốn. Những gì là năm? Là sắc được thấy bởi mắt, tiếng được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Chúng sanh do năm công đức của dục này cho nên phát sanh lạc, phát sanh hỷ, chẳng còn có điều gì ở ngoài đây chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ bạch Thế Tôn:
“Quả như vậy, bạch Cù-đàm.”
Thế Tôn hỏi:
“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Lửa do cỏ, cây được đốt cháy, và lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; thứ lửa nào có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng?”
Ma-nạp Anh Vũ thưa:
“Bạch Cù-đàm, lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; sự kiện này không thể có. Chỉ có thể có do sức mạnh của như ý túc. Bạch Cù-đàm, lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; lửa ấy có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng.”
Thế Tôn nói:
“Quả như vậy, quả như vậy! Nếu lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy sự kiện này không thể có. Chỉ có do sức mạnh của như ý túc, lửa không do cỏ cây mà được đốt cháy; thứ lửa ấy có ngọn sáng tối thượng, tối diệu, tối thắng.
“Này Ma-nạp, ở đây Ta giả thiết rằng, cũng như thứ lửa do cỏ cây mà được đốt cháy, sự phát sanh hỷ lạc của chúng sanh cũng vậy, là do dục, do pháp ác, bất thiện, không đạt được lạc do xả và tịch tĩnh. Này Ma-nạp, cũng như thứ lửa không do cỏ, cây mà được đốt cháy; sự phát sanh xả, lạc của chúng sanh cũng vậy, là do ly dục, từ các pháp thiện, không đạt được xả, lạc và tịch tĩnh.”
Thế Tôn lại nói:
“Này Ma-nạp, ở đây, một Bà-la-môn lễ trai tự, hành bố thí, nhưng có một đồng tử Sát-lị từ phương Đông đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được chỗ ngồi bậc nhất, nước rửa bậc nhất, ăn uống bậc nhất.’ Nhưng vì ở đó không được chỗ ngồi bậc nhất, nước rửa bậc nhất, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Nam có đồng tử Bà-la-môn đến, nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được thức ăn tịnh diệu.’ Nhưng ở đó không được thức ăn tịnh diệu, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Tây có đồng tử Cư sĩ đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây được thức ăn dồi dào.’ Nhưng ở đó không được thức ăn dồi dào, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Hoặc từ phương Bắc có đồng tử Công sư đến nói như vầy, ‘Ta ở trong đây ăn no đủ.’ Nhưng ở đó không được ăn no đủ, nó bèn sanh oán hận, ôm lòng ganh ghét. Này Ma-nạp, các vị Bà-la-môn ấy thực hành sự bố thí như vậy, sẽ giả thiết những báo ứng nào?”
[669b] Ma-nạp Anh Vũ thưa:
“Bạch Cù-đàm, Bà-la-môn không thực hành bố thí với tâm như vậy, khiến người khác oán hận, ôm lòng ganh ghét. Cù-đàm nên biết, Bà-la-môn hành sự bố thí vì do tâm thương xót; [20] do tâm thương xót mà hành sự bố thí thì được đại phước.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, các Bà-la-môn há không phải chủ trương pháp thứ sáu [21] có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ đáp:
“Quả như vậy, bạch Cù-đàm.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Ma-nạp, nếu có Bà-la-môn chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; thì ngươi thấy pháp ấy phần nhiều ở tại đâu? Tại gia chăng? Xuất gia học đạo chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ đáp:
“Bạch Cù-đàm, nếu có Bà-la-môn chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện; thì con thấy pháp ấy phần nhiều ở sự xuất gia học đạo, chứ không phải ở tại gia. Vì sao? Vì tại gia có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm, có nhiều kết hận, có nhiều ganh ghét đấu tranh, không có thể thành tựu sự thủ hộ, sự thành thật. Bạch Cù-đàm, người xuất gia học đạo ít công việc, ít bổn phận phải làm, ít có kết hận, ít có ganh ghét, nên có thể thành tựu sự thủ hộ, sự thành thật.
“Bạch Cù-đàm, sự thành thật ấy con thấy phần nhiều ở xuất gia học đạo, chứ không phải ở tại gia. Vì sao? Vì tại gia có nhiều công việc, nhiều bổn phận phải làm, có nhiều kết hận, có nhiều ganh ghét, đấu tranh, không được hành sự bố thí, không được tụng tập, không được hành khổ hạnh, không được sống Phạm hạnh. Bạch Cù-đàm, người xuất gia học đạo ít có công việc, ít có bổn phận phải làm, ít có kết hận, ít có ganh ghét, vị ấy có thể hành sự bố thí, có thể tụng tập, có thể hành khổ hạnh, có thể sống Phạm hạnh.
“Bạch Cù-đàm, Người sống Phạm hạnh, con thấy pháp phần nhiều ở xuất gia học đạo chứ không phải ở tại gia.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, nếu có Bà-la-môn chủ trương năm pháp có quả báo lớn, có công đức lớn, tạo phước, được thiện, Ta nói sự kiện ấy từ tâm mà khởi. [22] Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán không sân nhuế, không tranh chấp là do tu tập những pháp ấy.
“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có Tỳ-kheo thủ hộ thành thật, [23] thì vị ấy do thủ hộ thành thật cho nên được hỷ, được duyệt. [24] Này Ma-nạp, nếu có hỷ và duyệt tương ưng với thiện, Ta nói sự kiện đó từ tâm mà khởi. [25] Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, [669c] vì để tu tập những pháp ấy, nên vị ấy mới hành sự bố thí, sự tụng tập, sự hành khổ hạnh, sống Phạm hạnh. Vị ấy do sống Phạm hạnh cho nên được hỷ, được duyệt.
“Này Ma-nạp, nếu có hỷ và duyệt tương ưng với thiện, Ta nói sự kiện ấy từ tâm mà khởi. Thế nào gọi là từ tâm mà khởi? Nếu tâm không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, tâm ấy đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ; cũng vậy, với bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.
“Này Ma-nạp, cũng như có người khéo thổi tù và. Nếu có phương nào chưa nghe được, người ấy vào lúc nửa đêm, leo lên núi cao, đem hết sức thổi tù và, phát ra âm thanh vi diệu, biến mãn cả bốn phương; cũng vậy, Tỳ-kheo tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; cũng vậy, hai, ba, bốn phương, tứ duy, trên dưới, bao trùm tất cả, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cả thế gian, thành tựu an trụ; cũng vậy với bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ.
“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ở đây, có người cầu làm Trời. Vì để sanh lên trời, nên người ấy thực hành tâm tương ưng với tham lam, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Trời này, hay vị Trời khác.’ Lại có người cầu làm Trời; vì để sanh lên trời, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến mãn, thành tựu an trụ, và nghĩ rằng. ‘Mong ta làm vị Trời này, hay vị Trời khác.’ Ngươi xem các người đó, ai được làm vị Trời này hay vị Trời khác?”
Ma-nạp Anh Vũ đáp:
“Bạch Cù-đàm, nếu có người cầu làm Trời; vì để sanh lên trời, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến thành tựu an trụ, con xem người ấy chắc chắn được làm vị Trời này hay vị Trời khác.”
Thế Tôn hỏi:
“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Nếu có người cầu Phạm thiên. Vì để sanh lên Phạm thiên, nên thực hành tâm tương ưng với tham lam, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Phạm thiên này, hay vị Phạm thiên khác.’ Ở đây, lại có người cầu Phạm thiên. Vì để sanh lên Phạm thiên, nên không kết, không oán, không sân nhuế, [670a] không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, biến mãn, thành tựu an trụ, và nghĩ rằng, ‘Mong ta làm vị Phạm thiên này hay vị Phạm thiên khác.’ Ngươi xem các người đó, ai được làm Phạm thiên này, hay Phạm thiên khác?”
Ma-nạp Anh Vũ đáp:
“Bạch Cù-đàm, nếu người này cầu Phạm thiên, vì để sanh lên Phạm thiên, nên không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, tâm định, ý xác quyết, con thấy rằng, người này chắc chắn được làm vị Phạm thiên này, hay vị Phạm thiên khác.”
Ma-nạp Anh Vũ lại hỏi:
“Cù-đàm biết con đường dẫn đến Phạm thiên [26] chăng?”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, nay Ta hỏi ngươi, hãy tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Thôn Na-la-ca-la [27] cách chúng hội này không xa chăng?”
Ma-nạp AnhVõ đáp:
“Không xa.”
Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, ý ngươi nghĩ sao? Ngươi nói với một người trong chúng hội này rằng: ‘Ông hãy đến thôn Na-la-ca-la kia. Đến đó rồi quaỷ về.’ Người ấy vâng lời ngươi, nhanh chóng đi đến thôn Na-la-ca-la; đến đó rồi trở về. Sau khi người ấy đi và về rồi, ngươi hỏi đường đi, hỏi sự việc đi và về, ra và vào nơi thôn Na-la-ca-la, người ấy há lại đứng im, không thể trả lời chăng?”
Ma-nạp Anh Vũ trả lời Đức Thế Tôn:
“Không vậy, bạch Cù-đàm.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Ma-nạp, người ấy đi và về nơi thôn Na-la-ca-la, khi được hỏi về đường đi, có thể đứng im, không biết trả lời. Nhưng nếu hỏi Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác về con đường dẫn đến Phạm thiên thì hoàn toàn không có sự kiện giây lát im lặng, không biết trả lời.”
Ma-nạp Anh Vũ bạch Thế Tôn:
“Sa-môn Cù-đàm không chấp trước nơi sự tế tự chư Thiên; sự kiện ấy đã trọn đủ. Bởi vì khi được hỏi về con đường dẫn đến Phạm thiên thì Ngài có thể trả lời nhanh chóng.
“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Nay con xin tự quy y Phật, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm Ư-bà-tắc, kể từ hôm nay quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy, Ma-nạp Anh Vũ sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
153. KINH MAN-NHÀN-ĐỀ [28]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại Câu-lâu-sấu, trú ở tịnh thất đệ nhất [29] của Bà-la-bà [30] trên một đệm cỏ.
Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn [670b] mang y, cầm bát vào Kiếm-ma-sắt-đàm, [31] tuần tự khất thực. Sau buổi cơm trưa, thu dọn y bát, rửa tay chân, Ngài vắt tọa cụ lên vai đi đến chỗ nghỉ ban ngày tại một khu rừng. Khi đã vào rừng, Đức Thế Tôn đến dưới một gốc cây, trải tọa cụ và ngồi kiết già.
Lúc ấy vào buổi xế trưa, Dị học Man-nhàn-đề [32] thong dong, tản bộ đến Đệ nhất tịnh thất của Bà-la-bà. Từ xa Dị học Man-nhàn-đề thấy trên sàn rải cỏ ở tịnh thất ấy có dấu nằm một bên hông, như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của đồng phạm hạnh. Trông thấy vậy, Dị học Man-nhàn-đề hỏi Bà-la-bà:
“Trong Đệ nhất tịnh thất ấy, sàn cỏ có dấu nằm một bên hông này của ai mà giống như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của đồng phạm hạnh như thế?”
Bà-la-môn Bà-la-bà đáp:
“Này Man-nhàn-đề, có Sa-môn Cù-đàm con dòng họ Thích, từ bỏ Thích tộc, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đắc quả Vô thượng Chánh đẳng giác. Ở trong tịnh thất đó, sàn cỏ có dấu nằm một bên hông đó, như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của đồng phạm hạnh chính là của Sa-môn Cù-đàm.”
Dị học Man-nhàn-đề nói:
“Này Bà-la-bà, tôi nay phải thấy cảnh không đáng thấy, phải chấp thuận điều không đáng nghe; nghĩa là phải thấy chỗ nằm của Sa-môn Cù-đàm. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm ấy là kẻ phá hoại [33]. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng.
Bà-la-bà nói:
“Này Man-nhàn-đề, ông không nên đem điều đó mà phỉ báng Sa-môn Cù-đàm. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm có nhiều trí tuệ, Sát-lị trí tuệ, Bà-la-môn trí tuệ, Cư sĩ trí tuệ, Sa-môn trí tuệ. Ai giảng thuyết về trí tuệ thảy đều đắc Thánh trí [34]. Này Man-nhàn-đề, tôi muốn đem ý nghĩa đó mà nói với Sa-môn Cù-đàm có được chăng?”
Man-nhàn-đề đáp:
“Này Bà-la-bà, tùy ý ông. Tôi thấy không gì trở ngại. Này Bà-la-bà, nếu gặp Sa-môn Cù-đàm, tôi cũng nói như thế. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn ở chỗ nghỉ trưa với thiên nhĩ thanh tịnh, vượt hẳn người thường, nghe Bà-la-môn Bà-la-bà cùng Dị học Man-nhàn-đề đang bàn luận chuyện ấy. Nghe xong, vào lúc xế chiều, Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến Đệ nhất tịnh thất của Bà-la-bà, trải tọa cụ lên đệm cỏ, rồi ngồi kiết già. Bà-la-môn Bà-la-bà [670c] từ xa trông thấy Thế Tôn ở giữa rừng cây, trang nghiêm, đẹp đẽ, như vầng trăng giữa vòm trời sao, chói lọi rạng ngời, tỏa chiếu như núi vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần nguy nguy, các căn vắng lặng, không bị chướng ngại, thành tựu điều ngự, nội tâm tĩnh chỉ, tịnh mặc. Sau khi trông thấy, Bà-la-môn ấy đi đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Bà-la-bà, ông đã cùng với Man-nhàn-đề bàn luận về chỗ đệm cỏ này phải chăng?”
Bà-la-môn Bà-la-bà đáp:
“Đúng như vậy, bạch Cù-đàm. Con cũng định đem chuyện đó thưa với Cù-đàm, nhưng chưa nói kịp mà Cù-đàm đã biết. Vì sao? Vì Như Lai là Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”
Đức Thế Tôn và Bà-la-môn Bà-la-bà cùng nhau thảo luận về vấn đề này. Sau đó, Dị học Man-nhàn-đề tản bộ đến Đệ nhất tịnh thất ấy. Từ xa, Đức Thế Tôn trông thấy Dị học Man-nhàn-đề đến, liền bảo:
“Này Man-nhàn-đề, không chế ngự nhãn căn, không thủ hộ kín đáo, không tu, thì chắc chắn thọ khổ báo. Đối với nhãn căn ấy, Cù-đàm khéo chế ngự, khéo thủ hộ kín đáo, khéo tu, nên chắc chắn được lạc báo. Này Man-nhàn-đề, có phải vì nhân ấy mà ông bảo rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng’?”
Man-nhàn-đề trả lời:
“Đúng như vậy, Cù-đàm.”
“Này Man-nhàn-đề, cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn; nếu không chế ngự ý căn, không thủ hộ kín đáo, không khéo tu, thì chắc chắn thọ khổ báo. Đối với ý căn ấy, Cù-đàm khéo chế ngự, khéo thủ hộ kín đáo, khéo tu, nên chắc chắn được lạc báo. Này Man-nhàn-đề, có phải vì nhân đó mà ông bảo rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng’?”
Man-nhàn-đề đáp:
“Đúng như vậy, Cù-đàm.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia học đạo, với con mắt, vị ấy biết sắc khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục. Một thời gian sau, vị ấy xả bỏ sắc được biết bởi mắt, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Vị ấy thấy, biết như thật về sự tập khởi của sắc được biết bởi mắt, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, sự xuất yếu của sắc ấy, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Vị ấy thấy những người chưa ly sắc dục, bị sự ham muốn sắc nhai nuốt, bị hơi nóng của sắc thiêu đốt; đối với sắc, được biết bởi mắt khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục, sau khi an trụ mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú, do ái, do sắc, mà khi hoan lạc trong lạc thú này, [671a] vì chúng thấp hèn, cho nên không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với người này, ông có nói gì chăng?”
“Dạ không, thưa Cù-đàm.”
“Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia cũng vậy đối với tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân, khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc tương ưng với dục. Một thời gian sau, vị ấy xả bỏ xúc được biết bởi thân, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; vị ấy biết và thấy như thật về sự tập khởi của xúc, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai hoạn, sự xuất yếu của xúc, an trú nơi nội tâm tịch tĩnh; vị ấy thấy những người chưa ly xúc,dục, bị sự ham muốn xúc nhai nuốt, bị hơi nóng của xúc thiêu đốt; đối với xúc được biết bởi thân khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục; sau khi an trụ mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào, nếu có lạc thú do ái, do xúc này, thì khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề đối với người này, ông có nói gì chăng?”
“Dạ không, thưa Cù-đàm.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia học đạo, thấy năm công đức của dục khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc tương ưng với dục. Một thời gian sau, người ấy xả bỏ năm công đức của dục, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thấy như thật về sự tập khởi của năm công đức của dục, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, sự xuất yếu của năm công đức của dục, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Vị ấy thấy những người chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt; đối với năm công đức của dục khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục, sau khi an trụ mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với người này, ông có nói gì chăng?”
“Dạ không, thưa Cù-đàm.”
“Này Man-nhàn-đề, Ta khi chưa xuất gia học đạo, hưởng thụ năm công đức của dục, dễ được, không khó, khả ái, khả niệm, khả ý, khã lạc, tương ưng với dục. Sau đó Ta xả bỏ năm công đức của dục, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Ta thấy như thật về sự tập khởi của năm công đức của dục, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai hoạn và xuất yếu của năm công đức của dục, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Ta thấy những người chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt; đối với năm công đức của dục khả ái, khả niệm, khả ý, [671b] khả lạc, tương ưng với dục, sau khi an trụ mà thấy như vậy, Ta không thỏa mãn chúng, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn nên Ta không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên Ta không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đốùi với Ta, ông có nói gì chăng?”
“Dạ không, thưa Cù-đàm.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Man-nhàn-đề, cũng như cư sĩ, hay con của cư sĩ, rất giàu, của cải vô lượng, nuôi nhiều súc vật, phong hộ, thực ấp đầy đủ các thứ cần cho sự sống; người ấy hưởng năm công đức của dục, dễ được không khó, lại thành tựu thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành; lúc chết, không muốn xả bỏ năm công đức của dục; sau khi thân hoại mạng chung, đi đến chỗ thiện; sanh lên cõi trời, hưởng đầy đủ năm công đức của dục. Này Man-nhàn-đề, Thiên vương hoặc Thiên tử ấy có thể xả bỏ năm công đức của dục ở cõi trời mà hoan hỷ hướng đến dục lạc ở nhân gian chăng?”
Man-nhàn-đề đáp:
“Dạ không, thứ Cù-đàm. Vì sao? Vì dục lạc ở nhân gian vốn xú uế, bất tịnh, rất đáng ghê tởm, không thể tưởng tới, vốn não hại, cực khổ. Thưa Cù-đàm, so với dục lạc ở thế gian, dục lạc cõi Trời là tối diệu, tối thắng. Thiên vương hay Thiên tử kia mà xả bỏ năm công đức của dục ở cõi trời để hoan hỷ tưởng đến dục lạc ở thế gian; điều đó không thể xảy ra được.”
“Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, Ta đoạn tuyệt dục lạc nhân gian, vượt khỏi dục lạc cõi trời, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thấy như thật về sự tập khởi của năm công đức của dục ấy, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, cùng sự xuất yếu của chúng, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Ta thấy những người chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt; đối với năm công đức dục khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc, tương ưng với dục, sau khi an trụ, thấy như vậy, Ta không thỏa mãn chúng, Ta không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ý ông nghĩ sao, nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, trong khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên Ta không thỏa mãn chúng; vì chúng thấp hèn cho nên Ta không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với Ta, ông có nói gì chăng?”
“Dạ không, thưa Cù-đàm.”
“Này Man-nhàn-đề, cũng như người bị bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét. Người ấy gãi, cào rách các mụt ghẻ, hơ lên bếp lửa. Này Man nhà đề, ông nghĩ thế nào? Nếu người bị bệnh cùi thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi các mụt, cào rách, rồi hơ lên bếp lửa, như vậy liệu trừ bệnh có kết quả, không làm hại các căn, thoát khỏi cùi hủi, thân thể lành mạnh, bình phục như cũ được chăng?”
Man-nhàn-đề đáp:
“Dạ không, thưa Cù-đàm. Vì sao? Vì người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ trên bếp lửa, như vậy chỉ làm cho các mụt lở lói hơn trước mà thôi, nhưng bệnh nhân thì lại lấy ghẻ cùi làm sự thích thú.”
“Này Man-nhàn-đề, cũng như người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi, cào rách các mụt rồi hơ lên bếp lửa, như vậy chỉ làm cho các mụt lở lói hơn trước mà thôi, nhưng bệnh nhân thì lại lấy ghẻ cùi làm sự thích thú. Này Man nhà đề, cũng như thế, chúng sanh chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà cứ chạy theo dục. Này Man-nhàn-đề, chúng sanh ấy, vì chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà cứ chạy theo dục, thì chỉ làm cho dục tăng trưởng, làm cho ái bành trướng thêm mà thôi; nhưng chúng sanh ấy thì lại lấy ái dục làm sự khoái lạc. Nếu chúng sanh đó không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trụ, sẽ an trụ hay đang an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều đó không thể xảy ra. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đọan dục, để ly dục ái, mà là chạy theo dục.
“Này Man-nhàn-đề, cũng như vua và đại thần hưởng năm công đức của dục, dễ được, ù không khó. Nếu các vị ấy không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trụ hay đang an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều đó không thể có được. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái mà là chạy theo dục. Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, chúng sanh chưa ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt, mà chạy theo dục, thì Này Man-nhàn-đề, chúng sanh ấy chỉ làm cho dục tăng trưởng, làm chó dục ái bành trướng thêm mà thôi; nhưng chúng sanh ấy thì lại lấy dục ái làm sự hoan lạc. Nếu chúng sanh không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trụ, đang an trụ và sẽ an trụ với nội tâm tịch tĩnh, thì điều ấy không thể xả ra được. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái mà là chạy theo dục.
“Này Man-nhàn-đề, cũng như người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa; có người xót thương, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn và khoái lạc nên cho một thứ thuốc hay nào đó [35]. Khi được cho thứ thuốc hay nào đó, trị bệnh có hiệu quả, không làm hư hoại các căn, người bệnh khỏi được bệnh cùi, thân thể tráng kiện, bình phục như cũ. Sau khi lành bệnh, nếu thấy [672a] ai mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa, này Man-nhàn-đề, thấy vậy, người ấy có hoan hỷ ngợi khen chăng?”
