SỨ GIẢ HOẰNG PHÁP VỚI TINH THẦN HIỂU VÀ THƯƠNG

Trong cuộc sống, con người luôn sử dụng khối óc và con tim để tiếp xúc, giao lưu với nhau. Khối óc biểu hiện qua sự hiểu biết, con tim biểu hiện qua lòng thương yêu. Đó là hai mặt cuả cuộc sống cần phải có và cần phải hòa điệu. Có hiểu biết, giữa con người mới có sự quan hệ với nhau.

Có yêu thương con người mới có sự thông cảm và chấp nhận, đùm bọc nhau. Nếu vận dụng được hai khả năng hiểu và thương một cách chính xác, điều hoà, rộng rãi thì chắc chắn chúng ta sẽ có một đời sống hữu hiệu, thành công và hạnh phúc.

alt
Làm người ai cũng có khuynh hướng tìm đến hạnh phúc, nhưng hầu như mọi người không tìm thấy hạnh phúc thật sự, vì giáp mặt với quá nhiều khổ đau. Những khổ đau này do đâu mà có? Theo đạo Phật, đã làm người thì không ai tránh khỏi khổ đau. Đó là một chân lý chắc thật không ai phủ nhận được, Phật giáo gọi là khổ đế. Nhưng khổ đau muốn nói ở đây chỉ là một phần nhỏ trong cái biển khổ luân hồi. Tức là những nổi khổ do thiếu hiểu biết và thương yêu gây ra.
Thực tế con người sống trong xã hội, có rất nhiều tương quan với kẻ khác. Nào là tương quan với cha mẹ, vợ chồng, anh em, bè bạn, xóm làng v.v… Thế nhưng có nhiều người chỉ biết có mình, chỉ lo vun đắp cho cá nhân mình, thậm chí có lúc lấn áp lên quyền lợi và sự an lành của kẻ khác. Như thế thì làm sao có hạnh phúc, chỉ biết có mình là sống vị kỷ, thiếu tình thương.
alt
Vì thế, là người con Phật, đặc biệt là những Sứ giả Hoằng pháp luôn lấy việc hoằng hóa lợi sanh làm đầu, thì yếu tố Hiểu và Thương cũng phải đặt lên hàng đầu. Có hiểu, chúng ta mới có cái nhìn rộng rãi và thấy được sự thật cuả vấn đề, nhờ đó dễ hóa giải được những rắc rối, những mâu thuẩn của cuộc sống. Có lòng thương thì mới có thể cưu mang, giúp đỡ và tìm cách đem lại sự an lành cho chúng sanh.
Song chúng ta phải phân biệt tình thương vị kỷ, lòng thương vị tha và cuối cùng phải yêu thương như thế nào để có hạnh phúc thật sự.
alt
HIỂU: Là nói về sự nhận thức, sự thấy biết, sự phân biệt phải trái, sự khẳng định hay phủ định... do học tập, do kinh nghiệm, do thành tựu Giới – Định – Tuệ mà có.
THƯƠNG: là lòng yêu thương. Chúng ta không thể quan niệm sống mà không có lòng thương, vì lòng thương là nhựa sống của cuộc đời. Nó biểu lộ qua ánh mắt, nụ cười, lòng mến mộ, lòng thương cảm, là nghĩa cử cứu khổ ban vui.
Nhìn vào thực tế cuộc sống từ xưa đến nay chúng ta thấy, những người làm nên việc lớn, hầu như chỉ sống cho kẻ khác. Các Ngài luôn lấy hạnh phúc của tha nhân làm hạnh phúc của mình. Các Ngài đau với niềm đau của kẻ khác, nhạy cảm về cái khổ của con người và luôn luôn tìm phương cứu khổ. Các Ngài có một đời sống tinh thần rất cao thượng, rất phong phú nhưng giản dị, bình thường, đạm bạc và xem nhẹ vật chất. Đó là một đời sống rất trí tuệ và đầy tình thương.
alt
Theo tinh thần đạo Phật, Hiểu thuộc về Tuệ, Thương thuộc về Bi. Nói về sự hiểu biết, người xưa thường nói: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dả”. Nghĩa là biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, đó là biết vậy.
