CHIẾC ÁO HẠNH PHÚC

Ngày xưa có một vị vua anh minh trị vì quốc độ rất thanh bình, an lạc. Vua có rất nhiều người con nhưng ông thương mến nhất là cô con gái út. Ngoài giờ quốc sự lúc nào Công Chúa cũng quấn quít bên cha.Thời gian trôi qua không ai ngờ được sự vô thường, ngày kia Công Chúa ngã bịnh nặng. Vua và Hoàng Hậu đau xót lo lắng vô cùng, bèn truyền rao ai cứu được Công chúa sẽ ban thưởng tất cả ngay đến chuyện phong Vương cắt đất Ngài cũng bằng lòng. Lời truyền rao ấy được lan rộng nhưng than ôi tất cả danh y trong ngoài triều nội đều bó tay. Trong cơn tuyệt vọng ấy có một  Đạo sĩ  đến xin xem qua bịnh tình Công Chúa rồi trầm giọng nói rằng:

- Công Nương bị cảm phong hàn rất nặng, mạng sống chỉ còn tuỳ thuộc vào Trời và một  điều được thực hiện...

- Điều gì ta cũng sẽ cố gắng làm cho bằng được. Vua nói một cách qủa quyết và đầy niềm hy vọng.

- Được ! Vậy Ngài hãy cấp tốc đi tìm một chiếc áo của người Vô Cầu. Người này là một bậc siêu nhân, trong lòng  thật sự đầy bình an phẳng lặng, người ấy bằng lòng với hiện tại không còn  ước mơ mong mỏi hay ưu tư điều gì nữa ở vật chất lẫn tâm linh. Khi gặp được người này Bệ Hạ xin ngay chiếc áo trong của anh ta đem về đây đắp lên mình Công Nương sẽ hết bịnh. Bệ Hạ chỉ có thời gian 3 ngày thôi, vì sinh mạng của Công Nương không còn kéo dài được nữa.

Vua lập tức  truyền lịnh thắng cho Ngài con tuấn mã và chút lương khô.

- Hậu và các khanh chờ ta, trễ lắm là sáng  ngày thứ ba ta sẽ trở về với chiếc áo của bậc hiền nhân.

Vua vừa cho tuấn mã phóng nhanh ra khỏi hoàng thành vừa suy nghĩ:

- Ở phía Bắc Quốc Độ có Pháp Sư Đại Trí, người nổi tiếng là Bậc Thiện Trí Thức, thông hiểu các lẽ Trời Đất, được ta và mọi người cung kính và cúng dường đầy đủ. Chắc chắn ông ấy sẽ không còn điều gì mong ước nữa!

Vua hân hoan cho ngựa phi thật nhanh để kịp đến Giảng đường của vị Pháp Sư trước khi trời sụp tối. Quả thật danh bất hư truyền, Pháp Sư Đại Trí ngồi giữa thính chúng và đồ đệ vây quanh đang hùng hồn thuyết giảng Đạo Đức Kinh. Vua hài lòng khi nhìn phong cách uy nghi của vị Pháp Sư. Nghe có vua giá lâm Pháp Sư vui mừng  vội vàng ra nghinh tiếp. Qua câu chuyện xã giao Vua vội đi vào vấn đề:

- Cuộc sống hằng ngày của Pháp sư như thế nào? Ngài có được mãn nguyện không? Ngài có còn một ước muốn gì nữa không?

Thấy Vua tận tình hỏi han vị Pháp Sư mừng ra mặt:

- Đại vương, cuộc sống của hạ thần nhờ ơn Thiên tử không còn điều gì mà không mãn nguyện nữa. Ngài nhìn xem đồ chúng ngày một đông, hạ thần chỉ ước mong sao ngôi Giảng đường này được mở rộng thêm một chút...

- Ta chúc Khanh được toại nguyện.

Nói xong vua liền phóng ngựa đi không một lời từ giã trước sự lo lắng và áy náy của vị Pháp Sư.

Màn đêm đã đổ xuống sương rơi lành lạnh nhưng tình thương của người cha không cho phép Vua nghỉ ngơi vì vua có nhớ đến vị Thiền Sư Đại Tịnh ở phía đông Quốc độ. Trời vừa nhốm ánh hồng ban mai vua cũng đặt chân đến được Thiền đường Vô Ưu của Thiền Sư Đại Tịnh. Sau khi  được Thiền Sư nghinh đón với lễ tục của Thiền gia vua ân cần hỏi Thiền Sư như hỏi vị Pháp Sư. Thiền Sư Đại Tịnh chậm rãi trả lời một cách thanh thản và hảnh diện:

- Đa tạ Đại Vương chiếu cố, đời sống Thiền môn thật an lành không có gì làm thần phải bận tâm. Nhưng dạo này ngoại đạo cũng nhiều lắm, thần lo cho đệ tử chưa thuần thục dễ bị ma chướng lôi kéo, nên ước mong sao....

- Ta chúc khanh được nhiều bình an!

Vừa nói Vua  vừa buồn bã leo lên lưng tuấn mã mà không buồn nhìn lại.