Man-nhàn-đề đáp:
“Dạ không, thưa Cù-đàm. Vì sao? Vì có bệnh mới cần thuốc, chứ không bệnh thì không cần.”
“Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người mắc bệnh cùi ấy chữa bệnh có kết quả, không hư hoại các căn, thoát khỏi bệnh cùi, thân thể khỏe mạnh hoàn toàn, bình phục như cũ. Có hai người lực sĩ bắt người ấy hơ lên bếp lửa, người ấy hoảng hốt né tránh vì cảm thấy quá nóng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào, bếp lửa bây giờ lại nóng hơn, khiến cho rất khổ, nguy hiểm hơn trước nhiều lắm chăng?”
“Dạ không, thưa Cù-đàm. Trước kia, còn mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, bệnh nhân lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa. đối với sự khổ bức nóng của lửa, bệnh nhân lại cảm thấy hoan lạc; ấy là do tâm mê loạn mà có ý tưởng điên đảo. Thưa Cù-đàm, trái lại bây giờ trị bệnh có kết quả, không hư hoại các căn, thoát khỏi bệnh cùi, thân thể khỏe mạnh hoàn toàn bình phục như cũ, người ấy đối với sự khổ bức của lửa lại cảm thấy khổ sở, như vậy là do tâm sáng suốt, không có ý tưởng điên đảo.”
“Này Man-nhàn-đề, cũng người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, bệnh nhân lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa; đối với sự khổ bức của lửa, bệnh nhân lại thấy khoan khoái; ấy là do tâm mê loạn, có ý tưởng điên đảo. Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, chúng sanh không ly dục, bị ham muốn dục nhai nuốt, bị hơi nóng của dục thiêu đốt mà chạy theo dục; những kẻ ấy đối với khổ dục lại có ý tưởng dục lạc; ấy là do tâm mê loạn, có ý tưởng điên đảo.
“Này Man-nhàn-đề, người trị bệnh đã có kết quả, không hư hoại các căn, đã khỏi bệnh ghẻ cùi, thân thể khỏe mạnh, hoàn toàn bình phục như cũ; người ấy đối với sự khổ bức của lửa thì cảm thấy đau khổ; ấy là do tâm yên ổn, không có ý tưởng điên đảo, cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, Ta đối với khổ dục, thì có ý tưởng về khổ dục như thật, không có ý tưởng điên đảo. Vì sao? Này Man-nhàn-đề, vì dục quá khứ là bất tịnh, xấu xa, rất đáng ghê tởm, không thể hướng đến, não hại, gây đau khổ; dục vị lai và hiện tại cũng bất tịnh, xấu xa rất đáng ghê tởm, không thể hướng đến, não hại, cảm thọ khổ. Cho nên, Này Man-nhàn-đề, Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác nói rằng: Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là sự an lạc tối thượng."
Dị học Man-nhàn-đề thưa:
“Thưa Cù-đàm, [672b] tôi cũng đã từng nghe các bậc kỳ cựu tôn trưởng lão, học Phạm hạnh đã lâu, nói rằng: Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là an lạc tối thượng."
Đức Thế tôn hỏi:
“Nếu ông đã từng nghe các bậc kỳ cựu tôn đức trưởng lão học Phạm hạnh đã lâu nói rằng: Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là sự an lạc tối thượng; thì Man nhàn đề, thế nào là không bệnh, thế nào là Niết-bàn?”
Bấy giờ, Man-nhàn-đề Dị học, đối với thân là bệnh hoạn, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là chẳng phải tự ngã, nhưng lại dùng hai tay xoa bóp mà nói rằng:
“Thưa Cù-đàm, cái này không bệnh, cái này là Niết-bàn.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Man-nhàn-đề, cũng như người mù bẩm sinh, nghe người có mắt nói rằng: ‘Trắng tinh, không bẩn! Trắng tinh, không bẩn!’ Nghe như vậy, người mù đi tìm cái trắng tinh. Có người lừa đối, không mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn khoái lạc cho người mù, nên đem chiếc áo cáu ghét nhơ bẩn, đến nói với người mù rằng: ‘Ông nên biết, đây là chiếc áo trắng tinh, không bẩn. Ông hãy cung kính đưa hai tay nhận lấy mà khoác lên thân.’ Người mù ấy liền hoan hỷ đưa hai tay cung kính thọ nhận, khoác lên thân mà nói rằng: ‘Trắng tinh, không bẩn! Trắng tinh không bẩn!’ Này Man-nhàn-đề, người mù ấy tự mình biết mà nói lên như thế, hay không tự mình biết mà nói lên như thế? Tự mình thấy mà nói lên như thế, hay không tự mình thấy mà nói lên như thế?”
Man-nhàn-đề dị đạo đáp:
“Thưa Cù-đàm, người ấy nói như vậy nhưng quả thật không biết, không thấy gì cả.”
Đức Thế Tôn nói:
“Cũng vậy, Này Man-nhàn-đề, ông như người mù không có mắt. Thân chính là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là không phải tự ngã. Thế mà ông dùng hai tay xoa bóp và nói rằng: ‘Thưa Cù-đàm, cái này không bệnh, cái này là Niết-bàn.’ Này Man-nhàn-đề, thế nào là không bệnh, ông còn không biết, há lại thấy biết Niết-bàn, được Niết-bàn chăng? Nói rằng thấy Niết-bàn thì quả không thể được. Này Man-nhàn-đề, Như Lai, Vô sở trước Đẳng chánh giác nói rằng:
Không bệnh, lợi bậc nhất,
Niết-bàn, lạc tối thượng,
Chỉ con đường Bát chánh,
Đến an ổn cam lồ [36].
“Trong chúng đó nhiều người được nghe bài kệ này. Sau khi số đông những người dị họ nghe bài kệ này, liền truyền lại cho nhau, nhưng không hiểu rõ nghĩa lý. Họ đã nghe và muốn tìm cầu giáo nghĩa, họ đều là kẻ ngu si, trở lại tự lừa dối lẩn nhau. Thân bốn đại hiện tại của họ là do cha me sanh ra, được nuôi lớn nhờ ăn uống, che đậy của y phục, chăm sóc bằng tắm rửa, đó là pháp hủy hoại, là pháp tan rã, nhưng họ thấy là ngã, chấp thủ là ngã, duyên thủ nên có hữu, duyên [672c] hữu nên có sanh, duyên nới sanh nên có già, chết, duyên nơi già, chết nên có buồn rầu, khóc than, lo lắng, khổ sở, áo não. Như vậy, toàn bộ khối lớn khổ đau này phát sanh.”
Khi ấy, Man-nhàn-đề Dị học liền đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn và bạch:
“Bạch Cù-đàm, nay con hoàn toàn tin tưởng Sa-môn Cù-đàm. Mong Cù-đàm thuyết pháp cho con nghe, để con được biết: Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn.”
Đức The Tôn nói:
“Này Man-nhàn-đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông chưa được thanh tịnh; dù Ta có thuyết giảng cho nghe về sự không bệnh, về Niết-bàn, thì ông cũng không thể nào hiểu được, mà chỉ nhọc công cho Ta thôi. Này Man-nhàn-đề, ví như người sanh ra đã bị mù, nghe người khác đến nói rằng: ‘Ông nên biết, đây là sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng.’ Này Man-nhàn-đề, người mù ấy chỉ nghe người khác nói, có biết đây là sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng chăng?”
Man-nhàn-đề đáp:
“Dạ không, thưa Cù-đàm.”
“Cũng vậy, này Man nhàn đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông chưa được thanh tịnh; dù Ta có thuyết giảng cho ông nghe về sự không bệnh, về Niết-bàn, thì ông cũng không thể nào hiểu được, mà chỉ nhọc công Ta thôi. Này Man-nhàn-đề, Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về diệu dược thích hơp khiến cho Thánh tuệ nhãn chưa được thanh tịnh liền được thanh tịnh. Này Man-nhàn-đề, nếu Thanh tuệ nhãn của ông được thanh tịnh, ông sẽ tự biết: ‘Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn.’ Này Man-nhàn-đề, ví như người mù bẩm sinh, có thân nhân mong muốn cho được an ổn, khoái lạc nên tìm cầu thầy chữa mắt. Thầy chữa mắt trị liệu bằng mọi cách, hoặc khiến nôn ra ở trên, hoặc khiến bài tiết ở dưới, hoặc nhỏ thuốc vào lỗ mũi, hoặc rửa ở dưới, hoặc chích ở mạch [37], hoặc khiến chảy nước mắt ra. Này Man-nhàn-đề, giả sử trúng thuốc thì hai mắt được trong sáng. Này Man-nhàn-đề, nếu người ấy hai mắt được trong sáng thì tự mình thấy đây là sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng. Người ấy thấy cái áo cáu ghét dơ bẩn, nên nghĩ rằng: ‘Người kia là oan gia, từ lâu nó đã đem cái áo cáu ghét mà dối gạt ta. Rồi nó sanh tâm oán ghét. Này Man-nhàn-đề, người ấy có thể sát hại người kia. Cũng vậy, này Man nhàn đề, Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về diệu dược thích hợp, khiến cho Thánh tuệ nhãn chưa thanh tịnh liền được thanh tịnh. Này Man-nhàn-đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông được thanh tịnh, ông sẽ tự biết: ‘Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn.’
“Này Man-nhàn-đề, có bốn pháp khiến người Thánh tuệ nhãn chưa thanh tịnh liền được thanh tịnh. Những gì là bốn? Là thân cận thiện tri thức mà cung kính thừa sự, nghe thiện pháp, khéo tư duy, thực hành pháp tùy pháp [38]. Này Man-nhàn-đề, ông nên học như vậy. Thân cận [673a] thiện tri thức mà cung kính thừa sự, nghe thiện pháp, khéo tư duy, thực hành pháp tùy pháp, Này Man-nhàn-đề nên học như vậy.
“Này Man-nhàn-đề, ông đã thân cận thiện tri thức mà cung kính thừa sự rồi, liền được nghe thiện pháp; sau khi nghe được thiện pháp sẽ khéo tư duy; sau khi khéo tư duy, sẽ thực hành pháp tùy pháp; sau khi thực hành theo háp tùy pháp rồi, liền biết như thật rằng: Đây là Khổ, đây là Khổ Tập, đây là Khổ diệt, biết như thật đây là Khổ diệt đạo.
“Thế nào là biết Khổ như thật? Là biết khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ oán tăng hội, khổ ái biệt ly, khổ cầu bất đắc; nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là biết khổ như thật.
“Thế nào là biết Khổ tập như thật? Biết rằng đây là tham ái dẫn đến tiếp thọ sự hữu trong tương lai, tương ưng với hỷ dục, ước mong đời sống như thế này hay như thế kia. Đó gọi là biết Khổ tập như thật.
“Thế nào là biết Khổ diệt như thật? Biết rằng đây là tham ái dẫn đến tiếp thọ sự hữu trong tương lai, đí đôi với hỷ dục ước mong đời sống như thế này hay như thế kia; tham ái ấy đã diệt tận không còn dư tàn, đã bị đoạn trừ, đã bị xả ly, đã nôn ra hết, không còn tham dục, đã thanh tịnh, đoạn trừ, tĩnh chỉ. Đó gọi là biết Khổ diệt như thật.
“Thế nào là biết Khổ diệt đạo như thật? Là biết Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là biết Khổ diệt đạo như thật.”
Sau khi nghe nói pháp này, Dị học Man-nhàn-đề xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh. Lúc bấy giờ, Dị học Man-nhàn-đề thấy pháp, đắc pháp, giác chứng bạch tịnh pháp, đoạn nghi, trừ hoặc, không còn tôn thờ ai, không còn do ai, không còn do dự, đã an trụ nới quả chứng, đối với pháp của Thế Tôn đã được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và bạch:
“Bạch Thế Tôn, cúi mong Thế Tôn cho con xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo.”
Đức Thế Tôn nói:
“Lành thay! Hãy đến đây, Tỳ-kheo! Hãy tu hành Phạm hạnh!”
Man-nhàn-đề Dị đạo liền xuất gia học đạo, [39] thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo. Sau khi Dị học Man-nhàn-đề xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo rồi, liền chứng quả A-la-hán.
Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả Man-nhàn-đề sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [40]
154. KINH BÀ-LA-BÀ ĐƯỜNG
[673b6]Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú nước Xá-vệ, trú tại Đông viên, trong giảng đường Lộc tử mẫu [41].
Bấy giờ, có hai người thuộc dòng Bà-la-môn là Bà-tư-tra [42] và Bà-la-bà [43], cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. [44] Các Bà-la-môn khác thấy vậy, chỉ trích họ dữ dội, nói những lời rất gay gắt và cay đắng, rằng: “Dòng Bà-la-môn là hơn hết, không dòng nào bằng; dòng Bà-la-môn là trắng, ngoài ra đều là đen; Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh; Bà-la-môn con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên. Các ông bỏ nơi thù thắng mà đi theo chỗ thấp hèn, bỏ trắng theo đen. Bọn Sa-môn đầu trọc kia bị trói buộc vào da đen, nên tuyệt tự, không con cái. Cho nên, các ông đã làm chuyện đại cực ác, phạm việc đại sai lầm."
Bấy giờ, vào buổi chiều, Đức Thế Tôn từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo.
Tôn giả Bà-tư-tra từ xa trông thấy Đức Thế Tôn vào buổi chiều từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo. Sau khi thấy như vậy, Tôn giả Bà-tư-tra nói:
“Này Hiền giả Bà-la-bà, nên biết, Đức Thế Tôn, vào buổi chiều, từ thiền tọa dậy, bước xuống giảng đường. Ngài kinh hành trên khoảng đất trống trong bóng mát của giảng đường, rồi nói pháp thậm thâm vi diệu cho các Tỳ-kheo. Này Hiền giả Bà-la-bà, chúng ta nên đến chỗ Đức Phật, hoặc có thể nhân đây mà được nghe Ngài nói pháp.”
Khi ấy, Bà-tư-tra và Bà-la-bà liền đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ, rồi đi kinh hành theo sau.
Đức Thế Tôn quay lại nói với hai người kia:
“Bà-tư-tra, hai Bà-la-môn, các ngươi từ bỏ chủng tộc Bà-la-môn, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; các Bà-la-môn khác thấy như vậy, không chỉ trích các ngươi sao?”
Hai người kia liền bạch:
“Quả thật vậy, bạch Đức Thế Tôn. Các Bà-la-môn thấy như vậy, chỉ trích dữ dội, gay gắt, cay đắng.”
Đức Thế tôn hỏi:
“Này Bà-tư-tra, các Bà-la-môn thấy như vậy, đã chỉ trích dữ dội, [673c] gay gắt, cay đắng như thế nào?”
Bà-tư-tra thưa:
“Bạch Thế Tôn, các Bà-la-môn thấy chúng con như vậy, nói như thế này, ‘Dòng Bà-la-môn là hơn hết, không dòng nào bằng; dòng Bà-la-môn là trắng, ngoài ra đều là đen; Bà-la-môn được thanh tịnh, không phải Bà-la-môn thì không được thanh tịnh; Bà-la-môn con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên. Các ông bỏ nơi thù thắng mà đi theo chỗ thấp hèn, bỏ trắng theo đen. Bọn Sa-môn đầu trọc kia bị trói buộc vào da đen, nên tuyệt tự, không con cái. Cho nên, các ông đã làm chuyện đại cực ác, phạm việc đại sai lầm.’ Bạch Thế Tôn, các Bà-la-môn thấy chúng con như vậy, đã chỉ trích dữ dội, gay gắt, cay đắng như vậy.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Bà-tư-tra, những lời của các Bà-la-môn quá độc ác, hết sức vô lại. Vì sao? Vì họ ngu si, không khéo hiểu rõ, không biết ruộng tốt, không thể tự biết mình, dó đó mới nói như thế này, ‘ Bà-la-môn chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, được hóa sanh từ Phạm thiên.’ Vì sao? Này Bà-tư-tra, chính Ta, với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng này không chủ trương thọ sanh ưu thắng, không chủ trương chủng tộc, không chủ trương kiêu mạn, nói rắng ‘Nó đẹp lòng Ta; nó không đẹp lòng Ta [45],’ không vì chỗ ngồi, không vì nước [46], không vì sở học kinh sách.
“Này Bà-tư-tra, chỗ nào có hôn nhân, nơi đó mới có thể nói về thọ sanh, về chủng tộc, về kiêu mạn, nói, ‘Nó đẹp lòng Ta, không đẹp lòng Ta; vì chỗ ngồi, vì nước uống và vì sở học kinh sách.
“Này Bà-tư-tra, nếu ai chủ trương thọ sanh, chủ trương chủng tộc, chủ trương kiêu mạn, người ấy cách biệt quá xa đối với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của Ta.
“Này Bà-tư-tra, nói về thọ sanh, về chủng tộc, về kiêu mạn, nói: ‘Nó đẹp lòng Ta, không đẹp lòng ta,’ vì chỗ ngồi, vì nước uống và vì sở học kinh sách thì cách biệt với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng của ta.
“Lại nữa, này Bà-tư-tra, ở đây có ba giai cấp [47] khiến cho không phải tất cả mọi người cùng tranh luận với nhau, thiện và bất thiện lẫn lộn, được các bậc Thánh khen ngợi hoặc không khen ngợi. Thế nào là ba? Đó là: dòng Sát-lị, dòng Bà-la-môn, dòng Cư sĩ.
“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Người Sát-lị có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến; người Cư sĩ cũng vậy, chứ không phải Bà-la-môn (mới làm những chuyện đó chăng)?”
Bà-tư-tra rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, dòng Sát-lị cũng có người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến tà kiến và dòng Bà-la-môn, Cư sĩ cũng vậy.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Chỉ có người Bà-la-môn mới xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến; còn Sát-lị, Cư sĩ thì không như vậy chăng?”
Bà-tư-tra thưa rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, Bà-la-môn cũng có người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, [674a] trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến, và Sát-lị, Cư sĩ cũng vậy.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện, thì đó chỉ là việc làm của Sát-lị, Cư sĩ, chứ không phải Bà-la-môn chăng? Và nếu có vô lượng pháp thiện, thì đó chỉ là việc làm của Bà-la-môn chứ chẳng phải Sát-lị, Cư sĩ?”
Bà-tư-tra thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện thì hàng Sát-lị, Cư sĩ kia cũng có thể làm, mà Bà-la-môn cũng vậy. Nếu có vô lượng pháp thiện, thì Bà-la-môn cũng có thể làm, và Sát-lị, Cư sĩ cũng vậy.”
“Này Bà-tư-tra, nếu có vô lượng pháp ác, bất thiện, mà tuyệt đối chỉ có Sát-lị làm, chứ không phải Bà-la-môn làm, và nếu có vô lượng pháp thiện, mà tuyệt đối chỉ có Bà-la-môn làm chứ không phải Sát-lị, Cư sĩ làm, thì các Bà-la-môn kia có thể nói như thế này, ‘ Bà-la-môn chúng ta là con Phạm thiên, sanh ra từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’ Vì sao? Này Bà-tư-tra, người ta thấy một nữ Bà-la-môn vừa mới lấy chồng, sau khi lấy chồng thì nàng mang thai và sau đó lại thấy nàng sanh ra một bé trai, hoăc là một bé gái. Này Bà-tư-tra, như vậy, các Bà-la-môn cũng y theo pháp thế gian sanh ra từ sản đạo, thế nhưng họ lại nói láo, vu báng Phạm thiên mà nói như thế này, ‘ Bà-la-môn chúng ta là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’
“Này Bà-tư-tra, nếu một thiện nam tử, bất luận chủng tộc hay tánh danh nào, từ bỏ chủng tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, theo Ta học đạo, thì có thể nói như thế này, ‘Chúng tôi là Bà-la-môn, là con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên [48].’ Vì sao? Này Bà-tư-tra, vì thiện nam tử ấy vào trong Chánh pháp luật của Ta, thọ lãnh Chánh pháp và Giới luật, đến được bờ bên kia, đoạn nghi, trừ hoặc, không có do dự, đối với Pháp của Đấng Thế Tôn đã được vô sở úy. Cho nên, người ấy đáng nói như thế này, ‘Chúng tôi là Bà-la-môn, con Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, hóa sanh từ Phạm thiên.’
“Này Bà-tư-tra, Phạm thiên đó là nói Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Bởi vì Phạm là Như Lai, Mát Lạnh là Như Lai, Không phiền Không Nhiệt, Không Lìa Như là Như Lai [49].
“Này Bà-tư-tra, ý ngươi thế nào? Những người họ Thích có hạ ý yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ba-tư-nặc, vua nước Câu-tát-la chăng?”
Bà-tư-tra thưa:
“Bạch Thế Tôn, có.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Bà-tư-tra, [673b] ý ngươi thế nào? Nếu những người họ Thích hạ ý yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la thì như vậy, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la đối với bản thân có hạ ý, yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự Ta chăng?”
Đáp rằng:
“Những người họ Thích mà hạ ý, yêu kính, quý trọng, cúng dường, phụng sự vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, thì việc này không có gì lạ. Nếu vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Đức Thế Tôn, thì việc này rất đặc biệt kỳ lạ.”
Đức Thế Tôn nói:
“Này Bà-tư-tra, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la đối với bản thân Ta mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ta, không phải với ý nghĩ rằng, ‘Sa-môn Cù-đàm thuộc chủng tộc rất cao, còn ta chủng tộc quá thấp. Sa-môn Cù-đàm tài bảo rất nhiều, còn ta tài bảo quá ít. Sa-môn Cù-đàm hình sắc rất đẹp, còn ta hình sắc thô kịch. Sa-môn Cù-đàm có oai thần lớn, còn ta oai thần quá ít. Sa-môn Cù-đàm có trí tuệ thiện còn ta có trí tuệ ác.’ Nhưng này Bà-tư-tra, vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-là chỉ vì yêu kính, tôn trọng Pháp và cúng dường Pháp, vì phụng sự Pháp cho nên đối với bản thân Ta, mà hạ ý, yêu quý, kính trọng, cúng dường, phụng sự Ta.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với Tỳ-kheo rằng:
“Này Bà-tư-tra, có một lúc tất cả thế gian này đều hoại diệt. Khi thế gian này hoại, các chúng sanh sanh lên cõi trời Hoảng dục [50]; ở trong cõi ấy, sắc vi diệu, do ý hóa sanh. Tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ làm món ăn, tự thân phát sáng, bay lên hư không, sống lâu trong tịnh sắc [51].
