Trái đất cần chúng ta hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Bởi vì biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả vô cùng lớn đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng tôi xin trình bày “Hoằng pháp với biến đổi khí hậu toàn cầu ”.
Thế giới loài người luôn phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên gây ra: bão lụt, động đất, núi lửa, sóng thần, … là những vấn đề con người phải thường xuyên gánh chịu xuyên suốt chuỗi lịch sử phát triển của mình và ngày hôm nay mức độ thảm khốc đang tăng dần lên do sự góp mặt của những tác nhân do chính con người tạo ra. Bên cạnh những thảm họa thiên nhiên, sự ô nhiễm môi trường không khí, cạn kiệt nguồn nước, đất đai xói mòn, sa mạc hóa… và đánh mất hệ sinh thái là những thảm họa kinh hoàng mà nhân loại đang đối mặt. Những thảm họa đó đang diễn ra mọi lúc mọi nơi, ai cũng biết, ai cũng thấy vì nhu cầu cuộc sống và phát triển kinh tế, thiên nhiên ngày càng bị con người đối xử tệ bạc bất chấp những rủi do khốc liệt mà loài người phải gánh chịu.
Trong báo cáo phát triển con người 2008 của UNDP và bộ tài nguyên môi trường công bố ngày 28/11 tại Hà Nội. Biến đổi khí hậu làm cho hệ thống nông nghiệp bị phá vỡ do ngày càng phải hứng chịu hạn hán, nhiệt độ tăng và lượng mưa ngày càng thất thường. Điều này khiến cho 600 triệu người phải đối mặt với nạn suy dinh dưỡng và 1,8 tỷ người phải đối mặt với sự khan hiếm nước. Tính đến năm 2050, có khoảng 332 triệu người sống ở ven biển và vùng đất trũng sẽ bị mất nhà cửa do lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới.
Riêng đối với Việt Nam nước biển dâng sẽ khiến 22 triệu người mất nhà cửa, thiệt hại lên đến 10%GDP, lượng mưa dự kiến sẽ tăng VN sẽ đối mặt với những cơn bão nhiệt đới mạnh hơn, mực nước biển sẽ dâng cao 33cm vào năm 2050 và 1m vào năm 2100. Biến đổi khí hậu làm cho một diện tích rộng lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long bị ngập trũng do nước biển dâng. Ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước của bờ biển Việt Nam nghiêm trọng nhất là các khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nam Định.
Vậy đâu là nguyên nhân của biến đổi khí hậu và các thảm họa do thiên nhiên gây ra ?
Trái đất chịu sự tác động mạnh mẽ của con người hàng nghìn năm qua, các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của con người với số lượng lớn không ngừng tăng lên nhất là từ thế kỷ 18, thời kỳ nhảy vọt về công nghiệp khoa học kỹ thuật của con người. Cho tới ngày nay các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt như than đá, khí đốt, dầu mỏ… Trong quá trình phát triển con người đã thải ra bầu khí quyển hàng tỉ tấn độc hại chủ yếu là khí cacbonic, nguyên nhân chủ yếu gây ra hiệu ứng nhà kính làm cho Trái Đất ấm lên, băng tan, nước biển dâng gây tai họa cho loài người.
Áp dụng lời Đức Thế Tôn trong xã hội ngày nay trở nên cần thiết và cấp bách để xây dựng một hành tinh bền vững, thông điệp của Đức Phật càng trở nên thích hợp khi chúng ta phải đương đầu với quá nhiều thảm họa thiên tai cùng một lúc.
Chúng ta hãy đọc một đoạn kinh Từ Bi để thấy giáo lý tình thương, sự tri túc sống thân thiện tôn trọng sự sống muôn loài. “Nguyện cho tất cả các sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, loài mạnh, những loài cao loài thấp, những loài lớn loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần những loài ở xa. Những loài đã sinh, những loài sắp sinh. Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào. Đừng ai vì ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ khốn đốn. Như một bà mẹ đang đem thân mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài .”
Chính vì vậy trong Phật giáo đã xuất hiện nhiều cá nhân và tổ chức đưa ra những giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn những việc làm gây tổn hại cho môi trường như Ngài Dalailama, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, Ni sư Chứng Nghiêm… Phong trào bảo vệ môi trường do tăng ni Phật tử khởi xướng tại các nước Srilanka, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, …bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.
Riêng đối với Việt Nam chúng ta một đất nước có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, giáo lý Từ bi, thiểu dục tri túc, tôn trọng thiên nhiên sống thân thiện với môi trường hơn bao giờ hết phải thường xuyên hiện hữu trong mỗi chúng ta, những sứ giả Như Lai trong công cuộc chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Giáo dục Phật giáo về môi trường phải được tuyên sâu rộng và thiết thực hơn nữa thông qua truyền thông và bước chân hoằng pháp của chính chúng ta giúp mọi người chuyển đổi hành vi tư tưởng, trước hết là thái độ bảo vệ rừng, đấu tranh cho quyền muông thú, đó cũng là tiếng nói của đạo đức nếu không nỗ lực và thái độ hợp lý thì một lúc nào đó vì thái độ coi thường rừng và hủy diệt các loài sống khác cũng là đang hủy diệt bản thân mình.
Giáo hội cần có nhiều khóa tu và hội thảo cho các doanh nhân doanh nghiệp hơn nữa. Giúp họ hiểu rằng phát triển kinh tế phải đồng thời với phát triển đạo đức, phát triển nhận thức về con người và thế giới. Chúng ta không phủ nhận việc phát triển kinh tế nhưng phát triển trên việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, xả ra môi trường các loại khí thải độc hại đưa xã hội băng hoại một cách nhanh nhất.
Cuộc đời Đức Thế Tôn gắn liền với thiên nhiên môi trường. Đản sinh bên một nhánh cây, thành đạo dưới một gốc cây và nhập niết bàn giữa hai cành cây. Thiên nhiên hiền hòa xinh đẹp, cỏ cây hoa lá luôn che chở cho Ngài tạo sự bình an trên mỗi bước chân đi. Với tình yêu thiên nhiên trân trọng và hiểu biết thiên nhiên như vậy, cách ứng xử của Đức Phật là Tấm gương sáng cho thời đại chúng ta. Khi loài người đang nhân danh văn minh để tàn phá những khu rừng hủy hoại thiên nhiên môi trường một cách vô tội vạ và lợi ích thiển cận thì văn hóa ứng xử của tất cả chúng ta trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Áp dụng giáo lý duyên khởi vào trong cuộc sống và hoằng pháp: “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt ”, không cái gì có thể tồn tại một cách biệt lập, con người mọi loài sinh vật môi trường có liên hệ với nhau. Giáo lý duyên khởi chỉ cho chúng ta con đường giải quyết cuộc khủng hoảng về môi trường và khí hậu toàn cầu.
Nếu chúng ta biết hạn chế các chất thải giúp cứu nguy cho thế giới, chúng ta cũng cần phải nhận thức những gì mình đang tiêu thụ cũng như hành động của mình trong thế giới tương quan mật thiết này. Chỉ như vậy chúng ta mới bảo vệ được Trái Đất - hành tinh xanh của chúng ta trước sự diễn biến phức tạp của môi trường khí hậu toàn cầu./.
(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)
Đại đức Thích Nguyên Quang
Ban Hoằng pháp tỉnh Thanh Hóa