Tục ngữ Việt Nam cũng đã nói: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Đó là lời khuyên bảo về tính chất khiêm tốn, là cách thể hiện sự hiểu biết chân thật của mình, không có tính tự tôn hay tự ty. Tinh thần này, rất dễ tạo sự thông cảm và sẳn sàng học hỏi kẻ khác.
alt
Hơn nữa, trong cuộc sống, con người chúng ta sống là phải có sự tiếp xúc, có mối quan hệ qua lại với nhau. Cho nên, hiểu biết là một yêu cầu cần phải có, nhất là hiểu đúng và biết đúng. Nhưng làm thế nào để hiểu biết đúng? Không gì hơn là ta phải biết học hỏi thật nhiều những vấn đề trong cuộc sống. Song song đó phải biết tư duy những điều học được và ứng dụng trong đời sống hằng ngày.
Với đạo Phật chúng ta, Hiểu biết nếu chỉ hiểu trên kiến thức thông thường, không có sự quán sát, soi chiếu của tự tâm, của trí tuệ thì gọi là thế trí biện thông, là sự hiểu biết thế gian. Ngược lại, sự hiểu biết theo Đức Phật dạy là phải có sự trải nghiệm, tu tập trong chánh pháp, có sự quán chiếu, soi sáng của tự tâm. Như kinh Pháp Cú, Đức Phật đã dạy:
"Tỳ kheo hiểu chánh pháp
An vui trong chánh pháp
Thực hành trong chánh pháp
Giải thoát bằng chánh pháp
Làm lợi lạc chúng sanh
Ấy là hạnh Sa môn ".
Ngoài ra, sự hiểu biết gọi là Trí tuệ này phải đạt đến tâm tự tại, vô ngại, không bị mọi dục vọng thế gian cảm nhiễm, lôi cuốn theo thất tình, lục dục:
“Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động.”
PC. 81
Nói về yếu tố tình thương, nếu hiểu theo nghĩa thế gian, Thương là tấm lòng quan tâm, lo lắng đến người khác. Theo giáo lý đạo Phật, tình thương có thể phân thành hai loại: tình thương vị kỷ và tình thương vị tha. Thông thường tình yêu của con người thì mang tính vị kỷ, lòng thương của bậc Thánh thì đầy chất vị tha.
Lòng thương vị kỷ là thương mà còn chấp chặt vào đối tượng mình thương, đối tượng được thương phải là của riêng mình. Lòng thương vị tha là lòng yêu mến người khác và chỉ với một ước mong là làm sao cho đối tượng mình thương được an vui, hạnh phúc. Cao hơn một bước nữa, tình thương còn có khả năng làm cho người bớt khổ và ban rải sự an vui. Tình thương trải ra bao la, tự nhiên như mặt trời tỏa chiếu ánh sáng khắp nơi, không phân biệt một nơi nào. Tình thương đó gọi là Từ bi, là tình thương được hình thành từ Trí tuệ.
Một người trải tâm hiểu và thương người, nhưng nếu hiểu và thương không đúng cách, thương không đúng chổ, hay hiểu mà không thương hoặc thương mà không hiểu thì cái hiểu, cái thương đó chưa thật sự là hiểu là thương. Đôi lúc có thể dẫn đến mâu thuẫn, khổ đau. Chính Đức Phật đã tuyên bố: “Kẻ nào tôn kính ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Thế gian cũng có câu: “Nhiệt tình mà ngu dốt thành ra phá hoại”.