“Này Bà-tư-tra, trong một thời gian quả đất này tràn ngập nước [52], do gió thổi qua và khuấy động trên mặt nước đóng lại một lớp tinh, hòa hiệp giống như sữa chín đóng váng và đông lại thành một lớp tinh. Cũng vậy, Bà-tư-tra, có một thời gian quả đất này tràn ngập nước, do gió thổi và khuấy động, trên mặt nước đông lại và hợp tụ hòa hợp thành một lớp tinh, từ đó sanh ra vị của đất [53], có sắc, có hương vị. Sắc nó như thế nào? Giống như sắc của sanh tô, và sắc của thục tô. Và vị của nó như thế nào? Như vị mật ong.
“Này Bà-tư-tra, có một thời gian khi thế giới này trở lại thời kỳ thành lập, có những chúng sanh, sanh trên cõi trời Hoảng dục, tuổi thọ hết, nghiệp hết, phước hết, mạng chung, sanh trở lại làm người, sanh vào thế gian này, cũng với sắc tướng thù diệu và do hóa sanh; tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ lạc làm thức ăn, tự thân phát sáng, bay trong hư không, sống lâu dài trong tịnh sắc.
[674c] “Này Bà-tư-tra, bấy giờ ở trong thế giới đó không có mặt trời, mặt trăng, cũng không có tinh tú, không có ngày đêm, không có một tháng hay nửa tháng, không có ngày giờ, không có năm. Này Bà-tư-tra, ngay vào lúc đó, không có cha, không có mẹ, không có trai hay gái, lại cũng không có chủ nhân và tôi tớ, chỉ một loại chúng sanh như nhau mà thôi. Rồi có một chúng sanh tham ăn, không liêm khiết, đã nghĩ như thế này, ‘Vị của đất như thế nào? Ta thử dùng ngón tay móc một ít đất này nếm thử.’ Khi ấy chúng sanh này bèn dùng ngón tay móc đất đó mà nếm thử. Như vậy, chúng sanh đã biết vị của đất. Người ấy lại muốn được ăn. Bấy giờ chúng sanh đó lại nghĩ như thế này, ‘Sao lại phải nếm vị của đất bằng ngón tay cho nhọc sức. Ta hãy dùng bàn tay vóc lấy vị đất này mà ăn.’ Khi đó chúng sanh này bèn dùng tay vóc lấy vị đất này mà ăn.
“Trong số các chúng sanh kia lại có những chúng sanh khác thấy các chúng sanh này mỗi người dùng tay vóc lấy vị đất mà ăn, bèn nghĩ như thế này, ‘Cái này thật là hay, cái này thật là khoái, chúng ta có thể dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn.’ Rồi các chúng sanh liền dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn. Khi họ đã dùng tay vóc lấy vị đất này để ăn như vậy và như vậy, thân họ trở thành dày, trở thành nặng, thành cứng. Nếu trước kia họ có sắc thanh tịnh, thì lúc ấy bị mất, tự nhiên sanh ra tối tăm.
“Này Bà-tư-tra, pháp của thế gian tự nhiên có điều này: nếu sự tối tăm đã sanh ra, thì mặt trời, mặt trăng tất xuất hiện. Mặt trời, mặt trăng đã xuất hiện, thì các tinh tú cũng xuất hiện; tinh tú xuất hiện, tức thì thành ngày đêm, thành ngày đêm rồi, thì liền có một tháng hay nửa tháng có ngày giờ và có năm. Họ ăn vị của đất và sống đời rất lâu.
“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn nhiều vị của đất, thì sắc da thành xấu, nếu ăn ít vị của đất thì sắc da đẹp; từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân màu sắc hơn kém cho nên mỗi mỗi chúng sanh có những lời khinh mạn lẫn nhau, ‘Sắc da của ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Nhân màu sắc hơn kém mà sanh ra sự khimh mạn và ác pháp, cho nên vị của đất liền mất. Khi vị của đất đã mất, các chúng sanh kia liền tụ tập nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này, ‘Hỡi ôi vị đất! Hỡi ôi vị đất!’ Cũng như người đời nay ngậm tan vật ngon; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa [54]. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.
“Này Bà-tư-tra, sau khi vị của đất mất, chất béo của đất [55] có sắc, hương, vị sanh ra cho các chúng sanh kia. Sắc nó như thế nào? Như sắc của sanh tô và thục tô. Vị như thế nào? Như [675a] vị của mật ong. Chúng sanh kia ăn chất béo của đất này mà tồn tại ở thế gian trong một thời gian lâu dài.
“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn chất béo của đất nhiều thì sắc da xanh xấu, người ăn chất béo của đất ít thì có sắc da đẹp, từ đó có sự phân biệt hơn kém về sắc da. Nhân màu sắc có hơn kém cho nên mỗi mỗi chúng sanh cùng nói nhau lời khinh mạn: ‘Sắc của ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Do sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên chất chất béo của đất liền tiêu mất. Khi chất béo của đất tiêu mất, các chúng sanh kia liền nhóm họp nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Hỡi ơi chất béo của đất! Hỡi ơi chất béo của đất!’ Cũng như người đời nay bị người khác mắng; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa [56]. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.
“Này Bà-tư-tra, sau khi chất béo của đất tiêu mất, một loại bà-la [57] có sắc, có hương vị sanh ra cho các chúng sanh kia. Sắc nó như thế nào? Như sắc hoa gia-đàm. [58] Vị nó như thế nào? Như vị mật ong tinh chất. Họ ăn dây bà-la này mà tồn tại ở thế gian trong thời gian lâu dài.
“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào ăn bà-la nhiều thì sắc da thành xấu, người ăn ít bà-la thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu da. Nhân sắc có hơn kém, cho nên mỗi mỗi chúng sanh nói lời khinh mạn với nhau rằng, ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Nhân sắc có hơn kém mà sanh khinh mạn và ác pháp, cho nên bà-la liền diệt mất. Khi bà-la đã diệt mất, các chúng sanh kia liền nhóm họp nhau lại, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Hỡi ơi bà-la! Hỡi ơi bà-la!’ Cũng như người đời nay bị người khác mắng; chúng không nói chữ của thời xưa, tuy thọ trì mà không biết nghĩa. Sự quán sát ý nghĩa cũng được nói như vậy.
“Này Bà-tư-tra, sau khi bà-la diệt mất, loại nếp tự nhiên [59] sanh ra cho các chúng sanh kia. Trắng tinh, không vỏ cũng không có cám, trấu; dài bốn tấc. Sớm mai cắt chiều sanh, chiều cắt sáng sanh; lúa chín có vị muối, không có mùi sống. Chúng sanh ăn loại nếp tự nhiên này. Sau khi họ ăn nếp tự nhiên này, tức thì sanh ra sự khác nhau về thân hình. Hoặc có chúng sanh trở thành hình dạng con trai, hoặc có chúng sanh trở thành hình dạng con gái. Sau khi các chúng sanh này trở thành hình trai và hình gái, họ thấy nhau bèn nói như thế này: ‘Ôi, ác chúng sanh ra đời! Ác chúng sanh ra đời!’
“Này Bà-tư-tra, ác chúng sanh đó là nói người đàn bà. Khi chúng sanh kia đã trở thành hình trai và hình gái, thì họ nhìn ngắm nhau. Nhìn ngắm nhau rồi, nhìn kỹ nhau bằng mắt; mắt nhìn kỹ rồi, thì họ [675b] nhiễm nhau; nhiễm nhau rồi, liền sanh bức rức; bức rức rồi, thì ái trước nhau; ái trước nhau rồi, họ làm chuyện dâm dục. Nếu họ bị bắt gặp trong lúc hành dục, người ta bèn dùng cây, đá, hoặc dùng gậy, đất cục mà đánh, ném, và nói như thế này: ‘Ôi, bọn họ xấu xa, làm việc phi pháp! Tại sao chúng sanh làm chung nhau chuyện như vậy?’ Cũng như người thời nay khi rước vợ mới người ta rải hoa, hay buông rũ những tràng hoa và nói như thế này: ‘Chúc cô dâu bình an! Chúc cô dâu bình an!’ [60] Đó là việc mà xưa kia thì người ta ghét, còn nay thì người ta yêu.
“Này Bà-tư-tra, cũng có chúng sanh ghét pháp bất tịnh, ghê tởm, sỉ nhục, hổ thẹn, người đó liền xa đám đông [61] từ một ngày, hai ngày, đến sáu bảy ngày, nửa tháng, một thàng cho đến một năm.
“Này Bà-tư-tra, nếu chúng sanh nào muốn làm việc bất tịnh này, thì người ấy bèn làm nhà và nói như thế này: ‘Ta làm chuyện xấu trong này! Ta làm chuyện xấu trong này!’ Này Bà-tư-tra, đó là nhân duyên đầu tiên trong thế gian có pháp dựng nhà. Đó là trí tối sơ kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người [62].
“Ở đây, có một chúng sanh lười biếng. Người ấy nghĩ như thế này: ‘Tại sao ta phải mỗi bữa đi lấy nếp tự nhiên? Sao ta không lấy luôn cho đủ ăn một ngày?’ Người ấy bèn gom lấy gạo ăn cho một ngày. Khi ấy, có một chúng sanh khác nói với người ấy rằng: ‘Này Chúng sanh, ông đi lấy gạo với tôi chăng?’ Vị ấy trả lời: ‘Tôi đã gom đủ. Ông đi lấy một mình vậy.’
“Chúng sanh kia nghe rồi, liền nghĩ như thế này: ‘Thật là hay, thật là khoái! Ta cũng có thể lấy luôn gạo ăn cho ngày mai chăng?’ Người này bèn lấy luôn gạo cho ngày mai.
“Lại có một chúng sanh khác nói với người này rằng: ‘Này Chúng sanh! Ông hãy đi lấy gạo với tôi không?’ Chúng sanh kia đáp: ‘Tôi đã lấy luôn gạo cho ngày mai, ông đi một mình vậy.’ Chúng sanh này nghe rồi, bèn nghĩ như thế này: ‘Thật là hay, thật là khoái! Ta nay nên lấy gạo ăn luôn trong bảy ngày.’ Khi chúng sanh này lấy loại lúa tự nhiên tích tụ rất nhiều; lúa nếp được cất bèn sanh ra vỏ và cám, cắt lấy cho đến bảy ngày cũng sanh vỏ và cám. Cắt đến đâu, chỗ ấy không còn mọc trở lại nữa.
“Bấy giờ, các chúng sanh mới cùng nhóm họp, khóc lóc não nề mà nói thế này: ‘Chúng ta đã làm phát sanh pháp ác, bất thiện; bọn chúng ta cất chứa gạo để lâu. [695c]Vì sao? Bởi lẽ, chúng ta trước kia có sắc tướng thù diệu, và do ý hóa sanh; tất cả chi tiết và các căn đều đầy đủ, dùng hỷ làm thức ăn, tự nhiên chói sáng, bay trong hư không, sống lâu dài với tịnh sắc. Chúng ta sanh ra vị của đất có sắc, hương, vị. Sắc như thế nào? Như sắc của sanh tô và thục tô. Vị thế nào? Vị như mật ong. Chúng ta ăn vị của đất và tồn tại trong một thời gian lâu dài. Chúng ta nếu ăn nhiều vị của đất, sắc da thành xấu. Người ăn vị của đất ít, thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân màu sắc hơn kém, cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau rằng: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Nhân sắc có hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên vị của đất liền tiêu mất. Sau khi vị của đất tiêu mất, loại chất béo của đất, có sắc, hương, vị sanh ra cho chúng ta. Sắc như thế nào? Như sắc của sanh tô, thục tô. Vị như thế nào? Vị như mật ong. Chúng ta ăn chất béo của đất mà tồn tại ở thế gian trong một thời gian lâu dài. Người nào ăn chất béo của đất nhiều thì sắc da thành xấu; người ăn chất béo của đất ít thì sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Vì sắc có hơn kém, cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Vì sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên chất béo của đất liền tiêu mất. Sau khi chất béo của đất tiêu mất, loại bà-la, có sắc, hương, vị sanh ra cho chúng ta. Sắc như thế nào? Sắc như hoa gia-đàm. Vị như thế nào? Như vị mật ong tinh chất. Chúng ta ăn bà-la mà tồn tại ở thế gian lâu dài. Người nào nếu ăn bà-la nhiều, thì sắc da thành xấu, người ăn bà-la ít, thì có sắc da đẹp. Từ đó có sự phân biệt hơn kém về màu sắc. Nhân sắc có hơn kém cho nên chúng ta mỗi người cùng nói lời khinh mạn nhau rằng: ‘Sắc ta hơn, sắc ngươi không bằng.’ Nhân sắc hơn kém mà sanh ra khinh mạn và ác pháp, cho nên bà-la liền tiêu mất. Sau khi bà-la mất, loại nếp tự nhiên sanh ra cho chúng ta, trắng tinh, không vỏ, cũng không cám, trấu; dài bốn tấc, sáng cắt chiều sanh, chiều cắt sáng sanh, lúa chín có chất muối, không có mùi sống. Chúng ta ăn nếp tự nhiên kia. Khi chúng ta tích tụ loại nếp tự nhiên rất nhiều; nếp lúa được cất liền sanh vỏ, cám, cắt cho đến bảy ngày cũng sanh vỏ, cám; cắt đến đâu, chỗ đó không còn mọc trở lại nữa. Vậy chúng ta phải làm thành ruộng, và cắm mốc chăng?’
“Rồi các chúng sanh ấy làm ruộng, gieo giống và cắm mốc. [676a] Trong khi đó có một chúng sanh đã có lúa của mình, còn vào ruộng người khác mà lấy trộm lúa. Người chủ ruộng thấy vậy bèn nói như thế này: ‘Chao ôi! Chúng sanh xấu ác đã ra đời! Tại sao ngươi làm như vậy? Ngươi có lúa của ngươi mà còn vào ruộng của người khác lấy trộm lúa. Hãy đi đi! Về sau đừng làm như vậy nữa.’ Song chúng sanh kia vẫn đi lấy trộm lúa của người khác hai ba lần nữa. Người chủ ruộng cũng hỏi hai ba lần, thấy rồi, liền nắm tay thoi chúng sanh kia, lôi đến chỗ đông người và nói với mọi người rằng: ‘Chúng sanh này có lúa của nó mà còn vào ruộng tôi lấy trộm lúa tôi.’ Chúng sanh kia cũng nói với mọi người rằng: ‘Chúng sanh này nắm tay tôi, thoi tôi, lôi tôi đến chỗ đông người.’ Khi ấy, các chúng sanh kia cùng nhau nhóm họp, khóc lóc não nề và nói như thế này: ‘Chúng ta sanh pháp ác bất thiện, đó là phải giữ ruộng vậy. Vì sao? Vì gìn giữ ruộng, cho nên mới cùng nhau tranh tụng, có mất mát, kiệt tận, có nói chuyện nhau bằng lời, có thoi nhau bằng nắm tay. Trong số đông này chúng ta hãy cử ra một người đoan chánh, có hình sắc rất đẹp đẽ, lập làm điền chủ. [63] Nếu người nào đáng quở trách thì phải để cho ông ấy quở trách. Nếu người nào đáng đuổi thì để cho ông ấy đuổi. Còn lúa bọn chúng ta thu được thì nên theo đúng như pháp chở đến cho ông ấy.’
“Khi ấy trong số chúng sanh kia có một người đoan chánh, hình sắc đẹp đẽ đệ nhất, họ bèn cử ra, lập làm điền chủ. Nếu có ai đáng quở trách thì ông ấy quở trách; nếu có ai đáng đuổi, thì ông ấy đuổi. Nếu có lúa thì họ đúng như pháp chở đến cho điền chủ. Điền chủ đó tức là Sát-lị [64]. Làm cho chúng sanh hoan lạc đúng như pháp, thủ hộ và hành giới là vua [65]. Vua được gọi là vua vậy.
“Này Bà-tư-tra, đó là nhân duyên đầu tiên của dòng Sát-lị trong thế gian. Đó là trí tối sơ kỳ cựu, [66] đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.
“Khi ấy, có chúng sanh cho rằng sự thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, liền từ bỏ sự thủ hộ, nương nơi rừng vắng [67], làm nhà lá để ở và học Thiền. Người ấy từ chỗ vô sự, mỗi buổi sáng vào thôn ấp hay vương thành mà khất thực. Số đông chúng sanh kia thấy vậy liền bố thí cho, cung kính, tôn trọng và nói như thế này: ‘Chúng sanh này cho rằng thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, nên đã từ bỏ thủ hộ, nương nơi rừng vắng làm nhà lá để ở và học Thiền. Này chư Tôn, người này đã xả bỏ sự gây hại, pháp ác, bất thiện.’ Đó là Bà-la-môn. Do đó Bà-la-môn [676b] được gọi là Bà-la-môn vậy [68].
“Chúng sanh kia học Thiền mà không đắc Thiền, học khổ hạnh mà không đắc khổ hạnh, học viễn ly mà không đắc viễn ly, học nhất tâm mà không đắc nhất tâm, học tinh tấn mà không được tinh tấn, liền bỏ chỗ rừng vắng, trở về thôn ấp, vương thành, làm nhà bốn trụ, sáng tác kinh sách. Các chúng sanh kia thấy vậy, bèn không bố thí, không cung kính, tôn trọng nữa và nói như thế này: ‘Chúng sanh này trước kia coi thủ hộ là bệnh, thủ hộ là ung nhọt, thủ hộ là mũi tên đâm, bèn từ bỏ sự thủ hộ, nương nơi vô sự, làm nhà lá để ở và học Thiền, nhưng không thể đắc Thiền, học khổ hạnh mà không đắc khổ hạnh, học viễn ly mà không được viễn ly, học nhất tâm mà không được nhất tâm, học tinh tấn mà không được tinh tấn liền bỏ nơi vô sự, trở về thôn ấp, vương thành, làm nhà bốn trụ, tạo lập kinh sách. Này chư Tôn, người này lại học sự bác văn, không học Thiền nữa. Bác văn do đó được gọi là bác văn vậy [69].
“Này Bà-tư-tra, đó là nhân duyên đầu tiên của dòng Bà-la-môn trong thế gian. Đó là trí tối sơ kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.
“Bấy giờ, các chúng sanh khác, mỗi người đến mỗi phương mà làm ruộng; người thì đi về phương này mà làm nghề làm ruộng; người thì đi về phương kia mà làm nghề làm ruộng. Đó là dòng Phệ-xá. [70]
“Này Bà-tư-tra, đây là nhân duyên đầu tiên có dòng Phệ-xá trong đời. Đó là trí tối sơ kỳ cựu, đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Như pháp là tôn quý giữa loài người.
“Này Bà-tư-tra, khi thế gian khởi lên ba chủng tánh này rồi, thì liền biết có dòng Sa-môn thứ tư [71]. Tại sao trong thế gian có ba chủng tánh này rồi liền biết có dòng Sa-môn thứ tư? Trong dòng tộc Sát-lị có những thiện nam tử hay tự quở trách mình, ghét pháp bất thiện, tự chán ghét pháp ác, bất thiện, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình học đạo, và suy nghĩ thế này: ‘Ta nên làm Sa-môn, tu Phạm hạnh.’ Người ấy bèn làm Sa-môn, tu Phạm hạnh. Thiện nam tử trong dòng tộc Bà-la-môn, dòng tộc Phệ-xá cũng vậy, cũng tự quở trách, ghét pháp bất thiện, tự chán ghét pháp ác, bất thiện, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, cũng nghĩ như thế này: ‘Ta nên làm Sa-môn, tu Phạm hạnh,’ bèn làm Sa-môn và tu Phạm hạnh.
“Này Bà-tư-tra, như vậy, trong thế gian khởi lên ba chủng tánh này rồi, thì liền biết [676c] có dòng Sa-môn thứ tư.
“Này Bà-tư-tra, nay Ta nói rộng về ba chủng tánh này. Nói rộng về ba chủng tánh này thế nào? Một thiện nam tử thuộc chủng tộc Sát-lị mà thân làm pháp bất thiện, khẩu, ý, làm pháp bất thiện, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định phải thọ khổ.
“Cũng vậy, thiện nam tử trong dòng tộc Bà-la-môn, dòng tộc Phệ-xá, thân làm pháp bất thiện, khẩu, ý, làm pháp bất thiện, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định phải thọ khổ.
“Này Bà-tư-tra, một thiện nam tử thuộc dòng tộc Sát-lị mà thân làm thiện pháp, khẩu, ý làm thiện pháp, thì người đó khi thân hoại chung, nhất định sẽ thọ lạc.
“Cũng vậy, thiện nam tử dòng tộc Bà-la-môn, dòng tộc Phệ-xá, mà thân làm thiện pháp, khẩu, ý làm thiện pháp, thì người đó khi thân hoại mạng chung, nhất định sẽ thọ lạc.
“Này Bà-tư-tra, thiện nam tử thuộc dòng tộc Sát-lị, thân làm hai hành vi, [72] và hộ hành [73], khẩu, ý làm hai hành vi và hộ hành, thì người đó khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ khổ và lạc.
“Cũng vậy, này Bà-tư-tra, thiện nam tử thuộc dòng tộc Bà-la-môn hay Phệ-xá, thân làm hai hành vi và hộ hành, khẩu, ý làm hai hành vi và hộ hành, thì người đó khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ khổ và lạc.
“Này Bà-tư-tra, thiện nam tử dòng tộc Sát-lị tu bảy giác pháp, [74] khéo tư duy và khéo quán sát, biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết như thật: Sự sanh đã hết, Phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, sẽ không còn tái sanh nữa.
“Cũng vậy, thiện nam tử dòng tộc Bà-la-môn, dòng tộc Phệ-xá tu bảy giác pháp, khéo tư duy, khéo quán sát; người ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết như thật: Sự sanh đã hết, Phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh.
“Này Bà-tư-tra, như vậy, Ta đã phân biệt rộng rãi về ba chủng tánh này vậy.
“Phạm thiên đế chúa [75] nói bài kệ:
Loài hai chân, Sát-lị tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.
“Này Bà-tư-tra, Phạm thiên đế chúa khéo nói bài kệ này chứ không phải không khéo, khéo ca ngơi, phúng tụng chứ không phải không khéo, khéo ngâm vịnh và nói, chứ không phải không khéo, nói như thế này:
Loài hai chân, Sát-lị tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
[677a]Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.
