Trường Cốc Tự Đạo Tràng Của Quán Thế Âm Bồ Tát Và Hoa Mẫu Đơn Nhật Bản

Chùa Trường Cốc là ngôi chùa cổ thuộc thời đại Nại Lương Nhật Bản và là Tổng Bản Sơn của tông phái Mật Tông thuộc hệ phái Phong Sơn. Tượng thờ chính bổn tôn Chùa Trường Cốc là Đức Thập Nhất Diện Quán Thế Âm Bồ Tát, Chùa Trường Cốc là ngôi chùa thứ 8, thuộc 33 Đạo Tràng nơi có sự hiển linh của Bồ Tát Quán Thế Âm ở Thời Tây Quốc Nhật Bản.

Chùa Trường Cốc bắt đầu trở thành danh lam nôi tiếng ở Nhật Bản vào thời kỳ Bình An, thời kỳ này tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm hưng thạnh ở Nhật Bản, tầng lớp quý tộc cũng như nhân dân đều sùng phụng Bồ Tát Quán Thế Âm. Vào Năm thứ Nhất của niên hiệu Vạn Thọ Nhật Bản (1024) Đằng Nguyên Đạo Trưởng đến Trường Cốc Tự tham bái, từ đó về sau được chùa được tầng lớp võ sĩ cũng như nhân dân tín ngưỡng và sùng bái.

Chùa Trường Cốc do ngài Đạo Minh Thượng Nhân khai sơn năm 686 tạo hình tượng pháp hoa thuyết pháp đồ bằng đồng để phụng thờ tại chánh điện. Năm 727 Ngài Đức Đạo Thượng Nhân vâng lệnh Thánh Vũ Thiên Hoàng tạo tượng Thập Nhất Diện Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm gia hộ cho Thiên Vũ Thiên Hoàng.

Nhưng truyền thuyết kể rằng Ngài Đức ĐạoThượng Nhân nằm mộng theo sự chỉ dạy của Bồ Tát Quán Thế Âm tạo hai tượng Bồ Tát Quán Âm bằng gỗ thật lớn một tượng tôn trí tại chùa Trường Cốc Nại Lương và một tượng thả trôi trên biển, khi trôi đến bờ biển Liêm Thương Trường Cốc thì dừng lại, người dân ở đó vớt lên và lập chùa để phụng thờ, pho tượng Bồ Tát chùa Trường Cốc nổi tiếng linh thiêng, từ đó phong trào tham bái Trường Cốc Tự cầu nguyện sự gia hộ của Bồ Tát Quán Thế Âm rất thịnh hành ở Nhật Bản.

Trong sách tuỳ bút thời Bình An Chẩm Thảo Tử và tiểu thuyết Nguyên Thị Vật Ngữ đều có đoạn nhắc đến việc đi chùa Trường Cốc lễ bái Quán Âm Bồ Tát để cầu nguyện.

Kiến trúc Chùa Trường Cốc còn lại cho đến ngày nay đa số thuộc thời kỳ Minh Trị Thiên Hoàng, duy chỉ có vũ đài và bổn đường là kiến trúc có từ thời Giang Hộ, nay được coi là quốc bảo của Nhật Bản. Tượng Thập Nhất Diện Quán Thế Âm Bồ Tát ngày nay được thờ trong Chánh Điện là tác phẩm điêu khắc của thời đại Bảo Đinh Nhật Bản, Tượng Cao 10m làm từ một khối gỗ và được sơn son thếp vàng và là pho tượng Bồ Tát Quán Âm bằng gỗ nguyên khối lớn nhất Nhật Bản, tượng được tạc theo tướng người nam tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm bình cam lộ với ý nghĩa độ sanh và độ tử, sự hợp nhất ý nghĩa hình tượng Bồ Tát Quán Âm và Địa Tạng.                     .

Di Tích của ngài Tổ Khai sơn còn lại cho đến ngày nay là tháp Thiên Phật Đa Bảo bằng đá cao 13 tầng, bốn phía tháp còn có tôn trí vô số tượng Địa Tạng Bồ Tát nhỏ do những người tín đồ cầu nguyện được ứng nghiệm nên phát tâm tạo tượng để tạ ơn, gọi là thiên Phật Địa Tạng, tháp  là kiến trúc sơ khai của chùa, ngoài ra nơi ở ngày xưa của Tổ khai sơn có Pháp Khởi Viện để thờ tượng của ngài và là tháp thờ xá lợi của ngài có một hòn đá gọi là Đá cởi dày, truyền thuyết cho rằng nếu như ai thành tâm cầu nguyện sờ vào hòn đá này thì tâm nguyện sự thành vạn sự như ý muốn.

Ngoài ra chùa Trường Cốc cò có một trường lang rất dài che cho 399 bực cấp lên chùa, trong trường lang có treo một loại lồng đèn đặc trưng của chùa Trường Cốc.

Chùa Trường Cốc ngoài sự nổi tiếng về linh nghiệm của Bồ Tát Quán Thế Âm còn có một nét đặc biệt hấp dẫn nữa đó là vườn Hoa Mẫu Đơn và hoa Đỗ quyên của chùa, trong vườn Chùa Trường Cốc có hơn 7000 gốc hoa Mẫu Đơn gồm 150 chủng loại, mỗi năm cứ đến khoảng trung tuần tháng 4 đến thượng tuần tháng 5 hoa Mẫu Đơn thạnh khai, hoa Đỗ Quyên khoe sắc.

Đến chùa Trường Cốc mọi người sẽ có cảm giác như đang đi giữa một biển hoa đủ màu, đủ sắc, đủ dáng, đủ duyên hầu như không thiếu một giống Hoa Mẫu Đơn nào, đây là nét đẹp văn hoá tiêu biểu của Đạo Tràng Bồ Tát Quán Âm Nhật Bản.

Thích Tâm Mãn

(chuaminhthanh.com)