LỄ TRUY ĐIỆU VÀ CUNG TỐNG KIM QUANG
HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỒNG HUY
NHẬP BẢO THÁP
Vào lúc 7 giờ ngày 10 tháng 01 năm 2009, tại Tu viện Vạn Hạnh, huyện Phú Mỹ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Môn nhơn đệ tử trọng thể cử hành lễ truy điệu và cung tống kim quan Hòa thượng Thích Đồng Huy nhập bảo tháp.Đến chứng minh và tham dự có HT. Thích Tịnh Trí – Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự; HT. Thích Giác Toàn – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kinh tế Tài chánh TW; HT. Thích Thiện Pháp – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 TWGH; HT. Thích Thiện Tâm - Ủy viên thường trực HĐTS; TT. Thích Thiện Thống - Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TWGH; HT. Thích Huệ Thành – Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Ban Đại diện Phật giáo các huyện, thành phố thuộc đơn vị tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các Tự, Viện và hàng ngàn Phật tử tham dự.
Buổi lễ vinh dự đón tiếp ông Nguyễn Văn Ngon – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, trưởng Ban Tôn giáo tỉnh; các Sở, Ban ngành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, huyện Phú Mỹ.
Để ôn lại công đức và đạo nghiệp của của bậc thạch trụ thiền gia quảy dép về tây, Hòa thượng Thích Nguyên Trực – Phó Trưởng Ban Trị sự cung tuyên tiểu sử Hòa thượng Thích Đồng Huy - Thành viên HĐCM, Ủy viên HĐTSTW GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng Ban Quản trị Đại Tòng Lâm, Viện chủ Tu viện Vạn Hạnh:
I. THÂN THẾ:
Hòa Thượng thế danh Phan Văn Đa, tự Thanh Tùng, pháp danh thượng Đồng hạ Huy, hiệu Trí Thắng (thuộc đời 43 phái Lâm Tế dòng kệ của Tổ Minh Hải - Pháp Bảo). Sinh năm 1919 tại làng Lãnh Đông, huyện Điện Bàng, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là ông Phan Thanh Quyến, thân mẫu là bà Huỳnh Thị Trợ. Gia đình có tất cả 5 người con, hai trai ba gái, Hòa thượng là người con thứ tư trong gia đình. Ngài mồ côi cha từ thuở nhỏ. Năm lên 8 tuổi, Ngài ở với nội và học Hán văn, lớn lên Ngài theo mẹ vào Nam sinh sống.
II. THỜI GIAN XUẤT GIA HỌC ĐẠO:
Hòa thượng cùng mẹ xa quê hương sống lưu lạc miền Nam và dừng chân trên mảnh đất Phan Thiết (Bình Thuận) bằng nghề thợ may. Sinh trưởng trong một gia đình Nho phong và một lòng kính tin Tam Bảo, cơ duyên Phật pháp đã đến, năm 1938 Hòa thượng vừa tròn 19 tuổi, được sự đồng ý của mẹ cho xuất gia quy y với Thiền sư HƯNG TỪ, pháp danh Thị Lạc, hiệu Hạnh Thiện tại chùa Long Đoàn, núi Trà Cú (Bình Thuận).
- Năm 1942, được sự cho phép của Bổn sư, Hòa thượng thọ giới Sa di tại chùa Hưng Khánh (Bình Định), sau đó theo Hòa thượng Huyền Ý, chùa Liên Tôn (Bình Định) học luật được 1 năm.
- Năm 1943, Hòa thượng đã được trúng tuyển vào học tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh).
- Năm 1945, phong trào Cách mạng tháng 8 nổi lên, theo tiếng gọi của Tổ quốc, học Tăng phải ly tán, nhà trường phải tạm nghỉ, lúc bấy giờ Hòa thượng theo hoạt động Việt Minh, tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi đình chiến, năm 1955, Hòa thượng trở lại xuất gia và tu học tại chùa Phú Thạnh (Phú Nhuận, Sài Gòn) cầu pháp nhân duyên với Hòa thượng thượng THIỆN hạ HÒA và nhập học tại Phật Học Đường Nam Việt (chùa Ấn Quang, Chợ Lớn, Sài Gòn).
