Hơi thở ý thức đưa tâm rong ruổi trở về với thân thể. Ta hồi phục được con người toàn vẹn. Thông thường, tâm ta bận về quá khứ hay lo nghĩ tới tương lai hoặc đi lang thang về một chân trời xa xôi nào đó. Ta suy nghĩ vẩn vơ đủ thứ trên đời. Ta hối tiếc những gì đã qua và lo lắng những gì chưa tới. Sống mà thật sự không biết ta đang sống, không có sự tiếp xúc, cho nên sự sống ẩn hiện một cách mờ mờ, ảo ảo như một giấc mộng. Ta không có khả năng thưởng thức nắng chiều ấm áp, không thở được không khí trong lành của miền núi cao, không nếm được hương vị thơm ngon của bữa cơm. Thân ở đây mà tâm đã đi mất rồi. Do đó, ta không biết ta là ai?
Bởi vậy, ta hãy nhớ thắp lên ánh sáng chánh niệm bằng công phu tu tập hàng ngày như: lạy Bụt, tọa thiền, thiền hành, hơi thở, bước chân. Trở về với ta, an trú trong hiện tại, tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm là mục tiêu quan trọng nhất. Nghệ thuật tâm linh tột đỉnh là sống bình thường với tất cả sự chú tâm và tỉnh táo để có thể trở thành một với những gì đang xảy ra. Khi ăn biết đang ăn. Lúc uống biết đang uống. Khi đi biết đang đi. Lúc buồn biết đang buồn…
Ta biết thưởng thức hương vị thơm ngon của ly trà nóng. Cũng ly trà ấy, đối với người khác là vô nghĩa, là chuyện tầm thường. Nhưng đối với ta, nó hết sức quí giá. Không những ta nếm được hương vị thơm ngon của nó mà biết rõ ràng ta đang còn sống, đang được uống ly trà với tất cả sự thương yêu và cẩn trọng. Ta thấy được vườn trà xanh mát ở Thái Nguyên, Bảo Lộc hoặc Buôn Mê Thuộc và công phu lao tác của những người nông dân cần cù cực khổ. Thấy như thế, lòng ta tràn ngập sự biết ơn đối với mọi người.
“Biết” chính là tỉnh thức, là cõi hiện tại, là con người toàn vẹn. Cái biết này sẽ lớn lên một cách nhạy bén theo năm tháng. Nhờ vậy, ta có thể thấy được đường đi nẻo về của tâm ý, có cơ hội hiểu được con người thật trong ta. Nếu chưa biết sống, chưa có cơ hội tỉnh dậy để tiếp xúc với sự sống thì ta cũng không thể nào biết được chết là gì? Ta thử thực tập như thế này nhé.
Thở vào, ta biết ta đang còn sống
Thở ra, ta mỉm cười với ta.
Bông hoa nhân quả
Chỉ cần nhìn vào cách sống trong hiện tại thì ta có thể bắt đầu thấy được kết quả trong tương lai, không cần phải tìm câu trả lời từ người khác, thời gian khác hoặc nơi chốn khác. Thông thường, người ta dùng giáo lý nhân quả nghiệp báo để trả lời cho câu hỏi này. Họ thường nói:
“Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc.
Gieo gió gặp bảo,
Nghiệp người nào thì người nấy trả…”
Trả lời như thế đã có thể lóe lên một tia sáng về nơi chốn và hậu quả trong tương lai. Tuy nhiên, câu trả lời ấy chỉ mới trúng một phần, bởi vì trong nhân gian cũng có câu:
“Cha ăn mặn con khát nước,
Phước đức ông bà để lại cho con cháu,
Bụng làm dạ chịu…’’
Điều này chứng tỏ giáo lý ‘nhân quả nghiệp báo’ rất sâu sắc và vi diệu. Tuy thế, ta có thể nhìn nhân quả nghiệp báo vận hành tối thiểu theo hai đường hướng: Đó là nghiệp chung (cộng nghiệp) và nghiệp riêng (biệt nghiệp).
