Theo sử sách thì Chùa Huế xuất hiện từ thế kỷ XVI, nhưng phải từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa và các chúa Nguyễn tiếp theo muốn xây dựng một xứ Ðàng Trong biệt lập với triều đình vua Lê - chúa Trịnh ở phía Bắc, thì các hoạt động văn hóa xã hội được thúc đẩy và Chùa được xây dựng nhiều để làm chỗ sinh hoạt tinh thần.
...Chùa chiền ở Huế, ngay cả những ngôi Chùa triều đình góp công sức xây dựng cũng không bao giờ đồ sộ, xây cất tốn kém, sử dụng quá nhiều công của nhân dân như các ngôi Chùa lớn ở phía Bắc.
Cảnh Chùa Huế
Nguyễn Hữu Thái
Cố đô Huế trông giống như một khu vườn lớn, trong đó có những khoảng không gian uy nghi, quan cách, lộng lẫy của những cung điện, đền đài, có những khoảng êm đềm, ấm cúng, thân thiết của những nếp nhà vườn, ngôi đình dân dã và cũng có cả những khoảng tĩnh tại, thanh thoát, lặng lẽ của những cảnh Chùa. Ngôi Chùa đó gắn liền vào tổng thể kiến trúc Huế, hài hòa như chính đạo Phật đã hòa tan vào lòng đời, lòng người xứ Huế. Tìm hiểu về những ngôi Chùa Huế cũng chính là tìm về một phần quan trọng làm nên văn hóa xứ Huế.
* Nét Riêng Của Nếp Chùa Huế
Chưa có một vùng đất nào trên đất nước ta lại có một mật độ Chùa chiền cao như Huế. Quanh Huế có trên một trăm ngôi Chùa lớn nhỏ, nhiều ngôi nguy nga có sự đóng góp công sức của triều đình, tầng lớp quý tộc, nhưng cũng không ít ngôi Chùa mộc mạc gắn với làng quê của dân gian.
Theo sử sách thì Chùa Huế xuất hiện từ thế kỷ XVI, nhưng phải từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa và các chúa Nguyễn tiếp theo muốn xây dựng một xứ Ðàng Trong biệt lập với triều đình vua Lê - chúa Trịnh ở phía Bắc, thì các hoạt động văn hóa xã hội được thúc đẩy và Chùa được xây dựng nhiều để làm chỗ sinh hoạt tinh thần.
Có thể kể ra đây một số ngôi Chùa tiêu biểu: Thiên Mụ (1601), Báo Quốc (1674), Từ Ðàm (1683), Thuyền Tôn (1709), Từ Hiếu (1843), Diệu Ðế (1844), Phước Thọ Am (1831), Trúc Lâm (1909)...
Chùa chiền ở Huế, ngay cả những ngôi Chùa triều đình góp công sức xây dựng cũng không bao giờ đồ sộ, xây cất tốn kém, sử dụng quá nhiều công của nhân dân như các ngôi Chùa lớn ở phía Bắc: ví như Chùa Trăm Gian, Chùa Dâu, quy mô to lớn như Quỳnh Lâm (Ðông Triều), Sài Nghiêm (Chí Linh), Hồ Thiên (Kinh Bắc)...
Nếp Chùa Huế về cơ bản vẫn tiếp nối truyền thống ngôi Chùa Việt, nhưng tinh tế, không đồ sộ, khoa trương, ít rườm rà, không nhiều gian. Ngôi Chùa là ngôi nhà rường bình dị, thân thiết, gần gũi dân gian.
Chánh điện thường chỉ khiêm tốn có 3 - 5 gian, 2 chái, cắt mái 2 tầng nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn mái Chùa nặng nề phía Bắc. Chái nhà hai bên dành cho Phương trượng, Trụ trì, Giám tự. Tiếp theo Chánh điện là chiếc sân trong bao quanh bởi Thiền đường, Tăng xá. Vườn Chùa trồng cây ăn trái, bố trí Tháp mộ các vị Tổ, Trụ trì, Tăng chúng. Sau vườn là khu canh tác, trồng hoa màu.
