Giáo dục Phật giáo - Phần I

Giác Ngộ - Phật giáo đặt nền tảng trên sự hiểu biết đúng để tin đúng và thực hành đúng. Do đó về căn bản, Phật giáo đã là một con đường giáo dục. Cách nay trên 2.500 năm, khi Tăng đoàn Phật giáo hình thành thì nền giáo dục Phật giáo đã bắt đầu.

 

Giáo dục Phật giáo là một thực thể

Nền giáo dục đó phát triển theo sự phát triển của Phật giáo, cả về hình thức và nội dung. Chương trình giáo dục Phật giáo từ việc chỉ giới hạn trong lãnh vực Phật pháp, dần dần được mở rộng để trở thành một chương trình giáo dục bao gồm nhiều môn học không thuộc Phật giáo. Những tự viện cũng dần dần phát triển thành những cơ sở giáo dục lớn, trong đó có một số trở thành những đại học đầu tiên trên thế giới như Nalanda và Valabhi. Ngoài ra còn có những trung tâm lớn khác như Vikramsila, Sompori, Salban, Pandit Vihar, Taxila. Ở đó, có những sinh viên đến học từ các nước như Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan,...

TT (10).JPG

Ảnh minh họa

Phật giáo truyền đến chỗ nào thì không khí học thuật ở đó nổi lên, các môn học cũng được sửa đổi và gia tăng để đáp ứng với điều kiện và nhu cầu xã hội ở đó.

Ở Việt Nam và Trung Hoa, từ thế kỷ thứ I sau Tây lịch đã có những trung tâm Phật giáo như Luy Lâu, Bành Thành, Lạc Dương.

Ghi nhận về nền giáo dục Phật giáo, Tiến sĩ Pranab Kumar Bar viết:

"Nền giáo dục Phật giáo đã lan rộng từ khắp bán đảo Ấn Độ đến các nước Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng, Miến Điện, Thái lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Malaysia, Singapore. Khi Phật giáo truyền vào các nước này, giáo dục Phật giáo đã bước những bước tiến lớn với việc thêm vào những môn học mới trong chương trình giảng dạy" (Early Buddhist education and its modern).

Một điểm đặc biệt khác của nền giáo dục Phật giáo với hình thức giáo dục đặc sắc là mùa an cư.

Tự viện: Môi trường chính của nền giáo dục Phật giáo

Cũng theo Tiến sĩ Pranab Kumar Bar, trung tâm chính của nền giáo dục Phật giáo là các tự viện. Ở đó việc giáo dục được mở rộng cho mọi thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, và người học được theo học miễn phí.

Những trung tâm giáo dục Phật giáo đầu tiên như Nalanda và Valabhi, tuy được gọi là đại học, vì có tính cách quy mô và chất lượng cao về đào tạo và tổ chức, nhưng sinh hoạt trong các trung tâm này vẫn là sinh hoạt tu viện. Những đại học Phật giáo của Tây Tạng ngày nay cũng tổ chức theo hình thức tu viện đại học (university monastery).

Ở mức độ khái quát, có thể nói rằng sự phát triển của giáo dục Phật giáo là sự phát triển của nền giáo dục tự viện hay Phật học viện.

Sau khi giác ngộ, Đức Phật đến vườn Lộc Uyển để độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như với bài pháp về giáo lý Tứ đế, bài pháp ấy đóng vai trò quan trọng như là xương sống của Phật giáo. Đó là khởi đầu của nền giáo dục Phật giáo. Và khi giáo đoàn được thành lập với sự hình thành của các tinh xá, nền giáo dục tự viện của Phật giáo bắt đầu. Ban đầu, việc giáo dục ở các tinh xá có tính cách cá nhân hay từng nhóm, rồi dần dần tiến tới việc tổ chức thành lớp học, với những bài giảng và những cuộc trao đổi, thảo luận, đặc biệt là trong mùa an cư.

