Ngày mai (7/3 âm lịch), chùa Láng lại vào lễ hội truyền thống - lễ hội thường niên của ngôi chùa đã được lịch sử ghi nhận là "Danh lam bậc nhất thế gian, ít chùa nào sánh nổi.
Khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch, bên tả lượn vòng". Đó là lời ca ngợi của tiến sỹ Nguyễn Khả Trạc (1598 - 1672) dành cho chùa Láng (Chiêu thiền tự) ghi trong văn bia đặt tại chùa.
Chùa Láng có 198 pho tượng lớn nhỏ, 39 hoành phi, 31 câu đối, 15 tấm bia đá, lưu giữ 12 đạo sắc phong của các vua triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Tấm bia tạo dựng năm 1656 cao 1,4 mét, rộng 0,8 mét có hoa văn rồng chầu mặt nguyệt, hai bên riềm có phượng chầu hoa sen và hai tiên nữ với đôi cánh dướn bay lên trời xanh. Đáng chú ý là ngoài các tượng Phật, ở hậu cung có tượng vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) ngồi trên ngai vàng và tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh mặc áo cà sa.
Không phải ngẫu nhiên mà chùa Láng chọn thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thật ra, xung quanh ông có nhiều truyền thuyết kỳ ảo. Ông học pháp thuật để giết Đại Điên, trả thù cho cha. Sau ông vào chùa, đi tu và trút xác, đầu thai thành Lý Dương Hoán, tức vua Lý Thần Tông. Ở chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) có hang "hóa" là nơi Từ Đạo Hạnh trút xác thành vua nhà Lý vào ngày mồng 7 tháng ba âm lịch. Chùa Thầy cũng thờ Từ Đạo Hạnh như chùa Láng. Từ Đạo Hạnh còn được tôn vinh là tổ sư của nghề múa rối nước.
Hội chùa Láng nay mai lại tiếp tục tường thuật lại cuộc chiến giữa Từ Đạo Hạnh và Đại Điên - hội của sáu, bảy làng ở hai bên bờ sông Tô Lịch. Sau nhiều năm chiến tranh và đời sống khó khăn, lễ hội chùa Láng không đi về trong đời sống người dân làng Láng nữa. Cho đến năm 1995, lễ hội này mới được khôi phục và được duy trì đều đặn cho tớihôm nay.
Thu Hoa
Nguồn: Hanoinet