- Năm 1956, được sự đồng ý của Hòa thượng cầu pháp và Ban Giám đốc nhà trường, Hòa thượng được thọ tam đàn Cụ Túc tại chùa Pháp Hội (Chợ Lớn, Sài Gòn) do Hòa thượng thượng HÀNH hạ TRỤ Làm đàn đầu.
- Từ năm 1960-1963, Hòa thượng được Hòa thượng THIỆN HÒA đưa về trụ trì chùa Đại Tòng Lâm thuộc xã Phú Mỹ, quận Long Lễ, tỉnh Phước Tuy (nay là Thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu),
- Năm 1964, Hòa thượng xin theo học lớp chuyên khoa ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm, Ngài được giao phó giữ chức vụ Tri sự cho Bản viện.
III. THỜI KỲ HÓA ĐẠO:
- Năm 1960-1963, Đại Tòng Lâm Phật Giáo đang kiến thiết xây dựng và thiếu người trông coi, Hòa thượng là người lớn tuổi nhất tại Phật Học Đường Nam Việt, sau khi mãn khóa được Hòa thượng THIỆN HÒA điều về trụ trì chùa Đại Tòng Lâm, chăm lo công việc khai khẩn và kiến thiết. Nhưng nhận thấy sự học của mình còn yếu chưa đủ khả năng hoằng dương chánh Pháp, Hòa thượng xin phép Hòa thượng THIỆN HÒA nghỉ chức trụ trì và theo học lớp chuyên khoa Phật Học tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm và được giao chức vụ Tri sự chăm lo đời sống kinh tế cho viện.
- Năm 1964-1970, được Giáo hội điều về làm Ban Quản trang An Dưỡng Địa, Phú Lâm, Sài Gòn. Đồng thời là thành viên sáng lập hãng nước tương Vị Trai Lá Bồ Đề tại chùa Giác Sanh, Phú Thọ, Chợ Lớn.
- Năm 1970, khai sơn Tu viện Vạn Hạnh và khai khẩn trên 300 hécta đất tại xã Phú Mỹ để cấp cho Tăng Ni và Phật tử có nơi tu hành và sinh sống.
- Năm 1990, sáng lập chùa Vạn Thiện, Vạn Phước, Vạn An và trùng tu lần thứ nhất Tu viện Vạn Hạnh. Ngoài ra, Hòa thượng còn khai khẩn 20 hécta diện tích đất trên sườn núi Thị Vãi để trồng cây ăn trái và gây rừng, đồng thời còn lập ra nhiều am thất để cho chư Tăng có nơi tu học.
- Năm 1992, Hòa thượng Bổn sư (Thượng Hưng hạ Từ) viên tịch, giao Tổ Đình Pháp Hội cho Hòa thượng nhưng Hòa thượng giao lại cho pháp đệ là Thượng tọa Thích Ấn Chánh trông coi và xây dựng, hướng dẫn chư Tăng, tín đồ tu học.
- Năm 2000, trùng tu lần thứ 2 Tu Viện Vạn Hạnh.
a. Về hoạt động Giáo hội và Xã hội:
- Với tinh thần yêu nước và luôn luôn phụng sự đạo pháp trong tinh thần vô ngã vị tha, hướng dẫn Tăng Ni Phật Tử tu học. Ngoài vấn đề cấp đất, xây dựng tự viện cho Tăng Ni tu học, trong giai đoạn này, Hòa thượng đóng vai trò quan trọng và giữ nhiều chức vụ tùy theo hoàn cảnh của xã hội để lèo lái con thuyền Phật Pháp cho tỉnh nhà.
- Năm 1972, được sự tín nhiệm của toàn thể Tăng Ni và Phật tử, Hòa thượng giữ chức vụ Phó Ban Đại diện GHPHVNTN tỉnh Phước Tuy, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo quận Long Lễ và Chánh Đại diện khu tự trị Phật giáo làng Vạn Hạnh.
- Năm 1977, Hòa thượng làm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Đồng thời tham gia công tác Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng Nhân dân huyện Châu Thành.
- Năm 1981, Hòa thượng là Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai.
- Năm 1986, Hòa thượng làm Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai kiêm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Châu Thành.
- Năm 1989, Hòa thượng làm Trưởng Ban vận động mở lớp giáo lý và thành lập trường Cơ Bản Phật học Đại Tòng Lâm.
- Năm 1990, Ngài là Phó ban Giám đốc Đại Tòng Lâm, đặc trách giám luật.