- Còn ai đây? À! Đúng rồi còn đạo sĩ Chơn Không.

Vua toé lên niềm hy vọng, không nghĩ gì đến ăn uống Ngài cho ngựa phi nước đại về phía tây hướng đến Thanh Sơn động. Đường xa diệu vợi đến sập tối vua cũng đến nơi, người mệt nhoài ngài cũng ráng trèo lên hang động... Vua trông thấy vị Đạo sĩ ngồi trầm ngâm một mình trước cây đèn dầu mờ ảo, ngoài những chiếc y cũ nát  đắp chồng lên nhau, trên tay cầm tràng chuỗi hạt, dường như ông ta không có gì nhiều ở trong động. Vua mừng rỡ hy vọng đây là một bậc hiền nhân.

- Thưa Đạo sĩ, Ngài tu một mình như vậy có được an vui không? Ngài có được mãn nguyện với đời xuất gia không? Ngài còn điều gì phải bận tâm ưu tư nữa không?

Nhìn cách ăn mặc vị Đạo sĩ nhận ra người đối diện là ai nên cung kính trả lời:

- Tâu bệ hạ, đời sống xuất thế không có gì phải vướng bận cả, hạ thần rất an vui hưởng thú Đạo mầu. Tuy nhiên tuổi của Bần đạo ngày một lớn chỉ ao ước gặp được  một đệ tử để trao truyền Pháp mầu thôi.

- Ta chúc khanh được tròn ước nguyện.

Vua uể oải thốt lên lời xã giao đầy chua chát rồi ra đi giữa đêm khuya. Vua thất vọng không biết đi về đâu nữa, hình ảnh đứa con gái thân yêu đang thoi thóp làm Vua quặn lòng:

- Có lẽ số con ta phải chịu vậy thôi!

Vua để mặc con tuấn mã muốn đi về đâu thì đi trong đem tối và mệt mỏi ngủ quên trên yên ngựa. Khi tỉnh dậy, Vua nghe tiếng hót líu lo của muôn chim buổi sáng, ánh  ban mai cũng vừa ló dạng, đời sống của muôn loài vạn vật thật thanh bình chỉ riêng mình Vua là đang đau sầu khổ vô tận. Bỗng từ đâu Vua nghe như là  tiếng sáo thật thanh thoát vui tươi và một mùi nướng thơm thơm khen khét bay thoảng qua.

- Mời bạn dùng trà nóng.

Vua chưn hửng vì tiếng mời ấy, đó là lần đầu tiên có người gọi Vua là bạn, một gã chăn cừu. Vua chẳng còn thiết tha chi để bắt tội tên ngu đần nghèo nàn  nầy. Đang đói khát vì mấy ngày không ăn uống vua cầm vội gáo dừa dơ bẩn nốc cạn ngụm nước trà nóng với hương vị lạ lùng.

- Tôi mới nướng ít bánh mời bạn dùng chung cho vui.

Vua chẳng màng cám ơn cầm lấy chiếc bánh bột nướng nhai ngon lành trong cơn đói lã.

-Hết bánh rồi à!

-Ừ, hết rồi. Tôi chỉ có chừng đó cho ngày hôm nay thôi.

Gã chăn cừu trả lời lễ phép rồi nằm ngã lưng xuống cỏ xanh trên chiếc áo choàng bằng rơm khô cũ mục huýt sáo ngon lành. Thì ra tiếng sáo khi nãy là do anh ta làm ra.

Nhìn dáng vẻ khoan thai và ngớ ngẩn nhưng tốt bụng của gã vua thấy buồn cười nhưng cũng thấy hay hay. Đang đau buồn vua muốn trò chuyện chút cho khuây khoả. Vua hỏi:

- Ngươi thấy ta như thế nào?

- Một kẻ bộ hành đang mệt mỏi đói khát.

-Tên khùng! Nó chẳng quan tâm đến cách ăn mặc của ta. Vua nghĩ vậy rồi hỏi tiếp:

- Ngươi có mái ấm gia đình gì không?

- Không.

- Ngươi không buồn cho số phận hẩm hiu của mình à?

- Tại sao phải buồn.

- Ngươi có lo cho tương lai bập bền của ngươi không?

- Không.

- Ngươi có mong ước gì không?

- Tớ chẳng có gì để mong ước.

Như bị con gì cắn phải vua giật thót người tiến đến gần gã chăn cừu hôi hám:

- Ngươi thật sự không có điều gì mong muốn sao?

- Dĩ nhiên rồi.

- Ngươi thấy an vui với kiếp chăn cừu này à?

- Vâng.

- Ngươi hài lòng với cuộc sống hiện tại này phải không? Vua dồn dập hỏi.

- Phải.

Không còn tự chủ được nữa vua nhào đến kéo vực chiếc áo khoát bằng cỏ khô của gã ra để mong lấy được chiếc áo trong đem về cứu đứa con yêu quí.

... Nhưng than ôi! ngoài cái thân trần trụi hắn chẳng có cái gì nữa cả!

ĐẶNG XUÂN THÁI & ĐẶNG T. NGA

 

alt