“Vì sao? Vì Ta cũng nói như vậy:
Loài hai chân, Sát-lị tối tôn,
Đấy là chủ trương có chủng tộc.
Những ai cầu học Minh và Hạnh,
Vị ấy, Thiên, Nhân đều tán thán.”
Đức Phật nói như vậy, Tôn giả Bà-tư-tra, Bà-la-bà và chư Tỳ-kheo nghe Phật nói, hoan hỷ phụng hành.
155. KINH TU-ĐẠT-ĐA
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, cư sĩ Tu-đạt-đa [76] đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi:
“Gia đình của Cư sĩ có thực hành hạnh bố thí chăng?
Cư sĩ trả lời:
“Dạ có, bạch Thế Tôn, gia đình con có bố thí. Nhưng chỉ bố thí những thức thô xấu, không được mỹ diệu, như cơm lẫn với cám, canh lá gai, chỉ có một miếng gừng, một lá rau.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Cư sĩ, dù bố thí những thức thô xấu, hay bố thí những thức mỹ diệu, thảy đều có quả báo. Nhưng này Cư sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu, không tín mà bố thí, không cố tâm bố thí, không tự tay bố thí, không tự mình đến bố thí, không tư duy mà bố thí, không do tín mà bố thí, không quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, tâm không muốn [77] được nhà đẹp, không muốn được xe cộ đẹp, không muốn áo chăn đẹp, không muốn được đồ ăn thức uống ngon, không muốn được ngũ dục công đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm mà hành bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.
“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu nhưng có tín mà bố thí, có tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là do tâm muốn được nhà đẹp, muốn được xe cộ đẹp, muốn được áo chăn đẹp, muốn được đồ ăn thức uống ngon, muốn được ngũ dục công đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí tâm mà bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.
“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức mỹ diệu, không tín mà bố thí, không cố tâm bố thí, không tự tay bố thí, không tự mình đến bố thí, không tư duy mà bố thí, không do tín mà bố thí, không quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, tâm không muốn được nhà đẹp, [677b] không muốn được xe cộ đẹp, không muốn áo chăn đẹp, không muốn được đồ ăn thức uống ngon, không muốn được ngũ dục công đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm mà hành bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.
“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức mỹ diệu, lại có tín mà bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là do tâm muốn được nhà đẹp, muốn được xe cộ đẹp, muốn áo chăn đẹp, muốn đồ ăn thức uống ngon, muốn được ngũ dục công đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí tâm mà bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế.
“Này Cư sĩ, thuở xưa có Bà-la-môn đại trưởng giả tên là Tùy-lam [78] rất giàu có, của cải vô lượng, có nhiều phong hộ, thực ấp, có nhiều châu báu, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính kể. Vị ấy bố thí như thế này: tám vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy bạc vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn bát bằng bạc đựng đầy vàng vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn bát bằng vàng đựng đầy vàng vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn bát bằng bạc, đựng đầy bạc vụn, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn thớt voi được trang sức dây trắng đan lại, phủ lên, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn con ngựa được trang sức bằng dây kim hợp phi-na [79], thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn con bò lấy y làm dây thừng và phủ lên bằng y, có thể cung cấp một hộc sữa, thực hành đại bố thí như vậy. Tám vạn bốn ngàn người nữ, tư dung đẹp đẽ, ai nhìn cũng thích, trang sức đầy đủ châu báu, thực hành đại bố thí như vậy. Ngoài ra lại có những thức ăn cứng và mềm khác nữa.
‘Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí như vậy. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù nữa, thì so với đại bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, và bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù như vậy. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị Tu-đà-hoàn, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, và bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn như thế. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị Tư-đà-hàm, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, [677c] bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, cho một trăm vị Tư-đà-hàm như thế. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị A-na-hàm, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm như thế. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị A-la-hán, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán như vậy. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một vị Bích-chi-phật, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật như vậy. Nếu lại có người bố thí thức ăn cho một Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, thì so với sự bố thí kia, sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù; bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật như thế. Nếu lại có người tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn phương, thì so với sự bố thí này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật, tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn phương như thế. Nếu lại có người với tâm hoan hỷ, quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo, lại thọ giới, thì so với sự bố thí kia, việc làm này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm vị Tu-đà-hoàn, một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật, tạo phòng nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn phương, tâm hoan hỷ quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng Tỳ-kheo, và thọ giới; nếu lại có người trong khoảnh khắc thực hành từ tâm đối với tất cả chúng sanh, cho đến trong khoảng thời gian vắt sữa bò, thì so với sự bố thí kia, việc này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm Tu-đà-hoàn, [678a] một trăm vị Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích-chi-phật, tạo phòng, nhà bố thí cho Chúng Tỳ-kheo bốn phương, tâm hoan hỷ quy y Ba ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng Tỳ-kheo, thọ giới và trong khoảnh khắc thực hành từ tâm đối với tất cả chúng sanh, cho đến trong khoảng thời gian vắt sữa bò, như thế; nếu lại có người quán được tất cả pháp là vô thường, khổ, không và vô ngã, thì so với sự bố thí kia, việc làm này hơn nhiều lắm.
“Này Cư sĩ, ý ông nghĩ sao? Bà-la-môn đại trưởng giả Tùy-lam thuở xưa ấy là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Nên biết rằng, đó chính là Ta vậy. ta thuở xưa là Bà-la-môn đại trưởng giả tên là Tùy-lam.
“Này Cư sĩ, Ta bấy giờ vì lợi ích cho mình, cũng vì lợi ích cho kẻ khác, vì lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn khoái lạc cho Trời và Người. Nhưng lúc bấy giờ Ta thuyết pháp chưa được rốt ráo, chưa rốt ráo bạch tịnh, chưa rốt ráo Phạm hạnh, chưa thành tựu rốt ráo Phạm hạnh; nên lúc bấy giờ, Ta chưa lìa được sanh, già, bệnh, chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thể thoát khỏi mọi khổ đau. Này Cư sĩ, Ta nay là Bậc Xuất Thế, là Như Lai, Vô Sở Trước, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nay Ta vì lợi cho mình cũng vì lợi ích cho kẻ khác, vì lợi ích cho mọi người, thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, cầu sự an ổn khoái lạc cho Trời và Người. Nay Ta thuyết pháp đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo Phạm hạnh, thành tựu Phạm hạnh; nên nay Ta đã lìa khỏi sự sanh, sự già chết, khóc lóc, áo não. Ta nay đã giải thoát khỏi mọi khổ đau.”
Đức Phật thuyết như vậy, Cư sĩ Tu-đạt-đa và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
156. KINH PHẠM BA-LA-DIÊN
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ có nhiều Bà-la-môn nước Câu-sa-la, vào lúc xế trưa, quanh quẩn đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, ngồi qua một bên và thưa:
“Này Cù-đàm, chúng tôi có điều muốn hỏi, ông có nghe chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Các ông có điều gì hỏi gì thì hỏi.”
Nghe thế, các Bà-la-môn hỏi:
“Này Cù-đàm, bây giờ còn có Bà-la-môn học pháp Bà-la-môn cổ đại [80] [678b] hay đã vượt khỏi [81] pháp Bà-la-môn cổ đại rồi chăng?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Nay không còn Bà-la-môn học pháp Bà-la-môn cổ đại. Bà-la-môn đã vượt khỏi pháp Bà-la-môn cổ đại từ lâu rồi.”
Nghe thế, các Bà-la-môn hỏi:
“Này Cù-đàm, tại sao nay không còn Bà-la-môn học pháp Bà-la-môn cổ đại và các Bà-la-môn vượt khỏi pháp Bà-la-môn cổ đại từ bao giờ?”
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ trả lời:
Vì xưa có Bà-la-môn,
Tự chế ngự, nhiệt hành [82],
Bỏ năm công đức dục,
Hành Phạm hạnh thanh tịnh.
Phạm hạnh và giới hạnh,
Khiến tâm tính nhu thuận,
Rộng lượng, tâm không hại,
Nhẫn nhục thủ hộ ý.
Thuở xưa có pháp này,
Bà-la-môn chẳng hộ:
Bà-la-môn không hộ
Của cải, tiền, lúa gạo.
Tụng đọc là tài sản,
Thủ hộ kho tàng này.
Sắc áo đủ các loại,
Nhà cửa và giường chõng,
Dân các nước, các thành,
Học Bà-la-môn này [83]:
Chớ hại Bà-la-môn,
Pháp thủ hộ bậc nhất. [84]
Đi đến cửa nhà người,
Không ai ngăn cản họ.
Lần lượt xin từng nhà,
Xin ăn theo từng bữa.
Những Bà-la-môn tại gia,
Trông thấy, thích bố thí.
Bốn tám năm đã tròn,
Tu Phạm hạnh thanh tịnh,
Mong Minh, Hạnh chóng thành:
Cổ Bà-la-môn như vậy.
Không lấy trộm của cải,
Cũng không hề sợ hãi,
Thương mến đùm bọc nhau,
Và cùng sống hòa hợp.
Bởi không có phiền não,
Pháp liên hệ oán, dâm:
Tất cả các Bà-la-môn,
Không hay hành như vậy. [85]
Nếu có hạnh bậc nhất,
Bà-la-môn quyết cầu.
Các pháp dâm dục ấy,
Không thực hành, dù mộng.
Nhân các phạm hạnh ấy,
Tự xưng "Ta là Phạm"
Biết họ có hạnh ấy,
Bậc có trí nên biết.
Giường thưa, chiếc áo mỏng,
Cơm, sữa cốt sanh tồn,
[678c]Khất cầu đều như pháp,
Trai tự, hành bố thí,
Hiến tế, chẳng cầu khác,
Chỉ cầu xin nơi mình.
Lúc tổ chức trai thí,
Người ấy không giết bò;
Như cha mẹ, anh em,
Và các người thân khác,
Xem người, bò cũng vậy.
Nhân đó sanh khoái lạc. [86]
Ăn uống, thân khoẻ mạnh,
Nhờ vậy mà yên vui.
Biết được nghĩa lý này,
Không ưa giết hại bò.
Mềm mại, thân lực lớn,
Tinh sắc, được khen ngợi.
Ân cần tự cầu lợi,
Như vậy, Bà-la-môn xưa.
Bà-la-môn lợi mình,
Biết nên làm, phải tránh.
Cõi này, trong tương lai,
Người ấy nhất định thoát.
Tuần trăng đã quá tuần,
Xứng ý xin cầu thân
Đêm dài mãi du hí,
Những người vợ phấn son.
Đàn bò, quây trước mặt,
Vợ đẹp nối sau lưng,
Dục vi diệu ở đời.
Bà-la-môn thường ước.
Ngựa xe trang bị đủ,
Tinh xảo, kheo thêu thùa,
Hôn nhân và nhà cửa,
Bà-la-môn thường ước.
Họ sáng tác sách này: [87]
Chúng tôi từ kia lại,
Đại vương [88] mở cuộc chay,
Đừng để mất tài lợi.
Nhiều tài vật lúa gạo,
Cùng tiền tài khác nữa.
Đại vương tương ưng đó [89],
Bà-la-môn và xe cộ [90];
Tế voi và tế ngựa,
Tế ngựa được suốt thông [91],
Tụ tập làm trai thí,
Thí cho Bà-la-môn.
Họ do đó được lợi,
Say mê đắm tài vật,
Họ khơi dậy lòng dục,
Càng dục càng say mê.
Cũng như ao nước rộng,
Và vô lượng tài vật,
Cũng vậy, người có bò,
Các vật dụng sanh sống.
Họ sáng tác sách này:,
Chúng tôi từ kia lại.
Đại vương mở cuộc chay,
Đừng để mất tài lợi;
[679a]Nhiều tài vật lúa gạo,
Nếu ngài có nhiều bò
Đại vương tương ưng đó,
Bà-la-môn và ngựa xe.
Bò vô lượng trăm ngàn,
Vì trai tự mà giết,
Đầu, sừng không não hại,
Bò heo thời xưa kia:
Đi đến nắm sừng bò,
Cầm dao bén mà giết.
Vì bò mà Tổ cha,
Và La sát tên Hương,
Họ hô hoán: phi pháp,
Khi cầm dao đâm bò. [92]
Pháp ấy hành trai thí,
Trái vượt cổ xưa nhất. [93]
Không hữu sự mà giết,
Suy thoái, rời xa pháp.
Thời xưa có ba bệnh,
Dục vọng, đói và già.
Do thù nghịch với bò,
Khởi bệnh chín mươi tám,
Thù nghịch ấy như vậy,
Nên kẻ trí rất ghét.
Nếu người thấy như vậy,
Ai mà không oán ghét.
Như vậy, trong đời này,
Vô trí thấp hèn nhất.
Mỗi, mỗi vì dục, tranh,
Như vợ rủa xả chồng.
Sát-lị, Bà-la-môn nữ,
Người chấp giữ chủng tánh,
Vi phạm pháp chủng tánh,
Dục tự do lung lạc.
“Như vậy, này Bà-la-môn, hiện tại không còn Bà-la-môn học pháp Bà-la-môn cổ đại. Bà-la-môn đã vượt khỏi pháp Bà-la-môn cổ đại từ lâu rồi.”
Nghe vậy, các Bà-la-môn nước Câu-sa-la thưa:
“Bạch Thế Tôn, chúng con đã biết. Bạch Thiện Thệ, chúng con đã rõ. Nay chúng con tự đem mình quy y Phật, Pháp, và Chúng Tỳ-kheo, mong Thế Tôn nhận chúng con làm những Ưu-bà-tắc từ nay và đến trọn đời; chúng con tự đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy, các Bà-la-môn nước Câu-sa-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [94]
157. KINH HOÀNG LÔ VIÊN
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại Tì-lan-nhã [95], trú trong vườn Hoàng lô [96].
Bấy giờ Bà-la-môn Tì-lan-nhã tuổi cao tác lớn, tuổi thọ gần dứt, mạng sống gần tàn, tuổi đã một trăm hai mươi, chống gậy mà đi. Vào buổi xế trưa, Bà-la-môn ấy thong dong đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, chống gậy đứng trước Đức Phật và nói:
“Này Cù-đàm, ta nghe Sa-môn Cù-đàm lúc thiếu thời, tuổi còn quá trẻ, vừa mới xuất gia học đạo, thế mà nếu có danh đức Sa-môn Bà-la-môn nào đích thân đi đến, vẫn không kính lễ, cũng không tôn trọng, cũng không đứng dậy, không mời các vị ấy ngồi. Này Cù-đàm, việc ấy quả không thể được.”
Thế Tôn đáp:
“Này Bà-la-môn, Ta chưa từng thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn nào từ loài Người cho đến Trời đi đến, khiến Như Lai kính lễ, tôn trọng, đứng dậy, mời các vị ấy ngồi. Này Bà-la-môn, nếu có ai đến mà muốn Như Lai kính lễ, tôn trọng, đứng dậy, mời ngồi, thì đầu của vị ấy chắc chắn vỡ thành bảy mảnh.”
Bà-la-môn lại nói:
“Cù-đàm vô vị [97].”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Bà-la-môn, có sự kiện khiến Ta vô vị, nhưng không phải như lời ông nói. Nếu có vị của sắc, vị của tiếng, vị của hương, vị của xúc, thì những thứ ấy đã bị Như Lai đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa. Đó là kiện khiến Ta vô vị, nhưng không như lời ông nói.”
Bà-la-môn lại nói:
“Cù-đàm không biết sợ [98].”
Đức Thế tôn đáp:
“Này Bà-la-môn, có sự kiện khiến Ta không sợ hãi, nhưng không như lời ông nói. Nếu có sợ hãi sắc, thanh, hương, vị, xúc, thì Như Lai đã đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa. Đó là sự kiện khiến Như Lai không sợ hãi, nhưng không như lời ông nói.”
Bà-la-môn lại nói:
“Cù-đàm không nhập thai [99].”
Đức Thế Tôn đáp:
“Có sự kiện khiến Ta không đầu thai, nhưng không như lời ông nói. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn đối với sự mang thai trong tương lai mà đã đoạn trừ, dứt sạch, nhổ tận gốc rễ, không bao giờ sanh lại nữa, Ta nói rằng vị ấy không đầu thai. Như Lai đối với sự mang thai trong tương lai đã vĩnh viễn đoạn trừ, tuyệt diệt, nhổ tận gốc rễ, [679c] không bao giờ sanh lại nữa, cho nên Ta không đầu thai. Đó là sự kiện Ta không đầu thai, nhưng không như lời ông nói.
“Này Bà-la-môn, Ta ở trong chúng sanh này đến từ vô minh, say đắm vô minh, bị vô minh che lấp, bị phủ kín trong vỏ trứng vô minh, thì Ta là người trước tiên quán pháp; đối với chúng sanh ấy, Ta là bậc nhất.
“Cũng như gà mái sanh trứng, mười hoặc mười hai trứng, luôn luôn nghĩ nhớ, luôn luôn ấp ủ, luôn luôn sưởi ấm, luôn luôn bảo bọc. Một thời gian sau, giả sử gà mái buông trôi; gà con ở bên trong, hoặc dùng mỏ mổ, hoặc dùng móng chân mà chọi, phá vỡ trứng chui ra an ổn; đối với các gà con khác, nó là bậc nhất. Ta cũng như thế, Ta ở trong chúng sanh này, đến từ vô minh, say đắm vô minh, bị vô minh che lấp, bị bọc kín trong vỏ trứng vô minh. Ta là người trước tiên quán pháp; đối với chúng sanh ấy Ta là bậc nhất.
“Này Bà-la-môn, Ta ôm cỏ khô đi đến cây Giác thọ, rãi cỏ xuống gốc cây, trải ni-sư-đàn lên mà ngồi kiết già, quyết ngồi ngay ngắn, thề cho đến khi dứt sạch các lậu mới thôi. Rồi Ta ngồi ngay ngắn cho đến khi dứt sạch các lậu. Sau khi ngồi ngay ngắn, Ta ly dục, ly pháp ác, bất thiện, có tầm có tứ, có hỷ lạc do ly dục sanh, đạt được Thiền thứ nhất, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc tâm tăng thượng thứ nhất, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên đến Niết-bàn.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, sau khi Ta tầm tứ dứt sạch, bên trong tịch tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh, đạt được Thiền thứ hai, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc tâm tăng thượng thứ hai, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, Ta ly hỷ, ly dục, xả vô cầu, an trú chánh niệm, chánh trí mà thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh nói là Thánh xả, có niệm, an trụ lạc, đạt được Thiền thứ ba, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ chứng đắc tâm tăng thượng thứ ba, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, Ta diệt lạc, diệt khổ, hỷ và ưu vốn có cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, đạt được Thiền thứ tư, thành tựu an trú; nghĩa là lúc bấy giờ Ta chứng đắc tâm tăng thượng thứ tư, đạt được sự an lạc ngay trong hiện tại, chứng đắc dễ dàng, không khó, sống an lạc, không sợ hãi, an ổn khoái lạc, khiến lên Niết-bàn.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, Ta [680a] đã đạt được định tâm thanh tịnh như thế, không uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Túc mạng trí thông và chứng đắc, nhớ vô lượng đời trước mà Ta đã trải qua, có hành động và có dung mạo thế nào. Nghĩa là Ta nhớ lại một đời, trăm đời, ngàn đời, kiếp thành, kiếp hoại, vô lượng kiếp thành và hoại, chúng sanh kia tên như thế, thuở xưa trải qua đó. Ta từng sanh ở đó, họ như thế, tên như thế, sanh như thế, ăn uống như thế, tồn tại lâu dài như thế, chấm dứt tuổi thọ như thế, chết nơi này sanh nơi kia, chết chỗ kia sanh chỗ này; Ta sanh nơi này, họ như thế, tên như thế, sanh như thế, ăn uống như thế, thọ khổ và lạc như thế, trường thọ như thế, tồn tại lâu dài như thế, chấm dứt mạng sống như thế. Bấy giờ là lúc vào khoảng đầu, chứng đắc minh đạt thứ nhất này, nhờ trước kia không phóng dật, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, mà trí pháp sanh, mê ám tiêu tan mà minh thành tựu, vô minh hoại diệt mà minh phát sanh. Đó là Ta đắc minh đạt Túc mạng trí.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, Ta đã đạt được định tâm thanh tịnh như thế, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Sanh tử trí thông và tác chứng. Ta bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt lên người thường, tháy chúng sanh này khi chết, khi sanh, sắc tốt sắc xấu, đẹp hay không đẹp, qua lại chỗ thiện và chỗ bất thiện tùy theo nghiệp mà chúng sanh này đã làm; Ta thấy điều đó một cách như thực. Nếu chúng sanh này thành tựu ác hành bởi thân, miệng, ý, phỉ báng Thánh nhân, thành tựu tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, nó do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung tất đến cõi dữ, sanh trong địa ngục. Nếu chúng sanh này thành tựu diệu hành bởi thân, miệng, ý, không phỉ báng Thánh nhân. thành tựu chánh kiến, có nghiệp chánh kiến. Nó do nhân duyên này khi thân hoại mạng chung tất đi lên cõi lành, sanh lên trên trời. Như vậy Ta bấy giờ lúc nửa đêm đạt được minh đạt thứ hai này, do trước kia không buông lung, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, mà trí pháp sanh, mê ám tiêu tan mà minh thành tựu, vô minh hoại diệt mà minh phát sanh. Đó là Ta đắc minh đạt Sanh tử trí thông.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, Ta đã đạt được định tâm thanh tịnh như thế, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trú, đạt đến tâm bất động, học Lậu tận thông và chứng đắc. Ta biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ,’ biết như thật rằng ‘đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo’; biết như thật rằng: ‘Đây là lậu’, biết như thật rằng ‘đây là lậu tập, [680b] lậu diệt, lậu diệt đạo.’ Ta biết như thế, Ta thấy như thế, tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi giải thoát liền biết mình đã giải thoát, biết như thật rằng: ‘Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’ Bấy giờ là vào lúc cuối đêm, Ta chứng đắc minh đạt trí thứ ba này, nhờ không phóng dật, sống an lạc trong đời sống viễn ly, tu hành tinh tấn, nên vô trí diệt, trí phát sanh, mê ám tiêu tan, minh thành tựu, vô minh hoại diệt, minh phát sanh. Đó là Ta chứng đắc minh đạt Lậu tận trí.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu có ai với sự thuyết giảng chân chánh mà thuyết bất si pháp, đối với chúng sanh sanh ra trong thế gian, ở giữa tất cả chúng sanh, vị ấy là tối thắng, không bị khổ lạc phủ kín, nên biết rằng vị thuyết giảng chân chánh ấy chính là Ta. Vì sao? Vì Ta thuyết bất si pháp, đối với chúng sanh sanh trong thế gian, ở giữa tất cả chúng sanh ấy, Ta là tối thắng, không bị khổ lạc phủ kín.”