Trước hết, ta phải hiểu nghiệp là gì? Chữ ‘nghiệp’ được dịch từ chữ ‘karma’ trong Phạn ngữ có nghĩa là hành động (action). Nghiệp gồm có ba loại: hành động của thân thể (thân nghiệp), hành động của lời nói (khẩu nghiệp) và hành động của suy tư, ý nghĩ (ý nghiệp). Ba loại hành động này mỗi khi phát ra thì chúng biến thành năng lượng ảnh hưởng tới bản thân, con người và hoàn cảnh chung quanh. Một câu nói có thể làm cho người khác sung sướng, hạnh phúc và tin yêu hoặc có thể làm cho kẻ khác buồn tủi, đau khổ và tuyệt vọng. Mỗi hành động, mỗi suy tư cũng đều như thế.
Thầy Linh Tuyền là tri viên của chùa Từ Dung ở Hà Tiên. Mỗi khi chăm sóc cho hai cây trà mi trong chậu, thầy thường phát ra ý nghĩ khen ngợi, tán thán cây trà mi bên phải: “Con thật xinh đẹp, xanh tươi, mạnh khỏe, đáng quí”. Trong khi đó, thầy nguyền rủa cây bên trái: “Mi thật là xấu xí, già nua, đáng ghét, vô tích sự.” Thầy làm công việc suy tư như vậy đối với hai cây trà mi thường xuyên trong thời gian ba tháng. Kinh ngạc thay! Cây trà mi bên phải càng ngày càng xanh tươi, nở thật nhiều bông hoa xinh xắn. Trái lại, cây trà mi bên trái trở nên èo ọp, héo mòn. Nó chẳng nở được bao nhiêu hoa mà hoa lại rất xấu. Đó là cách thí nghiệm của thầy để thấy rõ sự tác động của ý nghĩ trên hai cây trà mi. Thầy làm như thế thật tội nghiệp cho cây trà mị bên trái.
Giáo sư Emoto Masaru là người Nhật đã để mấy mươi năm nghiên cứu
về sự ảnh hưởng của lời nói và suy tư của con người trên nước. Ông lấy một ly nước trong để thử nghiệm với âm thanh. Ông cho ly nước nghe nhạc rock, rồi bỏ nó vào tủ lạnh cho đến lúc trở thành băng. Ông mới lấy một miếng băng nhỏ phóng lớn lên để có thể chụp được hình các nguyên tử nước. Khi chưa nghe nhạc thì nguyên tử nước có hình như một bông hoa hay ngôi sao rất đẹp. Nhưng sau khi nghe nhạc, nguyên tử nước vỡ ra từng mảnh như đang run rẩy. Ông lại thí nghiêm ly nước trong này với lời nói hung dữ như tao giết mày thì cuối cùng thử nghiệm, nguyên tử nước không còn giữ được hình nguyên vẹn như là một bông hoa hay ngôi sao mà bị méo mó. Ông kết luận nước có cảm giác, và đời sống con người ảnh hưởng sâu đậm trên nước. Con người có thể làm nước trong hơn bằng lời nói, suy tư dễ thương, lành mạnh hoặc ô nhiễm hơn bằng lời nói hung dữ và không lành của mình.
Chuyện này chẳng có gì phải nghi ngờ nữa. Ý nghĩ trong sáng, lành mạnh luôn tạo ra năng lượng nhẹ nhàng, an vui. Ý nghĩ đen tối, độc hại chắc chắn tạo ra năng lượng nặng nề, buồn đau. Năng lượng lành hay dữ đều biểu hiện rõ ràng trên nét mặt và đời sống của ta.