- Năm 1992 cho đến nay, Ngài là Uỷ viên Hội Đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự Phật Giáo tỉnh Bà Rịa
- Vũng Tàu kiêm Trưởng Ban giáo dục Tăng Ni tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu qua 4 nhiệm kỳ.
- Tại Đại hội Phật giáo khoá IV (1997), Ngài được tấn phong Hòa thượng và được suy cử vào Thành viên HĐCMTW GHPGVN. Cũng trong năm này, Ngài được bầu làm Trưởng Ban Quản trị Đại Tòng Lâm.
- Năm 2002, Ngài được bầu làm Ủy viên HĐND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, khóa III (2002 - 2007).
- Năm 2009, vì tuổi cao sức yếu, nhưng được sự tín nhiệm của Tăng Ni, Ngài vẫn giữ chức Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoá IV (2007-2012).
b. Về tổ chức Giới đàn:
Bằng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn Tòng Lâm, biểu tượng nơi quy hướng cho Tăng Ni và Phật tử, Hòa thượng đã đảm nhận:
- Đệ Nhị Tôn Chứng Tăng già, Giới đàn chùa Long Hoa, Long Đất, Đồng Nai vào năm 1976.
- Giáo Thọ A Xà Lê, Giới đàn chùa Long Thiền, Biên Hòa, Đồng Nai do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai tổ chức năm 1984.
- Trưởng Ban Kiến Đàn Đại Giới đàn Thiện Hòa I do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức năm 1993 tại Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Giới đàn đã quy tụ trên 2000 giới tử.
- Trưởng Ban tổ chức Đại Giới đàn Thiện Hòa II do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức vào năm 1996 tại Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
- Trưởng Ban tổ chức Đại Giới đàn Thiện Hòa III do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức vào năm 2000 tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
- Trưởng Ban tổ chức Đại Giới đàn Thiện Hòa IV do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức vào năm 2003 tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
- Hòa Thượng Đàn đầu Đại Giới đàn Thiện Hòa V do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức năm 2006 tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
- Hòa Thượng Đàn đầu Đại Giới đàn Thiện Hòa VI do Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức năm 2009 tại Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
c. Về Phiên dịch:
Ngoài công tác Phật sự đa đoan và hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học, Hòa thượng còn dành nhiều thời gian phiên dịch về Luật Tạng để lại cho hậu thế, các bộ sách Ngài đã phiên dịch là:
1. Tứ Phần Luật Tạng: 60 quyển
2. Luật Học: 01 quyển
3. Tỳ Kheo Ni Sao: 03 quyển
4. Luật Học Cương Yếu: 01 quyển
5. Tỳ Kheo Giới Bổn Sớ Nghiã: 01 quyển
6. Phạm Võng Lược Sớ: 10 quyển
7. Tỳ Kheo Tăng Sao: 03 quyển
8. Luật Tứ Phần Như Thích
9. Yết Ma Đại Cươn 01 quyển
10. Phật Học Diễn Giảng
11. Tỳ Kheo Giới Bổn Lược Giải: 01 tập
12. Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Lược Giải: 01 tập
Ngài là vị Giám Luật nghiêm minh mẫu mực, giới đức và công hạnh của Ngài là tấm gương sáng ngời xứng đáng cho đàn hậu tấn kính ngưỡng noi theo.
IV. THỜI KỲ LÂM BỆNH:
Với 90 năm trên cuộc đời hạnh nguyện vị tha vô ngã, cống hiến cho đạo pháp và xã hội, Ngài là bậc đại thọ của Tăng Già, nào ngờ vô thường một thoáng, kiếp sống tạm bợ mong manh như sương như khói, phút chốc bổng giật mình, nhục thân của Hòa thượng đã mòn mỏi tự bao giờ, Hòa thượng lâm bệnh tuổi già sức yếu. Mặc dù môn đồ Pháp quyến và chư Tôn Đức lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tăng Ni các nơi nhứt tâm cầu nguyện, với sự tận tâm chữa trị của bác sĩ cầu mong Ngài sớm bình phục, nhưng vô thường vẫn là định luật nghìn xưa.
