Chính kiến về giới thứ bảy



Có vướng mắc vào các lối tiêu khiển trần tục?

Theo giới luật, tất cả những người xuất gia trọn đời hay một ngày một đêm (tức thọ giới Bát quan trai) đều lãnh thọ giới thứ bảy (theo giới bản Sa di) hay giới thứ sáu (Bát quan trai). Nội dung của giới này là không cho phép người xuất gia ‘múa hát và đi xem nghe’.

Nhiều lời bàn giải về giới này nhưng tựu trung vẫn chưa có sự thống nhất chung nào. Trong khi có một số ý kiến cho rằng phải tuân thủ nghiêm mật theo giới văn thì cũng có những ý kiến cấp tiến tán thành với cách nhìn ‘phương tiện hoằng pháp’.

Để hiểu và hành trì đúng lời Phật dạy và để có thể đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân, chúng ta không thể không tìm hiểu bối cảnh xuất xứ và mục đích chính của nó. Do đó, chính kiến về giới thứ bảy là điều cần thiết.

Theo giới bản của Sa di, nội dung của giới thứ bảy là : ‘Không được ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe’ (HT Trí Quang dịch). Đối với người tu Bát quan trai thì giới này được gọp chung thành giới thứ sáu là ‘Không được trang điểm, thoa dầu thơm, múa hát và đi xem múa hát’ (HT Thiện Hoa).

Căn cứ vào nội dung trên thì đối tượng bị hạn chế tham gia là người xuất gia. Giới này không thấy ghi trường hợp nào được ‘mở’ như ở một số giới khác (nói dối, uống rượu…)

Xét về tính chất quan trọng của giới thì giới này không phải là tính giới tức bốn giới căn bản (sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói dối) nên vì thế thứ tự của nó không được đặt hàng đầu.

So với giới thứ năm (không được uống rượu nhưng có sự khai mở) thì giới này cũng đứng sau tức mức độ quan trọng kém hơn nhưng lại nghiêm khắc hơn (không khai mở).

Vấn đề đặt ra là tại sao các giới quan trọng hơn lại có sự khai mở mà giới này thì không. Lời giải thích cho rằng sự khai mở của các giới quan trọng là để cứu người hay chữa bệnh trong khi giới này không có mục đích ấy.

Cũng có ý cho rằng nếu nhìn sâu ta sẽ thấy sự khai mở đối với giới này vẫn có thể đem lại lợi ích lâu dài cho người khác vì đó là một hình thức truyền bá Phật pháp. Do vậy, trước khi bàn về sự khai mở, cần thiết phải hiểu đúng xuất xứ và mục đích của nó.

Theo phẩm Ngày Trai Giới, chương thứ 8, kinh Tăng Chi, đức Phật dạy: ‘Này các Tỳ-kheo, ngày trai giới thực hành thành tựu tám chi phần thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn.’ Trong chi phần thứ bảy đức Phật dạy: ‘Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang.’ (Bản dịch của HT Thích Minh Châu).

Như vậy, lợi ích lớn ở đây là do hành trì tám chi phần (bao gồm giới không sát sinh, không trộm cắp…) chứ không phải chỉ chi phần thứ bảy mà thành tựu. Hơn nữa, thời gian đề cập ở đây chỉ là vào các ngày trai giới.

Mặc dù đức Phật nói tám pháp này với các thầy Tỳ-kheo nhưng đối tượng và mục đích là dành cho hàng cư sĩ tại gia thọ giới Bát quan trai một ngày một đêm. Lý do là hàng xuất gia thì phải hành trì tám pháp cả đời, ngày nào cũng như ngày nấy, chứ không thể chỉ hành trì vào ngày trai giới.

Với hàng tại gia, trong một ngày một đêm, nếu giới tử nào phát tâm thọ trì thì phải giữ gìn giới pháp cho trọn vẹn. Điều này không quá khó vì thời gian thọ trì chỉ một ngày một đêm và chắc rằng tín tâm cần cầu giới pháp của giới tử rất mạnh nên mới phát nguyện thọ giới tu tập.

Theo giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa thì giới ‘không được múa hát và đi xem nghe’ không được đề cập. Tuy nhiên, ‘nội dung của giới này có ghi trong những điều có liên quan đến tội tác ác’ (theo tác giả Bình Anson trích dẫn).

Nguyên nhân được ghi trong Tiểu phẩm của Luật tạng là do nhóm Lục sư đi xem lễ hội và ngâm nga giáo pháp theo âm điệu ca hát nên bị dân chúng phàn nàn, chê bai. Do đó, Phật chế giới này cho các Tỳ-kheo và đồng thời nói về sự tác hại của nó như làm say đắm âm điệu, bị chê cười, và mất chính định.[1]

Như vậy, xuất xứ của giới này là do dân chúng chê bai nhóm Lục sư đi xem nghe và tự ca ngâm; và mục đích của nó là để tránh tiếng xấu và hỗ trợ tu tập.

