Ngôi chùa đã quá nổi tiếng với tuổi đời ngót nghét trên 1500 năm lịch sử. Một ngày tới chùa Trấn Quốc bạn còn khám phá được rất nhiều điều thú vị.
Nằm cuối đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên), trên bán đảo phía Đông Hồ Tây (Yên Phụ, Tây Hồ) với lịch sử 1500 năm chùa Trấn Quốc được coi là chùa có lịch sử lâu đời nhất của Thăng Long - Hà Nội và cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam.
Chùa được xây từ thời vua Lý Nam Đế (544 – 548) ở bãi bên sông Hồng thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên là chùa Khai Quốc (mở nước). Sau rất nhiều lần đổi tên nhân dân vẫn quen gọi tên chùa là Trấn Quốc – được đặt vào cuối thể kỷ 17, đời vua Lê Hy Tông.
Cũng giống như hầu hết những ngôi chùa khác trên đất nước Việt Nam, chùa Trấn Quốc có nhiều nếp nhà, nhiều tượng Phật từ thấp đến cao, từ to đến nhỏ, vàng son lấp lánh, hương khói quanh năm.... Chùa có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công.
Nhưng kiến trúc lại mang những nét riêng khác rất đặc biệt với quy mô khá rộng. Đến chùa du khách không chỉ lễ Phật cầu kinh mà còn được đắm mình vào không gian của nghệ thuật của thiên nhiên hài hòa, thấy hồn mình tĩnh tại giữa những dấu xưa mang hồn đất Việt ngàn đời.
Nằm giữa những con sóng mênh mang của trời đất hồ Tây đã tạo cho du khách những cảm nhận về sự uy nghi cổ kính của công trình kiến trúc và vẻ đẹp thanh nhã, yên bình của cảnh sắc ven hồ.
Qua con đường cong cong trải bóng hàng dừa cao vút là khu Vườn tháp với nhiều ngôi tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng thế kỷ 18. Đặc biệt là tòa bảo tháp lục độ đài sen có 11 tầng, cao 15 mét, diện tích mặt sàn 10,5 m vuông.
Mỗi tầng tháp gồm 6 ô cửa vòm, có tượng Phật A Di Đà bằng đá quí. Tổng số tượng của tháp là 66 pho và trên đỉnh có 9 tầng đài sen cũng bằng đá quí (cửu phẩm liên hoa). Đứng dưới chân tháp thành tâm chắp tay cầu Phật, làm cho tâm ta như hòa cùng vào trời đất, hồn người chợt lắng lại giữa cái sắc sắc không không hư hư thực thực của một kiếp người.
Từng tiếng chuông chùa ngân nga như làm chìm lấp đi hết những ồn ào của phố phường nhộn nhịp. Từng làn khói trầm hương nghi ngút, phẩng phất vẻ thanh tịnh trong cái vô thường. Đi từ nhà nhà thiêu hương và thượng điện tới gác chuông không chỉ làm cho lòng người thanh lọc giữa cõi Phật.
Mà hơn hết trong từng những mái ngói rêu phong cổ kính, trong từng những nét chạm trổ nổi lên trên từng thớ gỗ trong mỗi nếp nhà bình yên, trong từng nét chữ xưa trên bia đá ta nghe như lắng đọng dư vị của thời gian mang hồn xưa của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến có nét uy nghi mà vẫn rất đỗi giản dị, khiêm nhường.
Chiều Trấn Quốc, giữa cái bình lặng của trời nước, ráng chiều đỏ đổ nhuốn trên mặt nước, phảng phất vị đời hòa theo từng nhịp chuông chùa đều đều mang theo những nét xưa cổ kính lòng người như được rửa đi một phần thế tục thanh lọc trong cái yên bình giữa thinh không.
Đỗ Hồng Khanh