Vào những ngày cuối cùng, Đại Giới đàn Thiện Hòa VI được khai mạc, trên giường bệnh Hòa thượng luôn luôn nhắc nhở và sách tấn theo dõi từng ngày cho đến khi Đại Giới đàn bế mạc và thành công.
Thế nhưng:
“Thân tứ đại phải về nơi tứ đại,
Cõi hồng trần ai cũng phải ra đi.”
Ngài đã thuận theo lý vô thường, xã báo thân an nhiên thị tịch vào lúc 18giờ 45 ngày 03 tháng 01 năm 2010 (Nhằm ngày 19 tháng 11 năm Kỷ Sửu) tại Tu viện Vạn Hạnh, làng Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trụ thế: 90 năm - Hạ lạp : 55 năm.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN thay mặt trung ương Giáo hội đọc lời tưởng niệm:
Trước khi cử hành lễ cung tống kim quan Hòa thượng nhập Bảo tháp, nơi an nghỉ ngàn thu của trần thế, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni, Phật tử có đôi lời tưởng niệm.
Kính bạch Giác Linh Hòa thượng,
Từ vùng đất Quảng Nam cát trắng trải dài, sóng biển dạt dào bất tuyệt, địa linh nhân kiệt, ngũ phụng tề phi, nước sông Thu Bồn thao thao dòng diệu sử, xứ Điện Bàn gió quyện mây từ. Năm 19 tuổi, Hòa thượng đã sơm phát chí xuất trần, chùa Long Đoàn xả tục cầu chân, nêu cao chí cả. Chùa Phú Thạnh – Sài thành lại tiếp tục con đường giải thoát, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm. Rồi theo luật Phật định kỳ, Hòa thượng đăng đàn thọ Đại giới, giới thể châu viên, chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam Bảo tam tôn kế vị, đạo nghiệp từ đây phát triển.
Trên bước đường đầu tư tri thức Phật học, Hòa thượng đã theo học các Phật học đường Lưỡng Xuyên – Trà Vinh, Phật học đường Nam Việt - Ấn Quang, Phật học Viện Huệ Nghiêm – Sài gòn Gia Định, tinh cần nghiên tầm giáo điển, nghĩa lý tinh tường, thấu lẽ huyền vi, đạt lý chân thường. Từ đây, tâm hoa khai phát, trí tuệ khai thông, đạo tâm trác thế, Tổ ấn trùng quang, tông phong vĩnh chấn, xứng danh con nhà họ Thích ngàn đời, Hòa thượng đã thắp sáng đèn Thiền Chúc Thánh, thuộc dòng phái Minh Hải – Pháp Bảo, thay Phật tiếp Tổ truyền đăng tục diệm.
Quả thật:
“Giới đức trang nghiêm từ độ ấy
Họ Thích ngàn đời mãi lưu danh ”.
Với ý nghĩa là đống lương Phật pháp, bằng tinh thần phụng sự Đạo pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, hơn nữa thế kỷ hoằng dương Chánh pháp, làm bậc thạch trụ Thiền gia, Hòa thượng đã nỗ lực truyền trì đạo mạch, kiến lập đạo tràng, mở Trường Phật học, khai đàn truyền giới, thí pháp khai tâm, từng lớp Tăng Ni, Phật tử hậu học thấm nhuần ân giáo dưỡng, giới thể châu viên, thuận dòng giải thoát. Nhất là trong việc duy trì và phát triển Đại Tòng Lâm Phật giáo, Hòa thượng là một trong những nhân tố tích cực làm cho Phật giáo tỉnh Phước Tuy, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu không ngừng phát triển về mọi mặt, từ những ngày đầu lịch sử cho đến hôm nay.
Với tinh thần giới đức trang nghiêm, thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm, vì thế khi Hòa thượng đến nơi nào, đạo pháp đều hưng thịnh, từng lớp Tăng Ni trở thành pháp khí Đại thừa, là Trưởng tử của Như Lai, Thánh chủng thiệu long; khuyến hóa Tăng Ni, Phật tử tiến tu giải thoát, lợi lạc hữu tình, tốt Đạo đẹp Đời, đã không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tỉnh hội Phật giáo Phước Tuy, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc.
Trong ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo, là trang nghiêm Tịnh độ tại nhân gian, Hòa thượng đã cùng Tăng Ni, Phật tử quyết chí trùng tu ngôi phạm vũ Phật giáo Đại Tòng Lâm, Tu viện Vạn Hạnh, chùa Vạn Thiện, Vạn Phước, Vạn An, Tổ đình Pháp Hội trang nghiêm tú lệ, xứng đáng là cơ sở của Giáo hội tại địa phương.
