Ý Nghĩa Xuất Gia

bo de dao trang co.jpgTrước tiên, khi bước theo lộ trình của người xả tục xuất gia, chúng ta nhìn đời khác với cái nhìn đầy tham vọng trước kia nghĩa là chúng ta bắt đầu thay đổi cách nhìn về nhân sinh. Bấy giờ quán sát theo lời Phật dạy con người và thế giới con người đều chịu sự chi phối của định luật vô thường sanh diệt, nói chung nhìn vào thật tướng các pháp thấy được tất cả vật luôn thay đổi, thay đổi từ thân vật chất đến tinh thần hay hoàn cảnh bên ngoài và xa hơn nữa thay đổi cả vận hành của muôn pháp trong vũ trụ. Tất cả những hiện hữu trên cuộc đời dưới dạng giả hợp này thường được Phật dạy rằng các pháp hữu vi như chiêm bao, như giọt nước, như ảo thuật, chỉ là cái bóng mà thôi. Tuy nhiên, người thế gian mê lầm bị những ảo hoá giả tạm đó xoay chuyển làm mất bản tâm giống như người xem ảo thuật say mê cái giả đến độ quên mất cảnh sống thực của mình. Ngược lại, người xuất gia nhận chân được mọi loài hữu tình, vô tình, vật chất, tinh thần đều nằm trong quy luật sanh diệt biến hóa nên bước đi đầu tiên của chúng ta là ra khỏi thế tục, không chạy theo cuộc đời huyễn mộng, chúng ta từ bỏ những gì không thực, không cần thiết cho đời sống thường hằng của người tu.

Ý Nghĩa Xuất Gia 

TT.Thích Trí Quảng

Đức Phật ra đời trong loài người, mở ra cho chúng ta nguồn sống bất tử. Giáo lý của Ngài hầu như dành trọn vẹn cho con người. Trong những người có nhân duyên phát tâm đi theo con đường giải thoát Phật vạch ra được coi là đệ tử, đức Phật phân ra thành hai hướng đi, một hướng dành cho Phật tử xuất gia và một hướng của Phật tử tại gia.Vì thế đức Phật phân định rõ ràng, tư cách vị trí, việc làm khác nhau của đệ tử xuất gia và tại gia. Dù 2 hàng xuất gia, tại gia cùng đi chung lộ trình giải thoát nhưng đức Phật đã đề cao tư cách của đệ tử xuất gia là “chúng trung tôn”, là “Trưởng tử Như Lai”, là “rường cột của đạo pháp.” Điều này đã nói lên vai trò quan trọng chính yếu của người xuất gia trong công việc hoằng truyền chánh pháp Như Lai.

Để có thể tiêu biểu cho hình ảnh của Phật trên cuộc đời và thay Ngài giáo hoá chúng sanh, người xuất gia phải thể hiện trọn vẹn ý nghĩa 2 chữ xuất gia trong đời sống tu hành của bản thân mình. Đối với Tăng Ni chúng ta đang đi theo con đường xuất gia không mang ý nghĩa gì khác hơn là chúng ta đang nỗ lực hoàn chỉnh 3 việc làm chính yếu: xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia.

