...Đầu tiên là dời Chùa Hải Đức từ Thành phố Nha Trang lên núi Trị Thủy nằm ở ngoại ô Thành phố, thuộc làng Phước Hải, cách cửa biển Nha Trang một cây số để tiện việc quy tụ Tăng Ni tu học và mở rộng khi cần.
Công việc dời Chùa ấy được tiến hành trong năm Quý Mùi (1943) và ngôi Chùa đã trở thành một cơ sở đào tạo quan trọng rất lừng danh là Phật Học viện Hải Đức Nha Trang sau này.
...Ngài thường hay nói trong những ngày trước khi viên tịch: Ta ra đời nhằm ngày Đản Sinh của đức Từ Phụ thì sau này ta cũng chọn ngày ấy mà viên tịch.
...Ngày mồng 8 năm Quý Mão (1963), Ngài không thấy trang hoàng cờ phướng để đón mừng Phật Đản như mọi khi và khi biết Giáo hội chủ trương dời ngày lễ Phật Đản vào đúng ngày rằm, Ngài nói: Rứa thì ta cũng đợi đến ngày rằm.
Tiểu Sử Hòa Thượng Hải Đức (1875 - 1963)
Thích Đồng Bổn
Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Cự, pháp danh Ngộ Tánh, tự Hưng Long, hiệu Phước Huệ. Sanh ngày mồng 8 tháng 4 năm Ất Hợi (1875) triều Tự Đức thứ 28. Tại làng Trung Kiên, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Gia đình họ Nguyễn của Ngài từng có truyền thống khoa bảng và chịu ảnh hưởng nếp sống Phật giáo qua nhiều đời, trong năm đời có đến sáu vị xuất gia và trở thành những danh Tăng có nhiều công hạnh. Nội tổ của Ngài là cụ Nguyễn Văn Bình, đỗ tam khoa Tú tài, từng có công mở mang hương lý, được dân làng tôn vinh và liệt vào hàng “Hậu hiền khai khẩn.”
Thân phụ Ngài là ông Nguyễn Văn Khanh, từng được triều đình bổ làm tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Từ, người làng Diên Khánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Năm Canh Dần (1890), Ngài 16 tuổi thì mẹ mất, sau đó Ngài theo thân phụ vào Bình Thuận nhậm chức. Khi đi ngang địa phận Nha Trang, thân phụ bỗng dưng phát bạo bệnh, phải xin tá túc nơi ngôi Chùa nhỏ mang tên Hải Đức. Sau đó người cha qua đời, Ngài phải nhờ đến nhà Chùa lo liệu việc mai táng.
Sau khi lo chôn cất phụ thân xong, là thiếu niên tứ cố vô thân nơi đất khách, Ngài phải tự kiếm sống bằng cách vào rừng đốn củi nuôi thân và hương khói cho cha. Phụ giúp việc Chùa, mỗi tối Ngài cùng chư Tăng đọc Kinh, từ đó duyên Phật pháp đã bắt đầu đi sâu vào tâm thức Ngài giữa lứa tuổi thiếu niên nhiều mơ ước.
Không lâu sau, nhận thấy con đường giải thoát với nếp sống và phẩm hạnh của người xuất gia mới là cứu cánh và có thể báo hiếu tròn vẹn mang nhiều ý nghĩa nhất. Ngài quyết định đảnh lễ cầu xin xuất gia với Tổ Viên Giác (trụ trì Chùa Hải Đức), được Tổ ban pháp danh là Ngộ Tánh.
Vốn có căn bản Nho học từ thuở nhỏ và được gia đình hướng dẫn cách tiếp cận những tinh hoa Phật Đà, trong thời gian hành Điệu, chấp tác Ngài đã vượt trội các bạn đồng sư nên sớm được Bổn sư ban cho pháp tự là Hưng Long.
Năm Giáp Ngọ (1894), 20 tuổi, Ngài xin Tổ Viên Giác cho dời hài cốt phụ thân về Kinh và cải táng tại núi Thiên Thai, bên cạnh Tổ đình Thuyền Tôn. Sau đó Ngài tiếp tục đến cầu học với Tổ Từ Hiếu. Cùng năm này, Ngài được thọ giới tại Đại giới đàn Chùa Báo Quốc, do Tổ Hải Thuận, Tăng Cang Chùa Diệu Đế làm Đàn đầu Hòa thượng.
