Thượng tọa Thích Minh Hiền |
Cả nước đang hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, xin Thượng tọa cho biết Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức chương trình đặc biệt nào trong năm đại lễ này?
Chúng tôi đã xây dựng đề cương kịch bản “Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long - Hà Nội”. Đây là sự kiện ngàn năm có một mà Phật giáo có thiện duyên đảm trách.
Đề cương gồm 3 chương trình quan trọng: Lễ rước long vị vua Lý Thái Tổ, long vị các bậc quốc sư danh tăng Việt Nam; Đại lễ Kỳ an- Kỳ siêu; Hội thảo khoa học và tuần lễ văn hóa nghệ thuật Phật giáo.
Từ sáng 27-7-2010 tại Đền Đô, long vị vua Lý Thái Tổ và các danh tăng sẽ được đặt uy nghiêm trên lễ đài trước lòng thành kính của chư tăng ni, phật tử, thiện tín thập phương.
Sau lễ khai mạc, long vị sẽ được rước lên xe hoa khởi hành tới chùa Tiêu Sơn rồi về Hà Nội. Trên suốt đoạn đường đi có hàng trăm chiếc trống đại, trống ban liên tục gõ hòa nhịp và thi nhịp cùng hàng trăm cây kèn dài, kèn Soma, kèn bầu chia thành từng tốp trong đoàn rước cử hành nhạc lưu thủy kim tiền, lưu thủy hành vân, cùng các nhạc phẩm Phật giáo.
Sau khi đoàn rước về đến Hà Nội, 15h30 tại Hoàng thành Thăng Long, sẽ có lễ nghênh đón rước và tổ chức tuyên đọc công trạng Thánh Đức Lý Thái Tổ và các bậc quốc sư, danh tăng Việt Nam qua các triều đại.
Lễ hội Kỳ an - Kỳ siêu được tổ chức tại khu thành cổ Hoàng thành Thăng Long vào ngày 28 và 29-7-2010, với 3 lễ chính: Kỳ an cầu cho quốc thái dân an; Lễ Kỳ siêu với Đàn Mông Sơn, lục cúng, tụng kinh, phóng đăng; phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu vào đêm 29-7-2010.
Từ ngày 30-7 đến 3-8, sẽ diễn ra nhiều cuộc hội thảo với các chủ đề: Phật giáo trong đời sống doanh nhân; Phật giáo trong sản xuất nông nghiệp; Phật giáo với giáo dục; Phật giáo trong sinh hoạt công cộng, giao thông, lễ hội; Phật giáo và nền kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới…
Ngoài ra, sẽ có rất nhiều chương trình ca múa nhạc Phật giáo đại chúng, triển lãm Mỹ thuật Phật giáo, trưng bày cổ vật, công bố kỷ lục Phật giáo, an vị tượng Thánh Gióng ở Sóc Sơn…
Độc đáo đường đá Quan Âm Kiều
Từ khi tiếp nối Tông phong Hương Tích, Thượng tọa đã xây dựng thêm những công trình nào tại chùa Hương?
Xuất gia tu hành, chúng tôi có ưu tư rất lớn về vấn đề trùng tu di tích. Chúng tôi có thiện duyên là, từ cách đây 8 năm, đã đi sâu vào nghiên cứu kiến trúc cổ.
Với trách nhiệm giảng dạy kiến trúc tại Học viện Phật giáo Hà Nội, chúng tôi đang cố gắng hướng cho các vị trụ trì các ngôi chùa có kiến thức về kiến trúc, nâng cao sở học chuyên môn về công tác trùng tu, xây dựng các hạng mục công trình mà mình đang sống và tu hành.
Từ khóa đầu tiên, có 100 tăng ni theo học. Đến nay chúng tôi đã đào tạo được 300 tăng ni về kiến trúc và trùng tu, xây dựng di tích.
Quần thể chùa Hương luôn được các đời trụ trì nối tiếp nhau mở mang, xây dựng ngày một khang trang hơn. Tiếp nối tiền nhân, trải qua 8 năm trụ trì chùa Hương, tôi đã thiết kế, xây dựng thêm một số công trình.
Một là, thiết kế và lắp đặt quần thể Tháp Chân Tịnh bằng đá xanh để báo ân tôn sư Thích Viên Thành. Hai là, xây dựng con đường đá Quan Âm Kiều dài 1km trước cửa động Hương Tích.
Đây là công trình vô cùng đặc biệt, có lẽ chưa ngôi chùa nào khác ở Việt Nam xây dựng được công trình tương tự. Đường xây gắn trên vách đá ở độ cao hàng trăm mét so với mặt đất, nên phải thiết kế các con dầm lao từ trong vách đá ra.
Xây dựng công trình này, phải kết hợp giữa kiến trúc cầu và cảng bằng đá, những tảng đá xanh nguyên khối được kết nối với bê tông, nên vô cùng kỳ công.
Ba là, xây dựng đường Triều Sơn Lộ từ Bến Trò lên Nhà Bia, cũng bằng bê tông kết hợp với đá xanh khối. Bốn là, trùng tu lại 2 nhà tả hữu vu vốn có trước đây của Tùng lâm Hương Tích từ những năm 1950, để sử dụng làm bảo tàng, triển lãm, phòng trưng bày truyền thống và nhà khách.
