Chùa Pháp Vân 法雲寺, còn tên là Diên Ứng Tự 延應寺 tên dân gian thường gọi là chùa Dâu. Chùa tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Duyên Ứng tự. Đây là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam. Nếu như Phật Giáo Trung Quốc cho chùa Bạch Mã ở Lạc Dương là ngôi Tổ Đình đầu tiên của Phật Giáo Trung Quốc thì chùa Dâu có sớm hơn chùa Bạch Mã rất nhiều.
Chùa Bạch Mã với truyền thuyết Phật Giáo và Đạo Gia tranh tài thi thố thần thông, phần đốt kinh thư để hiển bày cao thấp, thể hiện thời kỳ đầu Phật Giáo du nhập vào Trung Quốc trãi qua rất nhiều khó khăn thì ngược lại ở Việt Nam Phật Giáo được dân tộc Việt Nam đón nhận và nhanh chóng hòa mình vào trong nguồn sống của dân tộc Việt với hình tượng Tứ Pháp ( Pháp Vân , Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) Phật của người Việt Nam.
Chùa Pháp Vân ( chùa Dâu) được coi là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam mặc dù các dấu tích vật chất không còn, vì trãi qua tàn phá của thời gian cũng như chiến tranh và nhiều lần trùng tu và xây dựng lại.
Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu. Đây là một trong ba trung tâm Phật Giáo lớn thời kỳ nhà Hán gồm trung tâm Phật Giáo Luy Lâu, Bành Thành, và Lạc Dương, trong đó trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được cho là cổ xưa nhất. Chùa Pháp Vân cũng được coi là ngôi chùa đầu tiên và là Pháp nguyên Tổ Đình của Phật Giáo Việt Nam.
Ngày nay di tích Tứ Pháp còn tại vùng Dâu với năm ngôi chùa cổ gồm: chùa Dâu thờ Pháp Vân (法雲寺, "mây pháp"), Chùa Đậu thờ Pháp Vũ (法雨寺, "mưa pháp"), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (法雷寺, "sấm pháp"),chùa Dàn thờ Pháp Điện (法電報寺 "ánh sáng pháp") và Chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần theo tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt.(Chùa Đậu tại vùng Dâu đã bị phá hủy trong chiến tranh nên pho tượng Bà Đậu được thờ chung trong chùa Dâu.
Chùa Pháp Vân được khai sơn từ buổi đầu bình minh lịch sử truyền giáo của chư vị Tổ sư Ấn Độ đem Đạo Phật đến phương Đông. Chư liệt vị Tổ sư Ấn Độ theo thuyền các đoàn lái buôn người Ấn đến Giao Châu khai sơn chùa Pháp Vân làm cơ sở để truyền giáo và dần trở thành một trung tâm Phật Giáo lúc bấy giờ. Có thuyết cho rằng chùa được xây dựng năm 187 đến năm 226 thì hoàn thành. Đến cuối thế kỷ thứ 6 Tổ sư Tỳ NI Đa Lưu Chi từ Trung Quốc đem Thiền Tông truyền xuống phương Nam, lập thành tông phái Thiền đầu tiên ở Việt Nam và từ đây chùa Pháp Vân chính thức trở thành Tổ Đình cùa Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đồng thời cũng là Pháp Nguyên Tổ Đình của Phật Giáo Việt Nam.
Chùa Pháp Vân có kiến trúc như ngày hôm nay là do lần đại trùng tu năm 1313 thời nhà Trần. Vua Trần Anh Tông sai Trang Nguyên Mạc Đỉnh Chi kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa Trăm Gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Hiện nay, ở tòa thượng điện, chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời nhà Trần và thời nhà Lê.
Cũng như nhiều chùa chiền trên đất nước Việt Nam chùa Dâu được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" đây là phong cách đặc trưng truyền thống của kiến trúc tự viện Phật Giáo Bắc truyền.chánh điện ở vị trí trung tâm, xung quanh là các gian nhà phối điện và trường lan, gồm : đại môn, trung môn, chánh diện và hậu tẩm, theo cách gọi truyền thống chùa Việt là tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tiền đường còn gọi là Thiên Vương Điện thường tôn trí bốn vị Tứ Đại Thiên Vương. Tiền đường của chùa Dâu đặt hai tượng Hộ Pháp là thờ theo phong cách tự viện đời Đường gọi là Nhơn Vương Hộ Quốc Môn và tám vị Kim Cang Hộ Pháp Thần Vương.
Gian thiêu hương còn được gọi là Đại Điện nơi có không gian rông nhất của chánh điện dùng để cử hành các nghi thức tôn giáo đồng thời là nơi để tín đồ lễ bái dâng hương đặt tượng cửu long ( Phật Đản Sanh có hình tượng chín con rồng phun nước tắm cho Ngài) hai bên có thờ tượng các vị Thập Điện Minh Vương, Tam Châu Hộ Pháp Thần Vương, và tượng Mạc Đỉnh Chi. Thượng điện còn gọi là tẩm điện thờ tượng Bà Dâu (Pháp Vân), Bà Đậu (Pháp Vũ), và các hầu cận. Các pho tượng Phật Tam Thế (Phật quá khứ, hiện tại, vị lai),tượng Bồ Tát, tượng Đức Ông (Trưởng Giả Cấp Cô Độc) tượng Thánh Tăng( Ngài A Nan) được đặt trong phạm cung còn gọi là hậu điện phía sau chánh điện.