Nội thất Chùa bình dị, cân đối và không trang trí sặc sỡ. Ngoài bộ tượng Phật Tam Thế truyền thống, bên tả có Quan Công, bên hữu là Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Về sau, vào thời chấn hưng Phật giáo những năm 1950- 1963, có cải cách lại hệ thống thờ tự: trước Tam Thế đặt thêm tượng Phật Thích ca, gian tả có Bồ tát Ðịa Tạng, gian hũu có Bồ tát Quan Thế Âm, tả hữu thì vẫn đặt Kim cang, Hộ pháp.
Từ Chùa Huế cũng phát xuất ra các món ăn chay Huế khá phong phú. Nghề đúc chuông ở đây cũng rất độc đáo, cung cấp cho cả các vùng phía Nam và các Chùa người mình ở nước ngoài.
* Danh Lam Xứ Huế
Chùa Thiên Mụ
Tháp Phước Duyên vươn lên trên dòng sông Hương từ lâu đã là biểu tượng xứ Huế. Thực ra Tháp chỉ là một phần của cả một tổng thể Chùa Tháp, tọa lạc trên một khu đồi lớn. Tháp này cao 21m, có 7 tầng, xây cất thời vua Thiệu Trị (1844). Chiếc chuông ở đây cũng rất lớn và cổ kính, đúc vào năm 1710, nặng 2.052kg và cao 2,35m. Chùa Thiên Mụ được sắp vào Chùa xây dựng sớm nhất ở Huế, vào năm 1601. Thời vua Gia Long sáng lập triều Nguyễn có vời Hòa thượng Mật Hoằng (Chùa Ðại Giác ở thành Gia Ðịnh) về làm Tăng cang tại Chùa Thiên Mụ. Hòa thượng Ðôn Hậu nổi tiếng cả nước thời chống Mỹ đã Trụ trì Chùa này từ năm 1945.
Chùa Báo Quốc
Khu Tổ đình xây dựng từ năm 1674 với một cái am nhỏ, sau nhiều đợt trùng tu của các đời chúa và triều đình Nguyễn đã trở thành một cảnh Chùa xây dựng theo hình chữ “khẩu” quy mô khang trang trên diện tích 2ha, nằm ngay sau ga Huế. Từ lâu nay ngôi Chùa vẫn được xem như là nơi phát xuất phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ qua, do Hòa thượng Trí Ðộ lãnh đạo. Học đường Linh Quang chuyển về đây vào năm 1948 đã biến Chùa thành nơi un đúc Tăng tài cho cả nước. Từ năm 1957, Chùa được xây lại mới nhưng bố cục vẫn theo truyền thống.
Chùa Từ Ðàm
Ra đời từ năm 1683, gốc phái Thiền Lâm Tế. Chùa nay xây dựng lại hiện đại, cơ bản vẫn tôn trọng lối bố cục truyền thống nhưng các bộ phận sinh hoạt đã có đổi mới, logic hơn với đầy đủ sân lễ, giảng đường, nhà Tổ, nhà Tăng, nhà Khách. Từ lâu, nơi đây đã nổi tiếng với phong trào chấn hưng Phật giáo, từng làm nơi đặt trụ sở của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, năm 1945 là trụ sở của Phật giáo Cứu quốc. Tổ chức Gia đình Thanh niên Phật tử cũng ra đời tại đây. Từ năm 1963, Chùa Từ Ðàm trở thành trung tâm đấu tranh của phong trào Phật giáo yêu nước suốt thời gian chống Mỹ ở phía Nam. Tên tuổi Hòa thượng Thích Trí Quang gắn liền với ngôi Chùa này qua các mùa pháp nạn.
Chùa Từ Hiếu
Xây dựng từ năm 1843 ở phía Tây cố đô, vị trí gần các lăng tẩm triều Nguyễn, trên một khuôn viên rộng đến 4,5ha. Nguyên là am An Dương, vào năm 1848 các thái giám góp công tu tạo để ký thác tuổi già. Tổng thể Chùa khá hoàn chỉnh với nào hồ bán nguyệt, nhà bia, tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ... Trước cổng Chùa có Tháp Bồ Ðề dựng từ năm 1896 để chứa những kinh tượng hỏng cho tự hủy. Dãy nhà chư Tăng nghỉ ngơi, nghiên cứu kinh kệ gọi là “Tả Lạc Thiên” và nhà tiếp khách thập phương gọi là “Hữu Ái Nhật”. Nay Chùa còn xây mới thêm Thiền đường dành cho người ở xa đến có chỗ nghiên cứu, tu tập.