Thế những tưởng, trên bước đường phụng sự Đạo pháp, phục vụ chúng sinh, Hòa thượng còn trụ thế lâu hơn nữa để chung vai gánh vác Phật sự của Trung ương Giáo hội và Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa Vũng Tàu, làm bóng cây đại thụ che mát cho Tăng Ni, Phật tử. Nào ngờ đâu, vô thường lão bệnh không hẹn cùng ai, sớm còn tối mất, trần gian là cõi tạm, thân tứ đại trả về với tứ đại, nhớ khi xưa chốn song lâm Thế Tôn còn hiện tướng Niết Bàn, nay mãn nguyện ta bà, Hòa thượng thu thần về cõi Phật. Ôi! Trăng lạnh phương bào, mây mờ viên đãnh, Tăng Ni còn đó Thiện tín còn đây, Môn đồ sum vầy, thế mà giờ đây Hòa thượng đã tự tại ra đi.
Quả thật:
“Ta Bà quả mãn về cõi Phật
Niết Bàn tự tại giữ nguyện xưa
Huyễn thân nay đã đâu còn nữa
Tứ chúng, môn đồ mãi nhớ thương”
Hạnh nguyện của Hòa thượng là tuyệt diệu, như cánh nhạn giữa trời không, như bóng trăng in đáy nước. Song sự ra đi vĩnh viễn của Hòa thượng chúng tôi không làm sao tránh khỏi sự bùi ngùi, luyến tiếc.
“Ngoảnh nhìn cuộc thế như giấc mộng
Sanh tử Niết bàn vẫn không hai
Người đi kẻ ở bao niềm nhớ
Đạo nghiệp muôn đời mãi khắc ghi”.
Hôm nay, trong giây phút nghìn thu vĩnh biệt, trước linh đài khói hương quyện tỏa, đôi lời tưởng niệm, kính nguyện Giác linh Hòa thượng không quên nguyện lực, trở lại Ta Bà để tiếp tục thực hành Bồ tát đạo, phát triển đạo vàng, quang vinh họ Thích ngàn đời.. Đồng thời, để tưởng nhớ công đức và gương đạo hạnh của Hòa thượng, chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là những pháp lữ đồng sự, đồng hành trong Chánh pháp, xin đốt nén tâm hương cúng dường Giác linh Hòa thượng để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ đời đời trong Chánh pháp, và xin nguyện cùng kề vai sát cánh bên nhau, đoàn kết một lòng cùng chung lo Phật sự, tiếp tục xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa Vũng Tàu ngày thêm xương minh, ổn định trong lòng dân tộc.
Cuối cùng trong ý nghĩa Niết bàn vô tung bất diệt, nơi Bảo tháp Vạn Hạnh trang nghiêm in dấu ngàn thu, Pháp thân lồng lộng khắp mười phương, xin Giác Linh Hòa thượng thùy từ chứng giám.
Xin bái biệt Hòa thượng !
Hòa thượng Thích Quảng Hiển – Phó Trưởng Ban Trị sự thay mặt toàn Ban Trị sự, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có đôi lời tưởng niệm trước khi cung tống kim quan Hòa thượng Thích Đồng Huy nhập bảo tháp. Môn nhơn đệ tử dâng lời ai điếu bậc Tôn sư khả kính đã thuận thế vô thường, mãn nguyện Ta Bà trở về cõi Niết Bàn vô tung bất diệt.
Chư tôn giáo Phẩm tham dự lễ truy điệu
Môn đồ tứ chúng hồ quỳ trước linh đài cố HT. Thích Đồng Huy
Hòa thượng Thích Nguyên Trực cung tuyên tiểu sử HT. Thích Đồng Huy
HT. Thích Thiện Nhơn đọc lời tưởng niệm của TW GHPGVN
Hòa thượng Thích Quảng Hiển đọc lời tưởng niệm của BTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Đại diện hiếu đồ dâng lời ai điếu
Quang cảnh lễ di quang HT. Thích Đồng Huy
Tin và ảnh: Cộng tác viên tại bà Rịa Vũng Tàu