Năm Kỷ Hợi (1899), lúc 25 tuổi, Ngài xin phép được lập thảo am nhỏ để tu trì đồng thời có nơi phụng thờ song thân, tại làng Bình An cách Chùa Từ Đàm về phía Đông gần một cây số. Lấy hiệu là Hải Đức Am (sau này là Chùa Hải Đức, đường Nam Giao Huế).
Năm Giáp Thìn (1904), Ngài đắc pháp với Hòa thượng Tâm Truyền (trụ trì Tổ đình Báo Quốc, Huế), pháp hiệu là Phước Huệ với bài phú kệ như sau:
Thượng thừa Phật Tổ chấn tôn phong
Phó kệ truyền đăng pháp pháp đồn
Thiện quả viên thành Tăng Phước Huệ
Tương kỳ đạo đức vĩnh Hưng Long.
Cũng năm này, Ngài nhận chức trụ trì Chùa Kim Quang (làng An Cựu Huế) do bà Từ Minh, Hoàng Thái Hậu đời vua Thành Thái kiến lập. Do đó vua Thành Thái có cơ duyên được gần gũi và nghe pháp nơi này, từ đó cảm mến và rất quý trọng Ngài.
Năm Giáp Dần (1914), Ngài trở lại Nha Trang để thăm Bổn sư, nhưng khi đến nơi thì Tổ Viên Giác đã viên tịch lâu rồi! Trong khi đó Chùa Tổ lại xiêu vẹo, hoang tàn, không một bóng Tăng chúng. Ngài liền ra sức vận động trùng tu lại ngôi Chùa và không lâu sau Chùa Hải Đức đã thực sự trở thành một đạo tràng thanh lịch giữa Thành phố Nha Trang.
Năm Giáp Tý (1924), đã 50 tuổi, Ngài được Chư Tăng tỉnh Khánh Hòa suy tôn làm Đàn đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn Nha Trang.
Sau đó, Ngài trở lại Huế, biến am Hải Đức thành ngôi Chùa nguy nga tráng lệ ở đất Thần kinh như ngày nay.
Năm Giáp Tuất (1934) Ngài về nơi sinh quán tỉnh Quảng Trị vận động trùng tu ngôi Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang ở làng Ái Tử, công việc trùng tu mất hơn bốn năm mới hoàn thành. Đó là năm Canh Thìn (1940), sau khi Khánh thành Tổ đình Tịnh Quang, Ngài được Giáo hội tỉnh Quảng Trị thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng trong Đại giới đàn của tỉnh. Cũng trong năm đó, vua Bảo Đại ban chiếu chỉ Ngài làm Tăng Cang Tổ đình Báo Quốc.
Thời gian từ năm 1941 đến 1945, Ngài liên tục đảm nhận chức Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già tỉnh Thừa Thiên.
Trong xu thế chung của Phật giáo nước nhà, công việc Chấn hưng cũng là mối bận tâm không nhỏ nơi Ngài. Vì thế, Ngài chọn Thượng tọa Bích Không, là một người am tường nhiều sở học, hỗ trợ Ngài thực hiện các Phật sự quan trọng. Đầu tiên là dời Chùa Hải Đức từ Thành phố Nha Trang lên núi Trị Thủy nằm ở ngoại ô Thành phố, thuộc làng Phước Hải, cách cửa biển Nha Trang một cây số để tiện việc quy tụ Tăng Ni tu học và mở rộng khi cần.
Công việc dời Chùa ấy được tiến hành trong năm Quý Mùi (1943) và ngôi Chùa đã trở thành một cơ sở đào tạo quan trọng rất lừng danh là Phật Học viện Hải Đức Nha Trang sau này.