Ta biết rằng thời đức Phật còn tại thế không có nhiều Tinh xá hay chùa chiền; không có việc thờ cúng bất cứ một vị Phật quá khứ nào; không có hình thức tụng kinh như hiện nay (ngay cả tụng kinh tiếng Pali); không có các hình thức tán tụng, xướng bạch.... và chắc chắn không có văn nghệ dù đó là văn nghệ Phật giáo.

Từ bối cảnh đó, chúng ta có thể suy luận rằng việc múa hát hay xem nghe chỉ có thể xảy ra bên ngoài chốn thiền môn và chỉ phục vụ cho mục đích vui chơi hay thỏa mãn sở thích ham muốn của một số vị nào đó trong chúng xuất gia. Cho nên, Phật chế giới là điều hợp lý và không có lý do gì để khai mở cả.

Trong bối cảnh thời hiện đại thì tất cả những hình thức không có thời đức Phật lại xuất hiện. Đặc biệt trong Phật giáo đại thừa, nghi lễ rất được xem trọng; trong đó, các hình thức tán tụng, lễ nhạc...chiếm một vị trí nhất định trong các sinh hoạt thiền môn. Như vậy là tăng già đã vi phạm vào giới này chăng?!

Lại nữa, trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có Ban văn hóa và trong ban này có nhiều chư tôn đức đảm trách các vị trí chủ chốt. Một trong những sinh hoạt nổi bậc của ban này là tổ chức các chương trình văn nghệ Phật giáo vào các ngày lễ lớn của Phật giáo.

Tổ chức văn nghệ mà không xem nghe thì làm sao thưởng thức hay dỡ; tổ chức văn nghệ mà không động viên tăng ni, Phật tử và quần chúng xem nghe thì xem như thất bại; tổ chức văn nghệ mà không chọn địa điểm ở các nơi công cộng, thuận lợi thì hiệu quả xem ra không đạt. Vậy thì giới này có giữ được chăng?!

Để giải quyết khúc mắc này, thiền sư Nhất Hạnh đã viết lại giới này với nội dung như sau:

Giới thứ bảy là không vướng mắc vào các lối tiêu khiển trần tục: Ý thức được những ca khúc, phim truyện, sách báo và các trò giải trí của thế gian có thể có tác dụng độc hại cho thân tâm người xuất gia và làm mất thì giờ cho công phu tu học của mình, con nguyện không để bị chìm đắm theo những sản phẩm ấy...

Thực tập giới này, vị Sa di (người xuất gia) biết rằng những bài xướng tán, thi kệ và những khúc đạo ca có công dụng chuyên chở đạo pháp giải thoát đều có thể là những phương tiện thực tập chính niệm và vun trồng đạo tâm

Với cách nhìn của thiền sư thì khúc mắc trên đã được giải quyết ổn thỏa. Người xuất gia không múa hát và xem nghe những sản phẩm có thể dẫn đến bị chìm đắm và sinh phiền muộn nhưng được phép sử dụng nó như là phương tiện để đưa Phật pháp vào đời. Chư tăng ni hành trì các nghi thức tán tụng...đã hóa độ rất nhiều tín đồ vào đạo và sau đó trở thành Phật tử. Các chương trình văn nghệ Phật giáo có ảnh hưởng nhất định trong việc truyền bá Phật giáo đến quần chúng.

Hơn nữa, việc tham đắm (nếu có) vào việc tán tụng kinh điển thì sao lại thị chê cười và khi hành trì đúng pháp thì sao có thể dẫn đến mất chánh định. Về múa hát và xem nghe, người ta thường bị tham đắm nơi vũ trường hay dạ hội nơi thu hút sở dục của con người chứ mấy ai mê đắm nhạc thiền Phật giáo.

Nếu mọi người đều mê đắm và hát nhạc Phật giáo thì đó lại là điều phúc báo cho Phật giáo và nhân loại. Do vậy, vị trí giới này trong Phật giáo xem như đã rõ.

Tinh thần ‘tùy duyên bất biến’ của Phật giáo thật vi diệu. Các giới pháp Phật chế nhằm mục đích đem đến an vui và giải thoát nên luôn phải được hiểu và hành trì đúng đắn theo bối cảnh xã hội đương thời. Phật không hề khuyến khích phải hành trì cứng nhắc các giới pháp nên chính kiến về giới này là điều thiết thực.

[1] http://www.tangthuphathoc.com/nghiencuuph/conencahatkhong.htm

Thích Hạnh Chơn