Chúng tôi đã xin phép và được chấp nhận trùng tu lại tòa thiêu hương, nhà tiền tế trước tòa tam bảo; tiếp tục trùng tu dãy nhà phía bên phải tam bảo để làm giảng đường. Dự kiến năm 2010 sẽ động thổ. Tương lai gần cũng sẽ xây dựng công trình tượng Quan Âm lộ thiên.
Vá di tích - kiểu của Việt Nam
Thời gian gần đây, nhiều di tích hàng trăm năm tuổi sau khi được trùng tu đã trở thành một tuổi. Thượng tọa vừa là người tu hành Đạo Phật, vừa là nhà kế tục thiết kế xây dựng, trùng tu và mở mang kiến trúc chùa Hương, quan điểm của Thượng tọa về vấn đề này như thế nào?
Do trình độ vá của chúng ta quá kém, di tích chẳng khác nào chiếc áo vá chằng vá đụp, với nham nhở những mụn vá. Bởi hỏng bộ phận nào thì rút bộ phận ấy ra để thay thế cho nên trên cùng một hạng mục kiến trúc, là tập hợp sản phẩm của rất nhiều thời đại. Cái rui thì của thời này, nhưng cái mè lại mang niên đại khác. Vì không thể khắc chữ ghi niên đại trên từng thanh gỗ, nên người chiêm ngưỡng cũng khó mà phân biệt được giá trị của chúng giữa một mớ hổ lốn như vậy. |
Khi chúng ta đến Ấn Độ, nơi Đức Phật sống cách đây 2.500 năm, vẫn thấy những viên gạch từ thời đó, ai cũng mừng. Nhưng nhìn ở góc độ kiến trúc, thì lại thấy người ta cứ bỏ hoang suốt hơn 2.000 năm.
Những công trình kiến trúc của các thời đại nối tiếp nhau sau đó được xây dựng bên cạnh, kiến trúc thời sau không chồng lên kiến trúc thời trước. Toàn bộ tháp hay công trình kiến trúc thời Đức Phật cứ lụn dần đi nhưng khi chúng tôi đến chiêm ngưỡng lại vô cùng xúc động, vì bàn tay mình được chạm vào 2.500 năm trước.
Quan điểm thứ hai là xóa toàn bộ những kiến trúc cũ đã hư hỏng, xây dựng lại kiến trúc mới với vật liệu và hình dạng, kết cấu tương tự cho có vẻ giống với di tích cũ. Đây là cách thức bảo tồn của Nhật Bản.
Với cách thức này, vừa có được kiến trúc kiên cố, đồng thời người thời nay vẫn được chiêm ngưỡng hình ảnh của ngôi chùa cổ xưa.
Chúng ta không còn kiến trúc cổ nào thuần nhất của 500 năm trở lên, 1.000 năm lại càng không có. |
Quan điểm thứ ba là theo cách thức bảo tồn di tích ở Việt Nam, khác hẳn Ấn Độ, cũng không nghiêng về Nhật Bản. Cách bảo tồn thường thấy ở nước ta từ xưa đến nay là vá cho di tích, di vật một lớp áo để che giấu những thứ đã băng hoại, và ngăn chặn những gì chuẩn bị băng hoại. Cách thức này bộc lộ vô vàn bất cập.
Theo tư tưởng Phật giáo, nhà chùa không được phép sát sinh, nên không được sử dụng hóa chất để diệt mối mọt. Nếu thanh gỗ nào bị hỏng thì rút ra thay, mối mọt ở những thanh gỗ khác chưa hỏng sẽ lan sang thanh gỗ mới thay và phá hủy nhanh chóng, nên hiệu quả của việc trùng tu khó bền lâu.
Mặt khác, ngày nay nhà nước và thế giới đã cấm khai thác và sử dụng gỗ rừng nguyên sinh. Những di tích thuộc Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch quản lý, chỉ có công trình loại A đỏ là dám mua gỗ thôi. Mà làm sao dám sử dụng loại gỗ rừng nguyên sinh tuổi nghìn năm. Chủ yếu dùng gỗ rừng trồng hoặc gỗ có tuổi vài chục năm.
Những vật liệu này, chỉ sau vài chục năm sẽ lại hư hỏng. Bởi vậy chúng ta phải tìm giải pháp, thay thế bằng những nguyên liệu khác vừa rẻ vừa bền, như bê tông chẳng hạn.
Thời gian gần đây, có luồng dư luận phê phán nhiều di tích sau khi trùng tu từ vài trăm tuổi đã trở thành một tuổi. Sự phê phán này đôi khi phiến diện! Trùng tu giữ nguyên tuổi của di tích là điều mọi người mong muốn, nhưng đây lại là điều không ai làm nổi, dù cho có thật nhiều tiền.
Muốn phán xét việc trùng tu di tích, cần phải đứng ở nền tảng đương đại để đưa ra quan điểm. Chọn cách thức trùng tu, trước hết phải căn cứ trên thực lực kinh tế của từng ngôi chùa hoặc khoản tiền nhà nước cấp.
Quan điểm xây dựng và trùng tu di tích của tôi là: Duy trì truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam bằng ngôn ngữ kiến trúc đương đại.
Chu Minh Khôi
Theo tienphong