Quả thật, đây là điểm thiết yếu mà hành giả hoằng pháp khi đi giáo hóa độ tha cần phải quan tâm hàng đầu. Bởi nếu hiểu không đúng cách, thương không đúng việc, thì sự giáo hóa sẽ không thành công, không được quần chúng hưởng ứng. Chẳng hạn như khi ta đến giáo hóa một gia đình nọ, ở đó họ chỉ chuyên làm nghề đánh bắt cá để sống. Ta thương cho họ phải sống với một cuộc sống khổ cực, hằng ngày lam lũ đánh bắt cá để nuôi thân. Nhưng thật ra, người sống ở vùng biển thì nghề đánh bắt cá là công việc chính yếu để nuôi thân. Nếu ta một mực y cứ theo lời Phật dạy giới thứ nhất là “không được sát sanh”, cho nên mọi người phải ngưng ngay nghề đánh cá. Nếu giáo hóa theo cách đó thì ta càng hại mọi người và không khéo lại hại cả bản thân mình.
Hơn thế nữa, thực tế cuộc sống chúng ta sẽ thấy. Ở trong xã hội, có người sống nặng về lý trí, có người sống thiên về tình cảm. Với người nặng về lý trí, họ thường cân nhắc, đắn đo thận trọng trong khi giải quyết vấn đề, đôi khi thiếu sự thông cảm và ít tạo điều kiện giúp đở kẻ khác, cho nên khó thu phục nhân tâm, hay nói cụ thể là ít nhận được nhiều cảm tình của quần chúng. Thế nhưng, đối với người sống thiên về lý trí thì công việc của họ thường có lợi cho tổ chức, cho tập thể vì luôn tuân thủ nguyên tắc của tổ chức. Trái lại, người sống thiên về tình cảm, thiếu trí tuệ thì tính tình khá dể dãi, nghe ai yêu cầu việc gì cũng thuận theo. Người lãnh đạo mà thiên về tình cảm thì rất có hại cho tổ chức, vì giềng mối, kỷ cương, nguyên tắc dễ bị phá vở. Lúc thì làm như thế này, lúc thì làm như thế khác, bất nhất, thiếu lập trường, không cứng rắn nên dễ bị kẻ khác lung lạc.
alt
Như vậy, người sống thiên về lý trí hay nặng về tình cảm đều không hoàn chỉnh. Vì thế, người học Phật chúng ta phải thấu rõ hai vấn đề mà tạo sự quân bình giữa lý trí và tình cảm. Nghĩa là phải tinh tấn tu tập, thể nghiệm giáo lý để có được trí tuệ. Có trí tuệ, chúng ta mới thấu suốt sự vật, hiểu rỏ vấn đề, không bị kẻ xấu lung lạc. Có Từ bi, chúng ta mới mở rộng lòng thương đến kẻ khác. Tình thương là chất liệu cao quý có khả năng hàn gắn, chửa lành những vết thương tâm của đời sống con người. Có tình thương mới xóa bỏ hận thù, tạo mối quan hệ thiết thân, đem an vui, hạnh phúc cho xã hội.
Từ đây có thể thấy, Hiểu và Thương, hay trí tuệ và từ bi là hai chất liệu cần thiết cho cuộc sống. Chúng phải luôn đi song hành với nhau. Nếu hiểu mà không thương thì chỉ biết sống cho mình mà khắc khe với kẻ khác. Còn thương mà không hiểu là thứ tình thương lệch lạc. Cả hai truờng hợp đó đều đưa đến sự bất hạnh, khổ đau. Có hiểu có thương thật sự, đúng nghĩa mới có hành động thích đáng, đem lại lợi lạc cho mình và người.