Trước tiên, khi bước theo lộ trình của người xả tục xuất gia, chúng ta nhìn đời khác với cái nhìn đầy tham vọng trước kia nghĩa là chúng ta bắt đầu thay đổi cách nhìn về nhân sinh. Bấy giờ quán sát theo lời Phật dạy con người và thế giới con người đều chịu sự chi phối của định luật vô thường sanh diệt, nói chung nhìn vào thật tướng các pháp thấy được tất cả vật luôn thay đổi, thay đổi từ thân vật chất đến tinh thần hay hoàn cảnh bên ngoài và xa hơn nữa thay đổi cả vận hành của muôn pháp trong vũ trụ. Tất cả những hiện hữu trên cuộc đời dưới dạng giả hợp này thường được Phật dạy rằng các pháp hữu vi như chiêm bao, như giọt nước, như ảo thuật, chỉ là cái bóng mà thôi. Tuy nhiên, người thế gian mê lầm bị những ảo hoá giả tạm đó xoay chuyển làm mất bản tâm giống như người xem ảo thuật say mê cái giả đến độ quên mất cảnh sống thực của mình. Ngược lại, người xuất gia nhận chân được mọi loài hữu tình, vô tình, vật chất, tinh thần đều nằm trong quy luật sanh diệt biến hóa nên bước đi đầu tiên của chúng ta là ra khỏi thế tục, không chạy theo cuộc đời huyễn mộng, chúng ta từ bỏ những gì không thực, không cần thiết cho đời sống thường hằng của người tu. Chúng ta còn nhớ xưa kia động cơ thúc đẩy đức Phật đi tìm chân lý cũng vì Ngài thấu rõ và nhàm chán cái giả tạm của vạn vật và hơn nữa không chịu khuất phục, mặc cho vô thường tiêu diệt mình. Trong 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh Ngài cắt đứt mọi liên hệ thế gian, không để cho những phiền hà bên ngoài quấy nhiễu, Ngài để tâm suy tư tập trung đến mức cao độ nhất gọi là tuệ đã sanh, minh đã sanh, nhìn vật chính xác, không còn lỗi lầm, ở trong cảnh giới vô thường, đức Phật đã tìm ra được cái chơn thường, Ngài mới trở thành vĩnh hẵng bất tử, sống mãi với nhân loại cho đến ngày nay. Chúng ta xuất gia cũng vậy, tập nhìn theo Phật biết rõ mọi vật không bền chắc, từ đó không sanh vọng tâm tham đắm, được giải thoát. Những gì người thế tục nói, làm, ưa thích, người xuất gia hoàn toàn không làm, không ưa thích gọi là tâm hình dị tục. Tuy nhiên, không phải chúng ta giác ngộ mọi việc vô thường để rồi chán nản buông xuôi 2 tay, mặc kệ nó. Trái lại, chúng ta quan sát sự vật thay đổi và an thân lập mạng uyển chuyển theo thay đổi của nó mà nhịp nhàng thích nghi mới được giải thoát giống như chúng ta thay đổi y phục tùy theo thời tiết, nói cách khác chúng ta tự đặt mình nằm ngoài biến đổi, không để hoàn cảnh chi phối tác hại cuộc sống vật chất, tinh thần chúng ta.

Từ bước căn bản người xuất gia từ bỏ sanh diệt để hướng tâm đến không sanh diệt, lần hồi chúng ta phát hiện thường tánh của mọi vật và tu dưới dạng thường tánh mới là điều quan trọng. Bấy giờ an trú trong thế giới nội tâm tiếp nhận một niềm vui kỳ diệu tồn tại luân chuyển trong tâm hồn không bị lệ thuộc ngoại cảnh hay tha nhân. Đạt được sở đắc này, hành giả đã thể hiện được phần nào mẫu người xuất gia đáng quý.

Sau khi vượt bỏ ngôi nhà thế tục, với nhận thức mọi việc giả tạm thay đổi biến hóa theo nhân duyên là điều tất yếu nên người quyết chí tu hành không bận tâm đến những thị phi, danh lợi, hơn thua làm gì, nhờ không để tâm mà không sanh buồn phiền tức giận và những phiền muộn nổi dậy trong lòng, chúng ta cũng biết nó là giả, phải tự dập tắt. Đối với người xuất gia muốn theo con đường giải thoát, nhà phiền não là chướng ngại thứ 2 dứt khoát phải vượt qua vì chúng ta nhận chân được phiền não đồng nghĩa với vô minh, nó tiêu huỷ đức hạnh và trí tuệ, làm chúng ta cách ly với Phật, Đức Phật dạy rằng chúng ta cũng có kho tàng tri kiến Như Lai như Ngài nhưng chúng ta không sử dụng được chỉ vì dại khờ để cho bọn ma phiền não đánh cướp Thánh tài vô giá đó. Để nhận diện được giặc phiền não, chúng ta căn cứ theo phân tích của Ngài Thế Thân trong “Bách pháp” thấy được 6 căn bản phiền não và 21 tuỳ phiền não. Kiểm tra cho kỹ tững phiền não ác, chúng ta quyết tâm quét sạch tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cầm thủ, phẩn, hận, phú, não, tật, xan... là những thứ phiền não đốt chết chơn tánh của chúng ta. Người xuất gia đấu tranh tích cực không khoan nhượng với chính bản thân mình để xoá tan những phiền não tồn tại.

