Chùa
Mía: Danh lam nổi tiếng xứ đoài, có hiệu là “Sùng nghiêm tự” cách
thủ đô Hà Nội chừng 45km về phía Tây. Chùa được xây dựng trên một quả đồi nằm
giữa làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Tỉnh Hà Tây. Đường Lâm vốn
là mảnh đất vốn nổi tiếng với các tên tuổi: Phùng Hưng, Ngô Quyền…. lại còn
được nhiều người biết đến nhờ có tổ đình Sùng Nghiêm.
Tượng Phật ở Chùa Mía không chỉ đặc sắc về hình dáng, mà còn phong phú về số lượng. Trong Chùa hiện thờ 287 tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng mộc và 174 tượng thổ. Trăm pho trăm vẻ, nhưng pho nào cũng tạo ra một kiểu dáng sống động, màu sắc chế phối hài hòa. Từ cử chỉ của ngón tay đến cài nhìn của khóe mắt, đều cho khách viếng thăm thấy được nét độc đáo phi phàm mà lại đầy vẻ từ bi hỷ xả: “Người xưa đã tạc bao nhiêu tượng, đầy vẻ từ bi dáng cứu đời.”
CHÙA MÍA SƠN TÂY
Ni sư Thích Đàm Cẩn
Chùa Mía có hiệu là “Sùng nghiêm tự” cách thủ đô Hà Nội chừng 45km về phía Tây. Chùa được xây dựng trên một quả đồi nằm giữa làng Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Tỉnh Hà Tây. Đường Lâm vốn là mảnh đất vốn nổi tiếng với các tên tuổi: Phùng Hưng, Ngô Quyền…. lại còn được nhiều người biết đến nhờ có tổ đình Sùng Nghiêm.
Chùa Mía được xây dựng từ mãi xa xưa. Đến thế kỷ 17, Chùa bị hoang phế điêu tàn. Năm 1632 Cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dong đã đứng ra khuyến mộ thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh, Cam Toàn… thuộc tổng Cam Giá (tức Tổng Mía) cùng nhau tôn tạo lại. Cung Phi Ngọc Dung còn gọi là Ngô Thị Ngọc Diệu, là phi tần trong phủ chúa Trịnh Tráng (1623 – 1657) vốn là người làng Nam Nguyễn (Nam An) trong Tổng Mía. Nhân dân trong vùng mến mộ uy đức của Bà, đã tạc tượng đưa vào phối thờ ở Chùa và còn có đền riêng. Vì tôn kính nên gọi là “Bà Chúa Mía.” Về sau Chùa được tu bổ nhiều lần, song đến nay quy mô tôn tạo thời Bà chúa Mía dường như vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Các tòa Tam Quan, Chính Điện, Thượng Điện, Nhà Tổ, hành lang san sát nối kề, trong ngoài bao bọc, ngang dọc đan xen, tọa dáng thành hình chữ Mục.
Khách đến thăm Chùa, đi qua khu chợ làng Mía tấp nập đông vui “họp cả quanh năm bốn thì”, là nhìn thấy cửa Tam Quan. Tầng trên của Tam Quan treo lơ lửng một quả chuông cổ đúc từ năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) đời Lê và một chiếc Khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đời Nguyễn. Sát ngay cạnh Tam Quan có một cây đa cổ thụ tán phủ rườm rà, cành lá xum xuê rễ cây đâm ra tua tủa bám sâu vào lòng đất, dễ chừng cây đã sống đến mấy trăm năm.
“Trải bao thế kỷ dầm mưa nắng
Vẫn đứng an nhiên gác cửa Thiền”
Phía trong gốc đa là một khoản không thoáng đãng thanh tịch, yên tĩnh lạ thường. Đúng như nhận xét của người xưa:
“Chùa cổ thâm nghiêm, chỉ tiếp khói mây làm lữ khách
Vườn rừng rộng rãi, chỉ nương hoa cỏ biết xuân thu.”
Ngoài kia họp chợ đông vui là thế, trong này cảnh Thiền u huyền là thế, thật là “chỉ cách một bước chân là xa hẳn hồng trần.”
Đỉnh đồi cùng ngọn đa cổ thụ là tòa bảo Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa. Tòa Tháp mới được xây dựng gần đây để thờ vọng Xá Lợi Đức Phật, và cũng là ngọn bút kình thiên bổ túc và trấn giữ cho mạch văn ở làng quê Đông Sàng này.
Lần theo một lối đi lát gạch cổ, rêu xanh lấm tấm, đến Bát Nhã môn để vào nội điện:
“Men tho lối cũ thăm Thiền Viện
Nghe tiếng chim kêu ngắm cỏ hoa.”