Nghe vậy, Bà-la-môn xứ Tỳ-lan-nhã liền bỏ gậy xuống, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và bạch Thế Tôn:
“Thế Tôn là bậc nhất, Thế Tôn thật vĩ đại, Thế Tôn tối thượng, Thế Tôn cao tột, Thế Tôn chánh đẳng, Thế Tôn không có ai bằng, Thế Tôn không có một ai so sánh, Thế Tôn không chướng ngại, Thế Tôn là bậc không gây chướng ngại! Bạch Thế Tôn, con nay nguyện đem mình quy y Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc bắt đầu từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy, Bà-la-môn xứ Tỳ-lan-nhã và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
158. KINH ĐẦU-NA
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Bà-la-môn Đầu-na, [100] vào lúc xế trưa, ung dung đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi nhau rồi, ngồi qua một bên.
Đức Thế Tôn hỏi:
“Này Đầu-na, nếu ai hỏi: ‘Ông là Bà-la-môn phải không?’ thì ông có tự xưng mình là Bà-la-môn chăng?”
Bà-la-môn Đầu-na đáp:
“Này Cù-đàm, nếu ai đáng xưng là Bà-la-môn, thì người ấy phải được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng tộc, đời đời không bị xấu, học rộng, trì chú, tụng đọc tinh thông bốn bộ điển kinh, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí, thứ năm là văn phạm. [101] Này Cù-đàm, người đáng gọi là Bà-la-môn thì chính là tôi vậy. [680c] Vì sao? Vì tôi được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không ác, học rộng, trì chú, tinh thông bốn bộ điển kinh, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí và văn phạm.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Đầu-na, Ta nay hỏi ông, ông hiểu thế nào thì trả lời thế ấy. Này Đầu-na, nếu thuở xưa có Bà-la-môn, lúc thân hoại mạng chung, đã đọc tụng kinh điển, truyền bá kinh điển, tụng đọc kinh điển, đó là một là Dạ-tra, hai là Bà-ma, ba là Bà-ma-đề-bà, bốn là Tỳ-xa-mật-đa-la, năm là Dạ-bà-đà-kiền-ni, sáu là Ứng-nghi-la-bà, bảy là Bà-tư-tra, tám là Ca-diếp, chín là Bà-la-bà, mười là Bà-hòa [102]; lại chủ xướng có năm hạng Bà-la-môn: có Bà-la-môn ngang hàng Phạm thiên, có Bà-la-môn ngang hàng chư Thiên, có Bà-la-môn không vượt giới hạn, có Bà-la-môn vượt giới hạn, và thứ năm là Bà-la-môn Chiên-đồ-la [103], thì này Đầu-na, trong năm loại Bà-la-môn ấy, ông thuộc hạng nào?”
Đầu-na đáp:
“Này Cù-đàm nói nghĩa ấy tóm lược, không phân biệt rộng rãi, nên tôi không hiểu được. Mong Sa-môn Cù-đàm khéo giải thích cho tôi biết.”
Thế Tôn đáp:
“Này Đầu-na, hãy lắng nghe, khéo tư duy và ghi nhớ! Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho ông.”
Đầu-na thứa:
“Xin vâng, thưa Cù-đàm.”
Đầu-na vâng lời, lắng nghe. Đức Phật giải thích:
“Này Đầu-na, thế nào là Bà-la-môn ngang hàng Phạm thiên? Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh [104] để thấu triệt kinh thư, tụng tập điển kinh. Sau khi đã thấu triệt kinh thư, tụng tập kinh điển, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng pháp, chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải, tâm đi đôi với từ, biến mãn một phương, thành tựu, an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, biến khắp mọi phương, tâm đi đôi với từ, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu, an trú. Cũng như vậy, bi và hỷ. Tâm đi đôi với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu, an trú. Này Đầu-na, [681a] như vậy gọi là Bà-la-môn ngang hàng Phạm thiên.
“Này Đầu-na, thế nào Bà-la-môn ngang hành chư Thiên? Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua [105], đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau đó bố thí của cải, vị ấy thực hành thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành. Khi đã thành tựu thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành, vị đó nhờ nhân duyên ấy, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đi đến thiện xứ, sanh lên cõi trời. Này Đầu-na, như vậy gọi là Bà-la-môn ngang hàng chư Thiên.
“Này Đầu-na, thế nào là Bà-la-môn không vượt giới hạn? Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Bà-la-môn không có ý như vầy đối với nữ Bà-la-môn: ‘Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.’ Vị ấy lấy vợ người nữ dòng Bà-la-môn chứ không phải người nữ không thuộc dòng Bà-la-môn, cũng không phải người nữ dòng Sát-lị, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản [106]. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Bà-la-môn không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm [107]. Cho nên, Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh [108]. Cho nên Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na, Bà-la-môn ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu [681b] con. Sau khi sanh con trong mức độ nào là giới hạn ước định của những Bà-la-môn thời xưa, vị ấy dừng lại ở đó, giữ giới hạn đó, không vượt qua giới hạn đó. Này Đầu-na, như vậy gọi là Bà-la-môn không vượt giới hạn.
“Này Đầu-na, thế nào là Bà-la-môn vượt giới hạn? Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Bà-la-môn không có ý như vầy đối với nữ Bà-la-môn: ‘Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.’ Vị ấy lấy vợ người nữ dòng Bà-la-môn chứ không phải người nữ không thuộc dòng Bà-la-môn, cũng không phải người nữ dòng Sát-lị, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Bà-la-môn không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm. Cho nên, Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh. Cho nên Bà-la-môn ấy không lấy vơ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na, Bà-la-môn ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu con. Sau khi sanh con, trong mức độ nào là giới hạn ước định Bà-la-môn thời xưa, vị ấy không dừng lại ở đó, không giữ nguyên giới hạn đó, mà vượt qua khỏi giới hạn đó. Này Đầu-na, như vậy gọi là Bà-la-môn vượt khỏi giới hạn.
“Này Đầu-na, Bà-la-môn như thế nào là Bà-la-môn Chiên-đà-la? Bà-la-môn nào được cha mẹ thọ sanh thanh tịnh, cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng, đời đời không bị xấu. Vị ấy trải qua bốn mươi tám năm thực hành đồng tử Phạm hạnh để thấu triệt kinh thư, tập tụng điển kinh. Sau khi nắm vững kinh thư, tụng tập điển kinh, vị ấy cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư, đúng như pháp chứ không phải không đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Không làm ruộng, không buôn bán, không học sách, không làm toán thuật, không làm công số, không in khắc, không tạo thủ bút, không làm văn chương, không đọc kinh, không ngâm thơ, không dùng đao gậy, không phụng sự vua, đúng như pháp mà cầu xin, cầu xin của cải để cúng phụng Tôn sư. Sau khi bố thí của cải, vị ấy đi tìm vợ cho mình đúng như pháp, chứ không phải đúng như pháp. Thế nào là không đúng như pháp? Bà-la-môn không có ý như vầy đối với nữ Bà-la-môn: ‘Mong rằng yêu ta, gặp gỡ ta để cùng giao hợp.’ Vị ấy lấy vợ người nữ dòng Bà-la-môn chứ không phải người nữ không thuộc dòng Bà-la-môn, cũng không phải người nữ dòng Sát-lị, không phải đang mang thai, không phải đã sanh sản. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Bà-la-môn không lấy vợ người nữ đang mang thai? Vì không muốn rằng con trai hay con gái của mình được gọi là sanh ra do bất tịnh dâm. Cho nên, Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đang mang thai. Này Đầu-na, vì lý do gì mà Bà-la-môn ấy không lấy vợ người nữ đã sanh sản? Vì không muốn rằng con trai hay con gái được gọi là do cưỡng bức bất chánh. Cho nên Bà-la-môn ấy không lấy vơ người nữ đã sanh sản. Này Đầu-na, Bà-la-môn ấy lấy vợ không phải vì của cải, không phải vì kiêu ngạo, không phải vì phục sức, không phải vì phấn son, mà chỉ vì cầu con. Khi đã sanh con, vị ấy làm những việc liên hệ đến vua, làm những việc liên hệ giặc cướp, làm những việc liên hệ đến tà đạo, và lại nói như vầy: ‘ Bà-la-môn có quyền làm tất cả mọi sự, nhưng Bà-la-môn không phải vì vậy mà nhiễm trước, cũng không ô uế. Như lửa đốt cháy những gì sạch hay không sạch. Cũng vậy, Bà-la-môn có quyền làm tất cả mọi sự, nhưng Bà-la-môn không vì vậy mà bị nhiễm trước, cũng không bị ô uế.’ Này Đầu-na, Bà-la-môn như vậy gọi là Bà-la-môn Chiên-đà-la.
“Này Đầu-na, trong năm hạng Bà-la-môn ấy, ông thuộc hạng nào?”
Đầu-na trả lời:
“Thưa Cù-đàm, ngay hạng sau cùng là Bà-la-môn Chiên-đà-la, con cũng không sánh kịp huống nữa là các hạng Bà-la-môn trên. Bạch Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Thế Tôn, con nay tự đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc. Từ nay cho đến trọn đời, con tự đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy, Bà-la-môn Đầu-na sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
159. KINH A-GIÀ-LA-HA-NA
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ có Bà-la-môn A-già-la-ha-na, sau bữa cơm trưa, ung dung đi đến chỗ Đức Phật, chào hỏi rồi ngồi qua một bên và nói:
“Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn [682a] hỏi, mong Ngài cho phép, tôi mới dám trình bày.”
Thế Tôn đáp:
“Ông muốn hỏi gì tùy ý.”
Bà-la-môn liền hỏi:
“Thưa Cù-đàm, kinh điển của Bà-la-môn nương vào đâu mà tồn tại?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Kinh điển của Bà-la-môn nương vào con người mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, con người nương vào đâu mà tồn tại?”
“Con người nương vào lúa gạo mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, lúa gạo nương vào đâu mà tồn tại?”
“Lúa gạo nương vào đất mà tồn tại.”
Bà-la-môn lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, đất nương vào đâu mà tồn tại?”
Thế Tôn đáp:
“Đất nương vào nước mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, nước nương vào đâu mà tồn tại?”
“Nước nương vào gió mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, gió nương vào đâu mà tồn tại?”
“Gió nương vào hư không mà tồn tại?”
“Thưa Cù-đàm, hư không nương vào đâu mà tồn tại?”
“Hư không không có nương tựa, nhưng nhân mặt trời, mặt trăng mà có hư không.”
“Thưa Cù-đàm, mặt trời và mặt trăng nương vào đâu mà tồn tại?”
“Mặt trời, mặt trăng nương vào Tứ thiên vương mà tồn tại.”
Bà-la-môn lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, Tứ thiên vương nương vào đâu mà tồn tại?”
Thế Tôn đáp:
“Tứ Thiên vương nương vào Tam thập tam thiên mà tồn tại?”
“Thưa Cù-đàm, Tam thập tam thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Tam thập tam thiên nương vào Diệm-ma thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Diệm-ma thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Diệm-ma thiên nương vào Đâu-suất-đà thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Đâu-suất-đà thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Đâu-suất-đà thiên nương vào Hóa lạc thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Hóa lạc thiên nương vào Tha hóa lạc thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Tha hóa lạc thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Tha hóa lạc thiên nương vào Phạm thiên mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Phạm thiên nương vào đâu mà tồn tại?”
“Phạm thiên nương vào Đại phạm mà tồn tại.”
“Thưa Cù-đàm, Đại phạm nương vào đâu mà tồn tại?”
“Đại phạm nương vào nhẫn nhục, ôn hòa mà tồn tại.”
Bà-la-môn lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, nhẫn nhục, ôn hòa nương vào đâu mà tồn tại?”
Thế Tôn đáp:
“Nhẫn nhục, ôn hòa nương vào Niết-bàn mà tồn tại.”
Bà-la-môn lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, Niết-bàn nương vào đâu mà tồn tại?”
[682b] Thế Tôn đáp:
“Ý muốn của Bà-la-môn nương vào những sự kiện không cùng nên ông nay đã hỏi Ta về sự không có giới hạn, nhưng Niết-bàn không nương vào đâu cả. Niết-bàn là tịch diệt, Niết-bàn là tối thượng. Này Bà-la-môn, vì mục đích này mà nhiều người theo ta mà tu hành Phạm hạnh.”
Bà-la-môn thưa:
“Bạch Đức Thế Tôn, con đã biết. Bạch Thiện Thệ, con đã rõ. Bạch Đức Thế Tôn, con nay xin đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc từ nay và suốt đời, con nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”
Đức Phật thuyết như vậy, Bà-la-môn A-già-la-ha-na sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
160. KINH A-LAN-NA
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ sau bữa ăn trưa, các Tỳ-kheo tụ tập ngồi tại giảng đường bàn luận thế này: “Này chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc lành, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng mong cầu.”
Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang ở tại chỗ nghỉ trưa, bằng Thiên nhĩ thanh tịnh hơn hẳn người thường, nghe các Tỳ-kheo sau bữa cơn trưa, tụ tập ngồi tại giảng đường, đã bàn luận như thế này: “Chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng cầu mong.” Nghe vậy, Đức Thế Tôn, vào lúc xế trưa từ chỗ tĩnh tọa, đứng dậy, đi đến giảng đường. Ngài trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng Tỳ-kheo và hỏi:
“Này các Tỳ-kheo, các Thầy bàn luận chuyện gì? Vì duyên cớ nào mà tụ tập ngồi tại giảng đường?”
Nghe Đức Thế Tôn hỏi như vậy, các Tỳ-kheo thưa:
“Bạch Thế Tôn, chúng Tỳ-kheo chúng con, sau bữa ăn trưa, tụ tập ngồi tại giảng đường, bàn luận thế này: ‘Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời này đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc lành, việc tốt lại không thực hành, cũng chẳng cầu mong.’ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã bàn luận với nhau như vậy. Vì việc ấy, nên chúng con đã tụ tập ngồi ở [682c] giảng đường.”
Thế Tôn tán thán:
“Lành thay! Lành thay! Khi các ngươi nói với nhau rằng: ‘Chư Hiền, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong.’ Vì sao? Vì ta cũng nghĩ thế này: 'Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Nhưng ngươì đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong?’ Vì sao?
“Này các Tỳ-kheo, vào đời quá khứ, có lúc chúng sanh thọ tám vạn tuổi, châu Diêm-phù này rất giàu, có nhiều của cải châu báu, thôn ấp gần nhau bằng khoảng cách con gà bay. Lúc ấy, con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Con người chỉ có bệnh như thế này: lạnh, nóng, đại và tiểu tiện, ham muốn, không ăn và già lão [109], ngoài ra không còn tai hoạn nào khác.
“Này các Tỳ-kheo, lúc con người thọ tám vạn tuổi, có vua tên là Câu-lao-bà [110] làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương đúng như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là luân báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được kẻ khác, chắc chắn thống trị toàn cõi đất này, cho đến biển cả, không dùng đao gậy, chỉ dùng pháp giáo hóa, khiến dân an ổn.
“Này các Tỳ-kheo, vua Câu-lao-bà có vị Bà-la-môn tên A-lan-na đại trưởng giả [111], được cha mẹ nuôi lớn, thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ không tuyệt chủng tộc, đời đời không bị xấu, học rộng, thông suốt, tụng đọc hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, truyện giải trí thứ năm, và cú thuyết. [112] Bà-la-môn A-lan-na có vô lượng trăm ngàn Ma-nạp ma. Bà-la-môn đã ở nơi yên tĩnh truyền dạy kinh thư cho vô lượng trăm ngàn Ma-nạp ma.
“Bấy giờ Bà-la-môn A-lan-na sống một mình ở nơi yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, đã suy nghĩ rằng: ‘Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực hành quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc thiện, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra không thể không chết. Nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong. Có lẽ ta [683a] nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.’ Thế rồi, Bà-la-môn A-lan-na đi đến chỗ các Ma-nạp ma thuộc nhiều nước khác nhau và nói:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, khi ta sống một mình nơi chỗ yên tĩnh, tĩnh tọa tư duy, đã suy nghĩ rằng: ‘Thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc thiện cần tu phạm hạnh, vì sanh ra không thể không chết. Thế nhưng con người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không mong cầu. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình xuất gia học đạo.’ Này các Ma-nạp ma, nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì các ông sẽ làm những gì?’
“Nghe vậy, các chúng Ma-nạp ma của những nước khác nhau ấy thưa rằng:
“– ‘Thưa Tôn sư, những gì chúng con đã biết đều nhờ ơn Tôn sư chỉ dạy, nếu Tôn sư cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chúng con cũng sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo theo gót Tôn sư.’
“Thế rồi Bà-la-môn A-lan-na, sau đó, đã cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Các chúng Ma-nạp ma thuộc những nước khác ấy cũng đều cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, theo Tôn sư là Bà-la-môn A-lan-na ấy mà xuất gia học đạo. Đó là sự phát sanh danh hiệu Tôn sư A-lan-na,và đệ tử của Tôn sư A-lan-na.
Bấy giờ, Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:
“– Này các Ma-nạp ma, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ? Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Thế nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong.”
Bấy giờ, Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, thực là kỳ lạ, thực là kỳ lạ! Sanh mạng con người thực quá ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác. Do đó, cần phải làm các việc lành, cần tu phạm hạnh, vì đã sanh ra thì không thể không chết. Thế nhưng người đời nay đối với việc làm đúng pháp, việc làm hợp lẽ, việc thiện, việc tốt lại không thực hành, cũng không cầu mong.’
“Lại nữa, Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như hạt sương mai trên ngọn cỏ, lúc mặt trời mọc thì tan mất, tồn tại tạm thời không thể trường cửu. [863b] Cũng vậy, này Ma-nạp ma, sanh mạng con người như hạt sương mai, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, cũng như lúc trời mưa lớn, nước giọt tạo thành bong bóng, thoạt hiện thoạt biến; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như bọt nước, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn rất lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vây. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như cây gậy ném xuống nước, nó sẽ trồi trở lên rất nhanh; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như cây gậy ném xuống nước, trồi lên rất nhanh, rất khó giữ được rất ít, quá ít vị ngọt, mà tai hoạn, khổ đau lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như viên ngói mới được nhúng vào bồn nước, rồi đem ra ngay, để ở nơi có gió và nóng thì khô ráo liền; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như viên ngói mới được nhúng vào bồn nước, rồi khô ráo ngay, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ tai hoạn lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như một miếng thịt nhỏ được bỏ vào nồi nước lớn, bên dưới lửa cháy hừng hực, sẽ tiêu tan rất nhanh; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng người cũng như miếng thịt tiêu tan kia, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn rất nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“–‘Này các Ma-nạp ma, giống như trói tên ăn cướp dẫn đến dưới gốc cây nêu để giết; mỗi bước chân đi là một bước tiến gần chỗ chết, là một bước rời xa sự sống; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như tên cướp bị trói dẫn đến dưới cây nêu để sát hại, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như gã đồ tể dẫn bò đi làm thịt; mỗi bước chân đi là một bước tiến gần đến chỗ chết, là một bước rời xa sự sống; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như con bò bị dẫn đi làm thịt, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na [683c] đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như dệt vải, thêm một hàng chỉ ngang là thêm một phần gần thành, gần xong; cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người như vải dệt gần xong, khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như dòng nước trên núi đổ xiết, chảy nhanh, cuốn trôi các thứ, nước chảy ào ạt không phút nào ngừng; cũng vậy này Ma-nạp ma, mạng sống con người quá nhanh, không phút nào ngừng. Này Ma-nạp ma, mạng sống con người cũng như giòng nước chảy nhanh, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho đệ tử:
“– ‘Này các Ma-nạp ma, giống như lúc đêm tối mà liệng gậy xuống đất, hoặc đầu dưới đụng đất, hoặc đầu trên đụng đất hoặc rơi ngay xuống đất, có khi trúng chỗ đất sạch, có khi trúng chỗ đất không sạch; cũng vậy, này Ma-nạp ma, chúng sanh bị vô minh phủ kín, bị ái dục cuốn chặt, hoặc sanh vào địa ngục, sanh vào súc sanh hay loài ngạ quỷ, hoặc sanh cõi trời, hoặc sanh cõi người. Cũng vậy, này Ma-nạp ma, mạng sống con người như trong tối mà liệng gậy xuống đất, rất khó giữ được, rất ít, quá ít vị ngọt, mà đau khổ, tai hoạn lại lớn, tai hoạn quá nhiều!’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na lại thuyết pháp cho các đệ tử:
“–‘Này các Ma-nạp ma, ngay đời này, nay đã đoạn trừ tham lam, tâm không não hại; thấy của cải của kẻ khác hay các vật dụng cần cho sự sống, ta không móng khởi tham lam, muốn chiếm đoạt cho ta. Đối với tham tâm, ta đã tịnh trừ; cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, điệu hối và nghi. Ngay trong đời này, ta đã đoạn trừ nghi hoặc, đối với các pháp thiện không còn do dự, đối với tâm nghi hoặc, ta đã tịnh trừ. Này Ma-nạp ma, ngay trong đời này các con cũng nên đoạn trừ tham, tâm không não hại, thấy của cải của kẻ khác hay các vật dụng cần cho sự sống, không nên sanh khởi tham lam, muốn chiếm đoạt cho mình. Đối với tham tâm, các con nên tịnh trừ; cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, điệu hối và nghi. Ngay trong đời này, các con nên đoạn nghi hoặc, đối với các pháp thiện không nên do dự.’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy. Và Tôn sư A-lan-na thuyết pháp cho đệ tử:
“–‘Này các Ma-nạp ma, [684a] tâm ta cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, phổ biến cùng khắp, tâm cùng với từ tương ưng, không kết, không oán, không sân nhuế, không tranh chấp, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, bi và hỷ, tâm cùng với xả tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú. Này Ma-nạp ma, các con cũng nên thực hành tâm cùng với từ tương ưng, biến mãn một phương, thành tựu an trú. Cũng vậy, hai, ba, bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, phổ biến cùng khắp tâm cùng với từ tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi, bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn khắp thế gian, thành tựu an trú. Cũng vậy, bi và hỷ, tâm cùng với xả tương ưng, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rộng rãi bao la, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn cùng khắp thế gian, thành tựu an trú.’