Trên bước đường tu chúng ta đoạn diệt được một phần phiền não, tầm nhìn theo đó sáng ra. Xoá sạch phiền não nhiễm ô và làm cho mình thanh tịnh mới lấy đó làm hạt nhân tác động cho tha nhân trong sạch theo. Ngược lại mang tâm nhiễm ô tội lỗi giáo hoá chúng sanh thật vô ích, chẳng khác gì hai người mù dẫn nhau đi. Đức Phật giác ngộ thấy phiền não khởi từ tâm nhưng chúng ta đối với cảnh sanh phiền não nên lầm tưởng nó ở ngoài, nói khác ta nhận lầm phiền não làm ta nên luôn luôn đau khổ. Thật vậy, cảnh bên ngoài dù có biến đổi nhưng tâm chúng ta tự tại bình thản thì tác động của cảnh còn ảnh hưởng gì. Chúng ta tu hành cần lưu ý điều chỉnh nội tâm hơn là hướng về ngoại cảnh, phiền não tận diệt thì hoàn cảnh tự tốt đẹp theo. Không đoạn trừ phiền não trong tâm nhưng siêng năng làm nhiều thì càng làm phiền não càng nổi dậy, trở thành tự ái bất mãn, chúng ta đã tu sai pháp.

Qua hai chặng đường xuất thế tục và xuất phiền não, sinh hoạt bình thường của con người về vật lý, tâm lý không còn chi phối người xuất gia được, bấy giờ chúng ta tiến đến mục tiêu thứ ba của người xuất gia là cố gắng vượt ra khỏi ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, chúng ta nhận chân được rằng từ cuộc sống vật chất của cõi dục đến cuộc sống bằng ý thức nhiễm ô của Sắc giới và sống với những phiền não chất chứa từ bao đời của kho A Lại Da thức trong cảnh Vô Sắc, ba cách sống này muôn đời đeo đẳng nhận chìm mọi người trầm luân sanh tử trong Tam Giới. Từ đó, hành giả nương theo giáo pháp Tam thừa tu tập vượt khỏi sanh diệt phá của thế gian và đoạn trừ tận gốc tham sân phiền não, không bị định luật thiên nhiên và tình cảm quay cuồng dày xéo, bấy giờ hành giả sống với giới thân huệ mạng thường còn bất biến. An trụ trong thế giới tri thức đạo đức, nhận thức của hành giả về cuộc sống con người chính xác hơn, việc làm đúng đắn Thánh thiện hơn nên không bị thế gian ràng buộc, tuy thân còn hiện hữu thế gian vẫn không bị cuộc đời làm ô nhiễm, đó là chơn hạnh phúc trên trần thế hay hữu dư y Niết Bàn. Dù thế gian không có gì hấp dẫn hành giả vẫn tiếp tục hiện diện trên cõi đời làm mẫu người mô phạm tác động lợi ích cho thế gian. Thành tựu song hạnh nguyện này, bất cứ lúc nào thân vô thường hoại diệt theo định luật thời gian, hành giả không buồn quan tâm đến nó, nhẹ nhàng bỏ sanh thân tạm bợ trở về với pháp thân vĩnh hằng.

Tóm lại, hành giả xuất gia phát trí bước theo con đường Thánh thiện giải thoát cần phát huy đạo đức và tri thức, thể hiện sinh khí trong sáng của chánh pháp vào đời sống phạm hạnh ngõ hầu xứng danh là chúng trung tôn tiếp nối mạng mạch Như Lai, hiện hữu như một khách quý mọi người mong chờ, đến hay đi đều lưu lại trong lòng người bao niềm kính mến, mang an lạc giải thoát khắp muôn nơi.

(Trích giác ngộ số 14, ngày 15/7/1991)