Bảo Châu thương mến,
![image](/sites/default/files/images/stories/automatic/0/c85592ded5a7c375734c9397f9b4771a.jpg%26size%3Darticle_medium)
Thạch Lang thật vui sướng được lắng nghe Bảo Châu tâm sự. Bảo Châu biết rõ ràng về sự vận hành của tâm ý quá đi, đó là bước đầu quan trọng trong đời sống thiền tập. Thấy rõ sự ghét bỏ làm cho trái tim co rúm lại và làm lớn lên tính tự hào thì ta đâu có thể tiếp tục hành xử như thế. Có phải không em?
Theo duy biểu học, tâm hành chán ghét gồm có chủ thể ghét tức là ta và đối tượng ghét là người kia. Có nghĩa là ta bị ảnh hưởng trực tiếp năng lượng ghét bỏ ấy. Bảo Châu có biết hay không? Người tán tỉnh đùa cợt đang có mặt đầy dẫy khắp mọi nơi, bởi nó là bản năng tính chất của con người được biểu hiện từ các hạt giống cô đơn, thiếu thốn, thương yêu, chú ý, làm đẹp, ham muốn và đam mê. Mà là con người thì ai cũng có các nhu yếu ấy. Điểm khác biệt là hạt giống tán tỉnh đùa cợt có người mạnh kẻ yếu, người thô kẻ tế mà thôi, trừ những ai chuyển hóa gần hết các chất liệu quyến rũ, đam mê, ham muốn trong tâm hồn.
Dù sao đi nữa, người kia đã từng giúp đỡ trong công việc nấu ăn, rửa dọn, quét lá, làm vườn, lặt rau, nghĩa là ít nhất có một lần nuôi dưỡng sự sống của ta, mà ta lại ghét bỏ người ấy thì làm sao trái tim ta có thể lớn lên cho được? Nhìn sâu hơn, ta thấy nỗi ghét bỏ này có mặt trong ta từ thời thơ ấu. Do trong quá khứ, ta đã từng ghét những người tán tỉnh đùa cợt, cho nên ta đổ nỗi ghét bỏ này lên người trong hiện tại. Hiện tượng này tâm lý học Tây phương gọi là phỏng lên “projection”. Ta hãy nhận diện để chuyển hóa sự chán ghét, tính đổ lỗi ấy đi mà chớ nên tránh né người ấy suốt đời. Cũng có thể, người kia chỉ là nạn nhân của sự ghét bỏ trong ta. Người ấy tán tỉnh đùa cợt (flirt). Ừ, thật đấy! Nhưng người ta vẫn còn biết tu tập, còn có các đức tính tốt đẹp, chưa làm gì nên tội lỗi so với những kẻ giết người cướp của. Nếu người ấy có hành động nào không tốt thì gia đình, học đường và xã hội sẽ giáo dục. Vậy thì, tại sao ta lại ghét bỏ làm gì cho khổ thân? Cô giáo cũng đâu có chán ghét và tránh né người ấy mặc dù người ấy từng làm nhiều lầm lỡ.
Bảo Châu ơi! Ta hãy tội nghiệp và xót thương cho sự yếu kém của người ấy. Người đó biết rõ ta không ưa thích gì anh, nhưng anh vẫn chưa một lần nói nặng lời hay làm gì tệ hại đối với ta. Người đó có thể đang có cảm giác ngại ngùng, sợ hãi và mặc cảm tủi thân, thế mà vẫn đối xử dễ thương với ta. Bụt đã dạy: “Thù ghét là ngọn lửa thiêu đốt thân tâm.”[1] Nếu không thử cởi mở, không tới gần, không chào hỏi, không thấy nét đẹp, không có một chút xót thương, thì trái tim ta sẽ mãi mãi là nhỏ bé, chứa đầy sợ hãi, nghi ngờ, trách móc. Nghĩa là ta chưa thật sự có hạnh phúc, vì thế tình thương trong ta càng ngày càng trở nên mòn mỏi, nhỏ nhoi. Trong bài thơ ‘Dặn Dò’, Sư Ông bảo:
“..Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn:
Kẻ thù chúng ta không phải con người.