Qua khỏi Bát Nhã môn liền thấy một tòa Cổ Sái trang nghiêm:
“Lâu đài lóng lán thêm huyền diệu
Chuông mỏ nhịp nhàng vẽ tịch u.”
Khu nội điện gồm Tiền Đường, Đại Hùng Bảo Điện, Thượng Điện…. được cấu trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc” trong thật bề thế, đủ để phô diễn mọi vẻ uy nghi chốn Phật đường.
Bề ngoài là Tiền Đường cao ráo thoáng đạt, vốn là nơi để khách thập phương dừng chân soạn lễ, chỉnh đốn tư thế trước khi lên Chính Điện chiêm bái Tam Bảo. Nay mới đặt thêm Ban thờ Mẫu. Phía trái Tiền Đường dựng một tấm bia lớn đặt trên lưng rùa, lòng bia ghi rõ niên đại Đức Long thứ 6 (1632) đời Lê. Đây là một tấm bia có kích cở lớn nhất và cũng là bia có niên đại cổ nhất ở khu vực Chùa. Trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Phía dưới là đài sen rực rỡ. Diềm bia chạm hoa cúc liền sát nhau đan thành dây leo bao phủ. Nét khắc mềm mại uyển chuyển, càng làm Tăng thêm vẽ uy nghi cho những hàng chữ Hán đang tung hoành ngang dọc trên bia.
Bên trong là tòa Đại Hùng Bảo Điện đồ sộ. Tượng thờ được bài trí trang nghiêm, khói hương nghi ngút đan quyện với tiếng chuông ngân đã giúp khách viếng thăm hình dung được phần nào quang cảnh Tây Thiên Linh Thứu.
Trong cùng là Tòa Thượng Điện, nơi đặt tòa kim cương của Tam Thế Phật, hai bên là tả hữu hành lang thờ Thập Bát La Hán.
Chùa được làm bằng nhiều loại gỗ quý. Nhiều bức được chạm khắc công phu như hình tứ linh, hình hoa lá. Bức nào cũng tinh tế gợi cảm, huyền diệu vô cùng.
Tượng Phật ở Chùa Mía không chỉ đặc sắc về hình dáng, mà còn phong phú về số lượng. Trong Chùa hiện thờ 287 tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng mộc và 174 tượng thổ. Trăm pho trăm vẻ, nhưng pho nào cũng tạo ra một kiểu dáng sống động, màu sắc chế phối hài hòa. Từ cử chỉ của ngón tay đến cài nhìn của khóe mắt, đều cho khách viếng thăm thấy được nét độc đáo phi phàm mà lại đầy vẻ từ bi hỷ xả:
“Người xưa đã tạc bao nhiêu tượng
Đầy vẻ từ bi dáng cứu đời.”
Đáng lưu ý nhất là một số pho tượng như pho Tuyết Sơn, tượng bá Đại Hòa Thượng, tượng Bồ Tát Nam Hải Quan Thế Âm, tượng Bát Bộ Kim Cương, tượng Tứ Bồ Tát, tượng 2 Thái tử Thiện Hữu, Ác Hữu, tượng Bà Chúa Mía…
Pho tượng Tuyết Sơn tượng trưng cho Đức Phật khi tu khổ hạnh ở Khổ Hạnh Lâm, vừa có cái gì rất gần gũi với chúng sinh, lại vừa có cái gì rất cao siêu mà muôn kiếp người thường không thể đạt tới được.
Pho tượng Bá Đại Hòa Thượng đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc. Nét mặt luôn tươi cười hoan hỉ của đức Đại từ đủ làm tiêu tan mọi nổi u sầu của kiếp phù sinh, hoặc chí ít cũng làm thư giãn một phần nét mặt khắc khổ của người phàm trong cõi đời.
Pho tượng Bồ Tát Nam Hải Quan Thế Âm có khuôn khổ khác thường. Tượng cao 120cm, có 12 cánh tay đan lồng vào nhau, tay giơ lên, tay buông xuống nhịp nhàng, tưởng chừng không có lúc nào dừng lại.
Hệ thống tượng Phật cùng với công trình kiến trúc Chùa Mía đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin đánh giá là một di tích đặc biệt quan trọng của cả nước. Hiện nay nhà Chùa cùng với địa phương được sự giúp đỡ chỉ đạo của ngành văn hóa thông tin đang từng bước tôn tạo để cho Chùa Mía xứng đáng với vị trí đặc biệt quan trọng mà Bộ Văn Hóa Thông Tin đã tôn vinh.