Từ thời Đức Phật, giáo dục Phật giáo đã nhắm vào hai đối tượng tu sĩ và quần chúng. Sau lần an cư đầu tiên, Đức Phật bảo các đệ tử mỗi người đi một nơi, kể cả Ngài, để thuyết giảng giáo pháp mới về sự an vui chân thật cho quần chúng, và từ đó nền giáo dục quần chúng của Phật giáo bắt đầu.

Như vậy, từ mùa an cư đầu tiên, Phật giáo đã mặc nhiên sinh hoạt dưới hai hình thức giáo dục: giáo dục tự viện trong ba tháng an cư mùa mưa, và giáo dục quần chúng trong chín tháng mùa khô.

Theo thời gian, với sự hình thành một cộng đồng cư sĩ lớn mạnh và nhu cầu tu học đòi hỏi nhiều hơn về chất và lượng, việc giáo dục quần chúng dần dần cũng trở nên tập trung, và tự viện cũng trở thành những trung tâm tu học cho cả giới cư sĩ dưới hình thức những khóa tu một hay nhiều ngày.

Bên cạnh nhu cầu học hỏi và truyền bá của chư Tăng Ni trong việc thích ứng với hoàn cảnh và môi trường sống, việc cư sĩ tham gia vào nền giáo dục tự viện cũng là một yếu tố tạo nên sự biến đổi về nội dung và hình thức trong quá trình phát triển của nền giáo dục Phật giáo.

Nói về sự phát triển của nền giáo dục Phật giáo, Giáo sư Masato Mitsuda thuộc Đại học San Francisco State viết:

"Lần đầu tiên, vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Tây lịch, người Phật tử thách thức hệ thống giai cấp cứng nhắc của xã hội Ấn Độ khi các tu viện mọc lên nhiều nơi trên đất nước này. Tu viện cung ứng một đời sống cộng đồng trong đó Tăng và Ni học hỏi về giới luật, và được dạy kinh điển truyền miệng từ các vị thầy được gọi là Acarya.

Khi Phật giáo trở nên phổ cập và được chấp nhận, số lượng tu viện cũng tăng lên. Những trường đại học Phật giáo nổi tiếng nhất là Nalanda và Valabhi ở miền Đông và miền Tây Ấn Độ đã được thành lập. Các trường đại học này và những tu viện khác được hộ trì bởi những thương gia giàu có và sự trợ cấp của hoàng gia. Nalanda lên đến tột đỉnh huy hoàng vào thế kỷ thứ VII. Ngài Huyền Tráng viếng Ấn Độ từ năm 626 đến năm 646 và học tại Nalanda ghi lại rằng: Ở Đại học Nalanda, số giáo sư là 1.500 vị và số học viên là 10.000. Một vị Tăng nổi danh khác của Trung Hoa là ngài Pháp Hiển viếng Ấn Độ từ năm 399 đến năm 414 ghi lại rằng: Trong các tu viện, ngoài việc học kinh điển, các môn như văn phạm tiếng Phạn, luận lý học Ấn Độ, và siêu hình học cũng được giảng dạy. Ngoài ra, nghệ thuật Phật giáo và y học cũng là những môn học chủ yếu trong chương trình giáo dục Phật giáo. Đến thế kỷ thứ VII, đời sống trong tu viện của chư Tăng Ni biến đổi trở nên phức tạp, đòi hỏi họ phải phấn đấu một cách có sư phạm hơn. Có thể cho rằng "chủ nghĩa kinh viện" Phật giáo bắt đầu ở thời kỳ này.

