Người Hoa được có mặt ở Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII, nhưng chính thức có mặt đại trà là năm 1945. Lúc bấy giờ đang là Đệ nhị Thế chiến, quân Nhật đổ bộ chiếm đánh Trung Quốc, khiến người dân các quận huyện tỉnh Quảng Đông thiếu lương thực, nhân dân đói khổ phải ăn lá cây non, rau rừng. . . lâu ngày bị bệnh, một số quận huyện như Triều Châu, Hạc Sơn, Phan Ngu và Cửu Giang…bị đói và bệnh dịch tả hoành hành triền miên khiến người chết ngày càng nhiều, vì thiếu thốn tài chánh chôn cất và cũng để tránh sự lây nhiễm, vì thế cuộc sống không thể kéo dài được, cho nên một số thanh niên đã tìm đường thoát thân sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
l. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH.
Khi đến Việt Nam. Người Hoa đã sống rải rác ở các tỉnh thành khu vực phía Nam, có tính đoàn kết và yêu chuộng hòa bình, thích giúp đỡ người bị hoạn nạn, không phân biệt màu da và tôn giáo, qua nhiều thời kỳ chiến tranh, dân tộc Hoa càng thắm nhuần hơn về tinh thần đoàn kết và chia sẻ cho nhau lúc họan nạn. Sau năm 1954, vì hoàn cảnh kế sinh nhai nên dân tộc Hoa đã tản ra sinh sống trong các tỉnh thành như : trong cả nước, Bình Dương, Phước Long, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Miền Cao Nguyên thì có Đơn Dương và thành phố Đà Lạt. Miền Trung : Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên và Qui Nhơn.…
ll. NHU CẦU HỌC PHẬT
1. Những bước đi ban đầu.
Khi các chuyến tàu cập bến vào đất liền vào tháng Giêng thì mỗi năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng, những thuyền nhân được định cư sẽ cúng cầu siêu mang tính tập thể cho người thân của mình, nếu cập bến vào tháng 2 họ sẽ cúng vào ngày mùng 8 tháng 2. . . . nếu đến vào tháng 7 thì sẽ cúng cầu siêu vào ngày 14 hoặc rằm tháng 7 … mỗi lần cúng vái như vậy họ đốt thật nhiều giấy tiền hàng mả, kho lầu các thứ, chi tiêu rất tốn kém và lãng phí. Sau thập niên 60 Tăng Đoàn hoằng pháp người Hoa do pháp sư Siêu Trần, pháp sư Diển Bồi, HT Hoằng Tu, HT Thọ Giả, HT Thanh Thiền, HT Lương Quốc, HT Tăng Đức Bổn và một số Tăng Ni trẻ từ bên Trung Quốc sang Việt Nam hoằng pháp và lập đạo tràng đã có làm lễ Quy y và hướng dẫn Phật pháp cho một số thanh thiếu niên nam nữ. Nay số người này đã già, có một số đã xuất gia tu học sau năm 1975, có một số là huynh trưởng hoặc trưởng, phó ban hộ tự của một số đạo tràng trên thành phố và các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Tuỳ theo điều kiện sống, điều kiện nhận thức và nhân duyên giải thoát của từng cá nhân mà chúng ta học hỏi Phật pháp và các môn thích hợp. Theo hướng giáo dục này, chư Tăng Ni người Hoa nói chung và các vị hoằng pháp nói riêng cũng tuỳ thời, tuỳ pháp, tuỳ cơ, tuỳ xứ mà có trách nhiệm giảng dạy giáo lý làm cho sự nghiệp giáo dục của Phật tử người Hoa ngày càng hưng thịnh, nhằm đem lại lợi ích, an lạc cho đời trên tinh thần “ Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh. Với tinh thần cao quý ấy, trong thời hội nhập, các Tăng Ni người Hoa đã từng bước kiện toàn nội dung giảng dạy sâu sắc và phù hợp cho mọi đối tượng Phật tử ở nhiều nơi trong cả nước. Để hòa mình theo sự đổi mới của đất nước và sự hội nhập toàn cầu hóa, ngày nay, các đạo tràng người Hoa nhờ sự hiểu biết Phật pháp nên nhiêu vấn đề mê tín dị đoan như đốt nhiều vàng mã đã từ từ giảm gần. Đó là một khởi sắc ban đầu.
2 Các đối tượng tu tập
2.1 Lứa tuổi Thiếu niên
Là lứa tuổi mới lớn, nên chọn đề tài “siêng học nuôi đạo tâm” để giảng dạy, với ý nguyện tuổi thiếu niên này không lêu lõng, nên siêng học, không quên nuôi dưỡng đạo tâm cho vững chắc.
Mai sau khi tốt nghiệp, chúng ta sẽ tuyển lựa 10 em trong 30 em để bồi dưỡng Phật pháp và chuyển họ thành người tu sĩ thì Phật giáo người Hoa mới có nhân tài để phục vụ đạo pháp.