“Tôn sư A-lan-na đã thuyết pháp cho đệ tử như vậy.
“ Tôn sư A-lan-na lại thuyết Phạm thế pháp [113] cho đệ tử. Khi Tôn sư A-lan-na thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử, [684b] nếu có vị nào không thực hành pháp ấy đầy đủ, thì sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào Tứ thiên vương hoặc sanh vào Tam thập tam thiên, hoặc sanh vào Diệm-ma thiên, hoặc sanh vào Đâu-suất-đà thiên, hoặc sanh vào Hóa lạc thiên, hoặc sanh vào Tha hóa lạc thiên. Còn lúc Tôn sư A-lan-na thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử, nếu vị nào phụng hành pháp ấy đầy đủ, tu bốn Phạm trụ [114], xả ly ái dục, thì sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh vào cõi Phạm thiên.
“Bấy giờ Tôn sư A-lan-na nghĩ rằng: ‘Đến đời sau, ta không nên cùng với đệ tử sanh chung nơi. Vậy nay ta nên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào trong Hoảng dục thiên.’ Nghĩ vậy, sau đó Tôn sư A-lan-na liền tu tăng thượng từ, sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh vào cõi Hoảng dục thiên. Tôn sư A-lan-na và các đệ tử đã tu học đạo không hư đối, được đại phước báo.
“Này các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ sao, Tôn sư A-lan-na thuở xưa ấy là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Các Tỳ-kheo nên biết, vị ấy chính là Ta vậy. Bấy giờ Ta tên là Tôn sư A-lan-na. Lúc đó Ta có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Ta đã thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử ấy. Lúc Ta thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử; có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy, nên khi lâm chung, đã sanh vào Tứ thiên vương, hoặc Tam thập tam thiên, hoặc Diệm-ma thiên hoặc Đâu-suất-đà thiên, hoặc Hóa lạc thiên, hoặc Tha hóa lạc thiên. Còn lúc Ta thuyết Phạm thế pháp cho các đệ tử; có vị phụng hành đầy đủ pháp ấy, tu bốn Phạm thất, xả ly ái dục, thì sau khi mạng chung, được sanh vào cõi Phạm thiên. Bấy giờ Ta nghĩ rằng: ‘Đời sau Ta không nên cùng với các đệ tử sanh chung một nơi. Vậy nay ta nên tu tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung sẽ được sanh vào cõi Hoảng dục thiên.’ Ta và các đệ tử bấy giờ tu học đạo không hư dối, được đại quả báo. Bấy giờ Ta làm lợi ích cho mình, làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc cho Trời và Người. Lúc ấy, Ta thuyết pháp chưa đến chỗ rốt ráo, chưa rốt ráo bạch tịnh, chưa rốt ráo Phạm hạnh, chưa thành tựu rốt ráo Phạm hạnh. Bấy giờ Ta chưa xa lìa được sự sanh, sự già, bệnh tật, sự chết, khóc lóc, áo não, cũng chưa thoát khỏi mọi khổ đau. Này các Tỳ-kheo, nay Ta là Bậc Xuất Thế, Như Lai, Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nay Ta tự làm lợi cho mình, làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người. Ta thương xót thế gian, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn, khoái lạc cho Trời và Người. Nay Ta thuyết pháp đã đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo Phạm hạnh, thành tựu Phạm hạnh. Nay Ta đã xa lìa sự sanh, sự già, tật bệnh, sự chết, khóc lóc, áo não. Nay Ta đã thoát khỏi mọi khổ đau.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có người nói đúng, thì sẽ nói rằng: ‘Mạng sống con người ngắn ngủi, phút chốc đã qua đời khác; do đó cần phải làm các việc lành, cần tu Phạm hạnh, vì đã sanh ra không thể không chết.’ Này các Tỳ-kheo, nay nói như thế là nói đúng. Vì sao? Vì nay có ai trường thọ thì lâu lắm là một trăm tuổi, hoặc quá hơn một ít nữa mà thôi. Nếu ai trường thọ, thì sống được ba trăm mùa, một trăm mùa xuân, một trăm mùa hạ, một trăm mùa đông. Như vậy sống được một ngàn hai trăm tháng; bốn trăm tháng mùa xuân, bốn trăm tháng mùa hạ, bốn trăm tháng mùa đông. Sống một ngàn hai trăm tháng là sống hai ngàn bốn trăm nửa tháng, tám trăm mùa xuân, tám trăm mùa hạ, tám trăm mùa đông. Sống [684c] hai ngàn bốn trăm nửa tháng là ba vạn sáu ngàn ngày đêm; một vạn hai ngàn mùa xuân, một vạn hai ngàn mùa hạ, một vạn hai ngàn mùa đông. Sống ba vạn sáu ngàn ngày đêm là bảy vạn hai ngàn lần ăn với nghỉ ăn và bú sữa mẹ.
“Về sự nghỉ ăn [115], đó là khổ không ăn, sân không ăn, bệnh không ăn, bận việc không ăn, đi đường không ăn, đến chỗ nhà vua không ăn, ngày trai không ăn, thất bại [116] không nên ăn.
“Này các Tỳ-kheo, đó là sự sống trong một trăm năm. Trong một trăm năm ấy với bao nhiêu mùa; với bấy nhiêu mùa có bao nhiêu tháng, với bấy nhiêu tháng nửa tháng, bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm, bao nhiêu ngày đêm, bao nhiêu lần ăn, bao nhiêu lần nghỉ ăn, bao nhiêu lần ăn và nghỉ ăn.
“Này các Tỳ-kheo, như một Tôn sư khởi tâm đại bi đoái tưởng, xót thương, mưu cầu thiện lợi ích, an ổn khoái lạc cho đệ tử; sự việc ấy Ta đã làm xong. Các ngươi hãy nên làm như vậy: Hãy đến nơi rừng vắng, nơi rừng sâu núi thẳm, hay dưới gốc cây, nơi yên tĩnh an ổn mà tĩnh tọa tư duy, không được phóng dật, luôn luôn tinh tấn, đừng để hối hận về sau. Đó là lời khuyến giáo của Ta. Đó là huấn thị của ta.”
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [117]
161. KINH PHẠM-MA
[883b10]Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật trú tại nước Vi-đề-hi [118], cùng với đại chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ ở Di-tát-la [119] có Bà-la-môn tên là Phạm-ma [120] giàu có, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phong hộ, thực ấp đầy đủ mọi thứ. Di-tát-la này, cho đến nước, cỏ, cây, đều là đặc tặng, là ân tứ của A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi, vua nước Ma-kiệt-đà [121]. Bà-la-môn Phạm-ma có một Ma-nạp tên là Ưu-đa-la [122] được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không bị, học rộng, thông suốt, tụng đọc hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn, hí truyện, và thứ năm là cú thuyết. [123] Bà-la-môn Phạm-ma nghe có Sa-môn Cù-đàm, con dòng tộc Thích, đã từ giả dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đang trú tại nước Bệ-đà-đề cùng với chúng Đại Tỳ-kheo. Sa-môn Cù-đàm ấy có danh tiếng lớn lao, muời phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở trong thế gian này giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ.’
Lại nghe rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Nếu ai thành tựu tướng của Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thực không sai lầm. Đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, [124] thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được địch quân, chắc chắn thống lãnh toàn [685b] cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’
Bà-la-môn Phạm-ma nghe vậy, liền bảo:
“Này Ưu-đa-la, ta nghe như thế này: 'Sa-môn Cù-đàm, con dòng tộc Thích, đã từ giã dòng họ Thích, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đang trú tại nước Bệ-đà-đề cùng với chúng Đại Tỳ-kheo. Sa-môn Cù-đàm ấy có danh tiếng lớn lao, muời phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Vị ấy ở trong thế gian này giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ loài người cho đến loài trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ. Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ.’ Lại nghe rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Nếu ai thành tựu tướng của Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thực không sai lầm. Đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, [685c] hàng phục được địch quân, chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, chỉ đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’ Ngươi có biết như vậy chăng?”
Ưu-đà-la đáp:
“Thưa Tôn sư, con thọ trì các kinh, có biết về ba hai tướng của bậc Đại nhân, và biết rằng, nếu ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, nữ báu, cư sĩ báu, và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục nổi địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.”
Nghe vậy, Bà-la-môn Phạm-ma bảo:
“Này Ưu-đa-la, ngươi hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, xem Sa-môn Cù-đàm có đúng như thế, hay không đúng như thế, quả thực có ba mươi hai tướng của Đại nhân chăng?”
Ma-nạp Ưu-đa-la nghe bảo như vậy, liền cúi đầu đảnh lễ sát chân Bà-la-môn Phạm-ma, đi quanh ba vòng, rồi lui ra, đi đến chỗ Đức Phật. Chào hỏi xong, ông ngồi qua một bên, quan sát ba mươi hai tướng trên thân Đức Thế Tôn. Ma-nạp ấy thấy trên thân Ngài có ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng, đó là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thầm nghĩ: "Ưu-đa-la này với ba mươi hai tướng của Ta, chỉ thấy được ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng là mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài; nay Ta nên trừ mối nghi ngờ ấy." Nghĩ vậy, Đức Thế Tôn liền như vậy mà hiện thần thông. Sau khi Thế Tôn bằng như vậy mà hiện thần thông, Ma-nạp Ưu-đa-la thấy được tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài trên thân Đức Thế Tôn. Tướng lưỡi rộng dài là khi le ra, lưỡi phủ khắp cả mặt.
Khi đã trông thấy, Ưu-đa-la Ma-nạp [686a] nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, chắc chắn có hai trường hợp chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục nổi địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến biển cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hoá, khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp, mười phương đều nghe.’
Ma-nạp Ưu-đa-la lại nghĩ: “Ta nên quán sát kỹ về oai nghi, lễ tiết và nơi Cù-đàm du hành.” Nghĩ vậy, Ma-nạp Ưu-đa-la lẽo đẽo theo Đức Phật, trong bốn tháng hạ, quán sát oai nghi, lễ tiết và nơi Đức Phật du hành. Qua bốn tháng hạ, Ma-nạp Ưu-đa-la cảm thấy sung sướng khi đã quán sát oai nghi, lễ tiết và nơi Đức Phật du hành, liền thưa:
“Thưa Cù-đàm, con nay có việc muốn trở về, xin từ giã Cù-đàm.”
Thế Tôn bảo:
“Này Ưu-đa-la, ngươi cứ đi, tùy ý.”
Ma-nạp Ưu-đa-la nghe Đức Thế Tôn nói như vậy, khéo thọ trì, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh ba vòng rồi lui ra, đi đến chỗ Bà-la-môn Phạm-ma, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn Phạm-ma hỏi:
“Này Ưu-đa-la, có quả như lời đồn, Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe, đúng như vậy hay không đúng như vậy? Quả Cù-đàm có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân chăng?”
Ma-nạp Ưu-đa-la đáp:
“Đúng như vậy, thưa Tôn sư. Quả như lời đồn, Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe. Sa-môn Cù-đàm quả thực như vậy, chứ không phải không thực như vậy, thực có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân.
“Sa-môn Cù-đàm có lòng bàn chân bằng phẳng, đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm. [125]
“Lại nữa, thưa Tôn sư, lòng bàn chân của Sa-môn Cù-đàm có hình bánh xe. Bánh xe có một ngàn tăm và đầy đủ các bộ phận. Đó là tướng của Đại nhan Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, ngón chân của Sa-môn Cù-đàm thon dài. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, [686b] mu bàn chân của Sa-môn Cù-đàm thì ngay ngắn. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, ở phía sau hai bên mắt cá của gót chân Sa-môn Cù-đàm thì đầy đặn, bằng phẳng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, hai mắt cá nơi bàn chân của Sa-môn Cù-đàm thì nhỏ. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, lông ở thân thể Sa-môn Cù-đàm mọc hướng lên. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, bàn tay và bàn chân của Sa-môn Cù-đàm có màng lưới như nhạn chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, tay chân của Sa-môn Cù-đàm rất đẹp, mềm mại xòe ra như hoa đâu-la. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, da thịt của Sa-môn Cù-đàm mịm màng, bụi nước không dính được. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, mỗi một lỗ chân lông ở trên thân của Sa-môn Cù-đàm mọc một sợi lông màu xanh lóng lánh, xoáy ốc về phía bên phải. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, đùi của Sa-môn Cù-đàm như đùi của nai chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
Lại nữa, mã âm tàng của Sa-môn Cù-đàm giống như ngựa chúa tốt. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, thân hình của Sa-môn Cù-đàm cân xứng, đẹp đẽ cũng giống như cây ni-câu-loại, trên dưới hoàn toàn tương xứng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, thân hình Sa-môn Cù-đàm không gù, không còng. Thân không còng nghĩa là đứng thẳng mà duỗi tay, thì sờ tận đầu gối. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm màu vàng, giống như màu vàng tía. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm có bảy chỗ đầy đặn. Bảy chỗ đầy đặn là hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cổ. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, thân của Sa-môn Cù-đàm phần trên lớn giống như thân sư tử. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, quai hàm của Sa-môn Cù-đàm như của sư tử. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, xương sống và lưng của Sa-môn Cù-đàm thẳng bằng. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn [686c] Cù-đàm.
“Lại nữa, trên hai vai của Sa-môn Cù-đàm liên tiếp qua cổ đầy đặn, bằng phẳng. Đó là tướng của đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có bốn mươi cái răng, trắng đều đặn, răng không khuyết hở, răng trắng trong, có mùi vị bậc nhất. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, tiếng nói của Sa-môn Cù-đàm đáng ưa như tiếng trời Phạm thiên, âm thanh như tiếng chim ca-lăng-tần-già. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm có lưỡi rộng dài. Lưỡi rộng dài là lưỡi khi le ra trùm khắp cả mặt. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, khóe mắt của Sa-môn Cù-đàm đầy như của trâu chúa. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, mắt của Sa-môn Cù-đàm màu xanh lóng lánh. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, đỉnh đầu của Sa-môn Cù-đàm có nhục kế, tròn, cân đối, xoáy tròn về hướng phải như vỏ ốc. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Lại nữa, giữa hai hàng lông mày của Sa-môn Cù-đàm có sợi lông trắng trong, mọc xoáy về hướng phải. Đó là tướng của Đại nhân Sa-môn Cù-đàm.
“Sa-môn Cù-đàm đã thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân như vậy. Nếu ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không sai lầm: đó là, nếu vị ấy ở tại gia thì làm Chuyển luân vương, thông minh, trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu đó là: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được quân địch, chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa khiến dân an ổn. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm vang khắp mười phương đều nghe.
“Lại nữa, thưa Tôn sư, con thấy Sa-môn Cù-đàm lúc đang khoác y, lúc đã khoác y; lúc đang quấn y, lúc đã quấn y; lúc ra khỏi phòng, đã ra khỏi phòng; lúc ra khỏi vườn, đã ra khỏi; đang trên đường đi đến thôn xóm, lúc đã vào thôn xóm; đứng ở đường hẻm, đang vào nhà, đã vào; đang sửa giường, đã sửa giường; đang ngồi, đã ngồi; đang rửa tay, [687a] đã rửa tay; đang nhận đồ ăn, thức uống, đã nhận; đang ăn, đã ăn; sau khi rửa tay, chú nguyện xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đang ra khỏi, đã ra khỏi nhà; đến đường hẻm, đang ra khỏi thôn xóm, đã ra khỏi; lúc đang vào vườn [126], đã vào; đang vào phòng, đã vào.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm khoác y ngay ngắn, không cao không thấp, áo không bó sát thân, gió không thể thổi tung khiến y tuột khỏi thân.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm quấn y ngay ngắn, không cao không thấp, y không bó sát thân, gió không thể thổi tung khiến y tuột khỏi thân.
“Thưa Cù-đàm, Sa-môn Cù-đàm mỗi khi đắp y mới, tùy thuận Thánh nhân, dùng dao cắt ra từng miếng rồi may lại, nhuộm thành hoại sắc, cũng như y hoại sắc của bậc Thánh đã nhuộm. Vị ấy đắp y không phải vì của cải, không phải vì cống cao, không phải để trang sức, không phải để cho oai vệ, mà chỉ để ngăn chặn muỗi mòng và tránh sự ma sát của gió và nắng, và vì sự hổ thẹn, nên phải che kín thân thể.
“Thưa Tôn sư, khi ra khỏi phòng, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, cũng không ngước lên, ra khỏi phòng thân không bao giờ cúi thấp.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc muốn đi, trước hết bước chân bên phải, dở chân lên, để chân xuống một cách chững chạc, đi không gây thành tiếng động, không đi quàng xiên; lúc đi, hai gót chân không bao giờ chạm nhau. Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc đi không bị bụi dính vào. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.
“Thưa Tôn sư, lúc ra khỏi vườn, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, không ngước lên, lúc ra khỏi vườn, thân không bao giờ cúi thấp. Đi đến xóm làng, thân luôn luôn quay về lối phải, quán sát như cái nhìn của một con voi chúa nhìn khắp nơi, không hãi, không sợ, cũng không khiếp đảm, xem khắp các phương. Vì sao? Vì là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác. Thưa Tôn sư, lúc vào thôn xóm, thân không cúi xuống, không ngước lên, lúc vào thôn xóm, Sa môn Cù-đàm không bao giờ cúi thấp.
“ Lúc ở đường hẻm Sa-môn Cù-đàm không cúi xuống mà nhìn cũng không ngước lên mà trông, chỉ nhìn ngay thẳng, trong đó không có gì ngăn ngại đối với sự thấy và biết.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm có các căn thường định. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.
“Thưa Tôn sư, lúc vào nhà, Sa-môn Cù-đàm thân không cúi xuống, không ngước lên; lúc vào nhà thân không bao giờ cúi thấp.
“Thưa ôn sư, Sa-môn Cù-đàm xoay mình lại thì xoay theo hướng phải, ngồi trên giường kê ngay ngắn; không ngồi lên giường một cách nặng nề, cũng không chống tay dưới trôn mà ngồi; khi đã ngồi, không thấy táy máy, không bức rức, cũng không ham thích; lúc thọ nhận nước rửa, không cao, không thấp, không nhiều, không ít; thọ nhận đồ ăn thức uống, cũng không cao, không thấp, không nhiều, không ít.
“Thưa Tôn sư, [687b] Sa-môn Cù-đàm thọ thực ngang bình bát; canh và cơm bằng nhau.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm bốc thức ăn chỉnh tề, từ từ bỏ vào miệng, khi thức ăn chưa đến thì không há miệng ra mà đợi sẵn, khi thức ăn đã vào miệng thì nhai ba lần mới nuốt, không có miếng cơm hay canh nào mà không nghiền nát, thức ăn còn lại trong miệng thì nuốt xuống hết rồi mới bốc nắm khác.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm do ba việc thanh tịnh [127] mà ăn, cảm giác được vị lúc ăn [128], nhưng không nhiễm trước vào vị. Vị ấy không phải ăn vì của cải, không vì cống cao, không vì trang sức, không vì oai vệ, mà chỉ muốn bảo tồn thân thể sống lâu, không tai hoạn, để ngăn chận bệnh cũ, không sanh bệnh mới, duy trì sự sống không tai hoạn, sức khỏe, an lạc [129]. Ăn xong, vị ấy dùng nước rửa tay, không cao, không thấp, không nhiều, không ít; dùng nước rửa bát, không cao, không thấp, không nhiều, không ít. Sau khi rửa tay sạch, thì bát cũng sạch; rửa bát sạch thì tay cũng sạch; lau tay rồi lau bát; lau bát rồi lau tay. Khi đã rửa và lau bát xong, để đặt xuống một bên, không gần, không xa, không nhìn hoài vào bát, cũng không lơ là bát. Sa-môn Cù-đàm không chê thức ăn này, cũng không khen thức ăn kia, chỉ im lặng. Ăn xong, thuyết pháp cho các cư sĩ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, vị ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc ra khỏi nhà, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc ra khỏi nhà, thân không bao giờ cúi xuống. Lúc ở tại đường cái, ngõ hẻm, không cúi nhìn xuống, cũng không ngước lên, chỉ nhìn thẳng đằng trước, trong đó không có gì ngăn ngại đối với sự biết và sự thấy.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm có các căn thường định. Vì sao? Vì nhờ thiện hành thuở trước.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc ra khỏi thôn, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc ra khỏi thôn, thân không bao giờ cúi xuống.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm lúc đi vào vườn, thân không cúi xuống, ngước lên; lúc đi vào vườn thân không bao giờ cúi xuống.
“Thưa Tôn sư, sau bữa ăn trưa, Sa-môn Cù-đàm thu dọn y, bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai vào phòng tĩnh tọa. Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm vào phòng tĩnh tọa để làm lợi ích cho thế gian.
“Thưa Tôn sư, vào lúc xế, Sa-môn Cù-đàm từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, sắc diện trong sáng. Vì sao? Vì là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm từ miệng phát ra với tám thứ âm thanh, một là sâu sắc, hai là tỳ-ma-lâu-bá [130], ba là nhập tâm, bốn là khả ái, năm là rất đầy, [687c] sáu là sống động, bảy là rõ ràng, tám là có trí, khiến cho mọi người mến chuộng, mọi người ưa thích, mọi người ghi nhớ, sẽ được định tâm.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp tùy theo chúng; âm thanh không ra ngoài chúng, chỉ vừa ở trong chúng. Thuyết pháp cho chúng, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy trở về chỗ cũ.
“Thưa Tôn sư, Sa-môn Cù-đàm là như thế đó, có những cái thù thắng hơn nữa. Con muốn đến theo học Phạm hạnh với Sa-môn Cù-đàm.”
Bà-la-môn Phạm-ma đáp:
“Tùy ý ngươi.”
Rồi thì, Ma-nạp Ưu-đa-la cúi đầu đảnh lễ sát chân Bà-la-môn Phạm-ma, đi quanh ba vòng rồi lui ra, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ sát chân Ngài, ngồi qua một bên và thưa:
“Bạch Thế Tôn, con nay xin theo Thế Tôn học đạo, thọ Cụ túc giới, trở thành Tỳ-kheo, để được theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn độ cho Ma-nạp Ưu-đa-la, cho theo học đạo, cho thọ Cụ túc. Sau khi độ cho Ma-nạp Ưu-đa-la, cho theo học đạo, cho thọ Cụ túc, Thế Tôn du hành tại nước Vi-đề-hi cùng đại chúng Tỳ-kheo, lần hồi đi lên Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên [131] trong xứ ấy.
