Thiền sư Khuông Việt (933 - 1010) không chỉ là một nhà tu hành mà còn là một nhà chính trị, một nhà ngoại giao tài ba của nước Việt. Danh tiếng cũng như huyền thoại về ông – tấm gương sáng về tinh thần đạo pháp dấn thân cùng dân tộc vẫn được lưu truyền từ ngàn đời nay trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Kỷ niệm 999 năm Thiền sư viên tịch, ngày 30/3, một cuộc hội thảo khoa học về thân thế, đạo pháp và cuộc đời của Thiền sư Khuông Việt với sự tham gia của nhiều nhà sử học, triết học Phật giáo, các nhà nghiên cứu văn học đầu ngành đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Khuông Việt tổ chức. Hội thảo diễn ra ngay tại giảng đường của Học viện Phật giáo Việt Nam, dưới chân núi Phù Lĩnh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội – địa danh được tương truyền là nơi Thiền sư Khuông Việt từng cáo lão, từ quan về ở ẩn và mở trường giảng dạy đạo pháp.
Theo các tài liệu sử học của quốc gia, Thiền sư Khuông Việt tên thật là Ngô Chân Lưu, người làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, nay là xã Phù Linh, Sóc Sơn. Năm 40 tuổi, Ngài được Vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung đàm đạo, nghị việc quốc gia. Nhờ những khả năng đặc biệt cũng như phẩm hạnh đạo pháp hết mực uyên thâm, Thiền sư Khuông Việt đã được nhà vua phong các chức Tăng Thống, Thái sư đầu triều. Trong tu tập, Thiền sư Khuông Việt là người kế thừa đời thứ 4 của dòng thiền Vô Ngôn Thông (còn gọi là Quan bích, tuân theo tôn chỉ tọa thiền quay mặt vào vách của Tổ Bồ đề Đạt Ma, với quan điểm không có sự khác biệt giữa Tâm – Phật – Chúng sinh). Đến đời nhà Trần, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã kế thừa được những tinh hoa của thiền phái Vô Ngôn Thông.
Theo các tham luận tại buổi hội thảo, trong chặng đường đạo – đời của mình, Thiền sư Khuông Việt đã thống nhất và phát triển các hệ phái Phật giáo, đồng thời định hướng tư tưởng tốt đời đẹp đạo. Nhờ đó, hiển vinh Phật giáo trở thành một công cụ tinh thần để quản lý và xây dựng quê hương, đất nước. Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cho đến nay, các bài thơ, kệ của Ngài vẫn là những bài học Pháp môn căn bản cho tăng ni, Phật tử; là bài học về quá trình tu dưỡng học tập Phật pháp, phấn đấu vì lợi ích quốc gia cho các thế hệ mai sau.
Tham luận của các nhà khoa học tại hội thảo cũng gợi mở nhiều hướng khảo cứu, đề nghị làm rõ thêm về tên tuổi, thân phận cũng như thời điểm viên tịch của Thiền sư Khuông Việt. Các học giả cũng đặc biệt đề cao phẩm chất của nhà lãnh đạo tinh thần, tư tưởng chính trị sâu sắc cũng như những dấu ấn đậm nét của Thiền sư thông qua tác phẩm văn chương bất hủ là bài từ: Tống vương lang quy mà Thiền sư đã tặng cho sứ giả nhà Tống. Không chỉ có giá trị lớn về văn học, bài từ còn đem lại một hiệu quả có tầm quan trọng bang giao đặc biệt, góp phần đẩy lui tham vọng bành trướng, chinh phạt nước Việt của giặc ngoại xâm.
Kỷ niệm 999 năm Thiền sư viên tịch, ngày 30/3, một cuộc hội thảo khoa học về thân thế, đạo pháp và cuộc đời của Thiền sư Khuông Việt với sự tham gia của nhiều nhà sử học, triết học Phật giáo, các nhà nghiên cứu văn học đầu ngành đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Tạp chí Khuông Việt tổ chức. Hội thảo diễn ra ngay tại giảng đường của Học viện Phật giáo Việt Nam, dưới chân núi Phù Lĩnh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội – địa danh được tương truyền là nơi Thiền sư Khuông Việt từng cáo lão, từ quan về ở ẩn và mở trường giảng dạy đạo pháp.
Theo các tài liệu sử học của quốc gia, Thiền sư Khuông Việt tên thật là Ngô Chân Lưu, người làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, nay là xã Phù Linh, Sóc Sơn. Năm 40 tuổi, Ngài được Vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung đàm đạo, nghị việc quốc gia. Nhờ những khả năng đặc biệt cũng như phẩm hạnh đạo pháp hết mực uyên thâm, Thiền sư Khuông Việt đã được nhà vua phong các chức Tăng Thống, Thái sư đầu triều. Trong tu tập, Thiền sư Khuông Việt là người kế thừa đời thứ 4 của dòng thiền Vô Ngôn Thông (còn gọi là Quan bích, tuân theo tôn chỉ tọa thiền quay mặt vào vách của Tổ Bồ đề Đạt Ma, với quan điểm không có sự khác biệt giữa Tâm – Phật – Chúng sinh). Đến đời nhà Trần, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã kế thừa được những tinh hoa của thiền phái Vô Ngôn Thông.
Theo các tham luận tại buổi hội thảo, trong chặng đường đạo – đời của mình, Thiền sư Khuông Việt đã thống nhất và phát triển các hệ phái Phật giáo, đồng thời định hướng tư tưởng tốt đời đẹp đạo. Nhờ đó, hiển vinh Phật giáo trở thành một công cụ tinh thần để quản lý và xây dựng quê hương, đất nước. Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cho đến nay, các bài thơ, kệ của Ngài vẫn là những bài học Pháp môn căn bản cho tăng ni, Phật tử; là bài học về quá trình tu dưỡng học tập Phật pháp, phấn đấu vì lợi ích quốc gia cho các thế hệ mai sau.
Tham luận của các nhà khoa học tại hội thảo cũng gợi mở nhiều hướng khảo cứu, đề nghị làm rõ thêm về tên tuổi, thân phận cũng như thời điểm viên tịch của Thiền sư Khuông Việt. Các học giả cũng đặc biệt đề cao phẩm chất của nhà lãnh đạo tinh thần, tư tưởng chính trị sâu sắc cũng như những dấu ấn đậm nét của Thiền sư thông qua tác phẩm văn chương bất hủ là bài từ: Tống vương lang quy mà Thiền sư đã tặng cho sứ giả nhà Tống. Không chỉ có giá trị lớn về văn học, bài từ còn đem lại một hiệu quả có tầm quan trọng bang giao đặc biệt, góp phần đẩy lui tham vọng bành trướng, chinh phạt nước Việt của giặc ngoại xâm.
L.Đ (TT&VH)