Xứng đáng chỉ có tình xót thương
Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện...”[2]
Sự thực tập quá rõ ràng rồi em ạ, tức là tới gần nhau để chào hỏi, làm quen, nói chuyện, vui chơi, và thỉnh thoảng nên mỉm cười với nhau. Đó là con đường duy nhất để chuyển hóa sự ghét bỏ, làm cho tâm cảnh thông thương, để thấy rằng người kia cũng là con người, cần được chấp nhận và yêu thương. Chính bản ngã làm quan tòa lên án người khác cho nên mới sinh ra tâm hành ghét bỏ, chứ bản tính đùa cợt của người kia thế nào cũng phải thay đổi theo thời gian. Ta cũng có tính nết, suy tư, tập khí riêng, không cần ai phải giống ai, vậy nên hãy để cho người kia là người kia và ta là ta. Mỗi người mỗi vẻ mới đích thực là sự sống muôn màu muôn sắc. Nếu ta bị ảnh hưởng bởi môi trường, gia đình và chủng tử truyền trao, thì người kia cũng vậy. Do đó xin đừng đòi hỏi người khác phải như thế này hoặc như thế kia. Sự đùa cợt tuy không đàng hoàng thật đấy, nhưng người đó vẫn còn có sự cởi mở và nhiều đức tính dễ thương khác. Bởi vậy ta không nên quá khắc khe. Ta biết người ấy yếu đuối, dễ bị năng lượng tán tỉnh đùa cợt chi phối để tìm sự chú ý (attention), ngưỡng mộ (admiration) nhưng ta vẫn chào hỏi tử tế, thì ta mới thật sự có tâm hồn độ lượng và lòng bao dung.
Đối với các mặt khác của con người, ta nên học cách chấp nhận như ta chấp nhận tính tán tĩnh đùa cợt. Con người có đủ mọi mặt tâm lý. Chính tâm thức ta cũng có hạt giống tán tĩnh, chứ đừng nói gì tới người khác. Có thể, tính ấy trong ta còn nhỏ bé, nên nó chưa biểu hiện ra thành nết đó thôi. Nếu sống bê tha thì tính tán tĩnh trong ta cũng sẽ lớn lên. Giận hờn, ganh tỵ, nghi ngờ, ích kỷ đều là những tâm lý rất con người. Do thế, xây dựng hòa bình là học cách chấp nhận mọi tính nết của người khác. Tục ngữ có câu:
“Cái nết đánh chết cũng không trừa.
Sông núi dễ dời, tính nết khó đổi.”
Nếu ta khó chịu, ghét bỏ người này hay người kia thì ta khổ mà thôi.
Ta có niềm tin nơi Tam Bảo, nơi sự thăng hoa của con người, do đó ta đâu có sợ trò đùa cợt của người kia lừa gạt. Tính tán tỉnh đùa cợt không phải là xấu xa lắm, bởi con người còn nhiều tính nết xấu hơn. Ta hãy cẩn thận với tâm hành kỳ thị. Ta thương yêu, gần gủi một số người này và xa lánh một số người khác. Nhưng chưa hẳn người ta đang ghét bỏ là dễ ghét đâu! Cũng chưa hẳn người ta đang thương là dễ thương hoàn toàn. Bởi vì thương ghét bị ảnh hưởng nặng nề trên sự phán đoán, vướng mắc và thành kiến của ta. Hơi thở ý thức sẽ mở cánh cửa cố chấp. Nhờ thế, ta bắt đầu biết được nguồn gốc thương ghét là sự biểu hiện từ những hạt giống trong chiều sâu tâm thức.
Tóm lại, con người có đầy đủ tất cả tính nết đẹp xấu, thanh cao, thương ghét, thiện ác, vui buồn nên sự thực tập là để càng ngày càng có khả năng chấp nhận, thương yêu nhiều người hơn. Chính họ là tấm gương phản ảnh trung thực sự biểu hiện của tâm ý, tình cảm, suy tư của ta. Do đó hãy nhớ biết ơn đối với những người chung quanh, nhờ họ mà ta thấy được con người chân thật của ta.
[1] Kinh Pháp Cú
[2] Thích Nhất Hạnh
Pháp Đăng