TT (2).JPG

Ảnh minh họa

Các tu viện Phật giáo ở Trung Hoa bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ I khi Phật giáo được chấp nhận. Trung tâm Phật giáo nổi danh là Lạc Dương được hình thành vào cuối thế kỷ thứ I. Vị Tăng được biết đến và được tôn kính nhiều nhất ở Lạc Dương là An Thế Cao. Ngài là người Partian (một phần của Iran ngày nay) thuộc dòng dõi vương giả. An Thế Cao đến Lạc Dương vào khoảng năm 148. Ngài dịch kinh, phần lớn là về Thiền như định tâm, thiền quán, phương pháp điều khiển hơi thở sang Hán văn. Trong số những người ngoại quốc cộng sự với An Thế Cao có ngài Chi Lâu Ca Sấm, người gốc Seythian, đến Lạc Dương vào khoảng năm 167 và cũng là một nhân vật quan trọng. Khác với An Thế Cao, ngài Chi Lâu Ca Sấm chuyên dịch các kinh về Bát nhã.

Giữa thế kỷ thứ I và thế kỷ thứ V, ở Trung Hoa có một số Tăng sĩ chuyên dịch kinh. Thêm vào đó, Tăng sĩ Trung Hoa có cơ hội học về Phệ đà, thiên văn học Ấn Độ, toán học, và những khoa học huyền bí từ những vị Tăng ngoại quốc sống ở Trung Hoa. Ngài Cưu Ma La Thập (413) cũng đã đưa văn học Ấn Độ vào Trung Hoa. Các tu viện tự điều hành như những viện đại học. Khi gia nhập Tăng đoàn, Tăng và Ni được nhận một nền giáo dục ở nhiều mức độ từ thấp đến cao, song song đó, họ thoát khỏi những bất công của xã hội và được xã hội kính trọng. Tuy nhiên, giáo dục ở tu viện có mục đích cao cả hơn, đó là hướng dẫn sự chứng nghiệm sâu nhất về ý nghĩa hiện hữu của con người. Mục đích chính của giáo dục và thực hành Phật pháp là làm cho sự chứng ngộ trở thành hiện thực" (Zen Buddhist perspectives on modern education).

Ngày nay, với nhu cầu học hỏi và truyền bá, chương trình học trong nhiều tự viện Phật giáo đưa thêm những môn học cần thiết và phổ biến như Anh ngữ, khoa học, y học, tin học,… Và các nền giáo dục Phật giáo ngày nay nhờ những phương tiện hiện đại đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tìm hiểu và học hỏi Phật pháp cho người xuất gia cũng như tại gia, mà internet là một trong những phương tiện hữu hiệu.

Giới - Định - Tuệ: Cái trục của nền giáo dục Phật giáo

Mục tiêu của giáo dục Phật giáo là đạt đến trí tuệ cứu cánh hay trí tuệ chân thật, giúp con người thoát khỏi sự đau khổ, mục đích tối hậu của đời sống.

Với Phật giáo, khổ là vì không hiểu biết. Muốn thoát khổ thì phải có trí tuệ, tức có sự hiểu biết. Khổ bớt dần với mức độ hiểu biết tăng dần. Và khi cái biết đạt đến chỗ toàn triệt thì khổ cũng hoàn toàn chấm dứt.

Biết của Phật giáo là biết về bản chất, về ý nghĩa chân thật của đời sống, của vũ trụ. Nội dung của cái biết đó là nhận rõ tính chất vô thường và duyên khởi của tất cả hiện tượng, hết thảy chúng sanh. Cái biết cứu cánh là cái biết rốt ráo, toàn thể, không thiên lệch. Nó cân xứng và hài hòa của cái tổng thể trí, tình và ý. Cái biết này cho chúng ta thể nghiệm được tính nhất thể bình đẳng với tất cả chúng sanh, khơi dậy trong chúng ta tình thương và sự kết nối.

Cái biết đó vốn có sẵn trong mọi người, mọi chúng sanh, nhưng bị che khuất vì ý nghĩ, lời nói và hành động điên đảo mà chúng ta tạo ra qua thời gian vô tận, đã trở thành một lớp màn dày bao phủ nó. Muốn trở về với cái biết nguyên thủy đó, chúng ta cần phải giữ giới và thiền định.