Vợ chồng anh Minh có sáu đứa con nhóc nheo nên cả vợ lẫn chồng làm lụng vất vả mà vẫn luôn luôn thiếu hụt. Trận lụt năm 1999 ảnh hưởng khắp xứ Huế, nặng nhất là ở các thị xã ven sông và hai bên đồng ruộng. Gia đình anh Minh mất hết của cải, vườn tượt, mùa màng. Nhà cửa đều hư hoại. Do đó, cả nhà phải nhịn đói lâu ngày. May mắn thay! Có ông chú họ từ ngoại quốc trở về thăm quê hương, thấy tình cảnh như thế, liền giúp cho gia đình anh một số tiền nhỏ để sống cầm chừng cho qua những ngày túng thiếu. Cả nhà vợ con đều hết sức sung sướng, mừng mừng tủi tủi. Anh Minh cảm thấy nhẹ nhõm cả tâm hồn. Đang vui phơi phới, bỗng nhiên, anh khởi lên ý tưởng muốn ăn món cá thu kho với bún tươi còn nóng hổi. Đói khát đã lâu ngày nên ước muốn ấy tạo ra một sự thèm khát đến nổi nước miếng cứ trào ra trong miệng anh. Ước muốn ấy là năng lượng, là hành động của ý (ý nghiệp). Nó thúc đẩy anh phải đi lên tới chợ Đông Ba tìm mua cá thu cho bằng được. Hành động đi ra chợ chính là năng lượng thôi thúc của thân thể. Ra tới chợ, thấy những con cá thu còn tươi xanh và ngon lành, anh liền mua đem về nhà. Đó là năng lượng thèm khát của thân thể (thân nghiệp). Trong khi đó, vợ con thiếu ăn đã nhiều ngày nên thân thể của họ ốm o. Lúc nấu món cá thu, người vợ liền than thở: “Anh không nên tiêu pha như thế! Anh phải biết thương vợ thương con. Tiền của chú cho không có bao nhiêu. Chúng ta hãy cần kiệm để sống qua cơn nghèo đói này.” Vừa nghe như thế, lòng tự ái của anh Minh lập tức nổi lên. Anh la mắng, rầy rà người vợ không tiếc lời. Đó là năng lượng nóng nảy của lời nói (khẩu nghiệp). Bực mình quá, anh không ở nhà ăn món cá thu cùng vợ con mà cùng chúng bạn nhậu nhẹt bia rượu hết cả số tiền. Cuối cùng, gia đình anh Minh trở lại tình trạng thiếu thốn như trước.
Chỉ một ý tưởng thèm ăn món cá thu kho với bún tươi khỏi lên cũng đủ làm anh Minh tạo ra bao nhiêu đau khổ cho vợ con. Một món cá thu kho chẳng tốn kém bao nhiêu, nhưng vì tự ái nên anh tiêu sạch hết mấy trăm ngàn của chú, làm cho vợ con phải chịu đói khát. Thật tội nghiệp!
Đây là câu chuyện có thật. Nó có thể thường xảy ra cho các gia đình, không phải chỉ vì món cá thu như trường hợp của anh Minh mà là sự bất đồng ý kiến, tự ái, nghi ngờ, cờ bạc, nhậu nhẹt… đã làm khổ đau cho nhau và làm tiêu tan hạnh phúc gia đình. Có lúc hành động đưa tới đau khổ gọi là ác nghiệp như trường hợp trên. Cũng có lúc, hành động đem lại an vui, hạnh phúc gọi là thiện nghiệp như bố thí, thương yêu, chăm sóc… Gặp lúc thiên tai, lụt lội, kẻ ít người nhiều góp sức gửi tiền về giúp đồng bào đang đói khát, rét lạnh, bệnh tật. Nhờ lòng thương xót của ta, biết bao người có cơm ăn, áo mặc và thoát khỏi nạn bệnh tật, chết chóc. Đó là những hành động lành có sẵn trong tâm của mỗi người.
Từ năm 1975 đến 1978, đồng bào vượt biển bị các nhà cầm quyền Mã Lai Á, Singapore, Thái Lan đối xử một cách tàn tệ. Họ không muốn phiền hà bởi sự chứa chấp những người tỵ nạn. Cảnh sát của họ cứ xô đẩy những chiếc thuyền gần như mục nát đầy ắp người ra biển trong lúc mưa to gió lớn. Họ chẳng thương tưởng gì tới tính mạng, sự than khóc, kiêu la cầu cứu của người tỵ nạn. Bên cạnh ấy, đồng bào bị hải tặc Thái Lan hiếp dâm, cướp bóc và chém giết. Cảnh tượng này thật kinh hoàng! Đau khổ thay cho những người vượt biển! Lúc ấy, thế giới chưa biết gì tới tình hình của những người tỵ nạn. Do đó, nhà cầm quyền các nước ấy và hải tặc Thái Lan tha hồ đàn áp, cướp bóc và hãm hiếp thật tàn bạo, tạo ra biết bao cảnh tan thương và chết chóc!
Sư ông Làng Mai tổ chức ba chiếc thuyền bí mật để cứu người tỵ nạn. Tổ chức ấy có tên ‘máu chảy ruột mềm’. Đích thân Sư Ông điều khiển chương trình cứu người vượt biển. Đồng bào đau khổ thì Sư Ông cũng đau khổ không kém. Đó là hành động đại từ đại bi của một người bằng xương bằng thịt. Người đã cứu vớt được hàng trăm người vượt biển. Cũng chính nhờ thế, các nước trên thế giới mới biết về sự có mặt của lớp người tỵ nạn bằng thuyền (the boat people) ở các vùng Đông Nam Á. Nhờ vậy, liên hiệp quốc đã xen vào các nước ấy để bảo vệ nhân quyền (human right) và đồng thời tìm nước định cư cho họ.