2.2. Lứa tuổi thanh niên
Là lứa tuổi đã thành niên, thường đã thành lập gia thất, nếu thuộc vào gia đình giàu có, cuộc sống dư dã, thì rất kén chọn, không chịu lập gia đình, muốn độc thân để tụ tập ăn chơi, rượu chè say sưa, lêu lõng… có duyên lắm mới được bạn bè rủ nhau vào chùa nghe thính pháp và tham dự Bát Quan Trai. Còn những gia đình nghèo thì họ bận bịu, lo lắng trong cuộc sống sinh hoạt khó khăn hằng ngày… nên chúng ta phải chọn đề tài “Bảo Vệ hạnh phúc gia đình” để khuyên họ nên bảo vệ những thành quả mà chính họ đã tạo dựng ra.
2.3. Lứa tuổi Trung niên
Chọn đề tài “Nhất Tâm hướng Phật”. Vì lứa tuổi này đã lớn, có người đã làm ông bà nội hoặc ông bà ngọai, trong cuộc sống nếu là sung túc thì coi như khỏi lo, nếu là thiếu thốn thì chắc chắn sẽ già trước tuổi. Chúng ta nên khuyến khích họ hướng về Phật đạo nhiều hơn để làm cây đại thọ cho tốp trung niên và thiếu niên noi gương.
Gia đình người Hoa thường có câu nói: “Nhất gia hữu lão di như hữu bảo” . Nghĩa là một gia đình có người già ví như tồn tại một vật quý vậy. Trong muôn ngàn gia đình người Hoa mà có chừng năm ba trăm gia đình hiểu biết “Phật pháp”, tin nhân quả thì chắc chắn rằng trong xã hội này vấn đề bói toán, xin xăm, xem ngày chọn hướng, ma chay chôn cất, mê tín dị đoan sẽ dần dần giảm thiểu, trở thành thanh thiếu niên thính pháp, người già chuyển đạo tâm, vàng mả thành tiền thật, Đạo tràng thêm người tu và bờ mê sẽ thành ngộ. Đó cũng nhờ sự hộ trì của chư Tăng Ni người Hoa nhất tâm muốn cải thiện và đem lại lợi ích cho con người,
Từ bao năm nay, do gia đình người Hoa không chịu góp sức khiến cho bánh xe “pháp luân” chuyển chậm và vấn đề mê tín đã chiếm lĩnh tâm hồn của đồng bào Phật tử người Hoa.
Quả thật niềm tin đích thực của Phật tử người Hoa là nhằm đến sự an lạc và giải thoát. Nắm bắt được tinh thần đó, cho nên cái đòi hỏi lớn nhất của các vị giảng sư với bí quyết là “chất liệu tu” chứ không đòi hỏi giảng thao thao bất tuyệt. Chính vì vậy nhóm giảng sư người Hoa đã phát nguyện dấng thân đến các đạo tràng thuyết giảng và cùng với Phật tử tu tập, chia sẻ những gì Phật tử chưa thông. Đây là nguyên nhân mà chúng tôi kết hợp với các vị “Trụ trì” để khai mở các đạo tràng và thành tựu một cách mỹ mãn. Chánh pháp là niềm tin chánh kiến của Phật tử ngày nay, các đạo tràng không còn mê tính dị đoan, không đốt giấy tiền vàng mả, nhà lầu, nhà kho nữa. Phật tử rất vui mừng không còn phụ thuộc vào xã hội cũ rít đầy chất liệu mê tính dị đoan. Chính vì vậy Giảng sư đoàn Trung Ương là niềm tin, là đuốc tuệ, là mạng sống tâm linh cho hàng triệu Phật tử.
lll. Kết Luận.
Tăng Ni, Phật tử người Hoa chắc chắn sẽ muốn nhìn thấy ngày mà các tư thất, các đạo tràng, các đường xá và những nơi chôn cất linh thiên sẽ không có tiếng kèn, tiếng trống của những bản nhạc thời đại mà chỉ nghe tiếng Nam Mô A Di Đà Phật, sẽ không thấy có hàng mả bay tung tóe trên đường mà biến thành những phần quà có ý nghĩa cấp phát cho các học sinh nghèo hiếu học, sẽ không còn thấy cảnh chồng say xỉn về đánh vợ, đập phá nhà cửa , nói năng thô tục mà chuyển thành những lời hay ý đẹp, chứa đựng Phật pháp vi diệu, sẽ không còn thấy cảnh trong Chánh Điện có người lắc quẻ xâm rồi đi tìm lời giải mà chỉ thấy toàn Phật tử miệt mài chăm chú lắng nghe những câu giáo lý nhiệm mầu. Xin kết thúc bài như sau:
“ Muốn biết nhân thế của mai sau
Trước mắt tô bồi cho lớp trẻ
Đường đi nghìn dặm đầy sóng gió
Có công mài sắc có ngày nên kim
Giấy tiền vàng mả thành tiền thật
Cấp cho người nghèo cả học sinh
Pháp Vương tại vị mê thành ngộ
Phật pháp ở đây, chẳng đâu xa” .
(Trích tham luận Hội thảo Hướng dẫn Phật tử năm 2010 tại Tp. Cần Thơ)
TT THÍCH DUY TRẤN
Phó ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương
(giaohoiphatgiaovietnam.vn)