Giới là những nguyên tắc đạo đức do Đức Phật chế định để giúp con người tự giác kiềm chế sự phóng túng của hành động, lời nói và ý nghĩ. Nhờ sự giữ giới và những phương pháp tu tập khác mà tâm đạt đến trạng thái tập trung, an trụ để sẵn sàng cho sự khai mở tuệ giác.

Giới, Định và Tuệ có thể nói là nền tảng của sự tu tập trong Phật giáo, cũng là cái trục chính trong nền giáo dục Phật giáo.

Trong sách "Để sống đời sống có ý nghĩa", Đức Đạt-lai Lạt-ma viết về Giới, Định, Tuệ như sau:

"Giới, Ðịnh và Tuệ là thứ tự căn bản trong sự tu tập. Lý do như sau:

Ðể cho trí tuệ quán chiếu, loại bỏ những chướng ngại cản trở sự hiểu biết đúng đắn, và loại trừ tận gốc những trạng thái tâm thức sai lầm. Chúng ta cần sự tập trung thiền định, một trạng thái hoàn toàn nhất tâm, trong đó mọi sự lo âu nội tại đều không còn. Nếu không thì tâm thức sẽ phải trải qua nhiều sự đứt đoạn. Không có được sự thiền định nhứt tâm như vậy, trí tuệ sẽ không có sức mạnh, giống như một ngọn đèn cầy ở trong gió không đủ sức phát ra ánh sáng. Vì vậy, thiền định đi trước trí tuệ.

Thiền định nhất tâm để loại trừ những tạp niệm vi tế, chẳng hạn như tâm thức quá căng thẳng hoặc quá phóng túng. Ðể thực hiện việc này, trước tiên chúng ta phải dừng lại những lo âu bằng việc thực hành giới luật để giữ chánh niệm và tỉnh giác trong hành vi và lời nói - luôn luôn tỉnh giác về hành vi bạn đang làm và lời bạn đang nói. Nếu không vượt qua được những xao lãng dễ thấy này, bạn không thể nào vượt qua những xao lãng vi tế hơn. Nhờ giữ chánh niệm, bạn đạt được trạng thái an tịnh của tâm thức, do đó việc thực hành giới luật phải đi trước việc tu tập thiền định…

Nhìn vào ba sự tu tập - giới luật, thiền định và trí tuệ - chúng ta thấy rằng, mỗi thứ có tác dụng như là nền tảng cho cái kế tiếp. (Thứ tự tu tập này được chứng minh rõ ràng trong cuộc đời của Ðức Phật). Vì vậy, toàn bộ tiến trình tâm linh tùy thuộc vào nền tảng giới luật".

Trí tuệ là mục đích, và thiền định là tiến trình thiết yếu để đạt đến trí tuệ. Tuân giữ giới luật là phương pháp giúp tâm an ổn, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình thiền định. Khi tâm được định thì trí tuệ sẽ thể hiện một cách tự nhiên. Giáo lý của Đức Phật chứa đựng trong ba tạng kinh điển không ra ngoài ba môn học này.

Vì Giới, Định, Tuệ là nền tảng của sự tu học Phật giáo, được gọi là Tam vô lậu học, cho nên giáo dục Phật giáo phải lấy Giới, Định, Tuệ làm trung tâm. Dù trải qua sự phát triển và nhiều thay đổi, nền giáo dục Phật giáo vẫn xoay quanh cái trục ba yếu tố này. Nền giáo dục này có hai bước hay hai mục đích: 1) Tạo niềm tin vào giáo pháp để phát tâm thực hành giáo pháp, tức tu tập Giới, Định, Tuệ; và 2) Hướng dẫn phương pháp thực hành Giới, Định, Tuệ để tiến sâu vào trí tuệ chân thật.