Nghiệp chung là tổng cộng những hành động của một gia đình, một dòng họ hay một đất nước. Việt Nam là một nước có nhiều chiến tranh binh lửa trong suốt chiều dài lịch sử. Tổ tiên của ta đã hy sinh biết bao xương máu tranh đấu với người phương Bắc để thoát khỏi vòng đô hộ, bóc lột, đồng hóa của họ. Sở dĩ, bây giờ vẫn còn dòng giống Lạc Hồng, đó là nhờ vào sức chiến đấu của tổ tiên qua nhiều thế hệ. Ta hăng hái quyết đánh thắng kẻ xâm lăng. Nhưng hết giặc rồi thì những người trong nước lại đánh nhau, điển hình là thời tiền Lê có thập nhị sứ quân, hậu Lê có Trịnh Nguyễn phân tranh, đến Tây Sơn, cuộc chiến Nam Bắc… Bởi thế, trong dòng máu và bản năng người Việt luôn có sẵn năng lượng mạnh mẽ của sự tranh đấu để sống còn. Đó là kết quả phấn đấu bao đời của tổ tiên đã trao truyền lại cho con cháu, và năng lượng này đã trở thành bản năng sinh tồn của người Việt. Chuyện tranh đấu này cũng thâm nhập vào trong các gia đình giữa anh chị em ruột thịt với nhau. Đó là năng lượng chung, nghiệp chung, hành động chung không lành lắm tạo ra biết bao đau khổ cho người Việt.
Nghiệp riêng là hành động riêng của từng cá nhân, từng gia đình. Gia đình cũng có thể tạo ra hành động riêng khi so sánh hành động của làng xóm hay đất nước, nhưng rõ ràng hơn hết là nghiệp của mỗi cá nhân. Trong một gia đình có năm người con nhưng không có ai giống ai cả. Mỗi người có một tính nết riêng biệt, có người hiền lành, có người hung dữ, có người thông minh, lanh lẹ nhưng cũng có người ù lì, chậm chạp. Cũng cùng một cha mẹ nhưng năng lượng, tính tình, khả năng, dáng vóc của mỗi đứa mỗi khác do sự trao truyền khác biệt của ông bà tổ tiên, và đặc biệt là do nghiệp riêng của từng người con.
Cùng đi trong một chiếc xe, cả bốn người đều chết trong một tai nạn chỉ trừ em bé mới hơn một tuổi vẫn còn sống. Em bé ấy bị văng ra khỏi hai tay của mẹ, lọt qua cửa xe và rơi ngay vào dòng sông. Nên em không bị thương tích trầm trọng gì cả. Tại sao thế? Theo cách hiểu của một số người, đó là nhờ vào năng lượng lành của em bé trong quá khứ. Cho nên em được bình an vô sự. Có người lại bảo em bé may mắn mà thôi. May mắn cũng được hoặc năng lượng lành cũng được, miễn sao là em bé vẫn còn sống là quí lắm rồi.
Nghiệp riêng cũng có thể hiểu theo cách di truyền và giáo dục. Bố là bác sĩ thì con cái có cơ hội trở thành bác sĩ nhiều hơn. Sống bên bố nên các con tự động bắt chước công việc của bố. Đó là chưa nói tới hạt giống y học đã có sẵn trong tâm thức của bố trao truyền lại cho con cái. Mẹ là cô giáo thì con cái cũng có cơ hội trở thành cô giáo nhiều hơn. Đó là một sự thật thường xuyên xảy ra. Nghiệp riêng của gia đình là năng lượng, tài năng, kinh nghiệm, kiến thức được huân tập qua nhiều thế hệ. Bởi thế, cha mẹ sống hạnh phúc, thương yêu nhau thì lớn lên tự động các con cũng biết thương yêu và sống hạnh phúc với vợ hay chồng của chúng.
Đó là ý nghĩa của sự huân tập, trao truyền và giáo dục để hành động, bản tính và tâm tư của mỗi người trở nên lành mạnh, đẹp đẽ thì gia đình và xã hội cũng sẽ lành mạnh, đẹp đẽ.
Thạch Lang