Các cư sĩ ở Di-tát-la nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm là con dòng họ Thích, từ bỏ thân tộc, xuất gia học đạo, đang du hành tại nước Vi-đề-hi cùng đại chúng Tỳ-kheo, lần hồi đi lên Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên trong xứ ấy. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn, mười phương đều nghe: ‘Sa-môn Cù-đàm là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; Sa-môn ấy ở đời này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn từ Người đến Trời, mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú; vị ấy thuyết pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện phạm hạnh.’ Nếu ai chiêm ngưỡng đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mà kính trọng lễ bái, cúng dường, thừa sự thì sẽ được thiện lợi, vui thay! Chúng ta nên cùng nhau đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm và lễ bái, cúng dường.”
Rồi thì, Bà-la-môn cư sĩ ở Di-tát-la, mỗi hạng có quyến thuộc tháp tùng, từ Di-tát-la đi đến hướng bắc, đến rừng xoài Đại thiên, muốn chiêm ngưỡng Thế Tôn, lễ bái, cúng dường. Khi đã đến chỗ Đức Phật, trong số [688a] Bà-la-môn cư sĩ ấy, có người cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên; có người chấp tay hướng về Đức Phật rồi ngồi sang một bên, có người từ xa nhìn dức Phật, rồi im lặng ngồi xuống. Khi các cư sĩ Bà-la-môn Di-tát-la đã ngồi xong, Đức Phật thuyết pháp cho họ, khuyến phát tâm khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi Đức Phật dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát tâm khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, Ngài ngồi im lặng.
Bà-la-môn Phạm-ma nghe rằng: “Sa-môn Cù-đàm con dòng họ Thích, từ bỏ tông tộc họ Thích, xuất gia học đạo, du hành tại nước Vi-đề-hi cùng chúng Đại Tỳ-kheo, lần hồi đi đến nước Di-tát-la, trú ở rừng xoài Đại thiên. Sa-môn Cù-đàm có tiếng tăm lớn lao, mười phương đều nghe. Sa-môn ấy là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trương Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ở đời này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ Người đến Trời mà tự tri, tự giác, tự thân chứng đắc, thành tựu an trú. Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện Phạm hạnh. Nếu ai chiêm ngưỡng Như Lai, Bậc Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác, kính trọng, lễ bái, cúng dường, thừa sự thì sẽ được thiện lợi, an vui. Vậy, ta nên đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm và lễ bái cúng dường.”
Bà-la-môn Phạm-ma bảo người đánh xe:
“Ngươi hãy sửa soạn xe. Ta muốn đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm.”
Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xe xong, trở lại thưa:
“Xe đã sửa soạn xong, mong Tôn sư tự biết thời.”
Rồi Phạm-ma dùng cỗ xe rất xinh đẹp, từ Di-tát-la đi đến hướng Bắc, đến rừng xoài Đại thiên để chiêm ngưỡng Thế Tôn và lễ bái, cúng dường. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đồ chúng ngồi vây quanh trước sau. Bà-la-môn Phạm-ma từ xa trông thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đồ chúng ngồi vây quanh trước sau. Thấy vậy, Phạm-ma khiếp sợ, liền rẽ qua một bên lề đường dừng lại dưới gốc cây, bảo một Ma-nạp rằng:
“Ngươi hãy đến chỗ Sa-môn Cù-đàm, thay ta thăm hỏi thế này: ‘Thưa Cù-đàm, Thánh thể có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lực như thường chăng?’ Ngươi hãy nói như thế này: ‘Thưa Cù-đàm Tôn sư Phạm-ma của con xin kính lời thăm hỏi Ngài Thánh thể có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, khí lục như thường chăng? Tôn sư Phạm-ma của con muốn đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm.’ ”
Bấy giờ Ma-nạp [688b] vâng lời, đến chỗ Phật, chào hỏi rồi ngồi qua một bên thưa:
“Thưa Cù-đàm, Tôn sư Phạm-ma của con có lời thăm hỏi rằng: ‘Thánh thể Cù-đàm có khang kiện, an lạc, không bệnh, đi đứng thoải mái, có khí lực như thường chăng?’ Thưa Cù-đàm, Tôn sư Phạm-ma của con muốn đến chiêm ngưỡng Sa-môn Cù-đàm.”
Đức Thế Tôn bảo:
“Này Ma-nạp, mong cho Bà-la-môn Phạm-ma an ổn khoái lạc, mong cho Trời và Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, La-sát và các chủng loại khác, được an ổn khoái lạc. Này Ma-nạp, Bà-la-môn Phạm-ma muốn đến thì tùy ý.”
Nghe Đức Phật nói như vậy, Ma-nạp khéo thọ trì, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi quanh Phật ba vòng rồi lui ra, trở về chỗ Bà-la-môn Phạm-ma và thưa:
“Thưa Tôn sư, con đã thưa như vậy với Sa-môn Cù-đàm. Sa-môn Cù-đàm hiện đang đợi Tôn sư. Mong Tôn sư biết thời.”
Bà-la-môn Phạm-ma bèn bước xuống, đi đến chỗ Phật. Chúng kia từ xa trông thấy Phạm-ma đi đến, bèn đứng dậy tránh đường. Vì sao? Vì là người có danh đức, và nổi tiếng.
Bà-la-môn Phạm-ma nói với chúng kia rằng:
“Chư Hiền, mời các vị ngồi lại chỗ cũ. Tôi muốn đi thẳng đến thăm Sa-môn Cù-đàm.”
Rồi Phạm-ma đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi sang một bên.
Lúc bấy giờ, hai căn của Phạm-ma, nhãn căn và nhĩ căn, chưa bị hủy hoại. Sau khi ngồi xuống, Phạm-ma quán sát kỹ ba mươi hai tướng nơi thân Phật. Ông thấy ba mươi tướng. Hai tướng còn ngờ; đó là mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Bà-la-môn Phạm-ma nói bài kệ để hỏi Đức Thế Tôn:
Như trước tôi từng nghe,
Đại nhân ba hai tướng.
Nay xem thân Cù-đàm,
Trong đó, thiếu hai tướng,
Mã âm tàng có chăng,
Kín nhiệm, Bậc Tôn Quý?
Tại sao nay Tối Tôn,
Không hiện lưỡi vi diệu?
Nếu có lưỡi rộng dài,
Mong tôi nay được thấy.
Nay tôi thật nghi hoặc,
Mong Điều Ngự giải trừ.
Thế Tôn nghĩ rằng: “Bà-la-môn Phạm-ma này muốn tìm ba mươi hai tướng nơi thân Ta, nay chỉ thấy được ba mươi tướng, còn nghi ngờ về hai tướng là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Nay Ta nên trừ mối nghi hoặc ấy.” Đức Thế Tôn biết thế, nên như vậy mà thị hiện như ý túc. Sau khi Thế Tôn như vậy mà thị hiện như ý túc, Bà-la-môn Phạm-ma thấy được tướng mã âm tàng và lưỡi rộng dài trên thân Đức Thế Tôn. Trong đó, tướng lưỡi rộng và lưỡi khi từ [688c] trong miệng le ra trùm khắp cả mặt. Đức Thế Tôn thâu lại như ý túc, nói cho Phạm-ma nghe bài tụng:
Trước đây ông từng nghe,
Đại nhân ba hai tướng,
Tất cả trên thân Ta,
Tròn đầy, chánh tối thượng.
Điều Ngự đoạn trừ nghi,
Bà-la-môn phát diệu tín,
Thực khó được thấy nghe,
Bậc Chánh Giác tối thượng.
Quả rất hiếm ra đời,
Bậc Chánh Giác tối thượng,
Bà-la-môn, Ta Chánh Giác,
Chánh pháp Vô thượng vương.
Bà-la-môn Phạm-ma nghe vậy liền nghĩ: "Sa-môn Cù-đàm này thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân. Ai thành tựu tướng của bậc Đại nhân, thì chắc chắn có hai trường hợp chân thật không sai lầm: ấy là nếu vị ấy ở tại gia, thì chắc chắn làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do, tự tại, là pháp vương như pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, và tướng quân báu. Đó là bảy báu. Nhà vua có đủ một ngàn người con, dung mạo khôi ngô, dõng mãnh, không sợ, hàng phục được địch quân. Vị ấy chắc chắn thống lãnh toàn cõi đất này, cho đến bể cả, không dùng đao gậy, đem pháp giáo hóa, khiến dân an lạc. Và nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, thì chắc chắn đắc quả Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, tiếng tăm lan khắp mười phương đều nghe."
Bấy giờ Đức Thế Tôn nghĩ như thế này: “Bà-la-môn Phạm-ma này không bao giờ dua nịnh, lừa dối, nếu muốn hỏi điều gì là vì muốn biết, chớ không phải để quấy rầy. Bà-la-môn ấy cũng vậy, Ta nên thuyết A-tỳ-đàm thậm thâm cho vị ấy.” Đức Thế Tôn biết như vậy, liền nói cho Bà-la-môn Phạm-ma nghe bài tụng:
Vì pháp lạc đời nay,
Và ích lợi đời sau,
Bà-la-môn hãy hỏi,
Tùy những điều đã nghĩ.
Bà-la-môn hỏi các điều,
Ta đoạn nghi cho ông.
Thế Tôn đã cho phép,
Bà-la-môn Phạm-ma hỏi.
Thế Tôn về những điều,
Tùy theo ý đã nghĩ.
Thế nào là Bà-la-môn?
Tam đạt [132] có nghĩa gì,
[689a]Vì sao gọi Vô trước [133],
Đẳng Chánh Giác là gì?
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói tiếp bài kệ để giải thích:
Diệt pháp ác, bất thiện,
Vững trú nơi phạm hạnh,
Tu hạnh Bà-la-môn,
Như vậy, Bà-la-môn.
Thấu suốt về quá khứ,
Thấy lạc và ác đạo,
Dứt trừ sạch vô minh,
Biết vậy là Mâu-ni.
Khéo biết tâm thanh tịnh,
Dứt sạch dâm, nộ, si.
Thành tựu được ba minh,
Như vậy là tam đạt.
Viễn ly pháp bất thiện,
Chánh trú đệ nhất nghĩa,
Thế gian tôn kính nhất,
Như vậy là Vô trước.
Làm lợi ích Trời, Người,
Thánh nhân, dứt đấu tranh.
Biết khắp, chứng diệt tận,
Như vậy là Chánh giác.
Nghe vậy, Phạm-ma liền đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật. Bấy giờ đại chúng cùng một lúc nói lớn rằng:
"Sa-môn Cù-đàm, kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả Bà-la-môn, cư sĩ ở Di-tát-la này, thì Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về sự thọ sanh. Bà-la-môn Phạm-ma được cha mẹ sanh ra với sự thọ sanh thanh tịnh cho đến bảy đời cha mẹ, chủng tộc không tuyệt, đời đời không bị xấu, thế mà Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.
“Sa-môn Cù-đàm, kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu. Vì sao? Vì trong tất cả Bà-la-môn, cư sĩ ở Di-tát-la này, Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất, về sự học kinh điển, Bà-la-môn Phạm-ma học rộng, thông suốt, đọc tụng hết bốn loại kinh điển, thấu triệt nhân duyên, chánh văn [134], hí truyện thứ năm và cú thuyết; thế mà Sa-môn Bà-la-môn ấy đã hết lòng cung kính, lễ bái cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.
“Sa-môn Cù-đàm kỳ, lạ thay, hy hữu thay! Ngài có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả Bà-la-môn cư sĩ ở Di-tát-la này Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về tài sản, Bà-la-môn Phạm-ma [689b] rất giàu, của cải vô lượng, sản nghiệp chăn nuôi không thể tính toán, phong hộ thực ấp đầy đủ mọi thứ. Di-tát-la này cho đến nươc, cỏ cây đều là đặc tặng, ân tứ của A-xà-thế, con bà Vi-đề-hi, vua nước Ma-kiệt-đà; thế mà Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn trọng, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.
“Sa-môn Cù-đàm kỳ lạ thay, hy hữu thay! Ngài có Đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần. Vì sao? Vì trong tất cả Bà-la-môn, cư sĩ ở nước Di-tát-la này, Bà-la-môn Phạm-ma là người bậc nhất về tuổi thọ. Bà-la-môn Phạm-ma là vị trưởng lão, sống đến một trăm hai mươi sáu tuổi. Thế mà Bà-la-môn ấy đã hết lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường, phụng sự Sa-môn Cù-đàm.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn với tha tâm trí, biết tâm đại chúng đang nghĩ gì. Biết vậy, Thế Tôn bảo Bà-la-môn Phạm-ma:
“Hãy thôi, này Bà-la-môn, chỉ cần với tâm thỏa mãn là được. Hãy ngồi trở lại, Ta sẽ thuyết pháp cho.”
Bà-la-môn Phạm-ma cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Bà-la-môn, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ, đúng như pháp của chư Phật, trước hết, Đức Thế Tôn thuyết pháp thuận tự, khiến người nghe hoan hỷ. Đó là thuyết về pháp thí, về giới và về sanh thiên, chỉ trích dục là tai họa, sanh tử là ô uế; tán thán vô dục là diệu đạo phẩm, là bạch tịnh. Sau khi thuyết như vậy, Thế Tôn biết Bà-la-môn ấy có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nhẫn, tâm tăng thượng, tâm nhất hướng, tâm không nghi, tâm không bị che lấp, có đủ khả năng thọ nhận Chánh pháp của Phật, Đức Thế Tôn theo như những pháp yếu mà chư Phật đã thuyết, Ngài thuyết cho Bà-la-môn nghe đầy đủ về Khổ, Tập, Diệt và Đạo. Bà-la-môn Phạm-ma ngay nơi chỗ ngồi thấy bốn Thánh đế, Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như vải trắng nhuộm dễ ăn màu; cũng vậy, Phạm-ma ngay trong chỗ ngồi thấy rõ bốn Thánh đế, Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Bấy giờ, Phạm-ma đã thấy pháp đắc pháp, chứng pháp bạch tịnh, đoạn trừ nghi hoặc, không còn tôn kính một ai khác nữa, không còn do dự, đã an trú vào quả vị chứng đắc. Đối với pháp của Thế Tôn, Bà-la-môn chứng đắc vô úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và bạch:
“Bạch Thế Tôn, con nay đem mình quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo. Mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc từ nay và suốt đời; con đem mình quy y cho đến lúc mạng chung.”
[689c] Và rồi Bà-la-môn Phạm-ma lại chấp tay hướng về Thế Tôn và bạch tiếp:
“Bạch Thế Tôn, mong ngày mai Đức Thế Tôn và Chúng Tỳ-kheo đoái tưởng nhận lời mời của con!”
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời của Phạm-ma.
Bà-la-môn Phạm-ma biết Đức Thế Tôn đã im lặng nhận lời mời, nên cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, đi quanh ba vòng và lui ra, trở về nhà.
Ngay đêm ấy, Bà-la-môn Phạm-ma cho sửa soạn các món ăn mỹ diệu ngon lành, đủ các thức nhai và nuốt. Sửa soạn xong, sáng lại cho trải giường, và đúng lúc thì xướng lên rằng: “Bạch Thế Tôn, bữa cơm được soạn xong, kính mong Đức Thánh biết thời.”
Sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn mang y cầm bát đi trước, chúng Tỳ-kheo theo sau, đi đến nhà của Bà-la-môn Phạm-ma, đến nơi, Đức Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước chúng Tỳ-kheo. Bà-la-môn Phạm-ma thấy Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo đã ngồi xong, liền thân hành múc nước rửa, đem thức ăn ngon lành, cùng các thứ cứng và mềm, tự tay sớt vào, khiến các vị ăn no. Sau khi ăn rồi, thu dọn và lấy nước rửa xong, Bà-la-môn ngồi vào một ghế nhỏ để thọ nhận sự chú nguyện. Bà-la-môn Phạm-ma ngồi xong, Đức Thế Tôn chú nguyện rằng:
Chú hỏa, tế bậc nhất,
Thông âm, gốc các âm,
Vua, tôn quý trong người,
Biển, lớn hơn sông ngòi,
Trăng, sáng hơn các sao,
Nhưng sáng nhất: mặt trời.
Cùng tận khắp mười phương,
Trong tất cả thế gian,
Chư Thiên và Nhân loại,
Duy Phật đệ nhất tôn.
Sau khi chú nguyện cho Bà-la-môn Phạm-ma, Đức Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến nước Di-tát-la, ở lại vài ngày, rồi mang y, cầm bát du hành nước Xá-vệ. Lần hồi đi đến nước Xá-vệ, Ngài trú tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Thắng Lâm. Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo vào Xá-vệ khất thực nghe Bà-la-môn Phạm-ma nước Di-tát-la, sau khi dùng bài kệ hỏi Đức Phật mọi việc thì liền lâm chung. Nghe vậy, sau bữa ăn trưa, các Tỳ-kheo thu dọn y bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi đứng sang một bên, thưa rằng:
“Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo chúng con vào lúc sáng sớm mang y, cầm bát vào Xá-vệ khất thực, nghe rằng Bà-la-môn Phạm-ma ở nước Di-tát-la, sau khi dùng bài kệ vấn sự Đức Phật, thì liền lâm chung. Bạch Thế Tôn, như vậy Bà-la-môn ấy sẽ đến nơi nào? Sanh nơi nào? Đời sau ra sao?”
Đức Thế Tôn đáp:
[690a] “Nay các Tỳ-kheo, Bà-la-môn Phạm-ma có đại lợi ích, vào lúc tối hậu, đã biết pháp, vì pháp cho nên không làm phiền nhọc Ta. Này Tỳ-kheo, Bà-la-môn Phạm-ma đã dứt sạch năm hạ phần kết, sanh đến nơi ấy sẽ đắc Niết-bàn, đắc pháp bất thối, không trở lại cõi này nữa. Bấy giờ Ta đã ghi nhận rằng Bà-la-môn Phạm-ma đắc A-na-hàm.”
Đức Phật thuyết như vậy, Bà-la-môn Phạm-ma và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành. [135]
[1] Anh Vũ Ma-nạp Đô-đề Tử 鸚鸇摩納都題子. Pāli. M. 99: Subho māṇavo todeyyaputto. Xem kinh 170.
[2] Thiên ái 天愛. Pāli: Devānampiya, người được Trời thương; thường dùng để xưng hô với người ngu khờ. Bản Pāli: bhante: này ông bạn.
[3] Trong bản Hán: Vô thượng Chánh tận giác 無上正盡覺.
[4] Bản Pāli: Brāhmaṇā bho Gotama evam āhaṃsu, “Các người Bà-la-môn nói như vầy...”
[5] Hán: tiện đắc thiện giải, tắc tri như pháp 便得善解則知如法. Pāli (M.ii. 197): gahaṭṭho ārādhako hoti ñāyaṃ dhammaṃ kusalaṃ, người tại gia đạt được pháp thiện chánh lý.
[6] Bản Pāli: vibhajjavādo kho aham ettha māṇava nāham ekaṃsavādo, Ta thuyết có phân tích. Ta không thuyết pháp theo một chiều.
[7] Pāli: mahaṭṭham idaṃ mahākiccaṃ mahādhikaraṇam mahāsamārambhaṃ gharācāsakammaṭṭhānaṃ mahapphalaṃ hoti, sự nghiệp của người tại gia cần nhiều kinh doanh, nhiều việc phải làm, nhiều tác vụ, nhiều nỗ lực, do đó, có kết quả to lớn.
[8] Xem cht.6 ở trên.
[9] Pāli: atthi māṇava kammaṭṭhānaṃ mahaṭṭhaṃ mahākiccaṃ mahādhikaraṇam mahāsamārambhaṃ vipajjamānaṃ appaphalaṃ hoti, có sự nghiệp cần nhiều kinh doanh nhiều việc phải làm, nhiều tác vụ, nhiều nỗ lực, nhưng không làm tốt, cho nên, kết quả nhỏ. Có lẽ, trong bản Pāli: mahākicca (nhiều nghĩa vụ), trong bản Hán đọc là mahākiccha (nhiều khó nhọc, đại tai hoạn). Pāli: mahādhikaraṇa, có nghĩa: sự vụ hay tác vụ, cũng có nghĩa tranh chấp; bản Hán hiểu theo nghĩa thứ ha (đại đấu tránh). Pāli: samārambha, có hai nghĩa: nỗ lực (do gốc động từ rabh); hoặc gây tổn hại (do gốc động từ radh); bản Hán hiểu theo nghĩa sau (đại tắng oán).
[10] Hán: hành tà hạnh. Pal.: vipajjamānaṃ: làm sai, làm hỏng. Sớ giải: như ngời làm ruông mà phai không mưa hay mưa quá nhiều (avuṭṭhi-ativuṭṭhi); người đi buôn thì thiếu tài khéo (acchekata); thẩy đêud không có kết quả..
[11] Năm pháp theo Pāli: saccam (sự thật), tapam (khổ hành), brahmacariyam (tiết dục hay phạm hạnh), ajjhenam (tụng đọc), cāga (thí xả). Bản Hán thay cāga (thí xả) bằng nhiệt hành.
[12] Danh sách mười đạo sĩ thời thượng cổ: Dạ-tra 夜吒, Bà-ma 婆摩, Bà-ma-đề-bà 婆摩提婆, Tỳ-xa-mật-đa-la 毗奢蜜哆羅, Dạ-bà-đà-kiền-ni 夜婆陀犍尼, Ứng-nghi-la-bà 應 疑羅婆, Bà-tư-tra 婆私吒, Ca-diếp 迦葉, Bà-la-bà 婆羅婆, Bà-hòa 婆惒. Danh sách Pāli: Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Aṅgīrasa, Bhāradvājā, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu.
[13] Phất-ca-sa-sa-la 弗架娑娑羅; Pāli: Pokkarasāti Opamañño Subhagavaniko, (người Bà-la-môn tên là) Pokkharasāti Opamañño, sống trong rừng Subha.
[14] Hán: tánh trực thanh tịnh hóa 姓直清淨化; chỉ thuộc một dòng họ Bà-la-môn thuần chủng, không lai tạp trong nhiều đời liên tục.
[15] Nhân thượng pháp 人上法. Pāli: uttarimanussadhamma, pháp của con người siêu việt.
[16] Bất-ni 不 尼. Pāli: Puṇṇikā.
[17] Hán: tích, xưa kia, nhưng những người được nối đến hình như đang sống. Pāli: Kosalakā brahmaṇa-mahāsārā, các Bà-la-môn phú hào ở Kosala.