Văn-Tư-Tu: Ba thiện xảo trong quá trình tu học

Để thành tựu trong việc học giáo pháp của Đức Phật, người học cần áp dụng khéo léo tiến trình Văn-Tư-Tu trong việc tu học Giới, Định, Tuệ.

Văn có nghĩa là nghe, tức là học. Thời Đức Phật không có chữ viết, không có văn tự, nên chỉ nghe. Tuy nhiên, nghe theo nghĩa là học thì không những nghe bằng tai, mà còn nghe bằng mắt, tức đọc, nhìn, tìm kiếm. Nghe giáo pháp, đọc kinh điển, chiêm ngưỡng hình tượng. Nghe rồi suy nghĩ để phân biệt đúng sai, xem có thích hợp với mình hay không. Suy nghĩ một cách thấu đáo đến chỗ không còn nghi ngờ. Khi đã suy nghĩ thấu đáo và không còn nghi ngờ thì đem điều học được đó áp dụng vào đời sống, vào thực hành. Ba bước này chẳng những rất quan trọng trong việc học Phật pháp mà còn áp dụng hiệu quả cho mọi ngành học vấn khác.

Dù tu tập theo pháp môn nào, tông phái nào, ba bước trí tuệ này đều phải được áp dụng. Ba bước này phải được áp dụng cho mỗi lãnh vực tu tập. Áp dụng Văn-Tư-Tu trong tu giới, áp dụng Văn-Tư-Tu trong tu thiền định, áp dụng Văn-Tư-Tu trong tu tuệ. Ví dụ tu thiền định, người học tìm tòi, lắng nghe những lời dạy về pháp môn Thiền, suy nghĩ những lời dạy về cách tu tập Thiền, những triệu chứng sai lạc, những chứng bệnh xảy ra khi tu thiền…, rồi áp dụng sự hiểu biết đó vào việc tu tập, quan sát những chướng ngại ngoài thân, trong tâm để điều chỉnh.

Ngược lại, Văn, Tư, Tu cũng cần Giới, Định, Tuệ hỗ trợ. Nếu tâm không ổn định nhờ giữ giới và thiền định thì sự nghe, suy nghĩ và thực hành sẽ không đến nơi đến chốn và không toàn diện.

Ngoài Văn-Tư-Tu, có thể có bước thứ tư là xác minh kết quả tu tập bằng kinh nghiệm. Vì Phật giáo là một con đường thực nghiệm, sự xác minh kết quả tu tập cũng phải bằng con đường thực nghiệm. Trong các giai đoạn tu thiền định, những cảm thọ vi tế cần được xác minh bằng những hiểu biết từ kinh sách của chư Phật, chư Tổ, tốt nhất là được sự xác minh của một vị thầy có thẩm quyền.

Một số phương pháp trong giáo dục Phật giáo

Phật giáo có một hệ thống giáo dục đặt trên nhiều phương tiện mà số lượng được mô tả là tám vạn bốn ngàn. Có nghĩa là phương pháp giáo dục của Phật giáo là vô số, tùy cơ duyên mà ứng dụng. Nhưng nhìn một cách tổng quát, chúng ta thấy có bốn nhóm phương pháp tiêu biểu sau đây thường được Đức Phật và những vị thầy về sau sử dụng.

WAC.jpg

Thanh thoát mùa an cư

- Dạy dỗ và phát triển từng bước: Vì không phải là một tôn giáo thuần túy đức tin, mà là một con đường phát triển tri kiến và tâm linh để đi đến mục đích sau cùng là trí tuệ cứu cánh, Phật giáo có một hệ thống học hỏi và thực hành mạch lạc. Việc dạy dỗ trong Phật giáo đi từ thấp đến cao, từ thô sơ đến vi tế. Như trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật ân cần và kiên nhẫn tháo gỡ từng chiếc gút trong cái thấy của ngài A Nan để cuối cùng mở ra cho A Nan và đại chúng cái thấy chân thật, viên thông.