Điểm đặc biệt của chùa Pháp Vân là hai pho tượng Pháp Vân và Pháp Vũ, Một trong những pho tương hiếm thấy của Phật Giáo Việt Nam. Tượng được tạc theo phong cách đặc trưng của tượng Phật Mật Giáo phương Nam Ấn Độ, mình mặc Thiên y, đầu đội Thiên quan có dáng dấp đẹp yêu kiều của hình tượng nữ thần. Tượng Bà Dâu, hay Nữ Thần Pháp Vân có dáng dấp như vậy, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2 m được bày ở gian giữa.
Tượng có gương mặt đẹp với chấm bạch hào tướng quang nổi cao giữa trán gợi liên tưởng tới phong tục gắn hạt ty ca lên tráng của người nữ dân tộc ấn độ, một biểu tượng của Tây Trúc quê hương nguồn cội của đạo phật. Ở hai bên là tượngKim đồng ngọc nữ thêo tín ngưỡng phật bà quan âm. Do chùa Đậu (Bắc Ninh) bị Pháp phá hủy, nên tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) cũng được đưa về thờ ở chùa Dâu. Tượng Pháp Vũ với những nét thuần Việt, hiền lành thanh tịnh trang nghiêm. Những tượng này đều có niên đại thế kỷ 18. Pho tượng Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi được tạc đặt trên một bệ gỗ hình sư tử tòa thờ trên thượng điện có niên đại khoảng thế kỷ 14.
Trước chánh điện chùa Pháp Vân là bảo tháp Hòa Phong, đây là phong cách kiến trúc nguyên thủy của Phật Giáo Bắc Truyền và là bằng chứng thuyết phục nhất cho thuyết chùa Pháp Vân là ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam đồng thời cũng là ngôi chùa có sớm nhất trong ba trung tâm Phật Giáo thời Phật Giáo mới du nhập. Kiến trúc tiền tháp hậu chùa là kiến trúc có nguồn gốc từ Phật Giáo Ấn Độ được truyền đến phương Đông.
Vào thời nguyên thủy tháp Phật là kiến trúc chính trong quần thể kiến trúc Phật Giáo, sau đó mới đến điện đường và nơi sinh hoạt của Tăng già, Phật Giáo truyền vào phương Đông nhất là Trung Quốc, do ảnh hưởng phong tục tập quán và lối sống Đông phương cho nên có thay đổi trong lối sống cũng như kiến trúc tự viện dần dần kiến trúc nguyên thủy tiền tháp hậu tự biến thành tự là kiến trúc chánh và tháp được xây dựng một bên hoặc sau chánh điện của chùa. Kiến trúc tiền tháp hậu chùa của chùa Pháp Vân là chứng minh cụ thể nhất cho lịch sử lâu đời và ngôi chùa đầu tiên của đất Việt.
Tháp Hòa Phong có chín tầng xây bằng loại gạch loại vật liệu xây dựng truyền thống của các ngôi tháp cổ. Bảo tháp Tề Vân chùa Bạch Mã ngôi chùa đầu tiên ở Trung Quốc cũng được xây bằng gạch. Gạch xây tháp cỡ lớn được nung thủ công chin tới độ có màu sẫm già của vại sành. trãi qua thời gian sáu tầng bên trên của tháp đã bị hư hoại, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17 m nhưng vẫn còn nguyên nét uy nghi, vững chãi nhất trụ tề thiên ngàn năm nhật nguyệt. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ "Hòa Phong tháp". Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7 m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. góc tháp có tôn trí 4 tượng thiên vương cao 1,6 m. Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng hai con cừu đá dài 1,33 m, cao 0,8 m. Tượng này là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà hán
Trong ca dao dân gian có câu:
Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Ngày hội chùa Dâu được tổ chức rất trang nghiêm và long trọng, con đường diễu hành, hành hương về nơi đất Phật còn mở rộng tới chùa Phúc Nghiêm - chùa Tổ - nơi thờ Phật Mẫu Man Nương.
Chùa Pháp Vân (chùa Dâu) là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam chứng tích cho sự truyền thừa Phật Giáo Việt có nguồn gốc truyền từ Ấn Độ. Nơi thể hiện sự hòa mình nhập thế của đạo phật với tâm niệm tùy duyên bất biến được hiện rõ qua hình tượng Tứ Pháp. Được tôn xưng là Pháp Nguyên Tổ Đình vì là cội nguồn của Phật Giáo Việt và chốn tổ của Thiền Tông Việt Nam. Nơi còn lưu giữ thể loại kiến trúc Phật Giáo thời sơ khai khi truyền đến Đông Độ và là niềm tự hào văn hóa nghệ thuật triết học của Dân Tộc Việt Nam.
Tượng Mật Tích Kim Cang trong Nhân Vương Môn chùa Dâu
Tượng Bát Đại Kim Cang
Tượng Kim Cang Lực Sĩ
Tượng Pháp Vân và Pháp Vũ Chùa Dâu
Tượng Cấp Cô Độc ( Đức Ông)
Tháp Hòa Phong
Khánh Cổ
Tượng Con Cừu di vật đời Hán chùa Dâu
Thích Tâm Mãn
(chuaminhthanh.com)