Năm Tân Mão (1951), Ngài đến thăm bạn đồng môn là Ngài Phổ Nhãn, đang trụ trì Tổ đình Thiên Bửu. Ngài đã vận động Ngài Phổ Nhãn tiến cúng ngôi Tổ đình cho Giáo hội Ninh Hòa, làm trung tâm hoằng dương chánh pháp nơi địa phương. Sau đó hai Ngài cùng vận động trùng tu lại Tổ đình. Năm Giáp Ngọ (1954) khi Khánh thành Tổ đình Thiên Bửu, Giáo hội Ninh Hòa khai mở Đại giới đàn tại đây và cung thỉnh Ngài làm Đàn đầu Hòa thượng.
Năm Bính Thân (1956) Ngài đã ký văn bản tiến cúng Chùa Hải Đức Nha Trang cho Giáo hội Trung Phần làm nơi đào tạo Tăng Ni. Văn bản đề ngày 27/ 07 và ngày 29/ 09 là lễ bàn giao. Do yêu cầu thiết yếu của công việc đào tạo, hướng về tương lai phồn thịnh mọi mặt, nên Ngài đã không ngần ngại quyết định một cách nhanh chống như thế.
Năm Nhân Dần (1962), Ngài trở ra Quảng Trị kiến thiết tượng đài Quan Thế Âm tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang.
Trong cuộc đời hoằng hóa của Ngài, 70 năm trải đều trên con đường xuyên Việt, từ Trị Thiên đến Khánh Thuận. Ngoài những việc làm tích cực mang ý nghĩa đạo pháp to lớn, Ngài còn để tâm đến những việc nhỏ khác. Tiêu biểu cho những việc làm ấy như sau:
- Để bầu ra được Ban Quản Trị Tổ đình Báo Quốc, Ngài phải đứng đầu phiên họp của Hội đồng Sơn môn Tăng già Thừa Thiên ngày 4 tháng 4 năm Mậu Tý (1948).
- Ngài đã vận động các vị Tỳ kheo còn nặng nợ trần, nhanh chóng giao trả Tổ đình Từ Đàm lại cho Giáo hội.
- Đại trùng tu Chùa Kim Quang ở An Cựu, Huế.
- Chứng minh và cổ động cho việc trùng hưng Chùa Phổ Đà, Đà Nẵng.
- Chùa Phật Quang, Thị xã Phan Thiết cũng được Ngài tận tình chiếu cố.
Ngoài ra, có một thời gian Ngài tranh thủ ra Bắc học thêm Pháp môn Mật Tông, do đó, Ngài đã từng chữa lành bệnh cho không ít người tìm đến, nhất là bệnh tâm thần.
Trong sự nhiếp hóa đồ chúng, tiếp dẫn hậu lai, Ngài đã đào tạo được một tầng lớp đệ tử tiêu biểu sau:
- Hòa thượng Bích Phong (1900 - 1968), trụ trì Chùa Quy Thiện và kế thừa Tổ đình Báo Quốc.
- Hòa thượng Bích Không (1894 - 1954), nguyên trụ trì Chùa Hải Đức (1943).
Ngoài ra, còn có không ít các vị đệ tử của Ngài là người nước ngoài, đủ thành phần quốc tịch, đặt biệt trong đó, có một người Mỹ (làm Kỹ sư) tên Frank M. Bazl, ngày 27-4-1958 đã đến xin nhận Ngài đỡ đầu trên bước đường tu học.
Ngài thường hay nói trong những ngày trước khi viên tịch: Ta ra đời nhằm ngày Đản Sinh của đức Từ Phụ thì sau này ta cũng chọn ngày ấy mà viên tịch.
Ngày mồng 8 năm Quý Mão (1963), Ngài không thấy trang hoàng cờ phướng để đón mừng Phật Đản như mọi khi và khi biết Giáo hội chủ trương dời ngày lễ Phật Đản vào đúng ngày rằm, Ngài nói: Rứa thì ta cũng đợi đến ngày rằm.
Và quả đúng như lời của bậc Thánh giả, lúc 11 giờ 30 ngày rằm tháng 4 năm Quý Mão (1963). Ngài thị tịch, thọ 89 tuổi, với 68 hạ lạp. Bảo Tháp của Ngài được tôn trí trong
Danh Tăng Việt Nam, Tập I, Thích Đồng Bổn chủ biên – Thành Hội Phật giáo, Thành phố Hồ Chí Minh Xuất Bản 1997.