Như chúng ta biết, quá trình tổng quát của giáo dục Phật giáo là Giới, Định rồi đến Tuệ. Mỗi nhóm đều đi từ dễ đến khó, từ thấp đến cao.

Việc Đức Phật dạy La Hầu La cũng cho thấy quá trình tiệm tiến trong sự giáo dục của Phật giáo. Ngài dạy về đạo đức (giới) lúc La Hầu La 7 tuổi, dạy về thiền định lúc 10 tuổi, đến 20 tuổi thì Ngài mới dạy về trí tuệ giải thoát.

Chúng ta biết rằng, sự phát triển của tâm tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân và điều kiện, do đó không thể nào thành tựu trong một thời gian ngắn được. Vả lại, sự phát triển của tâm là việc làm cần nhiều nỗ lực, do đó phải trải qua một quá trình. Con đường phát triển tâm để tìm thấy ý nghĩa chân thật của thế giới, của đời sống cần phải thực hiện theo những chỉ dạy sáng suốt, trải qua nhiều năm tháng. Trong lịch sử Phật giáo, quá trình tu hành của các vị thành tựu đạo nghiệp cho chúng ta thấy điều này.

- Quan sát và phân tích: Phương pháp quan sát và phân tích được Đức Phật sử dụng rất nhiều, nhất là trong việc phân tích những khía cạnh phức tạp của tâm.

Kinh Thủ lăng nghiêm, bộ kinh từng bước khai mở tường tận về cái thấy đúng, tức thấy tánh viên thông của các căn, chúng ta thấy phương pháp phân tích được sử dụng triệt để. Trong kinh, rất nhiều lần Đức Phật bảo ngài A Nan dùng khả năng phân tích để trả lời những câu hỏi gợi ý của Ngài:

"Đối với các cảnh vật sum la vạn tượng, ông nên chín chắn phân tích rõ ràng, rồi chỉ cho ta xem, cái nào là cái ‘thấy’ cũng như chỉ các vật, không có lầm lẫn".

"Ông hãy ở nơi vạn tượng mà phân tích kỹ càng, chỉ cho ta xem cái kiến tinh sáng tỏ ấy, rõ ràng đồng như các vật, không được lầm lẫn!"…

Về phương pháp phân tích trong việc dạy dỗ của Đức Phật, Đại đức Pannyavaro viết: "Chúng ta có thể thấy sự tương đồng trong cách tiếp cận của Đức Phật với cách tiếp cận của khoa học về vấn đề tri thức. Đức Phật nhấn mạnh sự quan trọng của quán sát khách quan. Quán sát là chìa khóa trong phương pháp nhận thức của Đức Phật. Chính sự quán sát đã đem đến việc nhận ra bốn chân lý vi diệu (Tứ diệu đế). Và ở giai đoạn cuối của con đường tu tập, chính sự quán sát soi rọi những tính chất của thể nghiệm mà chấm dứt hoàn toàn khổ đau. Như vậy, ở giai đoạn đầu, giữa và cuối trên con đường tu tập do Đức Phật chỉ dạy, quán sát đóng vai trò tối quan trọng. Điều này cũng tương tự như vai trò của quan sát khách quan trong truyền thống khoa học. Truyền thống này khuyên rằng, khi quan sát một vấn đề, trước tiên chúng ta phải thiết lập một nguyên lý tổng quát theo sau bởi một giả thuyết khoa học. Chúng ta thấy phương pháp này tương tự với tiến trình của Tứ diệu đế. Ở đây nguyên lý tổng quát là ‘mọi vấn đề đều có nguyên nhân’ và giả thuyết là ‘nguyên nhân của khổ là tham dục và vô minh’. Chân lý cho rằng nguyên nhân của khổ là tham dục và vô minh được xác minh bằng phương pháp thực nghiệm. Con đường thực nghiệm trong Tứ diệu đế là Đạo đế. Qua sự thực hành Đạo đế, mà chân lý thứ hai, Tập - chân lý về nguyên nhân của khổ, và chân lý thứ ba, Diệt - chân lý về sự chấm dứt khổ, được xác minh. Qua sự thực hành Đạo đế, con người dứt trừ được tham dục và vô minh. Và bằng sự dứt trừ tham dục và vô minh, con người dứt trừ được đau khổ. Phương pháp thực nghiệm đó có thể áp dụng không giới hạn giống như trong khoa học, vì không chỉ Đức Phật đạt được sự chấm dứt khổ, mà mọi người nếu đi theo con đường đó đều đạt đến sự chấm dứt khổ đau.