Đối với hành giả hoằng pháp chúng ta, để xây dựng được tinh thần Hiểu và Thương đúng nghĩa, có thể mang lợi ích thiết thực cho nhân sinh xã hội, chúng ta cần phải thiết lập một mô hình cụ thể về Hiểu và Thương, theo đường hướng như sau:
1. Hiểu và Thương trong quan hệ gia đình:
Về mối quan hệ trong gia đình, người giảng sư phải biết hướng dẫn con người tạo mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa vợ chồng…
Với cha mẹ, có lẽ ai cũng hiểu, đã là cha mẹ thì ai cũng thương con, cũng muốn cho con mình nên người hữu dụng. Nên đã dốc hết khả năng đễ lo cho con. Thế nhưng, có đôi lúc không đạt được như ý muốn. Điều đó là do có thương mà chưa hiểu. Ví dụ có một món đồ chơi rớt dưới giường, bé yêu cầu mẹ lấy giùm cho nó. Nếu bậc làm cha mẹ nhận thấy con mình có đủ khả năng bò vào lấy, thì nên chỉ cách cho nó tự làm mà không nên quá cưng chiều, rồi làm thay. Đó là cách tập cho con có ý chí và tinh thần tự lập. Khi thấy con có quà bánh nhiều, nên bảo con đem cho ba, hay cho anh chị. Đó là dạy con cách phát triển lòng vị tha. Về lễ phép, phải rèn luyện cho trẻ ngay từ tấm bé. Lúc khách đến nhà, phải tập cho con biết cách vòng tay và cúi đầu chào v.v…
alt
Về cuộc sống vợ chồng là sống với nhau cả đời, nên cần phải có sự hiểu biết đúng đắn thì mới mong có được cuộc sống hoà thuận. Tức là phải biết thông cảm và chia sẻ những điều sai trái, lỗi lầm cho nhau để cùng giúp nhau tiến bộ.
Ngoài ra giữa anh chị em và giữa chủ với tớ cũng cần có sự hiểu biết đúng và tình thương chân thật mới mong gia đình êm ấm.
2. Hiểu và Thương trong quan hệ xã hội:
Người giảng sư phải biết hướng dẫn người thiết lập mối quan hệ giữa Thầy và trò, mối quan hệ giữa bạn bè và xã hội một cách tốt đẹp.
Về mối quan hệ giữa thầy và trò, thì đầu tiên người thầy cần phải nắm bắt, hiểu được tâm tư và tình cảm của học trò, để hướng dẫn, chỉ dạy học trò mình đi đúng phương hướng. Còn bổn phận học trò thì phải biết tôn kính thầy, thương quý thầy. Phải hiểu và thấy được sự lao nhọc mà người thầy đã đổ ra, để rồi cố gắng học tập, trui luyện nhân cách và tri thức. Nếu mối quan quan hệ giữa thầy và trò được thiết lập tốt thì đó là tạo duyên tốt cho xã hội. Xã hội sẽ có những người con ngoan trò giỏi, sẽ có những con người tốt, góp phần cho việc tạo ra sự an bình, thịnh vượng cho đất nước.
Về mối quan hệ giữa bạn bè và xã hội cũng là nhân tố quan trọng trong cuộc sống, cần được vun bồi, cần được tôn trọng. Bởi làm người thì ai cũng cần có bạn bè, đó là yếu tố dẫn dắt ta đi lên trong cuộc sống. Cho nên giữa bạn bè phải hiểu nhau, thương nhau thì mới xây dựng được tình bạn lâu dài. Chính vì quan trọng như vậy, nên chư tổ đã từng nói: “Ăn cơm có canh tu hành có bạn” là vậy. Nhưng bạn ở đây phải là “bồ tát vi bạn lữ”.
alt
Nhìn chung, với con người, chúng ta có hiểu đúng, hiểu một cách sâu sắc thì mới có tình thương chân thật, rộng lớn. Nghĩa là tình thương phải đặt trên căn bản của trí tuệ. Có như thế mới đưa đến an lạc và hạnh phúc thật sự. Nếu thương mà không hiểu thì không phải là tình thương chân thật. Là hành giả hoằng pháp, muốn thành tựu trên con đường hoằng hóa lợi sanh, thì điều không thể thiếu là phải có được một lòng thương thật lớn và một tầm nhìn thật sâu rộng. Dù giáo hóa dưới bất kỳ hình thức nào cũng phải đặt trên nền tảng của trí tuệ và từ bi, phải quân bình được tinh thần hiểu và thương. Hai yếu tố này như hai đôi cánh cho vị hoằng pháp chắp cánh bay cao, bay xa trên lộ trình Sứ giả Như Lai, duy trì mạng mạch chánh pháp, lợi lạc chúng hữu tình.           

TT. Thích Tấn Đạt
(Kỷ yếu lớp Cao cấp Giảng Sư khóa IV)