[18] Các Bà-la-môn Thương-già 商伽, Sanh Văn 生聞, Phất-ca-sa-sa-la 弗袈娑娑羅 và Đô-đề 都提; Pāli: Caṅki, Jānussoṇi, Pokkharasāti, Todeyya.
[19] Năm pháp chướng ngại, bản Hán: dục, nhuế, thân kiến, giới thủ kiến và nghi. Trong bản Pāli, pañca nīvaraṇā (năm triền cái): kāmacchanda (dục vọng), vyāpāda (sân hận), thīnamiddha (hôn trầm), uddhaccakukkucca (trạo cử), vicikicchā (nghi).
[20] Mẫn thương tâm 愍傷心. Pl.: anukampājātikaṃyeva, xem cht. tiếp dưới.
[21] Pl.: idaṃ chaṭṭhaṃ puññakiriyavatthu hoti – yadidaṃ anukampājātikan’ti, đây là phước nghiệp sự thứ sáu: phước sanh từ lòng lân mẫn.
[22] Pl.: cittassāhaṃ ete parikkhāre vadāmi, “Ta nói những (năm) pháp ấy là những tư cụ của tâm.”
[23] Pl.: bhikkhu saccavādī hoti, “Tỳ kheo là người nói sự thật.”
[24] Pl.: labhati atthavedaṃ, labhati dhammavedaṃ, labhati dhammūpasaṃhitaṃ pāmojjaṃ, “đạt được tín thọ nghĩa, tín thọ pháp. hỷ tương ưng với pháp.” Sớ giải (MA i. 172): đạt được tín thọ nghĩa là thành tựu bất hoại tín nơi Phật (buddhe aveccappasādena samannāgatomhī ti labhati atthavedan ti sambandho).
[25] Pl.: yaṃ taṃ kusalūpasaṃhitaṃ pāmojjaṃ, cittassāhaṃ etaṃ parikkāraṃ vadāmi, “những gì là hỷ tương ưng với thện, Ta nói đó là tư cụ của tâm.”
[26] Hán: Phạm đạo tích 梵道跡. Pāli: brahmānaṃ sahavyatāya maggaṃ, con đường dẫn đến cộng trú với Phạm thiên.
[27] Na-la-ca-la thôn 那羅迦邏村. Pāli: Naḷakāra, thôn phụ cận Xá-vệ.
[28] Các bản Hán đều in là Tu nhàn đề 鬚閑提. Nhầm tự dạng tu 鬚 và man 鬘. Ở dây phong theo phiên từ Phận mà sửa lại. Pāli: M.75. Māgandiyasuttaṃ.
[29] Đệ nhất tịnh thấ t第一靜室. Pāli: agyāgāra, ngôi nhà thờ lửa. Bản Hán đọc là agra: đệ nhất, thay vì agya (aggi-agāra), lửa.
[30] Bà-la-bà 婆羅婆;Pāli: Bhāradvāja.
[31] Kiếm-ma-sắt-đàm 釰摩瑟曇. Pl.: Kammāsadhamma.
[32] Man-nhàn-đề dị học 鬘閑提異學. Pāli: Māgandiya, ngoại đạo xuất gia.
[33] Hán: bại hoại địa 敗壞地. Pāli (M. i. 502): bhūnahuno: kẻ phá hoại mầm sống; Sớ giải: bhūnahuno ti hatavaḍḍhino mariyādakārakassa, “bhūnahuno (kẻ phá hoại mầm sống), là người phá hoại sự thịnh vượng (của thế gian), đặt ra các quy tắc nghiêm khắc”.
[34] Hán dịch có thể không chính xác.Nên hiểu: Sa-môn Cù-đàm có nhiều đệ tử là những nhà thông tuệ từ Sát-lị, Bà-la-môn, v.v. Tất cả họ được dạy đee đắc Thánh trí. Cf. Pāli ibid.: bahū hi tassa bhoto gotamassa khattiyapaṇḍitāpi brāhamanapaṇḍitāpi... abhippassannā vinītā ariye ñāye dhamme kusale ti, “Sa-môn Cù-đàm kia được nhiều nhà thông thái thuộc Sát-đế-lị, Bà-la-môn... trọng vọng; họ được hướng dẫn vào trong Thánh đạo, trong pháp thiện”.
[35] Hán: như kỳ tượng hảo dược 如其像好藥.
[36] Hán: cam lồ (lộ) 甘 露. Pāli: amata: cõi bất tử. Cf. Pháp cú 204.
[37] Mạch 脈, cơ bản chép là nhãn 眼.
[38] Tham chiếu Pháp uẩn 2, bốn Dự lưu chi: thân cận thiện sĩ, thính văn chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành. Pāli, D.333 Saṅgīti: cattāri sotāpattiyaṅgāni - suppurisa-saṃsevo, saddhammasavanaṃ, yonisomanasikāro, dhammānudhammapaṭipatti.
[39] Hán có lẽ sót một đoạn: Dị đạo hành bốn tháng biệt trú (cattāro māse parivasati) rồi mới cho thọ cụ túc (upasaṃpādeti). Nhưng cũng có trườn hợp được miễn (api ca mettha puggalavemattatā viditā).
[40] Bản Hán, hết quyển 38.
[41] Đông viên, Lộc tử mẫu giảng đường 東園鹿子母講堂. Pāli: pubbārāme Migāra-mātu-pasāde.
[42] Bà-tư-tra 婆 私 吒. No 1(5): Bà-tất-tra 婆悉吒. No 10: Bạch Y 白衣. Pāli: Vāseṭṭha.
[43] Bà-la-bà 婆 羅 婆. No 1(5): Bà-la-đọa 婆羅墮, No 10: Kim Tràng 金幢. Pāli: Bhāradvāja.
[44] Pl. D 27: họ đang ssokngs bốn tháng biệt trụ giữa các Tỳ kheo (bhikkhūsu parivasanti) trước khi chính thức thọ cụ túc.
[45] Cf. D.3 (i. 129): jātivādo vā vuccati, gottavādo vā vuccati manavādo vā vuccati, ’arahasi vā maṃ na vā maṃ tvaṃ arahasī ti, “thuyết về thọ sanh (huyết thống), thuyết về chủng tộc, thuyết về kiêu mạn, rằng ‘Ngươi xứng với ta; ngươi không xứng với ta’.”
[46] Chỗ ngồi và nước (Pāli: āsanaṃ vā udakaṃ vā), tiêu chuẩn ưu tiên giai cấp.
[47] Bản Pāli: bốn giai cấp, kể luôn cả sudda.
[48] Bản Pāli: Bhagavato’ mhi putto oraso mukhato jāto dhammajo dhammanimito dhammadayāko, “Chúng tôi là con của Thế Tôn; sanh ra từ miệng của Thế Tôn; được sanh ra bởi Pháp; được sáng tạo bởi Pháp, là kẻ thừa tự Pháp”.
[49] Hán: lãnh thị Như Lai, vô phiền vô nhiệt, bất ly như, thị Như Lai 冷是如來, 無煩無 熱, 不離如, 是如來. Pāli: tathāgatassa h’etam... adhivacanaṃ, dhammakāyo iti pi brahmakāyo iti pi dhammabhūto iti pi brahmabhūto iti pi, “Những từ ngữ này đồng nghĩa với Như Lai: Pháp thân, Phạm thân, Pháp thể, Phạm thể”.
[50] Hoảng dục thiên 晃 昱 天. Pāli: Ābhassara, Quang âm thiên, hay Cực quang thiên.
[51] Pāli: subhaṭṭhāyin, sống trong phước lạc thuần tịnh.
[52] Bản Pāli: ekodakībhūtaṃ... andhakāro andhakāratimisā, chỉ toàn nước, một màu đen sẩm tối tăm.
[53] Pāli: rasapaṭhavī, vị đất, hay đất dưới dạng dịch vị (thể lỏng).
[54] Pāli: tad eva porāṇaṃ aggaññaṃ akkharaṃ anupatanti, na tv ev’ assa atthaṃ ājānanti, chúng nói theo văn tự ấy của thượng cổ, mà không biết ý nghĩa của nó.
[55] Hán: địa phì 地 肥. Pāli: bhūmipappaṭaka, một thứ bánh (sữa bò trộn với gạo) của đất. No.1(5) dịch là địa bính 地 餅.
[56] Xem cht.15 trên.
[57] Bà-la 婆羅. Pāli: badālatā, một loại dây leo hay bò. No.1(5): lâm đằng 林藤, dây sắn, hay dây leo rừng.
[58] Gia-đàm hoa 加曇華. No 10: giống như cành ca-lung-phạ-ca 迦籠<gaiji cb='CB0085' des=' [口*縛]' uni='56A9' >嚩</gaiji>
<lb n="0218c24"/>迦枝 có bốn màu. Pl.: kalambukā (= nāḷikā, Sớ giải): một loại cỏ ống?
[59] Tự nhiên canh mễ 自 然 粳 米. Pāli: akaṭṭhapāko sāli, thứ thóc lúa tự chín, không cần canh tác.
[60] Pāli: bị những người khác ném tro, bùn đất, hay phân bò, và nhiếc mắng.
[61] Pāli, những con người hành dâm đầu tiên bị cộng đồng xa lánh.
[62] Xem cht. 26 ở đạn sau.
[63] Điền chủ. Pl.: khettānam adhipati.
[64] Định nghĩa từ sát-đế-lị; Pāli: khettānaṃ adhipatīti...khattiyo, “Khattiya (sát-lị), là người chủ của ruộng đất”.
[65] Định nghĩa từ “vua”. Pāli, từ rājā (vua) được nói là xuất xứ từ động từ rañjeti, làm vui lòng. Pāli: dhammena pare rañjetīti rājā, “Vua, là người đúng như pháp mà làm vui lòng mọi người”.
[66] Cựu đệ nhất trí: nguồn gốc đầu tiên, tối sơ của trí (nhận thức) xuất hiện. Pl.: evam etassa khattiyamaṇḍalassa porāṇena aggaññena akkharena abhinibbatti ahosi tesaṃyeva sattānaṃ aññesaṃ. sadisānaṃyeva no asadisānaṃ. dhammeneva no adhammena. dhammo hi seṭṭho janetasaṃ diṭṭhe ceva dhamme abhisaṃparrāyañca. “Đó là sự xuất hiện của giới vức khattiya với âm vận nguyên thủy tối cổ ở giữa các chúng sanh này chứ không không phải nơi khác, đồng dạng chứ không phải không đồng dạng, đúng pháp chứ không pải phi pháp. Pháp là tối thượng giữa sanh loại trong hiện tại và vị lai.”
[67] Pāli: araññāyatane, vô sự xứ, trong khu rừng vắng.
[68] Định nghĩa ngữ nguyên của từ Bà-la-môn; Pāli: pāpake akusale dhamme bāhentīti... brāhmaṇā, “Bà-la-môn là những người loại bỏ pháp ác bất thiện”. Từ brāhmaṇa được giải thích là do động từ bāheti: loại bỏ, tống khứ.
[69] Pāli, định nghĩa ajjhāyaka, hạng người có học thức: na dān’ ime jhāyantī ti.. ajjhāyaka, “Họ không tu thiền, nên gọi họ là ajjhāyaka”. Theo ngữ nguyên này, ajjhāyaka (người bác văn) là do động từ jhāyati, tu thiền.
[70] D iii. 95: methunaṃ dhammaṃ samādāya visukammante payojentīti kho, vāseṭṭha, ‘vessā, vessā’, “sau khi thọ trì pháp dâm dục, chúng theo đuổi nhiều loại chức nghiệp, cho nên chúng được gọi là vessā.” Ngữ nguyên của từ vessā, giai cấp thứ ba, được giải thích là do từ “visu(ṃ): mỗi mỗi riêng biêt” trong từ visukammanta: nhiều chức nghiệp khác nhau.
[71] Trong bản Pāli, giai cấp thứ tư là suddā (Thủ-đà-la).
[72] Nhị hành 二行. Pl. dvayakārī, khi thì hành thiện, khi thìhành bất thiện.
[73] Hộ hành 護 行; chỉ hành vi thủ hộ.
[74] Thất giác pháp 七覺法. Pl.: sattanaṃ bodhipakkhiyānaṃ dhammānaṃ, pháp bảy giác phần. Sớ giải: cattāro satopaṭṭhānā ti ādikhoṭṭhāsavasena sattannaṃ, bảy bộ phận gồm bốn niệm xứ, v.v., tức gồm cả 37 đạo phẩm.
[75] Phạm thiên đế chúa 梵 天 帝 主. Pāli: Sanaṃ-kumāra Brahaman, Thhuong đồng hình Phạm thiên (Phạm thiên trong hình dáng con nít).
[76] Tu-đạt-đa 須達哆; tên thật của ông Cấp Cô Độc 給孤獨. Pāli: Sudatta.
[77] Hán: bất dục 不欲. Pl.: na cittaṃ namati, không hướng tâm đến.
[78] Tùy-lam 隨 籃. Pāli: Velāma, một tiền thân của Phật.
[79] Phi-na 霏那, theo Nhất thiết kinh âm nghĩa 52 (tr.652b), đây là âm tiếng Phạm, có nghĩa là “phước đức hành”.
[80] Cố phạm chí pháp 故 梵 志 法. Pāli (Sn 2.7. Brāhmaṇadhammika): porāṇānaṃ brāhmaṇānaṃ brāhmaṇadhamma, pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thượng cổ.
[81] Pl. sandissanti, phù hợp.
[82] Hán: nhiệt hành 熱 行; Pāli: tapassin, khổ hành giả.
[83] Sn 289: nānārattehi vatthei sayanehi āvasathehi ca phitā janapadā raṭṭhā te namassiṃsu brahmaṇe, bằng các loại vải vóc, giường chõng, nhà cửa, nhân dân từ các nước giàu có đến lễ những người Bà-la-môn.
[84] Sn: ajeyyā dhammarakkhitā, (Bà-la-môn) bất khả xâm phạm, vì được bảo vệ bởi pháp.
[85] Sn 293: Trong thời vợ có kinh (utuveramaṇiṃ pati), Bà-la-môn không hành dâm dục.
[86] Sn 298: gāvo no paramā mittā, yāsu jāyanti osadhā, bò là những bạn bậc nhất của chún tôi vì ở nơi chúng sanh ra thuốc hay (năm vị từ sữa).
[87] Sn 304: bỉ tạo tác thử phược 彼造作此縛. Pl.: te ca tattha mante ganthetvā, “sau khi họ biên tập Thánh điển.”
[88] Trong bản Pāli: Okkāka (Cam Giá vương), Tổ tiên của dòng họ Thích-ca.
[89] Hán: Đại vương tương ưng thử 大王相應此. Câu này và câu kế tiếp, bản Hán tối nghĩa. Pāli: tato ca rājā saññatto (brahmaṇehi): Vua được khuyên bảo bởi các người Bà-la-môn. Pāli: saññatta: khuyến cáo, trong bản Hán đọc là saṃyutta: tương ưng.
[90] Pāli: brahmaṇehi rathesabho, “(vua) là chúa của binh xa, được khuyên bởi những người bà-la-môn.” Xem cht. 10 trên.
[91] Sn 305: tato ca rājā saññatto brāhmaṇehi rathesabbho assamedhaṃ purisamedhaṃ sammāpāsaṃ vācapeyyaṃ maggaḷaṃ, do sự khuyên bảo của các Bà-la-môn, nhà vua, chúa của binh xa, cử hành các tế lễ: tế ngựa, tế người, tế quăng gậy, tế rượu Soma, tế lễ vô già (không hạn chế ). Xem các cht. 5, 6 trên.
[92] Hán: hoán ngưu cập ư phụ 喚牛及於父. Sớ giải Pali: khi vua càm dao giết bò để tế, Tứ Thiên vương, Tổ phụ (của các Bf-la-môn), Đế Thích, v.v. kêu lên: “adhammo” phi pháp!
[93] Sn 314: okkanto purāṇo ahu, người ta nói truyền từ cổ xưa.
[94] Bản Hán, hết quyển 39.
[95] Bệ-lan-nhã 鞞籣若. Pāli: verañjā, tên thôn.
[96] Hoàng lô 黃蘆. No 75: Hòng trúc viên 黃竹園. Pāli: naḷerupucimanda-mūle, dưới gốc cây Nelerupucimanda, không biết cây gì. Sớ giải nói pucimanda là cây nimba (Azadirachta Indica). Naḷeru, tên một quỷ dạ-xoa.
[97] Pāli (A. iv. 173): arasarūpo bhavaṃ gotamo, Tôn giả Gotama không có sắc vị (không thực chất). No.75: Sa-môn Cù-đàm này nhác nhớn.
[98] Hán: Cù-đàm vô khủng bố 瞿 曇 無 恐 怖; No.75 cũng vậy. Pāli: nibbhogo bhavaṃ Gotamo, Tôn giả Gotama là người không biết hưởng thụ. Nibbhoga (không thọ dụng), các bản Hán đều đọc là nibbhaya, không sợ hãi.
[99] Pāli: apagabbho bhavaṃ Gotamo.
[100] Đầu-na 頭那. Pl. Doṇa.
[101] Xem cht. kinh 63.
[102] Danh sách các tiên nhân cổ đại, xem kinh 152 trên.
[103] Pāli: ime pañca brāhmaṇe paññāpenti, brāhmasamaṃ devasamaṃ maruyadaṃ sambhinnamariyadaṃ brāhmaṇacaṇḍālaṃ yeva pañcamaṃ, năm hạng Bà-la-môn: ngang Phạm thiên, ngang chư Thiên, giữ quy tắc, phá vỡ quy tắc, và thứ năm là Caṇḍòñaḷa.
[104] Đồng tử phạm hạnh 童子梵行, sống trinh khiết. Pāli: komārabrahmacariya.
[105] Các nghề không làm, theo Pāli: neva kasiyā na vaṇijjāya na gorakkhena na isatthena na rājaporisena na isappaññatarena, không theo nông sư, không theo thương nghiệp, không theo chăn nuôi, không theo cung kiếm, không theo quan chức của vua, không theo công xảo.
[106] Pāli: na pāyamānaṃ gacchati, không tiếp cận (người nữ) đang cho bú.
[107] Hán: bất tịnh dâm 不淨淫. Pāli: atimīḷhajo, sanh ra từ đống phân.
[108] Hán: bất tịnh nhuế 不淨恚. Pāli: asucipaṭipīlito, cưỡng bức bất tịnh, hay “do uống bất tịnh (asucipipata?)”.
[109] Các thứ bịnh, kể theo bản Pāli: sītaṃ uṇhaṃ jigucchā pipāsā uccāro passavo, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện.
[110] Câu-lao-bà 拘 牢 婆. Pāli: Koravya, xem kinh 132 (Lại-tra-hòa-la) ở trên.
[111] A-lan-na 阿 籣 那; phiên âm gần với Aranemi trong A. 7. 69. Sunetta, được kể chung với bảy tôn sư thời cổ, giảng dạy pháp dẫn đến cộng trú trong thế giới Phạm thiên (brahmalokasahavyatāya dhammaṃ desesi). Nhưng nội dung tư duy thì đồng nhất với của Araka (thứ bảy trong bảy tôn sư thời cổ kể trong Sunetta) trong A.7.70.
[112] Xem cht. kinh 63.
[113] Phạm thế pháp 梵 世 法. Pāli: brahmalokasahavyatādhamma, pháp dẫn đến cọng trú với thế giới Phạm thiên.
[114] Phạm thất. Pāli: brahmavihāra.
[115] Pāli: bhattantarāya, thực chướng ngại, sự gián đoạn hay cản trở bữa ăn.
[116] Hán: bất đắc giả bất thực 不得者不食. Pāli: alābhakena, do không được lợi lộc nên không ăn.
[117] Bản Hán, hết quyển 40.
[118] Bệ-đà-đề 鞞陀提. No 76: Tùy-đề quốc 隨提國. Pāli: Videha.
[119] Di-tát-la 彌 薩 羅. No 76: Di-di quốc 彌夷國. Pāli: Mithilā.
[120] Phạm-ma 梵 摩. No 76: thệ tâm Phạm-ma-dụ 逝心梵摩渝. Pāli: Brahmāyu.
[121] Ma-kiệt-đà vương, Vị Sanh Oán, Tì-đà-đề Tử 摩竭陀王, 未生怨, 鞞陀子. Pāli: Magadharāja-Ajātasattu-Vedehiputta
[122] Ưu-đa-la 優多羅. No 76: đệ tử của Thệ tâm, có vị á thánh tên là Ma-nạp. Pl.: Uttara.
[123] Xem cht. kinh 63.
[124] No 76: Phi hành hoàng đế 飛行皇帝.
[125] Tham chiếu No 1(1): kinh Đại bản. Xem phần trên, kinh số 59 (Tam thập nhị tướng).
[126] Hán: viên, đay cjỉ Tăng viên (saṇghārāma), hay Tăng viện.
[127] Tam sự thanh tịnh 三 事 清 淨. Pāli: aṭṭhaṅgasamannāgataṃ, thành tựu tám chi.
[128] Hán: thực dục đắc vị 食欲得味. Pāli: rasapatisaṃvedī, cảm nhận được mùi vị (của thức ăn).
[129] Tám chi, như liệt kê trong bản Pāli.
[130] Tỳ-ma-lâu-bá 毗 摩 樓 簸; không rõ phiên âm từ chữ gì. Tám thứ giọng theo bản Pāli: vissaṭṭha (trong trẻo), viññeyya (dễ biết), mañju (dịu dàng), savanīya (hài hòa), bindu (sung mãn), avisārī (phân minh), gambhīra (sâu xa), ninnādi (lan rộng). No 76: tối hảo thanh 最好聲, dị liễu thành 易了聲, nhu nhuyến thanh 濡軟聲, hòa điệu thanh 和調聲, tôn tuệ thanh 尊慧聲, bất ngộ thanh 不誤聲, thâm diệu thanh 深妙聲, bất nữ thanh 不女聲 .
[131] Đại thiên nại lâm 大 天 奈 林. Pāli: Maghadevambavane.
[132] Tam đạt 三 達, tức tam minh 三 明; thiên nhãn, tuc mạng, lậu tận. Đây cũng chỉ ba bộ Vệ-đà. Pāli: tevijjā.
[133] Vô trước 無 著, tức A-la-hán.
[134] Xem cht. kinh 63.
[135] Bản Hán, hết quyển 41.