Do đó, khi chúng ta quan sát kỹ cách tiếp cận của Đức Phật trên vấn đề tri kiến, chúng ta thấy rằng sự tiếp cận của Ngài rất gần với sự tiếp cận của khoa học và điều này tạo nên sự chú ý lớn ở phương Tây. Chúng ta có thể thấy vì sao chính Einstein đã viết trong tự truyện của ông rằng, ông không phải là người có tôn giáo, nhưng nếu chọn một tôn giáo thì đó là đạo Phật. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn lý do vì sao điều đó không có gì đáng ngạc nhiên khi theo dõi điều tôi sắp trình bày về phương pháp phân tích của Phật giáo và sự tiếp cận của Phật giáo với kinh nghiệm ở dưới đây.

Kinh nghiệm trong Phật giáo bao gồm hai yếu tố, yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan, nói một cách khác là sự vật chung quanh chúng ta và bản thân chúng ta, người nhận thức về những sự vật đó. Phật giáo rất nổi bật về phương pháp phân tích trong lãnh vực triết học và tâm lý học. Điều tôi muốn nói ở đây là Đức Phật đã phân tích kinh nghiệm thành nhiều yếu tố, yếu tố căn bản nhất là năm uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm uẩn lại được phân tích thành 18 giới,... Phương pháp này là phương pháp phân tích vì nó chia cắt sự vật ra thành những bộ phận nhỏ. Chúng ta không thỏa mãn với sự mơ hồ của kinh nghiệm, nhưng chúng ta phân tích nó, thăm dò nó, chia chẻ nó ra thành những bộ phận giống như tháo gỡ chiếc xe ra thành những bộ phận riêng biệt như bánh, trục,... để cuối cùng hiểu được cách vận hành của nó. Khi chúng ta ngắm một đóa hoa, nghe một bản nhạc, gặp một người bạn, tất cả những kinh nghiệm đó khởi lên như là kết quả của nhiều yếu tố. Đó là điều mà chúng ta gọi là cách tiếp cận bằng phân tích. Và cách tiếp cận bằng phân tích này không xa lạ với khoa học và triết học đương đại. Chúng ta thấy cách tiếp cận bằng phân tích được sử dụng như là then chốt trong khoa học. Trong triết học, truyền thống phân tích có thể thấy rõ nét nhất nơi Bertrand Russel. Có những nghiên cứu so sánh rất thành công giữa triết học của Bertrand Russel và triết học A-tỳ-đàm của Phật giáo. Như vậy, chúng ta thấy phương pháp trong khoa học và triết học Tây phương rất gần với phương pháp phân tích của Phật giáo. Và điều này cũng là một trong những nét đặc biệt lôi kéo sự chú ý của các tư tưởng gia và viện sĩ Tây phương đối với Phật giáo. Trong lãnh vực tâm lý học, các nhà tâm lý học Tây phương đặc biệt quan tâm đến phương pháp phân tích những tác nhân của kinh nghiệm - cảm thọ, ý niệm, thói quen,... Ngày nay, họ đến với Phật giáo để có được cái nhìn sâu xa hơn vào những nguyên lý họ tìm ra" (Buddhism: a modern perspective). (Còn tiếp)

Nguyên Hảo